Monday, September 4, 2017

Cà phê chửi…


Phan
Mỗi khi đọc văn chương của những bậc tiền bối, tôi thích những đoản văn tả lại, hay kể về Sài gòn thời thượng với những quán cà phê mang hơi hướm phương tây. Tôi thường gấp sách lại để hình dung ra con đường Catinat trong sách sử trở thành đường Tự Do. Nơi góc đường Lê Thánh Tôn có quán café La Pagode, nhà hàng Givral, Brodard, thả xuống Continental, Eden, toà nhà Quốc hội, Caravelle Hotel, tới Majestic ở bến Bạch Đằng. Con đường nổi tiếng thời thượng với Mai Thảo, Thanh Nam, Nguyễn Đình Toàn, Thái Thủy, Hoài Bắc, Cung Tiến, Đinh Hùng… “Đường vào tình sử”. Quán La Pagode đặc biệt không có cửa, không có kính, không có màn, nên ngồi ở những bàn gần đường, bàn kê ngoài hè phố, sẽ dễ cảm nhận tà áo ngang qua, thoang thoảng mùi nước hoa sang trọng Chanel Number 5 của con nhà giàu hay mùi Tabou quyến rũ của cave. Ở La Pagode, order một ly cà phê hay một chai bia 33, bia con cọp, rồi thơ thới hân hoan mà nhìn đời, ngắm người…*
Thử hỏi, là người đời sau của Sài gòn đổi chủ thì sao tránh khỏi mơ tưởng về quá khứ một thời quá đỗi dễ thương của Sài gòn, đặc biệt là những quán cà phê của những bậc tiền bối may mắn nên văn chương họ hay. 
Đến thời tôi thì chỉ được ngồi ghế cóc của những xe cà phê vỉa hè trên đường Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do. Ngồi cà phê chạy vì công an tới lúc nào thì chủ xe cà phê dạo đẩy xe chạy lúc đó; khách cũng chạy mau với cái xe đạp của mình chứ chẳng nhẽ ngồi lì để hưởng tai bay vạ gió, bị tịch thu cái xe đạp là tiêu tùng sự nghiệp như chơi. Nhưng Sài gòn mưa nắng chẳng vì đâu nên cũng có hôm vạ gió tai bay trúng mấy tay công an thì dân thường mới được bình yên ngồi nhìn những con người khốn khổ vắt sinh mạng trên những cành me bên đường. Họ là những người từ miền bắc, miền trung, từ các vùng kinh tế mới trốn về Sài gòn nên lén lút hái me trái trên cây để bán ra chợ mà sống qua ngày.
Tôi những tưởng mình sẽ ngồi hết cuộc đời nhìn lá me rơi ở đường Tự Do chứ biết làm gì cho hết tuổi trẻ mịt mù. Nhưng may thay qua tuổi chẳng vì đâu thì tôi xa Sài gòn. Thỉnh thoảng về Sài gòn như về nhà trong tâm khảm đứa con biền biệt. Nhưng lần nào về lại Sài gòn cũng trống rỗng tâm tư với đổi thay, thay đổi từ cảnh vật tới con người, phố cũ đổi tên đường, người quen đã vượt biên… “tôi đi giữa phố phường/ chỉ thấy mưa sa trên nền cờ đỏ”. Câu thơ không quá hay về nghệ thuật với ngôn từ bình thường nhưng lại thấm thía tim gan người trở về nơi chôn nhau cắt rốn vì tôi được cha mẹ sinh ra ở Sài gòn, nên còn biết nghĩ gì hơn là Sài gòn xưa thơ mộng qua trang sách cũ một phần nhờ những quán cà phê kể trên và những tên tuổi đã đưa những quán cà phê ấy vào văn chương miền nam sau 54; để lại di sản văn hoá Sài gòn không cộng sản cho những lớp người sau luyến tiếc cái quá khứ không có mình trong cuộc nhưng thần tượng, thân thương như vòng tay người tình. Đó là sự tài tình của văn chương miền nam không cộng sản và những tiền bối chữ nghĩa một thời mà nhiều đời sau cũng không theo kịp.
Rồi thì quán cà phê ở Sài gòn mai một đi những nét văn minh, lãng mạn tây phương theo đà tiến lên xã hội chủ nghĩa sau khi chiến tranh kết thúc. Từ đó đầu đường xó chợ nào cũng có quán cà phê (giả) được chế biến từ bắp hạt rang lên, bỏ thêm hương liệu cho ra mùi cà phê. Về khách uống cà phê thì thượng vàng hạ cám ngồi chung một quán vỉa hè suốt thời bao cấp vì cà phê là mặt hàng chiến lược, chỉ dành cho xuất khẩu; Cà phê là hàng quốc cấm thời bao cấp, tất cả mọi mua bán cà phê dưới dạng tư nhân với nhau đều là phạm pháp.
