Vĩnh Biệt Một Con Đò
… những chuyến đò năm ấy đã sang sông
và khách bộ hành đã đi về những vùng đất khác
nhưng suốt đời con sẽ không làm sao quên được
có một thời Cô-Thầy đã nuôi lớn ước mơ con…
(ntb)
Đời một con người đã có biết bao lần cặp bến từ những con đò. Không phải những con đò đưa ta qua những dòng sông mà qua những dòng đời. Mà dòng đời thì thường chia trăm vạn nẻo và lại nghiệt ngã, không êm ả như những dòng sông, nên khi vừa mới xuống bến này ta lại vội vàng đi tìm bến khác, để rồi chẳng có mấy ai còn nghĩ tới con đò, người lái. Đến lúc tuổi xế chiều, khi cuộc đời chỉ còn đợi chờ một lần sang bến cuối, thì ta mới ân hận, tiếc nuối bao nhiêu điều, và nhận ra chính mình cũng từng là một kẻ vong ơn.
Và buồn thay, trong số những kẻ vong ơn đó lại có tôi, người vừa mới ngộ ra được cái điều đáng ân hận ấy.
Gia đình tôi định cư ở Bắc Âu, nhưng có ba cô con gái sang học bên Mỹ, rồi có việc làm nên ở lại Mỹ từ hơn mười lăm năm nay. Vợ chồng tôi cũng đã sang Mỹ nhiều lần thăm bạn, thăm con. Các cháu đều sống ở Cali. Vậy mà mãi đến mùa hè năm rồi tôi mới tìm đến thăm vợ chồng một vị Thầy cũ. Cả hai ông bà đều đã dạy tôi những năm đầu trung học và cũng là những ân nhân đã từng giúp đỡ, cưu mang tôi qua một đoạn đời khốn khó. Gia đình Thầy Cô ở thành phố Covina, gần nơi các con tôi đang ở.
Hôm đến thăm, tôi có hẹn với vợ chồng cô bạn trẻ Cao Liên Hương, đến từ thành phố nhỏ Calgary, tận bên Canada. Cô bạn này cũng là học trò cưng của Thầy Cô lúc trước, học sau tôi vài ba lớp, nhưng sống phải đạo hơn tôi nhiều, vì cô đã đến thăm Thầy Cô một vài lần trước đó. Còn riêng tôi thì đã đến quá muộn màng. Cô giáo nhân từ của chúng tôi không còn nữa. Cô đã qua đời từ hơn năm năm trước. Bây giờ chỉ còn lại mỗi một mình Thầy, tóc trắng phơ, hai bàn tay run rẩy, ngồi trên chiếc xe lăn, nhờ vợ chồng cô con gái đẩy ra phòng khách đón hai đứa học trò xưa, mà chắc chắn Thầy không còn nhớ là ai. Nhưng nghe nói có học trò đến thăm, Thầy vui mừng lắm, luôn nhìn chúng tôi với ánh mắt yêu thương trìu mến và nụ cười đôn hậu, ngồi nghe chúng tôi kể lại những kỷ niệm dưới mái trường xưa, và ca ngợi dáng dấp “tài tử Gary Cooper” của Thầy thời còn trai trẻ. Thầy còn ký tặng chúng tôi cuốn sách của Thầy “Pour écrire correctement Le Francais”. Cuốn sách gối đầu giường của đám học trò chúng tôi thời ấy. Nét bút có yếu đi, run run một chút, nhưng vẫn phảng phất cái dáng vừa nghiêm nghị vừa quý phái của Thầy ngày trước. Đưa tay cầm cuốn sách Thầy cho, tôi thấy lòng lâng lâng, xúc động, vui buồn lẫn lộn, nên nụ cười chưa kịp nở trọn thì nước mắt đã ràn rụa tự lúc nào. Vơ chồng cô con gái hiếu thảo của Thầy sợ Thầy mệt, nên xin phép chúng tôi đưa Thầy vào phòng để Thầy nằm nghỉ. Chúng tôi cùng ra thăm mộ Cô. Cô nằm cô đơn lặng lẽ trong một nghĩa trang rộng lớn yên tĩnh trên ngọn đồi Covina Hills, nhìn xa xa xuống ngôi nhà cũ. Tôi quỳ trước mộ Cô, nước mắt đầm đìa, khi thấy trên thảm cỏ xanh bằng phẳng chỉ có tấm mộ bia lạnh lùng khắc sâu tên Tung Linh Tran Nguyen.
