Tuesday, August 6, 2024

Thế rồi, lá thư

Tranh Đinh Trường Chinh

Khi nàng đến, hội trường đã đầy người. Thấy nàng loanh quanh tìm chỗ, chàng chuyển vào ngồi ghế trống bên trong, nhường ghế phía ngoài lối đi:

– Mời chị. Cậu sinh viên ngồi đây vừa có điện thoại người nhà gọi về gấp nên trống chỗ.

Nàng mừng rỡ:

– Cám ơn ông. Tôi ở tiểu bang khác, qua đây thăm con đang theo học đại học ở tiểu bang này, nghe tối nay có chương trình nhạc Phạm Duy thích quá, nên dù mai phải bay trở về, cũng bảo cháu chở đến xem, cả uổng.

Nàng ngồi, ý tứ, nghiêm túc, phảng phất buồn. Con gái buồn, tương đối dễ hiểu, nó hồn nhiên, nó làm dáng, làm duyên, đôi khi chỉ cần một lời tán tỉnh là xong ngay nỗi buồn, còn thiếu phụ buồn thì phức tạp hơn, khó hiểu hơn, thâm trầm hơn và mặn mà hơn. Mọi người yên lặng, kiên nhẫn nghe MC giới thiệu chương trình, rồi thuyết trình viên thuyết trình (cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt) một cách khá dài dòng về sự nghiệp âm nhạc của Phạm Duy, rồi Phạm Duy kể lại những kỷ niệm linh tinh xoay quanh việc sáng tác một số bản nhạc nổi tiếng của mình. Nghe nói mãi cũng mệt, chàng loay hoay quay qua nàng gợi chuyện, nhưng nàng (có vẻ) mải mê nghe, trả lời lấy lệ, ậm ừ cho qua chuyện. Trong giờ giải lao ngoài hành lang, thấy nàng đứng một mình cắn cheese, nhai đậu phộng, và cầm cốc rượu đỏ trông có vẻ sành điệu, chàng chụp ngay cơ hội, vồn vã nâng ly:

– Mời chị.

Nàng cười:

– Vâng, mời ông.

Chàng đùa:

– Khi cười, trông chị khác, tươi trẻ hẳn ra.

Nàng vui vẻ hẳn lên:

– Vậy sao!

Hai người cạn ly. Nàng lại cười, phấn chấn. Chàng tò mò:

– Anh không đi cùng chị lên thăm cháu?

Nàng ngập ngừng:

– Anh ấy…anh ấy…vâng, tôi đi một mình thôi. Còn ông, hình như ông cũng đi một mình.

– Nhà tôi mất lâu rồi chị.

– Ồ, cũng buồn nhỉ.

– Buồn mãi rồi cũng quen chị ạ.

– Tôi cũng thế, tuy có khác đôi chút, đại khái là có mà cũng như…không.

– Thế à! Có nghĩa là độc thân nhưng không được…vui tính.

Họ cùng cười xòa.

Trở lại hội trường, câu chuyện giữa hai người trở nên rôm rả hơn và lúc hào hứng, họ đều lên giọng, quên cả những tín đồ nghiện nhạc đang lắng nghe ca sĩ du dương trên sân khấu. Nàng bảo rằng nàng mê nhạc Phạm Duy từ hồi còn trẻ và đây là lần đầu tiên nàng được gặp người nhạc sĩ này bằng xương bằng thịt. Chị có quan tâm đến những chuyện tình đầy tai tiếng của ông ấy không, chàng hỏi. Nàng bảo, có chứ, nhưng một tài năng cần phải có gia vị, có mặn có nồng có chát có chua mới phát huy được, chứ cứ tầm tầm, chắc là chỉ sẽ sinh ra những thứ tầm tầm như một số người cũng gọi là nhạc sĩ đó thôi. Chàng nhìn nàng bảo, chị có một ý kiến thú vị tôi chưa hề nghe, còn thú vị hơn nữa, ý kiến đó lại từ một phụ nữ. Vậy sao, nhưng nói thế không có nghĩa là tôi tán thành những điều sai trái của ông ấy đâu nhé, thưa ông. Chàng ngạc nhiên nói tai tiếng chẳng là sai trái thì là gì. Nàng vừa ngẫm nghĩ vừa đáp, vâng, ông ấy có nhiều, à không, có…có một số sai trái, nhưng với, với …Phạm Duy thì, thì nghĩ cho cùng, cũng OK…vì lắm khi, ông biết biến,…biết biến cái sai trái thành…nhạc. Ý này thì càng ngộ hơn nữa tôi chưa từng nghe, chẳng hạn như bản nhạc nào vậy chị, chàng hỏi. Nàng nói, ờ…ờ, để tôi, để tôi nhớ xem, ví dụ như, ví dụ như…cỏ hồng…vâng bài cỏ hồng…

Chàng không ngăn được một nụ cười sảng khoái:

– Tuyệt! Thế là rốt cuộc, Phạm Duy hoàn toàn trắng án, phải không chị?

Cười xong mới nhận ra mình vô phép, chàng quay quanh rối rít xin lỗi mọi người. Còn nàng thì ngớ người ra, cười theo chàng. Và …quên trả lời. Sau tai nạn dại gái ngoài ý muốn, chàng ngồi im như kẻ ngoan đạo, còn nàng thì thu người lại, chăm chăm nhìn lên sân khấu. Hết chương trình, ra về, nàng lên tiếng cảm ơn, chàng bảo không có chi, rồi hăm hở muốn hỏi đôi câu, nhưng khựng lại khi thấy khuôn mặt nàng vừa thoang thoảng nét vui vui đó chợt chuyển sang đăm chiêu. Chàng nản chí nói bye chị, nàng lơ đãng gật đầu bye anh, rồi vội vã quay bước theo cô con gái đang đứng đợi ở ngoài hành lang.

Chỉ có thế rồi thôi, chẳng ai nhớ gì đến ai.

Năm sau, hai người lại tình cờ gặp nhau trong một buổi trình diễn nhạc Phạm Duy khác ở quận Cam khi cả hai cùng đứng đợi xin chụp hình chung với Phạm Duy. Nàng cười chào, nhưng khuôn mặt thì vẫn thế, xa xăm, không mấy thân thiện. Chàng nhắc lại ý kiến của nàng độ nọ với người nhạc sĩ, Phạm Duy cười bảo tôi là một nghệ sĩ của quần chúng, ai muốn bình phẩm gì thì cứ tha hồ bình phẩm, tôi không quan tâm. Đời tôi, tôi vốn xem mọi sự là một cuộc chơi, khi thế này lúc thế khác, những chuyện nước non nghiêm trang hay sự nghiệp này nọ, quý vị xem, thiệt ra, rốt cuộc cũng chỉ là chuyện chơi thôi. Khi không còn tôi nữa, quý vị cứ hát nhạc của tôi là xem như có tôi. Nghe nói, chàng cảm thấy buồn buồn. Dù trông Phạm Duy vẫn còn phong độ, nhưng ở tuổi ngoài tám mươi, ai mà biết được, chỉ trái gió trở trời một chút thôi là đủ sinh chuyện.

Chụp xong tấm ảnh với Phạm Duy, chàng quay đi, thì nàng bỗng lên tiếng:

– Cám ơn ông đã nhắc lại nhận xét của tôi về nhạc Phạm Duy với ông Phạm Duy. Ông có trí nhớ dai thật. Mai kia mốt nọ, Phạm Duy không còn nữa, nghe cũng buồn ông nhỉ.

– Vâng, tôi cũng đang nghĩ đến điều đó, thưa chị. Buồn quá đi chứ!

Trao đổi vài câu thăm hỏi vô thưởng vô phạt, họ chia tay, lần này lấy email của nhau. Chàng tên Tương, nàng tên Ngân. Hồng Ngân.

Cũng tưởng chỉ lấy là lấy cho vui, thế mà một thời gian khá lâu sau, Tương bỗng nhận được email của người phụ nữ mới quen này:

“Chào ông Tương. Tôi là Ngân, chắc ông còn nhớ tôi khi chúng ta gặp nhau trong hai lần nghe nhạc Phạm Duy. Hy vọng là tôi không gửi lộn địa chỉ email. Không biết ông đã nghe tin này chưa: Phạm Duy đã về Việt Nam ở hẳn. Theo tôi, Phạm Duy làm thế là phải, ông ấy già rồi, lỡ có ra đi thì ra đi ở quê hương, nơi ông yêu mến. Mà dù ông có ở đâu, thì nhạc Phạm Duy vẫn là nhạc Phạm Duy, tôi nghĩ vậy có đúng không ông.”

Một tin chấn động như thế thì sao nàng biết mà Tương lại chẳng hay? Nửa tin nửa ngờ, chàng tức tốc gọi điện thoại hỏi quanh bạn bè. Quả là Phạm Duy đã âm thầm về Việt Nam rồi. Hóa ra, “không còn tôi nữa” khi ông nói bâng quơ ở quận Cam ngày nào không phải là chuyện ông chết, mà là ông bỏ hải ngoại, là lại đổi phe. Như trời sập, chàng sốc nặng. Phạm Duy đã phản bội Tương, phản bội những người yêu nhạc ông. Bực mình và…đau khổ, chàng làm lơ, chẳng thèm trả lời email của nàng.

*

Không có gì đáng nói nếu câu chuyện chấm dứt ngang đây, xem như một ngẫu nhiên giữa hàng ngàn ngẫu nhiên bình thường khác vẫn diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. Thế nhưng, bẵng đi một thời gian khá dài, lúc chẳng nhớ gì về người phụ nữ tình cờ gặp độ nọ, Tương lại bỗng nhận được email của nàng:

Chào ông Tương,

Tôi là Ngân, hy vọng là ông vẫn còn nhớ tôi và vẫn thích nhạc Pham Duy như độ nào. Lâu quá, không có dịp liên lạc với ông. Mới đây, tôi tình cờ tìm thấy địa chỉ email của ông khi lục tìm email mấy người bạn, nên gửi lời chào ông. Tôi hiện đang ở Việt Nam thăm gia đình. Dù khá bận rộn, nhưng nghe có chương trình ca nhạc mừng sinh nhật PD ở Gò Vấp, tôi bèn đến dự. Tưởng là chỉ đến nghe nhạc PD, thế mà, gặp ông PD cũng đến đó tham dự, thật lý thú. Không ngờ có ngày lại được nghe nhạc Phạm Duy ngay giữa Sài Gòn, tôi thật là thích.

Ngân.

TB: Tôi có cái hình chụp trong buổi sinh hoạt đó, gửi ông xem.

Lại Phạm Duy, thì ra thế. Trong hình, chàng thấy người thiếu phụ đứng đằng sau một đám rất nhiều khán giả vây quanh trò chuyện với Phạm Duy ngay trước sân khấu. Cái bà này lúc nào cũng Phạm Duy Phạm Duy, làm như không có Phạm Duy là Việt Nam hết cả âm nhạc. Tương trả lời ngay cho xong chuyện:

Chao chi,

Xin chuc mung chị duoc ve vn và duoc gap ong Pham duy toi thi tu ngay vuot bien toi chua he ve vn lan nao.

Một thời gian sau, chàng lại nhận được email của nàng:

Tôi vừa nghe tin sức khỏe Phạm Duy bây giờ rất sa sút, cứ phải ra vào bệnh viện hoài, không còn đi uống cà phê hay dự sinh hoạt gì nữa. Nhớ lời ông nói ngày nào, tôi lo quá. Phạm Duy năm nay đã ngoài chín mươi rồi. Tôi có gửi cho ông ấy một chút quà, nhờ người bạn chuyển giúp, chúc ông ấy chóng bình phục. Xin hãy cầu nguyện cho Phạm Duy nhé ông Tương.

Cũng lại là Phạm Duy! Chàng trả lời:

Cam on chi cho biet

Có bình phục thì rồi cũng phải ra đi thôi, chẳng lẽ ông ấy cứ sống hoài được sao, chàng nghĩ. Vả lại, ông ta sống mà cũng như chết rồi. Trước 1975, ông ta đã từng chết, nhưng bị giết bởi một người khác chính kiến [1], lần này, chính ông tự giết ông. Dẫu vậy, nhưng lòng Tương vẫn gợn chút bâng khuâng, thấp thỏm.

Thế rồi, ngày ấy cũng đến: Phạm Duy qua đời. Hồng Ngân báo ngay:

Phạm Duy đã vĩnh viễn ra đi rồi ông Tương ơi. Chao ơi là buồn!

Tương trả lời:

Toi cung moi nghe tin toi cung buon.

Lần này, chàng không sốc. Mà buồn sâu lắng, buồn day dứt, buồn da diết, lòng mang mang tiếc nuối: phải chi Phạm Duy chết ở Thị Trấn Giữa Đàng [2], thì trọn vẹn biết bao nhiêu! Về chết ở Việt Nam, với chàng, là một vết úa trong sự nghiệp Phạm Duy, không thể tha thứ được.

*

Hai người ở hai tiểu bang khác nhau, cách nhiều giờ bay. Xa lắc. Nhưng cái chết của Phạm Duy thu ngắn họ lại. Tương vô tình bị lôi cuốn vào thứ tình cảm nồng nhiệt mà người phụ nữ xa lạ này dành cho người nhạc sĩ mà chàng, mỗi lần nghĩ đến, đều bị bối rối bởi những cảm xúc và cảm nghĩ trái ngược nhau. Nhưng nó đồng thời giúp Tương vượt qua được phần nào cái cảm giác khổ sở mỗi lần gõ trả lời, dù chỉ là vài dòng ngắn ngủi trơ trụi chứa đựng toàn những ký hiệu trọc đầu thiếu đít, chẳng chút gia vị sắc huyền hỏi ngã nào. Chả là xưa nay, Tương không mặn mà gì với lối giao lưu hiện đại này. Cần liên lạc với ai, chàng thích tự tay viết, xếp thư ngay ngắn bỏ vào phong bì, dán kỹ rồi ra bưu điện gửi. Dị ứng với những rắc rối kỹ thuật cộng thêm với bướng và lười trở thành quan điểm. Chàng cho rằng liên lạc email là một phản bội với cuộc sống sinh động của con người. Nhớ tới mùa thu năm xưa gửi nhau phong thư ngào ngạt thơm; nét bút đa tình lả lơi nhớ phút ngập ngừng lòng giấy viết rằng chờ đến kiếp nào. [3] Thư phải là lá thư, là màu mực, là nét chữ. Là giấy xanh, giấy hồng, là xếp góc, là mùi hương ướp, là chồng thư vàng úa phai màu cất dưới đáy rương, hễ lôi lên là nghe ngạt ngào kỷ niệm. Viết một lá thư là một công trình tim óc, kết quả của nhiều giờ nhiều buổi suy gẫm chọn lời chọn chữ. Nó còn phải nằm yên trong một phong thư ấm áp bông hoa ép, đôi khi còn làm bộ vướng nửa sợi tóc vô tình. Là tới bưu điện bỏ thư. Là hồi hộp ngóng chờ, hàng ngày, hàng tuần có khi hàng tháng. Là lóng ngóng bóng dáng người đưa thư thấp thoáng ngang nhà. Một lá thư không chỉ là một lá thư mà là một loạt những việc làm nho nhỏ nhuốm đầy thi vị, là một kỷ vật, một thế giới tâm tình. Nó không khô khốc những tiếng gõ lạnh lẽo trên bảng chữ máy tính vô tình.

Hơi hướm phụ nữ khiến chàng vơi bớt dị ứng, tìm cách tập gõ chữ. Gõ mãi cũng quen quen. Thay vì lúc nào cũng chỉ một câu, lần nọ, chàng gắng gõ liên tục nhiều dòng một cách tự tin:

Chao chi Hong Ngan

Toi thich nhat là ban tim nhau ban nay co nhieu y kha tham tram moi lan hat len la tam hon toi bay bong, day la ban nhac co loi ca la nhat trong nhieu ban nhac cua ong vua tinh cam vua triet ly noi len than phan con nguoi giua chon tran gian, con nguoi tim nhau khap noi dem hay ngay mua hay nang trong cau tho co hay trong bom lua hay mua bao va cuoi cung du kho khan gian kho roi ra con nguoi cung gap duoc nhau de trung tu the gioi.

Khoan khoái, chàng chờ đợi những dòng email trả lời. Thế mà, biệt vô âm tín. Chừng như lâu, lâu lắm. Một hôm, sực nhớ, chàng dẹp tự ái, gõ:

Chi co khoe khong?

Nàng trả lời:

Toi OK, thua ong Tuong.

Rồi thôi. Tên nàng lại mất tăm trên inbox.

Một lần nọ, buồn lòng tìm đọc lại các email trao đổi cũ gửi nàng, chàng đột nhiên nhìn thấy những dòng chữ chàng gõ một cách khá nhọc nhằn trên nền trắng màn hình toàn là một bầy lau nhau, chữ này nối chữ nọ, chữ nào cũng là chữ nào, chữ này lộn qua chữ khác, trông như đám con nít ở trần chạy ngoài đường, đứa nào như đứa nấy, hao hao, đơn điệu và vô nghĩa. Chẳng khác gì trời thiếu mây, mâm cơm thiếu nước mắm, người yêu thiếu nụ cười. Tương sực tỉnh như người vừa ngộ đạo.

Sau mấy tuần lễ đánh vật với cái bàn phím, chàng bắt đầu gõ thử:

Chào chị Hồng Ngân,

Tôi vừa nge Tuấn Ngọc hát bài “tìm nhau” của phạm Duy, hay thiệt la hay, giọng Tuấn ngọc rất hợp vơi bản nhạc này, hồi truớc, thỉnh thoảng tôi có nghe bản nhạc này, nhưng khôn mấy thích, có lẽ mấy ca sy đó giọng không hơp với lời ca, bây giơ, nghe lại thấy quá sau sắc. nhạc hay mà lời ca không hay thì cũng hoa ra dở. Tôi thích nhất là mây câu:tìm sâu trong muôn thuở, tìm sau lung bôn mùa, tìm nhau như thiên cổ tìm ngan thu, câu này còn tham thia hơn nữa: tìm nhau trong thống kho, tìm nghe câu than thơ, tìm nhau như góa phụ tìm mo bia, hình ảnh góa phụ tìm mộ bia thật đăc gia chị có cảm thấy như thế không?

Tương

Dò đi dò lại cẩn thận, Tương gửi đi. Và thật ngạc nhiên, chàng nhận được ngay email trả lời của nàng:

Chào ông Tương,

Ngân rất vui khi nhận được email của ông. Tôi có biết bài này, thấy thích thích, nhưng ít khi nghe. Giờ nghe ông giải thích, thấy lời ca sâu sắc thiệt, để tôi nghe lại. Nhạc Phạm Duy phải nghe đi nghe lại nhiều lần mới thấm. Như bài Kỷ niệm, hồi đầu nghe không mấy thích, toàn nói chuyện con nít, nhưng bây giờ đến tuổi này mới thấm thía hết ý nghĩa sâu xa của nó, nên tôi rất thích, cứ nghe hoài.

Gia đình anh vẫn bình thường chứ?

Chàng:

Vâng, tôi vẫn độc thân và vân không vui tính như ngày nào, còn chị thế nào.

Nàng:

Dạ, cũng thế, không có gì khác thưa ông.

Chàng phấn chấn với một khám phá mới khi viết email: Tương đẹp hơn Tuong. Hồng Ngân có hồn hơn Hong Ngan! Có sắc huyền hỏi ngã nặng vào làm cho những dòng email trông có duyên hẳn, lại phảng phất chút văn chương, điều ít khi chàng nghĩ đến. Hình như nàng cũng phấn chấn. Email nàng viết càng lúc càng dài hơn, và đều đặn hơn. Email chàng gõ càng ngày rõ ràng, chính xác hơn, có chấm có phẩy, không thiếu đầu mất đuôi hay quên bỏ dấu. Gửi qua gửi về, họ lại tiếp tục bàn chuyện nhạc Phạm Duy. Thỉnh thoảng nhắc bản nhạc này hay bản nhạc nọ. Thỉnh thoảng gửi các bản nhạc do ca sĩ này hay ca sĩ kia hát. Khi thì bình phẩm một câu nhạc. Khi thì ví von một hình ảnh. Chuyện nối chuyện, họ nhảy cóc sang những đề tài khác. Tương nhắc về những ngày Sài Gòn trời mưa đi xem phim cũ ở rạp chiếu bóng Vĩnh Lợi. Hồng Ngân nhắc lại những Chúa Nhật các cô nữ sinh Sài Gòn rủ nhau đi Tăng Nhơn Phú thăm ngưòi tình thụ huấn ở quân trường Thủ Đức. Tương nhớ lại những buổi cắm trại ở Suối Tiên với thầy Nguyễn Văn Kỷ Cương. Hồng Ngân hồi tưởng những buổi trưa Sài Gòn uống ly chanh đường ngọt mát. Tương nói về món cánh gà chiên bơ thơm phức uống với la-de Con Cọp ở chợ Bàn Cờ. Ngân nói về những món ăn vặt chợ Nguyễn Tri Phương, Tương nói chuyện ăn bún bò Huế ở cái tiệm bún nhỏ ngoài Ngã Ba Hàng Xanh, Ngân nói về sáng thứ bảy đi ăn phở Tàu Bay khu chợ cá đợi mãi mới có chỗ ngồi, Tương nói chuyện phở gà đường Hiền Vương. Sài Gòn, chao ơi, Sài Gòn, bao la, thơm tho, sôi động, ngọt ngào, càng nói càng nhớ. Email càng lúc càng nhiều gia vị và đôi lúc Tương tưởng như nghe được tiếng lòng tỏa ra từ những dòng chữ bất động trên màn hình. Chàng đâm ra nghiện đọc, nghiện gõ. Rảnh là mở máy ra xem. Thấy có email mới của nàng là vội vàng gõ trả lời.

Không nét chữ, không giấy xanh giấy hồng, không ép hoa, nhưng các email dần dà biến thành những lá thư, nghe như có mùi, có vị, có hương. Xúc cảm, nghĩ cho cùng, cũng chỉ là một thói quen.

*
Trong ký ức mờ nhạt qua nhiều năm tháng, hai lần gặp tình cờ với những nhận xét bất ngờ của nàng về nhạc Phạm Duy đọng lại trong chàng một Hồng Ngân quần jean áo pull thon gọn, ánh mắt trong nhưng khuôn mặt hằn nét đăm chiêu, hờ hững. Chữ nghĩa email của nàng, ngược lại, càng lúc càng cởi mở nhiệt tình, lại có khi tinh nghịch và dí dỏm, khác hẳn với cung cách giữ kẽ bên ngoài. Máy tính quả là một phương tiện trấn an tuyệt vời. Ngồi trước nó, gõ gõ rồi gửi chữ vào cõi vô hình mênh mông sương khói làm người ta thoải mái trải lòng hơn khi phải đối diện với mọi thứ chung quanh, cái gì cũng thực, cũng trần trụi đến ngột ngạt.

Nàng tự đổi cách xưng hô:

Ngân nói tiếp nè! Hồi đó, Ngân hay ghé Viễn Đông uống nước mía. Chao ôi, giữa trời nắng Sài Gòn mà uống một ly nước mía ở đó thiệt là đã. Anh có biết Viễn Đông ở Pasteur không?

Chàng dè dặt:

Biết, biết. Dăm khi mười họa cũng có tạt vào. Tôi hay vào Givral ăn kem thôi.

Nàng:

Thì Ngân có lạ gì Givral. Tụi Trưng Vương Ngân tuần nào mà không ghé Givral.

Có lúc, chàng bắt đầu lãng đãng:

Nhưng thích nhất là uống ly chanh đường…

Nàng:

Ngân cũng thích chanh đường

Chàng:

Mà chanh đường thì phải đi với môi em thì mới ngọt, đúng không chị.

Nàng cũng tập lãng đãng:

Vâng, quá đúng đi chứ! Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt. Không có Phạm Duy thì ai mà biết môi em lại ngọt như chanh đường. Mà phải chanh đường Sài Gòn cơ, đúng không anh?

Chàng:

Và nắng Sài Gòn nữa.

Nàng:

Ừ, nắng Sài Gòn ai đi mà chợt mát…

Chàng:

Chị sai rồi, “em” đi chứ không phải ai “đi”.

Nàng:

Ngân tự đổi chữ đấy, “ai” đi nghe hay hơn “em” đi.

(…)

Có lúc, những dòng email vớ vẩn mà nghe chứa chan thân tình.

Nàng:

Anh Tương đang làm gì vậy?

Chàng:

Oh, giờ này mà chị còn thức à?

Nàng:

Mới một giờ sáng thôi mà!

Chàng:

Ủa, mai chị không đi làm sao?

Nàng:

Không ngủ được, bèn ngồi dậy và không biết làm gì nên hỏi thăm, thế thôi. Bên anh bây giờ mới 11 giờ thôi mà, đúng không?

Chàng:

Vâng. Chị làm tôi cũng phải thức luôn.

Nàng:

Xin lỗi anh. Thôi để Ngân ráng ngủ. Anh cũng nên đi ngủ đi…

Chàng:

Giờ thì ngủ sao được nữa…

Nàng:

Anh lại xạo rồi…

(…)

Có lúc, Tương cao hứng:

Tôi bỗng nhiên nghĩ đến chuyện ghé thăm thành phố của chị.

Ngân:

Anh có bạn bè gì ở đây không?

Tương:

Không. Đi thăm một thành phố là thăm thành phố, cần gì phải có bạn bè.

Ngân:

Nhưng có người quen thì vẫn vui hơn chứ.

Tương:

Có lẽ thế.

Ngân:

Khi nào thích, anh ghé qua chơi cho biết, Ngân sẵn sàng tiếp đón. Thành phố tuy nhỏ nhưng cũng đẹp lắm.

Tương ngần ngại:

Nói cho vui vậy thôi, tôi chưa có dự tính gì hết. Hơn nữa, tôi cũng ngại, không dám làm phiền chị.

Ngân dứt khoát:

Không sao đâu anh. I’m free.

(…)

*
Mấy chữ “I’m free” biến cái vu vơ thành hiện thực. Tương quyết định đi thăm Ngân.

Nàng bảo là sẵn sàng đón khách.

Chàng nghĩ đến một hẹn hò.

Hẹn hò trai gái vốn là một trò chơi hấp dẫn thời mới lớn. Nó huy động hết mọi thứ cảm quan trong một cơ thể mà cái gì cũng phơi phới, chực chờ nở bung ra. Xôn xao, hồi hộp, thấp thỏm, lo âu, sợ hãi. Táo bạo và nhút nhát. Hăm hở và vụng về. Hẹn hò đầu đời lúc mười sáu tuổi là một kinh nghiệm kỳ lạ đầy ám ảnh, khi ta liều lĩnh nhảy vọt qua một hố thẳm vô hình để rồi sau đó được nếm thử mùi vị của một trái cấm chua lè. Thằng nhỏ Tương hẹn gặp con nhỏ xóm sau ở một bờ sông vắng, cách bến đò một đoạn ngắn. Nhỏ Nguyệt mười hai tuổi ngực vừa nhu nhú, sau khi vờ vĩnh đi vòng vòng ra vườn sau, chui hàng rào, băng qua một lối mòn vắng người, đến chỗ hẹn, vừa thấy Tương đứng đó là mặt đỏ lên như đào chín, trả lời vu vơ được mấy chữ xong, liền ù té chạy, để lại thằng nhỏ ngẩn ngơ chết đứng, quên cả tay chân bị cào xước rướm máu sau khi bươn bả lủi qua đám lau lách và hổ ngươi. Chẳng đi đến đâu và cũng chẳng được gì, nhưng vài phút ngắn ngủi đó lưu lại nhiều chấn động tình cảm về sau, dài dằng dặc. Ngay cả khi con nhỏ đã đi lấy chồng.

Nhiều chục năm sau, khi hẹn hò thuở nhỏ chỉ phảng phất trong trí nhớ như là một trò chơi trẻ con, Tương bỗng sống lại cảm giác cổ xưa đó khi lên chuyến bay đi thăm Hồng Ngân. Hẹn hò đầu đời, lòng như giấy trắng, không vướng bận hơn thiệt chuyện đời; hẹn hò cuối đời tất cả là một mớ tạp nham bụi bặm, sẹo nhỏ sẹo lớn bám đầy. Đắn đo suy tính, rón rén chuẩn bị, nôn nao khó ngủ, hồi hộp đợi chờ, bịa chuyện để che con giấu cái tránh bị hỏi han soi mói, nhất là cô con gái út, lúc nào cũng thủ thỉ ba đừng có bạn gái nghe ba, mẹ ở dưới xa kia sẽ buồn vô cùng. Ngày xưa, hẹn hò tình cũ hay tình mới nào cũng đơn giản, chỉ cần đạp xe đạp hay honda đến công viên hay một góc đường hay trong tiệm sách, hay ở tiệm kem hay ra ngoại ô đến một quán nước ven bờ sông hay xa lắm thì đi chùa đi lăng. Hẹn hò hiện đại nhiêu khê, rắc rối như đi xuất cảnh, mọi sự phải được thu xếp tỉ mỉ. Chàng lo lấy phép hãng xưởng, lo kiếm vé rẻ, chọn giờ đi giờ đến. Nàng cũng lo lấy phép, lo book khách sạn, lên lịch đưa đón. Mất cả tháng.

Không có chuyến bay trực tiếp, chàng phải bay hai chuyến bay, ra phi trường từ sáng sớm mãi đến giữa chiều mới đến. Ra khỏi máy bay, len lỏi qua nhiều lối đi vòng vèo dẫn ra khu nhận hành lý, lòng Tương rộn ràng như chưa từng. Giữa đông đúc người ra người vào, chàng hồi hộp nhìn quanh một hồi mới nhận ra dáng nét quen quen của người phụ nữ chỉ mới hai lần gặp ngắn ngủi, cũng đang len lỏi tìm quanh. Có chút gì giông giống với trò chơi tìm bạn bốn phương ngày xưa khá phổ biến trên báo chí, thư qua từ về rất tha thiết nhưng gặp mặt được rồi thì có kẻ thất vọng não nề. Tương ngắm nghía Hồng Ngân, người thiếu phụ ấy, vẫn quần jean áo pull lấm tấm hoa nhiều màu, già hẳn đi, nhưng dáng dấp trông điệu đàng, mặn mà và khuôn mặt mất đi nét đăm chiêu hờ hững độ nào.

Chàng khen:

– Vẫn là cô Hồng Ngân trẻ trung xinh xắn đang đi loanh quanh tìm chỗ ngồi nghe nhạc Phạm Duy hồi đó, tưởng như mới tuần trước, ai dè đã hơn mười năm không gặp tưởng chừng như đã… [4]

Ngân cười:

– Một câu khen phụ nữ thuộc loại tiêu chuẩn, đáng điểm A. Còn anh, trông chững chạc và bệ vệ hơn.

– Cũng là một câu khen đàn ông tiêu chuẩn. Sao chị không nói già đi cho chính xác.

Ngân tủm tỉm:

– Già sao được anh! Phải trẻ ra chứ. Đời ngắn lắm, thoắt cái là đã mười năm.

Ngân đưa Tương về khách sạn, phụ chàng mang hành lý vào quầy tiếp tân, bảo:

– Ngân book cho anh ba ngày, khách sạn Nhật đó anh, khách sạn này không sang, nhưng tươm tất, nằm cạnh một cái hồ khá lớn phía sau thơ mộng lắm, thích, anh có thể đi dạo quanh hồ thư giãn. Bạn bè Ngân ghé thành phố này chơi cũng thường book khách sạn này. Anh vào check in, lấy phòng, nghỉ ngơi thoải mái nhé.

Thấy Tương nhìn, ánh mắt ngần ngừ dò hỏi, Ngân cười:

– Ở đây an ninh lắm, anh yên tâm, chẳng có ai ăn thịt anh đâu. Ngân về nhà có tí việc, gặp nhau sau. Ngân sẽ gọi, rồi sẽ đến đón anh.

Chưa bao giờ Tương được hưởng một cuộc đón tiếp chu đáo như thế này. Chương trình ba ngày được Ngân sắp xếp tỉ mỉ, lên lịch từ A đến Z, từ ăn sáng ăn trưa ăn tối đến uống cà phê uống trà, từ tiệm Việt Nam đến tiệm Mỹ, tiệm Nhật, tiệm Đại Hàn. Sáng đến đón, trưa đưa chàng về nghỉ trưa, chiều lại đến đón, tối đưa về khách sạn, đến tận khu tiếp tân, chúc chàng ngủ ngon, từ biệt và vội vã ra lái xe về nhà. Ngân lái xe chạy vòng vòng cho chàng cưỡi ngựa xem hoa nhiều nơi, hào hứng giới thiệu những danh lam thắng cảnh của cái thành phố nhiều hồ và nhiều đồi, gói gọn trong một cái tên đọc lên là không lẫn vào đâu khác: “Thành Phố Hồ Đồi” (Hill Lake city). Đồi cao đồi vừa đồi thấp chen chúc với hồ nhỏ hồ vừa hồ lớn, có hồ nằm dưới chân đồi, nằm bên cạnh đồi, và nằm cả trên đồi. Có vườn Nhật (Japanese Garden), có công viên thác (Fall Park), có đồi trượt tuyết (Lake City Ski Hill), có khu rừng nguyên sinh, có sở thú với đủ khỉ, vượn, trăn, sư tử và chim muông. Cái thành phố nho nhỏ – đúng ra là một thị trấn – không mấy tiếng tăm này dường như chẳng hề thiếu những khung cảnh đẹp làm quà tặng cho du khách bất đắc dĩ như Tương và để cho những di dân bất đắc dĩ phải định cư nơi đây như Hồng Ngân vẫn có lý do để cảm thấy hãnh diện. Do tính tự trị cao và đầu óc ganh đua, ở hang hốc nào, người ta cũng cố biến một chỗ không ra gì thành một nơi…ra gì. Kiểu Mỹ nó như thế.

Ngày cuối cùng, Ngân đưa chàng đến ngọn đồi cao nhất thành phố, nơi có một công viên mang cái tên nghe yêu kiều, Đồi Tình (Love Hill), khiến chàng thốt nhiên cảm động nghĩ thầm, Ngân thật khéo sắp xếp. Chàng hồi hộp, mơ màng một kết thúc thơ mộng. Có lẽ đoán chừng được ý nghĩ bất thường trong đầu người đàn ông, nàng giải thích:

– Gọi là Đồi Tình cho nó có vẻ hẹn hò lãng mạn, chứ thực ra, đây chỉ là nơi người ta thuê chỗ để tổ chức đám cưới đó anh. Ngày bình thường trong tuần êm ả thế này đây, chứ cuối tuần là ồn ào tiệc lớn tiệc nhỏ, người người áo quần xênh xang chụp ảnh. Chỗ này có một nhà hàng Pháp. Mấy hôm nay, mình ăn đồ Mỹ đồ Việt đồ Nhật, giờ thử thưởng thức đồ Pháp, có paté chaud, có foie gras, có bơ bretel, có bò hầm, có café au lait, ăn vào là nghe ngay mùi…Tây. Chả là hồi xưa ở Sài Gòn, thỉnh thoảng ba Ngân dẫn anh chị em Ngân đi ăn đồ Tây, Ngân không nhớ rõ tiệm nào, hình như Thanh Bạch thì phải…

Chàng hụt hẫng, chùng giọng:

– Với tôi, đồ ăn nào cũng là đồ ăn nào, cái gì cũng được…

Nghe giọng mình có phần nhạt nhẽo, chàng vội nói tiếp, cố tỏ ra duyên dáng:

– Vì được ăn cùng người đẹp…

– Người đẹp, cái tật của mấy ông là khi nào cũng người đẹp người đẹp…

Tương cười:

– Đẹp cũng là một món ăn ngon, rất ngon.

Ngân nói:

– Bộ xấu thì ăn không được hay sao anh!

– Tôi theo tự điển. Trong tự điển, không có chữ “người xấu”, chỉ có chữ “người đẹp”.

Ngân phì cười:

– Anh cũng dẻo miệng dữ nha!

Quán ăn nằm trên đỉnh đồi, bốn phía toàn là cửa kính nửa mờ nửa trong, thực khách có thể nhìn quanh toàn cảnh. Xa xa phía dưới kia là hồ, cây xanh vây quanh, nước lặng, lóng lánh trời xanh. Trời nắng. Nắng tràn trề, rực sáng núi đồi, xôn xao cây cỏ. Ngân nói:

– Anh có biết hôm nay là ngày gì không?

– Tôi đến đây ngày 17, hôm nay là 20; 20 tháng 6, một ngày như mọi ngày.

– Không như mọi ngày đâu anh. Hôm nay là một ngày đặc biệt: hạ chí.

– Vậy sao! Tôi chẳng hề để ý.

– Hạ chí là ngày dài nhất trong năm đó anh, mặt trời lặn muộn. Nếu ngồi đây đến chín giờ tối, ta sẽ nhìn thấy cảnh mặt trời lặn ở phía núi xa kia, anh nhìn xem, chỗ có ngọn đồi nằm cuối cái hồ nước lớn ấy. Có lần, Ngân đã từng cùng hai cô bạn từ Cali sang, rủ nhau lên đây ngắm mặt trời lặn ngày hạ chí. Ngày hạ chí như có ngàn nến thắp, soi buổi chiều trong suốt hồn em, anh đứng đó như mặt trời không tắt, tự nhóm than nung đỏ đời mình… [5]

Tương nhìn Ngân, thú vị:

– Ủa, chị làm thơ tình?

– Vâng, thơ đấy anh, tình hay không thì còn tùy, nhưng không phải của Ngân đâu, mà là của một nhà thơ nữ nổi tiếng ở hải ngoại, Ngân chỉ nhớ lõm bõm vài câu. Ngân chỉ đủ lãng mạn để đọc thơ của người ta thôi, chứ không đủ để làm thơ. Ngân mà biết làm thơ, Ngân sẽ tặng anh một bài thơ ngay.

Tương nói:

– Chị còn hơn tôi xa. Tôi chẳng văn cũng không thơ. Tôi chỉ thích nhạc và…tán dóc thôi.

– Nhạc cũng là thơ mà anh. Anh tán dóc về nhạc Phạm Duy là hết sẩy. Ta vừa uống cà phê vừa nghe nhạc nhé.

Ngân mở điện thoại:

– Ngân thâu cả mấy chục bản nhạc Phạm Duy, lúc nào thích là mở ra nghe, nghe khi lái xe đi làm, khi ngồi ăn, khi uống cà phê và cả khi ngủ. Ngân nghĩ đây là những bản nhạc mà Ngân thích nhất. Chắc chắn là anh cũng thích.

Hai người vừa nhắm nháp cà phê vừa nghe Hẹn hò, Kỷ niệm, Cỏ hồng, Bao giờ biết tương tư, Nha Trang ngày về, Ngày xưa hoàng thị, Tình hoài hương …

Tương bảo:

– Ngồi quán Tây, thưởng thức phong cảnh Mỹ, nghe nhạc Việt cùng với một phụ nữ lịch lãm trong một ngày dài nhất. Chị “nâng cấp” tôi lên nhiều bậc.

Câu chuyện trở lại với nhạc Phạm Duy và Sài Gòn như đã từng, hào hứng và bồi hồi. Tương thực sự bị lôi cuốn bởi cái hồn nhiên, tinh nghịch và đôi khi, dí dỏm, của người thiếu phụ hiếu khách này. Và chàng cảm thấy lép vế, tự hỏi chẳng biết cái gì nơi chàng khiến nàng thân thiện và tỏ ra ân cần với chàng như thế. Chàng thành thật:

– Chị làm tôi quên mất tuổi.

– Anh cũng làm tôi quên mất tuổi.

Không những quên mất tuổi, họ còn quên mất thời gian, hào hứng ăn đồ ăn Tây và kể chuyện xưa y như thể là cả hai đang sống lại cái thời học sinh dung dăng dung dẻ ở Sài Gòn. Cho đến khi Ngân nhìn đồng hồ, hốt hoảng:

– Chết cha! Ngân phải về.

Tương dùng dằng:

– Còn quá sớm mà chị. Tôi muốn ngắm mặt trời lặn ngày hạ chí.

– Ngân cũng thích lắm, nhưng đủ rồi anh, thôi ta về. Không khéo Ngân trễ hẹn thì phiền lắm.

Tương chưng hửng.

Hôm sau, Ngân đến đón Tương sớm, ngồi chờ chàng ở phòng đợi. Chàng đi bộ xuống, tha thiết mời:

– Thời gian còn nhiều, mời chị ghé thăm phòng tôi một chút trước khi chia tay chứ.

Ngân cười:

– Cám ơn anh. Gặp ở đây là được rồi anh. Anh lên mang hành lý xuống, ta đi kiếm chút gì ăn nhẹ trước khi anh lên máy bay.

– Rốt cuộc, chúng ta là những kẻ lang thang trong thành phố. Tôi không ghé được nhà chị để chào. Chị cũng chả thèm ghé “nhà” tôi để thăm.

Ngân cười:

– Ngày nào anh và Ngân chả thăm nhau nhiều bận rồi, ở tiệm ăn, ở quán cà phê, ở sông suối núi đồi. Bọn bạn Ngân đến chơi cũng thế, hầu như chẳng ai về nhà.

Tương nói:

– Tôi vẫn thấy thiêu thiếu cái gì, Ngân à.

Ngân im lặng, nhìn Tương, định nói một điều gì, nhưng rồi giục chàng đi lấy hành lý.

Tới phi trường, sau khi đã mang hành lý ra khỏi xe, Tương lặng lẽ đứng nhìn Ngân, im lặng. Ngân cầm tay Tương:

– Cám ơn anh đã đến thăm thành phố của Ngân.

Tương gọi “Ngân”, bóp mạnh tay nàng, nhẹ nhàng kéo về phía mình. Ngân ngập ngừng thả lỏng, nhưng rồi gượng hẳn lại, siết chặt bàn tay ấm nóng của chàng rồi vội vàng buông ra:

– Cám ơn anh. Anh xem vào kiểm tra an ninh. Độ này, họ xét đồ đạc kỹ lắm. Lại nhiều chuyến bay, không chừng trễ mất.

Tương tiu nghỉu, chào Ngân, quay lưng đi một mạch thẳng vào quầy vé phi trường, lòng ấm ức.

Về đến nhà, Tương gõ:

– Cám ơn Hồng Ngân đã cho tôi hưởng một cuộc đón tiếp hoàn hảo.

Hồng Ngân không trả lời. Chàng thì mất hứng thú gõ email.

Trước khi gặp lại, nàng là một bài thơ đẹp dịu dàng. Sau ba ngày dung dăng dung dẻ, nàng trở thành một truyện ngắn. Một truyện ngắn dang dở.

Chàng lặng lẽ nàng. Nàng cũng lặng lẽ chàng. Họ tìm cách lãng quên nhau.

*
Một ngày, từ trong thùng thư vốn lâu nay vốn chỉ dành cho đủ thứ quảng cáo mà việc làm duy nhất của chủ nhà là nhìn lướt qua rồi ném vào sọt rác, Tương tìm thấy một phong thư lạ: có tem dán, có dấu bưu điện và có chữ viết tay đề tên chàng với sắc huyền hỏi ngã đầy đủ, Hoàng Vĩnh Tương, từ một người gửi không hề quen, cũng sắc huyền hỏi ngã đầy đủ, Đoàn Hồng Ngát. Tờ thư thì xếp góc gọn gàng ngay thẳng, giấy thì trắng mực thì đen, nét chữ thì nắn nót, dịu dàng nữ tính. Lâu lắm rồi, Tương mới được nhận một lá thư. Chàng đọc, lòng bồi hồi cảm động:

Kính thưa bác,

Cháu xin được thay mặt mẹ cháu, bà Hồng Ngân, báo tin cùng bác là bố cháu đã qua đời tháng trước, khoảng vài tuần sau khi tiễn bác ra phi trường. Tang lễ bố cháu đã được hoàn tất mỹ mãn, và sau đó, theo lời ước nguyện của bố cháu lúc sinh thời, mẹ cháu đã mang tro cốt bố cháu về Việt Nam. Lẽ ra, theo lời dặn của mẹ cháu, cháu chỉ báo tin cho bác biết như thế, là đủ. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, cháu cảm thấy không thể không chia sẻ với bác vài chuyện trong gia đình cháu.

Cháu xin vắn tắt như thế này: chỉ vài năm sau ngày gia đình cháu sang định cư, bố cháu bị đụng xe, vết thương trên người không có gì trầm trọng, nhưng sức khỏe bố cháu mỗi ngày mỗi trở nặng, tay chân teo tóp dần, cuối cùng nằm liệt giường, trước sau gần mười sáu năm. Theo lời của các bác sĩ, bố cháu xem như sống đời sống thực vật. Mới chân ướt chân ráo qua định cư chưa được bao lâu, mẹ cháu trở thành người mẹ đơn thân, vừa chăm sóc bố cháu vừa đi làm nuôi bốn đứa con chưa đến tuổi trưởng thành. Nhờ hưởng trợ cấp y tế của chính phủ, bố cháu được chăm sóc thường xuyên ở bệnh viện, nên mẹ cháu đỡ vất vả phần nào, chỉ có việc tới lui thăm viếng. Mỗi tháng bố cháu được phép về nhà một lần. Cả nhà cháu đều vui, vì cảm thấy có hơi hướm đàn ông ở trong nhà (mẹ cháu sinh được bốn đứa con, toàn là con gái). Có bố, mẹ cháu bỏ hết mọi việc, ngồi suốt ngày ở trong phòng với bố cháu. Sau này, khi đã lập gia đình rồi, cháu mới hiểu được rằng, một phụ nữ ngoài bốn mươi như mẹ cháu, không chỉ nhọc nhằn, đau khổ mà còn phải đối diện với những khoảng trống khủng khiếp trong cuộc sống bên cạnh một người chồng chỉ hiện diện nhưng không hề hiện hữu. Mẹ cháu lao đầu vào làm việc ngày đêm, không màng giải trí, không tiếp bạn bè. Sau một thời gian, mẹ cháu kiệt sức, trở thành trầm cảm.

Bốn chị em cháu nảy sinh ra một ý nghĩ táo bạo: khuyến khích mẹ cháu có một người bạn. Nghe đề nghị, mẹ cháu vô cùng giận dỗi, bắt đầu đay nghiến con cái, thấy mặt đứa nào cũng gây gổ. Tụi cháu chỉ biết ngậm miệng mà nghe. Nhưng rồi, mẹ cháu bỗng thay đổi: bà có một người bạn. Từ đó, mẹ cháu dần dà tươi tỉnh ra, hay lên mạng, thích nghe nhạc, dành nhiều thì giờ vui đùa với con cháu và thỉnh thoảng còn tiếp bạn bè đến thăm. Không khí gia đình bớt phần nặng nề và u ám, cho đến ngày bố cháu thanh thản ra đi.

Mong bác thứ lỗi nếu lá thư này làm phiền bác.

Cầu chúc bác gặp mọi điều may mắn trong cuộc sống.

Kính thư: Đoàn Hồng Ngát.

Tương chưng hửng, lặng người.

*

Mẩu truyện vu vơ này không có phần kết.

Phần kết nằm ngoài kia, nơi được gọi là cuộc đời.

Trần Doãn Nho

(7/2024)

————–

[1] Nguyễn Trọng Văn, Phạm Duy đã chết như thế nào? (Văn Mới, Sài Gòn 1971)

[2] Tên Phạm Duy gọi thành phố nơi ông ở được ông tự dịch từ tiếng Anh, Midway City, nằm ở góc đường Bolsa và Newland, Orange County, tiểu bang California.

[3] Trích từ nhạc phẩm Lá thư, Đoàn Chuẩn & Từ Linh

[4] Lời ca khúc “Mười năm không gặp” của Trần Quảng Nam

[5] Hạ chí, thơ Trần Mộng Tú.

Nguồn:
Truyện ngắn Trần Doãn Nho: Thế rồi, lá thư




No comments:

Blog Archive