Friday, August 2, 2024

Emily và sốc văn hóa Việt

Là một di dân đến Mỹ lúc không còn trẻ, trước khi hòa nhập vào đời sống Mỹ, tôi cũng bị sốc văn hóa Mỹ như một số người Việt mới sang Mỹ. Từ một đất nước có nếp nghĩ “bán anh em xa, mua láng giềng gần”, tôi vốn chưa quen với chuyện không biết hàng xóm của mình là ai, tên gì vì mỗi nhà cách nhau một mảnh vườn, những mảnh vườn này được bao bọc bởi những bức hàng rào cao được dựng lên để bảo vệ sự riêng tư của gia chủ. Hàng xóm gặp nhau chỉ vẫy tay chào, nói đôi ba câu xã giao rồi thì đèn ai nấy tỏ. Đây là cú sốc văn hóa đầu tiên của tôi trên đất Mỹ. Sau này, tôi còn kinh qua một vài cú sốc văn hóa Mỹ khác nữa. Tôi nghĩ khi hai nền văn hóa khác nhau giao thoa với nhau, dĩ nhiên sốc văn hóa sẽ xảy ra. Tuy nhiên, sốc nhiều đến độ choáng váng, ngạt thở hay sốc chút chút… thì còn tùy vào mức độ trải nghiệm và đầu óc cởi mở của mỗi cá nhân đối với nền văn hóa của phe …đối tác.

Hồi còn đi học đại học ở Mỹ, tôi có một số bạn bè khác chủng tộc. Emily tóc vàng, mắt xanh là một người bạn Mỹ thân nhất trong số đám bạn bè đó, có lẽ vì cô nàng Emily tóc vàng trạc tuổi tôi nên chúng tôi thường nói chuyện với nhau. Chúng tôi sống trong cùng một thành phố nên thỉnh thoảng rủ nhau đi đến nhà hàng Việt để ăn thức ăn Việt. Có lần tôi còn dắt Emily đi chợ Việt.

Emily là mẫu người có đầu óc cởi mở, thích tìm hiểu các nền tiểu văn hóa (sub-culture) trong xã hội Mỹ. Trong các món Việt mà tôi giới thiệu, Emily thích ăn chả giò, bánh mì, phở và cơm chiên. Ăn hoài mấy món đó cũng chán, cách đây vài ngày, tôi mời cô ta đi ăn ở một nhà hàng Việt và đề nghị cô ta thử món bún bò. Phần tôi, tôi chọn món sườn ram mặn và canh chua cá bông lau. Sau khi tôi giới thiệu sơ qua thành phần nguyên liệu của tô bún bò, Emily chỉ cục huyết heo trong tô bún bò, hỏi tôi: “ Cái gì vậy bồ?”

- Huyết heo luộc, tôi trả lời. Tôi giải thích cách người ta làm huyết heo cho đông lại như thạch rồi đem đi luộc

- Eww, tôi không ăn huyết heo, bạn không phiền lòng chứ? Emily hỏi tôi.

- Không sao - Tôi cười.

Emily ăn được hết tô bún bò nhưng không ăn miếng huyết vì cô ta nói miếng huyết trông ghê tởm quá (disgusting). Tôi đề nghị Emily thử miếng sườn ram, cô ta gắp miếng sườn, ăn xong rồi nói:

- Món này nặng mùi quá.

Tôi biết người Mỹ nói chuyện rất thẳng thắn nên cũng chẳng thấy phật lòng trước nhận xét của cô bạn khác chủng tộc này. Tôi cũng chân thành thẳng thắn đáp lại:

- Với tôi, món sườn này thơm dậy mùi nước mắm ngon, ắt hẳn nhà hàng này sử dụng loại nước mắm hảo hạng để nấu.

Emily nhìn tôi, không nói gì nhưng tôi biết cô ta không chịu được mùi nồng của nước mắm, loại nước gia vị quốc hồn quốc túy của người Việt.

- Emily biết không? Chồng của chị họ tôi cũng tóc vàng mắt xanh như Emily. Chả giò chấm nước mắm chua ngọt là món ăn yêu thích của anh ấy. Nhưng tôi biết “One’s meat is another poison” (Thịt của một người lại là thuốc độc của người khác). Tôi biết nước mắm có mùi nặng đặc trưng, rất ít người Mỹ biết ăn.

Trà dư tửu hậu. tôi bắt sang chuyện nhiều người Mỹ không ăn trứng vịt lộn và Emily là một người trong số đông này. Tôi hỏi cô ta :

- Bạn ăn được thịt vịt nhưng không ăn trứng vịt lộn, vì sao?

