Sunday, May 19, 2024

“VIÊN PHÈN” THÍCH MINH TUỆ

(dưới góc nhìn của một người Công giáo)

“Viên phèn” chỉ là một ẩn dụ, bởi ngài Thích Minh Tuệ gợi cho tôi hình ảnh phèn chua mẹ tôi dùng ngày xưa để lắng nước sông cho trong… Tôi gọi NGÀI Minh Tuệ bằng sự tôn kính cá nhân vì ngài chỉ nhận mình là người "tập tu theo hạnh của Đức Phật để tìm sự giải thoát cho bản thân". Ngài cũng không nói mình tu theo HẠNH ĐẦU ĐÀ. Vì vậy, việc công bố ngài có là tu sĩ, thuộc giáo hội PGVN hay không đều là vô nghĩa. Ngài đã tu theo cách này từ 6 năm trước, tuy nhiên nay mới trở thành hiện tượng nóng- không chỉ trên mạng xã hội mà còn đến sinh hoạt thường ngày của nhiều người.

Có lẽ Đức Thích Ca Mâu Ni cũng khởi đầu như thế. Sau nhiều năm lang thang khổ hạnh và thiền định, ngài mới giác ngộ và ra hoằng pháp, thu nhận đệ tử. Chúa Giêsu cũng lang thang khắp xứ Galilê trong suốt 3 năm để rao giảng Tin Mừng Cứu Độ...

Hình ảnh ngài Minh Tuệ khiến tôi liên tưởng đến thánh Phanxicô Assisi của đạo Công giáo, sinh vào cuối thế kỷ 12.

Là một người có tài thơ ca và khiếu thẩm mỹ, cha là nhà buôn tơ lụa giàu có, bản thân ngài Assisi cũng kế thừa một công việc ổn định. Vậy mà, tiếng gọi sâu thẳm đã đánh thức khiến ngài Assisi từ bỏ mọi sự để dấn thân vào đời sống khó nghèo theo gương Thầy Giêsu.

Để phục dựng những ngôi nhà thờ cũ nát, ngài đi xin từng viên gạch, vữa hồ. Ngài chỉ xin thực phẩm thừa để ăn. Để an ủi, ngài đến với người cùi bằng những cái ôm nồng nàn, chăm sóc và băng bó cho họ… Hiện tượng “Phanxicô” lúc bấy giờ cũng tác động mạnh đến xã hội. Có nhiều người quy tụ bên ngài, trong đó có cả những nhà quý tộc, người giàu có. Thật ra, ban đầu ngài không kêu gọi đệ tử, nhưng khi số đã lên đến 12, ngài đành đến Roma để xin Đức Giáo Hoàng cho phép 'lập dòng tu'.

Khởi đầu, Giáo Hoàng Innocentê III có vẻ e ngại với đoàn tu sĩ rách rưới, đi chân trần như vậy. Nhưng đêm đó, ngài mơ thấy ngôi thánh đường nghiêng dần sắp sụp thì có một tu sĩ chân trần- bộ dạng y như thánh Phanxicô- đến đỡ nó dậy. Thế là hôm sau, Giáo Hoàng chuẩn y việc lập dòng. 

Và quả nhiên, tinh thần của thánh Phanxicô đã tác động rất nhiều đến đời sống Giáo hội lúc bấy giờ và cho đến nay mặc dù ngài Assisi chẳng có vai vế gì, cũng chẳng hành động gì để chỉnh đốn Giáo hội. Nên nhớ vào thời ấy, vua chúa châu Âu trước khi lên ngôi đều đến xin Đức Giáo Hoàng xức dầu tấn phong. Các hồng y, giám mục ở các nước đều nắm giữ chức vụ quan trọng trong triều đình, được cấp đất và phong tước. Cuộc sống xa hoa, quyên thế của các vị giáo phẩm trở nên hiển nhiên!

Do đó, đời sống khổ hạnh của một vị chân tu có tác động rất lớn đến cộng đồng; thánh Phanxicô chẳng rao giảng hay vận động gì mà chỉ chăm chút cho cộng đoàn nhỏ của ngài, sống sao cho các đệ tử noi theo. Còn lại mọi lời giáo huấn của Chúa đều đã có trong Kinh Thánh. Và như Giáo hoàng Phaolô VI đã nói: “Thời nay, người ta cần CHỨNG NHÂN hơn là THẦY DẠY. Và nếu họ tin vào thầy dạy là vì các thầy ấy đã là những chứng nhân.”

