Saturday, January 4, 2025

TT CARTER VÀ THUYỀN NHÂN


Tuần rồi, tin lớn với nước Mỹ và dân tị nạn Việt là tin cựu TT Jimmy Carter qua đời, đại thọ đúng 100 tuổi. Ngay khi tin TT Carter qua đời, nhiều emails đã được tung ra trong cộng đồng tị nạn than khóc ông, vài hội đoàn đã ra thông cáo khóc ông như là một đại vĩ nhân, một đại ân nhân cho các thuyền nhân Việt vì ông là người đã giang tay ra cứu cả vạn thuyền nhân vào Mỹ tị nạn. Theo một vài người hiểu biết nhiều về vấn đề tị nạn, nếu không có TT Carter thì có thể cả mấy trăm ngàn người đã chết trên Biển Đông.

Tiếc thương rồi ca tụng lên chín chục tầng mây người quá cố là chuyện bình thường ai cũng làm. Dù vậy, ta cũng cần bình tâm nhìn lại lịch sử để có một nhận định chính xác và công tâm.

DĐTC tạm gián đoạn loạt bài về các đại vấn nạn của Mỹ mà TT Trump sẽ phải đối phó [mở đầu bằng bài bàn về vấn nạn phân hóa trong chính trị Mỹ, và bài kế tiếp tuần rồi bàn về vấn nạn kinh tế Mỹ], để bàn về cựu TT Carter và vai trò của ông trong đại nạn thuyền nhân của VN ta.

Lịch sử cho ta thấy gì?

Về TT Carter

Ông Jimmy Carter đắc cử TT Mỹ cuối năm 1976. Kẻ này còn nhớ hình ảnh một anh Mỹ mặc quần jean, áo sơ mi ca-rô đen đỏ, đứng trước cửa một xưởng gì đó, đợi nhân viên ra về, phát cho mỗi người một tờ truyền đơn, bắt tay, miệng toe toét cười khoe hàm răng hô, với câu "Hi, I'm Jimmy Carter and I'm running for president". Thật tình mà nói, kẻ này khi đó mới qua Mỹ được trên dưới một năm, chẳng biết gì về xứ Mỹ, mới sắm được một cái tivi nhỏ đen trắng, nghe tin tức tiếng Mỹ 10 câu hiểu được một, nên không thể hiểu tại sao một người ra tranh cử tổng thống lại có thể 'tầm thường', nhà quê và vô duyên như vậy được. Kẻ này khi đó mường tượng một ông Thiệu mặc đồ bà-ba đen, đứng trước cửa nhà máy xi măng, bắt tay các anh nhân công, nhoẻn miệng cười "Chào anh, tôi là Nguyễn Văn Thiệu, tranh cử tổng thống đây"!!! Chẳng có tư cách tổng thống gì ráo.

Trong đầu đinh ninh anh Carter này đúng là vô vọng, làm chuyện ruồi bu. Thế nhưng kẻ này đã mau mắn được xác định là một tên mù tịt, ngu dốt, chẳng hiểu gì về dân Mỹ, nước Mỹ và thể chế dân chủ ma-dzê in U-Ét-Ê: anh chàng nhà quê này đắc cử, hạ đương kim TT Gerald Ford dễ dàng, nghiễm nhiên vào Tòa Bạch Ốc, mang theo một lô thanh niên thật trẻ, có vẻ tài ba, nhưng tất cả đều là những thanh niên... nhà quê từ tiểu bang nhà quê Georgia, bỡ ngỡ trực diện với kinh tế trong tầm mức quốc gia cũng như an ninh quốc gia đối chọi với những tay ma đầu quốc tế và đại nạn Hồi giáo quá khích mới ra đời tại Iran.

Bản đồ bầu cử khi đó khác rất xa bản đồ thắng cử của ông Trump bây giờ. Khi đó, ông Carter của đảng DC đại thắng tại tất cả các tiểu bang miền nam, kể cả Texas và Florida, nhưng thua tại tất cả các tiểu bang miền tây, kể cả Cali, Oregon và Washington State khi đó là thành đồng của đảng CH! Bây giờ, thời Trump nửa thế kỷ sau, cả miền Nam nhất là Texas và Florida đã trở thành những thành đồng kiên cố nhất của đảng CH trong khi bờ biển miền tây đã trở thành vùng đất của khuynh hướng cấp tiến cực đoan nhất.