Dù đã hơn 50 năm, qua bao nhiêu thăng trầm, biến đổi, tôi không bao giờ quên cái tên thật đẹp của Cô: Trần Thị Tùng Linh. Có lẽ sau khi sang Mỹ, cô lấy họ của Thầy, “Nhập gia tùy tục” mà cũng cho trọn vẹn thủy chung với một cuộc tình tuyệt đẹp mà Cô Thầy đã mang theo từ lúc mới quen nhau ở tận Hà Thành. Khi Thầy từ Huế còn Cô từ Vinh ra học.
Đúng như lời một anh chị nào đó đã kể cho tôi nghe: Chính tại Hà nội, một thành phố nổi tiếng thanh lịch, và trong lứa tuổi hoa niên tươi đẹp đó, chàng thanh niên xứ Huế, có dáng người dong dỏng cao, nét mặt cương nghị, thông minh, trí thức đã gặp một thiếu nữ cũng thật thanh tú, dịu dàng, nết na, thùy mị, cũng từ thành phố Vinh ra Hà Nội học. Chuyện “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ” đã tạo nên một mối tình tuyệt vời trong sáng giữa hai tâm hồn đồng điệu. Rồi sau khi học xong, Cô Tùng Linh đã trở về lại Vinh để mở một trường Tiểu học. Còn chàng trai Nguyễn Bá Mậu thì trở về Huế để trở thành một Giáo sư dạy Pháp Văn tại các trường Trung học Khải Định và Nguyễn Du. Khi hai người được song thân cho phép thành hôn, một đám cưới thật linh đình đã diễn ra taị Huế vào năm 1941.
Năm 1953 Thầy Cô dời vào Nha Trang tiếp tục nghề dạy học. Thầy dạy trường Trung Học công lập Võ Tánh, và một vài trường tư thục. Còn cô, chỉ dạy ở trường trung học Tương Lai.
Đến năm 1958 Thầy Cô thành lập Trung học Tư thục Văn Hóa. Thầy vừa dạy vừa đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng, còn cô thì dạy môn Pháp Văn và Công Dân Giáo Dục.
Năm ấy tôi là một thằng bé nhà quê vừa lên tỉnh học. Thi vào đệ thất trường công lập Võ Tánh bị rớt, với cái tính bốc đồng của một thằng con nít, tôi bèn ghi danh vào học lớp đệ lục trường tư thục Văn Hóa. Trường vừa mới mở ở gần nhà ông chú mà tôi đang trọ học, trên đường Quốc Lộ 1, cách Ty Thông Tin vài trăm mét. Cô giáo Trần Thị Tùng Linh, dạy môn Pháp văn, cũng là giáo sư hướng dẫn lớp tôi. Lúc ấy Cô còn trẻ, vẫn bới tóc, vẫn áo dài tơ lụa màu hoàng yến, vẫn nét đài các của cô con gái quí tộc vùng Vinh ra học ở Hà thành dạo trước.
