Saturday, December 2, 2017

Lễ Tạ Ơn ai?


Image result for thanksgiving photos
Có vài nước trên thế giới, mà lịch sử lập quốc khá tương đồng. Đó là Hoa Kỳ, Canada và Úc Đại Lợi.

Nhưng Úc Đại Lợi lại không có Lễ Tạ Ơn như Hoa Kỳ và Canada. Vì lẽ rất dễ hiểu đến Úc thuở đó đều là những người Anh phạm tội hình sự, bị xử lưu đày biệt xứ thì tại sao phải tạ ơn ai chớ?
Nên có cái chuyện bịa ra để chọc quê nước Úc như vầy: Một người Anh đến Úc xin định cư thì chánh phủ Úc hỏi rằng: “Ông có giấy chứng nhận đã từng là tội phạm hình sự hay không?” “Ủa! Thế kỷ 21 rồi mà đến Úc cũng còn cần cái giấy đó hay sao?”
Nói tội hình sự nghe thì ghê gớm thật! Nhưng những tội ác như cướp của giết người thì triều đình phong kiến nước Anh đem tội phạm ra treo cổ hết ráo rồi.
Còn những tội lặt vặt như móc túi, lừa đảo vài bảng Anh là cũng đủ để xuống tàu đi đày qua Úc.
Chẳng qua, bọn triều đình phong kiến Anh chơi trò láu cá, vin vào tội nhỏ như con thỏ, mà bắt người ta đi đày, phải lìa bỏ gia đình, cha mẹ, anh em, có đứa mới mười mấy tuổi, đi đến một hòn đảo hoang vu tận Nam Bán Cầu khai thác tài nguyên để mang về làm giàu cho mẫu quốc.
Riêng Canada và Hoa Kỳ thì khác. Thuyền nhân đứt ruột rời bỏ quê hương, vượt biển ra đi chỉ vì hai tiếng tự do!
Cách đây 400 năm, Vua Henry VIII bắt nhưng người theo Thanh giáo phải cải đạo để theo tôn giáo mới do ông ta mới thành lập. Ai không nghe! Nhốt!
Tuy nhiên, cũng có 102  người Anh, đàn ông, đàn bà và con nít không chấp nhận bị bạo quyền tước bỏ quyền tự do tôn giáo nên xuống con thuyền tên là Mayflower vượt phong ba bảo tố để đến Tân thế giới.
(Như bà con mình bỏ quê nhà ra đi vì sự tàn bạo của Chủ nghĩa Cộng sản vậy!)
Sau 6 tuần vượt biển, ngày mùng 9, tháng Mười Một, năm 1620, thuyền Mayflower cập bến Cape Cod, gần cửa sông Hudson rồi đến Plymouth Rock, Massachusetts vào ngày 11, tháng Chạp, năm 1620.
Mùa đông đầu tiên rất khắc nghiệt. Ngay cuối thu năm ấy, dịch bệnh và thời tiết lạnh giá đã quật ngã làm tới 46 người.
Tới đây xứ sở lạ lùng. Chim kêu cũng sợ; cá vùng cũng ghê. Những thuyền nhân nầy tin rằng họ không thể tồn tại được nếu không có người da đỏ, thổ dân bản địa tốt bụng  cho thực phẩm, hột giống; dạy cách gieo trồng và săn bắt trên vùng đất mới.
Những di dân đã làm việc cật lực và nhờ thời tiết tương đối thuận lợi nên trúng mùa. Lương thực đủ cho mùa đông và còn dư để dự trử cho đến vụ mùa năm sau.
Vui mừng vì Thượng Đế đã nhận lời cầu nguyện ban cho thời tiết thuận hòa, mùa màng bội thu, bà con được mạnh khỏe, nên họ quyết định dành một ngày để tạ ơn Thượng đế và để cảm ơn những người da đỏ địa phương đã giúp họ trong những ngày mới đến, chân ướt chân ráo.
Thuyền trưởng Miles Standish, đại diện hơn 50 thuyền nhân da trắng còn sống sót mời tới 91 thổ dân da đỏ, có người cách cả hai ngày đường đến chung vui.
Được mời nhậu xưa giờ đâu ai từ chối bao giờ. Những người da đỏ đã đến và mang theo tới 5 con nai để góp mồi cho bữa nhậu.
Bữa tiệc lễ Tạ Ơn đầu tiên gồm có gà Tây, ngỗng, nai, thịt heo muối xông khói. Thịt rừng do đi săn. Cá do thả lưới bắt về. Có bắp, khoai tây nghiền, bánh pie, rau đủ loại là do trồng trọt, chăn nuôi.
