Thursday, August 1, 2024

QUÃNG ĐỜI Y VÀ NGHIỆP

Thời gian còn là sinh viên y khoa, tôi được thực tập tất cả các khoa trong bệnh viện kể cả Phong Cùi và Lao Phổi; thế nhưng lần phụ mổ cho bác sĩ Tô Đình Cự, đã gây một ấn tượng làm tôi nghiêng sở thích về giải phẫu. Hôm đó, khi đang mở ổ bụng của một bệnh nhân, một tia máu từ một động mạch phọt lên cao và rải một giải máu lên mặt kính của chao đèn lớn chiếu sáng bàn mổ, tôi luốn cuống chưa biết phải làm gì thì bác sĩ Cự đã điềm tĩnh dùng ngón trỏ trái ấn vào mạch máu và bàn tay phải chìa ra về phía tôi mà không nói lời nào. Bừng tỉnh, tôi vội vã chụp mạnh cái kẹp máu suýt nữa làm khay dụng cụ đổ nhào, rồi tay run run đưa cái kẹp máu vào lòng bàn tay phải của bác sĩ Cự. Những thao tác của bác sĩ Cự trông như có vẻ chậm, nhưng thật sự nhịp nhàng và rất kịp thời.

Cuối cùng, ca mổ đã hoàn tất trước giờ ấn định. Bác sĩ Cự không trách mắng tôi điều gì mà còn mỉm cười hiền từ nhìn tôi rồi vỗ nhẹ vào vai tôi khi chúng tôi bước ra khỏi phòng mổ. Từ đó, tôi lui tới phòng mổ thường xuyên để xin các bác sĩ cho phép được phụ mổ, lúc đó tôi chỉ mới ở năm thứ 4 y khoa. Một lần khác, bác sĩ Lê Bá Vận đã để tôi mổ chính và bạn tôi phụ trong một ca giải phẫu đơn giản. Thay vì ca mổ chỉ cần trong 1 giờ, hai chúng tôi đã kéo dài tới 4 tiếng đồng hồ. Hai chúng tôi đã cười khoái chí trong phòng thay áo quần một hồi lâu và kể cho nhau nghe nỗi run sợ và lo lắng của mình khi đang giải phẫu.

Năm 1970, năm đầu trong đời quân ngũ, tôi được tham dự cuộc hành quân cấp nhiều sư đoàn tại Hạ Lào. Tôi phụ trách phòng giải phẫu dưới đất của Sư Đoàn 1 Bộ Binh mà bộ chỉ huy đóng tại Khe Sanh, gần biên giới Việt-Lào. Thật ra toán Quân Y chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ cấp cứu và lựa thương đồng thời chữa trị những trường hợp tiểu và trung phẫu, những ca cần mổ lớn thì tôi phải liên lạc với trực thăng Mỹ di chuyển về Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương ở Huế. Điều trị vết thương chiến tranh đòi hỏi nhanh nhẹn tối đa vì chiến thương được tải đến ồ ạt lộn xộn đủ loại và ngập trong tiếng rên la đau đớn. Từ nơi nầy, lần đầu tiên tôi thấy một cán binh Việt Cộng, anh ta bị một mảnh đạn ghim vào phổi trái và tôi đã phải làm Chest Tube cho anh.

Khi anh ta thở được dễ dàng, tôi tò mò hỏi mọi chuyện về phía địch. Anh ta khai là người Hà Nam Ninh, chuẩn úy Công Binh. Khi thấy anh ta đã khỏe, tôi bảo toán Quân Y của tôi di chuyển tất cả vũ khí ra khỏi căn hầm độc nhất của chúng tôi, ngăn ngừa anh lính Cộng Sản liều cướp lựu đạn rồi rút chốt làm chết cả đám. Vừa di chuyển vũ khí ra ngoài thì Ban An Ninh Sư Đoàn 1 đã đến chở anh tù binh VC đi. Chiến sự ngày càng khốc liệt, căn cứ Khe Sanh nhận mỗi ngày hàng trăm quả đạn rocket và đại pháo từ phía địch, thế mà hầm Quân Y của chúng tôi may mắn vẫn an toàn. Phía Sư Đoàn Dù, bác sĩ Trần Đông A bận rộn với phòng mổ của anh cách chỗ chúng tôi hai ba ngọn đồi đất đỏ.

Những lần hành quân phối hợp Việt-Mỹ sau đó, toán Quân Y chúng tôi được nhập vào bệnh viện dã chiến 18th Surgery Hospital của Mỹ đóng tại Ái Tử thuộc tỉnh Quảng Trị. Các bác sĩ Mỹ và tôi có giao ước là họ lo cho thương bệnh binh Mỹ và tôi lo cho lính VNCH, nhưng khi mổ thì nếu là bệnh binh Mỹ, bác sĩ Mỹ mổ chính và tôi phụ họ và ngược lại. Là một bệnh viện, nên họ có đủ các ngành, nhưng ngoại thương hoạt động mạnh nhất. Họ có trên 10 bác sĩ chia làm 3 ca làm việc mỗi ca 8 giờ, nhưng bên phía VN chỉ mình tôi nên có ngày tôi phải làm việc liên tục và ít khi tôi có được một giấc ngủ trọn vẹn. Một lần làm tôi nhớ đời là lúc tôi phụ cho thiếu tá bác sĩ Battles trong ca mổ tim một chiến binh Mỹ, anh nầy giữ súng máy trên trực thăng, anh đã bị phòng không VC bắn làm mảnh nhôm của trực thăng cắm ngập vào tim. Khi vừa mở bao tim, máu ồ ạt trào ra làm tim anh ta ngưng đập, nhờ bàn tay tôi nhỏ nên đã luồng vào buồng ngực bóp trái tim anh ta theo nhịp tim trong khi bác sĩ Battles sữa soạn máy electroshock. Khi tim anh ta đã đập lại bình thường, chúng tôi lấy mảnh nhôm ra và khâu lại các mạch máu quanh tim...