Ngày xưa ba tôi là thầy giáo dạy trường Pháp Việt. Tôi mồ côi mẹ từ lúc mới lên ba, cho nên ngày nào đi dạy học ba tôi cũng dắt tôi đến lớp giao cho vài anh chị học trò lớn tuổi trông coi và chỉ cho tôi học vài ba chữ tiếng Tây để cho tôi khỏi chạy phá phách lung tung. Những lúc ở nhà, chỉ có hai cha con, Ba tôi cũng thường dạy cho tôi vài câu nói, vài câu hát tiếng Tây. Nhiều lúc ông đùa giỡn với tôi bằng những tràng tiếng Tây mà tôi chẳng hiểu mô tê gi cả. Nhờ vậy mà khi lớn lên, đi học, tôi đã có một mớ vốn liếng tiếng Pháp, dù lộn xộn không trúng trật vào đâu.
Khi mới vào lớp đệ lục, nhờ cái vốn liếng bì bõm ấy mà cuộc đời tôi như diều gặp gió. Và ngọn gió thần diệu đã đưa thằng bé nhà quê bước qua những tự ti, sợ hãi, chính là cô giáo Tùng Linh. Biết tôi mồ côi mẹ, và ba tôi cũng từng là một đồng nghiệp nhưng không may, lỡ vận, Cô đã hết lòng thương mến, nâng đỡ tôi, giới thiệu với phu quân, thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Bá Mậu. Nhờ tình thương của Cô mà tôi càng chăm chỉ học hành để mỗi cuối tháng hân hoan nhận từ tay Cô những Bảng Danh Dự màu đỏ màu xanh, và sung sướng để được nhìn thấy Cô cười. Tôi được hưởng học bổng trong suốt ba năm học. Đến khi thi đậu trung học đệ nhất cấp, tôi mới chuyển vào trường công lập Võ Tánh, Chính điều này tôi cũng đã phụ lòng Thầy Cô. Khi biết tôi đậu trung học với thứ hạng khá, Thầy Cô tìm thăm, khen ngợi và khuyên tôi nên tiếp tục học ở trường Văn Hóa. Tôi ái ngại, không muốn mang nặng thêm món nợ ơn nghĩa của Cô Thầy.
Từ giã trường Văn Hóa, tôi đã mang theo bao nhiêu ân tình, kỷ niệm với Cô Thầy, bè bạn. Sau này, khi hồi tưởng quãng đời cắp sách đến trường, thời gian tôi ghi nhớ nhất vẫn là ba năm dưới mái trường Văn Hóa. Có lẽ, cái thời còn thơ dại ấy mới đúng nghĩa học trò. Khi vào lớp tam C Võ Tánh, có lẽ học chung với bao nhiêu người đẹp, nên dường như tôi thấy ai cũng bắt đầu muốn làm người lớn, trầm ngâm, ít nói, không còn nghịch ngợm đùa giỡn nữa.
Mấy năm còn học ở Võ Tánh, vài lần tôi có ghé lại trường Văn Hóa và đến tư gia để thăm viếng Cô Thầy. Nhưng sau khi rời Võ Tánh, rồi vào lính, theo đơn vị rày đây mai đó, tôi không còn có dịp gặp lại Cô Thầy nữa.
Những lúc đóng quân ở những tiền đồn heo hút, hay dừng quân trước các ngôi trường vùng giao chiến, tôi da diết nhớ thời còn đi học, và nhớ đến Thầy Cô, đến từng khuôn mặt bạn bè. Nhất là khi có một vài thằng bạn học cũ vào lính, bất chợt ra trình diện đơn vị tôi, chúng tôi tha hồ ôn lại chuyện xưa, kể lại từng kỷ niệm vui buồn để thấy mình được hồn nhiên trở lại với bao nhiêu bâng khuâng tiếc nhớ trong lòng.
