Thursday, November 15, 2018

Con gái có nên học Khoa Học?

“Vật lý học được phát minh và xây dựng bởi đàn ông… Nam giới thích làm việc với đồ vật, nữ giới với con người.” Giáo sư Alessandro Strumia của đại học Pisa (Ý) đã hùng hồn tuyên bố như thế, trước một cử toạ đa số là các nhà vật lý học nữ, vào mùa Thu năm 2017.
Trường Marie Curie tại Sài Gòn xưa. nguồn: internet

Vì câu nói ấy mà ông Strumia đã bị CERN cho nghỉ việc, vỏn vẹn một ngày trước hôm Uỷ Ban Nobel trao giải Vật Lý năm 2018 cho một phụ nữ người Canada – bà Donna Strickland. CERN là trung tâm nghiên cứu Hạt Nhân lớn nhất hành tinh, bản doanh nằm tại Âu Châu. Phát ngôn viên của CERN cho rằng phát biểu của ông Strumia sặc mùi kỳ thị giới tính, một tình trạng khá phổ biến trong giới khoa học gia mà CERN đang cố gắng đẩy lùi. Nhưng, nhìn từ một góc độ khác, ta có thể thấy ông Strumia nói cũng… không sai!

Soi lại lịch sử giải Nobel, từ 1901 tới giờ chỉ có 48 phụ nữ thắng giải so với 892 người đàn ông. Và trong các lãnh vực khoa học số phụ nữ còn ít hơn nữa. Riêng trong Vật Lý, bà Donna Strickland mới chỉ là người đàn bà thứ ba thắng giải này – và là người đầu tiên trong vòng 55 năm qua, kể từ khi bà Maria Goeppert Mayer người Mỹ gốc Ðức nhận giải này năm 1963. Người phụ nữ đầu tiên “được” trao giải Nobel Vật Lý (năm 1903) là bà Marie Curie, một danh nhân thế giới mà người Việt không mấy ai không biết vì bà đã được đặt tên cho một trường nữ sinh nổi tiếng tại Sài Gòn thuở xa xưa. Lưu ý chữ “được” phải đặt trong ngoặc kép, vì lúc ban đầu Hội Ðồng Khoa Học Pháp đã không đề tên bà Marie Curie vào công trình nghiên cứu được đề cử giải Nobel, mà chỉ ghi tên hai người đàn ông đồng nghiệp là chồng bà, Pierre Curie, và Henri Becquerel. Nếu ông Curie đã không một mực ép buộc họ phải để thêm tên vợ mình vào – vì bà thực sự có công, thì có lẽ chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết Marie Curie là ai.

Marie Curie, phụ nữ duy nhất thắng 2 giải Nobel: Vật lý (1903), Hóa học (1910) nguồn:internet

Cũng như ta cũng sẽ không biết đến Jocelyn Bell Burnell, một nhà Vật Lý Học tầm cỡ lẽ ra phải đoạt giải Nobel năm 1974, nhưng cuối cùng chỉ có hai người đàn ông làm chung với bà được giải. Mãi đến tháng 9 năm 2018 bà Burnell mới được trao tặng một giải thưởng khoa học lớn khác, cho phát hiện của bà về các ngôi sao gọi là “pulsar” khi còn là nghiên cứu sinh tại đại học Cambridge vào đầu thập niên 1970.

Và chúng ta cũng sẽ không được nghe tiếng bà Vera Rubin, người đã có những nghiên cứu quan trọng liên quan đến khối năng lượng bí ẩn gọi là “dark matter”, chiếm khoảng ¼ phần vũ trụ con người biết đến. Các công trình nghiên cứu của bà Rubin trong thập niên 70-80 đã giúp đẩy môn Vật Lý / Thiên Văn Học đi rất xa. Nhiều người đinh ninh thế nào bà Rubin cũng sẽ đoạt giải Nobel; thế nhưng năm này qua năm khác tên bà vẫn bị gạt ra rìa. Bà Rubin qua đời năm 2016 và, như ta biết, giải Nobel chỉ dành trao cho người sống.

