Tuesday, June 11, 2019

Ai Bảo Camping Là Khổ?


Tê Hát I Cờ Rét 

Ca viên Ca Đoàn Hồng Ân San Jose thời đầu.

Sinh hoạt trong ca đoàn.

Yosemite Half Dome: Hè 2019, người viết và “em xã”

***
Anh em ta mau cố chất cây khô vào đây đốt chung 
Đêm khuya nghe tiếng tí tách cây khô nổ vang giữa rừng 
Dang tay nhau đứng vòng quanh lửa hồng 
Trông khói xanh gió đưa bốc cao 
Cùng cầm tay hát đều chân bước 
Lửa thêm sáng tươi xua tan bóng đêm 
Anh em ta đùa vui ca hát 
Hát cho đời vui vui thật vui... 

"Nhảy Lửa" của Văn Giảng 

Mỗi lần có dịp đi cắm trại với một nhóm bạn bè hoặc đoàn thể nào đó là bài hát năm xưa lại hiện về trong trí tôi khi ngồi bên ngọn lửa bập bùng trong màn đêm dày đặc của núi rừng... 

Không biết cái thú cắm trại mà ở Mỹ này gọi là camping bắt đầu có từ thuở nào? Bữa nọ (hơi rảnh). Tôi thử mày mò trên mạng tìm hiểu thêm thì được biết cái mục ăn ngủ ngoài trời và vui chơi với thiên nhiên ở Mỹ bắt đầu có cách đây khoảng gần 160 năm, nghĩa là từ thời ông nội của ông Trump còn ở truồng tắm mưa lận. 

**Ông Frederick Gunn là người sáng lập ra Gunnery Camp tại Washington, tiểu bang Connecticut có trường dạy cho nam học sinh thời bấy giờ. Khoảng năm 1861. Ông tổ chức một chuyến camping hai tuần lễ vào nơi hoang dã dựng trại và bày trò vui chơi cho đám trẻ. Các sinh hoạt gồm có: leo núi, câu cá, và ngắm cảnh thiên nhiên. Và dĩ nhiên là cả đám tự nấu ăn lấy bằng củi đốt từ lửa trại với những thứ mang theo, hoặc săn, bắt được. 

Mười ba năm sau, 1874. Hiệp hội Young Women’s Christian Association (YWCA) lập một khu trại dành riêng cho phái nữ tại Pennsylvania, lấy tên “Sea Rest”. Thời này, nước Mỹ còn bảo thủ "nam nữ cọ cọ có thai" nên camping toàn đàn bà con gái là chuyện đương nhiên. 

Điều ngạc nhiên là mãi đến mười một năm sau. Năm 1885, đám mày râu mới "ngộ" ra là đi camping nó lành mạnh và bổ ích như thế nào cho sức khỏe con người đủ mọi tầng lớp từ già đến trẻ. Một nhóm đực rựa bèn lập ra khu trại YMCA (Young Men Christian Association) ở New York. Và trại này vẫn còn hoạt động cho đến ngày nay. Thời gian trôi qua, những khái niệm về camping ngày càng phát triển mạnh. Cộng thêm dân số ngày càng gia tăng và sự phổ biến của ngành kỹ nghệ xe hơi đã giúp cho hàng triệu người đi tới được nhiều nơi cắm trại xa hơn và lý tưởng hơn. Theo thống kê, hàng năm ở Mỹ có khoảng hơn 42 triệu người đi camping ở mọi nơi, mọi chỗ. 

Camping theo cấu trúc thay thế như trailers cũng bắt đầu vào những năm đầu 1900 và lan rộng kết hợp các phương pháp cắm trại khác tựu chung gồm những thứ cần thiết như: lều (tent), túi ngủ (sleeping bag), đèn măng xông (lantern), đèn pin (flashlight), vật dụng nấu bếp (xoong nồi lỉnh kỉnh). 

