Câu Chuyện Luật Pháp: Ngày Trở Về
CÂU CHUYỆN LUẬT PHÁP: NGÀY TRỞ VỀ
Luật gia, Phó Tế Nguyễn Mạnh San
Thông thường những người xa quê hương vì rất nhiều những lý do khác biệt nhau, chẳng hạn như đi du học, đi làm việc công hay tư ở quốc ngoại, đi du lịch, đi công tác, đi tu nghiệp nghề nghiệp chuyên môn, đi các dịch vụ về thương mại, lập gia đình với người ngoại quốc phải theo chồng hay theo vợ ra nước ngoài v.v…, và phải kể đến trường hợp đặc biệt của hàng trăm ngàn người, già trẻ lớn bé phải bỏ quê hương Việt-Nam ra đi xa xôi hàng ngàn dặm, bằng những phương tiện thập tử nhất sinh, để trốn chạy cộng sản ra khỏi quê hương yêu dấu để đi tìm tự do của người Việt-Nam chúng ta nói riêng, thì tất cả những người này khi có dịp được quay trở về quê hương, đều có những cảm giác và những nỗi xúc động tương tự gần giống nhau.
Trong sự bồi hồi xúc động, tay bắt mặt mừng, họ được gặp lại để trò chuyện với những người họ hàng thân yêu, những bạn bè xa gần thân thiết, nhìn thấy tận mắt những làng xưa chốn cũ, nhớ lại những kỷ niệm êm đẹp từ thuở thơ ấu cho đến ngày tạm thời phải rời bỏ những nơi này ra đi, ôi biết bao nhiêu nỗi xúc động trộn lẫn niềm sung sướng vô biên, nói làm sao cho hết được.
Để tiêu biểu cho những nỗi cảm xúc này, chúng ta có thể trích tạm một đoạn lời ca trong bản nhạc Ngày Trở Về của nhạc sĩ Phạm Duy như: Ngày trở về, những đóa hoa, Thắm thoát mười năm nhớ anh vắng xa, Có nhiều khi đời hoa chóng già vì thiếu mặn mà, Đàn trẻ đùa bên lũ trâu, Tiếng hát bình minh thoáng trên bãi dâu, Gió về đâu, con thương tiếc người giọng hát rầu rầu.
Hoặc những nỗi cảm xúc tương tự như thế trong bản nhạc nổi tiếng khắp thế giới: Trở Về Mái Nhà Xưa (Come Back To Sorrento) cũng do nhạc sĩ Phạm Duy dịch ra lời Việt là: Về đây khi mái tóc còn xanh xanh, Về đây với màu gió ngày lang thang, Về đây xác hiu hắt lạnh lùng, Ôi lãng du quay về điêu tàn.
Đó là một vài nỗi cảm xúc tiêu biểu cho những người phải xa gia đình hay xa quê hương tạm một thời gian vì những lý do vừa nêu ở trên, thì nay có cơ hội tự mình muốn quay trở về thăm lại gia đình hay trở về thăm quê hương trong một thời gian dài hay ngắn hoặc có khi trở về luôn. Thế nhưng ngày trở về quê hương Việt-Nam sắp tới trong vòng vài tháng nữa của một số đông người Việt, thì những cảm xúc của họ hoàn toàn khác biệt, không giống những cảm xúc như những lời ca trong hai bản nhạc vừa nói trên, mà những cảm xúc của họ là sự lo sợ, buồn rầu, thất vọng vì bị cưỡng bách phải trở về quê hương, sẽ tạo nên những cảnh chia ly tang thương đầy nước mắt: Chồng phải xa vợ hay vợ phải xa chồng, con cái phải xa Bố hay xa Mẹ, anh chị em phải xa nhau v.v…, quả thật sự kiện này gần đúng như vậy.
Vì cách đây vài tuần lễ, cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ đã bị hoảng hốt, hoang mang, bàn tán xôn xao với nhau về một thỏa hiệp đã được ký kết vào ngày 22 tháng 1 năm 2008 giữa chính phủ Hoa Kỳ với chính phủ Việt-Nam là: chính phủ Việt-Nam bằng lòng tiếp nhận những người Việt-Nam đã bị chính phủ Hoa Kỳ trục xuất trả về nguyên quán qua những án lệnh của Tòa đã ấn ký trước đây (Nói đến án lệnh tức là nói đến những thường trú nhân đã thi hành xong bản án tù ở vì đã vi phạm pháp luật Hoa Kỳ hoặc những người cư trú bất hợp pháp (Illegal Aliens) vì nhiều nguyên nhân khác nhau) và thỏa hiệp này sẽ có hiệu lực trong vòng 5 năm, và 6 tháng trước khi thỏa hiệp này hết hạn thi hành kể từ ngày ký, nếu không có bên nào tỏ ý từ chối việc gia hạn thì thỏa hiệp này tự động sẽ được gia hạn thêm một thời gian 3 năm nữa, có nghĩa là thỏa hiệp sẽ được thi hành trong thời gian 8 năm liên tục. Thỏa hiệp này chỉ áp dụng đối với những người Việt đến Hoa Kỳ vào ngày 12 tháng 7 năm 1995 hoặc đến Hoa Kỳ sau ngày này mà thôi.