Hồi ấy trong lớp tôi, hầu hết nữ sinh đều thuộc hàng chị. Mà bà chị nào cũng xinh đẹp, nên chỉ mới sau năm đệ tứ là một số đã bước lên xe hoa. Có cả vài cặp vợ chồng học chung trong lớp. Bọn con trai thì tản mác bốn phương trời. Sau này có hai người về đơn vị tôi. Cả hai đều lớn tuổi hơn tôi. Một anh ngày xưa là trưởng lớp, đạo mạo tư cách và học rất giỏi, nhưng không hiểu vỉ sao khi ra đơn vị tôi, anh chỉ là trung sĩ. Hôm ấy, tôi hết sức ngỡ ngàng, khi vị sĩ quan quân số đưa anh đến trình diện. Tôi nhận ra anh ngay, chạy đến ôm lấy anh, trong lúc anh vẫn đứng nghiêm đưa tay chào. Tôi gọi anh bằng anh và xưng em như những ngày còn trong lớp. Dù anh không hề yêu cầu điều gì, tôi xếp cho anh trong ban quân số, làm việc ở hậu cứ. Sau những lần hành quân trở về, chúng tôi lại gặp nhau, bù khú, kể chuyện thầy bạn ngày xưa. Sau này nghe anh tâm tình, tôi mới biết là ngay sau năm đệ tứ anh lấy vợ, có con, nên phải đi làm, không còn tiếp tục học. Hai năm sau, tôi đề nghị và khuyến khích anh theo học khóa sĩ quan đặc biệt. Anh từ chối, nhưng sau đó nể tình tôi, anh nộp đơn, lên đường. Không ngờ chính tôi đã hại anh. Sau khi mãn khóa không được trở về đơn vị cũ, anh được bổ sung cho một đơn vị khác và tử trận chỉ vài tháng sau đó.
Một anh bạn cùng lớp nữa, tính tình rất vui vẻ dễ thương, mà lúc đi học bọn tôi thường chơi chung. Nhà anh ở trên Thành, nên nhiều dịp cuối tuần, tôi đạp xe theo anh về nhà anh chơi. Nhà có nhiều cây ăn trái và nuôi nhiều loại chim mà tôi rất thích. Anh có ba anh em trai kế nhau, và cũng rất thân nhau. Một điều đặc biệt làm tôi nhớ mãi tên của ba người, bởi chính là ba mẫu tự A, B, C đơn giản. Đang làm Chi khu phó một huyện yên bình của quê nhà Khánh Hòa, nhưng đến năm 1973 chiến trường cao nguyên ác liệt, anh bị đôn quân về đơn vị tôi. Gặp nhau tại thành phố Kontum hoang tàn đổ nát, chỉ uống cà phê một lần ở cái quán nhỏ bên dòng sông Dakbla, rồi chia tay. Sau hơn một tháng làm tiểu đoàn phó, anh lên tạm thay anh tiểu đoàn trưởng bị tử trận. Nhưng chỉ một tuần sau đó anh cũng đã hy sinh. Tôi không được nhìn mặt anh lần cuối, mặc dù tôi đã đến kịp trước khi chiếc trực thăng mang anh về quân y viện Pleiku. Lúc ấy anh đã nằm trong chiếc poncho gói kín. Tôi chỉ còn biết đứng nghiêm, đưa tay lên chào tiễn biệt.
Và hai người bạn ấy cũng là hai người học trò nghèo, học giỏi, được Cô Tùng Linh yêu thương giúp đỡ. Mỗi lần gặp nhau, chúng tôi vẫn thường nhắc đến Cô với tất cả lòng cảm kích, biết ơn.