Chúng tôi theo dõi người bệnh ở phòng hậu mổ, anh ta đã bị động kinh vì một cục máu đông ở não và được chuyển ra tàu bệnh viện. Như trên có nói bệnh viện dã chiến đủ các ngành trừ hộ sinh. Một hôm, tôi đang chợp mắt được đôi giờ thì một anh y tá Mỹ đấm cửa rầm rầm, vừa mở cửa, anh y tá Mỹ dục: "Ông mau lên đi! Đứa trẻ lòi cái đầu ra một ít rồi, không ai làm gì được hết!" Tôi không hiểu chuyện gì xẩy ra, chỉ biết đi như chạy về phía phòng mổ. Vừa đến nơi, thiếu tá bác sĩ Polliakoff nói: "Là một sản phụ, may ra ông giải quyết được việc nầy!" Trong phòng mổ, một bà lớn tuổi trong bộ áo quần nông thôn Việt Nam cầm tay một sản phụ nằm trên bàn mổ đang rên la, thấy tôi bước vào, người đàn bà chắp tay vái tôi, tôi e ngại ôm lấy hai tay bà: "Xin bác đừng làm như vậy! Tôi sẽ cố giúp con bà". Bác sĩ Polliakoff phụ tôi đỡ đẻ cho sản phụ sinh con so. Không có hai cái càng cho người sản phụ đạp chân lên để gắng sức đưa đứa con ra.

Hai anh y tá Mỹ phải làm nhiệm vụ của hai cái bàn đạp. Sau khi cắt sàn hội âm (episiotomy) đứa bé được sinh không khó quá. Trong khi đỡ đẻ, bác sĩ Polliakoff mãi nói chuyện với tôi, và ông nói tiếng Pháp. Qua cái tên, tôi cũng biết ông ta là người gốc Châu Âu, vì thế phát âm tiếng Pháp của ông ta rất chỉnh. Mấy anh y tá Mỹ cứ trố mắt nhìn chúng tôi lắc đầu. Sau khi đã mẹ tròn con vuông, tôi lại một phen giải thích cho người Mỹ về phong tục của người VN khi bà mẹ của sản phụ nằng nặc xin giữ cái nhau đem về nhà để chôn.

Chiều hôm đó, tôi được bác sĩ Polliakoff mời đến phòng của ông ta và tự tay ông làm beef steak thết đãi. Tôi được dịp thưởng thức món thịt bò Mỹ mềm và thơm. Trong khi ăn, ông Polliakoff hỏi tôi là ở VN còn nghe những tiếng rao "Đậu Phụng Rang" những đêm mùa đông không. Tôi cho ông ta biết là những cảnh đó chỉ có từ trước cho đến những năm '50. Ông ta muốn chứng tỏ ông biết nhiều về văn hóa và đời sống của người VN. Nhiều người Mỹ phải học về VN trước khi sang phục vụ tại đây. Một bệnh viện dã chiến mà vẫn có những buổi thuyết trình về mọi đề tài vào mỗi thứ năm. Tôi cảm thấy tự ái cho dân tộc mình nên tôi cũng ghi lên bảng đen đề tài trình bày: "Dope Addition In VN" (Ghiền Ma Túy Tại VN).

Một ngày trước khi chấm dứt hành quân, tôi đi chào các bạn bác sĩ và y tá Mỹ đã làm việc chung. Sáng hôm sau, tôi rất đỗi ngạc nhiên thấy họ đã tổ chức một buổi họp mặt dưới cột cờ bệnh viện với hai dãy bác sĩ và y tá đứng thẳng hàng, một bà trung tá y tá giữ việc hành chánh đã đọc bản tưởng thưởng trước khi trao cho tôi. Tôi cảm động bắt tay từng người và nói lời cảm ơn bệnh viện đã giúp đỡ toán Quân Y chúng tôi, tôi cũng nói với những bác sĩ giải phẫu, là tôi rất vui được làm chung với họ và thú thật đã học hỏi cách làm việc cùng ngành giải phẫu của họ. Một nhóm bác sĩ phòng mổ vừa đi vừa nói chuyện và đưa tiễn tôi tận đoàn xe của nhóm quân y chúng tôi.

Sau 1975, cũng như tất cả quân dân cán chính VNCH, tôi đi vào tù Cộng Sản. Sau hơn một năm lao động khổ sai ở trại tù Ái Tử Quảng Trị, một hôm bị bệnh, được đưa vào nhóm người làm việc nhẹ; việc nhẹ nghĩa là vác cuốc xẻng và đi bộ trên 10 cây số đến cuốc đất làm sạch cỏ tranh cho trạm xá Đoàn 76, là trạm y tế cho bộ đội quản lý tù và là nơi cứu chữa cao nhất cho tù binh.

Tại đó, bác sĩ bộ đội đang giải phẫu cho một trong hai tù binh từ trại 2 cuốc phải mìn. Sau suốt hơn 3 giờ không cầm được máu và lấy mảnh kim loại trong hốc nách trái ra, họ định cưa cánh tay thì anh y tá tù binh đề nghị hỏi ý kiến của tôi đang lao động dưới đồi. Sau khi cứu anh bạn tù trẻ khỏi mất cánh tay và may vết thương miệng của anh tù thứ nhì, tôi được giữ lại một trạm xá để chăm sóc cho tù binh (xem bài viết "Khóc Bạn" cùng tác giả).

Tôi là bác sĩ đầu tiên được xử dụng trong y tế trại tù mà từ trước đến giờ bộ đội giam giữ tù chỉ chọn những y tá sơ cấp phụ trách y tế, còn tất cả bác sĩ và sĩ quan trợ y đều bị đưa đi lao động khổ dịch. Tại trạm xá trung tâm nầy, ngoài việc chữa trị nội ngoại thương, tôi còn phải kiêm thêm việc nhổ răng cho số ít anh em bạn tù.