Emily thủng thỉnh đáp trả, thành thật và vô tư:

- Vịt đông lạnh mua về rồi luộc khác hoàn toàn với việc luộc phôi thai vịt. Phôi thai là một sinh vật sống. Việc luộc bất cứ một sinh vật nào còn đang sống, tôi nghĩ đó là điều ác độc. Tôi thích tìm hiểu văn hóa Việt Nam nói riêng và văn hóa Phương Đông nói chung, tôi yêu những cú sốc văn hóa nhưng một vài cú sốc đã làm tôi hết hồn, tỉ dụ như khi đi chợ Việt Nam, tôi thấy bán gà vịt còn để nguyên đầu, crawfish và ghẹ bò lổn nhổn trong quầy, cá cua bơi trong hồ. Đặc biệt là tôi sợ nổi da gà khi thấy lũ ếch ngồi chồm hổm.
Hình do TG cung cấp, chụp ở một chợ châu Á, nơi TG cư ngụ

Nhìn tô canh chua cá bông lau, Emily nói tiếp:

- Điều làm tôi choáng váng nhất là cái cách người làm trong quầy cá đập đầu mấy con cá bông lau để bán cho khách hàng.

Nghe Emily nói vậy, tôi sức nhớ lại tôi đã vô tư không để ý đến cảm giác của cô bạn này khi chúng tôi đi chợ Việt. Tôi vội xin lỗi:

- Lẽ ra tôi không nên dắt bạn đi xuống quầy hải sản. Tôi không biết bạn sợ khi thấy các cảnh này, vì với tôi, những cảnh này quá đỗi bình thường. Xin lỗi vì tôi đã không lường trước được nỗi sợ của bạn.

- Không sao. Chúng ta đi xuống quầy hải sản có một lần nên tôi không sao. Emily cười.

Tôi kể cho Emily nghe về những ngày làm tôi việc cho một dự án phi chính phủ ở xứ Đông Lào. Sếp cũ của tôi là một cô Mỹ trắng. Nhân viên của cô khoảng trên dưới mười người. Chúng tôi đi công tác với nhau thường xuyên. Vì vậy chúng tôi thường dùng cơm trưa hoặc cơm tối với nhau.

Nhân viên người Việt thường xuyên gọi món lẩu lươn, thỉnh thoảng họ gọi món tiết canh vịt. Cô sếp của tôi chỉ biết lắc đầu khi nhà hàng dọn lên hai món này vì có lần nhà hàng nọ dọn lên các con lươn nhỏ còn nguyên hình hài, làm tôi cũng ớn óc. Cô sếp cũ của tôi cũng lắc đầu khi thấy những hủ rượu rắn bán trên quầy ở các chợ ở xứ Đông Lào. Emily tròn xoe đôi mắt khi nghe tôi tả những bình rượu rắn và bát tiết canh.

Từ chuyện ẩm thực, chúng tôi miên man tám tới chuyện những sự khác biệt giữa hai nền văn hóa Mỹ-Việt.

- Nhân tiện đây, Emily hãy cho tôi biết bạn có còn bị cú sốc nào khác không?

-Tôi thấy một số người Việt nói chuyện ồn ào khi ở nơi công cộng. Một số người Việt không giữ cửa cho người phía sau mình khi bước vào một cửa hàng mua sắm - Emily nói.

Tôi thầm công nhận những điều Emily nói đều đúng. Tuy vậy, tôi vẫn chống chế:

- Sống ở Mỹ một thời gian, những người Việt mà bạn đang đề cập tới sẽ nhanh chóng hòa nhập vào văn hóa Mỹ và họ sẽ cư xử như người Mỹ, tôi cam đoan như vậy.

- Tôi đồng ý. Tôi cũng không phán xét họ - Emily đáp trả lời tôi.

Dường như văn hóa là một chủ đề khá thú vị cho cả hai nên chúng tôi vẫn tiếp tục hàn huyên. Emily có vẻ ngạc nhiên khi biết tôi gặp gỡ đại gia đình ba má và anh chị em tôi vào cuối tuần.

- Bạn biết không, việc các thành viên trong gia đình sống gần nhau không phải là một nét trong nền văn hóa Mỹ - Emily nói - Ví dụ như gia đình tôi đây, chị tôi đang sinh sống ở California, gia đình anh trai của tôi sống ở Lousiana, còn gia đình tôi thì ở Texas. Công việc ở đâu thì chúng tôi ở đó, không nhất thiết phải sống gần nhau.

- Người Việt chúng tôi thích sống gần nhau để có thể đi thăm nhau dễ dàng. Em trai tôi và chị gái tôi đều sống gần ba mẹ tôi, cùng một thành phố với tôi.