Căn cứ theo lời phát biểu về thỏa hiệp này của bà Julie Myers, Giám Đốc Cơ Quan Thi Hành Luật Di Trú và Quan Thuế Hoa Kỳ (U.S. Immigration and Customs Enforcement) là những người Việt-Nam vào Hoa Kỳ bất hợp pháp sau khi mối bang giao bất hòa từ xưa giữa hai nước đã được bình thường hóa vào năm 1995, thì bây giờ những người này có thể (chữ có thể ở đây nên hiểu là chưa chắc chắn) bị ép buộc phải quay trở về lại nguyên quán (Vietnamese who entered the U.S. illegally after the former foes normalized relations in 1995 could now be forced to return to their birth country , said Julie Myers, Director of U.S. Immigration and Customs Enforcement).
Nhưng mới đây các giới chức cũng thuộc cơ quan của bà Myers đã cho biết cho đến bây giờ, có phỏng chừng 6,200 người Việt đã lãnh nhận án lệnh trục xuất mà những người này đã vào Hoa Kỳ trước giữa năm 1995 sẽ không bị ảnh hưởng đối với thỏa hiệp này và các giới chức này cũng cho biết có khoảng 1,500 người Việt sẽ bị trục xuất trả về Việt-Nam sau khi thỏa hiệp này được áp dụng vào cuối tháng 3 sắp đến. Những người này là thường trú nhân hợp pháp nhưng đã vi phạm những tội trạng được liệt kê là những tội tiểu hình hay đại hình bị trục xuất hay những người đã cư trú quá thời gian hạn định đã ghi rõ trong giấy chiếu khán. Bản thỏa hiệp này được chia ra từng giai đoạn để cho Hoa Kỳ và ViệtNam có đủ thời gian thi hành thỏa hiệp này.
Chính vì những lời tuyên bố của giới chức cao cấp có thẩm quyền vừa được kể trên, làm cho nhiều người Việt, thường trú nhân ở đây bị hoang mang lẫn lo sợ cho chính bản thân của mình và cho những người thân bằng quyến thuộc là những thường trú nhân đã từng bị kết án tù ở trước năm 1995 và đã vi phạm pháp luật Hoa Kỳ kể từ ngày 12 tháng 7 năm 1995 cho đến hiện tại. Có rất nhiều thường trú nhân (Permanent residents) đã không hiểu rõ mục đích chính xác của thỏa hiệp này nên đã tự hỏi, nếu vậy thì những ai từ Việt-Nam đến Hoa Kỳ vào này 12 tháng 7 năm 1995 hoặc đến sau ngày này mà chưa vô quốc tịch Hoa Kỳ, mới chỉ là Thường Trú Nhân thôi, thì tất cả những người này đều bị trả về Việt-Nam sao?
Thực ra điều thắc mắc này hoàn toàn không đúng như vậy, nói một cách rõ rệt hơn là những người cư trú ở đây bất hợp pháp kể từ ngày 12 tháng 7 năm 1995 cho đến hiện tại, có thể bị trục xuất trả về nguyên quán và một số Thường Trú Nhân nào đã lãnh án tù ở kể từ ngày 12 tháng 7 năm 1995 thì có thể bị trục xuất để trả về ViệtNam theo tội trạng ở mức độ nặng hay nhẹ tùy theo từng trường hợp của mỗi cá nhân phạm tội nếu nhận được giấy trục xuất. Theo nguồn tin của Thông Tấn Xã Hoa Kỳ (AP) loan báo có hàng ngàn người Việt cư trú bất hợp pháp tại Hoa Kỳ sẽ bị ảnh hưởng bởi thỏa hiệp này.