Vào một chiều tháng 2 năm 1977, trời mưa xuân lấm tấm, một anh bộ đội gọi tôi lên phòng giải phẫu, phòng nầy thuộc khu ở của bộ đội giam giữ tù. Trên đường đi, tôi đã nghe tiếng máy dynamo quay đều, đó là máy phát điện duy nhất ở đây. Ánh sáng từ dinamo quay tay chỉ đủ sức chiếu sáng vùng thân thể đang giải phẫu, đó là một ngọn đèn 40 Watts với cái chóa đèn hình loa kèn làm bằng nhôm. Đèn lúc đầu khá sáng, sau vài chục phút thì cứ lu dần, vì anh bạn tù quay dinamo quá mỏi tay nên quay chậm lại. Có khi đang mổ, múi điện hở, điện không có, mấy anh bộ đội đứng xem dùng đèn pin rọi vào chỗ mổ.

Lần trước khi được gọi vào đây để cứu hai bạn tù, tôi chưa có kịp thì giờ để ý phòng giải phẫu. Phòng mổ cũng giống như các nhà ở khác với mái lợp tranh, vách làm bằng đất đỏ dẽo trộn với cỏ tranh rồi trát vào những phên nứa đan. Bên trong, họ dùng vải mùng treo sát bốn vách đất và phía trần, mà lâu ngày, vải căng đã chùng, phía trần nhà vải mùng trông giống như cái bụng heo.

Nền nhà được lát một lớp ghi sắt lấy từ sân bay Ái Tử. Bàn mổ chỉ là một bàn gỗ giống như tất cả các bàn thông dụng. Một người đàn bà khoảng 60 tuổi đang nằm không động đậy trên bàn mổ, máu me cùng màu đất đỏ vấy đầy bộ quần áo xám tro vá chằng chịt. Thật ra bà ta chỉ 49 tuổi, nhưng cuộc sống quá lao khổ của bà giống như mọi người dân trong giai đoạn ấy đã làm bà ta già đi trước tuổi. Đứng cạnh bà là đứa con gái trạc 30 tuổi đang khóc la vừa lay gọi mẹ. Hai mẹ con vừa ăn cơm trưa xong đã phải lo cuốc đám đất ở ngọn đồi phía sau lưng trạm xá để trồng trọt kiếm cái ăn, không may bà mẹ đã đạp phải một trái mìn "Cóc" của phe Cộng Sản, loại mìn nầy có khả năng bung cao lên khoảng 1 mét rồi mới nổ; gây sát thương vùng bụng và ngực. Khi vừa cắt hết áo, cả vùng bụng của bà bầy nhầy những vết thủng tím bầm rướm máu hòa với đất đỏ cùng cỏ rác, vùng ngực của nạn nhân chỉ có vài vết xước ngoài da.

Tôi không hiểu vì sao ông bác sĩ trưởng trạm xá bộ đội không mổ cho người dân mà lại ra lệnh cho tôi làm. Một y tá bộ đội gây mê bệnh nhân và một anh y tá bộ đội khác phụ mổ cho tôi. Một đường dao mở ổ bụng, một phần ruột của bà trào ra ngoài ngay. Anh y tá sơ cấp trong nhóm tù phục vụ bưng vào cho tôi một thau nước muối ấm như tôi đã dặn dò.

Anh em y tá tù đã quen với cách chuẩn bị nước muối ấm cho hầu hết các ca mổ: nấu nước sôi, hòa muối sống vào và vớt bỏ những cặn bẩn nổi trên mặt nước. Tôi kéo tất cả ruột của nạn nhân ra ngoài và đặt trên một tấm vải mổ và dùng một tấm vải mổ khác tẩm ướt phủ lên trên. Ổ bụng của nạn nhân vấy đầy máu, phân. Sau khi rửa ổ bụng nhiều lần với nước muối ấm, tôi dùng khăn lau sạch, tôi kiểm soát tất cả cơ quan nội tạng (visceral organs); thấy tất cả đều nguyên vẹn, tôi trở lại rửa và lau sạch 3 đoạn ruột với nước muối rồi lau khô, sau đó với đôi bàn tay trần không có găng tay (gloves), tôi lần từng khúc ruột để lấy ra những mảnh kim loại từ mìn "Cóc" đã ghim vào thành ruột non rồi khâu lại. Có tất cả 7 mảnh sắt với trên 10 vết cắt vào ruột nạn nhân.

Lần xuống phía dưới, tôi thấy hai mảnh cắm vào ruột già, sau khi khâu ruột già, tôi phải làm hậu môn nhân tạo (artificial anus) cho nạn nhân. Tôi lại kiểm soát lại nhiều lần nữa tất cả các đoạn ruột non và ruột già cùng những chỗ đã khâu, tôi đóng ổ bụng với một ống cao su (drain) để lại từ bên trong ra ngoài để dẫn máu bẩm còn sót lại trong bụng. Không có túi đặc biệt cho hậu môn nhân tạo, tôi đành biến chế từ một tấm nylon khoét lỗ ở giữa và túm lại phần còn lại cho ra một cái bao. Một cuộc giải phẫu lớn như vậy mà không có lấy một chai dịch chuyền chứ đừng nói đến chuyền máu dù bệnh nhân bị mất máu khá nhiều; thuốc ngăn ngừa nhiễm trùng cho bệnh nhân gồm một triệu đơn vị Penicillin G và một lọ Streptomycin 1 gr. cả hai đều chích thịt. Ông bác sĩ bộ đội theo dõi từ đầu đến cuối, khi thấy bệnh nhân tỉnh dậy, ông ta ra lệnh anh y tá bộ đội chích cho bệnh nhân 50mg Dolargan (Demerol) cho hậu giải phẫu. Bà bệnh được bác sĩ bộ đội cho ở lại 3 ngày hậu mổ trong một phòng dành cho bệnh nhân bộ đội.

Ngày rời trạm xá, tôi đã dặn dò bà ta là phải đến trạm ý tế gần nhà để xin săn sóc vết thương cũng như thay túi nylon ở chỗ hậu môn nhân tạo. Tôi cũng không quên dặn dò bà là sáu tháng sau phải trở lại để tôi đóng hậu môn nhân tạo cho bà.

