Wednesday, July 21, 2010

Những khúc nhạc tù

Nguyễn Hữu

Cuối năm nhớ anh tôi và những bài hát cũ

Năm xưa từ buổi giặc về,
Quê hương đỏ một màu cờ xâm lăng.
(NHN)

Năm 1982, anh tôi về sau nhiều tháng năm tù ngục. Tôi không gặp anh trong suốt thời gian anh ở trại tù A–30 Phú Khánh. Tôi thích đời sống lặng lẽ, ít bạn bè và ít để ý đến những cái bề ngoài, mặc cho thiên hạ nói sao cũng được còn anh tôi thì thích đàn đúm ồn ào, bạn bè giao du tứ tung nên anh em khó nói chuyện với nhau. Dù nhiều lúc tôi cũng muốn thăm anh nhưng tính tình anh em tôi không hợp nhau nên tôi cho là sự có mặt của mình là điều không cần thiết lắm. Điều chính là tôi không muốn thấy mặt đám côn đồ ngồi tại “Ủy Ban Nhân Dân Xã” để xin “giấy phép thăm nuôi” nên tự an ủi là cứ để thằng em nhỏ xin và đi thăm cũng được. Vì thế, trong thời gian ấy, tôi không hiểu được sự suy tư của anh thế nào và đời sống tù ngục đã ảnh hưởng tâm tình anh ra sao.

Anh được thả về bất ngờ ngoài sự tiên liệu của gia đình. Anh bước lên căn gác nhỏ, giang sơn riêng của tôi, trong lúc tôi đang nằm lơ mơ nghĩ ngợi viễn vông. Tôi ngồi dậy nhìn tấm thân gầy còm trong tấm áo vá chằng vá đụp bằng những mảnh vải đủ màu, chào anh mà vẫn tưởng mình đang nằm mơ:
– Anh hai về hồi nào?

Rồi tôi dụi mắt và cao giọng gọi:
– Má ơi! Anh hai về rồi!

Anh cười đáp:
– Mới về tới nhà. Gặp má ngoài cầu Bi rồi! Má nói chút nữa má về sau.

Đưa mắt nhìn quanh căn gác nhỏ, thấy mấy tập nhạc cổ điển Tây phương của Tarrega, Schubert, Paganini, Bach… phủ đầy bụi và cây đàn guitar đứt giây treo trên vách, anh ngạc nhiên hỏi tôi:
– Mày không còn chơi đàn nữa sao?

Tôi chỉ lên bàn thờ ông bà, có treo hai câu thơ của Phan Chu Trinh (1) viết bằng chữ Hán. Anh lẩm nhẩm đọc:
Vạn dân nô lệ cường quyền hạ,
Bát cổ văn chương túy mộng trung.

Tôi tiếp lời:
– Thì nhạc nhiếc còn ý vị gì trong hoàn cảnh hiện tại!

Anh cười cười rồi hỏi:
– Mày không sợ chúng nó vào làm khó dễ sao?

Tôi ậm ừ rồi trả lời:
– Hừ! Nhà này đâu có ai biết chữ Tàu phù. Chúng làm khó dễ thì bảo chúng là từ hồi trước tới giờ, gia đình mình cứ nghĩ là chữ “thánh hiền” nên vẫn để vậy mà không biết. Với cái đám “người mới xã hội chủ nghiã” này thì chúng tìm đỏ mắt mới có người dịch và giải thích cho chúng biết. Hơn nữa, chúng nó bô bô là “chế độ ta ưu việt” thì đâu phải là bọn cường quyền.

Tôi cầm mấy tờ báo “Quân Đội Nhân Dân” bước xuống gác, đi ra nhà bếp nấu vội ấm nước châm vào bình trà. Trở vô, anh em cùng ngồi xuống. Anh hỏi tôi về những thay đổi trong gia đình, bà con, làng xóm qua bao nhiêu năm anh xa nhà. Anh kể qua loa đời sống trong tù và hỏi thăm tôi về bạn bè anh. Tôi cay đắng khuyên anh đừng nhắc đến những thằng “Cách Mạng 30” của anh nữa. Tôi mừng cho anh đã thoát từ nhà tù nhỏ và bước sang nhà tù lớn. Tạm thời hãy nghỉ ngơi vài tuần rồi từ từ tính. Anh trầm ngâm với những suy tư cho tương lai.

