Thursday, April 26, 2012

Ai ganh tị với Nguyễn Ngọc Ngạn?

Tôi không nghĩ tôi thuộc vào “thiểu số người rất đau khổ khi cứ phải nhìn thấy ông Nguyễn Ngọc Ngạn trên sân khấu!” vì “Lòng ganh tị thường làm cho người ta trở nên nhỏ nhen và độc ác”! vì diễn đàn Saigòn Nhỏ chắc chắn không phải là “mảnh đất màu mỡ của thư nặc danh, cho nên nó thành đông, bởi một người có thể dùng cả chục, cả trăm bút hiệu để tạo một làn sóng đánh phá.” Ngược lại là đàng khác, Tôi nghĩ số người “đau khổ” khi phải chứng kiến thái độ “mục hạ vô nhân” của ông Nguyễn Ngọc Ngạn về nhiều vấn đề khi ông làm MC trên sân khấu không phải là nhỏ. Nhưng ảnh hưởng của ông với tầng lớp bình dân, khán giả của những show ca nhạc mời ông làm MC không phải là không có. “Những lá thư, những bài viết nặc danh” chỉ trích ông không phải đương nhiên mà có. Khi biết khen “ông bầu” Sĩ Nguyễn là người tính tình hòa nhã, rộng rãi và lịch sự, nghệ sĩ ai cũng cảm mến, sao ông NNN không tự hỏi chính ông là vì sao mà có nhiều người ghét ông đến thế? Công việc của ông không phải là một công việc có nhiều người muốn cạnh tranh nên “nói xấu” ông vì sân khấu ca nhạc của Việt Nam tại hải ngoại không nhiều, MC quanh đi quẩn lại, không ông Ngạn thì lại ông Việt Thảo. Cầu thủ nào cũng vậy. Đá lâu vì quen sân, đâu có ai tranh dành với ông đâu mà ghen với tị. Những người “những lời lẽ thô tục, cộc cằn, quên cả tuổi tác và địa vị của mình” là ai vậy, thưa ông? Ai đã có con cháu và hằng ngày vẫn nghiêm khắc dạy con cháu bài học ngay thẳng và đạo đức mà còn thù ghét ông vì ganh tị vậy?
 
Thế giới Internet tuy lồng lộng mà ... hình như không ai thoát cả. Những email dùng lời lẽ thô tục để chỉ trích người khác sẽ bị lột mặt nạ và đào thãi ngay. Đó là lý do mà ngày nay với kỹ thuật tân tiến của Internet, Việt cộng cũng đã không trà trộn được vào thế giới ảo để hại uy tín và danh dự người Việt hải ngoại được. Vì những điện thư, những bài viết với loại ngôn ngữ thô tục, những bài ca tụng cộng sản sai sự thật, những diễn đàn bát nháo bị cho vào Spam ngay lập tức. 

Theo như cuộc phỏng vấn của ông với cô “thế hệ trẻ” thì ông Nguyễn Ngọc Ngạn cho biết ông không xử dụng Internet để tránh bận tâm với những điều chỉ trích ông. Vàng thật thì tại sao lại sợ lửa. Khi một “thiểu số” vì ganh tị mà đánh phá ông thì “đa số” ái mộ ông chắc sẽ không để cho “thiểu số” này được yên. Thế giới Internet là thế giới ảo mà lại rất thật. Không gì đáng ngại cho một kẻ vô lương bằng Internet. Vì chuyện xãy tận đâu đâu, chân trời góc biển nào thì cũng sẽ được phanh phui trong nháy mắt. Ngược lại, Internet không hại được người ngay bao giờ. Một bài viết sai về một sự kiện hay một nhân vật thường có ngay 10 bài viết phản biện. Ông Nguyễn Ngọc Ngạn có bao giờ tự hỏi tại sao “đa số” yêu thích, ái mộ ông không lên tiếng bênh vực khi ông bị công kích về những sai lầm của ông không?