Hiện nay, có trên 113,000 khu camping dưới sự điều hành của liên bang, và hơn 166,000 khu camping thuộc tiểu bang. Ấy là chưa kể đến biết bao nhiêu khu camping khác nữa do tư nhân làm chủ rải rác khắp nơi trên nước Mỹ. ** 

Càng ngày xã hội càng văn minh hơn thì đi camping trở nên dễ dàng hơn. Bao nhiêu kiểu lều khác nhau lớn nhỏ đủ cỡ được làm ra cho từ một đến chục người nằm. Có những lều lớn được ngăn ra làm mấy phòng đàng hoàng, đã vậy phía trước lại còn nới ra giống như cái patio nữa. Nhìn vừa đẹp, vừa gọn, mà lại không tốn quá nhiều công dựng lều hay xếp lại sau đó. Nhờ vậy mà các cơ sở làm ăn như Big 5, Dick’s Sporting Goods, Sports Authority, Bass Pro Shop, Costco, v.v… cũng làm ăn khấm khá. Số lợi tức cho riêng mục vui chơi ngoài trời như du ngoạn, câu cá, chèo thuyền, cắm trại, v.v., hàng năm nước Mỹ hốt cũng bộn bạc chứ không ít. 

Ngay từ nhỏ, tôi vốn mê những sinh hoạt ngoài trời như chơi thể thao (đạp xe, đá banh, quần vợt, bóng chuyền, bơi lội, v.v.) Nhưng riêng với camping thì chắc là khoái nhất. 

Hồi còn độc thân, cũng chính vì sở thích đi camping, câu cá mà sau này tôi “dính” được một "em" nặng cỡ trăm pounds đấy các bạn ạ! Nói huỵch toẹt ra là nhờ tôi "chịu khó" đi camping mà lấy được vợ, chứ chả có ông tơ bà nguyệt nào mai mối gì ráo, thế mới lạ! Vậy mà bà thầy bói ở chợ Tân Bình gần nhà ngày xưa bên Việt Nam thỉnh thoảng coi bói cho mẹ tôi dám phán một câu chắc như đinh đóng cột là số tôi lớn lên nếu không đi tu thì chỉ có ế vợ, vì vừa cù lần mà lại xấu giai nữa thì ma nào thèm ngó tới. Nghĩ lại, có lẽ do phước đức ông bà để lại sao đó và tới đời con cháu là mình may mắn được hưởng ké. Nên chẳng những tôi lấy được vợ ngon lành, đạo đức, giỏi giang, nàng lại còn khéo... "rặn" cho tôi được hai đôi "đầm, bồi" nữa cơ. 

Chuyện là như thế này: 

Cách đây vài chục năm, người Việt mình ở San Jose, Cali chưa đông lắm. Năm 1982, khi vừa mới chân ướt chân ráo từ trại tị nạn qua Mỹ định cư được một tuần thì người cháu gọi bằng cậu kéo tôi vào ca đoàn nhà thờ ngay sau thánh lễ Chúa Nhật sinh hoạt cho đỡ buồn. Và vì tôi cũng đã có ý định như vậy nên "ai kêu tui đó, có tui đây" hăng hái tham gia liền để có cơ hội sinh hoạt và được gần gũi với người VN mình. 

Những năm tiếp theo. Người Việt ở San Jose ngày càng đông dần do các đợt vượt biên, bảo lãnh, HO, v.v. Riêng cộng đồng Công Giáo VN thì các hội đoàn và ca đoàn số thành viên gia nhập cũng theo đó tăng hẳn lên. Trong khoảng thời gian này, chỉ bốn nơi có thánh lễ VN thì mỗi nhà thờ đều có một ca đoàn phụ trách: Đồng Tâm (St. Maria Gorretti, khu Senter Rd), Mẫu Tâm (St. Patrick, downtown SJ), Thánh Tâm (St. John, Milpitas), và Khiết Tâm (St. Lucy, Campbell). Số ca viên của mỗi ca đoàn trên dưới bốn chục mạng chứ không ít. 

Hè năm 1989. Cách đây đúng ba chục năm. Lần đầu tiên bốn ca đoàn khoảng hơn trăm người hợp lại với nhau tổ chức một cuối tuần camping vào dịp lễ Độc Lập Hoa Kỳ (July 4) tại Lake Sonoma (một trong những công viên có khu cắm trại của tiểu bang Cali nằm phía Bắc San Francisco, cách San Jose độ 3 giờ lái xe). 

