Friday, August 23, 2024

Tranh chấp kéo dài, nhạc phẩm của Trần Thiện Thanh bị ‘né tránh’


SÀI GÒN, Việt Nam

Hôm 22 Tháng Tám, những người con của ca nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh đã tổ chức họp báo chia sẻ về việc tranh chấp tác quyền nhạc phẩm của ông.

Gần 20 năm kể từ ngày cố ca nhạc sĩ Trần Thiện Thanh ra đi, việc tranh chấp quyền sở hữu tác quyền nhạc phẩm của ông vẫn kéo dài dai dẳng không dứt.
Từ trái, ông Trần Thiện Anh Chính, bà Trần Thiện Thanh Trúc và bà Bích Lan tại buổi họp báo. (Hình: Tuấn Chiêu/VietNamNet)

Theo báo VietNamNet, cuộc họp báo gồm bà Trần Thiện Thanh Trúc (sống tại Mỹ), ông Trần Thiện Anh Chính, con của cố nhạc sĩ và bà Bích Lan – đại diện đơn vị nắm giữ tác quyền nhạc Trần Thiện Thanh do gia đình ủy quyền.

Tranh chấp nảy sinh khi ca sĩ Mỹ Lan, hiện đang sinh sống ở tiểu bang California, vợ kế của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, khẳng định mình và con trai Trần Thiện Anh Chí có quyền nắm giữ tác quyền và tổ chức show về Trần Thiện Thanh.

Tuy nhiên theo bà Bích Lan, khi nhạc sĩ Trần Thiện Thanh qua đời, bà và bốn người con là Trần Thiện Anh Chương (mất 2014), Trần Thiện Thanh Trúc, Trần Thiện Thanh Trân và Trần Thiện Anh Châu, được thừa hưởng tác quyền từ các nhạc phẩm của ông theo đúng quy định.

Theo bà Thanh Trúc, ba tháng trước khi nhạc sĩ Trần Thiện Thanh mất, ông có gọi cho các con ở Việt Nam để mừng năm mới.

“Chúng tôi lúc này biết cha chỉ còn lại những ngày tháng ngắn ngủi. Ông chỉ nói ‘cha thương các con lắm, mấy đứa phải nhớ lúc nào cũng phải đùm bọc lẫn nhau, đặc biệt là phải yêu thương đứa em Anh Chính’.”

Trần Thiện Anh Chính là con ngoại hôn của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh với ca sĩ Kim Dung, được vợ chính là bà Bích Lan xem như con của mình.

Bà Trúc khẳng định ca sĩ Mỹ Lan “không phải là người thụ hưởng hợp pháp tác quyền” nên không có quyền can thiệp, lấy lợi nhuận, hoặc tự ý tổ chức các chương trình về cố nhạc sĩ.

Ngoài ra, các con của Trần Thiện Thanh yêu cầu ca sĩ Mỹ Lan cho xét nghiệm ADN nhằm chứng minh anh Trần Thiện Anh Chí có quan hệ huyết thống với cố nhạc sĩ hay không.

Nếu kết quả trùng khớp, họ sẵn sàng đưa anh Trần Thiện Anh Chí vào danh sách thừa hưởng tác quyền. Nếu không, họ sẽ từ chối và nhờ pháp luật can thiệp.

Hiện năm người con của Trần Thiện Thanh đã thuê luật sư và nộp đơn lên tòa.

Từ nhiều năm qua, tác quyền ca khúc của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh được gia đình ủy thác cho một công ty làm đại diện.

Theo bà Bích Lan, người đại diện, cho biết do tranh chấp nội bộ kéo dài khiến các tác phẩm của Trần Thiện Thanh hiện bị hạn chế biểu diễn. Nhiều đơn vị trong và ngoài nước e ngại sử dụng vì sợ xin phép bên này nhưng bên kia không đồng ý, dễ gây ồn ào.

“Chúng tôi cũng thất thu tiền tác quyền vì những tranh chấp trong nội bộ. Chưa kể số tiền nhận được chẳng thấm vào đâu so với chi phí kiện tụng, luật sư ở Mỹ vốn rất đắt,” bà Thanh Trúc nói thêm.
Anh Trần Thiện Anh Chí (phải) và mẹ, ca sĩ Mỹ Lan, trong nhạc phẩm “Anh Không Chết Đâu Anh” tại đêm nhạc gây quỹ cho thương phế binh VNCH và kỷ niệm 19 năm cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh ra đi (Hình: VănLan/Người Việt)

Trả lời báo đài về việc nhạc sĩ Trần Thiện Thanh có để lại di chúc hay không? Bà Thanh Trúc phản hồi cho rằng ông mất lúc “hoàn toàn độc thân và không để lại di chúc.”

Năm 2025, kỷ niệm 20 năm ngày mất của ca nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, gia đình ông dự định tổ chức một đêm nhạc kỷ niệm. Họ mong vụ tranh chấp sớm khép lại để di sản âm nhạc của ông đến với nhiều khán giả trong và ngoài nước. (Tr.N)

No comments:

Blog Archive