Hôm ngồi trước mộ Cô, tôi hình dung đến khuôn mặt hiền từ và nụ cười độ lượng của Cô. Tôi nhớ có lần tôi thấy Cô giận lắm, khi một vài đứa học trò nghịch ngợm, ngồi phía sau bắn cao su vào đám nữ sinh phía trước, trong lúc Cô đang viết bài trên bảng đen. Không ngờ “lạc đạn”, trúng vào phía sau lưng Cô. Cô quay lại, cả lớp im thin thít, bất ngờ Trần Bá Hòa, anh chàng vui tính và nghịch nhất lớp đứng lên gãi đầu: Lần này không phải con đâu Cô. Cô đừng la con tôi nghiệp nghe Cô. Cô mỉm miệng cười, rồi hạ giọng bảo: các em đừng nghịch như vậy nữa, đau lắm nghe. Sau này Trần Bá Hòa vào lính sớm và cũng là người đầu tiên trong lớp bỏ lại bạn bè, vĩnh viễn ra đi. Năm đang học lớp đệ nhị ở Võ Tánh, nghe tin Hòa mất, tôi ghé lại trường Văn Hóa thăm Cô và báo tin buồn này. Cô bàng hoàng xúc động rơm rớm nước mắt. Lòng Cô thật nhận hậu bao la.
Cô Tùng Linh là bóng mát thiên đường cho tuổi thơ của bao đứa học trò chúng tôi ngày ấy. Cô là người lái đò vĩ đại đã đưa chúng tôi qua bao nhiêu bờ bến khi chúng tôi mò mẫm bước lên cuộc đời đầy những bất trắc đợi chờ. Vậy mà bao nhiêu năm, những đứa học trò như tôi không tìm đến thăm Cô, không có mặt bên Cô và tiễn đưa Cô đến nới an nghĩ cuối cùng. Há chẳng phải là một sự vong ơn ?
Nhiều lần tôi tự bào chữa cho mình. Thực ra tôi đã luôn nhớ tới Thầy Cô, nhất là thời gian sau này, khi tha phương nơi đất khách quê người. Nhưng tôi cứ đinh ninh là gia đình Thầy Cô sống ở Nhật Bản, vì tôi nhớ là người con trai lớn của Thầy Cô, anh Nguyễn Bá Vinh đã sang du học bên Nhật từ giữa thập niên 60. Chắc thế nào anh ấy cũng đã bảo lãnh gia đình Thầy Cô sang ấy. Hơn nữa tôi lại định cư ở một nước Bắc Âu xa tít mịt mùng, không tiếp xúc được nhiều bè bạn cũ.
Vì vậy mà tôi không hỏi thăm tin tức Thầy Cô. Cho đến một hôm, cuối năm 2007, tôi bất ngờ nhận được e-mail của một người có tên Nguyễn Bá Tùng Diệp. Chỉ thấy hai chữ Nguyễn Bá thôi là tôi mừng khôn xiết. Tùng Diệp cho biết là đã đọc được một số bài viết của tôi ở đâu đó. Trong đó tôi có nhắc tới Thầy Cô, và biết tôi là em họ của anh Nguyễn Ngọc Du, cũng là một học trò cũ của Thầy và rất thân quen với gia đình Thầy, nên Diệp hỏi anh Du xin địa chỉ. Nhờ đó mà tôi mới biết được tin tức của Thầy Cô. Và cũng từ đó tôi cảm thấy rất gần gũi thân quen và quí mến Tùng Diệp& Bảo An. Vợ chồng cô con gái hết mực hiếu thảo của Thầy Cô.
Tôi dặn lòng từ nay mỗi lần sang Mỹ, việc trước tiên là đến thăm Thầy và vợ chồng Tùng Diệp.
Nhưng rồi thêm một lần nữa tôi đành thất lễ. Và cũng không còn có cơ hội khác. Tôi mang tội vong ơn khi không những đã không viếng thăm Thầy trong những ngày cuối đời mà cũng không có mặt để tiễn đưa Thầy về miền miên viễn.
Sau một tháng ở Úc Châu cùng với anh em cựu học sinh Võ Tánh, những đồng môn vẫn còn giữ trọn tấm lòng, tổ chức Ra mắt Tập Truyện Ở Cuối Hai Con Đường, gây quỹ giúp Thương Phế Binh trong nước, trở lại Nauy, tôi bị cúm. Có lẽ do thời tiết thay đổi bất ngờ, khi ớ Úc đang mùa hè, còn Nauy thì đang mùa đông băng giá.