Emiily trầm ngâm, rồi kể chuyện của cô ta. Hồi chưa có chồng rồi có con, Emily có qua châu Phi làm việc cho một tổ chức phi chính phủ. Qua châu Phi được một tháng thì ba cô ta bị bệnh nặng và được đưa vào bệnh viện. Emily phải vét túi mua vé máy bay về Mỹ để thăm ba. Khi vào bệnh viện, ba của Emily hỏi:

- Vì sao con phải bay một chặng đường dài để về đây?

- Con về Mỹ để thăm Ba.

- Bây giờ con đã gặp Ba rồi, nếu con không còn công chuyện gì ở Mỹ để làm, con hãy mau đi qua Châu Phi để tiếp tục công việc.

Đến phiên tôi là người bị sốc. Tôi không hiểu được ba của Emily. Nếu tôi có con, tôi sẽ rất vui khi con cái đến thăm khi tôi ốm nặng.

Emily nhìn tôi, nói tiếp:

- Ba tôi không muốn làm gánh nặng cho tôi và các anh chị em của tôi nên ông tính sẽ vào nhà dưỡng lão trong vài năm tới.

- Ba của Emily độc lập và mạnh mẽ lắm. Hầu hết người Việt chúng tôi có suy nghĩ “trẻ cậy cha, già cậy con” chứ không muốn “già cậy viện dưỡng lão” như người Mỹ. Hầu hết người Việt thuộc thế hệ lớn tuổi như ba tôi, không thích sống ở nhà dưỡng lão. Ba Mẹ tôi thích sống gần con cái. Tôi cũng không muốn sống trong viện dưỡng lão.

- Oh, ra là vậy - Emily nói.

Tôi kể cho Emily nghe về chuyện chọn nghề của em trai tôi. Khi em trai tôi quyết định chọn học ngành psychology (tâm lý học), tất cả các thành viên của gia đình đã khuyên can. Gia đình tôi không thích em tôi học các ngành xã hội vì ba má tôi nói tấm bằng ngành này khó kiếm việc và lương bổng không cao. Vì văn hóa Việt là nền văn hóa cộng đồng, mỗi một quyết định của một cá nhân đều có sự góp ý của đại gia đình. Nhưng vì em trai tôi sống ở Mỹ đã lâu nên cũng thấm cái nét văn hóa chủ nghĩa cá nhân độc lập kiểu Mỹ nên em đã bỏ ngoài tai tất cả các lời khuyên của ba má tôi và anh chị em nên đã theo học ngành này được hai năm.

- Tôi không tán thành việc có quá nhiều người ngăn cản quyết định của em trai bạn. Hãy để em ấy học ngành em ấy yêu thích. Như vậy sẽ tốt cho em ấy.

Trước khi chia tay, tôi kể Emily nghe chuyện con trai tôi thường nói «I love you, Mom» và ôm vai tôi (hug) mỗi khi nó chuẩn bị đi học xa hoặc mỗi khi nó gọi phone cho tôi từ ký túc xá. Emily nhún vai:

- Bình thường thôi, tôi nói câu đó với các con của tôi hầu như mỗi ngày.

- Vậy mà với tôi, nói câu «Mẹ thương con» thật khó khăn. Trong nền văn hóa Việt, rất nhiều bà mẹ không thường xuyên nói « Mẹ thương yêu con» nhưng chúng tôi nấu nhiều thức ăn cho các con mỗi ngày và dành nhiều thời gian cho con cái. Đó là cách chúng tôi thương yêu con cái.

- Oh, ra vậy.

Emily ngạc nhiên, nhướng mắt. Rồi Emily nheo mắt tinh nghịch:

- Bây giờ Emily hiểu vì sao bạn mua nhiều thức ăn cho Emily mỗi lần tụi mình đi ăn ở nhà hàng Việt rồi. Có phải tại vì bạn thương yêu Emily không?

- A ha, tôi cười vang. Emily thông minh lắm. Cảm ơn Emily vì cuộc trò chuyện thú vị hôm nay.

Chúng tôi chia tay, ra về với những nụ cười trên môi. Emily, cô bạn Mỹ tánh tình thẳng thắn, chân thật đã giúp tôi hiểu được những cú sốc văn hóa Việt trên đất Mỹ. Emily đã giúp tôi hiểu được sự khác nhau giữa hai nền văn hóa Việt Mỹ, nhờ buổi nói chuyện này mà chúng tôi trở nên hiểu nhau hơn và thân nhau hơn.

Nhị Độ Hoàng Mai

 

No comments:

Blog Archive