Friday, December 5, 2014

THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT NGU

Lê Trọng Hiệp

Dư luận Việt Nam đang sục sôi trước tin chính quyền tỉnh Thừa Thiên – Huế “bán đèo Hải Vân” cho một công ty của Trung Quốc.

Thực ra Huế - Thừa Thiên chỉ bán 200 mẫu đất từ chân Hải Vân ra mũi Cửa Khẻm, là mũi đất vươn ra biển xa nhất của chân núi Bạch Mã. Đó là Dự án “Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Lăng Cô – Việt Nam” của công ty World Shine Joint-Stock có trụ sở tại British Virgin Islands, nhưng vốn đầu tư chủ yếu đến từ Trung Quốc. Theo thông tin công bố thì hợp đồng có hiệu lực 50 năm và nếu hòan tất thì dự án sẽ bao gồm một khu nghỉ mát năm sao 450 phòng, một khu chung cư nghỉ mát gồm 220 unit hạng sang, 350 biệt thự và một trung tâm hội nghị quốc tế với sức chứa 2,000 chỗ ngồi. Dự án có tổng mức đầu tư là 250 triệu Mỹ kim.

Về du lịch thì khó mà tin rằng đây là khu nghỉ dưỡng vì biển tại mũi này sóng mạnh, khó tắm, sương mù quanh năm, đất lại rất dốc. Ngược lại về mặt quân sự thì Cửa Khẻm có thể khống chế các chuyến tàu ra vào tại cả hai vịnh Đà Nẵng và Lăng Cô, có thể quan sát hết họat động tại Đà Nẵng và Sơn Trà, là căn cứ hải quân của Vùng III. Hơn nữa từ Cửa Khẻm mà băng lên Hải Vân thì chỉ trong tích tắc và từ đây có thể khống chế Đà Nẵng và Sơn Trà.



Đèo Hải Vân cao 500 mét so với mực nước biển, dài 20 km, cắt ngang dãy núi Bạch Mã, một nhánh của Trường Sơn đâm ra biển. Từng được vua Lê Thánh Tông đặt tên là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, Hải Vân là một “hiểm địa” với vị thế mang tầm chiến thuật và chiến lược, không chỉ là “yếu hầu” khống chế vùng đất Đà Nẵng – Quảng Nam, là cửa ngõ mà kẻ ngọai xâm có thể đổ bộ vào để cắt đôi nước Việt và mở đường băng qua Lào, Cambodia, đánh thọc sâu ra Bắc hay đánh xuôi vào Nam.

Việc bán vùng đất “thiên hạ đệ nhất hùng quan” như thế quả là một quyết định “thiên hạ đệ nhất ngu”.

Để hiểu rõ tính chất “hiểm địa” của Hải Vân, chúng ta cần ôn lại một chút qua lịch sử, khởi đầu từ sính lễ của Chế Mân dâng lên vua Trần để xin cưới Huyền Trân công chúa!


Hải Vân trong lịch sử
Địa giới Việt Nam (Đại Việt) chạm đến đèo này vào năm 1306 khi Chế Mân xin cưới Huyền Trân công chúa (1287 - 1340). Huyền Trân là con gái của vua Trần Nhân Tông và là em gái vua Trần Anh Tông, sính lễ lúc đó là hai châu Ô, Lý (Rí), vùng đất từ Quảng Trị vào đến chân đèo Hải Vân.

Gần một thế kỷ sau, năm 1402, Hồ Hán Thương cất quân đánh Chiêm Thành, vua Chiêm phải cắt vùng đất Quảng Nam ngày nay dâng cho Việt Nam (Đại Ngu). Từ đây Hải Vân trở thành địa giới Thuận Hóa và Quảng Nam.


Năm 1407, trên đường đưa quân đánh Chiêm Thành, vua Lê Thánh Tông đã dừng chân ở Hải Vân và khi nhận ra cảnh quan hùng vĩ tại đây, đã đặt cho Hải Vân danh hiệu “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.