Xanh: Dân Chủ - Đỏ: Cộng Hòa

Trong những năm sau khi đắc cử, TT Carter đã cho dân Mỹ thấy hình ảnh một tổng thống rất thân thiện, hiền lành, có vẻ chân thật đến độ hơi ngây thơ, chất phát. TT Carter đóng lại vở tuồng sở trường của TT Roosevelt, cho tivi quay cảnh ông mặc áo len mỏng, buổi tối ngồi bên cạnh lò sưởi nói chuyện tâm sự về thời sự chính trị thật thân mật với dân, một cách rất nhỏ nhẹ, thật thà và bình dân. Một hình ảnh khác rất xa cảnh một tổng thống mặt hầm hầm, luôn ngồi trước bàn giấy đọc diễn văn rắc rối, dao to búa lớn như TT Nixon, trước đó đã phải từ chức vì lem nhem nhiều chuyện mánh mung, gian trá trong xì-căng-đan Watergate.

Dân Mỹ ban đầu mê TT Carter hơn điếu đổ, như một phản ứng ngược, chống lại thứ chính trị gia chuyên nghiệp ma mãnh kiểu Nixon.

Nhưng 'tuần trăng mật' với TT Carter kéo dài không lâu khi chỉ vài tháng sau khi nắm quyền, kinh tế Mỹ đã bắt đầu có triệu chứng đại nạn.

Công bằng mà nói, TT Carter thừa hưởng một gia tài không mấy hấp dẫn. Về chính trị, dân Mỹ bị khủng hoảng tinh thần, sau khi vừa trải qua hai đại nạn lớn nhất lịch sử: sự từ chức của TT Nixon ngay sau khi đại thắng, tái đắc cử TT với tỷ lệ phiếu cao nhất lịch sử chính trị Mỹ, và sự thảm bại, tháo chạy khỏi Nam VN dưới thời đương kim TT Ford. Nước Mỹ cũng bị khủng hoảng nặng khi kinh tế đi vào đại nạn gọi là 'stagflation', tức là vừa lạm phát cao, vừa trì trệ kinh tế qua thất nghiệp cao, hãng xưởng phá sản hàng loạt,... với tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu leo thang.

Trước những đại nạn trên, TT Carter đã chứng minh rõ ràng ông hoàn toàn bất lực, không có khả năng đối phó. Nhưng tệ hơn cả, cũng không khác mấy trường hợp cụ Biden sau này, năm đầu tiên của TT Carter được đánh dấu bởi hàng loạt biện pháp phải nói là mang tính cấp tiến, thậm chí thiên tả nặng.

Việc đầu tiên TT Carter làm sau khi nhậm chức là ban hành lệnh ân xá tập thể và toàn diện cho cả vạn thanh niên Mỹ trốn lính, chạy qua Canada hay Anh để khỏi đi VN -trong đó có anh Bill Clinton chạy qua Anh. Rồi TT Carter bán kênh đào Panama cho Panama với giá đúng một đô ($1); ký hiệp ước giảm vũ khí nguyên tử với Tổng Bí Thư Brezhnev của Liên Xô, giúp Nga đang kẹt ngân sách lớn, khỏi phải chạy đua võ trang vũ khí nguyên tử với Mỹ; chấp nhận đóng cửa Nhà Nước lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ vì không chấp nhận đề nghị cắt giảm chi tiêu Nhà Nước của khối CH trong hạ viện; và lần đầu tiên, công nhận 'nhân quyền' của khối đồng tính và chuyển giới, mời đại diện của họ vào Tòa Bạch Ốc góp ý về các chính sách của chính quyền.