Nhưng đến năm 85 của thế kỷ trước, tuy cà phê vẫn còn là hàng quốc cấm mua bán dưới dạng tư nhân có thể bị đi tù nếu không biết cách hối lộ cho công an kinh tế, quản lý thị trường… thời ấy nhiều ban ngành bóp cổ dân đen vì miếng ăn hơn là đàn áp vì nhu cầu dân chủ như bây giờ. Nhưng nhà cầm quyền đã hết chọn lựa khi phải thi hành chính sách mở cửa để cứu nguy nền kinh tế đã tới hồi suy kiệt sau mười năm bưng bít. Thì những quán cà phê ở Sài gòn cũng bắt đầu được có tiếng xập xình âm nhạc, người ta ăn mặc cũng đỡ nhếch nhác hơn thời bao cấp vì hàng ngoại, tiền đô của người di tản đã đổ về Sài gòn. Nhưng có lẽ những người Sài gòn thanh lịch, sành điệu, giới văn nghệ sĩ đã ra ngoại quốc cả rồi nên những quán cà phê ở Sài gòn lẻ bạn, hồn quán bặt tăm. Bởi quán cà phê khác tiệm phở, tiệm hủ tiếu tàu là không thể thiếu những người khách sành điệu về thời trang, nghệ thuật, văn chương, âm nhạc, hội hoạ… Trong khi con người mới xã hội chủ nghĩa thì biết làm gì hơn là ôm nhau trong quán cà phê máy lạnh cho bớt lạnh. Nhưng ôm quá độ thì bác phải cùng chúng cháu hành quân tại quán luôn chứ về đâu cho kịp thú tính của con người. Vì thế đèn quán phải mờ bớt đi cho những công thần đỏ lộng hành mà thành phong trào cà phê ôm, cà phê đèn mờ ở Sài gòn. Cà phê võng ở vườn dừa Nhà Bè, cà phê hom ở miệt trồng khóm Long An chỉ là phiên bản.
Tôi bái biệt Sài gòn dạo ấy, nhưng vẫn ở trong tâm mình những quán cóc chênh vênh giữa Sài gòn đổi chủ. Nhưng rồi hòa mình vào đời sống mới nơi hải ngoại này thì ai cũng như ai, sáng bưng ly cà phê tự pha ở nhà ra xe đi làm, chút âm nhạc liu riu bốn mùa thay lá trên đường đến hãng như kể chuyện đời xưa. Nhưng nghe nhạc mới lại không quen với hòa âm ma đuổi bây giờ, lời nhạc ngu ngơ, ca sĩ thì hiếp dâm âm nhạc vì lên sân khấu để khoe da thịt chứ có biết hát hò gì đâu…
Nhìn lại mấy mươi năm sinh sống ở xứ người là mấy mươi năm cà phê tự pha. Nhưng cái thú ra quán vẫn còn đó nên tôi vẫn ước gì ở Dallas có một quán cà phê Việt mà tôi có thể tự hào mời bạn bè từ xa về Dallas đi uống cà phê với tôi. Nhưng mãi mãi nơi này cũng chỉ có những tiệm phở có bán cà phê. Khách uống cà phê ở tiệm phở muốn hút thuốc thì xin mời ra ngồi ở bàn ghế bên ngoài tiệm. Và nơi tôi ở thì đó là những nơi không nên đến vì bạn chỉ muốn uống ly cà phê sáng ngày cuối tuần để giảm bớt áp lực công việc ở hãng, ngàn lẻ một chuyện không tên ở nhà trong tuần qua… Nhưng bạn sẽ thấy áp lực ở hãng và chuyện nhà với bà cụ thân sinh ra mấy đứa con của bạn còn nhẹ hơn bạn bị tra tấn khi đi uống cà phê ở tiệm phở Việt bởi bạn sẽ mụ người với tiếng chửi thề không biết hay ho gì mà người ta thích chửi liên tu bất tận. Ngay cái câu không cần nói thì ai cũng đã biết là câu, “tui ngu thiệt!” Vậy mà ngoài quán người nói câu ấy cũng thêm vô được hai tiếng chửi thề trước khi nói là tui ngu thiệt.
Tôi không đồng ý với bạn bè tôi cứ cho rằng những người vô công rỗi nghệ thì mới có thời giờ ngồi quán cà phê ở Mỹ này. Họ thất nghiệp, hay bệnh thật bệnh giả gì đó! Ăn tiền trợ cấp chính phủ thì mới có thời giờ ngồi quán mỗi ngày…Tôi đồng ý sao được khi chính tôi đã từng thấy những người đi làm về nhưng không về nhà ngay mà ghé tiệm phở để uống ly cà phê, chửi thề một lát cho mát cổ rồi mới về nhà… ngậm miệng với con gấu mẹ vĩ đại ở nhà.
Nói tới tiếng chửi thề, tôi không thể nào quên những câu thơ tục tĩu nhưng đầy nhân bản của một nhà thơ người Việt khi lang thang nơi xứ người sau biến cố buộc phải ly hương. Thơ rằng: Excuse me/ I’m sorry nói mãi. Thèm một câu chửi thề.” Có tâm trạng lạc lõng xứ người nào hơn cho một người di tản buồn khi thèm nghe dù chỉ một tiếng chửi thề ở đầu đường xó chợ nơi quê nhà cũng không được nơi xứ người vì người ta nói tiếng Anh! Nhưng đó là tiếng chửi thề mang nghĩa tượng trưng của cùng tận sự lạc lõng chứ không phải tiếng dung tục như ở quán cà phê Việt trên nước Mỹ.
