Biết sống
Chị kể hồi ở Sài Gòn hay tới một quán cháo vịt ngon muốn xỉu, nhưng tới hơi trễ chút là phải chịu bụng đói ra về. Bởi quán chỉ bán đúng sáu con vịt, không thêm không bớt. Khách có ky kèo hay đòi nằm vạ cũng chỉ nhận được nụ cười, “chịu khó mai quay lại”. Hỏi khách quá chừng đông sao không bán thêm, chú chủ quán cười, nhiêu đây là đủ. Nhưng đủ cho cái gì, chú không nói thêm.
Ngồi quán đó, chị nhớ quán bán bánh canh cua của má nổi tiếng xóm hẻm hồi xưa. Mỗi ngày nấu đúng bảy chục tô, hỏi mua tô thứ bảy mươi mốt về làm thuốc cũng hên xui. Sáng dọn chưa ấm chỗ, vèo cái hết nồi bánh, bà dành cả thời gian còn lại của ngày để nằm võng nghe Thái Thanh, hoặc dẫn con Chó đi chơi dài xóm. Chó, là tên của con vịt xiêm cồ.
“Sống như má mình không phí cuộc đời. Đâu phải giàu mới vui”, nhắc tới đó chị bùi ngùi. Người ra thiên cổ lâu rồi, nhưng ký ức động đậy như người vẫn đi lại quanh đây.
Chị nói người sống ung dung kiểu vậy giờ ngày mỗi hiếm, nhưng không phải không có. Họ đang ở đâu đó, chừng như vô nhiễm với cơn khát tiền. Ở Hội An chị biết một quán nước nhỏ nằm dưới giàn cát đằng, cà phê ngon, trà gừng hết xẩy mà đúng bong mười giờ là đóng cửa. Sau bữa trưa, anh chị chủ dành thời gian đọc sách, nghe nhạc, chơi với mấy đứa cháu nhỏ. Nhiều sáng khách đông, hết chỗ ngồi, nhưng sân vẫn để trống không chẳng kê thêm bàn. Sân là khoảng thở của ngôi nhà, không phải chỗ để chen chúc bán mua lấy được.
Nhắc mấy chuyện đó, không phải nói khơi khơi, mà chị đang nhắn thằng em thời cào hốt này vẫn còn những người “biết sống”. Vì tuần sau là giỗ má. Vì thằng em vừa chặt cây khế, cơi thêm một tầng lầu, chồm lan can ra che gần hết lộ hẻm. Nó nói không lấn được phần đất, thì lấn trời. Tiền xây nhà nó kiếm được từ quán bánh canh má để lại, mở bán từ sáng sớm tới khuya. Nó thuộc kiểu được mười ba đồng, thì phải kiếm thêm bảy đồng cho chẵn hai chục. Giàu cái đã, chuyện khác tính sau.
Cũng là con má nhưng tánh thằng em ngược một trời một vực. Tại sao bà chỉ bán bảy chục tô bánh canh, bà giải thích rồi, nhiêu đó đã đủ lời để xoay xở trong nhà, lại còn dư chút đỉnh để dành khi bất trắc. Mấy chục năm, bà hài lòng với việc giữ gia cảnh mình gói gọn trong hai chữ “đủ ăn”.
“Nhưng làm nhà giàu sướng hơn chớ, má ?”
“Giàu nghèo gì phải vui mới được”.
Chữ vui đó cũng minh mông, với mỗi người nó có nghĩa khác nhau. Với bà chủ tiệm tạp hóa Linh Thông là buôn bán luôn tay, mặc dĩa cơm tấm khô queo và ly cà phê đá tan trắng nhợt tự hồi nào. Vui của ông chủ chuỗi cửa hàng điện máy là mở thêm vài chi nhánh mới. Của quán nhậu Tăng Ba là khách nào ra khỏi đó cũng xùng xình say. Hay với vợ chồng thằng em, không vui nào bằng nghe tiếng những tờ giấy bạc sột soạt lúc nửa đêm. Nhưng có những người như má, vui bởi được nằm thong thả nghe Thái Thanh hát “bể sầu không nhiều nhưng cũng đủ yêu”, vui vì nhà có cây khế chua cho trái gần như quanh năm. Chua tới con nít bụi đời không thèm hái. Nhưng khế chua được cái trái lớn, mọng nước, dài cánh khía sâu. Má hái mớ trái chín vàng chất lên cái rổ tre cạn lòng, là đẹp bừng lên bàn ăn trong bếp.
