Wednesday, May 22, 2024

NGÀY HIỀN MẪU, 12/5/2024

“Mẹ là người có thể thay thế bất kỳ ai khác, nhưng không ai có thể thay thế được mẹ”.(Gaspard Mermillod)

“Vũ trụ có nhiều kỳ quan, nhưng kỳ quan tuyệt diệu, quý báu nhất, là trái tim người mẹ!”(Bernard Shaw)

“Trái tim của người mẹ là vực sâu muôn trượng, mà ở dưới đáy, bạn sẽ luôn tìm thấy sự tha thứ”.(Balzac)

“Nơi ẩn náu yên ổn nhất là lòng mẹ”.(Florian)

“Tương lai của con là công trình của mẹ”.(Napoleon I)

“Ôi! tình mẹ, mối tình không ai quên được”.(Victor Hugo)

“Tình yêu duy nhất mà tôi thực sự tin tưởng là tình yêu của người mẹ dành cho những đứa con của mình”.(Karl Lagerfeld)

“Mẹ là người luôn khuyến khích những đứa con của mình hãy bay thật xa. Có thể chúng ta không thành công, nhưng ít nhất mẹ đã khiến ta nhấc đôi chân của mình lên khỏi mặt đất”.(Zora Neale Hurston)

“Mẹ của tôi luôn là điểm tựa vững chắc nhất của tôi. Bà đã truyền cho tôi bí quyết đừng bao giờ từ bỏ và theo đuổi đam mê của mình, bất kể khó khăn nào”.(Mandy Moore)

Dù có một nghìn tác phẩm, một nghìn danh ngôn cũng không thể nào nói hết công lao trời biển của mẹ từ khi mang nặng đẻ đau, nuôi dưỡng, hy sinh cả cuộc đời cho con, hình ảnh thiêng liêng cao cả.

Trong ca dao có câu: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau. Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều”. Trong thành ngữ có bốn chữ “Cửu tự cù lao”. Chữ cù đồng nghĩa với chữ lao, có nghĩa là nhọc nhằn, vất vả, ghép lại thành cù lao để chỉ công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.

Theo Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ thì chín chữ “cửu tự” là: Sinh (đẻ); Cúc (ẵm bế, nâng niu); Phủ (ôm ấp, vuốt ve); Súc (cho bú mớm, hưởng dòng sữa mẹ, cho ăn uống); Trưởng (chăm nôm, săn sóc, nuôi cho đến khi trưởng thành); Dục (nuôi dạy từng ly từng tí ăn, nói); Cố (trông nom, ánh mắt không rời khỏi con); Phục (xem tính mà dạy bảo, luôn bên cạnh con); Phúc (giữ gìn, chỗ dựa vững chắc. Và, chín chiều cũng gồm 9 chữ đó là 9 điều khó nhọc, tận tụy nuôi nấng dạy dỗ con từ lọt lòng cho đến khi khôn lớn.

“chín chiều, chín chữ cù lao” theo nghĩa đen (sens propre) là “chín nấc ruột”, nghĩa bóng (sens figuré) là trái tim lòng người, tâm hồn con người.

Về cơ thể, thức ăn, thức uống của con người từ thực quản đến hậu môn, trải qua 9 khúc: thực quản xuống dạ dảy đến ruột non có tá tràng (1), hỗng tràng (2), hồi tràng (3). Ruột già (đại tràng) có: manh tràng (4), ruột thừa (5), kết tràng (6), trực tràng (7). Cuối cùng chất thải ra đường tiểu tiện (8) và đại tiện (9).

Vì vậy ruột chỉ tổng quát những phần trong cơ thể nên khi đề cập “ruột đau chín chiều” là cách ẩn dụ (métaphore). Ca dao, thành ngữ tuy ngắn gọn nhưng rất phong phú nói lên nỗi đau từ thể xác đến tâm hôn.

*
Ngày Của Mẹ, Ngày Hiền Mẫu, Ngày Lễ Mẹ được tổ chức vào rất nhiều ngày khác nhau trên thế giới, theo truyền thống của Hoa Kỳ Mother's Day là ngày Chủ Nhật thứ nhì của tháng 5.

Với hình ảnh người Mẹ trong tâm hồn người Việt từ xưa đến nay vẫn là nguồn cảm hứng sáng tác của bao thế hệ qua thơ, văn, hội họa… trong đó âm nhạc với giai điệu nhẹ nhàng, thiết tha, êm đềm, sâu lắng cùng với lời ca thể hiện sự cao cả, thiêng liêng, bao dung và suốt đời tận tụy nuôi dưỡng… được phổ biến rộng rãi in sâu trong tâm trí.

