Tuesday, October 25, 2022

ĐÀN ÔNG NĂM BẢY LÁ GAN

Dưới ánh mặt trời chói chang, ruộng lúa chín trải dài từ con lộ mới vô tít trong làng Mỹ-Nghiã như một tấm thảm vàng khổng lồ. Những bông lúa no tròn rạp lên nhau theo chìu gió. Từng đàn chim dòng dọc, chim se sẻ bay lên, sà xuống từ chỗ nọ sang chỗ kia như những đám mây nhỏ…

Nhà ông Cả Phương, đám thợ gặt ở nơi khác tới cũng đã tề tựu đông đủ. Họ ăn ở luôn tại đây. Những thợ gặt trong làng, mỗi buổi chiều xong việc ai về nhà nấy.

Mợ Tư Tâm, dâu ông bà Cả đang mang thai đứa con thứ ba. Cái bầu bảy tháng khiến mợ đi đứng nặng nề, chậm chạp. Tuy vậy mợ vẫn phải chỉ huy đám hỏa đầu quân nấu cơm cho thợ ăn ngày ba buổi. Chẳng phải cao lương mỹ vị gì, nhưng món mắm lóc chưng đường hủ, nước đặc quánh, rắc hành tiêu thơm phức được mọi người chiếu cố đặc biệt. Bầu, bí, rau cải đầy vườn nên họ cũng được ăn thả cửa. Mợ Tư đãi ngộ đám thợ gặt rất rộng rãi nên ai cũng ráng làm hết sức, không hề than cực.

Mỗi bữa trưa, con Ni với thằng Ban, đứa đội thúng cơm, đứa đội thúng đồ ăn, tay xách bình trà huế ra đồng. Dưới tàn cây gáo cổ thụ tỏa bóng mát như một cây lộng khổng lồ, hai đứa bày cơm nước trên chiếc đệm cói. Đám thợ gặt bu xung quanh, vừa ăn vừa cười giỡn râm ran. Thúng cơm gạo nàng tây trắng nõn không mấy chốc đã hết sạch. Sau khi tráng miệng mỗi người một trái chuối lá xiêm chín vàng lườm, họ quay ra người ăn miếng trầu, kẻ vấn điếu thuốc rê, hút phun khói mịt mù…Sau chén trà huế nóng hổi, họ tiếp tục gặt cho tới xế chiều…

Chỗ mang cá giáp con lộ mới, ông Cả dùng làm chỗ đạp lúa. Hai con bò vừa đạp lúa vừa nhơi rơm nhóc nhách. Sau đó lúa được giê cho sạch hột lép, rồi đổ trên những tấm đệm trải dài hai bên con lộ đá xanh. Sau vài nắng, hột lúa thiệt khô mới đổ vô bồ, chờ lái tới mua. Rơm được chất xung quanh một thân tre khô cao độ ba, bốn thước thành cây rơm. Rơm dùng cho trâu bò ăn vào mùa nước, hoặc nướng bánh phồng, bánh tráng trong dịp Tết. Đôi khi dùng nướng cá lóc, cá bông bọc đất sét cũng rất tiện lợi.

Cứ cách một hai tối, mợ Tư lại đãi đám thợ gặt một nồi chè đậu xanh hoặc đậu đỏ. Nhà có vườn dừa bát ngát nên nồi chè nào cũng được nêm nước cốt dừa béo ngậy. Bà Cả có cằn nhằn sao hoang phí thì mợ Tư chỉ cười chống chế:

– Tội nghiệp họ làm cực khổ quá má à. Nồi chè đối với mình đâu có đáng bao nhiêu.