Gần một năm sau, một hôm tôi dẫn một số anh em bệnh nhân tù đi tảo mộ 3 anh bạn tù xấu số được chôn ở ngọn đồi sau trạm xá, tình cờ tôi gặp lại cô gái con bà nạn nhân bị mìn năm trước. Cô gái mừng rỡ kể lại:

"Anh biết không? Như anh đã dặn, mẹ tôi đến bệnh viện Hòa Lan ở Đông Hà để nhờ họ chăm sóc vết thương và thay cái túi bên hông. Họ hỏi ai đã mổ cho mẹ tôi và đã làm cái hậu môn giả đó, mẹ tôi nói là một bác sĩ là tù binh đã mổ cho bà ngay trong trại tù, họ có vẻ không tin, tưởng là mẹ tôi nói sảng. Như anh đã dặn, họ đã đóng lại hậu môn bên hông của mẹ tôi." Cô gái còn cho biết là một toán người trong xã đã mang quà lên để biếu tôi, nhưng ban quản lý trại không cho họ gặp tôi và họ giữ luôn cả gói quà.

Từ sau hôm giải phẫu cứu người dân, tôi đã yêu cầu bác sĩ bộ đội cho bổ sung thêm nhân sự hầu có thể giải quyết những trường hợp mổ lớn cho anh em tù binh. Họ đã cho BS Nguyễn Văn T. và BS. Trương Ngọc H. cùng 3 anh Lê Như T., Nguyễn Văn T. và Võ Văn Đ., cả 3 đều là sĩ quan trợ y thuộc Đại Đội Quân Y của tôi, đến phục vụ tại trạm xá tù.

Từ đó, toán y tế tù của chúng tôi đã cấp cứu kịp thời cũng như giải phẫu nhiều anh em tù bị tai nạn lao động, đa số là những anh em tù bị cử đi gỡ mìn bẫy tại một vùng mà trước kia đã là bãi chiến trường giữa hai bên Quốc-Cộng. Trừ những trường hợp mổ và cưa xương mới được dùng thuốc gây mê, những ca mổ ruột thừa phải gây tê từng lớp bằng Novocain 3% cho lớp da, những lớp bên trong cho đến vùng quanh ruột thừa thì dùng Novocain 0.25%.

Một hôm tôi được cán bộ bộ đội báo tin để chuẩn bị cấp cứu một anh bạn tù từ trại 2 đang trên đường gánh sang trạm xá chúng tôi. Bệnh nhân là một bạn tù trẻ tên Huỳnh A. thuộc toán đi đào đất sét để làm gạch, bị tai nạn lao động. Trong khi mải mê cúi người đào đất trong hang, cả khối đất đá bên trên đã sụp xuống vùi anh ta. Toán bạn tù với anh đã gấp rút đào bới khối đất đá và kéo được anh ra, may thay anh vẫn còn sống, nhưng anh đã bị gãy xương chậu. Khi mở ổ bụng dưới ra mới thấy một mảnh xương chậu gãy đâm thủng bàng quang (bladder), một mảnh xương dẹp khác sắc như dao đã cắt sâu 3/4 dương vật đoạn dưới bàng quang, cắt luôn cả niệu đạo (urethra) của anh. Không có dụng cụ để gắn xương chậu gãy, tôi chỉ để những mảnh xương lại với nhau rồi khâu các lớp mô quanh xương. Vì không có Foley Catheter, tôi đã cố gắng nhiều lần đặt ống thông tiểu thông thường từ ngoài vào, nhưng ống thông không thể vượt qua đoạn urethra bị cắt, tôi đành đặt ngược từ bên trong bàng quang ra ngoài. Sau khi đã khâu bàng quang và đóng ổ bụng với ống drainage, bác sĩ bộ đội cho biết không có bột để bó xương gãy, chúng tôi phải dùng nẹp tre quấn vải rồi cột từ hai bên hông xuống đến hai đùi để giữ bệnh nhân không cử động phần chậu.

Hai tuần sau, khi kéo ống thông tiểu ra, anh bạn tù trẻ đã có thể tự tiểu được. Thêm một tháng rưỡi sau, chúng tôi cắt bỏ nẹp tre hai bên mông, anh Huỳnh A. đã có thể ngồi dậy với hai bạn phụ giúp hai bên. Thời gian ngắn sau, anh Huỳnh A. nhận được giấy về với gia đình. Đưa anh bạn tù ra về mà tôi mãi lo không biết cuộc sống của anh sẽ như thế nào với một chấn thương như vậy; thế mà vào năm 1985, khi tôi được về với gia đình, anh Huỳnh A. đến thăm tôi và giới thiệu vợ con của anh.

Hai bác sĩ T. và H. ở tại trạm xá tù vài tháng thì được thả tự do. Đầu năm 1979, tất cả bệnh nhân và anh em tù phục vụ trạm xá được lệnh thu xếp hành trang để trở về trại tù cũ tùy theo cấp bậc của mỗi người. Đang thu dọn thì một bệnh cấp cứu được gánh từ trại 5 đến. Khi sờ đến thành bụng căng cứng như tấm ván, tôi biết anh ta bị viêm phúc mạc (peritonitis).

Anh bạn tù không còn sức để la hét vì đau đớn mà chỉ há miệng để thở, người anh thì chỉ còn da bọc xương, trông không khác gì những xác chết trong các trại giam Đức Quốc Xã. Anh bị viêm phúc mạc mà không đủ sức để có một cơn sốt, ngược lại, người anh lạnh tanh. Ngô H., tên anh bạn tù, là một Nghĩa Quân viên, không có cấp bậc, đã từng khai đau dạ dày nhiều lần, nhưng anh tù phụ trách y tế của trại 5 cho rằng anh giả bệnh vì lười lao động. Không còn bác sĩ nào khác, anh sĩ quan trợ y Lê Như T. phụ tôi giải phẫu. Vừa đưa mũi dao sâu một chút, cả anh y tá T. và tôi cùng ngã người ra sau bởi mùi hôi thúi từ trong bụng thoát ra.