Khi nhận được những tin vừa kể trên, chúng tôi đã có dịp tham khảo trực tiếp vấn đề này với một số những vị luật sư trên toàn quốc Hoa Kỳ, có kinh nghiệm hành nghề từ 30 cho đến 40 năm về luật hình sự (Criminal law) cũng như về luật di trú (Immigration law) và những vị luật sư này, đa số đều cho rằng: Trước tiên thỏa hiệp mới được ký kết giữa hai chính phủ thuộc ngành hành pháp Hoa Kỳ và chính quyền Việt-Nam (Sở dĩ chúng tôi dùng chữ hành pháp là vì thỏa hiệp này chưa hề có sự phê chuẩn nào của ngành lập pháp Hoa Kỳ, trong khi luật pháp Hoa Kỳ nói chung và luật di trú Hoa Kỳ nói riêng, đều do ngành lập pháp làm ra, phê chuẩn và ban hành. Do đó đang có một số Dân Biểu Hoa Kỳ tỏ thái độ phản đối mạnh mẽ về thỏa hiệp này) chỉ nhằm mục đích trao trả về Việt-Nam những người đang cư trú bất hợp pháp tại Hoa Kỳ, cộng thêm một số những thường trú nhân tội phạm (Criminal permanent residents) từ ngày 12 tháng 7 năm 1995 cho đến hiện tại và cho đến tương lai trong khoảng thời gian từ 5 năm đến 8 năm nếu có sự gia hạn.
Cũng theo đa số ý kiến chung của các vị luật sư này, thì Hoa Kỳ chỉ muốn trục xuất những người nào cư trú bất hợp pháp và một số tội phạm gây nguy hiểm cho xã hội Hoa Kỳ. Dù tội nhân đã thi hành xong bản án, nhưng trên thực tế không phải là một điều đơn giản, dễ dàng để thi hành theo như thỏa hiệp này, vì các tội nhân phải qua những thủ tục pháp lý (Legal procedures) khá phức tạp mà Hoa Kỳ là một quốc gia luôn luôn biết thượng tôn pháp luật, áp dụng tuyệt đối quyền bình đẳng trước công lý (Absolutely due process), có nghĩa là tất cả mọi tội phạm phải được xét xử một cách công minh chính trực trước Tòa án cấp dưới và được phép đệ đơn kháng cáo lên Tòa án cấp trên để xin xét xử lại bản án.
Khi nói đến vấn đề trục xuất những người cư trú bất hợp pháp và những thường trú nhân tội phạm ra khỏi Hoa Kỳ, là nói đến luật di trú của Hoa Kỳ (US Immigration Law) và những loại tội phạm nào sẽ được đem ra áp dụng để tống xuất can phạm về nguyên quán, thì theo Đạo Luật Cải Cách về Di Trú Bất Hợp Pháp và về Trách Nhiệm Di Dân của Hoa Kỳ đã ban hành vào năm 1996 (the Illegal Immigration Reform and Immigrant Responsibility Act) và Đạo Luật Hoa Kỳ điều 8 U.S.C. Section 1101(a)(43) được quy định rõ ràng những tội trạng như sau:
1. Tội giết người, hiếp dâm hay lạm dụng tình dục với trẻ em dưới tuổi vị thành niên.
2. Tội buôn bán những chất cần sa ma túy.
3. Tội buôn bán súng đạn, những dụng cụ dùng để phá hoại hay những chất nổ.
4. Tội buôn bán bằng tiền bất hợp pháp gọi là tội rửa tiền (Xem điều luật 18 U.S.C. Section 1956).
5. Những loại tội cất giấu những thuốc nổ và súng đạn bất hợp pháp (Xem điều luật 18 U.S.C. Section 842 và Section 924 and 26 U.S.C. Section 5861)