Vào dịp nầy, trước đây tôi đã viết về Mẹ qua thi ca và âm nhạc. Viết cho bản thân, cho các cháu thế hệ thứ hai, thứ ba để tưởng nhớ đến hình ảnh bà nội, bà ngoại, bà cố và bạn bè thân hữu không may “sinh bất phùng thời” lớn lên trong hoàn cảnh chiến tranh, tù tội, không được gần gũi bên Mẹ cho đến khi ra người thiên cổ!

Trong các bài viết đó, riêng về âm nhạc đề cập đến những ca khúc tiêu biểu như:

Ca khúc Lòng Mẹ của nhạc sĩ Y Vân, Quê Mẹ của Thu Hồ, Lá Thư Gởi Mẹ của Nguyễn Hiền (thơ Thái Thủy), Bà Mẹ Quê, Trường Ca Mẹ Việt Nam (Đất Mẹ - Núi Mẹ - Sông Mẹ - Biển Mẹ), Bà Mẹ Gio Linh, Mẹ Trùng Dương của Phạm Duy, Thư Về Thăm Mẹ của Mạnh Phát, Lời Ru Của Mẹ của Trầm Tử Thiêng và Mặc Thế Nhân với ca khúc cùng tên với lời dựa vào dân ca…

Còn nhiều ca khúc viết về mẹ trong thời chinh chiến của các nhạc sĩ như: Thương Về Quê Mẹ của Trần Công Tấn, Lời Mẹ Khuyên của Thùy Linh, Giữa Lòng Đất Mẹ của Châu Kỳ, Mẹ Ơi của Trần Văn Lý, Xin Mẹ Thương Con của Giao Tiên & Đỗ Yến, Xuân Về Với Mẹ của Nhật Ngân, Lối Về Đất Mẹ của Duy Khánh, Mùa Xuân Của Mẹ và Xuân Này Con Không Về của Trịnh Lâm Ngân…

Dĩ nhiên còn nhiều ca khúc viết về Mẹ nhưng không nhớ hết và nhạc sĩ bị “dị ứng” nên không nhắc tới.

Năm 2023, tôi viết bài Ngày Hiền Mẫu, Lá Thư Gửi Mẹ (thơ Thái Thủy, nhạc Nguyễn Hiền):

Mẹ ơi thôi đừng khóc nữa
Cho lòng già nặng sầu thương
Con đi say tình viễn xứ
Đâu có quên tình cố hương”

Khi nghe lời ca nầy, cảm thấy ngậm ngùi, thương cảm trong tâm trạng người trai thời loạn với hình bóng thiêng liêng. (Trong quyển Âm Nhạc & Người Muôn Năm Cũ vừa ấn hành, tôi viết bài Nhạc Sĩ Nguyễn Hiền, Những Kỷ Niệm Xa Xưa).

Ca khúc Mẹ Tôi của Nhị Hà sáng tác năm 1948 khi mới 13 tuổi, với tuổi thơ như vậy nhưng ông sáng tác ca khúc vinh danh hình ảnh người mẹ qúa tuyệt. Theo nhà thơ Du Tử Lê: “Khi viết những dòng chữ này, bản thân tôi tóc cũng đã “trắng lòa xòa” và không thể biết còn được bao ngày nơi trần thế! Nhưng mỗi khi nghe lại một mình, ca khúc “Mẹ Tôi” tôi vẫn không cầm được những giọt lệ ứa ra, ngoài ý muốn”. Lúc anh còn sống, chúng tôi thường uống café với nhau cũng chia sẻ về ca khúc nầy:

“Mẹ tôi tóc xɑnh nhuộm bạc tháng ngày
Mẹ tôi đau buồn nặng trĩu đôi vai
Bao năm nuôi đàn trẻ thơ nhỏ dại
Ϲầu mong con mình có một ngày mai

Mẹ tôi nắng mưa chẳng ngại nhọc nhằn
Mẹ tôi mỉm cười nhìn bóng con ngoan
Không than không phiền dù lâm hoạn nạn
Lòng tin con mình xứng thành người dân

* Ϲhiều chiều, bên liếp lều tranh
Mẹ tôi đứng đợi đàn con
Trước gió tóc trắng lòa xòɑ
Đôi mắt dịu hiền như bể tình thương

Lòng người mong ước ngày sau
Đàn con xứng thành người dân
Ɲhưng nay con đã nên người
Thì nay còn đâu bà mẹ hiền xưa