Tôi tiếp tục rạch lưỡi dao xuống bụng dưới, tôi cố nín thở vì mùi hôi, khi ổ bụng đã được mở ra, cả đám y tá bộ đội đứng quanh chúng tôi vì tò mò hơn là học hỏi đều đồng loạt dùng hai tay bịt lấy mũi miệng và chạy ra khỏi phòng mổ. Đã nhiều lần họ tự tiện vào phòng mổ với bộ đồ quân phục thường ngày bất kể việc ngăn ngừa nhiễm trùng cho bệnh nhân và chúng tôi không được quyền mời họ ra. Chúng tôi tìm ra chỗ abscess đã vỡ không khó khăn, đó là một bọng lớn với mủ sền sệt nửa đen nửa vàng-lục ngay bờ cong nhỏ của dạ dày tới hoành cách mô (diaphragm). Tôi rất đỗi ngạc nhiên là làm sao anh bạn tù có thể chịu đựng đau đớn suốt thời gian khi dạ dày thủng đến khi tạo một bọc abscess lớn như thế. Tôi phải tách màng bụng (peritoneum) với mô liên kết dày đặc và nhiều cuộn ruột non đã viêm đỏ dính quanh abscess.

Chúng tôi cẩn thận lau sạch đám mủ bầy nhầy rồi dùng gauze bọc quanh abscess, xong kéo ra khỏi bụng. Sau khi rửa tất cả ổ bụng của bệnh nhân với nước muối ấm và kiểm soát lại tôi khám phá ra chỗ hoành cách mô chỗ dính liền với abscess đã bị thủng một lỗ. Tôi cố thọc sâu ngón tay trỏ vào lỗ thủng ở cách mô nhưng không thể xa quá một lóng tay, tôi rửa sạch vùng abscess ở hai nơi dạ dày và cách mô rồi khâu lại. Sau khi lau khô toàn ổ bụng, tôi rải hai chai bột Penicillin G loại 1 triệu đơn vị lên ruột bụng rồi đóng thành bụng với dải cao su thoát mũ máu (drainage). Nhìn thân hình kiệt quệ của anh Ngô H. với chứng bệnh như vậy, không ai nghĩ anh có thể sống thêm được bao nhiêu ngày nữa.

Ông bác sĩ trưởng trạm xá bộ đội đã theo dõi suốt cuộc giải phẫu. Hôm sau, ông xuống trạm xá tù nhìn anh bệnh nhân tù rồi đi bộ qua ngọn đồi kế cận là trụ sở của Đoàn 76, trung ương quản lý tù binh. Ba hôm sau, ông bác sĩ bộ đội lại xuống nhìn anh Ngô H. xong ông kéo tôi ra ngoài và cho tôi biết là ông đã đề nghị cấp trên phóng thích anh Ngô H. Đoàn 76 đã gởi giấy về địa phương nơi gia đình anh H. sinh sống và yêu cầu họ cho vợ anh H. lên đưa anh ta về để được chết tại quê nhà. Điạ phương đó đã trả lời Đoàn 76 rằng họ không nhận anh ta trở về với lý do anh tù binh Ngô H. có "nợ máu với nhân dân" Bốn ngày sau, sắc mặt anh bạn tù đã bớt nhợt nhạt, anh đã có thể nhúc nhích tay chân và nuốt được vài muỗng nước cháo loãng. Hôm sau, khi kẹp nhiệt, chúng tôi thấy anh H. bị sốt khá cao và hiện tượng đặc biệt là mỗi lần đến thay băng hoặc đút nước cháo cho anh H., chúng tôi ngửi ra hơi thở của anh có mùi hôi như mắm nêm, một loại mắm làm bằng loại cá Cơm. Anh H. thều thào rằng anh khó thở và đau nhức ở hông trái; đặt ống nghe và gõ hai lá phổi của anh ta, tôi thấy ra hết nửa lá phổi bên trái đã ngập nước.

Chúng tôi đã trình với ông bác sĩ bộ đội về tình trạng sức khỏe của anh Ngô H. và mời ông ta đến chứng kiến việc chúng tôi làm chest tube cho anh bạn tù, nước mũ màu đen ngòm đang chảy trong ống giây dịch chuyền xuống lon sữa rỗng. Sau khi rút hết mủ, tôi dùng syringe hút nước muối ấm bơm vào khoang màng phổi (pleural cavity) súc rửa cho đến khi nước rút ra đã trong, tôi hòa Penicillin G và Streptomycin rồi bơm vào khoang màng phổi, xong đặt chest tube trở lại. Chúng tôi tiếp tục súc rửa khoang màng phổi cho anh Ngô H. và ngày nào chúng tôi cũng rút ra chừng 1 lon sữa mủ đen đặc và nồng nặc. Ông bác sĩ trưởng trạm xá bộ đội đã gởi thư cho ông xã trưởng nơi vợ con anh H. đang ở và yêu cầu họ cho vợ anh H. đem thức ăn lên bồi bổ cho anh ta.

Chị vợ anh H. đã vay mượn bà con lối xóm mua thức ăn để săn sóc chồng, chị gánh lên trạm xá tù hai thùng, một đầu là thùng gạo và nếp, đầu kia là thùng chứa đầy cá Tràu và cá Trê. Chị vợ anh H. được cho phép ở lại một giường bên cạnh chồng trong trạm xá trống rỗng. Thời gian chúng tôi chăm sóc anh H., tất cả bệnh nhân và anh em tù phục vụ trạm xá đã được trả về lại trại tù cũ.

Dần dà, màu mủ rút ra càng nhạt dần. Một tháng sau, anh Ngô H. đã có thể đứng dậy và đi lui lại vài bước, chúng tôi đã rút ống chest tube và khâu da. Ba hôm sau, ông bác sĩ trưởng trạm xá bộ đội ra lệnh 3 người tù chúng tôi còn lại thay phiên dìu và võng anh Ngô H. về trại 5, và chúng tôi cũng trở về trại của mình trước kia. Vợ anh Ngô H. bịn rịn nhìn chồng đi từng bước xa dần bà. Tuy đã xa, chúng tôi còn thấy chị H.vẫn giơ cánh tay gạt nước mắt cho đến khi chúng tôi qua khỏi một khúc quanh của chân đồi.