Mà thiệt năm nào ông bà cũng cho trồng vài công đậu ở miếng đất giáp với nghĩa địa của đại gia đình họ Nguyễn. Miếng đất có độ hai công nên không đáng trồng lúa. Thiệt tình mà nói, những gia đình có của dưới quê, đã giàu càng ngày càng giàu thêm bởi quanh năm họ không phải chi tiêu nhiều cho vấn đề ăn uống. Gia đình ông Cả Phương có vườn dừa bán trái quanh năm. Cam, quít, soài mỗi mùa đều có lái tới đặt cọc trước. Lúa ruộng góp mỗi năm cả chục ngàn giạ. Nếu được giá thì bán cho lái. Không thì cậu mợ Tư Tâm mướn ghe chài chở lên Chợ-Lớn bán cho mấy chành lúa. Sau mùa lúa bắt đầu tát đìa. Ông Cả có vài cái đìa khá lớn rải rác trong ruộng nhà. Mùa nước lớn, ngoài đồng nước ngập mênh mông. Tôm cá đủ loại từ sông Cái lội vô kiếm ăn. Đến khi nước giựt, cá từ từ tụ lại sống trong đìa. Ngoài cá tôm, trong đìa còn có sen, súng mọc đầy. Mùa sen nở rộ, mỗi luồng gió thoảng qua, mang hương thơm bay lồng lộng khắp cánh đồng. Cứ vài hôm bà Cả sai thằng Ban ra đìa cắt hoa sen về cho bà cúng Phật. Cọng bông súng, mợ Tư bóp dấm làm gỏi trộn khô cá lóc, cá sặc, hoặc trộn với bông điên điển, lá lụa, lá soài non chấm mắm kho cũng ngon tuyệt vời!… Năm nào tát đìa xong, tôm cá nhiều quá ăn không hết, mợ Tư và con Ni phải đem xuống chợ Cao-Lãnh bán bớt. Gà, vịt lúc nào cũng sẵn vài chục con trong sân. Heo vài con trong chuồng. Mợ Tư lại có tay trồng rau. Vạt rau sau hè lúc nào cũng xanh tươi. Mợ cảm thấy lòng thư thái, êm ả khi ngắm đàn bướm đủ màu bay lượn trên những luống cải lấm tấm hoa vàng. Tai nghe tiếng vo ve của đám ong bầu, ong vò vẻ lượn lờ trên già bầu, giàn bí cũng khiến lòng mợ vui như mở hội…

Không tốn kém cho việc ăn uống nên đồng tiền thâu vô phần lớn dùng để mua thêm ruộng, thêm vườn. Căn nhà nền đúc đồ sộ của ông Cả được chưng bày hực hở. Bàn ghế, tủ thờ, hoành phi, trường kỷ… được đám thợ mộc thiện nghệ từ ngoài Trung đi ghe bầu vô đóng tại chỗ. Gian giữa thờ sắc Thần. Phía trước buông rèm từ trên trần nhà xuồng tới nền gạch bông xem thiệt uy nghi và không kém phần huyền bí đối với lũ cháu nội, cháu ngoại của ông bà Cã! Mỗi năm tới mùa cúng đình, hương chức hội tề cùng dân làng tựu lại nhà ông Cả làm lễ rước Sắc Thần ra đình. Cúng bái liên tiếp trong ba ngày. Tối đến có hát bội tưng bừng náo nhiệt. Những đêm hát tuồng có đào đẹp như Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu, Mộc Quế Anh dưng cây đầu Tống, Lữ Bố hí Điêu Thuyền thì thiên hạ coi chật rạp. Ngược lại nếu diễn tuồng Chung Vô Diệm thì khán giả rất thưa thớt!

Năm nào mợ Tư Tâm cũng bị chia phần chỉ huy ban ẩm thực. Từ người có chức lớn nhứt cho tới kẻ cùng đinh trong làng đều được ăn uống no say nên mọi người ai nấy đều hể hả…

Ông Cả Phương muốn cậu Tư sau này ra tranh cử Hội Đồng nên bắt cậu lãnh chức Xã trưởng, là nấc thang bắt đầu cho sự nghiệp chánh trị về sau. Năm đó cậu mới ba mươi. Đẹp trai, ăn nói có duyên lại có chức tước nên cậu được phái nữ hâm mộ hết mình, báo hại mợ Tư đánh ghen mệt nghỉ!