Năm 1602, khi đến đây, Chúa Tiên Nguyễn Hòang đã nhận ra vị thế chiến lược của Hải Vân, Đại Nam Thực Lục tiền biên của Quốc sử quán triều Nguyễn, tập I, chép: “Đến đây đi chơi núi Hải Vân, thấy một giải núi cao dăng dài mấy trăm dặm nằm ngang đến bờ biển. Chúa khen rằng: ‘Chỗ này là đất yết hầu vùng Thuận Quảng’. Liền vượt qua núi xem xét hình thể, dựng trấn dinh ở xã Cần-húc (huyện Duy Xuyên hiện tại), xây kho tàng, chứa lương thực, sai hoàng tử thứ sáu trấn giữ.”

Đến năm 1826 vua Minh Mạng cho xây cửa ải trên “yết hầu” này, cửa trông về Bắc ghi chữ "Hải Vân Quan", cửa qua về hướng Nam ghi "Thiên hạ đệ nhất hùng quan".

Trong nhiều thế kỷ con đường băng qua đèo rất ít người dám đi lại một mình vì hiểm trở, nhiếu thú dữ và kẻ cướp, muốn đi phải tập hợp từng đoàn, thể hiện ở câu ca dao "Đi bộ thì sợ Hải Vân/ Đi biển thì sợ sóng thần Hang Dơi".

Đến thời Pháp thuộc đường đèo được xây dựng kiên cố và người Pháp đã theo hình thể để cho xây dựng tuyến đường sắt quanh co qua con đèo này. Tuy nhiên lúc đó đường rất hẹp và ngay cả trong thời kỳ đầu của Việt Nam Cộng Hòa xe cộ chỉ được phép chạy một chiều nên việc giao thông qua đèo thời đó rất phiền phức, mất thì giờ.

Giao thông tại đèo Hải Vân lúc đó được điều phối qua 3 trạm kiểm soát: ở Lăng Cô, ở đỉnh đèo, và ở Liên Chiểu. Ba trạm liên lạc với nhau để tập hợp xe lại đi thành đòan, hoặc cùng lên đèo hoặc cùng xuống đèo. Xe từ Huế vào phải chờ ở Lăng Cô khi đã đủ thành một đoàn và khi xe từ Đà Nẵng ra đã xuống hết chân đèo thì sẽ nối đuôi nhau lên đèo cùng một lần. Đến đỉnh đèo thì dừng lại ở trạm kiểm soát để chờ xe thông đường, và khi thông đường thì cùng xuống một lượt. Xe từ Đà Nẵng ra cũng vậy, phải chờ ở Liêu Chiểu tập hợp thành đòan, sau khi đòan xe từ Huế vào xuống hết đèo thì mới bắt đầu leo đèo, rồi lại chờ ở đỉnh đèo. Tình trạng này kéo dài đến năm 1966 khi công binh Mỹ nới rộng mặt đường, xe có thể chạy hai hướng ngược nhau thì ba trạm kiểm soát này bị giải tán.

Ngày 5.6.2005 hầm đường bộ xuyên Hải Vân khánh thành tuy nhiên nhiều du khách vẫn thích đi trên con đường này để ngắm cảnh. Vào những ngày đẹp trời, họ có thể thấy khá rõ một phần thành phố Đà Nẵng, Cảng Tiên Sa - Bán đảo Sơn Trà, Cù lao Chàm.

Hải Vân - những ngày cuối cùng của VNCH
Hải Vân cũng đóng một vai trò đẫm máu trong những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa.

Tháng Ba năm 1975, song song với chiến dịch Tây Nguyên, Hà Nội cho mở chiến dịch Huế - Đà Nẵng. Ngày 5.3.1975, chỉ một ngày sau khi Buôn Ma Thuột bị tấn công, Cộng quân tổ chức phục kích đoàn xe tiếp vận của QLVNCH trên đèo Hải Vân và cùng lúc cho đặc công đánh sập cầu An Lỗ (Huyện Phong Điền) trên quốc lộ 1, ở phía bắc Huế.