Về sau, tôi thường nghĩ đến những điều lạ lùng như trong trường hợp người đàn bà đạp phải mìn cóc với những thương tích vấy bẩn đầy người cũng như anh bạn tù Ngô H. chịu đựng cơn đau thủng dạ dày rồi bị abscess như trên đã nói... và nhiều trường hợp giải phẫu khác như ruột thừa viêm, cưa xương tay, chân... tất cả những nạn nhân đều phải chịu mổ xẻ trong một điều kiện thiếu thốn đủ thứ, nhất là vấn đề vệ sinh phòng mổ hết sức tồi tệ, thuốc men chống nhiễm trùng lại chỉ có hai loại thuốc lấy từ những hầm y tế trong thời chiến tranh đã quá hạn từ nhiều năm, đến việc không có cả dịch truyền cho người bệnh giải phẫu...

Làm sao những bệnh nhân tù đó không ai chết, không ai bị nhiễm trùng mà lại còn được phục hồi với tốc độ bình thường? Thật khó giải thích cho được! Nhiều bạn tù ca ngợi và nói là tôi "mát tay". Riêng tôi, tự thấy bản thân chẳng giỏi giang gì, chỉ là một bác sĩ ra trường 6 năm trước ngày mất nước, làm sao đủ kinh nghiệm so với nhiều bậc thầy và đàn anh. Chính vì vậy mà tôi nghĩ rằng chắc phải có một cái gì huyền bí luôn theo trợ giúp cho những người tù chúng tôi đã chịu quá nhiều nhục nhã, khốn khổ.

Tôi trở về trại tù số 1, nơi giam những sĩ quan cấp bậc từ đại úy đến trung tá. Một thời gian ngắn sau, tất cả tù nhân từ 5 trại tù từ thôn Ái Tử tỉnh Quảng Trị được chuyển đến các trại tù ở Bình Điền thuộc tỉnh Thừa Thiên do công an Cộng Sản quản lý. Ở đây, tất cả tù binh chúng tôi bị quản lý chặt chẽ hơn, lao động khổ sai cực nhọc hơn mà khẩu phần ăn uống lại kém hơn lúc bị giam ở trại tù Ái Tử do bộ đội Cộng Sản giam giữ.

Vì vậy mà tất cả tù binh trại tù số 4 đã đứng dậy phản đối sự hà khắc của đám cai tù và chúng tôi đã bị công an Cộng Sản trấn áp dã man. Tôi bị gán vào tội lãnh đạo nhóm "phản động", nên họ chuyển tôi sang giam ở trại tù số 1 là trại trung ương. Ở đó họ đã tra tấn tôi bằng cách khóa 2 tay ra sau lưng bằng vòng số 8, rồi cột siết hai cánh tay bằng dây dừa, xong kéo người tôi lên xà ngang đủ để mấy ngón chân vừa chạm đến đất. 5 phút đầu tôi không cảm thấy gì lạ, nhưng sau đó, cơn đau như châm chích càng lúc càng mạnh bên trong động mạch hai tay; tôi càng la vì đau đớn thì tim đập càng mạnh và nhanh thì cơn đau càng dữ dội hơn trong mạch máu theo từng nhịp tim đập.

Từ hai vòng giây thắt trở xuống, mồ hôi từ trong da thịt tôi chảy thành giòng xuống những ngón tay đang tê dại lần lần. Tiếng la hét của tôi chắc là lớn lắm, nên một tên công an phòng kế bên cầm một nùi giẻ gắn vào đầu cán chổi định nhét vào miệng tôi, tôi nghiến chặt răng và ngậm kín môi. Nín lặng được một lúc, tôi lại thét lớn. Những người bị tra tấn kiểu nầy không ai chịu đựng đến 1 giờ. Qua 40 phút trong đau đớn tột cùng, tôi không còn chịu đựng được nữa và tôi nhận tội lãnh đạo nhóm nổi dậy.

Đến khi chúng cởi trói và mở còng sắt ra, hai tay tôi đã hoàn toàn bị liệt. Chúng tống tôi vào phòng biệt giam. Phòng biệt giam là một cái "hộp" làm bằng những tấm ghi sắt lót sân bay ghép lại, 4 mặt xung quanh cùng nắp và đáy chỉ vỏn vẹn 6 tấc còn chiều cao chừng 1 mét, người tù bị phạt giam trong "hộp" đó chỉ có thể ngồi bó gối hoặc đứng khum người mà thôi. Đúng là tôi đã bị tù trong tù. Vì liệt cả hai tay, nên mỗi lần họ mang thức ăn đến, tôi đã phải ăn như loài vật 4 chân. Về sau, khi điều tra ra người cầm đầu cuộc nổi dậy, họ nói với tôi: "Anh có biết khi anh khai là lãnh đạo phản loạn là anh lãnh án tử hình không?". Tôi trả lời là tôi đã khai bất cứ điều gì để thoát khỏi cơn đau lúc đó.

Bốn tuần sau tay trái của tôi phục hồi dần dần, nhưng tay phải vẫn còn liệt trừ khuỷu tay. Trong hoàn cảnh như vậy mà một trung sĩ công an xin cấp trên để tôi chữa bệnh mũi cho y vì mộng mũi làm y không thở được. Y đã thấy tôi đốt mộng thịt trong mũi cho nhiều anh em tù binh. Nơi đây, khí lạnh từ núi đá và rừng cây ẩm thấp làm cho nhiều tù binh bị chứng nghẹt mũi vì mộng thịt mũi; có anh bị cả viêm xoang mũi (nasal sinusitis) và viêm xoang trán (frontal sinusitis). Tôi đã yêu cầu anh công an đem lại một nẹp tre, một sợi dây nhỏ, 1 khúc dây kẽm gai ngắn và một lò than nóng. Anh ta phải đưa tôi vào một nhà ghi lớn để một người tàn tật như tôi làm công việc chữa trị cho anh ta.