Hai năm đầu của TT Carter (1977-1978) là hai năm đấu võ không ngừng với đủ loại khủng hoảng chính trị, kinh tế, năng lượng, trong lúc ông ban hành những biện pháp cải tổ thiên tả nặng. Nhưng hai năm sau đó (1979-1980) đã là hai năm đại họa lớn hơn nữa khi những khủng hoảng của hai năm đầu chẳng những không được giải quyết mà lại trở thành trầm trọng hơn nhiều.

Lạm phát từ 5,6% năm 1976 khi TT Carter nhậm chức, leo lên tới 13,5% năm 1980. Vì lạm phát quá cao nên Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang tăng lãi suất ào ạt để cản. Lãi suất trung bình nợ mua nhà chẳng hạn: tăng từ 8,85% năm 1977 khi TT Carter mới nhậm chức, lên tới 16,64% năm 1981 khi ông mất job. Giá xăng trong bốn năm Carter tăng hơn gấp đôi, từ 60 cents một ga-lông năm 1977 lên tới 1,3 đô năm 1980, gây khó khăn khổng lồ cho dân nghèo, trong đó có đám dân Việt tị nạn mới qua Mỹ, hầu hết đi làm lương tối thiểu khi đó có 2,50 đô một giờ, mua xe cũ rích uống xăng hơn uống nước lạnh.

Ứng cử viên TT của đảng CH khi đó, ông Reagan chế ra một tỷ lệ ông gọi là tỷ lệ khốn khổ -misery index- là tổng cộng của tỷ lệ lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp. Đến cuối trào Carter, tỷ lệ khốn khổ đã leo lên tới mức kỷ lục chưa từng thấy trong suốt lịch sử Mỹ: 21,98%.

Chưa hết. Trong sách lược mỵ dân tối đa của đảng DC và cá nhân ông, TT Carter cũng sáng chế ra luật gọi là Community Reinvestment Act -CRA- bắt các ngân hàng phải đạt được tỷ lệ tối thiểu nào đó về số lượng nợ mua nhà cấp cho dân da đen, bất kể họ có đáp ứng đủ tiêu chuẩn tài chánh để mượn tiền hay không. CRA đã là ông tổ khai sanh ra loại nợ sau này gọi là 'subprime loan' -nợ dưới tiêu chuẩn- của đại khủng hoảng gia cư năm 2008.

Nhiều năm sau khi TT Carter rời Tòa Bạch Ốc, đã có nhiều sách viết về TT Carter. Chẳng biết sự thật ra sao, chỉ biết ông Carter nhiều khi ... coi dzậy mà hổng phải dzậy. Một cựu cận vệ viết sách tố ông Carter là vua mánh mung giả dối vặt. Như ông công khai hô hào kiêng cử rượu, nhưng lại có tủ rượu riêng, tối nào cũng 'nhâm nhi' bourbon một mình. Hay ông luôn luôn lên máy bay, tay cầm theo cái 'carry-on' nhỏ, như thể ông bình dân, tự tay xách va-li không cần cận vệ làm, nhưng trên thực tế đó là va-li không, chẳng có gì ở trong, chỉ cốt cho các nhà báo quay phim và chụp hình.

Nói chung, TT Carter đã là một trong những tổng thống thất bại nặng nhất trong lịch sử Mỹ. Và dân Mỹ đã mời ông về tiếp tục nghề trồng đậu phộng tại Georgia sau đúng một nhiệm kỳ, giống như Biden. Dù vậy, cũng phải nhìn nhận TT Carter đã đóng một vai trò quan trọng là hàn gắn, vực sống lại một nước Mỹ đang tan nát, bối rối với quá khứ [một tổng thống phải từ chức, tiếp theo là cuộc thảm bại, tháo chạy quân sự nhục nhã nhất tại VN] trong khi mất hướng đi cho tương lai.

TT Carter và thuyền nhân Việt

Riêng với dân tị nạn Việt, cái nhìn về TT Carter khác xa. Trong khi dân Mỹ khinh thường Carter thì dân Việt tị nạn có nhiều người tôn thờ Carter như thánh nhân. Thần thánh hóa ông Carter lên tới chín chục tầng mây. Vai trò của TT Carter trong việc cứu giúp dân tị nạn ta là một sự thật lịch sử không ai chối cãi được. Dưới thời TT Carter, cả ngàn, cả vạn dân tị nạn đã được nhận vào Mỹ. Nhưng TT Carter có phải là một đại thánh nhân hay không, một người mà sự qua đời phải khiến cho 'cả triệu thuyền nhân hải ngoại khóc cạn nước mắt' không? Câu trả lời ngắn gọn là 'không hẳn'. Tung hô quá lố bịch.