6. Những tội bạo hành ghi trong điều 18 U.S.C Section 16 đối với bản án tù ở từ 1 năm trở lên.
7. Tội ăn trộm ăn cắp đối với những bản án tù ở từ 1 năm trở lên.
8. Tội tống tiền (Xem điều luật 18 U.S.C. Section 875)
9. Một vài tội cho trẻ con coi hình ảnh tục tỉu (Xem điều luật 18 U.S.C. Section 2251)
10. Những tội buôn bán bất hợp pháp để kiếm tiền bị tù ở từ 1 năm trở lên.
11. Tội mại dâm, tổ chức mại dâm hay đưa người qua Tiểu Bang khác để ép buộc làm nghề mại dâm.
12. Tội tiết lộ an ninh quốc phòng.
13. Tội lừa đảo người ta hay chính quyền mà sự thiệt hại vượt quá $10,000.
14. Tội đưa lậu người vào Hoa Kỳ.
15. Tội nhập cảnh Hoa Kỳ bất hợp pháp hoặc trở lại vào Hoa Kỳ bất hợp pháp.
16. Tội dùng giấy tờ nhập cảnh giả mạo bị tù ở từ 1 năm trở lên.
17. Tội trốn tránh không đi trình diện ở tù.
18. Tội hối lộ, giả mạo giấy tờ trái phép hay đổi bảng số giả cho xe hơi.
19. Tội tuyên thệ gian dối, tội lừa đảo có nhân chứng hay làm cản trở công lý bị tù ở từ 1 năm trở lên.
20. Tội không trình diện Tòa án có liên quan đến vụ truy tố hình sự có thể bị tù ở từ 2 năm trở lên.
21. Tội dự tính hay âm mưu phạm những tội kể trên.
Những người di dân phạm những tội nói trên có thể không được hưởng sự khoan hồng để ở lại Hoa Kỳ, có thể không được nhập tịch, có thể không được quay trở về lại Hoa Kỳ sau khi đã bị tống xuất về Việt-Nam và có thể những án lệnh của Tòa Án Di Trú phán quyết sẽ không được hưởng đặc ân bãi bỏ nếu không có quyết nghị đặc biệt của Tổng Trưởng Tư Pháp Hoa Kỳ. Ấy thế mà chúng ta vẫn còn nhớ, cách đây khoảng hơn một năm, một số đài truyền hình đã chiếu trên màn ảnh về một cuộc biểu tình vĩ đại của hàng ngàn người Mễ cư trú bất hợp pháp tại Tiểu Bang California, hiên ngang đi diễn hành trên đường phố Los Angeles, họ hô to những khẩu hiệu đòi chính phủ Hoa Kỳ phải ngưng trục xuất họ, dành cho họ một số quyền lợi về công ăn việc làm, về lương bổng tối thiểu v.v… Đây đúng là một sự kiện độc nhất vô nhị, đã đi ăn mày mà còn đòi sôi gấc, chỉ xảy ra ở Hoa Kỳ chứ không thể xảy ra ở bất cứ một quốc gia tự do dân chủ nào khác trên thế giới.
Rồi đối với vấn đề bảo vệ lãnh thổ biên giới giữa Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ, để ngăn chặn không cho những người Mễ băng qua biên giới chốn sang Hoa Kỳ cư trú bất hợp pháp, Hoa Kỳ đã phải tiêu tốn một số tiền khổng lồ của dân đóng thuế để xây cất lên một bức tường cao ngất, nối dài hàng trăm dặm dọc theo biên giới giữa Mexico và Hoa Kỳ, nhưng vẫn không đem lại hiệu quả khả quan nào như Hoa Kỳ mong muốn và có một vị luật sư đã từng tham chiến tại Việt-Nam kể cho chúng tôi nghe, để tiết kiệm tiền của dân đóng thuế, đã có một số người đưa ra ý kiến, là cứ đem chôn những quả mìn Claymore dọc theo biên giới với hàng chữ to tướng: Hãy coi chừng nếu bước qua đường ranh giới này, mìn sẽ nổ tung banh xác, thì bố bảo ai dám bước qua, ngay cả quân khủng bố cũng chẳng dám bước qua; nhưng Hoa Kỳ coi đó là một việc làm dã man và tàn bạo, chỉ có thể xảy ra ở những nước cộng sản hay ở trong thời kỳ chiến tranh mà thôi.
Để quay trở lại vấn đề thỏa hiệp vừa kể trên, theo lời khuyên của những vị luật sư này, là dù những người cư trú bất hợp pháp hay những thường trú nhân tội phạm nào đã nhận hoặc chưa nhận được án lệnh trục xuất nằm trong thỏa hiệp mới này, tốt hơn hết là nên tìm cách tham khảo với những vị luật sư tại địa phương, chuyên môn về luật hình sự (Criminal law) và về luật di trú (Immigration law), để nhận được giải thích một cách chính xác hay được bênh vực trước Tòa án, thì sẽ có hiệu quả hơn vì nội vụ mang tính cách chuyên biệt. Nên nhớ rằng bên phía Hoa Kỳ là bên trục xuất trả người về Việt-Nam, còn bên phía Việt-Nam là bên tiếp nhận người bị trục xuất. Nhưng trước khi Hoa Kỳ trục xuất người nào để trả về Việt-Nam, thì người bị trục xuất phải được xét xử từng tội trạng khác nhau trước Tòa Án Tiểu Bang, Tòa Án Liên Bang hay Tòa Án của sở Di Trú Hoa