Thời gian ở trại tù Ái Tử, ông bác sĩ bộ đội đã cho tôi về nhà để mang lên trại những dụng cụ nhổ răng cũng như cái nông mũi với bộ Ophthalmoscope. Tôi hướng dẫn anh công an dùng sợi dây mềm nhỏ, buột nẹp tre vào cổ tay của tôi để bàn tay không gập xuống. Xong anh lại cột khúc kẽm gai ngắn đã mài nhẵn hai đầu. Anh ta cầm cánh tay tôi hướng khúc kẽm gai vào lò than nóng. Các ngón tay trái của tôi xử dụng được cái nông mũi. Sau khi đốt xong mộng thịt 2 bên mũi cho anh công an, tôi được chuyển sang nhà giam lớn cũng làm bằng ghi sắt, đây là nơi giam những tù nhân bị biệt giam hạng nhẹ. Khoảng hai tuần sau, tôi được đưa về giam ở phía sau hội trường của trại tù, nơi đó là phòng y tế trại. Sau nầy, nhiều anh em tù cho tôi biết anh y tá là tay "antenna": báo cáo viên; anh ta muốn lấy điểm với trên nên đề nghị với cán bộ trại để anh theo dõi xem tôi có thật bị liệt hay không. Mỗi tối, tôi bị còng một tay phải vào giường tre dành cho bệnh nhân.

Ban ngày, tôi kiếm được một đoạn thép gai ngắn, mài nhọn một đầu làm cái lao nhỏ phóng giết mấy con rắn mối qua lại tìm mồi. Nhờ bếp than ở phòng y tế, tôi nướng con vật xấu số và ăn ngon lành sau một thời gian dài đói khát. Một tháng sau, tôi được trả về lại trại tù số 4 và đi lao động giống như mọi tù binh dù chỉ cử động một tay. Năm 1980, tất cả 5 trại tù Bình Điền, ngoài việc bị áp bức lao động khổ sai, chịu hạch sách đủ điều nhục nhã, giám thị trại tù lại còn nhốt tù nhân hình sự chung với anh em sĩ quan Miền Nam chúng tôi là tù chính trị. Số tù nhân hình sự gồm một số vượt biên vượt biển, một số khác thuộc thành phần trộm cướp, du đãng, lường gạt, kể cả một số phạm tội giết người, một số nữ phạm nhân khoảng 50 người gồm đủ thành phần như nam tù nhân hình sự được giam ở trại tù số 6 vừa thành lập. Chúng tôi biết Cộng Sản muốn lập lại cách thức giam giữ tù của Đức Quốc Xã khi mà họ giam tù hình sự chung với những sĩ quan chống lại chế độ phát xít, đã làm cho một số tướng lãnh Đức bị giam nổi điên và có người đã tự tử vì họ không chịu đựng nỗi nhục nhã khi mà hằng ngày chung đụng với nhóm du côn, giết người... bị chúng hiếp đáp, dành giựt thức ăn của họ rồi tuôn ra những lời chửi bới thô tục.

Ngoài việc hằng ngày, hằng đêm trong suốt nhiều năm trường đối diện với một hoàn cảnh tột cùng khốn khổ nhất là do thiếu ăn; mỗi anh em sĩ quan tù chúng tôi phải cố tìm một cách sống hòa đồng với mọi người qua cảm thông, hiểu biết nhau để sống còn. Một nhóm nhỏ sĩ quan tù chúng tôi đã họp kín, không phải để nỗi dậy mà để truyền miệng trong anh em hầu cố giữ tác phong của người sĩ quan quân lực VNCH, tránh không đụng chạm với những tù hình sự hoặc giúp đỡ, cải hóa họ.

Một hôm, một trường hợp bị dịch tả xẩy ra, anh y tá hoảng hốt, ông Ái, giám thị trưởng gọi tôi lo cứu cấp. Tôi đề nghị chuyển anh bệnh bị dịch tả về bệnh viện gấp, vì chỉ có dịch chuyền mới cứu sống anh ta. Không có xe di chuyển, anh bạn tù chết. Sau khi lo mọi việc phòng dịch cho toàn trại tù, ông Ái giữ tôi phục vụ y tế. Một năm sau, ông Ái được thăng chức và làm giám thị trưởng trại tù trung ương, thời gian sau tôi được chuyển đến trại tù trung ương để phục vụ y tế. Các giám thị trại tù tổ chức nhiều kế hoạch thi đua để thúc đẩy tù nhân làm việc nhiều hơn trong khi sức lực cùng tinh thần anh em tù ngày càng kiệt quệ. Họ cho tù nhân được gia đình thăm gặp và bới xách thức ăn, nhưng thực sự cuộc sống của người dân cũng chẳng khá hơn trong tù bao nhiêu, thế mà gia đình phải nhịn ăn để nhường phần cho người thân trong tù. Nhiều anh bạn tù mỉa mai: "Chúng ta ở trong nhà tù nhỏ và vợ con chúng ta ở trong nhà tù lớn hơn.

Thật vậy, công an xóm phường buộc người dân phải họp phê bình kiểm điểm, tố cáo, rình rập người khác... và còn đóng góp tiền của cho cơ quan nhà nước. Làm việc ngày càng nhiều mà thực phẩm chính là sắn (củ mì) và hạt bo bo, một loại thức ăn của ngựa, nên rất nhiều anh em tù bị bệnh dạ dày, và vì suy dinh dưỡng, một số anh bị phù thủng, số khác bị lao phổi. Thiếu ăn, thiếu chất thịt, anh em tù lao động bên ngoài trại, gặp con gì, cái gì có thể làm dịu cơn đói là bỏ vào miệng; nhiều anh thu dấu củ khoai chờ đến nửa khuya trùm mềm nhai ngấu nghiến chống cơn đói và lạnh.