Khu camping dành riêng cho nhóm lớn nơi đây khá rộng đủ sức chứa cho vài trăm người đã được chúng tôi sử dụng thoải mái bằng cách chia nơi dựng lều, khu ăn uống, và chỗ sinh hoạt cho cả nhóm. Ba ngày camping nơi đây là dịp ca viên của các ca đoàn có cơ hội quen biết nhau, chia sẻ những kinh nghiệm trong đời sống phụng vụ qua thánh nhạc. Ban ngày thì có những sinh hoạt tập thể với đủ các trò chơi lớn nhỏ. Tối đến, sau khi cơm nước xong thì quây quần với nhau bên lửa trại đóng kịch, ca hát, kể chuyện tiếu lâm cho tới hai, ba giờ sáng. 

Ngày hôm sau trong lúc ăn trưa, tôi lấy một cái đĩa đựng cái hamburger, mấy cọng salad, và những thứ lỉnh kỉnh khác xong ngồi xổm dưới đất và bỏ mọi thứ hầm bà lằng xáng cấu trong đó. Bỗng nghe một giọng con gái cất lên có vẻ châm chọc: 

"It looks so appetizing"! 

Nhưng tôi hiểu ngầm ra tiếng Việt là "nhìn thấy gớm" (vì trông gớm thật). Tôi vội ngước lên để xem cô nàng nào mà dám cả gan mở lời chọc tôi như vậy. A, thì ra là một cô em mới lớn nhưng đã… to gan. Cô nàng trông cũng khéo từ mái tóc đến khuôn mặt, và quan trọng hơn nữa là "mặt tiền” và “sân sau” đều.... thoáng. Nàng đang đứng tán dóc với vài cô bạn khác mà tôi nghĩ là họ cùng ca đoàn với nhau. Tôi bèn "nhân vì sự ấy" đứng lên làm quen. 

Sau vài câu thăm hỏi thì được biết cô nàng là lính mới tò te vừa gia nhập ca đoàn nọ được chừng hơn tháng, và đây là lần đầu tiên được đi camping với một đám đông như vậy. 

Rồi không hiểu vì “phút đầu gặp em, tinh tú quay cuồng” hay hạp tuổi sao đó mà ôi thôi hai đứa nói chuyện đến… xế cả chiều. 

Hôm đó trời nóng, cả đám ngồi hóng mát dưới nhà chòi nơi camping cười giỡn với nhau. Sẵn có thùng cam để gần đó, cô nàng kiếm dao cắt cam và mời tôi ăn. Không biết là cam ngọt sẵn hay vì qua tay nàng khéo cắt mà cam ngọt lịm, khiến tôi là thằng bắc kỳ con nhà di cư nhưng không biết khách sáo là gì cứ tì tì xơi liên tục hết cả chục trái. Để rồi sau lần camping đó, tự nhiên trong tôi "say ngất ngây" với cô nàng cắt cam…   

Vậy mà, mãi đến bảy năm sau tôi mới được phép "đưa nàng về dinh”. Vì, nàng là gái út trong gia đình tám người con gồm bốn ông anh và ba bà chị. Đã vậy, bố già là dân cảnh sát ngày xưa khó tính thứ thiệt nên bố bảo thằng tôi cũng không dám loạng quạng. 

Bởi vậy, lúc mới quen nàng tôi thường hay nghêu ngao câu: “Nhà em Lão Gia rình trước ngõ...!"
Yosemite, Half Moon Bay.
Rắn Rung Chuông

***
Sau này, hầu như hè năm nào cả nhà cũng đi camping. Bốn sấp nhỏ cũng rất mê vì đã bị bố mẹ tha đi ngay từ lúc mới được đầy tháng. Lúc chúng còn nhỏ, tôi hay làm một cái lều bé bé ngay trong nhà, hoặc dựng một túp lều ở sân sau vào những đêm hè để chúng "camping tại gia", vậy mà vui. Vì đứa trẻ nào mà không mê cái đèn pin lúc trời tối, rồi nằm trong lều thức khuya nghe bố mẹ kể chuyện cổ tích. 