Kỳ theo pháp luật hiện hành của Hoa Kỳ. Ngược lại, để tiếp nhận những người bị Hoa Kỳ trục xuất trả về nguyên quán là Việt-Nam, thì Việt-Nam cũng có toàn quyền bằng lòng tiếp nhận hay từ chối tiếp nhận từng trường hợp một, sau khi Việt-Nam đã xét duyệt hồ sơ cá nhân của những người bị Hoa Kỳ trả về nguyên quán. Nói tóm lại thỏa hiệp này không có nghĩa là hoàn toàn tất cả những người Việt-Nam vào Hoa Kỳ ngày 12 tháng 7 năm 1995, hoặc sau ngày này, để cư trú bất hợp pháp tại Hoa Kỳ và tất cả những thường trú nhân tội phạm trong thời gian này, đều sẽ bị Hoa-Kỳ trục xuất trả về Việt-Nam. Thỏa hiệp này cũng không có nghĩa là bất cứ những người Việt bị Hoa Kỳ trục xuất trả về Việt-Nam thì Việt-Nam bị bắt buộc phải tiếp nhận tất cả những người này. Sau đây chúng tôi xin kể lại 3 câu chuyện tiêu biểu cho những người cư trú bất hợp pháp tại Hoa Kỳ và có thể bị trục xuất trả về Việt-Nam:
1. Một cựu chiến binh Hoa Kỳ 55 tuổi, đã từng tham chiến ở Việt-Nam hơn 3 năm và nay ông ta quay trở về thăm Việt-Nam để được xem tận mắt những nơi trước kia ông đã từng đóng quân tại đó. Trong thời gian thăm viếng Việt-Nam 4 tuần lễ, ông tình cờ gặp một cô gái ở thôn quê mới 20 tuổi rất xinh đẹp, ăn nói dịu dàng dễ thương, và hai người yêu nhau thắm thiết. Sau khi ông trở về lại Hoa Kỳ, ông liền đệ nạp đơn bảo trợ cho cô ta đoàn tụ với ông theo diện hôn thê (Fiancee). Cô thiếu nữ này sang tới đây chưa đầy 1 tháng, chưa kịp làm giấy hôn thú vì thời gian vẫn còn hạn tới 62 ngày nữa để lập hôn thú, thì ông chết bất đắc kỳ tử (Heart attack), không kịp trăn trối một lời nào từ biệt với cô, thật đúng là hồng nhan bạc phận.
Theo luật di trú Hoa Kỳ, không lập hôn thú trong vòng 90 ngày, quá thời gian này thì cô phải quay trở về Việt-Nam nếu người yêu của cô chưa lập hôn thú với cô. Sự việc thật đắng cay xảy ra bất ngờ, là người yêu của cô giờ đây đã nằm an nghỉ vĩnh viễn dưới lòng đất trong khi ông chưa kịp lập hôn thú với cô. Thế rồi sắp tới ngày phải lên đường trở về quê cũ, thì cô gặp một chàng trai Việt-Nam ở đây hơn cô có 3 tuổi, lại là một kỹ sư điện toán mới ra trường, anh này đã biết rõ tình trạng đáng thương của cô và anh tỏ lòng thương yêu cô hết mình hết sức trên hết mọi sự bằng cách dẫn cô đi lập hôn thú với anh ở Tòa án, chỉ trước một ngày chiếu khán của cô hết hạn được phép cư trú ở Hoa Kỳ.
Cho dù cô đã lập hôn thú với anh Việt-Nam này đi chăng nữa, theo luật di trú, cô vẫn phải quay về quê cũ để chờ tới ngày được mời đi phỏng vấn tại Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Việt-Nam và phải được chấp thuận, thì cô mới có thể sum họp lại với chồng được. Khổ một nỗi tình yêu của hai người như keo sơn super glue, chặt không đứt dứt không ra, mỗi năm cô đều tặng chồng mình một tí nhau và cho đến nay hai vợ chồng đã có 2 đứa con trai kháu khỉnh, nhưng người vợ này vẫn ở trong tình trạng cư dân bất hợp pháp (Illegal alien) và căn cứ theo thỏa hiệp nêu trên thì cô phải trở về Việt-Nam để trở thành Ngưu Lang Chức Nữ, thật là men tình chưa cạn đã bị chia ly, chưa biết đến bao giờ mới được sum họp lại với chồng con. Vì cô này đến Hoa Kỳ sau ngày 12 tháng 7 năm 1995.
2. Một anh chàng Việt-Nam còn trẻ tuổi tài cao, mới 30 mùa xuân, lấy vợ người Việt sanh tại Hoa Kỳ chưa đầy một năm thì bị vợ đệ đơn ra Tòa xin ly dị chồng vì anh chồng mang tật mê tiền hơn mê gái, đếm lu nước mắm tính củ dưa hành. Có câu hát rằng chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi, đằng này lại chắt chiu tháng tháng cho vợ đi làm để mang tiền về nạp cho chồng. Sau khi ly dị được 6 tháng, anh này đi du lịch về Việt-Nam để kiếm một cô gái lấy về làm vợ, áp dụng đúng câu “Đàn ông ở một mình không tốt”.
Qua kinh nghiệm đã một lần dang dở, thay vì có rất nhiều cô gái trẻ xinh đẹp ở Sàigòn, trông rất Mi Nhon thấy diện mạo của anh, các cô đều ao ước được anh ghé mắt chiếu cố, nhưng anh vẫn nhắm mắt làm ngơ, chẳng thèm để ý đến ai hết, vì sợ phải lòng cô nào, rồi nhỡ lấy nhầm phải cô chiêu đãi viên bán bia ôm hay bán cà phê ôm, thì làm hỏng cả cuộc đời xuân thì của một chàng trai tuổi trẻ tài cao như anh, suốt đời chỉ biết yêu tiền hơn yêu gái nên anh đã liều mình, nghĩ thầm trong bụng, dù lỡ có bị xe đò cán chết hay bị gãy chân thì cũng chẳng sao, miễn là tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy nên anh đã thuê xe Honda ôm đi từ Sàigòn về đến một thôn quê bé nhỏ hẻo lánh thuộc ngoại ô tỉnh Sóc Trăng.