Mấy ngày trước khi mùa gặt bắt đầu, cô Hai Trâm là chị bà con của cậu Tư Tâm tới gặp mợ Tư, xin cho người em bà con bên chồng vô giúp việc. Cô hai nỉ non:

– Tội nghiệp cổ lắm mợ ơi. Mới hăm hai tuổi đã góa chồng. Không nghề ngỗng lại bị bà má với đám em chồng ăn hiếp. Cổ chịu hết nổi nên ôm quần áo trốn lên nhà tui ở đậu. Tui thấy mợ bụng mang dạ chửa nặng nề, lại sắp tới mùa lúa, chắc cần người phụ, nên mới đánh liều tới hỏi mợ cho cổ làm, kiếm miếng cơm qua ngày. Tùy mợ muốn cho nhiêu cũng được, cổ không dám đòi hỏi gì nhiều.

Sẵn tánh hay thương người, thấy cảnh góa bụa lại bị ức hiếp, mợ Tư đâm thương cảm nên đồng ý mướn liền. Cô Hà thuộc loại mình dây, người dong dỏng. Tuy mặc cái áo bà ba vải bông, quần ú đen, nhưng không dấu được làn da trắng hồng. Mái tóc đen nhánh bới gọn sau ót. Cặp mắt lá răm có đuôi, tuy hay nhìn xuống, nhưng cũng không dấu được vẻ long lanh. Lúc chào mợ Tư cô chỉ hé đôi môi, nhưng mợ cũng thoáng thấy đôi hàm răng trắng ngà đều đặn. Nếu một mình cô ta tới xin giúp việc chắc mợ Tư không dám mướn. Nhưng là em chồng cô Hai Trâm, vướng trong tình trạng trái ngang, phải tạm đi làm nuôi thân thì lại khác. 

Mợ Tư an ủi cô Hà vài câu rồi kêu con Ni dẫn cổ xuống nhà dưới, nơi dành cho người làm, dọn một căn buồng nhỏ kế buồng con Ni cho cổ. Hành trang của cô người làm mới chỉ gọn gàng một bọc đồ nho nhỏ…Mới có mấy ngày mà cô Hà đã được lòng hết mọi người trong nhà. Chịu khó thức khuya dậy sớm, làm lụng chăm chỉ, lại nói năng ngọt ngào. Khó tánh như bà Cả mà cũng không bắt bẻ vào đâu được. Chỉ có hôm đầu, vừa mới thấy mặt cô Hà, Bà Cả châu mày ngạc nhiên, kêu mợ Tư lên nhà trên nói:

– Vợ thằng Tư thấy sao, chớ má dòm tướng con nhỏ này đi ở mà sao mướt rượt hà!

Mợ Tư cười hiền:
– Tại cổ là em bà con với anh Hai chồng chị Trâm đó má. Hoàn cảnh ngặt nghèo mới đi ở tạm kiếm cơm. Thôi mình cũng ráng giúp cổ ít bữa xem sao…

Bà Cả nói xuôi:
– Ừ, nhà mình đương neo người, bây tính sao đó tính.

Con Ni chịu lắm, vì từ ngày có Hà, nó có thì giờ rảnh để tò tí với thằng Ban nhiều hơn. Con Ni năm nay mười bảy. Thằng Ban mười chín. Gia đình Ban ba đời đều làm cho ông Cả. Ông nội, rồi tía nó đều là tá điền làm ruộng, riêng nó được giao cho giữ bầy bò và làm công việc lặt vặt trong nhà từ năm mới lên mười bốn. 