Thường thì tụi tôi hay đi với ca đoàn mà tôi sinh hoạt từ đầu, vì không những người lớn thôi mà đám con cái cùng lứa tuổi cũng đi theo, nên bọn trẻ rất thân với nhau chọc phá thoải mái hơn. Thỉnh thoảng, bọn tôi cũng đi với vài gia đình khác, hoặc với nhóm nhỏ bạn bè khoảng chục người cũng rất vui. Khi thì lên núi, lúc vào rừng, thỉnh thoảng lại cắm lều gần biển có thể nghe được tiếng sóng rì rào trong đêm. 

Một trong những cái khoái của camping là ban đêm trời hơi lành lạnh, cả đám ngồi quây quần bên ngọn lửa tí tách ăn hột vịt lộn (dĩ nhiên là có rau răm, và bia đi kèm), rồi thì bắp nướng v.v. Sau đó lại tráng miệng bằng chè do các nữ tướng nấu tại chỗ thơm phức. Riêng đám con nít thì rất khoái chí với mục nướng marshmallow bằng cái que dài hơ trên lửa. Thế mới biết camping sướng lắm chứ!

Lúc chưa lập gia đình, có lần tôi theo chân cha ĐVN dòng Đa Minh (chuyên giúp cho giới trẻ) đáp máy bay qua Porland, Oregon để cắm trại vài ngày với nhóm giới trẻ bên đó ngay sát bờ biển rất đẹp và thơ mộng. 
Lần đó, nhằm lúc thủy triều xuống. Cả nhóm lội xuống biển men theo những ghềnh đá bắt được cả mấy thùng chem chép (muscle) mang về nướng rồi cho tí mỡ hành lên trên nhậu với bia thật không còn có cái thú nào bằng. Tối đến, cả nhóm đốt lửa trại ngay trên cát rồi ca hát nhảy múa với nhau. Trời càng về khuya thì lại lôi chuyện ma ra kể để hù các nàng yếu bóng vía nhưng lại ghiền nghe chuyện kinh dị vào lúc nửa đêm. 
Cũng có lần, ngài lại rủ tôi xuống tận Nam Cali camping với nhóm ca đoàn Ngàn Thông. Tính tôi cả nể và ham vui, nên ít bữa sau liền khăn gói quả mướp lái xe một mình hơn sáu tiếng đồng hồ để gặp mọi người dưới đó. Cả đám già trẻ lớn bé, gần bảy chục mạng kéo nhau vào chỗ khỉ ho cò gáy chia đội rồi bày trò nấu nướng, vui chơi với nhau một cuối tuần thật khó quên.

Một kỉ niệm nhớ đời nữa về camping là tôi có thằng bạn tên Lộc. Hai thằng thân với nhau từ hồi còn ở Việt Nam. Hồi đầu thập niên 90, khi hắn mới qua Mỹ được hơn tháng, tôi rủ hắn đi camping với ba người bạn nữa. Tất cả bốn đực rựa và một tiểu thơ trên chiếc xe van lớn có kéo theo chiếc tàu nhỏ đủ chỗ cho năm người để câu cá, trực chỉ Lake Amador vui chơi một cuối tuần. (Hồ Amador sở hữu bởi tư nhân. Diện tích khoảng 1,300 mẫu nằm hướng Đông Bắc California, cách San Jose độ hai giờ lái xe.) 

Vì hắn là dân hướng đạo nên mê camping còn hơn mê… gái. Quả thật, tôi chưa thấy ai mê camping như thằng này. Vừa tới nơi là hắn nhanh nhẹn dựng hai lều cho bốn đực rựa ngủ với nhau, còn tiểu thơ kia thì một mình một cõi trên xe van có chỗ nằm êm lưng thoải mái. 