Ở đây được vài ngày, anh đã chọn được một cô gái còn non dại, tính tình hiền lành chất phác, bảo sao nghe vậy, thua anh mới có 12 tuổi. Ngay khi quay trở về Hoa Kỳ, anh liền nạp đơn xin bảo lãnh người yêu theo diện hôn thê và chưa đầy 7 tháng sau, anh nhận được tin vui là người yêu của anh được chấp thuận vào Hoa Kỳ, anh liền vội vàng mua vé máy bay quay trở về Việt-Nam để chính bản thân anh sẽ hộ tống người yêu qua Hoa Kỳ cho chắc ăn một trăm phần trăm, vì anh đã có một người bạn thân bảo trợ người yêu sang Hoa Kỳ theo diện hôn thê như anh, nhưng tới ngày bạn anh ra phi trường đón người yêu của anh ta đến, bạn anh đã phải chờ đợi ở phi trường cho đến quá nửa đêm mà vẫn không thấy bóng dáng con chim uyên yêu dấu của anh ta xuất hiện. Sau này tìm hiểu nguyên do, mới vỡ lẽ ra là con chim uyên yêu dấu này đã đáp máy bay xuống phi trường San Francisco để sum họp với vị Hoàng Tử yêu quý nhất đời của nàng tại đây, vị Hoàng Tử này mới chỉ có thẻ thường trú không thể bảo lãnh nàng sang đây theo diện hôn thê được, còn nếu bảo lãnh theo diện vợ chồng thì phải đợi chờ ít nhất trên 2 năm mới có thể sum họp được.
Tới đây xin trở lại câu chuyện anh chàng trẻ tuổi tài cao bay về Việt-Nam đón người yêu, khi đã đưa được người yêu qua Hoa Kỳ rồi, ngày hôm sau anh đưa nàng đi lập hôn thú và liền nạp đơn với sở di trú xin đổi tình trạng hôn thê sang diện vợ chồng. Trong khi đang chờ đợi sở di trú gọi nàng đi phỏng vấn, nàng báo tin mừng cho chồng nàng biết là bác sĩ gia đình xác nhận nàng đã có thai được gần 5 tháng. Thay vì nghe được tin mừng này thì anh phải vui mừng mới đúng, ngược lại anh lại tỏ ra im lặng buồn bã và chờ đến tối khuya, anh đưa đề nghị với vợ anh là nàng phải phá thai, nại những lý do là anh sắp bị sở cho nghỉ việc, lấy tiền bạc đâu mà nuôi con, nuôi con ở bên này không đúng tiêu chuẩn pháp luật đã quy định, sẽ bị Bộ An Sinh Xã Hội lấy mất con đi cho chính phủ nuôi v.v… Lẽ dĩ nhiên nàng không bằng lòng lời đề nghị phá thai của chồng vì nàng là một con chiên ngoan đạo từ thuở còn thơ ấu, Cha Mẹ của nàng là những con chiên đạo gốc ngoan đạo. Nói tới đây chúng tôi nhớ tới một câu hát “Làm sao giết được người trong mộng” nhưng trong trường hợp này, anh chồng lại muốn giết người trong bụng vợ nên nàng không thể chấp nhận một hành động đồng lõa với chồng để giết em bé còn trong bụng mẹ, hành động như thế chẳng khác gì tự mình giết mình và còn giết thêm một đứa bé vô tội, có thể thoát khỏi tội giết người trước pháp luật nhưng không thể thoát tội giết người trước mặt Thiên Chúa được.
Thế rồi như đã dự tính trước, vào một hôm trong lúc chồng đi làm vắng nhà, nhờ sự giúp đỡ của một người bạn gái quen thân từ Việt Nam ở một Tiểu Bang khác, cũng lấy chồng Việt kiều trước nàng đã sang đây hơn 2 năm, cả hai vợ chồng người bạn này tình nguyện lái xe đến đón nàng đưa đi trốn, không cho chồng nàng biết nàng đang ở đâu. Anh chồng đi làm về khuya, không thấy vợ mình đâu, liền báo cho cảnh sát biết và ngày hôm sau anh cũng báo tình trạng vợ bỏ nhà ra đi cho sở di trú biết, vì vợ anh mới tới đây chưa đủ một năm và cũng chưa được sở si trú phỏng vấn. Vậy kể cả hai trường hợp cô vợ anh và cô vợ của người bạn trai anh vừa kể ở phần trên, đều trở thành cư dân bất hợp pháp và nếu bị bắt giữ, sẽ có thể bị trục xuất về Việt-Nam theo thỏa hiệp đã nêu trên.