Sau nhiều diễn biến gấp rút, Trung tướng Ngô Quang Trưởng tái phối trí lực lượng, bố trí hai tuyến phòng thủ bảo vệ Đà Nẵng. Để phá vỡ tuyến phòng thủ này, Hà Nội đã cử trung tướng Lê Trọng Tấn, Phó tổng tham mưu trưởng, từ Hà Nội vào chỉ huy trận tấn công Đà Nẵng.

Ngày 24.3.1975 sư đoàn 325 Cộng quân tấn công vào mạn bắc đèo Hải Vân. Ngày hôm sau, 25.3.1975 Cộng quân đã tấn công Đà Nãng từ bốn hướng. Ngày 28.3.1975 Cộng quân đưa tòan bộ lực lượng pháo của Quân đòan II lên đèo Hải Vân để bắn sang bán đảo Sơn Trà và uy hiếp Phi trường Đà Nẵng.

Ngày hôm sau, 29.3.1975 Đà Nẵng thất thủ.

Nhưng Đèo Hải Vân không chỉ có giá trị bảo vệ cho Đà Nẵng, Huế mà còn có vai trò chia cắt đất nước. Ý nghĩa này đã thể hiện trong chiến dịch Phú Xuân, khi Nguyễn Huê đưa quân vượt qua cửa ải này để 28 ngày sau chiếm trọn thành Phú Xuân và chỉ một tháng sau đã tiến ra đến Thăng Long!

Phú Xuân 1786
Đó là chiến dịch giúp Tây Sơn chiếm trọng phần đất từ đèo Hải Vân ra tới sông Gianh và từ đây tiến thẳng ra Thăng Long chỉ trong vòng một tháng. Trận này quân Trịnh bị thua vì lơ là trong việc phòng thủ tại Hải Vân nhưng để hiểu diễn tiến này thì phải đặt lại sự kiện trong bối cảnh chính trị - quân sự thời đó.

Năm 1771 người Đàng Trong khốn khổ do “quốc phó” Trương Phúc Loan chuyên quyền, đặt ra nhiều lọai thuế. Thừa lúc dân tình óan thán, ba anh em Tây Sơn nổi dậy ở Bình Định và dần dà làm chủ một vùng đất từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận: hướng Bắc chống nhà Nguyễn, hướng Nam cũng chống lại quân Nguyễn.

Thấy cơ Đàng Trong bị khủng hỏang xã hội lại thêm “lọan Tây Sơn”, Trịnh Sâm cử Hoàng Ngũ Phúc mang quân vào chiếm Phú Xuân. Nguyễn Phúc Thuần bỏ chạy vào Quảng Nam nhưng bị Tây Sơn chặn đánh, phải chạy vào Nam bằng đường biển.

Quân Trịnh tiến quân Tây Sơn ở Quảng Nam và lúc này cả hai đều lâm vào tình thế bất lợi.

Quân Trịnh thì đã mệt mỏi do hành quân dài ngày, lại không hợp với thổ nhưỡng nên bị bệnh dịch tràn lan. Trong khi đó thì binh lực Tây Sơn chưa đủ mạnh nên bị thua liên tiếp, do đó Nguyễn Nhạc tạm quy phục Trịnh, xin làm “quân tiên phong Nguyễn”.

Với thỏa thuận này cuối năm 1775 Hoàng Ngũ Phúc rút về Thuận Hóa, giao Quảng Nam cho Tây Sơn và Hải Vân trở thành địa giới giữa Tây Sơn và nhà Trịnh.

Trở thành “vùng đệm” giữa nhà Trịnh và nhà Nguyễn, từ năm 1776 đến năm 1785 Tây Sơn yên tâm ở mạn Bắc và liên tục mở các chiến dịch truy đuổi quân Nguyễn ở Nam Bộ. Đến năm 1778, sau khi giết Nguyễn Phúc Thuần và Nguyễn Phúc Dương thì Tây Sơn đã làm chủ một vùng rộng lớn từ Quảng Nam vào đến Nam Bộ.

Thanh thế đã đủ mạnh Nguyễn Nhạc xưng vua. Trong khi Nguyễn Nhạc bằng lòng với vị thế của mình thì Nguyễn Huệ có tầm nhìn xa hơn, tính chuyện tấn công quân Trịnh, thống nhất đất nước.