Qua những câu chuyện dính líu đến sách vở, anh hỏi tôi:
– Ai viết hai câu thơ cho mày đem treo lên bàn thờ vậy?

– Nhìn chữ viết xiêu vẹo, ngã nghiêng như “phượng múa rồng bay” của thằng mới tập đồ chữ Hán thì “còn ai trồng khoai đất này”?

Anh cười:
– Mày dịch cho tao nghe thử ra sao?

– Anh đã biết nhiều bản dịch hay rồi, nhưng anh hỏi thì tui dịch vật theo cách riêng của thằng võ vẽ học chữ Nho.

Rồi tôi hắng giọng ngâm, Muôn dân dưới gót cường đồ,
Văn chương tám vế: giấc hồ, cơn say!

Có tiếng má tôi vọng lên nhắc anh tôi, “Con nhớ đem “giấy ra trại” đi “trình diện” với “Ủy Ban Nhân Dân” rồi về nhà nói chuyện sau chớ nếu trễ thì thêm phiền đó con. Trời cũng sắp tối rồi.”

Trước khi đi xuống, anh nhìn chồng báo “Quân Đội Nhân Dân” và hỏi:
– Có tin gì lạ không?

Tôi ném cho anh cái nhìn tinh quái rồi nói:
– Thứ này chùi đít còn chưa được, bị độc lở đít huống chi là để vào mắt. Anh tưởng tôi đọc sao?

– Vậy thì mày giữ lại để làm gì?

– Giữ lại để nhóm lửa. Thời buổi “gạo châu củi quế” này, dùng thứ này để nhóm lửa là “thực thi đúng chức năng” như bọn “người mới xã hội chủ nghiã” khoác lác.

Anh lẩm nhẩm:
– Hết thuốc chữa rồi!

Anh cầm cây đàn phủi bụi, bước xuống cầu thang và nói:
‒Tao cần cây đàn ít ngày.

Vài tuần đầu anh nằm nhà nghỉ ngơi, viết lách lăng nhăng chi đó trong lúc tôi bận bịu cùng mấy con bò, cày mấy thửa ruộng của “hợp tác xã” cho mùa tới nên chẳng nói chuyện với nhau được nhiều. Một buổi tối nọ, anh tìm đâu được một ít trà và cà phê ngon nên lên gác tìm tôi và rủ tôi lên sân thượng ngắm trăng. Cầm cây đàn guitar theo, anh hỏi tôi:
– Mày muốn nghe nhạc tù không? Tao hát cho nghe.

Tôi ỡm ờ đáp, “Lâu quá chẳng nghe hò hát, đàn địch gì. Nghe nhạc cũng được.”

Sau vài chung trà, anh so lại dây đàn và bắt đầu đưa tôi vào cung bậc dìu dặt của âm thanh, bắt đầu với hình ảnh đau xót, quằn quại của quê hương đang chìm trong tang tóc. Anh mở đầu bằng nỗi hờn vong quốc.

Hờn quốc biến, núi sông buồn tê tái
Máu xương rơi, quằn quại súng gươm kề
Chiều loạn sử, khói mây mờ biên ải
Nghìn vi lô, hiu hắt gió kêu gào
Đoàn người đi, tay cùm, vai gông xích
Ngoảnh về Nam, mà nườc mắt tuôn trào
Việt Nam Vong Quốc Ca
Nguồn: Nguyễn Hữu

Giặc về! Giặc về!
Lửa cháy! lửa cháy!
Khắp xóm làng, phố phường
Ruộng đồng Việt nam quê hương thân yêu chìm trong biển máu
Hào hung! Hào hùng!
Lớp lớp người hy sinh nằm xuống
Đem máu xương xây đắp màu cờ
Ôi đau thương!
Ôi quê hương! Trời Nam than khóc!
Súng thù gieo bao cảnh điêu tàn
Anh về giết em!
Con về giết cha!
Chị về giết mẹ!
Người về giết chết quê hương!
Năm xưa từ buổi giặc về
Quê hương đỏ một màu cờ xâm lăng
Bao người quên ngủ, quên ăn
Trông về phương Bắc, dấy lên căm hờn
Trang thảm sử
Tấm long son
Vì ai nên nỗi mất còn tang thương?
Ngục tù! Ngục tù!
Mọc lên! Mọc lên!
Khắp xóm làng, phố phường
Ruộng đồng Việt nam quê hương thân yêu chìm trong khổ ách
Nghèo nàn! Nghèo nàn!
Lớp lớp người ra đi lìa xứ
Lê tấm thân đất khách quê người