Thực ra, lá thư trên cho thấy ông NNN không phải là một người minh mẫn hay sáng suốt. Câu trên, ông viết “hàng năm thì ông Sĩ vẫn tổ chức những show vòng Âu Châu” thì ngay bên dưới ông lại cho biết đây mới là lần thứ hai. Lần đầu là vào năm 2009. Tại sao ông không nghĩ rằng năm 2009 vì là lần đầu “đột xuất” nên đồng bào chưa kịp phát hiện. Cho đến lần này, lần thứ hai thì bị phản đối cũng là điều bình thường. Vã lại, như bài ông viết, đa số khán giả tại Berlin, Đức quốc là người ra đi từ miền Bắc nên có thể họ không bị “mẫn cảm” về ngày 30 tháng tư như đa số đồng hương tị nạn cộng sản chúng tôi. Tôi không dám dùng chữ chúng ta trong trường hợp này vì hình như tuy là một người tị nạn vượt biên tìm tự do tránh hiểm họa cộng sản nhưng ông NNN lại thấy việc ca nhạc, vui chơi trong ngày 30 tháng 4, ngày đau thương vủa toàn thể miền Nam Việt Nam lại là một điều bình thường. Đó mới là chuyện lạ! 

“Chính tôi cũng ngạc nhiên vì cứ tưởng mình làm văn nghệ đã 20 năm, đã là một khuôn mặt nhàm chán lắm rồi, thế mà vẫn có người theo dõi từng bước chân. Niềm mơ ước thầm kín của họ là tôi xuống khỏi sân khấu. Tôi đi làm văn nghệ cũng như người ta đi vào nhà máy, vào hãng xưởng, ở tuổi gần 70 có còn nghĩ gì đến danh vọng nữa đâu. Đi làm để sống chờ ngày về hưu thế thôi. Vậy mà cũng khó yên! Những người ngứa mắt vì tôi vốn không đông – bởi nếu đông thì tôi đã nằm nhà từ lâu rồi”. 

Làm nghề MC mà hình như ông Nguyễn Ngọc Ngạn lại quên đi mất ông là một người cuả đám đông, một nghệ sĩ trình diễn? Việc được mọi người chú ý, phê bình, yêu hay ghét đâu phải là một điều... lạ đối với một nghệ sĩ. Điều khác biệt khi sống dưới chế độ cộng sản và tự do là khi không thích thì không ai ép buộc được ta phải làm điều ta không thích. Nếu không thích nghe ông 3N hát, nghe ông 3N nói, không thích đọc truyện ma cuả ông thì người ta chỉ cần không mua vé đi xem show có sự hiện diện cuả ông, không đọc sách cuả ông mà không cần thiết phải... mơ ước thầm kín là muốn ông đi xuống khỏi sân khấu làm gì. Muốn ăn phở thì đi đến tiệm phở, muốn ăn cơm thì đi đến tiệm cơm. Một người thích ăn cơm thì không cần phải có một ước mơ thầm kín là một ngày nào đó, bà bán phở sẽ không còn nấu phở được nữa để mà vui. Đó là chưa kể, đôi khi đi dự một show ca nhạc chỉ vì yêu thích một nghệ sĩ. Khi chưa đến giờ trình diễn cuả người đó, phải nghe những điều nhảm nhí, những âm thanh không hợp tai thì cũng là chuyện bình thường, đâu có gì là lạ đến độ mà ông Nguyễn Ngọc Ngạn phải quan trọng hoá “thiên tài” của ông đến thế. Dù gì, khi làm MC tức là một “nghệ sĩ” giới thiệu chương trình, ông cũng chỉ là một người cộng tác. Sai lầm của những người bầu show như ông Sĩ Nguyễn trong vụ này, hay của TT Thúy Nga với DVD Mẹ Việt Nam thì thiệt thòi mà ông Nguyễn Ngọc Ngạn phải chịu chỉ là một cái “cát xê” cho một buổi trình diễn nhưng với những người tổ chức thì là những thiệt hại rất lớn. Những phát biểu “thông thái” cuả ông Nguyễn Ngọc Ngạn lại chính là những thùng xăng “phóng hỏa”, đổ dầu thêm vào lửa mà những ông bầu show phải gánh chịu! Khoan đề cập tới vấn đề chính trị, khoan nói về lằn ranh quốc cộng mà chỉ nói về cách ăn ở cuả ông trong những lúc dầu sôi, lửa bỏng này thì đủ thấy tại sao sau 20 năm làm văn nghệ, số người “không ưa” ông không phải là thiểu số! Sự thực là sự thực. Như đã nói, sau thông cáo chính thức cuả bầu Sĩ là sẽ hủy bỏ ngày trình diễn tại Berlin trong ngày 30 tháng 4, coi như hai show ở Pháp và Na Uy sẽ được yên. Nhưng sáng nay, sau khi cái Video Clip mà ông Nguyễn Ngọc Ngạn “dạy về chống cộng” và đổ lỗâi show bị bể là do “lòng ganh tị” ông phá phách thì cả hai show trên cũng bị đe dọa theo. Cộng đồng Người Việt tị nạn cộng sản tại Âu Châu đang kêu gọi đồng bào tẩy chay cả hai show tổ chức vào ngày 28 và 29 tháng 4 tại hai thành phố Paris và Olso mặc dù vé đã bán hết, theo lời bầu Sĩ.