Tháng Ba năm 1786 khi Đàng Ngòai bị nạn đói, Nguyễn Huệ nhận thấy thời cơ đã đến nên xin đánh ra Bắc nhưng Nguyễn Nhạc ngần ngại. Chỉ khi tướng Trịnh là Nguyễn Hữu Chỉnh vào hàng đốc thúc thêm, Nguyễn Nhạc mới đồng ý và giao cho Nguyễn Huệ tòan quyền tổ chức.
Lúc này Nguyễn Huệ nắm trong tay một lực lượng lên đến khỏang 10,000 quân, trong đó Nguyễn Huệ trực tiếp chỉ huy bộ binh, Vũ Văn Nhậm là tả quân đô đốc, Nguyễn Hữu Chỉnh làm hữu quân đô đốc, Nguyễn Lữ chỉ huy đội dự bị thủy quân.

Lực lượng nhà Trịnh tại Thuận Hóa có trên 30,000 quân, phân bố từ sông Gianh tới đèo Hải Vân với nhiều đồn binh liên ứng để tiếp viện nhau khi nguy biến. Tuy nhiên do nhiều năm không chinh chiến nên việc phòng thủ bị lơ là. Trấn thủ Thuận Hóa Phạm Ngô Cầu lại là kẻ cầu an, lúc này đã bỏ bê việc quân, chỉ lo kinh doanh và là một người cực kỳ mê tín.

Để chiếm Phú Xuân, Nguyễn Huệ đưa ra ba mũi tấn công: từ Bắc đánh vào, từ biển đánh vào và từ Hải vân đánh ra.

Theo kế họach của Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ thống lĩnh nột đạo thủy quân dùng đường biển tiến ra sông Gianh và tại đây chia làm hai. Một đạo quân ở lại mai phục ở sông Gianh để đề phòng viện binh Trịnh từ Nghệ An vào ứng cứu. Đạo quân thứ hai thì tiến về hướng Nam, trên đường hành binh công đồn quân Trịnh.

Một đạo thủy quân khác do Vũ Văn Nhậm chỉ huy đi đường biển để rồi ngược sông Hương áp sát thành Phú Xuân.

Bộ binh do Nguyễn Huệ chỉ huy đánh đèo Hải Vân để mở đường tiến ra Phú Xuân.

Vì lơ là việc phòng bị nên khi bị quân Tây Sơn tập kích, lực lượng đồn trú đã không kịp trở tay, chủ tướng Hoàng Nghĩa Hồ bị giết chết tại trận. Vượt qua cửa ải Vân, Nguyễn Huệ thúc quân tiến thẳng ra Phú Xuân.

Trước đó, trong thời gian chuẩn bị cho chiến dịch, Nguyễn Huệ cho Nguyễn Hữu Chỉnh viết thư làm kế ly gián, khiến Trấn thủ Thuận Hóa Phạm Ngô Cầu nghi ngờ tướng Hòang Đình Thể dưới quyền. Ngòai ra Nguyễn Huệ lại cho gián điệp người Hoa giả làm thầy bói ra Phú Xuân gài bẫy xúi Phạm Ngô Cầu lập đàn giải hạn 7 ngày 7 đêm, bắt quân sĩ phục dịch mệt mỏi vô cùng. Bởi vậy trong khi Phạm Ngô Cầu vẫn đang ê a “giải hạn” ở chùa Thiên Mụ thì... hạn tới: tàn quân ở Hải Vân chạy về báo tin Hoàng Nghĩa Hồ tử trận.

Phạm Ngô Cầu biết mình mắc mưu Tây Sơn nhưng khi bộ binh và thủy binh Tây Sơn hợp quân, áp sát thành Phú Xuân, ông ta còn mắc mưu thâm hơn, nghi ngờ tướng Hoàng Đình Thể làm nội ứng. Phạm Ngô Cầu có ý muốn hàng nhưng Hòang Đình Thể quyết đánh, vì nghi ngờ nên Phạm Ngô Cầu giao cho Hòang Đình Thể mang quân ra nghênh chiến, mình ở lại giữ thành.