Việt nam ơi! Quê hương tôi chìm trong tang tóc!
Mắt mẹ hoen suối lệ mỏi mòn
Trông chờ bóng con
Muôn trùng cách biệt
Hận tràn núi sông
Chan hoà nước mắt đau thương
Ôi! Máu dân Nam theo tháng ngày xám lạnh!
Hồn dân Nam, khắc hận muôn đời
Đồng bào ơi!
Máu thắm da vàng xót xa
Ai lấy cửa nhà dân ta?
Ruộng ta lên xanh, sao dân ta vẫn đói?
Đất nước ta giàu, sao vẫn mãi lầm than
Ngậm ngùi, từ buổi sa cơ
Quê hương nhuộm đỏ màu cờ xâm lăng
Bao người quên ngủ, quên ăn
Trông về phương Bắc dấy lên căm thù
Trang thảm sử
Tấm lòng son
Vì đâu nên nỗi mất còn, tang thương?

Vẫn chờ! Vẫn chờ!
Ánh sáng, ánh sáng
Khắp xóm làng phố phường
Ruộng đồng Việt nam quê hương thân yêu ngày mai rực sáng
Chào mừng! Chào mừng!
Lớp lớp người ra đi vì nước
Đem máu xương xây đắp hòa bình
Việt nam ơi! Quê hương tôi ngày mai hạnh phúc
Tiếng cười vang trong nỗi vui mừng
Anh về với em!
Con về với cha!
Chị về với me!
Người về sống với quê hương.

A! Khắp núi sông vang tiếng cười mở hội
Trời phương Nam nắng dội thanh bình
Đồng bào ơi!
Mau tiến lên đường hát ca
Sông núi này là của ta
Ruộng ta lên xanh cho dân ta no ấm
Đất nước ta giàu ta sống trong tự do

(Việt Nam Vong Quốc Ca)

Tiếng nhạc hòa với lời hát nỉ non, tha thiết đi kèm những hình ảnh giết chóc, ngục tù, nghèo đói, ly tan đã và đang xảy ra trên quê hương mình làm tôi đau nhói. Đoạn cuối trầm hùng đầy mơ ước và hy vọng. Tiếng nhạc chấm dứt đưa tôi về thực tại. Tôi đã nghẹn lời yêu cầu anh hát lại lần nữa.

Rồi anh kể cho tôi nghe chuyện ngục tù bên trong. Tôi kể anh nghe chuyện tù ngục bên ngoài. Anh em tôi cùng đau xót về chuyện người vợ một anh lính Thượng.

Chị đã gùi đứa con nhỏ, trèo đèo lội suối từ một buôn làng xa tít ở Ban Mê Thuột xuống A–30, Phú Khánh để thăm chồng khi có người cho tin là chồng chị còn sống ở trại tù A–30. Chị không có “giấy phép thăm nuôi” nên “cán bộ” không cho vào. Chị đã ăn xin quanh quất đâu đó, sống đầu đường xó chợ trong nhiều tháng và hằng ngày vẫn lẩn quẩn ở cửa trại tù. Một buổi chiều nọ, “cán bộ” không muốn thấy mặt chị nữa nên cho chị vào thăm chồng nhưng phải đi ngay sau giờ thăm nuôi và không được quanh quẩn gần trại tù nữa, nếu không họ sẽ nhốt chồng chị vào hầm tối. Chị vào nấu được cho chồng nồi cơm nhỏ với số gạo chị xin được trong nhiều ngày. Cả hai vợ chồng nhìn nhau nước mắt lưng tròng. Màn đêm sắp tới và giờ thăm nuôi đã hết, “cán bộ” đuổi chị ra khỏi cổng. Chị ngoái cổ nhìn chồng rồi bồng con hướng về rừng núi âm u.

Anh lại hát cho tôi nghe nỗi lòng, tâm tình của những kẻ “ly hương trên chính quê hương của mình”.

Làm sao anh nói được
Mỗi lần thăm nuôi
Nhìn em tay mang tay xách
Mà lòng anh ngậm ngùi!