* Chiều nay đốt hương tưởng niệm trước mồ
Ɲhìn khói đau lòng tưởng nhớ năm xưa
Công ơn sinh thành ngày nao đền trả
Mẹ ơi con nguуền nhớ lời mẹ khuyên”

Tôi không được may mắn sống gần gũi bên Mẹ từ thời đi học, đi lính, đi tù. Tháng 5 năm 1975, Mẹ tôi 75 tuổi, một đời buôn bán, chắt chiu dành dụm cho tuổi già thì trắng tay!… Khi ra tù, tôi ở Đà Lạt, Mẹ sống với các anh chị nơi cố hương nên chỉ được vài lần về thăm Mẹ! Như tôi đã viết: “Mùa Hè năm 1990, khi gia đình tôi về Sài Gòn đợi ngày phỏng vấn H.O 4, mẹ tôi qua đời, anh chị em bàn với nhau không báo tin cho tôi biết… (sợ tôi bỏ lỡ cơ hội vì biết tôi bạt mạng)… Khi về Đà Lạt, đánh tin mừng cho thân nhân, rồi nhận được tin về quê… Khi về đến nơi thì than ôi! Thay vì nụ cười với nhau thì chan hòa nước mắt”! Tôi đã viết về nỗi đau nầy! Trước khi nhắm mắt, bên cạnh các con, cháu, Mẹ tôi còn thì thào “Nó đi chưa?”. Anh chị đều nói: “Nó đi rồi”. Mẹ mãn nguyện ra đi!... Tôi không thể nào quên được hình ảnh nầy, và khi viết những dòng chữ nầy cũng không cầm được nước mắt.

Tháng 5 âm lịch là ngày giỗ Thầy, Mẹ và anh năm. Thầy tôi qua đời năm 1963, trong thời kỳ căng thẳng vụ tranh đấu Phật Giáo ở miền Trung. Nhờ các anh chị, các cháu lo liệu trước nên mộ Thầy, mộ Mẹ, mộ anh ba, mộ anh năm và mộ chị dâu, mộ cháu nội (con anh năm) được nằm cạnh bên nhau trong khu đất xây bao quanh mà ngày xưa Thầy tôi (không biết linh tính thế nào) chọn đổng cát trắng phau nầy lúc đó chưa có mồ mả làm nơi an giấc nghìn thu, nay thì trở thành nghĩa địa không còn chỗ chôn. Theo lời các cháu, trước đây, khoảng năm 2000, dự tính mở con đường xuyên qua nghĩa địa nầy nhưng sau đó hủy bỏ. Nếu phải di đời những ngôi mộ thì thật bất hạnh cho gia đình tôi.

Năm 2023, ngày giỗ 60 của thân phụ, tôi Viết Về Cha Nhân Ngày Từ Phụ tôi ghi lại chuyện xưa cho các thế hệ sau biết cội nguồn. Những năm sau đó, thầy địa lý coi đổng cát nầy sẽ trở thành “đất kết” rất tốt cho các thế hệ sau. Lúc đó trong hoàn cảnh chiến tranh nên dân địa phương chẳng quan tâm vấn đề nầy. Theo lời anh năm cho biết, giữa thập niên 1990’ đổng cát nầy là “đất kết” nên người dân các vùng lân cận tìm dất trống chôn cất và di dời mộ đến nơi nầy, nghĩa địa không còn đất trống…

Ông bà ta ngày xưa cho rằng “Sống có nhà, chết có mồ” mà được gần bên nhau coi như có phước. Vấn đề tâm linh từ nghìn xưa dù chế độ nào cũng trở thành truyền thống cố hữu trong lòng người trên mảnh đất quê hương…

Thế hệ thứ hai với các cháu nay đã ở tuổi sáu mươi, bảy mươi… nhưng mỗi khi anh chị qua đời, tôi viết về hình ảnh người Mẹ các cháu vì mang hình ảnh Bà Ngoại, Bà Nội trải qua bao thăng trầm của thời thế và cuộc sống. Qua các bài viết của tôi các cháu mới biết và chia sẻ sao Mẹ các cháu giống Bà Nội, Bà Ngoại vô cùng, trái tim của bà cũng là trái tim của Mẹ.

Nay chỉ còn người chị thứ tư đã 95 tuổi ở Hội An và tôi, đứa con út sống trên xứ người. Nơi tha hương “Trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều”!.

Little Saigon, Mother’s Day 2024
Vương Trùng Dương

No comments:

Blog Archive