3. Người ta có câu hát “Anh chưa thi đỗ thì chưa động phòng” nhưng trong trường hợp sau đây thật là quái ác, anh đã thi đỗ từ lâu rồi mà vẫn chưa được động phòng. Thật vậy, có một chàng thanh niên đẹp trai, học giỏi, đậu tới 2 mảnh bằng BA và MA, có công ăn việc làm tốt lương rất cao, chưa bao giờ bồ bịch với cô nào, có nhiều cô Mỹ da trắng, Mỹ da vàng, Mễ lai Mỹ theo anh như đỉa đói, thế mà anh chẳng thèm ghé đôi mắt nâu của anh đến một ai hết, chỉ biết học và nghe lời Cha Mẹ dạy bảo, một mẫu người trai lý tưởng hiếm quý trên cõi đời này.
Cách đây 2 năm, Cha Mẹ anh đã đưa anh về Việt Nam xem mắt cô dâu tương lai do Cha Mẹ chọn và vừa mới gặp mặt cô nàng là anh chịu liền tức khắc. Chưa đầy 7 tháng sau, cô dâu tương lai được phép sang Hoa Kỳ theo diện hôn thê. Ngày đầu tiên vừa đặt chân tới đây, cô nhỏ nhẹ thủ thỉ sát bên tai Mẹ anh, xin Mẹ cho phép con vào mỗi buổi tối được ngủ chung với Mẹ cho tới ngày đám cưới, thì tới lúc đó con mới dám động phòng với anh ấy, chứ chưa cưới hỏi chính thức mà ăn nằm với nhau thì phạm tội trọng trước mặt Chúa.
Vừa nghe xong lời yêu cầu này của cô con dâu tương lai làm bà cảm thấy sung sướng muốn chảy nước mắt, tỏ lời khen lấy khen để, nào là con dâu tương lai của Mẹ đúng là con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, gia đình hai bên chúng ta đều là những con chiên đạo gốc ngoan đạo có khác, con trai của bà cho đến giờ phút này chỉ có biết ăn học, đi làm việc, tan sở xong về thẳng nhà, cuối tuần đi Lễ với Cha Mẹ, không bồ bịch với ai hết. Giờ đây bà lại được người con dâu hiền lành đạo hạnh, biết giữ gìn tiết trinh với chồng trước khi chính thức làm vợ, đúng là Chúa thương trả công cho con trai bà và cho gia đình của bà nữa. Thánh Lễ Thành Hôn đã được dự tính có tới 3 Cha đồng tế Lễ tại Nhà Thờ Chánh Tòa và bữa tiệc cưới sẽ được tổ chức linh đình ở một nhà hàng rộng lớn sang trọng vào bậc nhất tại địa phương, đủ chỗ ngồi cho tới 400 quan khách đã xác nhận sẽ đến dự tiệc.
Than ôi! Như một trái bom nguyên tử đang nổ tung lên trời nhưng may mắn không ai bị thương hay chết, trước tiên nhà trai phải đến xin lỗi Cha Chánh Xứ được phép bãi bỏ Thánh Lễ Hôn Phối và sau đó phải gọi điện thoại thông báo tin động trời này đến từng gia đình quan khách đã gửi thiệp mời, để xin tha lỗi cho nhà trai vì chỉ còn lại 2 ngày nữa là tới ngày Lễ Thanh Hôn và tiệc cưới, thì không hiểu sao cô con dâu tương lai của bà tự nhiên biến mất.
Thoạt đầu những người trong gia đình bà cứ cho rằng cô dâu bị bắt cóc, nhưng sau này vỡ lẽ ra là cô dâu đã tung cánh chim tìm về tổ ấm với người yêu dấu nhất đời của mình đang chờ đợi cô ở một Tiểu Bang khác mà hai người trước đây chỉ được nói chuyện với nhau trong điện thoại, không được gặp mặt nhau đã hơn một năm nay. Anh chàng này vì chưa có quốc tịch nên không thể bảo trợ cho cô này sang đây theo diện hôn thê được và nếu bảo trợ theo diện vợ chồng thì cũng phải chờ đợi ít nhất từ trên 2 năm cho tới 3 năm may ra mới sang đây được. Vậy cho dù sau này, cô này có làm hôn thú với người yêu dấu nhất đời của cô đi chăng nữa, thì cô vẫn ở trong tình trạng cư trú bất hợp pháp và có thể bị trục xuất theo thỏa hiệp nói trên nếu cô bị chính quyền bắt giữ. Nếu đừng có vụ 9/11 xảy ra, thì những nhân vật cư trú bất hợp pháp trong 3 câu chuyện kể trên đều có thể điều chỉnh tình trạng bất hợp pháp để trở thành hợp pháp.