Sắp xếp đâu ra đó xong là hắn lo đi nhặt những khúc cây khô gần chỗ dựng lều để đốt lửa trại. Sau đó thì hắn trổ tài nấu nướng kiểu dã chiến với những thứ mang theo từ nhà cho năm người ăn mà thú thật cho tới giờ này tôi cũng chả biết gọi nó là cái món gì nữa, nhưng đói quá thì phải ăn thôi! 

Sáng sớm hôm sau, mặt trời vừa ló dạng là năm tên du tử hí hửng kéo nhau lên chiếc tàu nhỏ chạy vòng vòng kiếm chỗ câu cá, lòng đầy hi vọng là sẽ câu được cỡ chục con nhậu cho sướng. Ai dè cả năm người ngồi vêu mỏ mãi đến xế trưa, trời thì nóng mà cóc có con nào chịu cắn câu giùm cho. Buồn tình, tôi lái tàu tấp vào gần bờ để cả bọn nhảy xuống nước bơi cho mát. 

Lúc tôi leo lên một tảng đá lớn, đang tính biểu diễn một màn phóng chúi xuống nước, thì chợt nghe thấy tiếng kêu rè rè bên dưới tảng đá ngay chỗ tôi vừa leo lên. Linh tính sao đó, tôi liền nhìn xuống thì… tía má ơi! Một con rắn rung chuông (rattlesnake) nằm khoanh tròn giữa khe đá đang thè cái lưỡi và ngúc ngoắc cái đuôi. Lúc này mới thấy thấm thía câu "sợ vãi đái" là đây! 

Hoảng hồn, tôi vội la lớn: "Rắn, có con rắn lớn lắm"!

Hai ông thần đang đứng gần đó nom tướng tá ngon lành, vậy mà khi nghe tôi la: “có rắn” là hốt hoảng nhảy vội lên tàu. 

Còn tiểu thơ kia trông có vẻ đài các đang ngồi hóng mát trên tàu nghe thấy có rắn là khoái chí với cặp mắt sáng rỡ: "Really! Mình bắt nó làm thịt đi"! 

Riêng thằng bạn mới qua còn đang đứng phía dưới tỏ vẻ nghi ngờ: "Thiệt không đó cha"? Nhưng hắn cũng vội vàng cầm một cái que dài cỡ sải tay chạy tới chỗ tôi đang đứng.

Khi vừa thấy con rắn, không nói không rằng, hắn lấy cây que khều con rắn ra khỏi khe đá. Chu choa, con rắn to cỡ cườm tay người lớn, màu nâu đất, trên người có nhiều khoang, dài gần 6 feet thấy mà nổi da gà. 

Bị động, con rắn lo trườn mình tìm đường thoát thân. Thằng bạn không bỏ lỡ một giây nhào tới chụp ngay đuôi con rắn rồi quật ngược lại đầu nó xuống đất. Xong, hắn chộp lấy cổ con rắn bóp mạnh để nó há miệng ra, và rồi hắn kéo vạt quần short đang mặc để con rắn cắn vào gấu quần, rồi giựt mạnh một phát cho cái nanh có nọc độc rớt ra. 

Ngay lúc ấy tôi thầm nghĩ, nếu hắn chỉ sơ ý một tíc tắc thôi là con rắn có thể "phập" ngay thằng nhỏ của hắn một phát thì chỉ có tàn đời trai. Nhưng nhìn những động tác nhanh nhẹn của hắn thanh toán con rắn chưa đầy ba mươi giây mà trong lòng thầm phục quá xá. 

Xong xuôi, nó tha con rắn còn đang ngáp ngáp lên tàu và bảo tôi đưa cả đám về lại chỗ cắm trại chớ còn câu kéo gì nữa. Về tới nơi là hắn treo con rắn lên một cành cây, rồi trổ tài lột da con rắn sao cho còn nguyên vẹn từ đầu đến đuôi bằng con dao nhỏ mà hắn lúc nào cũng đeo bên mình, để tôi tha về nhà làm quà lưu niệm. Sau đó hắn chặt con rắn ra từng khúc nhỏ nấu cháo có mắm muối, gừng hành đầy đủ cho năm người ăn bữa tối. 