Vâng, đúng là dưới thời TT Carter cả vạn dân Việt đã được vào Mỹ tị nạn, không sai. Nhưng trong bối cảnh toàn diện của câu chuyện tị nạn, công của TT Carter với dân tộc Việt ta không ghê gớm như tung hô.

TT Carter bắt đầu liên lạc với chính quyền Hà Nội ngay sau khi ông nhậm chức đầu năm 1977, chưa tới hai năm sau ngày VC chiếm miền Nam VN, rồi sau đó, qua năm 1978, gửi nhiều phái đoàn ngoại giao và quân sự Mỹ đi Hà Nội điều đình việc cho phép Mỹ gửi chuyên viên trực tiếp vào VN tìm xác lính Mỹ. Việc một TT Mỹ cố tìm xác lính Mỹ mang về nước hoàn toàn chính đáng, cần làm. Tuy nhiên, vấn đề là những năm dưới thời TT Carter cũng trùng hợp với những năm đầu của chính sách tù cải tạo của VC, bắt đi tù cả trăm ngàn quân cán chính VNCH, đầy đọa tàn bạo trong những hoàn cảnh khủng khiếp nhất. Trong khi đó, TT Carter không can thiệp hay làm bất cứ gì để giúp họ hết. Các phái đoàn Mỹ ào ạt qua VN kể từ năm 1978 chỉ có một nhiệm vụ: tìm xác lính Mỹ, tuyệt đối không ngó ngàng gì về các cựu đồng minh Việt đang khốn khổ trong tù cải tạo. TT Carter khi đó không một lời 'hỏi thăm' hay xin 'nương tay' bớt tàn nhẫn với họ. Số phận cả vạn cựu 'chiến hữu' VNCH không nằm trong các cuộc thảo luận Mỹ-VC khi đó. Coi như các tù cải tạo là vấn đề của nước VN, không dính dáng gì tới Mỹ, và TT Carter không nhìn thấy họ. Phải chờ mãi tới cuối 1989 (TT Reagan) và qua 1990 (TT Bush cha) thì Mỹ mới nhìn thấy đám tù cải tạo và cứu họ qua Mỹ qua diện HO.

Công bằng mà nói, VC trong men say chiến thắng khi đó cũng như trong nỗi sợ quân cán chính VNCH sẽ nổi loạn, chắc chắn sẽ phớt lờ mọi yêu cầu nhân đạo của TT Carter, nhưng ít ra thì TT Carter cũng nên có một tiếng nói cứu giúp họ nếu ông thật sự nhân đạo như mọi người đang ca tụng.

Tháng Hai 1979, Trung Cộng xua quân qua đánh Bắc Việt tại Lạng Sơn và Cao Bằng. Nhưng trước đó, đã nhiều lần 'mài dao, lên đạn' hăm dọa người đồng chí 'môi hở răng lạnh' CSVN trong vụ CSVN đánh Pol Pot. Để chuẩn bị đối phó với TC, tránh nạn dân gốc Hoa có thể làm gián điệp hay đạo quân nằm vùng của TC, VC bắt đầu chính sách tịch thu của cải dân Việt gốc Hoa rồi đuổi họ ra khỏi xứ bằng đường biển. Một công hai chuyện: cũng giúp ngân quỹ có thêm cả tấn vàng của các đại gia Chợ Lớn, lại bớt miệng ăn trong cơn đại họa kinh tế gần phá sản sau những năm bao cấp. Đại họa gọi là 'thuyền nhân' -boat people- bắt đầu từ khoảng mùa thu 1978.