Vì khuôn khổ hạn hẹp của tờ báo dành cho mỗi bài viết, không cho phép chúng tôi đi sâu từng chi tiết là làm thế nào để điều chỉnh tình trạng cư trú bất hợp pháp của những nhân vật trong 3 câu chuyện. Tuy nhiên chúng tôi có thể trình bày cùng đọc giả sơ qua về thủ tục điều chỉnh như sau: Vị luật sư chuyên biệt về di trú sẽ xúc tiến các thủ tục với sở di trú để xin cho thân chủ được phỏng vấn với Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại một quốc gia đệ tam gần Hoa Kỳ nhất, chẳng hạn như Canada, Mexico v.v…, Ít lâu sau, luật sư của thân chủ sẽ nhận được giấy thông báo cho biết ngày giờ thân chủ của mình sẽ được phỏng vấn và vài ngày trước đó, vị luật sư này sẽ hộ tống thân chủ ra khỏi Hoa Kỳ để đến một quốc gia đệ tam để thân chủ của mình được phỏng vấn, rồi tùy theo từng trường hợp phải chờ đợi vài ngày hay vài tuần lễ ở quốc gia đó, để được Tòa Đại Sứ xác nhận sự chấp thuận cho phép thân chủ được vào Hoa Kỳ sum họp với người phối ngẫu. Nhưng từ khi có vụ 9/11 đến nay, vấn đề an ninh nội địa Hoa Kỳ, khi đi vào cũng như lúc đi ra Hoa Kỳ đều bị kiểm soát rất gắt gao, trước kia đi vào Hoa Kỳ không mấy khó khăn, còn đi ra thì rất dễ dàng, nhất là đi sang những quốc gia lân cận lại càng dễ dàng như đi chợ.
Nhưng bây giờ những thân chủ muốn điều chỉnh tình trạng như chúng tôi vừa đề cập, chưa kịp bước chân ra khỏi Hoa Kỳ, mới tới phi trường hay tới biên giới đã bị bắt giữ, để chờ lệnh tống xuất, hành động như thế chẳng khác nào Lạy Ông Tôi Ở Bụi Này. Chúng ta nên nhớ có rất nhiều loại cư trú bất hợp pháp ngoài những loại vừa kể trên, như loại sinh viên du học, loại du khách, loại đi tu nghiệp, loại buôn bán thương mại, loại giả mạo giấy tờ để chiếu khán vào Hoa-Kỳ, loại giả vờ lấy nhau, loại nhập cảnh để chữa bệnh v.v…, tất cả những người này hoặc giấy chiếu khán ở Hoa Kỳ đã hết hạn hoặc không đủ tiêu chuẩn để được ở lại Hoa Kỳ, còn những thường trú nhân phạm tội thì xin đọc lại ở trang có liệt kê những tội danh. Đó là lý do chính mà chính phủ Hoa Kỳ đã theo đuổi gần cả 10 năm nay để thuyết phục Việt-Nam đạt tới một thỏa hiệp như trên. Đợt trục xuất đầu tiên sẽ khởi sự vào cuối tháng 3 năm nay.
Trước khi tạm chấm dứt vấn đề này ở đây, chúng tôi xin nhắc lại một lần nữa là những ai có liên quan đến thỏa hiệp này nên tham khảo sớm với những vị luật sư chuyên biệt về hình sự cũng như về di trú, để biết trước những điều gì mình cần phải chuẩn bị làm, trước khi mình có thể bị trục xuất trả về nguyên quán như người ta vẫn thường nói: Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Tóm lại theo quan điểm của những vị luật sư mà chúng tôi đã tham khảo, đều cho rằng thỏa hiệp này nhắm mục đích cảnh giác những thường trú nhân nào muốn ở lại Hoa Kỳ để vui hưởng quyền tự do, dân chủ thật sự và nhân quyền bao gồm quyền sống và quyền làm người ngay từ khi hài nhi bắt đầu thành hình trong lòng Mẹ tại quốc gia này, thì chớ có dại dột vi phạm những tội danh đã được quy định trong Đạo Luật Cải Cách về Di Trú Hoa Kỳ vào năm 1996 như đã được liệt kê trong bài viết này.
Phó Tế Nguyễn Mạnh San
(Trích từ Tuyển Tập I: Pháp Luật Hoa Kỳ Thực Dụng của Luật gia Nguyễn Mạnh San. Phó tế Giáo hội Công Giáo Hoa Kỳ tại Oklahoma.)
No comments:
Post a Comment