Tuesday, April 30, 2024

Tôi có người anh tử trận…!

Má về với Ba khi còn rất trẻ. Ba, hai mươi tuổi. Má, mười tám tuổi. Má dứt sữa anh Nhiên không lâu thì có mang tôi. Tôi cách anh Nhiên hai tuổi.

 

Người khác thường gọi anh mình bằng thứ: chẳng hạn anh hai, anh ba. Riêng tôi, tôi gọi anh mình bằng tên: anh Nhiên.

 

Anh Nhiên là con đầu lòng, sức khỏe kém, quặt quòa quặt quẹo, nay đau, mai yếu, nay ấm đầu, mai sổ mũi. Bịnh hoạn rề rề làm anh nhỏ con, ốm nhom ốm nhách, nên đi chơi hoặc đi học thường hay bị những thằng, không biết thế nào là phải trái, xúm lại hiếp đáp.

 

Một tối anh dẫn tôi đi xem truyền hình công cộng trong xóm, có thằng lớn con hơn giành chỗ, lấn tôi té xuống đất. Anh Nhiên tôi binh em, nhào vô ăn thua đủ. Tội nghiệp! Anh Nhiên tôi nhỏ con, ốm yếu bị nó bự con, khỏe mạnh, đè gần chết. Tôi nóng mũi, binh anh mình, hốt một bụm cát vụt vô mặt nó. Thằng mắc dịch đó hét lên vì không thấy đường, lo lấy hai tay dụi mắt. Tôi thừa cơ nhảy vô đấm, đá tưng bừng, rồi hai anh em chạy tuốt về nhà. Bữa sau Ba nó đến mắng vốn. Ba nó nói: hai anh em tôi ỷ đông đánh con ổng. Ba tôi chỉ giả lả cho qua chuyện. Sau đó Ba tôi hỏi đầu đuôi gốc ngọn. Anh chỉ nói: “Con hổng muốn quánh nhau với nó. Con chỉ muốn yên thôi mà nó hổng cho yên. Hổng quánh hông được!”

 

Lớn lên, hai anh em cùng học chung trường Petrus Trương Vĩnh Ký. Anh học trước tôi hai lớp. Không biết bao nhiêu lần anh bị buộc phải đánh nhau với mấy thằng bạn học hay ăn hiếp anh, tôi đều nhào vô ăn thua đủ, đến nỗi phải bị gọi lên văn phòng, thầy Tổng giám thị hỏi: “Sao hai anh em tụi bây quánh nó?”

 

Tôi trả lời: “Tại nó ăn hiếp anh con”.

 

Còn anh Nhiên tôi thì lại nói: “Con hổng muốn quánh nhau với nó. Con chỉ muốn yên thôi mà nó hổng cho yên. Hổng quánh hông được.”

 

Một chiều, tan học, từ trong lớp tôi tà tà ra nhà giữ xe đạp bên hông trường để anh Nhiên chở tôi về. Trận đánh lộn mới vừa tan. Cái thằng học cùng lớp với anh, cái thằng vừa mới đánh anh, đã chạy mất tiêu. Mấy thằng khác chỉ bàng quan thản nhiên đứng nhìn, không nói, không can ngăn gì hết; có đứa còn nhẫn tâm hò reo inh ỏi trong khi anh Nhiên tôi bị đánh chảy máu mũi và bị bầm tím một bên mắt.

 

Tôi tức mình quá, vừa giận vừa thương anh, nên cự nự: “Sao anh không đợi tui ra rồi hãy quánh?” Tôi xé một tờ giấy tập, vò cho nhầu, mềm, chậm máu mũi cho anh. Tôi giận mình sao lại tà tà ra trễ. Tôi giận mấy thằng kia chỉ khoanh tay đứng nhìn, không làm gì hết, mà còn khoái chí đứng xem một đứa hung hăng, mạnh bạo bức hiếp một người thế cô yếu đuối. Tôi giận luôn cả anh nên suốt đường về, tôi không thèm nói với anh lấy một câu.

 

Về nhà má tôi nấu nước sôi, pha muối, thấm vảo hai miếng bông gòn, miếng thì lau máu mũi cho anh, miếng thì chậm lên con mắt bị bầm.

 

Tôi thì đi tới, đi lui, hậm hực nói: “Lần sau anh đợi tui ra tới rồi hãy quánh. Anh với tui cho nó một trận để cho nó bỏ cái tật cà khịa.”

 

Anh nằm trên chiếc đi-văng, nhìn lên trần nhà bằng một con mắt, có vẻ suy nghĩ lung lắm, rồi lẩm bẩm: “Mình hổng muốn quánh nhau với nó. Mình chỉ muốn yên thôi mà nó hổng cho yên. Hổng quánh hông được!”

 

Năm 1968, khi anh đang học Đệ nhứt, thì Tổng công kích Tết Mậu Thân bùng nổ. Hình ảnh con nít, bà già chết còng queo trong lửa đạn, nhà cửa tan hoang cháy làm anh xúc động. “Mình hổng muốn quánh nhau với nó. Mình chỉ muốn yên thôi mà nó hổng cho yên. Hổng quánh hông được!”

 

Anh trầm ngâm, ít nói hẳn đi; suy nghĩ gì lung lắm: phải làm một cái gì đó. Phải làm một cái gì đó là: bỏ học giữa chừng năm Đệ nhứt, không thi Tú tài hai và đăng lính.

 

Ba năm sau, năm 71, anh Nhiên tôi tử trận ở Quảng Trị. Xác anh được mang về Huế, bỏ vô hòm kẽm, cò chì, đưa lên máy bay chở về Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa.

 

Ba Má tôi nhận tin báo tử. Chỉ một đêm chờ sáng, lên nhận xác anh Nhiên mà tôi thấy Ba, Má tôi già háp, gầy sọm hẳn đi.

 

Anh Nhiên tôi chết trẻ, hai mươi hai tuổi, chưa lập gia đình, chưa vợ, chưa con. Vì không có vợ, con nên không có ai để chít cho anh một vành khăn tang trắng. Ngược lại, theo phong tục mà ông Ngoại tôi biểu: trên đầu chiếc quan tài của anh Nhiên tôi có một vành khăn tang trắng dành cho anh để tang cho Ba Má.

 

Trước giờ di quan, ông ngoại tôi cầm cây roi bằng nhánh cây dâu giá giá lên đầu chiếc quan tài của anh giả bộ làm như đánh, để trị anh tội bất hiếu: chết trước khi Ba Má mình qua đời.

 

Ba tôi đang đứng kế bên, đột nhiên đôi mắt hằn lên tia lửa cuồng nộ, giằng lấy cây roi dâu trong tay ông Ngoại, bẻ làm hai quăng xuống đất, rồi giận dữ nói: “Thằng Nhiên, nó chết trận, nó đền nợ nước. Nó có tội gì đâu? Sao Ba lại đánh nó?”

 

Tôi có một người anh tử trận.

 

Anh là:

Cố Trung uý Đoàn Xuân Hòa

Đại đội 1 - Tiểu đoàn 6 TQLC - “Thần ưng cảm tử”

 

 

 


















Đoàn Xuân Thu

Melbourne.

Cuộc Chiến Iran và Israel Sẽ Dẫn Tới Thế Chiến III?

Truyền thông AP, Reuters, BBC và một số truyền thông khác đã đồng loạt đưa tin: Đêm Thứ Bảy 13/4/2024, Iran đã tiến hành một cuộc tấn công với hàng trăm máy bay không người lái (drone) và hỏa tiễn phóng vào không phận Israel, cuộc tấn công kéo dài trong gần 5 giờ đồng hồ. Iran cho rằng họ đạt được chiến thắng nhưng quân đội Israel tuyên bố hệ thống phòng không Vòm Sắt (Iron Dome) của Israel cùng với chiến đấu cơ của Anh và Hoa Kỳ đã bắn hạ tới 99% hơn 300 drone, hỏa tiễn đạn đạo và hỏa tiễn hành trình của Iran. Cuộc không kích của Iran đã không gây thiệt hại đáng kể: chỉ có một căn cứ không quân của Israel bị thiệt hại nhỏ, không có tử vong, có một em bé gái 10 tuổi tại thị trấn Bedoun thuộc miền nam Israel đã bị thương nặng do trúng mảnh đạn pháo kích. Hệ thống phòng không Vòm Sắt của Israel được Hoa Kỳ yểm trợ từ nhiều năm nay đã hoạt động vô cùng hữu hiệu. Nếu không có Iron Dome này thì Israel đã bị tan hoang.

Israel và Iran vốn là hai nước đồng minh cho tới năm 1979. Sau đó một cuộc cách mạng Hồi Giáo xảy ra, dẫn tới chế độ độc tài, phủ nhận sự tồn tại của Israel. Lãnh tụ Iran, Giáo Sĩ Ayatollah Ali Khamenie đã khẳng định “Israel là một khối ung thư cần hủy diệt” và Iran luôn tìm cách xóa bỏ Israel khỏi bản đồ thế giới. Căng thẳng giữa hai quốc gia đã thực sự gia tăng sau khi Hamas tấn công vào Israel ngày 7 tháng 10 năm 2023. Khoảng 2 tuần trước đây, máy bay không người lái của Israel đã tấn công Tòa Lãnh Sự Iran tại Syria, gây thiệt mạng cho 2 tướng của Iran. Một trong hai tướng này là Mohammad Reza Zahedi, chỉ huy trưởng đã lên “kế hoạch và thực hiện” cuộc tấn công của Hamas vào lãnh thổ Do Thái.

Từ nhiều năm qua, Iran đã xây dựng một mạng lưới liên minh ở Trung Đông với Syria, Yemen, Hamas, Hezbollah, Thánh Chiến Hồi Giáo Palestine, Houthis. Những lực lượng chiến binh ủy nhiệm này đã tấn công vào một số cộng đồng Israel dọc biên giới Ai Cập và căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ở Trung Đông để hỗ trợ Iran. Cuộc chiến trong “bóng tối” đã thay đổi, Iran đã chính thức lộ diện sau nhiều thập niên ủy nhiệm cho các lực lượng thánh chiến Hồi Giáo khiêu khích Israel. Giờ đây cuộc tấn công của Iran đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến rộng lớn hơn có thể xảy ra trong khu vực và dẫn tới Thế Chiến III.

Người dân Iran khao khát tự do
Theo tài liệu của Viện Brookings: Vào những năm 2017 và 2018, Iran bắt đầu bất ổn vì nhiều cuộc biểu tình đã xảy ra. Khởi đầu là những cuộc biểu tình vì người dân bất mãn về vật giá leo thang, kinh tế kiệt quệ nhưng sau đó đã nhanh chóng chuyển sang chống chính quyền vì tham nhũng và vi phạm nhân quyền.

Cuối năm 2019, những cuộc biểu tình lớn trên 100 thành phố đã gây chấn động khắp Iran. Người biểu tình đã chặn giao thông trên xa lộ, đốt hình nộm của các nhà lãnh đạo Iran, và xâm nhập các ngân hàng, các tòa nhà chính phủ. Ngay lập tức, chính quyền đã xử dụng những biện pháp tàn bạo, đã cắt điện để các đường dây internet và điện thoại không thể hoạt động được. Đồng thời chính quyền còn điều động những tay súng bắn tỉa và lực lượng an ninh tới trấn áp, hành hung và bắt giữ người biểu tình. Giáo Chủ Ayatollah Ali Khamenei đã cáo buộc người biểu tình là thành phần “côn đồ.” Hàng trăm người đã bị thiệt mạng trong những cuộc đàn áp bạo lực này và hàng ngàn người đã bị bắt giữ. Báo chí cho biết đây là cuộc nổi dậy nguy hiểm nhất cho chính quyền Iran kể từ cuộc cách mạng năm 1979.