Cả thế giới xúc động khi thấy cả vạn thuyền nhân lênh đênh ngoài biển khơi, nạn nhân của bão tố chết hàng loạt, cũng như nạn nhân của hải tặc cũng giết không biết bao nhiêu người trong khi hãm hiếp không biết bao nhiêu phụ nữ. Theo các ước lượng không chính xác lắm, có thể đã có tới nửa triệu thuyền nhân mất mạng. Các xứ Mã Lai, Thái, Indonesia, cả Hồng Kông gặp khủng hoảng lớn khi cả trăm ngàn thuyền nhân táp vào biển của họ, vào các đảo hoang của họ. Các chính quyền trung ương lớn tiếng phản đối, trong khi các chính quyền địa phương đuổi nhiều thuyền ra khơi, chết bỏ.

Ngay đây, cũng phải nói ngay, chính quyền Mỹ khi đó dưới quyền TT Carter ngó lơ, tuy TT Carter khi đó có ra lệnh chiến hạm Mỹ trong Đệ Thất Hạm Đội nếu gặp tầu vượt biên thì nên cứu, cho có. Cứu vớt được vài chục ngàn người trong khi cả triệu người lao vào Biển Đông. Cho dù Mỹ là xứ có trách nhiệm lớn nhất, lớn hơn tất cả các xứ khác trong đại nạn thuyền nhân. Lý do khá giản dị: các thăm dò dư luận khi đó cho thấy đại đa số dân Mỹ (gần 70%) KHÔNG muốn nhận thuyền nhân tị nạn Việt, mà trái lại, vì cái thất bại quân sự ô nhục, dân Mỹ muốn quên hẳn tất cả mọi chuyện liên quan tới VN.

Trong khối Âu Mỹ, Pháp và Đức đã là hai xứ tích cực cứu giúp mạnh nhất khi cho tầu của họ đi lùng Biển Đông để cứu thuyền nhân, như tầu Ile De Lumière của Pháp và tầu Cap Anamur của Đức. Tổng số thuyền nhân được các quốc gia Đông Nam Á như Thái, Mã Lai, Indonesia, Phi Luật Tân, Singapore, và cả Hồng Kông nhận vào các trại của họ như Pulau Bidong, Galang, Songkhla,... đã lên tới những con số không tưởng. Theo thống kê của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, tổng số thuyền nhân được nhận tại các xứ Đông Nam Á lên tới xấp xỉ 800.000 người. Điều đáng ghi nhận là trong các xứ nhận thuyền nhân, ngoài các xứ Đông Nam Á, còn có khá nhiều đi Pháp, Đức, Úc, Canada,... không có Mỹ của TT Carter.

Tháng Bẩy năm 1979, Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc ra sáng kiến, mở những cuộc điều đình tại Geneve giữa Mỹ, các quốc gia giàu có Tây Phương, các quốc gia Đông Nam Á bị nạn, và chính quyền CSVN, đi đến việc thành lập chương trình gọi là Orderly Departure Program -ODP-, để nhận dân VN ra khỏi VN và đi tị nạn một cách 'có trật tự' để tránh nạn 'boat people' quá nhiều người chết. Hơn 40 quốc gia ký tên tham gia vào chương trình ODP nhận dân tị nạn Việt.

Đây không phải là sáng kiến của TT Carter, mà TT Carter chỉ làm như cả 40 quốc gia khác, vì lý do nhân đạo hiển nhiên trước cảnh cả ngàn cả vạn thuyền nhân chết trên biển, chấn động cả thế giới nên TT Carter mới phải hưởng ứng kế hoạch của LHQ, mở cửa tiếp nhận dân tị nạn ra khỏi VN trong trật tự.

Chương trình ODP cho dân tị nạn Việt từ VN đi Mỹ bắt đầu rất khó khăn cuối năm 1979. CSVN đưa ra danh sách 21.000 người VC cho phép ra đi, trong khi Mỹ đưa ra danh sách nhận 4.000 người. Hai danh sách khác nhau hoàn toàn. Danh sách VC gồm phần lớn dân gốc Hoa, trong khi danh sách Mỹ gồm quân cán chính VNCH đã từng làm việc với Mỹ. Hai bên Mỹ-VC điều đình khó khăn trong nhiều tháng, đến giữa năm 1980 mới đạt thỏa thuận cho 1.700 người ra đi trong đợt đầu.