Tại sao không nên ca hát, liên hoan trong ngày 30 tháng 4 hay những ngày lễ lớn của CSVN?

Vì đảng cộng sản là kẻ thù của dân tộc Việt Nam. Ngày 30 tháng 4 không chỉ là một ngày đau buồn của riêng miền Nam mà là ngày đại hoạ của đất nước. Nhìn lại, những gì xãy ra cho Việt Nam ngày nay kể từ khi Việt cộng chiếm trọn đất nước: Chúng ta không chỉ mất đất, mất biển, mất đi chủ quyền đất đai vào tay Tàu Cộng mà tai hại hơn là sự tham ô và ngu xuẩn của bọn cán bộ cộng sản đã làm băng hoại đạo đức xã hội và xuy đồi luân lý của dân tộc Việt Nam. Nền giáo dục dựa trên căn bản lý lịch của bọn cộng sản đã, đang và sẽ tiếp tục đưa những thế hệ trẻ Việt Nam vào con đường mù chữ hay biết chữ mà như mù so sánh với mức độ dân trí của các quốc gia lân bang. Biết vậy nhưng thay vì thay đổi tình trạng giáo dục trong nước thì chúng lại cho con cái của chúng sang Hoa Kỳ ... tị nạn về giáo dục. Chúng đã tạo ra những thế hệ trẻ vô cảm đến rợn người, không biết gì về lịch sử, về quá khứ đáng hãnh diện của tiền nhân nước Việt, về những đại họa mà đảng cộng sản Việt Nam đã gây ra cho dân tộc Việt Nam.

Khi ông giáo sư Việt Văn Đệ Nhất Cấp Nguyễn Ngọc Ngạn nói rằng ông không đồng ý với việc người Việt không cộng sản tránh tổ chức liên hoan ca nhạc trong ngày 30 tháng 4, trong những ngày Lễ cuả cộng sản thì thưa ông, ngày mà vợ con ông vượt biên rồi mất tích trên Biển Đông được ông ghi lại trong “những tác phẩm văn chương” của ông, ông có mời bạn bè, có tổ chức “tình ca” vì ... đời ca hát ngày tháng cho người mua vui được không? Hay ngày đó, ông sẽ làm giỗ cho họ, sẽ thắp cho họ những nén hương, để người thân trong gia tộc của ông chia xẻ với ông nỗi đau thương của riêng ông mà đồng thời cũng là niềm đau của dân tộc. Đó chắc chắn sẽ là ngày duy nhất trong năm, ông sẽ tạm thời lánh xa những câu nói tục, những lời nói hàm hồ “cứ tưởng” là thông thái, là duyên dáng, xa lánh những thân thể lõa lồ của bầy ca nhi để nói với người thân về nỗi đau cuả ông dành cho đất nước, về cái đại họa đã đẩy thân nhân của ông ra Biển Đông mãi mãi không về. Trước ông, sau ông và cho đến bây giờ, mỗi thời, chúng ta đều phải nhỏ nước mắt khóc thương cho những người thân như thế. Thời trước 1975 thì là chuyện đấu tố, chuyện hộ lý, chuyện vào B, chuyện của nhà thơ Hữu Loan:

Nhưng không chết người trai khói lửa
Mà chết người gái nhỏ hậu phương
Tôi về không gặp nàng 
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tôi

Sau 1975 là thảm trạng vượt biên dành cho những phụ nữ Việt Nam hiền lành trên đường tìm tự do. Con số ước lượng là nửa triệu người Việt đã chìm sâu dưới lòng Biển Đông:

Em mặc làm chi màu áo trắng
Để anh nhìn thấy lại thêm thương
Em ơi sao nỡ chia lìa vội
Để lệ ai rơi mấy dặm đường
(Thơ Thụy Châu)

Rồi bây giờ là nạn bán gái ra nước ngoài dưới dạng nô lệ lao động hay nô lệ tình dục. Ông đã gần 70 tuổi, sao ông lại hàm hồ khi đoạn trên thì viết  “Tôi đi làm văn nghệ cũng như người ta đi vào nhà máy, vào hãng xưởng, ở tuổi gần 70 có còn nghĩ gì đến danh vọng nữa đâu. Đi làm để sống chờ ngày về hưu thế thôi;  rồi đoạn dưới lại kết luận: Đối với chúng ta, văn nghệ có thể chỉ là giải trí. Nhưng với Cộng Sản thì không đơn giản như vậy. Bài bản lúc nào cũng bị kiểm duyệt. Nếu sứ quán VN có dính dáng xa gần đến show này thì họ có ngu gì mời ca sĩ Asia là những người chuyên hát nhạc lính? Họ có ngu gì mà mời tôi là tác giả hàng loạt truyện đả kích hoặc châm chọc họ?”

Thế thì ông giáo sư Việt Văn Đệ Nhất Cấp ơi, ông nghĩ sao về những “hiện tượng” mấy năm gần đây xãy ra cho giới nghệ sĩ ca nhạc vậy? Những “tác phẩm văn chương” của ông có “chống cộng” hơn ông Phạm Duy và tuyển tập Bầy Chim Bỏ Xứ của thập niên 80 thế kỷ trước không? Ai hát nhạc lính VNCH nhiều hơn các ca sĩ Chế Linh, Hương Lan? Ai đã đau khổ về vượt biên, về nỗi hạnh phúc khi được ca hát tự do ở hải ngoại hơn các ca sĩ Ý Lan, Thanh Tuyền? Không phải ho đều về nước trình diễn cả đấy sao? Nói gì đến những “ca sĩ Asia” mà ông đề cập đến. Đáng lẽ là một “người già 70” khi được mời “ca hát cho đời mua vui” trong ngày 30 tháng 4, ông phải là người nhắc nhỡ cho những “bầu show”, những ca sĩ trẻ tuổi hơn ông nhiều, biết về ngày này. Nhắc cho họ nhớ, nói cho họ biết về sự mất mát cuả riêng ông, về niềm đau của cả dân tộc Việt Nam khởi đi từ những ngày đau thương của lịch sử Việt Nam này. Ai có thể vui được trong ngày 30 tháng 4? Dù ở bên này hay bên kia chiến tuyến? Có nên nói cho thế hệ trẻ biết về tội ác của Hồ Chí Minh? Về những đại họa mà dân tộc Việt Nam đã gánh chịu từ khi Đảng CSVN thành lập. Những người Việt Nam có nên tổ chức liên hoan, ca nhạc cùng một thời điểm mà đảng cộng sản liên hoan? Riêng ngày 30 tháng 4 không chỉ quan trọng với Người Việt tị nạn cộng sản mà còn cả với những người ở miền Bắc Việt Nam. Đó là một ngày mà ngàn đời sau, lịch sử Việt Nam sẽ phải ghi lại: Đó là một ngày lịch sử đau thương cuả dân tộc Việt khi vì lợi ích chiến lược toàn cầu, Hoa Kỳ đã chọn một quyết định vô đạo đức khi quay lưng với một đồng minh mà trong 20 năm chiến tranh, họ đã đẩy ra làm thành trì để ngăn chận sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản. Hậu quả của cái “chiến lược” thua để thắng đó của người Mỹ đã gây di hại lâu dài cho đất nước Việt Nam của chúng ta không chỉ vài chục năm hậu chiến mà còn tồn tại nhiều thế hệ lâu hơn nữa.