Phần con Ni quê ở Hồng Ngự. Lúc mợ Tư sanh đứa con thứ hai, bà Phủ Bá, má ruột mợ trên Đốc Vàng Thượng, mướn nó lúc đó mới mười ba tuổi, dắt xuống coi em. Nhà nó đông con lại nghèo thê nghèo thảm. Có bữa ăn cơm chỉ có rau cải trời, rau tập tàng luộc chấm nước tương. Lúc mới tới giúp việc, con Ni ốm lòi cả xương sườn xương sống. Rồi nhờ ăn uống đầy đủ chất bổ, từ từ nó trổ mả coi cũng đẹp gái. Với thân hình tròn lẳn, chắc nịch, mái tóc dài xức dầu dừa mướt rượt, kẹp gọn trong chiếc kẹp ba lá. Nước da nó ngăm ngăm nhưng hồng như trái bồ quân. Cái mặt tròn lấm tấm mụn trứng cá, mà hể hở tay là nó len lén móc túi áo, lấy cái kiếng tròn nhỏ xíu ra, đưa ngang mặt ngắm nghía, mân mê mấy cái mụn. Có lần ngứa tay nặn lầm cái mụn bọc, mặt sưng vù hết cả tuần. Miệng nó tươi lại cười toe toét suốt ngày, nên đám trai làng đã nhiều đứa thả lời ong bướm. Rốt cuộc nó kết thằng Ban. Thằng này ngoài tướng tá vạm vỡ, lại ở chung nhà, có nhiều cơ hội gặp gỡ, chuyện trò với con Ni nên chiếm thượng phong. Khi nhà có khách nó còn dám dấu mấy món ngon, lén đem cho thằng Ban ăn. Có lần bị chú Tám Tiểu, người phụ trách lau chùi bàn ghế nhà trên. Khi ông bà Cả đi công chuyện thì phụ chèo ghe hầu. Chú hơn bốn mươi, góa vợ đã năm sáu năm nay, bắt gặp. Chú vừa cười vừa điểm mặt con Ni:

– Chết bây nghen. Dám dấu đồ ăn cho thằng Ban. Mà cái thằng mạnh như trâu cần gì ăn đồ bổ? Ốm yếu như chú đây mới cần tới mấy món nầy. Đưa chú ăn dùm cho.

Con Ni nguýt:
– Chú mà yếu! Chú kêu yếu sao đêm nào cũng ”chầu” nhà cô năm Liễu tới khuya lơ khuya lắc mơí về?

Chú Tám trợn mắt:
– Sao bây biết tao ở đằng cô năm tới khuya?

Con Ni cười đắc thắng:
– Thôi chú đừng chối. Mới sáng hôm qua tui lên nhà trên thay dĩa trái cây trên bàn thờ. Thấy chú ngồi dưới gạch, tay cầm miếng giẻ lau mấy cái chưn tủ. Tay chú kéo qua kéo lại mà mắt nhắm hít, cái đầu gục lên gục xuống. Hổng thức khuya sao chú ngủ gục?

Chú tám cười xòa:
– Thôi tao sợ cái miệng bây luôn!

Mợ Tư Tâm tuy la con Ni chằn chằn, mợ chỉ sợ nó lỡ dại ôm cái bầu, nhưng trong thâm tâm mợ cũng muốn tác hợp cho hai đứa nó sau này.

Trong thời gian gặt lúa, người nào cũng bận rộn từ hừng đông tới tối mịt. Làm không hở tay nên sau bữa cơm là lăn ra ngủ, không còn biết trời đất gì ráo. Mợ Tư vác cái bụng bầu tròn vo đi tới đi lui cả ngày, tới tối có khi hai bàn chưn sưng vù, mệt đứt hơi. Leo lên giường là mợ đánh một giấc no nê tới gà gáy canh một. Cậu Tư lấy cớ không muốn phá giấc ngủ của mợ nên tạm thời di tản lên ngủ nhà trên, cạnh phòng ông Cả. Phòng cậu mợ ở nhà ngang, nhà dưới cho người làm và nhà bếp. Sáng nào mợ cũng thức sớm nhứt rồi lệt bệt xuống nhà dưới, kêu con Ni dậy nhúm lửa nấu bữa sáng cho cả nhà và đám thợ gặt ăn dằn bụng.

Cậu Tư ngoài việc làng cũng lăng xăng ra đồng đôn đốc mọi người. Tối tối sau bữa cơm cậu cũng tham gia ăn chè với đám thợ gặt. Tài kể chuyện tiếu lâm của cậu được tán thưởng nhiệt liệt. Riêng lũ con trai mới lớn, còn khờ khạo về mục trai gái, được cậu ban cho những lời khuyên rất bổ ích!