Lời ru xưa của mẹ
Vang vọng từng nỗi buồn xa vắng mênh mông:
“À ơi! Cái cò lặn lội bờ sông,
Gánh gạo nuôi chồng, tiếng khóc nỉ non”

Này khoai, này đậu, này đường
Này gạo, này mắm độn cùng hờn căm
Em mang lên để nuôi chồng
Đói cơm, lạnh áo giữa vòng khổ sai
Dù em nhan sắc tàn phai
Dù cho rau cháo qua ngày quạnh hiu
Quê nhà em phải chắt chiu
Nuôi chồng tù ngục, bao nhiêu năm rồi?

Tiễn nhau, ngày ấy, em ơi!
Bồng con em đứng giữa trời đổ mưa
Anh cười, bẹo má con thơ
Hôn em, hẹn sẽ trở về nay mai
Bao năm? Cơn ác mộng dài!
Vợ Nam, chồng Bắc đã hoài nhớ thương

Ai hay chăng: cảnh đọan trường
Ly hương trên chính quê hương của mình!
Nếu mai chết dưới đòn thù
Đau lòng thiếu phụ mỏi mòn chờ mong
Cơn binh biến có ra gì thân thế
Vì quê hương đem máu xương tưới lên cuộc sống nhọc nhằn
(Nỗi Buồn Thiếu Phụ)

Và anh hát lên tiếng lòng đau xót của những người vợ trẻ cô đơn, mơ về kỷ niệm, dưới bong trăng khuya thao thức gởi nỗi nhớ thương về chồng không có ngày về:
Đêm nay rằm trăng sáng
Trăng vườn khuya ngậm ngùi
Chói lòa màu kỷ niệm
Em nhớ chàng khôn nguôi
Đêm nay lòng thao thức
Chàng lênh đênh phương nào?
Trong hồn mơ em lạnh
Nhớ chàng đến tái tê
Đêm nay rằm trăng sáng
Trăng tàn phai lạnh lùng
Xót xa màu kỷ niệm
Em nhớ chàng mênh mông
Đêm nay nằm thao thức
Chàng đau thương nơi nào?
Trong hồn mơ em gọi
Nhớ chàng đến đớn đau

Núi một đời trầm mặc
Rừng một đời thâm nghiêm
Chàng một đời phiêu bạt
Em một đời ngóng trông
Trong vô cùng em thét
Chàng ơi! Tuyệt khúc! Chàng!
(Tuyệt Khúc Chàng)

Dưới ánh trăng trong đêm ấy, anh kể cho tôi nghe về đời sống thê thảm của những em bé ở vùng “Kinh Tế Mới” mà anh có dịp gặp và nói chuyện trong những đợt chặt cây trên rừng. Thân phận của các em có những người cha không biết là còn sống hay đã vùi thây nơi rừng thiêng, nước độc nào đó và những người mẹ vật lộn với sỏi đá khô cằn nơi đèo heo hút gió còn hẩm hiu hơn những người tù như anh và tương lai chúng một màu u tối. Anh hát cho tôi nghe Em Học Trò Vùng Kinh Tế Mới.

Em học trò, năm nay em mấy tuổi?
Đi học sao cuốc, xẻng lại cầm tay?
Nón em đâu? Mà sao em mặc áo,
Vá trăm nơi, không che kín thân gầy?

Nhà của em trên vùng kinh tế mới
Dưới chân đồi hiu hắt đế, tranh thưa
Đất xám xịt, cuốc lên toàn đá sỏi
Vũng, ao lầy đọng váng nước phèn chua.

Nhà một mái, gió lay lùa vách rạ
Bếp than nghèo, đến bữa chỉ ngô khoai
Đồng hợp tác, mẹ đi về vất vả
Nón cời che trên áo bạc sờn vai

Đau xót quá! Một đôi lần mẹ nói:
“Cha một đời chiến đấu cho quê hương
Xây ảo tưởng, bị lũ người phản bội
Ngăn bước cha về bên mẹ, bên em.”