Riêng đối với người Việt miền Nam mà Nguyễn Ngọc Ngạn là một thành phần thì chắc chắn đó không phải là ngày vui rồi. Tôi tin rằng đó là một thời điểm đánh dấu một “khúc ngoặc” của đời người – a turning point- mà tất cả Người Việt miền Nam cuả thời điểm 1975 đều hướng về đất nước dù chúng ta ở bất cứ nơi nào trên mặt đất này để tưởng nhớ lại những gì đã xãy ra cho chúng ta trong ngày tháng đó.

Tóm lại, khi thấy mình vẫn “ăn khách” thì xin ông Nguyễn Ngọc Ngạn cũng đừng vội kết luận rằng cái “thiểu số” phá “show” vì ganh tị với sự thành công “hoành tráng” của ông. Đa số người Việt thầm lặng sinh sống tại những phần đất tự do trên thế giới không ai bị trói tay, không ai bị lệ thuộc vào “đối phương“ tuyên truyền, không ai bị khích động bởi những phần tử “chống cộng quá khích” ồn ào trên bề mặt như ông nói đâu. Quan điểm không chấp nhận chế độ cộng sản của Người Việt nước ngoài phát sinh từ trái tim yêu nước mà không ai khuyến khích hay xóa bỏ được. Sống nơi xứ người, họ tiếp xúc với dân chủ, với tự do, họ không muốn “làm khổ nhau” hay “chế ra giặc để mà đánh” nhưng lại sẵn sàng nói lên sự thật, chống đối bất công, chống lại mọi chính sách vô nhân mà đảng cộng sản Việt Nam đã áp đặt cho toàn dân Việt từ khi chiếm trọn đất nước. Họ đã vạch mặt, đã chỉ tên những tên Việt gian len lõi trong cộng đồng đã và đang hành động có lợi cho cộng sản chỉ vì tiền. Những tên tuổi của bọn lãnh tụ cộng sản như Nguyễn Tấn Dũng, như Trương Tấn Sang, như Nguyễn Phú Trọng đã hiện nguyên hình thành những tên vô lại tham ô qua hình ảnh và sự việc phổ biến trên mạng lưới toàn cầu cho mọi người cùng biết.

Chẳng đặng đừng mà cộng đồng Người Việt hải ngoại mới phải có thái độ đối với những sai lầm về chính trị, về giá trị nghệ thuật mà ban tổ chức về những đêm văn nghệ đã vướng phải đó thôi. Chẳng đặng đừng mà Người Việt hải ngoại phải đối đầu với những “thiên tài” như Phạm Duy, như Trịnh Công Sơn. Nói gì đến “thiên tài” Nguyễn Ngọc Ngạn! Làm gì có chuyện ganh tị, đố kỵ với nghệ sĩ. Thích thì nghe, thì xem, không thích thì không nghe, không xem. Thế thôi. Trong cuộc phỏng vấn giữa ông và cô Hoàng Anh nói về quan điểm của ông trong việc tổ chức văn nghệ 30.4.2012 tại Berlin, ông Nguyễn Ngọc Ngạn cho biết ông không xử dụng Internet nhưng ông lại dùng Internet để phổ biến bài viết của ông, video clip về quan điểm của ông khi nhận lời làm MC cho show “Tình Ca Muà Xuân” của ngày 30 tháng 4, 2012 tại Berlin. Do đó, hy vọng rằng từ nay về sau, ông già 70 Nguyễn Ngọc Ngạn sẽ không làm văn nghệ với thái độ của “một công nhân đi vào nhà máy” mà ông đã thừa nhận trong bài viết của ông. Vì nếu văn nghệ chỉ là một trò giải trí thì khi bị cho là “xướng ca vô loài” có phải là quần chúng đã vơ đủa cả nắm giới nghệ sĩ trình diễn không, thưa ông?