…Mùa gặt qua. Giạ lúa cuối cùng cũng đã được cho vô bồ. Đám thợ gặt sau khi lãnh tiền công hậu hỉ, ai về xứ nấy, trả lại sự yên tĩnh cho gia đình ông bà Cả. Nghỉ ngơi vài ngày mọi người sẽ bắt tay vào mục bánh mứt, lo cho cái Tết sắp đến…

Bữa nay trăng tròn vành vạnh, đổ xuống vạn vật một thứ ánh sáng trong như thủy tinh, êm mát như nhung lụa. Cơm tối xong, cậu tư Tâm nói với mợ rằng cậu phải lại nhà ông Hương sư Mậu họp, chắc về trể. Chuyện cậu Tư đi chơi sau bữa cơm tối là thường, nên mợ cũng không cần thắc mắc. Mợ chỉ nhắc cậu như thường lệ:

– Mình nhớ đừng nhậu nhẹt quá chén, rủi về dọc đường té bờ té bụi không ai hay rồi mang họa.

Cậu Tư trấn an vợ:
– Anh biết rồi. Mình cứ yên tâm ngủ ngon. Đừng lo, anh họp chút xíu về liền.

Đang ngủ say, mợ Tư chợt giựt mình tỉnh dậy, vì hình như có ai đang khều. Định hồn nhìn kỹ té ra con Ni. Mợ định mở miệng hỏi thì nó ra hiệu biểu đừng lên tiếng, rồi kề tai nói thì thào:

– Cô Sáu, con nhỏ kêu theo thứ của mợ Tâm lúc còn con gái, theo con xuống nhà dưới liền. Dượng Sáu đang ở trong buồng chị Hà.

Nghe tới đây mợ Tư bật dậy như bị điện giựt. Miệng há hốc nói không nên lời. 

Con Ni thì thào tiếp:
– Hồi nãy con thức dậy đi tiểu. Ngang buồng chị Hà nghe có tiếng nói chuyện nho nhỏ. Con tưởng anh Ban nên áp tai vô vách lắng nghe. Té ra tiếng của dượng Sáu. Con lật đật lên kêu cô. Cô nhớ đừng để cho dượng biết là con cho cô hay, không thì chết con đó.

Mợ Tư nói thôi mầy về buồng trước đi rồi tao xuống. Nhưng trước khi xuống, mợ cầm cái đèn trứng vịt đi kiếm cây chổi lông gà. Mợ nhè nhẹ mở cửa buồng rồi bất thần vén mùng lên. Chu mẹt ơi, dưới ánh trăng sáng lồng lộng từ cửa sổ hắt vô, bộ ngực trần của cô Hà trắng nhễ nhại. Lại còn gối đầu trên cánh tay cậu Tư, mái tóc huyền xổ tung coi mười phần gợi cảm. Máu ghen tràn ứ cổ, mợ Tư tay vừa quất túi bụi, miệng rít lên:

– Đồ gian phu dâm phụ. Dám dở trò khốn nạn trong nhà này. Cho mấy người giỏi hú hí nè…

Cậu Tư vừa đỡ đòn cho tình nhân, vừa nhảy xuống giường, a lại ôm mợ Tư cứng ngắt:
– Thôi mà mình… Thôi mà mình…

Rồi quay qua phía cô Hà đang ngồi chết trân trong góc giường, tay kéo hai vạt áo cố che bộ ngực trần đang phập phồng vì quá sợ hãi! Cậu la lên:

– Trời ơi chạy lẹ đi. Còn ngồi đó làm chi nữa!

Cô ta như chợt tỉnh, phóng xuống giường, chạy một mạch ra cữa sau rồi biến dạng trong đêm tối. Bây giờ con Ni mới lò dò bước vô, làm như mới vừa thức giấc. Lúc đó cậu Tư mới dám buông mợ ra. Mợ bật lên khóc nức nở. Kể lể bù lu bù loa, mắng cậu lòng lang dạ sói, mặt người lòng thú v…v…và…v…v…

Cậu không ngớt vuốt ve nan nỉ. Nhưng cậu càng nói mợ càng sôi máu la lớn thêm. Trên nhà ông bà Cả nghe ồn ào cũng lật đật xuống coi có chuyện gì. Chừng nghe mợ Tư kể đầu đuôi, ông Cả nổi tam bành, kêu cậu Tư theo ông lên nhà trên “làm việc”! Bà Cả ở lại khuyên nhủ mợ Tư. Khuyên một hồi mà thấy con dâu cứ “ngoan cố” khóc lóc mãi, bà đâm bực mình, phán cho một câu xanh dờn:

– Ối bây khóc chi cho mệt. Đàn ông dù năm thê bảy thiếp cũng có hao mòn gì đâu mà sợ? Nó chơi chán rồi cũng mò dìa với vợ cái con cột, lo cái gì chớ? Mà cũng tại bây, hồi đầu tao đã nói con đó hổng giống dân đi ở đợ mà bây hổng chịu tin. Ni đâu, dẫn cô mầy lên phòng nghỉ.