Em học trò! Ngày mai em đi học
Chân không giày, cuốc, xẻng lại cầm tay
Chế độ đưa em đến trường để tập
Quen nỗi nhọc nhằn của tổ quốc tương lai
(Em Học Trò Vùng Kinh Tế Mới)

Tôi đã thực sự ngạc nhiên với lời kết mai mỉa nhưng rất xác thực trong bài hát. Lời than của người tù cho em học trò vùng “kinh tế mới“ cũng là lời chung cho cả dân tộc dưới “ánh sáng của Đảng và niềm tin xã hội chủ nghĩa”. Tôi nhận ra là những tháng năm tù ngục đã hun đúc tâm chí anh, làm anh hoàn toàn thay đổi cách nhìn về tình người, tùnh đời. Tôi không bình phẩm về những bài hát mà nhớ lại hai câu thơ của Tam Nguyên Vị Xuyên Trần Bích San:

Văn phi sơn thủy vô kỳ khí
Nhân bất phong sương vị lão tài (2)

Đêm giao thừa năm ấy tôi đưa anh lên nhà T., thằng bạn “mất dạy” đã cùng tôi chia xẻ nhiều tâm tình sau cuộc đổi đời. Chúng tôi ngồi quanh trong căn phòng nhỏ trên gác nhà T. đấu láo. Sau vài ly rượu nhỏ, anh cầm đàn hát cho chúng tôi nghe. Tiéng nhạc chậm buồn hòa theo tiếng hát đầy đau xót, ngậm ngùi, anh vẽ cho chúng tôi hình ảnh người tù trẻ ngồi trong xó tối trong một trại tù xa xôi nào đó. Trong đêm giao thừa ngồi chờ tiếng pháo, người tù mơ ước được một chén trà, nghĩ đến thân phận, nhớ về những người thân yêu nơi quê cũ và gởi tâm tình qua không gian và thời gian lắng đọng của đêm cuối năm.

Thấy hoa nở khắp núi rừng xa tít
Anh giật mình mới biết đã sang xuân
Đêm giao thừa biết lấy gì đón Tết?
Anh thở dài, khói thuốc cũng bâng khuâng

Nơi quê cũ, anh chắc em còn thức
Thắp dùm anh ngọn nến giữa đêm đen
Chiêu tưởng lại những tháng ngày cơ cực
Kiếp lưu đày vì đánh mất quê hương.

Mang trong tim trọn niềm tin, hy vọng
Một con đường không mong sống vinh thân
Anh chỉ nuốn một đời bên em, bên mẹ
Bên mái tranh chiều, nghe gió lộng ven sông

Mơ ước ấy, nay có còn đâu nữa
Cả những tháng ngày cơ khổ yêu em
Anh đã mất một thời xưa lãng mạn
Áo thư sinh, tóc nghệ sĩ bềnh bồng

Trong xó tối ngồi chờ nghe pháo Tết
Dăm ba thằng mơ ước chén trà thanh
Nghe hiu hắt trên từng manh áo bạc
Xót xa đời tuổi trẻ phủ rêu xanh

Chân học trò đã quen đời phiêu lãng
Nhưng nhà tù cướp mất tuổi xuân anh
Chiều cuối năm, mẹ chúng mình chắc khóc!
Hỏi thằng con lưu lạc đã bao năm?

Em chớ trách vì sao anh lỗi hẹn
Không trở về thăm mẹ với thăm em
Em yêu dấu, làm sao anh về được
Khi nhà tù còn mọc khắp quê hương?
(Giao Thừa Khúc)

Từ dạo ấy anh em tôi gần gũi nhau hơn. Chúng tôi chia xẻ với nhau những ý nghĩ về chế độ mà tình yêu quê hương, đất nước được chôn vùi do “tình yêu giai cấp”, những giá trị đạo đức tốt đẹp từ ngàn xưa được thay thế bằng “Đảng tính”, lấy hận thù để dày xéo quê hương. Và anh đến với tôi và bạn bè tôi bằng tình cảm chân thành, bằng sự cảm thông về những bi thương mà đất nườc và dân tộc đang trải qua.

Những đêm trăng, chúng tôi ngồi trên đống gạch đá gần nhà T., chia nhau chén trà hay ly cà phê nhỏ và chuyền cho nhau bịch thuốc rê. Những điếu thuốc sưởi ấm chân tình ngày ấy đưa chúng tôi gần nhau hơn. Chúng tôi cùng hát cho nhau nghe những ca khúc chan chứa tình người, tình nước, mặc kệ những gì xảy ra chung quanh mà chúng tôi thừa biết rằng đâu đấy cũng có vài đôi mắt rình mò bọn “phản động” chúng tôi đang làm gì. Trong những đêm trăng nồng ấm ấy, tôi buông thả hồn mình về những phương trời xa xăm nào đó, nơi mà con người còn dám nói thẳng nói thật, yêu thương và lo lắng cho nhau mà không phải được “chỉ đạo” do bất cứ ai hoặc cái “Đảng” nào.