Trời hơi se se lạnh, chúng tôi vừa ăn vừa suýt xoa vì không ngờ cháo rắn ngon đến vậy. Tiểu thơ đi theo tưởng sợ không dám ăn thử, ai dè cô nàng quất hai tô liền mà vẫn còn thòm thèm đòi ăn xong đi kiếm rắn để bắt nữa, thế mới khiếp! 

Phải công nhận là tô cháo rắn như giúp mình tăng thêm công lực hay sao mà trong người thấy khỏe hẳn ra. Vừa dọn dẹp xong là năm người ngồi nhâm nhi tí rượu và uống trà bên đống lửa, nói đủ thứ chuyện tào lao rồi cười hỉ hả với nhau dưới bầu trời đầy sao thật thú vị. Đêm đó, sau khi chui vào lều mà tôi ngủ không yên vì tưởng tượng ra cảnh họ hàng nhà rắn kéo tới trả thù thằng bạn rồi cắn lộn người là tôi thì bỏ mẹ! 

Nào đã hết. Trời vừa hừng sáng hôm sau, khi mọi người còn đang nằm nướng trong lều thì đã nghe tiếng thằng bạn khua dậy khoe là mới bắt được mấy con ếch ở một cái đầm nhỏ gần đó mà nó mới khám phá ra sáng sớm nay. Rồi nó rủ tôi cầm cần câu cá đi theo sau. 

Tới nơi, nó chỉ cho tôi cách câu ếch bằng cần câu. Nó ngắt một cái bông vàng mọc dại đầy dưới đất cột lại chỗ lưỡi câu, rồi cầm cần câu nhấp nhấp trên mặt cỏ... Lạ lùng thay, có con ếch to bằng bàn tay từ dưới đám cỏ phóng lên táp, nó giựt một phát là con ếch theo đó rớt ngay trên mặt đất, và nó nhào tới chụp. 

Cứ thế, hắn và tôi làm một chập chừng hơn chục con rồi tha chiến lợi phẩm về chỗ lều lột da, lấy hai cái đùi đoạn xào với củ hành tây và chút gia vị. Vậy mà cũng xong một bữa trưa ngon đáo để cho cả năm người trước khi nhổ trại ra về! 

Không lâu sau đó, ông anh lớn tôi rủ cả nhà đi camping với mấy gia đình nữa ở Basalt Campground cạnh hồ San Luis Reservoir, và có cả thằng bạn đi theo. Lần đó nó cũng tóm được một cặp rắn rung chuông (chắc là tình nhân) đang bò gần chỗ mọi người cắm trại. Hắn lột da rồi đưa cho bà chị làm món rắn bằm xào với trứng gà và hành tỏi thơm phức. Lai rai với tí "cô nhắc" thôi mà sau đó “bà nhà” phải nhắc vì có ông xém chui lộn vào lều của thiên hạ!

Vì đã có kinh nghiệm mỗi lần đi camping với tên này là không sợ bị đói. Nên một dịp khác, tôi lại rủ thằng bạn "độc cô cầu bại" có tài bắt rắn đi camping cũng ở hồ San Luis với vài người bạn nữa mà trong đó có một cô còn đang độ tuổi ngóng… chồng. Tới nơi, dựng lều đâu vào đó xong là hắn rủ tôi đi.... cải thiện. Lúc này, đang là mùa cho săn thỏ nên hắn mang theo cây súng săn (loại đạn nhỏ). Hắn gọi tôi đi cùng với mục đích là để cho hắn kê súng trên vai làm điểm tựa nhắm bắn cho chắc khi thấy thỏ. Và khi bắn hạ được một em là tôi có nhiệm vụ nhặt bỏ vào bao. Lần đó hắn dzớt được năm con thỏ rừng, mà con nào con đó to cỡ con mèo. Về lại chỗ cắm trại, hắn lột da, lấy thịt rồi nấu rượu với gia vị mà hắn thủ sẵn từ nhà cho mấy người nhậu với nhau thật đã đời.