Donna Strickland, Nobel Vật Lý 2018. nguồn: internet

Cách đây mới mấy tháng, có người định lập một trang Wikipedia cho bà Donna Strickland, nhưng không thực hiện được vì Wikipedia cho rằng bà ta chưa quan trọng đủ để có một trang riêng. Tất nhiên khi tin bà Strickland thắng giải Nobel vừa được tung ra là thế giới mạng liền lập tức dựng lên trang Wikipedia cho bà. Có thể nói đây là lần đầu tiên cư dân mạng có thể trực tiếp theo dõi sự hình thành của một trang Wikipedia do sự đóng góp và biên soạn của nhiều người từ khắp nơi trên Internet cùng một lúc- từng dòng, từng chữ, từng danh mục… Nhiều người cho rằng sự kiện khá hy hữu này còn là ẩn dụ cho vai trò người phụ nữ trong ngành khoa học hiện đại:

Họ là những nhà chuyên môn làm việc trong âm thầm, không ai để ý hay thèm biết tới, cho đến khi người ta (tức thế giới đàn ông) không thể nào làm ngơ được nữa thì việc làm của họ mới “được” đưa ra ánh sáng. Ðiều trớ trêu là công trình nghiên cứu của bà Donna Strickland liên quan đến việc điều khiển và sử dụng tia laser để làm những công việc vô cùng tinh vi mà bàn tay hoặc máy móc không thể làm được, như dùng laser để giải phẫu mắt cho người khiếm thị. Nên mới có người nói đùa rằng nhờ bà Strickland mà nhiều vị Uỷ viên Nobel đã … “sáng mắt ra”!

Frances Arnold nhận Huân Chương Khoa Học Quốc Gia nguồn: white house

Năm nay ngoài bà Strickland còn có một phụ nữ khác được giải Nobel khoa học; đó là bà Frances Arnold người Mỹ, đoạt giải Hoá Học. Bà là người thứ năm thắng giải này. Cuộc đời bà Arnold là một chuỗi dài những bi kịch. Người chồng đầu tiên của bà chết vì ung thư năm 2001. Năm 2005 bà phát hiện mình bị ung thư vú. Người bạn đời thứ nhì của bà chết vì tự tử năm 2010. Năm 2016 con trai của bà bị tử nạn. Thế nhưng bà vẫn mạnh mẽ sống và làm việc, được đồng nghiệp nể phục vì những cống hiến quan trọng cho ngành Hoá Học và Sinh Vật Học. Khi tin bà thắng giải Nobel được công bố, những người quen biết bà không một ai ngạc nhiên. Ðã từ lâu họ vẫn xem Frances Arnold như một kiện tướng trong bộ môn này, họ chỉ không biết đến khi nào bà mới được thế giới chính thức công nhận mà thôi.

Về phía Uỷ Ban Nobel, họ cũng đồng ý rằng lâu nay phụ nữ đã bị thiên vị rất nhiều. Chẳng hạn như năm ngoái toàn bộ những người được nhận giải Nobel đều là đàn ông, mặc dù không phải không có những người đàn bà xứng đáng. Họ hy vọng tình trạng này sẽ được cải thiện trong tương lai và thế giới sẽ bắt đầu thấy nhiều phụ nữ đoạt giải Nobel hơn. Ðiều này chắc chắn sẽ khuyến khích thêm nhiều nữ sinh chọn con đường khoa học từ nhỏ, vì hiện nay tỉ lệ nữ khoa học gia và nữ kỹ sư trong các ngành công nghệ cũng như tại các trường đại học vẫn còn quá thấp.

Jocelyn Bell Burnell, người phát hiện Pulsar. nguồn: internet

Người Á Ðông, nhất là người Việt, từ lâu bị ảnh hưởng của Khổng giáo nên thường mang nặng tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Là phụ huynh nhiều khi chúng ta vô tình (hoặc vô ý thức) hướng dẫn con gái mình vào những ngành nghề chúng ta cho là “thích hợp với phụ nữ” mà chưa chắc nó đã đúng với sở thích hay tiềm năng của chúng. Bài học từ những người như Marie Curie, Jocelyn Burnell, Vera Rubin, Frances Arnold… cho ta thấy bất cứ người phụ nữ nào cũng có thể có những cống hiến lớn lao cho khoa học, miễn rằng họ được đào tạo đúng đắn và có cơ hội phát triển khả năng thiên bẩm một cách bình đẳng.

Khi được hỏi cảm tưởng về phát ngôn của ông Alessandro Strumia về Vật Lý Học và phụ nữ, bà Donna Strickland mỉm cười trả lời, “Ðó là một câu nói hết sức ngớ ngẩn.”.

Vera Rubin, người khám phá “Dark Matter”. nguồn: internet


No comments:

Blog Archive