Quý bà trổ tài nấu nướng cực kỳ thịnh soạn và quý ông trổ tài nhậu. Nhóm dân da trắng ngồi nhậu trên bàn và thổ dân da đỏ ngồi dưới đất nhậu đã rồi rũ nhau chạy đua hay bắn bia coi ai hay; ai dở ẹt ?! Vui hết biết!
***
Ôi nhớ xưa! Vì dốt Sử Địa, nhà thám hiểm Christopher Columbus đặt chân lên vùng đất mới cứ tưởng mình đã tới được Ấn Độ, tức India, gặp dân da đỏ cứ tưởng là người Ấn Độ nên gọi họ là Indian.
Và cũng vì dốt môn Sinh vật, thấy con gà lôi rừng, cứ tưởng là giống gà trĩ có ở Thổ Nhỉ Kỳ tức Turkey nên gọi là nên gọi là “gà Thổ Nhĩ Kỳ” (turkey fowl). Sau làm biếng, bỏ luôn chữ fowl, chỉ còn turkey.
Nên có chuyện vui là: Chàng bảo nàng: Chúng ta phải ăn hết thịt bọn Turkey! Em bèn xin cái thông hành để bay đi nước Thổ Nhỉ Kỳ.
Bà con mình cũng gọi turkey là gà Tây vì thời thực dân chỉ thấy Tây mũi lõ nuôi (cho đở nhớ nhà), chớ đất nước mình đâu có.
Lễ Tạ ơn của Mỹ xưa giờ theo truyền thống là phải có gà tây, turkey, nên còn gọi đó là ‘Turkey Day’
Vì gà tây rừng lúc đó nhiều vô số kể trong vùng đó nên bắt mần thịt ăn là lẽ đương nhiên.
Chớ quê nhà năm cũ, bên Anh, tiệc tùng họ ăn ngỗng quay không hè! Người Mỹ sau nầy đã mang món gà tây đút lò trở về cố xứ Anh quốc để cạnh tranh quyết liệt với món ngỗng quay trong tiệc tối Giáng Sinh.
***
Năm 1941, Quốc hội Mỹ định ra ngày thứ Năm của tuần thứ 4 trong tháng Mười Một, là ngày lễ Tạ Ơn trên toàn nước Mỹ. Chớ không phải luôn luôn là thứ Năm cuối cùng vì đôi khi trong một tháng Mười Một, có tới 5 thứ Năm lận đó!
Ở Canada, lễ Tạ Ơn diễn ra sớm hơn, vào ngày thứ Hai, tuần thứ 2 của tháng Mười.
Riêng nước Úc Đại Lợi lại không có lễ Tạ Ơn! Nên tui tính đề nghị như vầy nhưng  quý chị, em mình chăc hỏng chịu nghe đâu!
Tui thấy bà con mình thường ăn Tết ta, tết Tây thì bỏ qua; vì ngay Tây cũng hỏng có ăn nữa nói chi tới người Việt mình.
Đêm giao thừa, tụi nó đổ xô ra đường  coi bắn pháo bông xong về nhà ngủ để mai đi cày tiếp.
Bà con mình tỵ nạn CS đến đất nước Úc nầy đây và được đất cũ đãi người mới. Sau vài chục năm cần cù, lao động là vinh quang lang thang là chết đói; bà con mình đã tạo được một cuộc sống hơn cả mơ ước; đến dân Úc rặt cũng phải ngã nón cúi đầu.
Con cái thì thành tài! Thành bác sĩ chích đít Tây lấy tiền! Nha sĩ nhổ răng Tây, đau thấy mấy ông Trời, mà nó cũng phải móc túi trả tiền…
Rồi dược sĩ, rồi luật sư…Toàn là sĩ với sư không hè; nên mình cũng nên tạ ơn nước Úc nầy đó chớ.
Thôi vầy, chiều cuối năm, tối giao thừa Tây, mình mời mấy em Úc hàng xóm đẹp đẹp (nhân cơ hội, má vắng nhà vì về Việt Nam chơi) qua nhà mình nhậu, để mình tạ ơn nước Úc và đáp lại em giúp cho mình quên cái mối sầu xa xứ.
Tui làm mấy năm rồi, mà em yêu của tui đâu có hay. Làm lúc đưa em về xứ Mẹ; anh nói không thành lời; vì trong bụng tui vui hết biết.
Nhưng năm nay em nghe phong phanh là vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm nên em quyết ở nhà không thèm bay về quê cũ nữa và cấm tuyệt không cho tui tạ ơn nước Úc gì hết ráo mới báo.