Anh tôi về chưa được bao lâu đã phải đối mặt với thực tế phũ phàng, với đời sống và sinh kế thật khó khăn. Anh vay tiền rồi theo người quen đi vào miền Nam nuôi vịt. Công việc làm ăn thất bại, mất cả công lẫn vốn. Anh trở về với tâm trạng rã rời. Tôi thông cảm và an ủi anh bằng cách nhờ đến công sức và tiền bạc của bạn bè, anh em xây cho anh ngôi nhà nhỏ để gia đình anh có nơi ra vào.

Ngày tôi rời quê hương tôi dắt theo hai đứa em nhỏ và có gợi ý cho anh cùng đi. Anh suy nghĩ nhiều ngày cho tôi hay là dù có thoát được chế độ man rợ của Cộng Sản Việt Nam thì cuộc sống của những kẻ tha phương không biết rồi sẽ ra sao và nếu bốn anh em tôi cùng mất mạng trên biển một lần thì chắc chắn là mẹ tôi không chịu đựng nổi. Anh quyết định ở lại và muốn dành thì giờ cho vợ con anh sau bao nhiêu năm tù ngục. Anh chép vội cho tôi một ít thơ, nhạc để tôi đem theo làm hành trang như là món quà đầu tiên trong đời mà anh cho tôi. Tôi cầm lấy và đọc cho anh hai câu thơ cũ, không nhớ là ý thơ của ai, thay cho lời từ biệt.

Nếu một mai chẳng có ngày trở lại
Thì tìm em tận cuối đáy hồn anh

Anh tôi ở lại phải vào tù lần nữa vì được nhà nước mời “tái tập trung cải tạo”. Ra khỏi tù lần sau, anh thiếu người thân thiết khuyên nhủ và chia xẻ những lo âu. Nghèo túng, bất đắc chí, bị ảnh hưởng của xã hội chung quanh mà ai cũng dùng rượu để giải sầu nên anh vùi đầu vào men rượu rồi dính vào nghiện ngập. Tôi vài lần thư từ khuyên nhủ nhưng rồi cũng không làm gì được vì mỗi kẻ mỗi nơi. Anh đốt đời mình qua chén rượu rồi ra đi về thế giới vĩnh hằng trong sự đau xót của gia đình.

Những ngày mới định cư trên đất này, tôi có ý nghĩ là sẽ ghi lại những bài hát cũ vì những bài thơ và tập nhạc anh viết cho tôi đã bị hư mất trên đường vượt biển. Bao nhiêu năm đã qua, dự tính của mình cũng chẳng bao giờ thực hiện được. Tôi không có duyên với văn chương, âm nhạc, ít bạn bè và lang bạt qua nhiều tiểu bang vì sinh kế. Tôi chọn đời sống lặng lẽ, lại thiếu nhiệt thành với những hoạt động văn học, nghệ thuật nên buông xuôi. Tâm hồn tôi đã thui chột và bao mơ ước ngày cũ đã lụn tàn. Tôi hổ thẹn với chính mình là đã thiếu tích cực trong việc hoàn thành tập “Tù Khúc A30” mà tôi nghĩ là những chứng tích hùng hồn của một giai đoạn đầy đau thương của đất nước và dân tộc mà những thế hệ kế tiếp cần biết đến.