Ôi, những ngày cuối tháng 4 định mệnh? Ông Nguyễn Ngọc Ngạn giải thích “nhập nhằng” về ngày 30 tháng 4, ngày đau buồn cuả lịch sử dân tộc Việt Nam với ngày 1 tháng 5, ngày Quốc Tế Lao Động nên Âu Châu có một cuối tuần nghĩ lễ, thuận tiện cho tổ chức show. Tôi muốn nhắc với ông là ngày 29 tháng 4 năm ngoái, 2011, cả nước Anh ăn mừng đám cưới của hoàng tử William thì tổng thống Obama của Hoa Kỳ lợi dụng lúc thế giới chú ý vào sự kiện này để ra lệnh tấn công sào huyệt, nơi ẩn trú của Osama Bin Laden. Ngày 1 tháng 5, 2011 ngày Quốc Tế Lao Dộng mà ông Nguyễn Ngọc Ngạn đề cập tới cũng là ngày tên trùm khủng bố bị tiêu diệt. Có những định mệnh trùng hợp “không may” mà ngay cả hoàng gia nước Anh và hoàng tử William cũng phải chấp nhận là những tin tức về cuộc lễ thành hôn của hoàng tử William đã phải ngưng ngay mặc dù hoàng gia Anh đã cố tình tổ chức trọng thể để xóa tan những mây mù tồn tại từ cái chết cuả công nương Diana 15 năm trước đây, vì cái chết của Osama Bin Laden. Giới an ninh tình báo thế giới đang chạy đua để bảo vệ an ninh vì “sợ” tổ chức Al Qeada sẽ làm một “điều gì đó” để trả thù cho cái chết của tên trùm khủng bố trong ngày Quốc Tế Lao Động này. Ngày 1 tháng 5 từ nay sẽ không chỉ là ngày Quốc Tế Lao Động mà với thế giới Hồi Giáo, đó là ngày mà Bin Laden Osama bị Hoa Kỳ xử tử, là ngày mà thế giới tự do phải tăng cường an ninh, phải đề cao cảnh giác vì khủng bố Al Qeada.

Tóm lại, không ai ganh tị với một nghệ sĩ cả. “Thiên tài” âm nhạc quá cố như Micheal Jackson hay Whitney Houston cũng chỉ khiến người ái mộ giọng ca của họ ngậm ngùi vì sự kết thúc bi thảm của những nghệ sĩ mất phương hướng khi đối diện với danh vọng và tiền bạc. Ngược lại, khi bị phê bình, chỉ trích thì một nghệ sĩ chân chính phải chấp nhận và sửa đổi. Nếu lời phê bình sai thì chắc chắn đám đông sẽ phản biện lại ngay để bảo vệ những nghệ sĩ mà họ yêu thích. Có bao giờ ông Nguyễn Ngọc Ngạn nhìn lại “20 năm làm văn nghệ” của mình và tự hỏi tại sao ông không được yêu mến và kính trọng? Từ sự không được yêu mến này dành cho ông, ông đã làm hại những nhà tổ chức show hơn là làm lợi cho họ. Cái “assett” Nguyễn Ngọc Ngạn có phải đã đến lúc trở thành một thứ “liability” cho những bầu show?

Dù sao, khi ông bầu Sĩ Nguyễn đã hủy bỏ việc “bán giàn” ca sĩ trong ngày 30 tháng 4 năm nay tại Berlin thì Người Việt hải ngoại cũng không nên khe khắt, vì “giận” Nguyễn Ngọc Ngạn mà “chém thớt” ông bầu “đột xuất” trẻ tuổi này. Từ nay, chắc chắn “bầu show” Sĩ Nguyễn sẽ nhớ đời bài học này. Bài học về cách sống và làm việc trong lòng dân tộc, đau nỗi đau của dân tộc thay vì chỉ biết chạy theo công việc, theo lợi nhuận của thương trường.

Đào Nương

No comments:

Blog Archive