Buổi sáng vừa thức dậy, như có điều gì thôi thúc, tôi vội mở máy đọc e-mail. Tôi sững sờ khi đọc vài dòng rất ngắn của vợ chồng Tùng Diệp, báo tin Thầy vừa mới ra đi. Thầy ra đi nhẹ nhàng như sau một giấc ngủ rồi không bao giờ thức dậy. Tôi thẫn thờ, nhìn ra ngoài trời mịt mờ tuyết trắng, mà có cảm giác như trong lòng mình cũng chỉ còn có tuyết trắng mênh mông. Tôi vội vàng thông báo tin buồn trên Diễn Đàn Võ Tánh&Nữ Trung Học và cho nhiều bạn bè, anh chị em ở Mỹ, ở Úc, ở Âu Châu và cả ở Việt Nam, cũng như nhờ đăng lời chia buồn trên một số báo chí mà tôi quen biết. Tôi làm như để được bù đắp một điều gì .
Từ London, anh Trần Đăng Hồng, cựu giáo sư một đại học ở Anh quốc từ trước 75, cũng là môt học sinh kỳ cựu của Thầy ở trường Võ Tánh, lập ngay một trang Tưởng Nhớ Thầy Nguyễn Bá Mậu trên trang web của Quỹ Hoc Bổng Khánh Hòa, với sự đóng góp rất nhanh chóng những bài thơ, bài viết Khóc Thầy của những người học trò, tuổi đã trên sáu, bảy mươi: anh Nguyễn Thanh Ty, Nguyễn Văn Sanh, chị Võ Thị Hoa.. Từ Cali, anh Văn Hùng Đốc báo cho biết, sẽ cùng với những học sinh cũ của Thầy đến viếng Thầy và chia buồn cùng tang quyến, anh Nguyễn Đình Cường điện thoại cho biết anh sẽ đại diện cho những cựu học sinh Võ Tánh đọc bài điếu văn tiễn biệt Thầy.
Tôi thấy lòng dạ xôn xao, nhưng chỉ biết nhờ vợ chồng cô con gái út ở Alhambra, gần thành phố Covina của Thầy, thay mặt tôi, mang vòng hoa đến viếng và thắp hương xin lạy trước linh cửu của Thầy.
Cô con gái gởi cho tôi mấy tấm ảnh qua e-mail. Tôi nhận ra một số người quen trong đám học trò đến viếng. Tôi xúc động nghẹn ngào khi nhìn thấy mấy tấm ảnh của Thày Cô chụp chung lúc còn rất trẻ. Khi ấy Thầy Cô đang là những người lái con đò đưa tôi và đám bạn bè bé nhỏ sang những bờ bến đầu đời. Chính những bến bờ ấy đã mở ra một chân trời và quyết định cả cuộc đời của những đứa học trò, trải qua bao thăng trầm, giờ tóc đã điểm sương, bạc trắng, và tản mát khắp bốn phương trời.
Nhưng cuối cùng, dù có làm gì đi nữa, thì tôi cũng đã không có mặt cùng đám học trò trong Lễ Viếng và An Táng của Thầy. Tôi thấy áy náy và xấu hổ khi nghĩ mình vẫn mãi là kẻ vong ơn. Dẫu biết là Thầy đã sống thọ trên tuổi bách niên và ra đi thanh thản, nhưng tôi vẫn thấy có một khoảng trống bao la cùng nỗi ân hận trong lòng:Tôi đã từng được đưa đến bến bờ để kịp chạy theo những dòng đời với biết bao phong ba trước mặt, nhưng tôi không còn cơ hội nào để nói lời cám ơn với những người lái đò vĩ đại, cho dù chỉ để xin được nói một lời tạ lỗi rất muộn màng.
Cuối đông 2008
Phạm Tín An Ninh
No comments:
Post a Comment