Nếp sống khổ hạnh của ngài Minh Tuệ cũng bắt đầu tác động đến cộng đồng, mặc dù ngài không “đao to búa lớn” điều gì.

- “Con chỉ là một người tập tu theo hạnh của Đức Phật”.

Việc người ta theo ngài ngày càng đông tất nhiên có nhiều trở ngại, nhưng tôi nhận thấy một số youtuber, tiktoker (tuy không là tất cả) đã bắt đầu có những clip không nhằm câu view, mà chỉ nhằm tán tụng một hình ảnh đẹp, một tấm gương sáng…

Mới đây, tôi được đọc bài tự sự của một linh mục viết về ngài Minh Tuệ đã đánh động đến đời sống thiêng liêng, khiến vị này nhìn lại mình để học "buông bỏ" nhiều hơn. Tất nhiên, mỗi bậc tu hành đều có đường lối riêng, nhưng xem ra BUÔNG BỎ luôn là mẫu số chung.

** Thánh Phanxicô và ngài Minh Tuệ đều lặng lẽ như "viên phèn" khiến nước ĐỤC thành TRONG. Vào thời buổi lẫn lộn này, hy vọng ngài Minh Tuệ sẽ là “viên phèn” khiến PHÙ SA lắng xuống để chúng ta có được nguồn NƯỚC TRONG LÀNH.

o0o


Bàn về pháp tu của 'ông' Minh Tuệ-- Thái Đức Phương

Cổ nhân có câu: "Có thực mới vực được đạo.” Rất nhiều sư thầy đã kêu gọi Phật tử cúng dường tài vật để họ hoằng dương đạo pháp: xây chùa to phật lớn, gây dựng tiếng tăm, ảnh hưởng. Để tạo động lực, nhiều sư thầy đã dùng đến công cụ vô hình, rất vi diệu, đó là PHƯỚC ĐỨC. Họ bảo: cúng dường nhiều thì phước càng tăng trưởng, con cháu sẽ vinh hiển, đời sau của quý vị sẽ giàu sang, sung sướng.

Bỗng đâu xuất hiện Thích Minh Tuệ, đã gây hiện tượng lạ trên MXH. Ông Minh Tuệ tự nhận là một người “tập học” theo Phật Thích Ca. Ông xem Phật và giới luật là thầy, dù không nhận mình là sư thầy, không nhận đệ tử hay thị giả, không giảng đạo lý cho bất cứ ai. Ông đắp một mảnh chắp vá từ những mẩu vải vụn và ôm cái ruột nồi cơm điện, cứ lang thang từ tỉnh này sang tỉnh khác, ngủ trong nghĩa địa, không nhận tiền mà chỉ nhận một lượng đồ chay đủ cho bữa ăn duy nhất trong ngày. Ông đi vậy được 6 năm rồi.

Ông đã bị nhiều nhà sư và đệ tử của họ chỉ trích...

Cá nhân tôi có cái nhìn rất tích cực về ông Minh Tuệ, hình ảnh của ông đã truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều khi thực hành tâm kham nhẫn trong công việc.

Nhờ những Youtuber và đoàn Phật tử đi theo ông Minh Tuệ suốt mấy ngày đêm mà người ta mới biết được ông tu tinh tấn cỡ nào. Trước đây, tôi không tin và cho rằng "khổ hạnh" chỉ là chuyện bịa trong kinh.

Trước đây, người ta chỉ nghe giảng về 'buông xả, vô ngã', giờ đây bỗng có người “dám” thực hiện điều đó. Cả xã hội ồ lên, nhận ra thế nào là “thực hành”, và bọn 'tu mõm' thì nhảy sồn sồn.

Nay tôi hiểu chữ “thực” trong câu “Có thực mới vực được đạo” nghĩa là “thực hành”. Mạt Pháp phải chăng là do 'rao giảng mà không chịu hành'. Chỉ có thực hành đạo mới mong vực dậy đạo pháp.

Hiện nay, ngay cả những vị mặc áo cà sa kiếm được một tờ A4 có đóng mộc đỏ của giáo hội (xác nhận TU HỢP PHÁP), có làm trụ trì mười chùa, cũng chưa chắc là "tu hành thật sự".

** Tóm lại, tôi viết bài không mong thay đổi bất kỳ ai. Đời ai người nấy quyết, tôi có quyền gì mà can thiệp... Dù sao cũng chúc mọi người hạnh phúc và tinh tấn với con đường đã chọn.

No comments:

Blog Archive