Sự tuyệt vọng của người dân lên tới cao điểm sau khi một phụ nữ trẻ 22 tuổi Mahsa Amini đã bị cảnh sát bắt giữ và đánh đập cho tới chết vào ngày 16 tháng 9 năm 2022 vì cô đã không đội khăn trùm đầu đúng cách. Sau đó, nhiều cuộc biểu tình kéo dài hàng tháng đã xảy ra khắp nơi tại Iran và một số quốc gia lân cận. Chính quyền Iran đã xử dụng những chiến thuật đàn áp tàn bạo, người biểu tình bắt buộc phải ở trong nhà hoặc phải sống lưu vong.

Radio Free Europe cho hay lực lượng an ninh Iran đã gây tử thương cho hơn 476 người và bắt giữ 15,000 ngàn người trong những cuộc biểu tình này. Còn báo cáo ngày 4/4/2023 của tổ chức phi chính phủ Iran Human Rights có trụ sở tại Oslo cho biết rằng lực lượng an ninh Iran đã giết chết ít nhất 537 người, phần lớn trong những tháng đầu tiên của cuộc biểu tình. Cái chết của Amni đã ảnh hưởng không những tại Iran mà còn lan tới cả cộng đồng quốc tế nữa. Ali Fathollah-Nejad, một chuyên gia về Iran kết luận rằng “Những cuộc biểu tình bắt đầu từ năm 2017 – 2018 cho thấy sự chia rẽ nghiêm trọng giữa nhà nước và người dân đã không thể thỏa hiệp được.”

Vào tháng 9 năm 2023, Truyền thông France 24 có bài bình luận về những cuộc biểu tình tại Iran về vụ tử vong của Mahsa Amini. Truyền thông này cho rằng mặc dù chính quyền đã đè bẹp được những cuộc biểu tình nhưng họ đã bị thua trận, đã bị mất uy tín, và sự tức giận của người dân đối với chính quyền thậm chí còn tồi tệ hơn. Một năm sau cái chết của Amini, lịch sử hậu cách mạng của Iran đang được viết lại, có thể sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Bất chấp lo ngại bị trả thù, bị trấn áp, người dân Iran vẫn khẳng định lòng dũng cảm và vẫn sẵn sàng tham gia những cuộc biểu tình chống chính quyền. Thêm vào đó là chính sách bắt buộc phụ nữ phải che mặt quá khắt khe của nhà nước Hồi Giáo Iran là gieo mầm mống cho sự tan rã của chế độ. Nhà xã hội học Hamid Reza Jalaipour nhận định rằng “Nhà nước Iran không lắng nghe yêu cầu của người dân trong nhiều năm qua là nguyên nhân tạo ra làn sóng biểu tình phản đối chính quyền.”

Giáo Sư Alan Dershowitz của trường luật Harvard cho rằng trên nguyên tắc Iran đã tuyên chiến với Israel, Giáo Sư này kêu gọi “Đây là cơ hội lớn nhất mà chúng ta có được trong nhiều năm. Hoa Kỳ và Israel hãy thay đổi chế độ tàn bạo Ayatollah để chấm dứt sự xung đột và đem lại hòa bình cho Trung Đông. Đại đa số người dân Iran sẽ ủng hộ chúng ta.” Còn Biden thì kêu gọi Israel kềm chế, không đánh trả Iran. Israel đã bị Biden ngăn cản tiêu diệt khủng bố Hamas, giờ đây đánh trả lại Iran cũng bị Biden áp lực phải nhượng bộ.

Chính sách ngoại giao yếu kém của Biden dẫn tới chiến tranh
Biden không có kế hoạch chuẩn bị cho những vấn đề lớn, cụ thể là cuộc rút quân khỏi Afghanistan. Tháng 8 năm 2021, Biden đã đơn phương ra lệnh rút quân khỏi Afghanistan, không hề thông báo cho đồng minh. Cuộc rút quân thảm bại này đã bỏ rơi đồng minh, đã để lại toàn bộ vũ khí trị giá trên 80 tỷ Dollars cho quân khủng bố Taliban, đã gây tử vong cho 13 binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, và hàng trăm thường dân Afghanistan đã bị thiệt mạng. Cuộc rút quân này là điều sỉ nhục cho Hoa Kỳ.

Về cuộc chiến Israel, khi phóng viên hỏi Biden xem ông ta làm gì về lời hăm dọa của Iran, Biden đã trả lời cộc lốc một tiếng “Đừng” ngay hôm sau Iran liền tiến hành cuộc tấn công Israel. Biden đã cảnh báo Israel không nên phản công Iran và ngưng bắn tại Gaza. Tuy nhiên tiêu diệt khủng bố là sự sinh tồn của Israel vì quốc gia này luôn bị Iran tìm mọi cách loại bỏ khỏi Trung Đông. Israel không còn chọn lựa nào khác là phải đương đầu với Iran và phải tiêu diệt khủng bố Hamas, một liên minh đắc lực của Iran. Mặc cho Biden ngăn cản, Thứ Hai hôm qua, Trung Tướng Herzi Halevi, Tư Lệnh quân đội Israel cho biết vào thời điểm thích hợp, Israel sẽ đáp trả lại cuộc tấn công vừa qua của Iran.

Nhiều nhà quan sát cho rằng cuộc chiến tại Ukraine đã có thể tránh được nếu Biden có phản ứng khi Putin dàn quân tại biên giới. Sự lúng túng, yếu kém của Biden đã đưa Hoa Kỳ vào cuộc chiến Ukraine, và hiện nay là cuộc chiến Israel. Những lệnh trừng phạt kinh tế của cựu TT Trump đã làm sụp đổ kinh tế Iran nhưng khi Biden lên cầm quyền, ông ta đã dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Việc làm này đem lại cơ hội cho Iran được tự do sản xuất dầu khí, thu lợi hàng trăm tỷ Dollars mỗi năm. Biden đã hai lần chuyển giao cho Iran số tiền mà Hoa Kỳ đã giữ lại trước đây: một lần 6 tỷ Dollars và một lần 1.2 tỷ Dollars.

Biden đã đưa Houthis ra khỏi danh sách khủng bố. Houthis là nhóm kháng chiến quân Hồi Giáo ở Yemen và được Iran hậu thuẫn. Houthis tuyên bố họ là thành phần trong liên minh kháng chiến cùng với Hamas và Hezbollah do Iran lãnh đạo trong cuộc chiến chống Israel, Hoa Kỳ và cả phương Tây nữa. Houthis đã tấn công các tàu thương mại trên đường hàng hải quốc tế tại Biển Đỏ. Iran đã phủ nhận có liên quan tới hoạt động của Housthis trên Biển Đỏ nhưng mới đây, chính Iran đã tấn công tàu chở hàng của Israel, và sau đó đã phóng drone và hỏa tiễn tới Israel.

Chính sách ngoại giao yếu kém của Biden đã khiến Hoa Kỳ mất quyền kiểm soát đường hàng hải trên Biển Đỏ và cho phép Trung Cộng bành trướng hoạt động trên Biển Đông. Tháng 8 năm 2023 vừa qua, Trung Cộng đã công bố một bản đồ mới cho thấy lãnh hải của Trung Cộng chiếm khoảng 90% diện tích của Biển Đông. Trung Cộng đã ngang nhiên giành quyền kiểm soát vùng Biển Đông, một đường hàng hải quốc tế nơi có hoạt động của các tàu thương mại trị giá hơn 5 ngàn tỷ Dollars mỗi năm.

Tại Hội Nghị Liên Hiệp Quốc năm 2020, cựu TT Trump đã nói “Chúng tôi tạo dựng hòa bình bằng sức mạnh.” Chính sức mạnh đã đem lại hòa bình cho Hoa Kỳ và vùng Trung Đông trong 4 năm dưới thời cựu TT Trump, giờ đây Biden lại đưa Hoa Kỳ vào cuộc chiến Ukraine và Israel. Rồi đây Hoa Kỳ sẽ còn phải dính líu vào những cuộc chiến nào khác nữa?

Kim Nguyễn
April 16, 2024

BỤI SÀI GÒN

Người biết không, tôi đang ở Việt Nam,
Nhưng nhiều đêm lại rất nhớ Sài Gòn.

Bạn ở Cali về thăm nhà.
Tôi chở bạn bằng chiếc xe tay ga đi một vòng phố xá.
Dặn dò bạn thật kỹ:
"Có vô quán hay mua sắm gì, mày làm ơn im lặng nhé, đừng để lộ mày là Việt kiều".
Bạn hỏi: "Sao vậy?"
"Còn sao nữa? Nghe Việt kiều là nó 'cứa cổ' chứ sao.
Nó nói thách, bán mắc tao không theo kịp".
Bạn cười, thì ra vậy, bộ Việt kiều là giàu lắm sao mà nói thách, bán mắc? Tôi khoát tay, không biết giàu nghèo gì, nhưng tốt nhất mày im lặng giùm tao.
Bởi có một số anh chàng Việt kiều về đây phá giá.
Bạn hỏi: Mua gì mà phá giá?
Tôi trả lời: Đủ thứ, kể cả mua tình.
Bạn đập nhẹ vào vai tôi:
Sợ mày luôn, cái gì cũng nói được.
Tôi chở bạn qua những con đường mà ngày xưa khi còn là học trò, tôi và bạn đã từng lang thang.
Đường phố nhiều đổi thay.
Có đường còn tên cũ, có đường đã thay tên.
Khi đi ngang qua đường Nguyễn Du, bạn nói mấy cây me bên đường dường như đã già đi nhiều lắm?
Tôi cười: Tao với mày còn già nói gì đến cây me.
Mấy chục năm rồi còn gì?
Dưới những gốc me đường Nguyễn Du thấp thoáng vài tà áo dài. Bạn nói đã chiều tối rồi mà mấy cô học trò còn loanh quanh ở đây?
Tôi cười: Học trò gì? 'Bướm đêm' đó.
Mặc mini jupe khách nhìn hoài cũng chán.
Áo dài trắng cho lạ mắt, ra vẻ nữ sinh con nhà lành hơn.
Chiêu PR mới của các nàng Kiều đó mà.
Bạn không hài lòng: tao phản đối.
Nó làm vấy bẩn tà áo trắng học trò.
Nghe bạn nói, tôi chợt buồn, đời con gái còn xuống giá, sá gì manh áo?
Tôi nói với bạn, tại mày không biết đó thôi bây giờ đàn ông Hàn Quốc, Trung Quốc qua Việt Nam kén vợ như đi mua cá mua rau.
Họ săm soi phía trước, phía sau, vòng trên, vòng dưới.
Giá tiền để mua một cô vợ tuổi mười tám, đôi mươi chỉ vài triệu Việt Nam đồng.
Quá rẻ phải không?
Xưa mình đi học, không được mặc áo lụa mỏng, không được may áo eo cao, hở chút xíu thịt da bên hông là có ngọn roi mây của cô giám thị chỉ vào. Sáng nào quý vị giám thị chẳng "chờ đón" tụi mình trước cổng trường?
Quý vị muốn tụi mình vừa "học lực giỏi" vừa "hạnh kiểm tốt".
Bạn nói: Bởi vậy tụi mình lúc đó khá ngoan, học lớp 12 rồi mà chưa biết hôn, chưa dám hôn.
Tôi và bạn cùng cười phá lên, giờ tiếc hả?
Ừ, tiếc quá chừng một nụ hôn cho tình đầu.
Tôi chợt nghe mắt mình cay cay, như có bụi bay vào.
Bạn cũng im lặng.
Nỗi nhớ trào dâng làm tôi muốn khóc.
Tôi đang chở bạn về với tuổi thơ.
Nhưng cả ngôi trường lẫn con đường đều đã thay tên.
Cả chiếc áo dài trắng cũng không còn là độc quyền của học trò.
Nó đã bay xuống đời, vướng lại ở gốc cây, vỉa hè đầy bụi bặm.
Nó đã trở thành một thứ bụi trong vô số các loại bụi Sài Gòn.
Tôi đi qua phố chiều nay. Tôi chỉ cho bạn góc phố ở ngã sáu Phù Đổng, nơi mà cách đây 40 năm tôi và bạn cùng ngồi ăn bột chiên, cùng gặp anh chàng Trung Uý Hải Quân đi tàu HQ505.
Mày còn nhớ anh chàng đó không?
Bạn lắc đầu:
Lâu quá rồi, tao không nhớ nổi.
Tôi nghĩ thầm bạn quên cũng phải.
Anh chàng Hải Quân đó có theo bạn về nhà đâu?
Định mệnh buồn ấy đã buộc vào tôi.
Không còn chút dấu vết nào của quán bột chiên để bạn nhớ về. Một toà nhà cao tầng hiện đại mọc lên nơi đó đã che khuất kỷ niệm của tôi, làm nhạt nhoà một phần đời thơ mộng của chúng tôi.
Tôi dừng xe lại trước một quán kem.
Chọn bàn ở sát lề đường ngồi ăn kem.
Bạn kêu lên ngồi ở ngoài bụi lắm.
Tôi nói: Mày hãy tập sống bụi vài ngày cho quen, để khi trở lại Cali mày mới có dịp so sánh bụi Bolsa và bụi Sài Gòn, bụi nào làm cay mắt mày hơn.
Riêng tao, bụi ở góc trời này dù có che mờ nhân ảnh, dù có làm tao nhiều lần chảy nước mắt, tao vẫn cứ muốn ngồi đây, nhìn về phía góc phố xưa, tìm trong làn bụi mỏng thời gian hình bóng một thời...

Kim Chi.

Sunday, April 28, 2024

Bỏ lại

Ở cái xứ sở Âu Tây này cũng có quá nhiều tự do, thành ra cuộc sống có lúc thành bất cập, công đoàn ra sức nhiều lần đình công, yêu sách này kia, đòi tăng lương, đòi làm ít thời giờ hơn, đòi nghỉ hưu sớm v.v… nhất là công đoàn CGT vận chuyển công cộng người đi làm việc như métro, RER, tramway, bus… Một lần đó họ đình công vào dịp mùa đông, trời rất lạnh và mọi người đều e ngại co ro.

Thời buổi này thất nghiệp nhiều, nếu ai đã có một chỗ làm, phải cố gắng bám trụ. Khi xe lửa báo hiệu đình công là phải chuẩn bị tinh thần để hôm sau phi thân ra đường sớm, mong làm sao ra sức len lỏi được lên xe để đến chỗ làm việc khỏi mất một ngày lương.

Buổi mai hôm ấy, không phải là một buổi mai có sương thu và gió lạnh, có mẹ tôi âu yếm nắm tay đi tới trường, mà là một buổi mai u ám, mưa, gió và mây đen vần vũ như một cái vung to lớn sắp úp chụp xuống đầu… lại thêm xe lửa, métro, bus tuyên bố đình công 4/5. Sáng ngủ dậy, thu xếp, giục giã mang con cái tới trường xong, là tất cả chạy ra đường lớn, người người đều chạy ra xe, đeo theo xe và chịu khó chen lấn để mong lên bất cứ một phương tiện chuyên chở nào. Ngoài đại lộ, xe nườm nượp đông hơn mọi ngày, vì cả đa số xe hơi riêng cũng được mang ra sử dụng. Thành phố được dịp biểu dương lực lượng xe cộ đủ loại, từ xe cũ mèm đến những xe sang trọng, mới như mercedès, BMW, hình như có cả Rolls Royce… tuy nhiên vận tốc xe xê dịch không khá hơn bộ hành là bao. 

Trên vỉa hè, người đi bộ lũ lượt, họ rủ nhau đi từng đoàn, có người hăng hái cho là mình thừa khả năng đi bộ tới sở làm. Có một số tìm một trạm xe điện ngầm tụt xuống, cầu mong bất chợt có một chuyến xe không lãng công chạy tới. Đa số tụt xuống, chờ vô vọng, lại chui lên, lại đi bộ. Trên mặt đường, đoàn xe rùa bò vẫn rùa bò một cách bình tĩnh đến nghênh ngang, vì vậy có người đi bộ vẫy vẫy tay xin quá giang, có lẽ mỏi chân rồi, nhưng không được, xe nào cũng đã đầy nhóc người là người, thất vọng họ phát lên cùng nhau cười rộ. Nói đúng ra người Âu Mỹ ít va chạm nhiều bi thảm, họ vẫn nhìn cuộc đời độ lượng và khá khoan hòa.

Như mọi người, tôi ra đường rất sớm với sắc tay nhẹ chỉ với một cái dù nhỏ. Tôi cắm đầu cuốc bộ ra gare. RER báo hiệu trong một giờ sau mới có một chuyến xe từ ngoại ô Marne la Vallée vào Paris. Cô đầm, phát ngôn viên ở gare, giọng ấm áp, rất dịu dàng, lịch sự, không làm vơi đi niềm ngao ngán của khách chờ xe. Khách đứng chật hai bên quai. Đông người quá, khó nhúc nhích, tôi chán nản bỏ train RER leo lên lầu chờ trạm. Cũng may, khi RER đình công thì train chạy, dù là rất giới hạn, vẫn có ít người không thể ngưng làm việc dù chỉ một ngày vì cuộc sống của con cái họ. Tuy train chạy chậm hơn RER nhưng còn hy vọng xê dịch được, còn hơn đợi chờ mòn mỏi mà không chắc leo lên RER được không.

Khi tôi vừa lên được quai của train, thì cả rừng người đang ồn ào chợt im lặng nghe thông báo : vẫn cái giọng một cô đầm gợi cảm và lễ độ : « đường số 1, hướng về Paris, có một train sắp tới trong năm phút, merci de votre compréhension! » Không ai có thể cảm thông nổi một ngày phiền toái như một ngày xe điện đình công, vì ai ai cũng vừa bỏ tiền ra mua vé xe tháng! Có lúc người ta cười rộ lên. Người ta chửi thề, người ta chế nhạo công đoàn phá bĩnh ! Làm khó !

Thiệt ra có xe, có đến hai lần, trong khoảng cách 45 phút tới 1 giờ. Nhưng rất ít người có thể lên được. Nhứt là đàn bà, con gái yếu đuối và cả một số nam giới không thích chen lấn… người yếu xô đẩy cũng bị đẩy lùi, lùi dần, như là càng lúc càng bị đẩy văng ra xa hơn cửa xe… Tôi chợt cảm nhận như đây là một cuộc tranh giành xô lấn, y hệt cái vượt trội kinh hoàng của ngày 30-04-1975 của quê hương tôi! À không, ở đây, không có đạn pháo kích nổ vang trời… không có người bị chết ở giờ thứ 25. Tôi vẫn còn nhiều ám ảnh, ấn tượng dù đã bao năm qua. Có lẽ tôi đã mòn mỏi tuổi đời và thần kinh yếu kém đi !

Cứ thế tôi bị xô lùi dần về phía sau. Vô lý quá, tôi bực bội nhìn quanh… tôi bị đẩy lùi hai ba lần liên tiếp, không chống đỡ nổi làn sóng người như nước vỡ bờ. Lần lùi tới, tôi lùi thật lẹ vì sợ người ta đạp nát chân mình, tôi hơi cáu rồi đó, nhìn sang phải, sang trái, bất mãn và lần này tôi bắt gặp một đôi mắt cũng đầy vẻ bất mãn ở ngay áp sát bên sườn tôi. Cô ta đang nhìn tôi vẻ thương hại và ái ngại, cũng đúng thôi. Một đôi mắt Á Đông, dịu dàng, yếu đuối bị xô đẩy đến tụt cả mũ len choàng đầu. Cô sợ hãi vì không tìm ra chỗ bám, phảng phất ánh hoảng hốt:
"Cơ khổ, kẹt quá, chị ơi ! Mình cứ bị đẩy lùi xa mãi… "

Rồi… đúng là một giọng nói Việt Nam… tôi an ủi cô và cũng là tự an ủi: "Không sao đâu, rồi mình cũng lên được à. Đến sỡ trễ cũng không sao, miễn là mình có tới.

"Đành thế, mà em ngại, tại vì em mới tới đây có hai năm, em đã ở không gần hết hai năm dài đó, giờ em mới tìm được việc làm, em mới đi làm…"

"Không hề chi, chủ nghe tin tức, métro đình công, sẽ hiểu… nhưng mà cách nay hai năm thì mọi sự đều đã khó khăn, giấy tờ thủ tục làm đâu có dễ gì. Làm sao em có thể qua đây được. Em giỏi quá. May quá."

Người thiếu phụ trẻ, đồng hương tôi mới quen, vẫn phải đứng dán chặt vô người tôi, chớp chớp rèm mi cảm động và sung sướng thổ lộ chuyện riêng:

"Kể ra em may thiệt chị à. Em không bao giờ ngờ có ngày mẹ con em tới đây. Em có chồng đi cải tạo ba năm mấy, về, rồi vợ chồng gom góp cho anh đi vượt biên, chẳng may, chồng em mất tích, không còn tin tức. Mẹ con em đã tưởng là sống mỏi mòn với cộng sản VN. Rồi may quá, cuối cùng, cách nay hơn hai năm, em nhập hộ khẩu của ông hàng xóm của em ở Việt Nam, làm giấy tờ hôn thú, thông hành, rồi cùng ra đi với ông ấy. Tới đây, tụi em sống chung, bây giờ chúng em là vợ chồng. Em có một đứa con gái riêng với chồng trước em, 12 tuổi. Chồng nay của em có một cháu gái riêng 19 tuổi, trước ngày sống với mẹ nó, nay ưng về sống chung với chúng em, cả thẩy là bốn người, gồm đủ con anh, con em, nhưng chưa có con chúng ta."

"Rồi sẽ có thôi."

"Không đâu, em còn trẻ, nhưng chồng em hiện giờ đã già rồi. Anh thương em lắm, nhưng không muốn có thêm con mọn. Ảnh sợ cha già con cọc, rồi mình mệt nhọc mà cũng không nuôi nấng được con đàng hoàng."

"Ổng cũng đúng thôi. Đứa bé nhỏ ở trong tay cha mẹ già như lúc nào cũng điên đầu mệt mỏi, đâu có sung sướng bằng ở trong vòng tay nâng niu của cha mẹ trẻ còn yêu đời vô tận."

"Vâng chồng em có lý. Vả lại, cô có ý nói nhỏ nhỏ giọng xuống, ảnh cũng có một con trai lớn bộn với chị lớn rồi. Trai gái đủ cả. Thêm nữa, ở đây lúc này kiếm sống cũng khá khó khăn…"

"Thế tại sao anh nhà lại thôi sống với chị lớn, họ không cùng đi vượt biên sao?" Tôi tò mò nhích tới.

"Không, chuyện rắc rối lắm, lôi thôi hơn cả tiểu thuyết chị à,… là như vầy, hồi đó, là lúc 30-04-1975, ảnh là sĩ quan miền nam đi cải tạo, năm 1979 vợ anh và hai con anh, một trai, một gái được phép hồi hương về Pháp. Chỉ phải ra tận trại tù ở miền Bắc xin quản giáo nhiều lần cho gặp chồng, chồng ký giấy ưng thuận cho vợ mang con đi. Chị ấy và hai cháu đi. Sang Pháp, chị tần tảo đi làm, nuôi con, gửi quà về nuôi chồng và có làm giấy bảo lãnh cho chồng. Nhưng thật đáng tiếc là nhà nước cộng sản giữ ảnh lâu quá lâu… chị coi giữ tới 15 năm trời. Hình như là sau năm 1990 anh ra trại, vợ lớn anh chờ lâu quá, rồi nghiệp duyên đưa đẩy, chị đã gặp và yêu thương người khác. Chị ấy liền sang tên cho đứa con trai lớn nhờ bảo lãnh cha nó. Tội nghiệp anh, người trở về chiều ngày 30 tết năm 1990. Em, đầu tiên dòm thấy anh thất thểu bước vào xóm cũ, người xưa đã đi xa, cảnh cũ đã đổi thay, anh ngồi bần thần dưới hàng hiên nhà cũ… mẹ con em cũng đang côi cút, chúng em mở cửa gọi và đón anh cùng ăn tết qua ba ngày đầu năm. Sau đó chúng em thông cảm và làm thành một gia đình mới. Ngày xưa, trước 1975, em gọi anh là chú, bác gì đó… nay thì là chồng mới của em."

"Bà vợ lớn tử tế và đầy tình nghĩa…"

"Vâng, chồng em đâu dám trách cứ chị lớn một câu nào. Bây giờ vẫn hòa thuận, chị tới giúp đỡ gia đình chúng em hoài. Cô gái con chị ưng về sống với tụi em."

"Gia đình hòa thuận như thế đó là có phước đức lớn. Nơi đây, ít nhà ai có được."

Nhưng rồi người thiếu phụ bỗng sa sầm nét mặt:
"Không đâu chị ơi, cũng có lúc tụi em buồn lắm. Tụi em thì không có chi bất hòa. Mà lỗi là ở hai đứa con gái, con ảnh và con em, con nhỏ không chịu con lớn, con lớn không nhường con nhỏ. Chúng cãi nhai đánh nhau hà rầm, có lần em nghe được chúng xỉ vả nhau như vầy: tao với mầy, không anh chị em ruột thịt chi, không nợ nần, không cùng cha mẹ… tại sao cứ phải ở với nhau ? Cái bản mặt mày thấy ghét quá!"

Nói xong, mặt cô đỏ bừng, vừa giận vừa buồn, luống cuống hai bàn tay run run…
"Con nít gây lộn là thường, rồi chúng lại làm hòa, người lớn mỗi ngài mỗi giảng giải thêm một chút, rồi chúng sẽ hiểu ra lần lần."

"Không xong chị ơi, tụi em đã nói rất nhiều lần, chẳng đi tới đâu…"

"Vậy anh ấy nên mang con lớn về giao cho phía má nó."

"Không xong vì nó không ưng ông dượng nó."

"Vậy thì phần lỗi là ở cô gái lớn rồi. Muốn sống chung phải thương nhau, người này nhường người kia một chút."

"Cha nó đã giải thích đến khô cổ họng, đến phát chán."

"Thôi, em, đợi vài năm nữa, tuổi mới lớn qua đi, nó sẽ dịu dàng trở lại, tính tình sẽ đằm thắm hơn…"

Cô bạn trẻ thở dài nhè nhẹ:
"Biết em có chịu được một vài năm nữa không, nhiều khi mình hang hái làm một công việc, vậy mà gần xong, mình lại không còn muốn làm cho xong, mới kỳ lạ chớ! Có trời mà hiểu! Chồng em vẫn nói với em “phải ráng" và ảnh cũng ráng khuyên con, nhưng em vẫn sợ, em cần phải có công việc làm, em phải làm việc, cho quên sợ!"

Lạ lùng, vừa quen nhau, mà chúng tôi tâm sự thật lâu. Trên quai xe, train như đến mau hơn. Tôi không biết khuyên thêm điều gì, liền hỏi bâng quơ xem cô ở đâu ?

"Em ở Gagny xuống. Còn chị?"

"Tôi ở Brie sur Marne."

Chúng tôi tần ngần đứng yên lặng bên nhau. Vẫn rất sát nhau vì xe quá chật. Nhờ câu chuyện vãn, cả hai chúng tôi đều đỡ sốt ruột điên đầu. Rồi cũng có một chuyến tàu xịch đậu lại. Người ta lại xô đẩy giành giựt nhau lên… cửa xe đóng không nổi vì kẹ ngay lối lên một ông tây quá lớn con. Giằng co thu xếp không xong, ba giây sau, ông tây phải tụt xuống… tôi lợi dụng mình nhỏ người tí tẹo trám ngay vào chỗ trống.

Ồ không một giây chậm trễ, une petite place svp, tôi thành công trong tíc tắc, một niềm vui nho nhỏ, rất nhỏ. Nhưng kìa, tôi đã phải bỏ lại cô bạn đồng hành ở sau lưng, cô bạn vn đứng đó, bất động, bùi ngùi… rồi đưa tay lên vẫy vẫy, như cái máy, tôi cũng đưa tay lên vẫy từ biệt cho tới khi khuất dạng. Vâng, trong tíc tắc tôi bỏ lại người bạn đồng hành một đồng hương sau lưng tôi. Cũng vậy, mấy mươi năm trước, cũng trong một sát na, tôi đành bỏ lại quê hương yêu dấu, quê hương tôi ngàn trùng xa cách ở bên kia bờ đại dương…


– Chúc ThanhParis, nhớ về 30-04-1975

Saturday, April 27, 2024

Kỷ niệm 160 năm thành lập Thảo Cầm Viên Sài Gòn(1864-2024).



Người Pháp đến Việt Nam bằng một cuộc xâm lược, nhưng khi phải trả lại nền độc lập cho Việt Nam, họ cũng để lại nhiều kỳ quan ở Sài Gòn, như Vương Cung Thánh Đường, Sở Dây Thép Sài Gòn… nhưng công phu và có tầm khoa học vượt trội ở Đông Nam Á, là Vườn Bách Thảo. Trước năm 1975, người dân hay gọi là Sở Thú, nay gọi là Thảo Cầm Viên. Cùng quay lại, và tìm hiểu về công trình này, qua bàn tay tạo dựng của nhà thực vật học người Pháp Jean- Baptiste Louis- Pierre, giám đốc đầu tiên của Sở Thú sau 160 năm.

Ngày 23 Tháng Ba năm 1864, Đề Đốc Pierre Paul de La Grandière ký nghi định thành lập Vườn Bách Thảo (Jardin Botanique) trên mảnh đất có diện tích 12 ha (120.000 m2) gần rạch Thị Nghè mà người Pháp gọi là “Arroyo d’ Avalanche” với chức năng sưu tập các loài động – thực vật đặc hữu của Nam kỳ và 3 nước Đông Dương (Việt Nam, Cao Miên, Lào) và du nhập, ươm trồng một số giống cây phục vụ cho việc trồng cây trên đường phố Sài Gòn – Gia Định.

Ngay sau đó, một kỹ sư và bác sĩ thú y trong quân đội tên Alphonse Germain được giao nhiệm vụ khai phá 12 ha gần rạch Thị Nghè để lập ra Vườn Bách Thảo. Công việc xây cất xe được tiến hành nhanh chóng và Tháng Ba năm 1865, Vườn Bách Thảo đã mở cửa đón khách tham quan. Vì thấy Vườn Bách Thảo sẽ tiếp tục phát triển và có quy mô càng ngày càng lớn hơn, ngày 23 Tháng Ba năm 1865, chính quyền Pháp đã mời nhà thực vật học người Pháp Jean- Baptiste Louis- Pierre đang phụ trách Vườn Bách Thảo Calcutta (Ấn Độ) về làm giám đốc Vườn Bách Thảo và bách thú Sài Gòn (Jardin botanique et zoologique de Saigon) và bộ sưu tập đầu tiên hình thành do công sức của ông gồm 63 loài chim, 29 loài thú và 13 loài bò sát.

Nhà thực vật học người Pháp Jean- Baptiste Louis (ảnh:Wiki)

Jean- Baptiste Louis- Pierre sinh ngày 23 Tháng Mười năm 1833 trong gia đình một doanh nhân trồng mía trên đảo Réunion thuộc Pháp, sang thủ đô Paris của nước Pháp học y khoa rồi học chuyên sâu về thực vật học tại Strasbourg. Khi gia đình ông bị phá sản vào đầu những năm 1850 do một cơn bão tàn khốc quét qua đảo Réunion và những nô lệ làm việc trong đồn điền của cha ông được giải phóng,ông đã bỏ học để làm việc cho Cơ Quan Lâm Nghiệp Hoàng gia Anh (British Imperial Forestry Service) tại Calcutta (Ấn Độ) do ngài Dietrich Brandis, cha đẻ của “ngành lâm nghiêp nhiệt đới”, làm giám đốc.
Ông thăng tiến nhanh chóng trong hàng ngũ những nhà lâm nghiệp tại Calcutta, được bổ nhiệm làm giám đốc Vườn Bách Thảo Calcutta. Tiếng tăm lừng lẫy của Jean- Baptiste Louis- Pierre khi làm giám đốc Vườn Bách Thảo Calcutta đã khiến cho các viên chức Bộ Hải Quân Pháp chú ý tới ông vào năm 1865, khi Vườn Bách Thảo Sài Gòn bắt đầu được xây dựng vào năm trước để sưu tập các loài động, thực vật phục vụ cho sinh hoạt kinh tế.

Ông làm Giám Đốc Vườn Bách Thảo và Bách Thú Sài Gòn từ năm 1865 tới năm 1877, tạo lập cơ sở ban đầu, sưu tập những loài thú và cây trồng quý hiếm từ nhiều nơi khác nhau ở châu Á. Ông đã tự mình sưu tầm nhiều loài động, thực vật bằng tiền túi, và trong 12 năm làm giám đốc Vườn Bách Thảo và Bách Thú Sài Gòn, ông đã dành phần lớn thời gian phối hợp những cây cỏ trong rừng và cây cỏ trên thảo nguyên, hình thành bộ sưu tập cá nhân động, thực vật miền nhiệt đới phong phú nhất.

Vườn Bách Thảo thời đầu xây dựng (ảnh Wiki)

160 năm qua, người ta vẫn nhớ tới Jean- Baptiste Louis- Pierre vì những đóng góp của ông cho việc làm đẹp những chốn công cộng của thành phố Sài Gòn. Trong những vườn ươm rộng lớn ở Vườn Bách Thảo và Bách Thú Sài Gòn và vườn của Dinh Norodom, ông đã ươm trồng nhiều loại cây và bụi cây về sau sẽ được trồng để tạo bóng mát trên những đại lộ, những công trường và công viên của thành phố Sài Gòn. Ông đặc biệt chú ý tới vườn bách thảo của thành phố về sau sẽ mang tên Công Viên Tao Đàn, nơi ông cho trồng nhiều loại cây quý hiếm đến mức nó có biệt danh “Rừng Boulogne của Sài Gòn”.

Dưới sự chỉ huy tạo dựng của Jean- Baptiste Louis- Pierre, Vườn Bách Thảo và Bách Thú Sài Gòn đã có đóng góp lớn lao vào sự phát triển của nông nghiệp ở Nam kỳ vì các vườn ươm ở đây đã tạo ra nhiều loại cây ăn quả và nhiều loại cây công nghiệp. Tuy nhiên, vào năm 1875, công việc nghiên cứu và phát triển các giống cây trồng đã vượt quá khả năng của Vườn Bách thảo và bách thú Sài Gòn nên Jean- Baptiste Louis- Pierre được khuyến cáo lập ra một trang trại rộng 120 ha trên khu đất của chùa Ao (Pagode des Mares) gần đường Phạm Viết Chánh và đường Cống Quỳnh hiện nay. Trong những năm sau đó, trang trại thử nghiệm gần chùa Ao đã có những nghiên cứu thành công, phát triển hoàn thiện nhiều giống cây cà phê, xoài, dứa, cây đay, cây chàm và cây mía đầu tiên của Việt Nam.

Khu Đền Kỷ niệm được dựng lên trong Vườn Bách Thảo sau 1956. (Ảnh: Heritage)

Trong 12 năm làm giám đốc Vườn Bách Thảo và Bách Thú Sài Gòn, Jean- Baptiste Louis- Pierre cũng giảng dạy thực vật học tại Trường Hậu bổ (Collège des Stagiaires) và ông được tặng biệt danh “Pétrus Botanico” (phỏng theo tên Pétrus Ký). Ông trở về Paris vào năm 1877 để dành nhiều thời gian cho những công trình nghiên cứu của mình và thời gian này là lúc ông viết tuyệt tác của ông là tác phẩm “Flore forestière de là Cochinchine” (Thực vật rừng của Nam kỳ) được in thành nhiều tập từ năm 1881 đến năm 1894.

Tác phẩm này của ông được xưng tụng là tác phẩm quan trọng nhất viết về thực vật rừng của vùng nhiệt đới; những người đương thời đã gọi đây là “một tác phẩm khoa học đồ sộ”, một “cuốn Kinh thánh dành cho những nhà thực vật học hiếu kỳ muốn tìm hiểu hệ thực vật của thuộc địa ở miền nhiệt đới”. Trong những năm cuối đời, ông viết nhiều bài báo khoa học cho các tạp chí khoa học như Bulletin du Jardin colonial, Bulletin de la Société Linéenne de Paris và Bulletin du Musée de Paris. Nhiều giống cây trồng đã được đặt tên theo tên ông, trong đó có pierreodendron thuộc họ Sapôchê và pierra thuộc họ Mùng quân.

Jean- Baptiste Louis- Pierre từ trần ngày 30 tháng 10 năm 1905 tại Saint-Mandé, ngoại ô phía Đông của thủ đô Paris. Vào Tháng Hai năm 1933, để ghi nhớ công lao của ông, Hội Đồng Khoa Học Pháp đã cho xây cột bia tưởng niệm ông trong Vườn Bách Thảo và Bách Thú Sài Gòn. Cội bia này đã được sửa chữa vào dịp kỷ niệm 130 năm thành lập Thảo Cầm Viên Sài gòn vào năm 1994.

Vườn Bách Thảo và Bách Thú Sài Gòn, gọi đúng theo tên ban đầu được đặt, được tu sửa, tái thiết và đổi tên thành Thảo Cầm Viên Sài Gòn vào năm 1956, dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa và cái tên ấy được giữ cho đến nay, nhưng người Sài Gòn vẫn quen gọi là Sở Thú.

Người đến chơi Sở thú trong đầu thập niên 1970 (Ảnh: Heritage)

Sở Thú đã có vai trò then chốt trong giáo dục, trong việc bảo tồn và nghiên cứu. Trước năm 1975, học sinh và trẻ nhỏ trước đây luôn được nhà trường và được cha mẹ dẫn vào tìm hiểu khu Sở Thú rộng 16, 9 ha, biết được thế giới kỳ thú của loài vật, và cỏ cây mà trước đó chúng chỉ nhìn thấy trên tivi hay trong những bức ảnh chụp lại.
QUÁN CƠM BÀ CẢ ĐỌI

- Nơi lưu dấu chân những lãng tử Sài GònHoàng Phương Anh

Những cư dân sống lâu năm ở Sài Gòn thích ẩm thực hương vị đồng quê Kinh Bắc với thịt kho, dưa chua, trứng đúc, cà bung… thì Tiệm cơm ĐỒNG NHÂN - Cơm Bà Cả luôn được nhắc đến. Nhiều người đi xa mấy chục năm trở về cũng được bạn bè nhắn: “Nhớ ăn giùm tôi bát canh cua rau đay của Bà Cả nha”.

Bà Cả được nhiều người biết đến không chỉ do tài nấu nướng khéo léo của bà. Thương hiệu Quán cơm Bà Cả Đọi được các lãng tử, thành viên các ban nhạc trẻ ở Sài Gòn truyền tai nhau cách đây 53 năm, rồi lan rộng ra nhiều giới đã trở thành huyền thoại đối với những người sành ẩm thực Sài Gòn.

Theo tự thuật của ký giả Trường Kỳ trong Một thời Nhạc Trẻ, ngay đầu tháng 2.1968, chiến sự căng thẳng nên chính quyền Sài Gòn ra lệnh đóng cửa các phòng trà, vũ trường. Ông (Trường Kỳ) lúc ấy đang phụ trách biên tập chương trình ca nhạc “Hippies à gogo” diễn vào thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần tại phòng trà Chez Jo Marcel số 67 Nguyễn Huệ, giờ tình hình như vậy nên đâm ra rảnh rỗi không có việc làm và không có tiền.

Một buổi trưa, ông rủ người bạn đi tìm quán cơm bình dân do những cư dân xung quanh giới thiệu. Quán nằm trong hẻm số 53 Nguyễn Huệ, chỉ cách chỗ ông làm mấy bước chân. Cả hai lơ láo đi vào trong cái ngõ hẹp nhỏ xíu, với những căn nhà lâu đời cũ kỹ, hai bên giăng đầy quần áo, trẻ con chạy qua chạy lại chơi đùa rầm rầm. Để ý mãi cũng không thấy một căn nhà nào có vẻ một quán ăn.

Cuối cùng hỏi thăm mới biết quán ăn này không có tên tuổi, bảng hiệu, nằm ở cuối hẻm và phải bước lên mười mấy bậc thang xi măng lên tầng trên mới tới được quán cơm bí hiểm này.

[Dấu tích bậc thang lên quán cơm Bà Cả đầu thập niên 1960 (trong hẻm 53 Nguyễn Huệ)].

Ký giả Trường Kỳ đã không ân hận khi phải trèo lên mười mấy bậc thang xi măng. Vừa bước vào quán đã nhìn thấy ngay chiếc bàn to để thức ăn, nào là đậu hũ nhồi thịt, cá chiên, thịt kho, dưa chua, trứng đúc, cà bung... và nồi canh đang sôi sùng sục, những món ông yêu thích.

Khách khứa ở đây gần như đều thuộc thành phần lao động, ngồi ăn rất thoải mái trên chiếc phản gỗ to kê sát tường. Mấy cô gái con bà chủ rất niềm nở, nhanh nhẩu thu xếp một bàn nhỏ cho hai vị khách mới. Ông gọi một tô canh mồng tơi, một đĩa cà pháo, một đĩa ốc giả ba ba, một đĩa thịt kho và một đĩa trứng đúc thịt. Cơm nóng, canh nghi ngút khói và những đĩa thức ăn thơm điếc mũi đã khiến ông và bạn không ngại ngần, ăn một mạch hết sạch mâm cơm, căng cả bụng.

Đã từ lâu, ông trải qua “những ngày tháng lêu bêu, ngày ở hotel, tối vũ trường, trưa thì cơm hàng cháo chợ” nay được bữa cơm ngon, khung cảnh gia đình, ông cảm thấy ấm lòng. Bữa cơm hương vị quê nhà đã khởi đầu nhân duyên kỳ ngộ giữa chàng lãng tử và bà chủ quán nhân hậu.

Ông Đinh Văn Viêm người làng Đồng Nhân, nơi có đền thờ Hai Bà Trưng, trước đây thuộc huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông, nay thuộc Hà Nội. Khi còn rất trẻ, ông đơn thân vào Sài Gòn lập nghiệp từ đầu thập niên 1940. Đến khi trưởng thành, là con cả, vâng lời cha mẹ, ông về quê lấy vợ là cô Hoàng Thị Túc, người cùng làng, rồi đưa vợ vào Sài Gòn sinh sống ở căn nhà trong hẻm số 53 Nguyễn Huệ từ năm 1948. Hàng xóm láng giềng quen gọi là ông bà Cả. Ông bà Cả có với nhau được 6 con gồm 4 gái, 2 trai. Một lần, ông Cả trèo lên mái nhà sửa sang, không may trượt chân ngã xuống đất thiệt mạng, để lại người vợ trẻ và đàn con thơ dại. Hơn 12 năm làm vợ, lâm vào cảnh góa bụa khi mới hơn 30 tuổi, bà Cả mở hàng cơm Bắc tại nhà từ đầu thập niên 1960, để nuôi đàn con nhỏ.

Sau vài lần đến quán rồi dần trở thành khách hàng thân quen, ký giả Trường Kỳ đã biết tên các người con lớn, cô Xuân, cô Hường, cậu Thuận và ông rất khâm phục khi biết được hoàn cảnh của bà Cả, một bà mẹ Việt Nam điển hình, cần cù, nhẫn nại, hy sinh vì đàn con. Và ngược lại, mọi người trong nhà đều quen gọi ông là “cậu Kỳ”, một vị khách đặc biệt với mái tóc dài, quần ống bó, đi giầy botine, mặc áo thun, hoàn toàn không giống những người khách quen khác.

Thấy quán chưa có tên, bảng hiệu, là người có nhiều sáng kiến, cậu Kỳ đề nghị đặt tên cho quán, một cái tên độc đáo Quán Bà Cả Đọi. Bà chủ quán tuy chẳng quan tâm đến tên tuổi, bảng hiệu nhưng cũng thắc mắc về chữ “đọi” và yêu cầu giải thích. Đọi là rách, là đói, là kiết xác, nghèo mạt rệp, cóc có địa để đi đớp hít ở những nơi có sơn hào, hải vị. Nghe vậy, bà chủ quán đôn hậu chỉ biết cười và lắc đầu, xua tay lia lịa vì sự tinh quái của vị khách trẻ. Và tất nhiên bà Cả chưa bao giờ cho kẻ tên bảng hiệu này.

(Tiệm cơm Bà Cả ngày nay trên đường Tôn Thất Thiệp.)

Từ “đọi” mà ký giả Trường Kỳ dùng là tiếng lóng của giới trẻ choai choai thời đó tạo ra, cũng giống như lối chat của tuổi teen thời nay, mục đích để các bậc cha mẹ không hiểu được các trao đổi của con cái với bạn bè. Cách tạo tiếng lóng thời ấy rất đơn giản, thường là đọc trại đi từ gốc. Ví dụ: đọi - đói, địa - tiền, y - áo, quởn - quần, xế - xe máy, đổng - đồng hồ, chiển - dây chuyền (vàng)… Các tiếng lóng này còn tồn tại đến giữa thập niên 1980, sau đó không thấy dùng nữa. Cái hay của ký giả Trường Kỳ là từ “đọi” ông dùng không hàm ý chê trách mà ông muốn tạo ấn tượng đặc biệt, thậm chí có người lầm tưởng đó là tên riêng, Cả Đọi.