Hòang Đình Thể bố trí pháo binh trên mặt thành bắn xuống đội chiến thuyền Tây Sơn neo sát ở bờ sông Hương. Pháo binh Tây Sơn từ các chiến thuyền đáp trả nhưng do thành cao nên pháo bắn không vượt qua, kết quả là quân Trịnh không hề hấn gì trong khi một chiến thuyền Tây Sơn bị chìm.

Thấy vậy, Nguyễn Huệ cho đổi chiến thuật: rút quân ra xa, chờ ban đêm khi nước thủy triều lên, nâng thuyền lên cao hơn. Nhờ vậy nên vào ban đêm thành Phú Xuân nằm gọn trong tầm pháo của Tây Sơn và lúc này pháo đội của Hòang Đình Thể tan tác.

Không có cách nào khác, Hòang Đình Thể mở cổng dẫn quân tiên phong thành ra ngênh chiến. Đánh một hồi, hết thuốc súng Hòang Đình Thể cho người chạy về thành cấp báo, yêu cầu tiếp viện thuốc súng và viện binh. Thế nhưng do mắc mưu ly gián, Phạm Ngô Cầu nghi ngờ, đóng chặt cổng thành không cho vào.

Sau đó trong khi Hòang Đình Thể đang tất bật chiến đấu ở vòng ngòai thì bên trong Phạm Ngô Cầu kéo cờ trắng xin hàng. Sau đó thì Hòang Đình Thể và các tùy tướng chết tại trận, Phạm Ngô Cầu mở cửa thành chở cỗ quan tài ra xin hàng, tuy nhiên vẫn không được tha, Ông ta bị Tây Sơn giải về Quy Nhơn rồi chém tại đây.

Chiến dịch Phú Xuân 1786 diễn ra trong 28 ngày, quân Tây Sơn tiêu diệt đại bộ phận quân Trịnh tại Thuận Hóa. Thừa thắng xông lên, Nguyễn Huệ thúc quân tấn công ra Bắc và chỉ một tháng sau thì chính quyền chúa Trịnh sụp đổ (21/7/1786).

Điểm mấu chốt của chiến dịch này là trận đánh ở Hải Vân, khi Nguyễn Huệ vượt qua cửa ải hiểm yếu này.

Đây cũng là lý do mà khỏan ba phần tư thế kỷ sau người Pháp đã tính tóan khi tấn công Đà Nẵng vào ngày 31.8.1858.

Đà Nẵng 1858
Đây là trận đánh mở màn cho cuộc xâm lăng của Thực dân Pháp tại Việt Nam, do Liên quân Pháp – Tây Ban Nha thực hiện, kéo dài từ ngày 31.8.1858 đến ngày 2.2.1859 thì rút đi sau mấy tháng bị cầm chân và bị tiêu hao sinh lực.

Sau hai trận thăm dò ở cửa biển Đà Nẵng vào ngày 15.4.1847 và 26.9.1857 Ủy ban Đông Dương (Commission de la Cochinchine) đệ trình kế họach tấn công lên và được Hoàng đế Napoléon III chấp thuận.

Chủ tịch ủy ban, Nam tước Brenien, nêu ra các lý do chiến lược của chọn Đà Nẵng:
1. Đây là một cảng sâu và rộng, thuận tiện cho tàu chiến ra vào và trú ẩn.
2. Nằm trên trục đường Bắc – Nam, có thể sang Lào, Cambodia.
3. Chỉ cách Huế khoảng 100km, rất thuận lợi cho việc "đánh nhanh thắng nhanh" để bắt triều đình quy hàng.

Theo phúc trình thì Đà Nẵng là con đường ngắn nhất, nhanh chóng, rẻ tiền nhất để chiếm Huế và làm chủ Việt Nam: từ đây chỉ cần vượt đèo Hải Vân là sẽ nuốt trọn Huế.

Sau khi ký Hiệp ước Thiên Tân lần thứ nhất (28.6.1858) với nhà Thanh, quân Pháp ở Viễn Đông mới có thể rảnh tay tấn công Việt Nam.