Mợ Tư đang khóc nỉ non chợt nín ngang vì quá đổi ngạc nhiên! Mợ có sợ hao mòn cái gì đâu chớ? Bằng cớ là những lần mèo chuột trước, mợ chỉ to nhỏ với cậu trong phòng ngủ của hai vợ chồng mà thôi. Nhưng lần này cậu quá quắt, dám dắt nhân tình về tận nhà gạt mợ. Vậy cậu còn coi mợ ra cái thể thống gì nữa?! Tội lỗi đã sờ sờ ra đó mà bà già còn binh! Mợï ấm ức không nói không rằng, đi một nước lên nhà ngang, vô buồng đóng chặt cửa… khóc tiếp. Gần sáng mệt quá mới thiếp đi….

Sáng hôm sau mợ sai con Ni tom góp mớ quần áo của con “dâm phụ”, mà hồi hôm ăn mấy chổi lông gà, sợ quá bỏ của chạy lấy người, đưa cho mợ. Cầm bọc quần áo, mợ Tư hầm hầm đi tới nhà cô Hai Trâm. Bà này đoán biết thế nào giông tố cũng tới, nên đã sẵn sàng trong tư thế… ứng chiến. Mợ Tư liệng bọc đồ cái bịch xuống chiếc chõng tre, rồi đưa cặp mắt toé lửa nhìn cô hai:

– Sao chị dám dẫn con quỉ cái đó tới gạt tui? Tui làm mích lòng chị chuyện gì mà chị nỡ nhẫn tâm hại tui như vậy, chị nói đi.

Cô hai Trâm chấp tay năn nỉ, giọng đầy nước mắt:
– Tại cậu Tư dẫn cổ tới nhờ tui nói vậy, chớ có ăn gan trời tui cũng hổng dám tự ý gạt mợ đâu. Bị mang ơn cậu mấy lần giúp tiền đóng giấy thuế thân cho ông nhà tui nên thiệt khó lòng từ chối đó mợ. Mợ mở lượng hải hà tha lỗi cho tui lần này, tui thề không bao giờ dám tái phạm…

Cô hai nói tới đây bèn đưa chéo khăn rằn đỏ bình thường dùng để lau cổ trầu, lên chặm chặm cặp mắt đỏ hoe.

Mợ Tư đã mềm lòng, nhưng còn cố gằn giọng :
– Bây giờ chị dấu con quỉ cái đó ở đâu?

Cô hai Trâm lật đật nói:
– Chèn ơi, tối hôm qua khuya lơ khuya lắc nó tới đây đập cửa. Tui thấy điệu bộ hớt hơ hớt hãi của nó là biết chuyện đã đổ bể. Sáng nay gà mới gáy canh một là tui đã kêu ông nhà tui lấy xuồng chở nó xuống chợ Cao Lãnh rồi. Ứ hự, thiệt khi không lãnh nợ giữa đường!!!

Biết nói thêm cũng vô ích, mợ Tư ra về, lòng nặng trĩu ưu phiền. Mợ không hiểu sao ông Tơ, bà Nguyệt cắc cớ gì mà xe duyên cho mợ với một ông chồng quá đỗi bay bướm như vậy? Mà ngặt nỗi với cái miệng dẻo quẹo như kẹo mạch nha, ngọt như đường phèn cộng với cái tài nịnh hót thần sầu của cậu, mợ không thể nào giận lâu được! Tuy lần nào phạm lỗi cậu cũng thề nặng: 

– Anh mà tái phạm cho Bà Chúa Xứ vật anh hộc máu, chết không nhắm mắt, không toàn thây…v…v… 

Mợ đâu có muốn cậu chết…yểu, bỏ mợ bơ vơ một mình, nên lật đật bịt miệng cậu lại, rồi nói giọng yếu xìu:
– Thôi mình đã biết lỗi em tha. Từ đây nhớ đừng làm em giận nữa đó.