Đó là ngôi nhà rất đẹp, trong ký ức con cháu. Không có hoa tươi (như bà nói hoa chỉ đẹp khi còn nguyên cành nguyên gốc), nhưng nhà vẫn được chưng diện bằng những thứ ít ai ngờ. Cái rổ tre lúc nào cũng đựng gì đó, khi thì những trái muồng khô, lúc khác, trái bàng. Không phải loại trái cây ăn được, chúng rụng đầy công viên, chỉ cần cúi lượm một chút là đầy rổ. Nhìn thấy cái đẹp trong thứ tưởng chừng vô dụng, trăm phần trăm chẳng phải người sống gấp sống nhanh.
Mấy thứ trái tức cười trong rổ tre của má, cũng là thứ mà chị nhớ, vào buổi chiều nào đó ghé thăm ngôi nhà xiêu xiêu gần cửa Gió. Xóm chài, buổi trưa vắng người. Trên bộ vạc sau nhà có một nắm trái so đũa nằm trên mo cau. Hỏi thứ này ăn được sao, một thằng nhỏ cười, hông đâu cô, con để vậy cho đẹp. Trưng ở sau nhà, nên chắc chắn không vì khách, đẹp này cho mình.
Mớ trái gà chê dê nguýt nọ không phải được mang về bởi một phụ nữ nào, mà từ thằng nhỏ cháy nắng đen thui. Nghe thằng nhỏ nói, chị đoán sau này nó sẽ vác cây đờn đi ca tài tử, sau một ngày đánh bắt mệt lả. Nửa đêm về nó đứng ngoài hè một lúc lâu, vợ hỏi sao không vô, nó nói trời nhiều sao quá, nhìn thêm chút nữa. Thằng nhỏ cũng có thể trở thành một anh giám đốc thiệt ngầu, nhưng mỗi cuối tuần anh tắt điện thoại, chở con ra đồng thả diều, ngắm bèo trôi sông.
Đó là một người sẽ tận hưởng được nhiều vẻ đẹp trên đời, bất kể giàu nghèo. Như má. Một người đàn bà mà khi nhắc tên ai cũng buột miệng kèm theo mấy chữ, “sao mà biết sống quá xá”. Cái khái niệm biết sống này cũng vô chừng, mỗi người mỗi kiểu, nhưng nhìn một lượt, chừng như người biết sống là biết đủ. Khi đó tham vọng thôi sôi réo, họ trọn lòng lắng nghe những tiếng thì thầm ở quanh mình.
Nhưng đó không phải là kiểu sống mà vợ chồng thằng em chọn. Nó nói ai cũng tà tà vậy thì sao nước mạnh được. Mạnh, là phải có tiền, nhiều tiền, rất nhiều tiền. Có tiền mua gì cũng được. Mua vũ khí. Mua bằng hữu. Không thiếu nợ, và khỏi phải lấy đất đai ra trừ cấn nợ. Chị hiểu nó muốn ám chỉ chính sự gì đây, cười, “nói thì hay, bữa rồi có vài trăm ngàn tiền thuế mà ky kèo trả giá”. Người giàu nhiều, mà đất nước vẫn nghèo, là vậy. Tới cái nắp cống ngoài đường cũng bị lấy cắp. Ai cũng vơ vét cho mình, sẵn sàng ôm tiền bỏ chạy.
Hồi buổi chụp giựt bắt đầu, ngó tiền lẻ nhét đầy tượng Phật, chị không nghĩ thời thế kéo dài như vậy. Lâu đến mức không tin là mình chờ được ngày kết thúc. Sóng trước sóng sau cứ hớt hãi. Nhỏ cháu chị mua sách dạy làm giàu về gối đầu giường, dù ba nó nói cần gì đọc, chỉ cần chui vào cơ quan nhà nước, lên cao, thì đường nào cũng giàu. Ngó mớ tựa rất kêu kiểu như “làm giàu không khó”, “Hai mươi bảy cách trở thành ty phú”, chị biết trong đó không có câu nào khuyên người ta biết thả lỏng tắm mình trong mùi hoa ban đỏ trong đêm. Mùi hoa nhẹ lắm, hít thở nhanh không cảm nhận được. Chị nhắc con nhỏ cũng có những cuốn sách chỉ cách người ta sống chậm, cách kháng cự lại lòng tham lúc nào cũng đói khát của chính mình. Ở hai bên con đường một chiều đi tới miền khuất mặt, nhiều thứ đẹp lắm, chạy nhanh thở gấp thì không thấy được đâu.
Nguyễn Ngọc Tư
No comments:
Post a Comment