Phát xuất từ đảo Hải Nam (Trung Quốc), Phó Đô đốc Hải quân Rigault de Genouilly (gọi tắt là De Genouilly) được lệnh phối hợp với đạo quân Tây Ban Nha do Đại tá Lanzarotte chỉ huy, đưa tàu chiến tiến về Đà Nẵng. Chiều tối 3.8.1858 toàn bộ lực lượng liên quân Pháp đã dàn trước cửa biển Đà Nẵng, tổng cộng lên đến 3,000 quân, trong đó có 450 binh sĩ Tây Ban Nha. Tất cả bố trí trên 14 tàu chiến, trong đó soái hạm Némésis và những tàu lớn được trang bị tới 50 khẩu đại bác.

Sáng 1.9.1858 De Genouilly gửi tối hậu thư buộc trong hai giờ phải nộp thành nhưng không đợi trả lời, đại bác của liên quân đã tập trung hỏa lực bắn tới tấp hàng trăm quả vào cửa sông Đà Nẵng và các đồn ở bán đảo Sơn Trà. Sáng hôm sau (2.9.1858), liên quân tiếp tục pháo kích, rồi đổ bộ lên bán đảo Sơn Trà, chiếm đồn An Hải và đồn Điện Hải chỉ trong một ngày. Lực lượng nhà Nguyễn ở Đà Nẵng có khoảng 2,070 lính chính quy và trước vũ khí mạnh hơn, quân Việt vừa đánh vừa lui dần ra sau, lập phòng tuyến Liêu Trì trước huyện Hòa Vang.

Nhận được tin, vua Tự Đức tăng cường 2,000 viện binh vào Quảng Nam.

Nhiều vị tướng tại đây bị tử trận hay bị cách chức và Tự Đức điều tướng Nguyễn Tri Phương, đang làm Kinh lược sứ Nam Kỳ về chỉ huy mặt trận với chức vụ “Tổng thống quân vụ Quảng Nam”.

Trước đối thủ mạnh hơn, Nguyễn Tri Phương áp dụng chiến thuật du kích, không đánh trực diện và thực hiện "tiêu thổ kháng chiến” để cô lập và triệt đường tiếp tế. Ông lại cho đắp lũy dài từ Hải Châu vào tới Phúc Ninh, Thanh Giản, để bao vây liên quân ngoài biển.

Chiến thuật của Nguyễn Tri Phương đã đẩy liên quân vào tình thế tuyệt vọng trong tình thế thiếu thực phẩm lại bị bệnh kiết lỵ, thời tiết nóng ẩm, thỉnh thoảng lại bị quân Việt tập kích, đánh tỉa.

Sau 5 tháng bị cầm chân, ngày 2.2.1859, De Genouilly để lại một phần ba số quân và 6 tàu chiến, giao cho Đại tá Faucon nắm giữ, còn bao nhiêu rút hết vào Nam mở mặt trận mới ở Gia Định.
Thay lời kết
Những sự kiện lịch sử như thế cho thấy vị trí hiểm địa của Hải Vân và qua những thông tin trên chúng ta thấy gì?

Vào đây, nhận ra vị thế “yết hầu” của đèo, Chúa Tiên đã lập tức vượt núi quan sát và cho lập trấn dinh, lại sai chính con trai mình trấn nhậm. Bằng chính tầm nhìn của mình và từng hành động cụ thể như vậy, Chúa Tiên đã mở mang bờ cõi nước ta đến tận Cà Mau và Hà Tiên.

Công lao đó hiện đang bị những hậu duệ như chính quyền Thừa Thiên – Huế phá nát: nay bán, mai bán, lãnh thổ Việt Nam đang bị teo tóp và mọt ruỗng dần.

Đó là những thứ “Phạm Ngô Cầu” tham lam và mê tín hiện đại, chỉ biết lo buôn bán và bói tóan, không lo việc phòng thủ, khi có giặc thì kéo cờ trắng ra hàng!

No comments:

Blog Archive