Trong khi đó, trước tình trạng nguy cấp của dân tị nạn đang tạm trú trên các đảo, trong khi các xứ Đông Nam Á không có khả năng nuôi họ, đe dọa sẽ trục xuất họ về VN lại, nước Mỹ bắt đầu mở rộng chương trình ODP để bao gồm luôn một số lớn dân đang tạm trú trong các trại Đông Nam Á. Đi đến kết quả là hầu hết dân tị nạn vào Mỹ qua diện ODP là dân tị nạn đi từ Đông Nam Á vào Mỹ trong khi dân đi thẳng từ VN rất ít. Trong diện ODP này, đúng là Mỹ đã nhận nhiều người nhất, vì Mỹ chính là xứ có trách nhiệm lớn nhất.

Nhiều người tung hô hành động 'nhân đạo táo bạo' của TT Carter, 'tăng gấp đôi' số dân tị nạn được nhận vào Mỹ qua ODP. 'Tăng gấp đôi' nghe ghê gớm, sự thật chỉ là tăng từ 7.000 lên tới 14.000 người được vào Mỹ mỗi tháng. So với gần 800.000 người đang kẹt tại các đảo Đông Nam Á. Đưa đến tình trạng nhiều thuyền nhân đã bị kẹt tại các đảo có khi cả chục năm mà TT Carter không chấp nhận cho vào Mỹ sớm hơn. Mãi tới năm 1991, 12 năm sau khi ODP bắt đầu, các trại tị nạn trên các đảo mới đóng cửa hết. So với việc Biden trong 4 năm qua đã cho từ 7 tới 10 triệu di dân Trung Mỹ tràn vào Mỹ không giấy tờ hợp pháp. Nếu TT Carter 'rộng rãi' như Biden, thì tất cả 800.000 người đều đã có thể được nhận vào Mỹ trong vòng 1-2 năm thay vì 12 năm.

Cái công lớn của TT Carter là đã giúp đâu nửa triệu dân tị nạn vào Mỹ qua chương trình ODP, hầu hết đi từ các trại tạm trú Đông Nam Á, vào Mỹ tị nạn trong thời gian rất lâu là 12 năm, chứ không phải TT Carter đã giúp cứu vớt cả mấy trăm ngàn thuyền nhân như vài người tung hô sảng.

Nhiều người ca tụng TT Carter đã ký luật HR 7769 cuối năm 1977 cho phép người Đông Dương được định cư tại Mỹ. Sự thật, luật này chỉ xác nhận những người đã được TT Ford cho vào Mỹ hợp pháp trong tư cách 'tị nạn' ngay sau 30-4 được chuyển đổi tư cách từ 'tị nạn' qua 'thường trú' có quyền xin vào quốc tịch, là chuyện có ghi trước trong luật TT Ford thông qua. Luật HR 7769 chỉ là thay đổi quy chế hành chánh, không có gì quan trọng.

Qua cuối năm 1989, đầu 1990, nhờ những nỗ lực của bà Khúc Minh Thơ và nhiều người khác trong tổ chức Hội Gia Đình Tù Nhân Chính Trị VN, mới sanh ra chương trình nhận bảo trợ và tái định cư tù cải tạo VNCH vào Mỹ, được gọi là chương trình HO hay Humanization Organization, nằm trong khuôn khổ diện ODP, dành cho cho các cựu tù cải tạo đã bị tù cải tạo 3 năm hay hơn, mang qua Mỹ cả vạn cựu quân nhân QLVNCH [Ngoài diện HO dành cho cựu tù cải tạo, cũng còn có diện V-11 và U-11 dành cho cựu nhân viên làm việc cho các công sở hay công ty tư Mỹ từ 5 năm trở lên]. Chuyện này xẩy ra dưới thời TT Reagan và Bush cha, nhiều năm sau khi TT Carter đã rời Tòa Bạch Ốc. Nói cách khác, dân diện HO qua Mỹ được là nhờ các TT Reagan và Bush cha, không phải TT Carter.