Nhiều anh em tù bị hư răng, một cách giải quyết cơn đau răng là nhổ chứ không có thuốc giảm đau hay chữa trám. Ngoài việc lo y tế trại tù trung ương, tôi được phép một mình đi đến 4 trại tù quanh vùng để khám và chữa những ca ngoài khả năng của y tá ở các trại tù đó, phần lớn các trại tù yêu cầu tôi nhổ răng cho các bạn tù. Anh y tá mỗi trại chuẩn bị một anh tù khá mạnh để giữ yên người bệnh trên ghế khi nhổ răng; nên anh em tù thường gọi đùa là "ê-tô" hoặc "gọng kềm". Thuốc tê là loại Novocain 3% của Hà Nội nên không làm giảm tê bao nhiêu so với cái đau khi kéo bật cái răng từ trong xương hàm ra. Nhưng có còn hơn không, anh em tù cố chịu đựng miễn sao vất bỏ đi "cái nợ đời" làm anh rên la suốt mấy ngày đêm vì đau nhức răng.

Dụng cụ nhổ răng gồm một cái kềm và một cái nạy tách lợi răng do ông anh rễ họ cho tôi, thế mà tôi đã nhổ hàng trăm cái răng đủ loại của anh em tù. Có những răng cấm khi kéo ra thì mặt răng mục nát chỉ còn lại mấy cái chân, tôi phải dùng cái nạy để đục xương hàm, thấy anh em tù nhăn nhó vì đau, nhưng tôi phải cố nén xúc cảm mới làm được. Một lần tôi bị có một cái răng cấm bị cối, đau nhức không chịu nỗi, tôi hướng dẫn anh y tá làm anasthésie tronculaire, nhưng anh nhổ mãi không ra, đến khi gần hết thời gian tê, tôi mới nghĩ ra cách nhờ một y tá công an nhổ, anh công an lắc mạnh răng tôi rồi giật cái răng ra dễ dàng.

Tôi biết anh y tá vì cảm xúc nên không mạnh tay như anh công an chẳng chút thương cảm gì tôi. Sau khi nhổ răng cho anh em tù xong, bệnh nhân không được cấp bất cứ thuốc giảm đau hay trụ sinh nào, mỗi người chỉ việc tự động múc một ly nước muối trong một cái thau để cạnh, súc và ngậm trong ngày và bị đưa trở lại lao động, những ngày sau họ phải năn nỉ mấy anh bạn làm nhà bếp xin một ít muối sống để hòa nước súc miệng. Thế mà chẳng anh em tù nào bị nhiễm trùng.

Cuối cùng tôi cũng được về với gia đình do ông giám thị trưởng trại trung ương đề nghị tha tôi một năm sau ngày tôi đã cứu ông sống lại khi ông bị phản ứng Penicillin. Lúc đó mặt mày ông ta đã tím ngắt, một tay ông ôm lấy cổ họng nổi đầy mạch máu vì ngột thở, một tay đập liên tục xuống giường, mắt lơ láo cầu cứu mọi người đứng cạnh. Một mũi adrénaline chích tĩnh mạch, làm ông thở phào, ông đã sống lại. Từ đó con người của ông ta thay đổi hoàn toàn, ông ra lệnh bớt hà khắc tù nhân và đề nghị một loạt anh em tù được về với gia đình trong đó có tôi. Không lâu sau, ông ta bị cách chức và thải hồi về quê ở gần Huế, ông đã tìm đến nhờ tôi chữa bệnh cho ông. Trước đây, khi ở trại 4, chính ông ta đã đưa tôi trở lại phục vụ y tế, rồi ông lại đưa tôi đến trại trung ương nơi ông làm giám thị trưởng, để rồi tôi cứu ông, rồi ông tha tôi khỏi trại tù. Tôi nghĩ phải chăng có việc vay trả-trả vay hay đúng hơn là luật nhân quả của nhà Phật ngay trong kiếp sống nầy ?

Trong những lần họp mặt gia đình cựu tù nhân chính trị luân phiên các tiểu bang, nhiều anh bạn tù cũ bắt tay mừng rỡ khi gặp lại tôi nhắc lại chuyện cũ và anh nào cũng hỏi tôi còn nhớ họ không, anh nào cũng nói tôi đã nhổ của họ một vài cái răng và đùa nghịch đòi lại răng đã mất, có anh còn lật môi chỉ cả loạt răng tôi nhổ mất, bây giờ đã làm răng giả; có người dẫn vợ con đến giới thiệu với tôi và nói rằng tôi đã mổ ruột thừa cho anh mà không gây mê, mà mổ trong cái mùng vây quanh. Vài anh bạn tù cũ vì sinh kế không thể tham dự họp mặt, hỏi được số điện thoại của tôi gọi hỏi han sức khỏe rồi hàn huyên nhắc chuyện trong tù.

Chuyện tù là chuyện dài đầy đau buồn và nhục nhã kể hoài không hết. Tính nhẩm số bác sĩ trong các trại tù Ái Tử có đến 9 người mà một anh đã tự vận bằng thuốc ngừa sốt rét CP (trong "Khóc Bạn"); số còn lại đều được tha khỏi trại trừ một mình tôi bị giữ lại cho đến khi chuyển qua công an quản lý ở trại tù Bình Điền. Nhiều bạn tù xót xa cho tôi, một bác sĩ chỉ lo cứu người, kể cả bên địch, mà lại chịu tù đày khổ sở đến 10 năm. Có nhiều anh bạn tù an ủi tôi và nói là do số phận, có anh nói là cái nghiệp (karma) dẫn dắt thì phải chịu. Trong cái nghiệp phải chịu tù đày khốn khổ như vậy, nhưng tôi lại có được niềm vui là giúp được anh em cùng cảnh ngộ bằng y nghiệp của mình kể cả việc nhổ răng không phải là nghề chính của tôi.

Với một thời gian dài sống trong một tập thể đầy phức tạp, giao tiếp nhiều tầng lớp xã hội với cách sống khác nhau, trình độ học vấn khác nhau kể cả thất học, và đủ hạng người tốt có, xấu có, gian ác cũng có kể cả "antenna", đâm sau lưng chiến sĩ... tôi đã may mắn không bị điên, không bị liệt vĩnh viễn mà lại được đem nguyên hình hài về với vợ con ngày đêm ăn chay, cầu nguyện cho tôi.

BS Hoàng Thế Định
 

No comments:

Blog Archive