Dĩ nhiên là cậu đưa cả hai tay lên trời thề một cách rất chân thành, rất tha thiết. Nhưng một thời gian sau, cậu lại quên mầt lời thề độc ( có gì lạ? một nhà tư tưởng lớn, sau nhiều năm “nghiên kíu” đã đi đến kết luận: loài người là một giống rất mau quên!). Cậu vẫn thường tuyên bố với bạn bè rằng tui là một phật tử thuần thành mà. Đức Phật dạy chúng ta phải thương người như thể thương thân. Ai thương mình mình không thương lại ắt… mang tội!

Mợ Tư thở dài não nuột. Trong thâm tâm mợ biết cái màn bi hài kịch trên sẽ lại tái diễn và sẽ còn tái diễn dài dài. Cũng bởi, một là mợ thương quá là thương cái tên chồng mất nết đó, hai nữa cái chuyện con gái lộn nài bẻ ống, bỏ chồng về nhà cha mẹ ruột coi… hổng có đặng! Cho tá túc vài ngày rồi cha mẹ mợ cũng sẽ xỏ mũi cô con gái “dẫn độ” về trả lại bên chồng, kèm theo một núi quà cáp. Chưa kể cái màn háy nguýt của bà mẹ chồng cũng… nhức nhối như bị kim đâm! Đối với bà Cả, đàn ông năm thê bảy thiếp là thường. Hồi xưa bà đã từng phải chấp nhận vài đứa con ngoại hôn của ông Cả. Rồi có chết ai đâu???

Hy vọng một ngày nào đó, cậu mõi gối chồn chân, chán cái mục trăng hoa, quay về với mợ vĩnh viễn. Ôi thân gái mười hai bến nước. Mợ lỡ rơi vào bến đục thì đành chấp nhận thương đau! Má ruột mợ đã từng khuyên:

– Đàn ông năm bảy lá gan. Lá ở cùng vợ lá toan cùng người…Thôi con ráng ngọt ngào với nó. Làm dữ quá nó chán, bỏ đi luôn thì mất cả chì lẫn chài!

Suy nghĩ lan man về tới nhà hồi nào không hay. Y như mợ dự đoán, vừa bước vô buồng là cậu Tư đã a thần phù ôm mợ vô lòng, miệng mở máy :

– Mình ơi cho anh xin lỗi. Tía la anh một trận kinh thiên động địa rồi. Anh hối hận lắm. Anh thề với mình nếu tái phạm…

Mới nghe tới cái điệp khúc này, mợ Tư vội vàng bịt miệng cậu :
– Thôi làm ơn tắt dùm cái dĩa hát rè này đi. Tui thuộc lòng hết bài bản của mấy người rồi! Nhiêu đó đồ đi đồ lại hoài bộ hổng chán hả?

Cậu Tư cười mơn:
– Vậy mình tha lỗi cho anh nghe mình. Anh hứa từ nay…

Mợ Tư thở dài đánh sượt, tỏ dấu chán nản tới cùng cực :
– Làm ơn đừng thề cũng đừng hứa. Tui không muốn bán lúa giống đâu!

Mợ cố vùng ra khỏi lòng cậu. Nhưng phần cái bụng lớn cồng kềnh, khó xoay trở, phần đôi tay rắn chắc của cậu cứ nhứt định ôm mợ khít rịt, mợ không tài nào thoát ra được. Rồi những lời rủ rỉ rù rì bên tai, cùng với những nụ hôn, những mơn trớn đầy kinh nghiệm của cậu khiến mợ Tư dần dần cảm thấy từ tâm hồn tới thể xác mềm dần… mềm dần và cuối cùng, một lần nữa mợ lại thua một cách thảm hại trước ông chồng có tới năm bảy lá gan này! Mợ khép hờ đôi mi, thở ra: Cũng tại kiếp trước mình tu quá lố!!!

Tiểu-Thu

No comments:

Blog Archive