Tóm lại, TT Carter đã có công lớn là mở cửa đón nhận nhiều dân tị nạn Việt vào Mỹ qua chương trình ODP, nhưng trong thời cao điểm của đại nạn boat people, từ mùa thu 1978 tới mùa thu 1979, TT Carter đã để cả nửa triệu người bỏ mạng trên Biển Đông, chỉ vì khi đó, TT Carter đang muốn lấy lòng chính quyền CSVN để điều đình xin cho chuyên viên Mỹ vào VN tìm xác lính Mỹ.

[Những điều và con số viết ở trên là theo những tài liệu và thống kê chính thức của Liên Hiệp Quốc và chính phủ Mỹ; nếu có gì không chính xác hay sai lầm, xin quý độc giả góp ý chỉnh sửa]

TT Carter và di dân Marielitos

Năm 1980, một chiếc tầu nhỏ chở một đám dân Cuba trốn Cuba chạy qua Florida. TT Carter cho tầu của Coast Guard Mỹ cứu vớt họ vào Florida rồi 'hoành tráng' tuyên bố "Mỹ sẵn sàng đón nhận dân tị nạn CS Cuba". Bị nhà độc tài CS Fidel Castro bắt ngay tẩy, ra lệnh "Tất cả những người Cuba nào không muốn sống ở Cuba mà muốn đi Mỹ, có quyền nhẩy xuống tầu tại hải cảng Mariel đi Mỹ, cảnh sát Cuba sẽ không cản". Hàng trăm ngàn dân Cuba lợi dụng ngay, nhẩy xuống tầu chạy qua Florida, khi đó được báo Mỹ gọi là 'di dân Marielitos'.

Nhưng Castro chơi khăm, cùng lúc bắt cả chục ngàn tù nhân và những bệnh nhân các nhà thương điên Cuba, tống xuống tầu, đẩy qua Florida luôn. Nước Mỹ lãnh đủ cả chục ngàn dân đầu trâu mặt ngựa phạm pháp, và người điên. Dân Mỹ nổi giận lớn tiếng công kích Carter là nhu nhược, bị Castro lừa. Cuối năm đó, gần ngày bầu cử, TT Carter đi đêm với Castro, đạt được thỏa thuận chấm dứt vụ lùa dân này. Không ai biết TT Carter đã nhượng bộ Castro chuyện gì để Castro ngưng chiến dịch đuổi dân này.

Trong cuộc bầu cử năm đó, TT Carter thất bại, thua thống đốc Reagan. Làm TT được một nhiệm kỳ. Vì những thất bại kinh tế, cũng như vì đại nạn Marielitos.

Kết

TT Carter sẽ đi vào lịch sử như một TT nhân ái, nhưng nhu nhược và bất tài, đã mang nước Mỹ vào đại khủng hoảng kinh tế lớn nhất nhì lịch sử Mỹ. TT Carter có thể đã cứu cả trăm ngàn dân Việt ra khỏi chế độ CS và khỏi cảnh khốn khổ của các trại tạm trú trên các đảo Đông Nam Á, nhưng đã hại cả trăm triệu dân Mỹ qua khủng hoảng kinh tế tai hại nhất.

Cái may của khối dân di tản Việt được nhận vào Mỹ thời 1979-80 và sau đó, là đã không phải nếm mùi lạm phát và khủng hoảng kinh tế của những năm Carter. Cái không may cho đám dân di tản vào Mỹ trước thời Carter là đã nếm mùi khủng hoảng kinh tế và giá xăng trên trời của Carter. Kẻ này vào Mỹ năm 1975, không may mắn, đã là nạn nhân, mất job quèn đầu tiên (với mức lương 90 đô một tuần) vào năm 1978, trong khi cũng phải bán xe cũ, mua xe ... cũ hơn nữa.

Công là công, tội là tội, đâu đó phải nói cho rõ. Để lịch sử ghi nhận cho rõ.

Vũ Linh

ĐỌC THÊM:

Thuyền nhân Việt:

Chương trình ODP:

TT Jimmy Carter:


No comments:

Blog Archive