Thôi thì không tạ ơn nước Úc; anh xin tạ ơn em. Không nhờ cái tánh ghen bóng ghen gió, thấy bóng tưởng hình để em yêu có biện pháp ngăn chận từ xa; nếu không là anh đã sa ngã vào vòng tay người em xứ Úc rồi đó nhe! He he!
***
Truyền thống Lễ Tạ Ơn bên Mỹ, tạ ơn Trời, tạ ơn người mới đầu đẹp như thế. Tuy nhiên càng về sau, lễ Tạ Ơn bị thương gia máu buôn bán kiếm lời làm cái truyền thống đó nhạt phai đi.
Thay vì ăn no bụng rồi tổ chức chạy đua hay bắn cung như thuở đó; thì năm 1934, Đại học Detroit tổ chức trận đấu bóng bầu dục đầu tiên trong ngày Lễ Tạ Ơn giữa hai đội Detroit Lions và Chicago Bears, mướn đài NBC trực tiếp truyền thanh trên toàn quốc.
Phát thanh đã ăn khách; giờ tới phát hình trực tiếp càng ăn khách hơn; nên từ một trận tăng lên tới 3 trận đấu, trưa, chiều, tối.
Nhà cái hốt khẳm tiền vì muốn chen quảng cáo vào, chỉ có 30 giây thôi mà nghe nói phải trả tới vài triệu đô Mỹ.
Vì trong ngày này, có tới hàng trăm triệu người Mỹ háo hức làm khán giả, trong đó có vài triệu bà con người Việt mình.
***
Ngày đầu của lễ Tạ Ơn chủ yếu ăn nhậu rồi coi bóng bầu dục là dành cho quý anh.
Còn ngay ngày hôm sau, Thứ Sáu Đen, Black Friday, là dành cho quý chị!
Nam nữ đề huề!
Từ ‘Black Friday’ thoạt kỳ thủy là từ Philadelphia vào những năm 1960 để  mô tả nạn kẹt xe, khói bụi đen mù trời trên đường phố khi bà con sau ngày lễ Tạ Ơn lái xe đi mua sắm.
Nhưng sau nầy, Black Friday có nghĩa khác. Chẳng qua làm sổ sách cho thương vụ, lỗ thì ghi bằng mực đỏ; lời thì ghi bằng mực đen.
Ngày thứ Sáu của Mùa lễ Tạ Ơn mấy siêu thị bán lẽ lời và lời! Sổ sách ghi toàn bắng mực đen không hà nên gọi là Black Friday.
Mấy thương vụ dụ khị chị em mình bằng cách giãm giá. Không phải món nào cũng bớt hết ráo đâu. Chỉ vài món bớt  tới 5, 7 chục phầm trăm nhưng số lượng rất giới hạn. Mắc cục mồi bé tẻo tèo teo đề ai lẹ tay thì còn chậm chưn là hết.
Thế nên em yêu của thằng bạn tui bên Mỹ vì ham giá rẻ, căng lều ngủ ngay trước cửa siêu thị ngay đêm thứ Năm; để sáng thứ Sáu cửa mới mở là có em đây.
Đâu phải mình em đâu mà cả trăm triệu em khác cũng ùn ùn đi mua sắm, tốn hết 5, 6 chục tỉ đô la Mỹ để chuẩn bị cho mùa Lễ Giáng sinh đã về gần trước cửa.
Muốn biết nền kinh tế Mỹ trồi sụt như thế nào? Chỉ cần nhìn thấy mặt mấy thằng cha Do Thái làm chủ thương vụ sau mùa Lễ Tạ Ơn là biết ngay.
Nó cười hí hí là kinh tế lên; nó thở khì khì là kinh tế xuống. Dễ ợt cần gì phải kinh tế học chi cho nó nhức cái đầu.
***
Lễ Tạ Ơn bà con mình bên Mỹ được nghỉ suốt 4 ngày, từ thứ Năm cho tới cuối tuần. Nghe ít vậy; chớ 4 ngày bên xã hội tư bản dẫy chết nầy dài lắm nha.
Làm cu li, cày tối tăm mặt mũi, cày như trâu, tuần chỉ được nghỉ có hai ngày.
Thứ Bảy thì đi bù khú với bạn nhậu. Chủ Nhựt, ngày đền tội với con vợ nhà, là phải giặt đồ, rửa chén rồi chở em yêu đi chợ.
Giờ thêm 2 ngày nghỉ mà không phải làm gì; chỉ ăn với nhậu thì đã ơi là đã.
Ăn quá xá là nhiều, nhậu xỉn, chui vô giường phê  lúc mới 6 giờ chiều mà không nghe em yêu càm ràm gì hết ráo. Quả thiên đường đâu có ở xa!
Giấc mơ Mỹ chỉ có nhiêu đó mà thôi! Xin tạ ơn em!
đoàn xuân thu.
melbourne

No comments:

Blog Archive