Đôi lúc đọc vài tin tức về đời sống dân chúng trong nước, lòng tôi càng tê tái hơn. Bao nhiêu năm đã qua, trừ những kẻ cầm quyền và những gia đình có thân nhân ở nước ngoài, đại đa số dân Việt nam vẫn nghèo đói. Trong khi những quốc gia chung quanh Việt nam càng hung mạnh, giàu có hơn thì Việt nam lại càng nghèo, càng lạc hậu hơn. Vì sao? Có phải vì “Đảng” vẫn tiếp tục đè đầu cưỡi cồ dân chúng? Dưới sự hướng dẫn của đám giặc Tàu, Nga, “Đảng” đã hy sinh xương máu bao nhiêu triệu dân cả Bắc lẫn Nam để trở thành nhóm “ăn mày quốc tế” và lạy lục chính kẻ mà chúng gọi là “kẻ thù Mỹ Ngụy”. Phạm Văn Đồng, tên đại diện cho tập hợp của đám đầu trộm đuôi cướp này, từng tuyên bố với báo chí Tây phương là “những kẻ bỏ nước ra đi là những tên ma cô, đĩ điếm, chây lười lao động…” thì nay chính đám đàn em quay lại xin xỏ những tên “ma cô đĩ điếm” này góp phần xây dựng quê hương. Và những đồng tiền viện trợ cho nhân dân Việt Nam nghèo đói được đám “cướp ngày” này nhét vào túi tham, dấu vào trương mục những ngân hàng ngoại quốc. Lúc thì bợ Nga, khi thì lạy Tàu, rồi cúi đầu van xin Mỹ xin viện trợ, đầu tư … mà miệng thì bô bô là vẫn “tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”. Cái câu chúng nói là của già Hồ, thường đem dạy cho dân chúng là “Đánh thắng giặc Mỹ ta xây dựng hơn mười lần xưa” đã được thực hiện thế nào sau 30 năm chiếm được miền Nam so với những quốc gia chung quanh? Đảng vẫn tròng cái ách “xã hội chủ nghĩa” lên đầu dân Việt để kéo lê cái cày “Mác–Lê“ cày nát quê hương. Và cái đám “cán bộ” Việt Cộng đi tới đâu thì người Việt bình thường tránh xa hơn là tránh sâu bọ.

Việc thăm lại gia đình, ngưòi thân là điều đáng quý nhưng riêng với cá nhân tôi hơn hai mươi năm đã qua, vì không muốn nhìn lại đất nước tang thương dưới sự tàn bạo man rợ của chế độ, tôi vẫn chưa trở lại thăm nhà hay nhìn mặt người thân trước phút lâm chung dù lòng rất đau xót. Sự mong chờ một ngày mà “khắp núi sông vang tiếng cười mở hội” và niềm hân hoan của những đứa con đi xa trở về trong vòng tay đất nước vẫn chưa tắt trong tôi. Đất nước chúng ta sẽ không bao giờ giàu có, no ấm, thanh bình, tự do khi chính cái Đảng cướp ấy vẫn thao túng, bán đứng tài nguyên và nhân lực quốc gia cho kẻ thù truyền kiếp.

Những ngày cuối năm sắp về, tôi ngồi ghi lại vài ca khúc cũ cho bè bạn. Những hận thù, giết chóc, ngục tù, ly tan đã xảy ra trên quê hương được nhìn qua con mắt của những người sống trong lòng chế độ. Những cảm nghĩ và tâm tình chân thành, không vẽ vời thêu thùa thoát ra từ con tim rướm máu của nhiều người đã sống, chia xẻ và nói lên những khổ đau mà đại đa số người Việt đã trải qua sau 30/04/1975. Và sau hết, tôi xin lỗi với hương hồn anh tôi là tôi đã không thực hiện được những mong ước thuở nào.

Tôi hát lên bài hát cũ - nhớ về anh và gởi lời chúc bình an của anh tôi đến cho mọi người - dù anh em tôi là những kẻ ngoại đạo, như anh đã từng hát cho chúng tôi nghe thuở nào.

Vinh danh Thiên Chúa trên trời
Bình an dưới thế cho người thiện tâm
Đêm nay Chúa giáng trần
Ngồi đây bên song cửa sắt
Ôi Noel! Noel!
Chúa lại về
Sao nghe bơ vơ lạc loài?
Trên tầng cao thánh giá
Chúa gục đầu thương xót
Mang vết thương vĩnh hằng

Trong căn chòi bé nhỏ
Bạn bè anh đang ngồi
Không tiệc trà, thánh lễ
Không ánh nến lung linh
Chắp tay anh nguyện cầu
Khói thuốc bay ngậm ngùi
Đêm nay Noel về
Trên phố phường xa vắng
Xin đón Chúa dùm anh

Đêm nay đêm tàn đông
Sương gieo gió lạnh lung
Chúa ra đời cơ cực
Cho thế gian yên lành
Con hát lên mừng Chúa
Bằng trái tim nhiệt thành
Con gục đầu xin Chúa
Cho Việt Nam hòa bình
(Lời Ngục Thánh)
Tù khúc A-30
Nguồn: Nguyễn Hữu

Philadelphia, Giáng Sinh năm 2005

No comments:

Blog Archive