Đặc biệt hơn nữa là sau lần camping đó thì cô nàng độc thân kia nể phục tài "thiện xạ" của thằng bạn tôi (bắn phát nào trúng phát đó) để rồi hơn một năm sau cả hai thành vợ chồng, có hai quý tử, và sống hạnh phúc với nhau cho đến bây giờ. Thế mới hay!

Đã bao năm qua. Bất kể mùa nào, Xuân, Hạ, Thu, Đông, mà hễ rảnh một cuối tuần nào đó là hắn cùng vợ con biến mất. Hỏi thì được trả lời là cả nhà đang đi camping, hoặc mới vừa về từ nơi này, chốn nọ. Ở Cali này có bao nhiêu State Parks, từ Bắc xuống Nam, từ Đông qua Tây, xa hay gần, hễ chỗ nào có cho dựng lều, và có con gì nhúc nhích, lưng đưa lên trời là hắn đều để lại dấu ấn kỉ niệm nơi đó. 

Với thời đại văn minh đầy đủ tiện nghi như hiện nay điện đóm chỗ nào cũng có. Nhiều khu camping có đầy đủ chỗ cắm điện và vòi nước kế bên rất tiện lợi. Chính vì thế mà nhiều người đi camping có vài ngày thôi mà chuẩn bị tới tận răng. Mang theo không chừa thứ nào, từ mùng, mền, nệm bơm hơi (airbed) chiếu, gối, đến nồi, niêu, xoong, chảo. Rồi cooler đủ các món thịt, cá, rau ria, trái cây, bia bọt chất đầy lên xe giống như dọn nhà đi luôn vậy. Nếu là đoàn thể còn xôm tụ hơn nữa, các đấng chở cả một giàn âm thanh, với keyboard, micro, đèn màu chớp chớp để tối đến chơi nhạc, ca hát với nhau ngoài trời không thua gì phòng trà. Quả là.... hại điện! Ai dám bảo: “Camping là khổ!”

Từ xưa đến nay, mục đích đi camping là để rời xa ánh đèn đô thị, tránh sự ồn ào náo nhiệt nơi thành phố và chốn đông người. Tạm gác những lo toan, tất bật của công ăn việc làm, xa khỏi những bon chen, đua đòi, và sự ồn ào của đời thường trong một thời gian ngắn, hoặc vài ngày để con người tìm đến với thiên nhiên nghỉ ngơi cho cho tâm hồn thư thái. Được hít thở không khí trong lành và cảm giác bình an trong không gian yên lặng của núi rừng. 

Mỗi lần đi camping theo kiểu ăn bờ, ngủ bụi cũng là cách tôi tự hành xác qua lối sống giản dị từ ăn ngủ cho đến vệ sinh cá nhân để phần nào cảm thông được những nỗi cơ cực của những kẻ bất hạnh không nhà và cầu mong cho họ sớm thoát cảnh lầm than.

Xuân đang qua, và Hè sắp đến. Vậy, những quí vị nào chưa một lần vào chốn “thâm sơn cùng cốc” để hòa mình với thiên nhiên, cây cỏ, chim trời, cá nước. Đêm nằm đếm sao trên bầu trời, và tai nghe tiếng côn trùng rỉ rả thì hãy mau sắm “đồ nghề” rồi rủ thêm vài người nữa đi camping thử một lần cho biết nó thú vị đến dường nào. Và nếu bạn nào còn độc thân thì biết đâu có ngày trời xui, đất khiến lại chẳng "vớ" được người trong mộng giống như tôi và thằng bạn ngày nào. 

Chúc quí vị và các bạn một mùa hè với những sinh hoạt lành mạnh ngoài trời thật an vui bên gia đình và bạn bè!

Tê Hát I Cờ Rét

P.S. Cám ơn anh chị Hoàng & Mai Thái Vân Thanh ở Minnesota đã gợi ý về chuyện đi câu từ mười năm trước, (khi anh chị qua thăm bên Florida) để mãi đến bây giờ em mới viết được bài này. :-)

** Theo tài liệu từ: 
www.reserveamerica.com/outdoors/a-short-history-of-camping

No comments:

Blog Archive