Thật đau lòng khi người Việt còn trong nước thì chỉ mong sao có cơ hội thoát ra khỏi bạo quyền cộng sản. Và những người may mắn đặt chân được lên mảnh đất tự do của Hoa kỳ thì sao không lo ăn học, làm lại cuộc đời mà lại phí thời gian ngồi lê chửi thề ở quán cà phê. Một hình thức khủng bố đồng hương mà người khủng bố không hề hay biết!
Thật sự ở những khu người Việt ở Dallas, bạn chẳng thể nào tìm ra một quán cà phê mà bạn có thể hãnh diện nói về khi đi xa, hay mời bạn bè từ xa về Dallas chơi hãy đi uống cà phê với tôi để biết hết phụ nữ đẹp và đàn ông thanh lịch đã dọn về sinh sống ở Dallas.
Người Việt thường nói lớn tiếng, cười hô hố nơi công cộng, chẳng coi ai ra gì vì mang nặng tâm lý chẳng ai coi mình ra gì thì cần gì phải coi trọng ai? Cái tâm lý đáng bỏ đi ấy thì lại sống hùng sống mạnh như tinh thần dân tộc mới khổ cho đám trẻ con sinh ra ở Mỹ, đi học trường Mỹ, tiếp thu văn hoá Mỹ… nên chúng thấy kỳ thì nhắc mẹ sao nói điện thoại lớn tiếng quá trong chợ Mỹ vậy mẹ? Người ta nhìn mẹ kìa…! Thằng nhỏ nhắc mẹ đó ra sao là điều ai cũng đã biết! “Sao mày giống thằng cha mày quá vậy? Cái gì cũng sợ! Đi đâu cũng sợ! Sợ gì? Sợ ai chớ!”
Nên tôi chẳng lạ mắt gì nữa khi thấy hai, hay ba người Việt nam hội nhập với khách cà phê Mỹ trong những quán cà phê Starbucks trong vùng. Điều đó chứng minh được là người Việt cũng biết nói chuyện nhỏ tiếng một chút nơi công cộng như quán cà phê, không khạc nhổ, xả rác bừa bãi… và chửi thề vô tội vạ. Nhưng loại người Việt đó còn hơi hiếm trong cộng đồng dễ tính của chúng ta.
Và đâu phải chỉ có người Việt ở Dallas mới thế! Tôi đi chơi, đi thăm thân nhân, đi công tác ở rất nhiều nơi có cộng đồng người Việt – thì hầu như ở đâu cũng vậy! Cứ bên ngoài một tiệm phở là mấy bàn cà phê, khách hàng nhẫn mặt nhau vì ngoài những khách hàng thường trực như thế thì khách vãng lai nào dám ghé uống ly cà phê. Dù chỉ là cà phê tiệm phở – loại cà phê bán cho có bán và người uống thì cũng chỉ là uống cho có uống chứ ngon lành gì ly cà phê ở tiệm phở khi mặt hàng kinh doanh chủ yếu là phở, không gian phở với mùi quế, mùi đại hồi nồng nặc thì còn đâu không gian cho hương thơm cà phê lan toả và những câu chuyện dành cho bàn cà phê…
Tôi mới đến thủ phủ tỵ nạn của người Việt ở Mỹ hôm tuần trước. Ngồi đợi bạn từ San Jose xuống quận Cam nhưng kẹt xe quá chừng ở San Diego. Chiều Calif mùa hè nhưng không nóng lắm nên tôi thả bộ ra đường Bolsa, ghé quán uống ly cà phê ở gần khu Phước Lộc Thọ. Nơi ấy có nhiều người già đi trên đường phố một mình với sự trợ giúp của gậy chống, gậy chống có bánh xe cho người lớn tuổi bị yếu chân. Sự cô đơn của người lớn tuổi phải ra đường một mình vì nhu cầu đời sống nhưng không có con cháu đi theo là hình ảnh Calif hôm nay trong mắt tôi. Và hình ảnh tiếp diễn là họ cũng không được thông cảm bởi tiếng kèn xe inh ỏi than phiền những cụ già qua đường quá chậm làm cản trở giao thông. Không biết những người đang lái xe bên quận Cam nghĩ gì khi bóp kèn một cụ già qua đường còn khó hơn qua đời!
Rồi những người đi làm về nhếch nhác trên đường với sự mệt mỏi. Tôi đoán họ làm việc ở những chợ Việt hay hàng quán của người Việt qua trang phục của họ. Họ thả những bước chân bộ hành lầm lũi đến mủi lòng người khách vãng lai. Nhưng tương phản với họ là rất nhiều xe mới, những loại xe đắt tiền thi nhau bóp kèn ngoài lộ Bolsa vì chẳng ai thông cảm hay nhường ai khoảng cách một thân xe trên đường chiều đông đúc và hối hả như nhịp sống nơi này…
Tôi rất muốn được ngồi quan sát sinh hoạt của người Việt ở thủ phủ tỵ nạn một buổi chiều trọn vẹn vì sