Saturday, October 12, 2024

Con Gái Rượu

Tác Giả : Vũ Thế Thành Nguồn: Báo Mai 
Tôi gặp cha con họ trong một quán phở gần nhà thờ Ba Chuông, hồi năm 80 hay 81 gì đó.

Tối đó trời mưa. Đi chơi về khuya, tôi tấp vào quán phở. Quán vắng khách, chỉ có hai người: ông già và cô gái. Họ đang uống rượu, thủ thỉ nói chuyện.

Tô phở đã kết thúc mà mưa chưa dứt. Sài Gòn mưa tháng Bảy nhì nhằng bất kể lúc nào, tối khuya hay nửa đêm về sáng cũng không chừa…

- “Chú em qua đây làm một ly cho ấm bụng”, ông già nâng ly nói với qua.

Đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh. Mưa rả rích thế này, đang thèm rượu, mà uống một mình, cay ai chịu nổi! Không khách sáo, tôi bước qua bàn ông, cạn ly.

Ông già chỉ qua cô gái với chút hãnh diện: “Đây là con gái tôi. Nó làm ở tổ hợp đan lát. Hôm nay nó lãnh lương, rủ bố đi nhậu”. Cô gái trạc hai mươi, tóc ngắn, có da thịt, trông có vẻ quyết đoán.

Ông tự giới thiệu là họa sĩ. Trước năm 75, có triển lãm tranh ở nhiều nơi, kiếm tiền rủng rỉnh, tay chơi một thời. Bây giờ chẳng ai mua tranh, bèn đi vẽ thuê pa-nô, áp-phích qua ngày.
Tôi dốt hội họa bẩm sinh, dốt từ thời đi học, và bây giờ vẫn dốt, nên không hào hứng lắm với chuyện tranh ảnh, nhưng nghe ông kể cuộc đời lãng tử của ông, chuyện văn nghệ sĩ Sài Gòn…, cũng thấy vui vui.

Chuyện vãn, tôi đoán ông khoảng ngoài năm mươi, tóc dài chấm vai, thưa, nhiều sợi bạc, mắt hõm sâu, tinh anh, mặt gầy, xương xẩu, áo sơ mi đuôi tôm rộng thùng thình. Trông ông có vẻ già hơn tuổi nhiều.

Tô mồi gân bò còn hơi đầy, nhưng xị rượu gần cạn. Có vẻ như cha con họ uống nhiều, nói nhiều và nghe nhiều hơn là ăn. Tôi gọi thêm xị rượu, “Xin phép chú, từ chai này cháu tính, mời chú và cô em”. Ông xua tay, hơi to giọng: “Chú em gọi rượu được, tính tiền được, nhưng không được gọi tôi bằng chú, phải gọi là anh, mình là dân nghệ sĩ”.

Ông già chơi thế mới… nghiệt. Tôi hơn cô gái chừng năm, sáu tuổi chứ nhiêu. Thiệt lỡ cỡ… Tôi rót rượu mời ông, mời cô gái. Cô chỉ nhấp môi, lí nhí: “Cám ơn… chú”. Lỡ cỡ là ở chỗ đó! Ông già cười ha hả: “Con này nó chỉ phá mồi”.

Rượu ngấm qua bờ môi… Bỗng nhiên ông đứng dậy, lảo đảo, một tay vịn mép bàn, và hát:


Tiếng hát không cần nhịp, lúc ngắn lúc dài, khi hát khi nói, lúc nhỏ lúc to… Ông khom người xuống, tay phải áp vào tim, tay trái giang ra diễn đạt. Đã còng lưng sẵn, khi hát trông ông lại càng còng đến thảm hại.

Ông hát không cần người nghe, hát cho chính ông, hát để trang trải nỗi lòng. Rồi ông thẳng người lên:


Giọng ông khàn, gào lên như tiếng con gà bị cắt tiết. Tôi nhìn sang cô gái, mắt cô chăm chăm nhìn cha. Tôi buột miệng: “Mẹ đâu?”. Mắt cô vẫn không rời cha, môi mím chặt: “Bỏ đi rồi!”. Tôi thấy khóe mắt cô có giọt nước.

Những năm tháng đó, lòng người đổ vỡ nhiều, kẻ đi người ở, tâm trạng lao đao, nhân tình thế thái. Giọng hát của ông họa sĩ dở nhất trên đời, nhưng nghe ông hát, nhìn ông diễn mới cảm ra được số phận thế nào. Tiếng hát không đi vào lòng người thì đi về đâu? Ánh mắt của cô con gái nhìn cha đã ám ảnh tôi cả một đoạn đường dài.

Cách đây không lâu, tôi có đọc một truyện ngắn của một cô gái kể về cha mình. Cha cô là một người đàn ông có trách nhiệm, nghiêm khắc, thương con. Từ ngày qua Mỹ, ông làm quần quật để lo cho các con ăn học. Mục tiêu của ông là thế, rồi dựng vợ gả chồng. Mẹ cô tiếng Anh kém, chỉ ở nhà nội trợ.

Đến tuổi, mẹ cô lãnh tiền già, ba cô lãnh lương hưu. Mẹ cô bỗng đổi tính đổi nết, ăn nói ngang ngược, suy diễn lung tung. Ba cô trở nên ít nói, suốt ngày ở trong phòng, niềm vui duy nhất là đứa cháu ngoại. Rồi một hôm ba cô bỏ đi, để lại mảnh giấy nhắn, đừng lo cho ông và cũng đừng tìm ông. Cô lo lắng, dọ hỏi khắp nơi. Không ai biết tin về ông.

Một hôm cô nhận được thiệp mừng sinh nhật của ông gửi cho con gái cô. Ông nhớ cháu ngoại. Thư không ghi địa chỉ người gửi. Cô xin nghỉ phép, lần theo dấu bưu điện tìm cha. Hai cha con gặp nhau ở quán cà phê. Cô mời ông về nhà để cô chăm sóc, nhưng ông từ chối. Ông cho biết ông đang trông cửa hàng cho một người bạn học. Bà ta đã góa chồng, hiện ở với đứa con gái trạc tuổi cô. Cả hai đều quý ông, và ông cảm thấy thoải mái khi ở đó. Trông cha cô khỏe ra, vui hơn, cô thấy yên tâm.

Vài năm sau, ông về thăm nhà. Ngày hôm sau bị đột quỵ, rồi mất ở bệnh viện vài ngày sau đó. Mẹ cô cũng than khóc như bất cứ bà vợ mất chồng nào khác.

Ở nghĩa trang, cô thấy xa xa hai người phụ nữ mặc đồ đen, một già, một trung niên, lặng lẽ đứng dưới gốc cây. Một trong hai người dùng khăn chậm nước mắt.

Linh cảm cho cô biết họ là ai. Cô tiến về phía họ, định nói lời cảm ơn đã chăm sóc cha cô những năm tháng cuối đời, nhưng cả hai đã quay lưng, bước ra khỏi nghĩa trang. Cô cảm thấy có điều gì đó ân hận và nuối tiếc…
Chuyện chấm dứt ở đây.

Cô thương cha, cô muốn phụng dưỡng, chăm lo ăn uống, sức khỏe cho ông. Cô cũng hiểu cha cô buồn bực, khổ tâm vì những lời nói ngang ngược của mẹ. Là con, cô cảm thấy mình khó xử. Cô muốn cha vui. Nhưng liệu cô có hiểu, người già như cha cô, khi xong nghĩa vụ với con cái, thường có xu hướng quay về với quá khứ, với những ước mơ thời trẻ, không phải để thực hiện hay nuối tiếc, mà để sống với giấc mơ, đắm chìm với nó như một níu kéo mà phần lớn cuộc đời, vì cơm áo gạo tiền, vì trách nhiệm với gia đình họ đã không dám phiêu lưu.

Người già thấm thía số phận hơn người trẻ. Lý trí và cảm xúc, cố chấp và khoan dung, tự tôn và nhẫn nhục… Yếu tố mâu thuẫn trong những cặp này đan xen vào nhau, vế sau thường trội hơn vế trước. Người già thường nghiêng về vế sau: cảm xúc, khoan dung và nhẫn nhục.

Như con hổ già trong gánh xiếc bỗng nhiên nhớ rừng, người già thường cô đơn, dễ tủi. Họ cần sự cảm thông và chia sẻ, nhưng bất cần trước sự mỏng manh của chính mình, hờ hững với tiện nghi vật chất. Thế giới tâm linh trở nên gần gũi hơn.

Với người già, thức ăn trở nên nhạt nhẽo, sức khỏe là điều miễn cưỡng. Con cái quan tâm đến cha mẹ già như một đối tượng khách quan; chữ hiếu được làm tròn bằng sự chăm sóc duy ý chí với những kiến thức khoa học hiện đại. Nước mắt chảy xuôi là quy luật, nhưng chảy ngược như thế liệu có phải là những thứ người già cần?

Khi cha mất, cô mới nhận ra nhu cầu tinh thần của ông. Người đàn bà lặng lẽ ở nghĩa trang đã làm cô hiểu ra điều đó.
Cô hiểu, nhưng chưa thấu được những giọt nước mắt “không chính danh” mà người phụ nữ kia đã phải nuốt ngược vào tim. Tử Kỳ mất rồi, cây đàn Bá Nha còn để làm gì? Cô chưa với tay được tới tri âm. Chưa với tay được, có lẽ vì cô chưa bao giờ ngồi… nhậu với cha cô. (chữ “nhậu” ở đây mà hiểu theo nghĩa cụng ly chan chát, thì buồn chết).

Không khí bàn nhậu thường làm tâm hồn người ta chùng lại, đôi khi nói với khoảng không, nói mà như không nói. Trong những khoảnh khắc đó, cô có thể bắt gặp được cha cô. Người già biết quãng đời còn lại của họ như gió thoảng, sống chỉ là sống nốt cho hết tuổi đời.

Tôi không có duyên để gặp cha con ông họa sĩ lần thứ hai. Chẳng biết bây giờ họ ra sao? Nếu gặp lại, có thể tôi vẫn nhận ra ông. Ông không thể già hơn được nữa. Còn cô gái, bây giờ cũng xấp xỉ năm mươi với nếp nhăn trên khóe mắt, và còn biết bao biến đổi khác… Chỉ một lần gặp, rồi ba mươi năm trôi qua, làm sao có thể nhớ được khuôn mặt.

Nhưng nếu gặp nhau ở quán rượu, chỉ cần bắt gặp ánh mắt của cô nhìn cha, có thể tôi sẽ nhận ra. Đó là ánh mắt xót xa thương cảm vô bờ, rõ ràng là ánh mắt của người mẹ, không phải của đứa con nhìn cha. Chắc chắn tôi sẽ nhận ra.

Vũ Thế Thành

No comments:

Blog Archive