Không dừng lại ở cách đặt tên, cậu Kỳ còn có sáng kiến trong cách quảng cáo mà ngày nay chúng ta gọi là tiếp thị rất hiệu quả. Ông gọi đó là phương thức “vô tuyến truyền tai”, rỉ tai bạn bè trong giới ca nhạc trẻ, thậm chí đặt slogan rất kích động “Không biết quán Bà Cả Đọi, không phải là dân chơi”. Thế là chỉ mấy ngày sau, hẻm 53 Nguyễn Huệ vốn yên bình, nay nhộn nhịp hẳn lên bởi sự xuất hiện những nam thanh tóc dài chấm vai, nữ tú với mini jupe cực ngắn hỏi thăm quán.

Quán cơm Bà Cả Đọi vẫn được các thực khách kể lại trên bàn tiệc với nhiều thêu dệt. Và đọng lại trong đó, ta biết được sự tương kính, tôn trọng nhau giữa vị khách và người chủ ngày ấy, nét ứng xử nhân văn của người Sài Gòn xưa.

Tiếp đến các ban nhạc trẻ Sài Gòn lũ lượt kéo đến. Nào là nhóm Ba Con Mèo với Uyên Ly, Kim Anh, Mỹ Hòa; nhóm Ba Trái Táo với Vy Vân, Tuyết Hương, Tuyết Dung… rồi hầu như cả làng nhạc trẻ Sài Gòn đều đến thưởng thức món ăn dân dã ở quán bà Cả. Cậu Kỳ từng nhiều lần chọn nơi này để cùng với Jo Marcel, Tùng Giang, Nam Lộc bàn việc tổ chức các đại hội nhạc trẻ.

Giới ca nhạc trẻ đến, kéo theo các ký giả báo Điện Ảnh, Kịch Trường như Ngọc Hoài Phương, Trần Quân… Rồi tiếp đến là giới điện ảnh, kịch nghệ, tài tử điển trai Trần Quang - vai chính phim Vết thù trên lưng ngựa hoang; diễn viên trẻ Tú Trinh, sau là nghệ sĩ lồng tiếng xuất sắc cũng tìm đến thưởng thức tài nghệ nấu nướng của bà Cả. Quán dần đông khách hẳn ra, được nhiều người biết đến và trở thành trung tâm tin tức của giới văn nghệ Sài Gòn.

Rong chơi mãi cũng đến ngày chàng lãng tử Trường Kỳ nghĩ đến việc lập gia đình. Bà Cả là trường hợp cậu Kỳ đắn đo khi mời dự tiệc cưới, một người là khách và một người là chủ quán, dù thân tình nhưng để mời dự tiệc cưới với số khách chọn lọc thì thực là khó. Hơn nữa, ông không muốn bà Cả phải phiền hà nên ông chỉ gửi thiệp báo tin thành hôn. Ấy vậy, trước ngày cưới vài hôm, bà Cả đã đến tận nơi cậu Kỳ ở thuê để trao quà mừng, một bao thơ và nói: “Chúc cô cậu hạnh phúc, khi nào xong việc thì nhớ ghé quán ăn nhé!”. Không để cậu Kỳ nói lời cảm ơn, bà Cả mượn cớ bận việc xin phép về ngay. Cậu Kỳ chưa hết ngạc nhiên, lại thêm bất ngờ khi biết tiền mừng là 5 “xín” (5.000đ) gấp 5 lần vị khách bình thường. Sau khi cưới, vợ chồng son dắt díu nhau lên thăm bà Cả để nói lời cám ơn, lại được bà khoản đãi bữa cơm thân mật.

Hợp rồi lại tan. Giữa năm 1975, tình hình xã hội thay đổi, các lãng tử nhạc trẻ trôi dạt tứ tán, không còn đến quán Bà Cả Đọi nữa. Bà Cả mất đi loạt khách này nhưng lại có thêm khách mới là các tư thương ở khu chợ trời Huỳnh Thúc Kháng mới lập, chuyên bán radio, cassette, băng nhạc. Những khách quen ở khu vực Chợ Cũ, ngã tư Hàm Nghi - Tôn Thất Đạm tiếp tục đến ủng hộ Bà Cả. Ông Tư, cư dân gần 70 năm ở Sài Gòn kể: “Hồi cuối thập niên 1980 đầu 1990, tôi coi kho cho công ty vận tải biển bên quận 4. Ngoài lương còn có thêm tiền ba lợi ích nên tuần hai ba lần tới ăn trưa ở quán cơm Bà Cả Đọi. Tôi khoái cái cảm giác ngồi xếp bằng trên phản húp chén canh cua rau đay nóng hổi”.

Năm 1992, cậu Kỳ về Sài Gòn sau hơn 10 năm xa cách. Ông thăm lại quán xưa vẫn được bà Cả tiếp đón ân cần, hỏi thăm chuyện nhà, biết được cô con gái lớn của bà đang trông coi quán thứ hai trên đường Ngô Đức Kế. Đến giữa thập niên 1990, bà Cả không bán tại nhà nữa, chuyển sang địa điểm mới tại số 11 Tôn Thất Thiệp, quận 1 và chính thức có bảng hiệu to - Tiệm cơm ĐỒNG NHÂN và bảng phụ ghi Cơm Bà Cả như để gợi nhớ. Thời gian sau, bà Cả còn mở tiếp quán nữa ngay ngã tư Lê Thánh Tôn - Trương Định, quận 1 để con cháu trông coi.

Quán cơm Bà Cả Đọi khi xưa giờ không còn nữa, toàn bộ cư dân trong hẻm 53 Nguyễn Huệ đã bán nhà cho công ty bất động sản để làm dự án đầu tư. Ký giả Trường Kỳ mất năm 2009, bà Cả yên nghỉ năm 2016. Nhưng câu chuyện về Quán cơm Bà Cả Đọi vẫn được các thực khách kể lại trên bàn tiệc với nhiều thêu dệt. Và đọng lại trong đó, ta biết được sự tương kính, tôn trọng nhau giữa vị khách và người chủ ngày ấy, nét ứng xử nhân văn của người Sài Gòn xưa.
Bài và ảnh: Hoàng Phương Anh

 

BIDEN VÀ CHUYỆN VNCH MẤT NƯỚC

Tác giả : Vũ Linh Nguồn: Diễn Đàn Trái Chiều 

LỜI MỜ ĐẦU: Bài viết dưới đây đã được đăng năm ngoái, ngày 28/4/2023. Tuần này xin phép được đăng nguyên văn lại vì cả bài vẫn còn đầy đủ ý nghĩa, cũng như là bằng chứng cụ thể nhất về vai trò của Biden trong việc chúng ta mất nước.
---------------------

Chủ nhật 30/4 này đánh dấu đúng 48 năm [ghi thêm: năm nay 2024 là 49 năm, ngày 30 tháng 4 sẽ nhằm vào ngày thứ Ba] ngày tang thương của đất nước, khi một nửa đất nước còn đang được hít thở không khí tự do -tuy là tương đối so với tự do của Âu Mỹ- bất thình lình bị tước luôn cái quyền hít thở tí ti không khí tự do đó.

Từ ngày đó tới nay, đã có cả ngàn cuốn sách, cả triệu trang báo và tài liệu bàn về nguyên nhân miền Nam ta lọt vào tay CSBV. Ôi thôi thì mười đầu ngón tay chỉ về 300 nguyên nhân, 500 thủ phạm,... tất cả đều có phần có lý, nhưng cũng có phần thiếu sót. Vì thật ra, nguyên nhân đưa đến việc mất miền Nam trọn vẹn vào tay CSBV có thể nói là... vô vàn, kể ra không bao giờ hết, với đủ loại thủ phạm, người tội ít, kẻ tội nhiều, tùy ý mỗi người.

Thế thì tóm lại là thế nào?

Nếu có thể cố gắng tóm lược lại một nguyên nhân quan trọng nhất, yếu tố có tính quyết định nhất, thì đó chính là việc ... đại cường Cờ Hoa thay đổi chính sách, quyết định ngưng việc hậu thuẫn cho sự sống còn của miền Nam. Phủi tay tháo chạy.

Nói Mỹ chấm dứt hậu thuẫn ta là ta mất vào tay CSBV nghe có vẻ yếm thế nếu không muốn nói là hơi... ươn hèn. Tại sao ta lại phải ỷ lại tuyệt đối vào sự giúp đỡ của một nước ngoài để sống còn? Tại sao ta không thể tự tranh đấu cho chính sự sống còn của chúng ta mà phải lệ thuộc vào sự cứu giúp của ngoại bang? Sao ta hèn yếu vậy? Như vậy có đáng sống không?

Gần nửa thế kỷ sau khi mất nước, đã không thiếu gì người bất thình lình trở thành thông thái hơn Gia Cát Lượng, tài giỏi binh thư hơn xa Tôn Tử, lớn tiếng miệt thị TT Thiệu, chê bai đại tướng Viên, khinh bỉ thủ tướng Khiêm, bác bỏ chiến lược này, công kích chiến thuật nọ,..., lớn tiếng hô hoán "đúng ra nếu làm như thế này, như thế nọ theo ý tôi thì đã thắng VC rồi,...", dĩ nhiên một cách vô tội vạ nhất, và dĩ nhiên không kém, ai cũng trở thành đại thiên tài, có lý hết, thông minh sáng suốt hơn tất cả mọi người. Khiến kẻ này gãi đầu gãi tai, tiếc cho thân phận đất nước, phải chi các đại thiên tài này hồi đó nắm quyền thì giờ này, chắc miền Nam ta đã chiếm được cả miền Bắc, thống nhất đất nước và biến Việt Nam ta thành phú cường hơn xa mấy con rồng con, cọp con Nam Hàn, Đài Loan vớ vẩn rồi. Đáng tiếc là các đại thiên tài này khi đó chưa tới thời, giỏi lắm cũng chỉ là sĩ quan cạo giấy trung cấp trong văn phòng, nên chẳng làm ăn được gì, không giúp được đất nước. Mà nghĩ cho cùng, hình như cho tới nay, các đại thiên tài này cũng ... vẫn chưa tới thời, chưa giúp được gì mà vẫn chỉ đành ngồi nhâm nhi ly cà phê, bàn ra, chê bai chửi bới lung tung vô tội vạ thôi thì phải. Như Mỹ hay nói, "in hindsight, everybody is right", bàn về quá khứ, ai cũng đúng.

Thật ra, nói ta 'hèn yếu', đồng minh tháo chạy là tiêu, chỉ là không hiểu rõ vấn đề. Nếu chỉ có miền Nam ta đánh nhau với miền Bắc, thì chẳng ai biết chắc được bên nào thắng, bên nào thua. Nhưng khi miền Bắc trông cậy vào hai đại hậu phương khổng lồ Liên Xô và Trung Cộng, kèm với quân viện bạc tỷ mỗi năm, thì miền Nam ta không có cách gì lấy trứng chọi với hai cục đá khổng lồ Nga và Tầu được, do đó, bắt buộc cũng phải trông cậy vào sự giúp đỡ của một đại cường là Mỹ. Và khi hậu thuẫn của đại cường đó bị mất thì cán cân quân sự nghiêng hẳn về phía CSBV và miền Nam ta không thể nào chịu nổi tình huống đó. Mất nước chỉ là vấn đề thời gian, bất kể lãnh đạo của ta là Khổng Minh hay Bàng Thống, tướng tá ta đều là Trần Hưng Đạo tái sinh hết, binh sĩ ta can trường cỡ nào.

Hiểu như vậy thì tất nhiên bước kế tiếp là phải hỏi tại sao đại cường Mỹ lại bất thình lình nỡ phủi tay, tháo chạy như vậy, sau khi tốn cả chục tỷ và chết cả mấy chục ngàn thanh niên, 'bại tướng cụt chân' cả trăm ngàn. Câu trả lời cũng lại rơi vào cái rọ tranh cãi vô tận, không đáy giữa các bậc đại hiền triết kỳ tài biết hết, hiểu hết như vừa bàn ở trên. Do đó, kẻ này cũng đành phải xin phép không dám bàn nhiều. Mà chỉ có thể trình bày lại một số dữ kiện cụ thể nhất thôi. Từ đó, dẫn dắt tới lý luận như thế nào, đó là quyền của mỗi người, quan điểm của mỗi người, ai đúng ai sai, tự biết.

Nhìn chung, cuộc chiến VN đi qua nhiều giai đoạn khác biệt, kể từ ngày Mỹ nhẩy vào cuộc sau khi Pháp thất bại, tìm cách rút về, bán cái lại cho Mỹ.

Giai đoạn lạc quan đầy thiện chí: 1954-1959
Đây là giai đoạn đầu, mở màn cho việc Mỹ can thiệp vào chính trường và chiến trường VN. Đây cũng là giai đoạn Pháp gặp khó khăn quá lớn, không vượt qua nổi, nhất là không đánh nổi lực lượng Việt Minh khi đó được tăng cường mạnh mẽ bởi chiến thắng của Mao, chiếm trọn lục địa Trung Hoa, biến Tầu thành một hậu phương khổng lồ, tiếp sức cho VM về súng đạn, nhân sự cố vấn, tài chánh và ngoại giao. Pháp tìm cách tháo chạy, và Mỹ nhẩy vào thay thế trong cuộc chiến chống lại sự bành trướng của CS.
Giai đoạn này cũng được đánh dấu bằng những thay đổi có tính đổi đời của VN ta, khi đất nước thấy hòa bình trong sự phân chia đất nước, miền bắc lọt vào tay CS lo củng cố chế độ qua cải cách ruộng đất, chết cả vạn người, trong khi miền nam cũng lo củng cố chính trường qua cuộc cách mạng lật đổ chế độ hủ lậu Bảo Đại để thay thế bằng một chế độ cộng hòa đầy hứa hẹn.

Với Mỹ, đây là giai đoạn của 'người hùng nhẩy vào cứu dân độ thế', giúp miền Nam chẳng những có được độc lập thật sự mà còn giúp cho miền Nam VN có cơ hội sống còn, trở thành một tiểu cường quốc vững mạnh, mà cũng còn đủ sức làm tiền đồn bảo vệ chế độ tự do dân chủ theo mô thức Mỹ cho cả vùng Đông Nam Á. Chính phủ Mỹ hồ hởi giúp và tin tưởng miền Nam. Dân Mỹ, truyền thông Mỹ, chính đảng Mỹ, tất cả đều một lòng, một ý, một thiện chí với miền Nam ta khi đó.

TT Diệm được cả nước kính phục, cả thế giới nể trọng, được TT Mỹ gọi là Churchill của Á Châu. Một thần tượng của thế giới tự do.

Giai đoạn đắn đo nghi ngờ 1960-1963
Giai đoạn được mở ra bằng một cuộc đảo chính (Nguyễn Chánh Thi) và đóng lại bằng một cuộc đảo chính (Dương Văn Minh). Khoảng giữa là sự kiện CSBV bắt đầu cuộc xâm lăng miền Nam và cuộc nổi loạn của Phật giáo. Trong khi TT Diệm bắt đầu mất uy tín, bị tố cáo như một quan lại lạc hậu, độc tài, kỳ thị tôn giáo, kỳ thị bắc nam, hoàn toàn dựa vào gia đình để kìm kẹp cả nước.

Vì những bất ổn nội bộ trong Nam, nước Mỹ chao đảo, lưỡng lự trong sách lược VN, không biết đi hay ở, nhẩy vào hay nhẩy ra, can thiệp tới mức nào.

Giai đoạn can thiệp trực tiếp 1964-1968
Sau khi TT Kennedy bị giết chết, TT Johnson lên nắm quyền. Mỹ lấy quyết định nhẩy vào vì nhu cầu bảo vệ tiền đồn chống làn sóng Tầu đỏ tràn xuống, đe dọa cả Đông Nam Á tới tuốt Úc Châu luôn, qua thuyết gọi là 'domino', trong khi hoàn toàn mất tin tưởng một Nam VN độc lập có khả năng này. Nôm na ra: hoàn toàn vì quyền lợi của Mỹ, bất cần thái độ của chính quyền Nam VN. Ông Diệm không đồng ý thì phải thay, và ông Diệm không nhìn thấy chiến lược của Mỹ, vẫn quá tự tin và cứng rắn, chống cả Mỹ lẫn đối lập quốc nội, giúp Mỹ và phe chống đối có đầy đủ lý do triệt hạ ông. Cách ông xử thế trong cuộc nổi loạn của Phật giáo cũng khiến ông mất nhiều hậu thuẫn trong quần chúng. Bị thay thế bằng các tướng lãnh không đủ uy tín, không đủ đoàn kết, không đủ khả năng lãnh đạo cuộc chiến chống CSBV, đưa miền Nam đến bờ vực mất nước. Mỹ quyết định ra tay và tự tay hành động, vì quyền lợi Mỹ, bất cần các tướng lãnh cũng chẳng cần quân lực VNCH. Biến cuộc chiến thành cuộc chiến của Mỹ, theo nhu cầu của Mỹ, theo chính sách của TT Mỹ, do lính Mỹ phụ trách, với súng đạn và bom Mỹ, cho quyền lợi của Mỹ. VNCH mất trọn cả chủ quyền lẫn chính nghĩa và lòng dân.

Mỹ can thiệp tối đa với nửa triệu quân trong Nam và B-52 trải thảm bom ngoài Bắc.

Tết Mậu Thân đánh dấu một bước ngoặc vĩ đại trong cuộc chiến. Đó là thời điểm Mỹ 'qua trang' quyết định bỏ miền Nam. Về phiá CS, đó cũng là thời điểm cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng 'mồ yên mả đẹp' và bộ đội chính quy với súng đạn Trung Cộng và xe tăng Nga tham chiến công khai. Trong khi Mỹ, qua TT Johnson, để thoát ra thảm họa chiến tranh VN, cuống cuồng bỏ cuộc, tìm phao tự cứu, tìm cách móc nối nói chuyện với CSBV.

Giai đoạn tìm cách tháo chạy 1969-1972
CSBV khó nhai hơn xa Mỹ dự tính. Cho dù thảm bại với toàn thể lực lượng của cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng bị tiêu diệt qua tổng công kích Tết Mậu Thân, CSBV vẫn nghiến răng nghiến lợi đánh chết bỏ.

Về phiá Mỹ, TT Nixon lên nắm quyền, thay đổi cuộc diện cuộc chiến.

TT Nixon có viễn kiến chiến lược xa và lớn hơn TT Johnson. Nixon cùng với Kissinger, muốn vẽ lại bản đồ chiến lược thế giới, chia thế giới làm ba, nhìn chiến tranh VN như cái gai nhỏ cần phải nhổ, khác xa với TT Johnson hoàn toàn bị ám ảnh và chi phối bởi VN. Nhưng Nixon cũng nhìn thấy Mỹ không thể bỏ miền Nam VN quá dễ dàng, không phải vì thương dân Việt, mà vì bỏ Nam VN quá dễ sẽ khiến Mỹ mất uy tín và yếu đi trong thế chân vạc tay ba với Liên Xô và Trung Cộng, nên cố gắng bằng mọi cách tìm cái gọi là 'hòa bình trong danh dự'. Tìm hòa bình trong thế VN vẫn chia đôi, miền nam sống chung hòa bình với miền bắc theo mô thức Bắc và Nam Hàn, hay Đông và Tây Đức.

Nỗ lực tìm 'hòa bình trong danh dự' của TT Nixon gặp chống đối chưa từng thấy ngay trong nội bộ Mỹ, từ phía đảng đối lập DC. Khi TT Johnson của đảng DC thất bại, thì đảng này không thể nào chịu ngồi nhìn Nixon thành công được, và bằng mọi cách, họ phải phá mọi nỗ lực của Nixon. Trong 4 năm đầu của TT Nixon (1969-1972), thượng viện Mỹ đã biểu quyết tổng cộng 80 lần (trung bình 5 lần mỗi tam cá nguyệt) để trói tay hay cấm đoán Nixon trong các quyết định đánh CSBV, hay đòi hỏi Nixon phải chấm dứt chiến tranh, rút Mỹ ra khỏi Nam VN.

Trước những cảnh ghê rợn của chiến tranh được chiếu trên TV của mỗi gia đình Mỹ mỗi bữa cơm tối, trước hình ảnh của cả chục ngàn thanh niên Mỹ về Mỹ bằng hòm gỗ phủ cờ hoa, hàng trăm ngàn bị thương, trước những bài báo phóng sự miệt thị, bôi bác miền Nam VN, trước những hình ảnh như sư tự thiêu, tướng VNCH bắn tù binh VC, cô bé trần truồng chạy tránh bom napalm, cả trăm đàn bà vả trẻ con bị lính Mỹ giết tại Mỹ Lai,... trong khi 'ánh sáng cuối đường hầm' không thấy đâu, dân Mỹ thay đổi quan điểm về cuộc chiến. Từ ủng hộ triệt để thời Kennedy, qua chống đối triệt để dưới thời Nixon.

Một lô chính khách thời cơ ra đời, nhẩy vào chính trường trong đó có anh hippy Joe Biden, vận động tranh cử với chiêu bài gọi là 'chống chiến tranh', nhưng thực tế là bỏ miền Nam vào tay CSBV, bất cần biết hậu quả cho dân Việt, sống chết mặc bay.


Giai đoạn phủi tay 1973-1975
Đây là giai đoạn sau khi cái gọi là 'Hòa Ước Paris' đã được ký, trên nguyên tắc đem lại hòa bình cho VN, tuy trên thực tế chỉ là một thứ 'giấy phép' VC và VNCH ký, cho phép Mỹ danh chính ngôn thuận tháo chạy khỏi VN để các phe VN tiếp tục giết nhau.

Tuy hòa ước đã ký, nhưng CSBV không hề ngưng chiến một giây đồng hồ chống VNCH, vẫn tiếp tục các chiến dịch lấn đất cắm cờ giành dân, vẫn tiếp tục xây dựng 'đường mòn' thành xa lộ, để chuyển cả vạn bộ đội chính quy vào Nam, trong khi hòa ước cho phép khỏi phải rút về bắc bất cứ một tên bộ đội nào.

Trong hai năm đầu, khi TT Nixon còn đó, ông này cố gắng bằng mọi cách chặn đứng những vi phạm hòa ước thô bạo này của CSBV. Nhưng mọi cố gắng của ông đều bị phe DC trong thượng viện chống đối kịch liệt và ngăn cản tối đa, khi thượng viện liên tục biểu quyết trói tay Nixon. Từ luật cấm đánh qua Căm Pu Chia tới cấm thả bom Lào, tới cấm đánh bom Bắc Việt,... Trong tất cả những biểu quyết trói tay Nixon đó, tân thượng nghị sĩ Joe Biden đã không vắng mặt bất cứ một lần nào. Luôn luôn có mặt để biểu quyết chống mọi nỗ lực cứu miền Nam của Nixon, kể cả tất cả mọi biểu quyết cắt giảm viện trợ quân sự hay cả kinh tế cho VNCH. Nghĩa là ngay cả cái mà sau này được gọi là 'một khoảng cách khỏi mất mặt' -decent interval- cho Mỹ, đám nghị sĩ DC trong đó có Joe Biden cũng nhất quyết không cho xẩy ra, mà chỉ muốn tháo chạy cho nhanh, rút cho lẹ, dân Việt sống chết mặc bay.

Và đám nghị sĩ DC trong đó có TNS Joe Biden đã thành công vẻ vang khi lính VNCH hết súng, hết đạn, hết xăng, hết đánh VC được, và thảm bại trong 55 ngày.
------------------
Việc cộng đồng Việt tị nạn bầu tổng thống ra sao, bầu cho ai, trên nguyên tắc là quyền của mỗi cá nhân, quyền tự do lựa chọn theo ý mình, theo quan điểm chính trị của mỗi người, chẳng có gì đúng hay sai, cũng chẳng có gì đáng hay nên bàn. Người Mỹ gốc Việt trong vấn đề này, trên nguyên tắc cũng chẳng khác gì người Mỹ gốc... Mỹ hết, toàn quyền lựa chọn theo ý mình. Như trước đây, cộng đồng ta bầu cho Reagan hay Carter, Bush cha hay Clinton, Bush con hay Gore, Obama hay McCain, Trump hay Hillary, chẳng có gì đáng có ý kiến. Xứ tự do!

Nhưng trường hợp Biden hoàn toàn khác với tất cả các TT khác. Khác vì trong khi tất cả các ứng cử viên tổng thống trước đây, bất kể thuộc đảng nào, chẳng ai có thể nói là 'CÓ TỘI' với đất nước ta và dân tộc ta, hay có công với 'đảng và bác' hết. TT Kennedy nhẩy vào VN với ý định tốt nhưng chưa làm được gì thì bị ám sát. TT Johnson cũng có ý định tốt nhưng thất bại. TT Nixon thừa hưởng một bãi rác khổng lồ gây hại vĩ đại cho nước Mỹ, cố níu kéo, tìm cách rút ra 'trong danh dự'. TT Ford, bị đặt trước chuyện đã rồi trong khi quốc hội và dư luận trói tay. Các TT Clinton, Bush con, Obama, Trump là những người của thế hệ sau VN.

Hiển nhiên, chỉ có một người duy nhất có đại tội với đất nước ta và dân tộc ta, và đại công với 'đảng và bác', đó chính là Joe Biden. Dù muốn viết lại lịch sử kiểu nào đi nữa thì cuối cùng, sự thật vẫn là CSBV đã đại thắng, chiếm trọn miền Nam VN, và những người Mỹ có đại công lớn nhất giúp cho chiến thắng đó, không ai khác hơn là các thượng nghị sĩ và dân biểu của đảng Dân Chủ Mỹ, đã liên tục trong nhiều năm, từ 1969 tới ngày Tháng Tư Đen, biểu quyết cắt viện trợ quân sự cho miền Nam VN, giết miền Nam VN bằng mọi giá. Trong thời gian hơn hai năm cuối 1973-74-75, tân thượng nghị sĩ Joe Biden đã là tiếng nói ồn ào và kiên quyết nhất chống lại mọi viện trợ quân sự cứu miền Nam, nhất là trong hai tháng cuối cùng. Ở đây, vấn đề ta không cần biết là Biden đã chịu áp lực của dư luận quần chúng Mỹ hay không, đó là chuyện của Biden. Ta chỉ bàn đến trách nhiệm của Biden trong việc ta mất nước, và khó ai có thể không đồng ý Biden đã là một trong những thủ phạm lớn nhất. Nếu VC công bằng, ơn đền oán trả, thì chúng phải dựng tượng Biden ngay công viên trước chợ Bến Thành để ghi ơn Biden.

Ngoài vấn đề giúp miền Nam ta chống đỡ xâm lăng, còn có vấn đề cực quan trọng mà dân tị nạn không thể quên được, đó là việc giúp dân ta tái định cư tại Mỹ. Tất cả các TT có dính dáng đến cuộc chiến VN, tất cả đều cố gắng tìm mọi cách giúp dân Việt, kể cả dân HO sau này, định cư và làm lại cuộc đời trên đất Mỹ này, và chúng ta không thể nào quên ơn họ. Nhưng duy nhất chỉ có một TT là tuyệt đối không hoan nghênh chúng ta. Đó chính là Joe Biden. Bất kể những cố gắng vặn vẹo viết lại lịch sử của những người cuồng mê Biden -có thể vì đồng tiền trợ cấp-, lịch sử sẽ ghi nhận Biden đã là thượng nghị sĩ năm 75 chống lại việc chi bất cứ một xu nào cho việc di tản và tái định cư dân ta trên đất Mỹ. Cả lô tài liệu trên giấy trắng mực đen vẫn còn đó. Tất cả báo Mỹ khi đó đều loan tin như vậy.

Đám vẹt tị nạn, như tất cả mọi người đều đã biết, đã vặn trẹo quai hàm để tìm cách khỏa lấp tội của Biden, để bào chữa, hay tệ hơn nữa để bóp méo sự thật, viết lại lịch sử, cho rằng Biden miễn cưỡng chống việc Mỹ tham chiến vì áp lực của dư luận chính trị, chưa bao giờ chống việc nhận dân tị nạn ta vào Mỹ. Phải hiểu cho rõ, không phải là Biden miễn cưỡng phải 'theo ý dân', trái lại, ông ta ra tranh cử thượng nghị sĩ với chương trình rõ ràng là để chấm dứt chiến tranh VN bằng mọi giá, và là một trong những người chủ động, tích cực hướng dẫn dư luận chống việc cứu miền Nam VN. Đám vẹt tị nạn đã, đang và sẽ tiếp tục nhai lại những xuyên tạc bá đạo đó vĩnh viễn, vì họ vẫn bị chìm đắm trong huyền thoại đảng DC là đảng của trợ cấp, phải ủng hộ Biden và quên chuyện Biden giúp VC đi, để họ còn trợ cấp.

Đám tị nạn thế hệ hai, tất cả tốt nghiệp các đại học cải tạo Mỹ, đã nói lên quá rõ: 

"Xin quý vị tị nạn già làm ơn đừng tròng cái gông chống cộng lên đầu chúng tôi nữa" (tuyên ngôn của đám PIVOT). 

Thẳng thắn mà nói, đối với mấy đám PIVOT hay Sáng Tổ gì đó, chúng ta cũng cần thực tế mà coi đó như là đám mất gốc, Mỹ con đặc, nói tiếng Mỹ, nghĩ như Mỹ, sống như Mỹ, ăn hăm-bơ-ghơ Mỹ, mặc quần da Mỹ, đội mũ baseball Mỹ, coi football Mỹ, nghe nhạc Mỹ, chơi games Mỹ, chẳng có chút liên hệ gì tới VN hết, không bao giờ có ý nghĩ trở về VN sống, coi VN như một địa điểm du lịch rẻ tiền, chẳng có lý do gì thắc mắc chuyện mất nước, chống cộng,...

Với đám này, chúng có đi bầu cho Biden hay bất cứ chính khách nào khác của đảng DC thì cũng là chuyện phải chấp nhận cho dù khó thông cảm. Nhưng với đám vẹt già, vắt chân lên cổ trốn chạy VC, hay ăn giun dế cả chục năm trong tù VC, hay nhìn vợ con bị cướp biển hãm hại,... hay ngay cả với đám vẹt nhanh chân trốn khỏi VN ngay từ tháng Tư Đen, thì việc những tay này có thể ủng hộ Biden được thì quả là ... hết ý, không còn cách nào giải thích được nữa. Những tay to mồm, dẻo lưỡi trong truyền thông vẹt chỉ biết lải nhải nhai lại những luận điệu của loa phường cấp tiến Mỹ bào chữa cho Biden, nhưng kẻ này chưa bao giờ đọc được hay nghe được một lời giải thích nghiêm chỉnh và thuyết phục tại sao Joe Biden không phải là đại tội đồ của đất nước và dân tộc ta, mà là một ân nhân mà dân tị nạn cần ủng hộ.

Dân Việt tị nạn KHÔNG có quyền nói "ủng hộ Biden hay không là chuyện của chính trị Mỹ hiện tại, không liên quan gì đến chuyện mất nước vào tay CS", trừ phi muốn xóa bỏ hận thù, quên đi quá khứ đau thương của đất nước.

Những người này có cần cám ơn đảng DC, cám ơn Biden không?

Một con vẹt cuồng Biden nặng đã hoan hỷ tung hô Biden là tổng thống giỏi nhất lịch sử Mỹ. Phải nói ngay, kẻ này không cần biết chuyện Biden giỏi cỡ nào hay dở cỡ nào cho nước Mỹ và dân Mỹ, chỉ biết với tư cách là người của 'bên thua cuộc', phải ăn nhờ ở đậu đất người, kẻ này không thể nào ủng hộ Biden được. Ai muốn vì 'kinh tế phát triển mạnh', vì miếng cơm manh áo, vì đồng tiền trợ cấp, vì nhớ ơn Biden đã giúp 'chấm dứt chiến tranh', giúp họ có cái may mắn an cư lạc nghiệp nơi thiên đường hạ giới này, mà ủng hộ Biden xin cứ việc. Không có kẻ này.

Trong con mắt kẻ này, chỉ có hai loại dân Việt tị nạn ủng hộ Biden: một là đám trẻ vô ý thức vì bị giáo dục cấp tiến Mỹ tẩy não quá nặng nên không biết gì, hai là các cụ vắt chân lên cổ trốn chạy VC hay đã ăn giun dế trong tù, nhưng vong bản, cố quên hận mất nước để ủng hộ Biden và đảng DC, bất kể vì đồng tiền trợ cấp hay vì lý do nào khác.

Ngày Quốc Hận, sỉ vả VC là đương nhiên, khẳng định lại quan điểm chống cộng là tất nhiên, nhưng cũng phải hiểu, VC tranh đấu cho mục tiêu của chúng mà chúng tin là đúng, là chính nghĩa, bằng mọi giá phải dành thắng lợi, khó trách chúng. Đáng trách là người đồng minh phản bội, đâm sau lưng chúng ta, giúp VC thắng dễ dàng và nhanh hơn, đó là đảng DC và TNS Joe Biden.

Các cụ vẹt tị nạn, nếu vì bất cứ lý do gì bị dị ứng Trump, 'không ngửi' được ông thần này, thì ít ra cũng không thể ủng hộ một tội đồ của dân tộc nếu còn lương tri để mở miệng nói về 'quốc hận'. Ủng hộ Biden và chống VC là 2 yếu tố tuyệt đối mâu thuẫn khi Biden là người đã từng tích cực giúp VC chiến thắng, chỉ phơi bày ra tính chống cộng cuội. Tốt hơn hết, nên quên chính trị Mỹ đi, quên Trump, quên Biden, về chơi với cháu nội cháu ngoại đi, vui hơn nhiều, đừng lên mạng tung emails vớ vẩn cổ võ cho tội đồ dân tộc Biden nữa.

ĐỌC THÊM:

Blog Archive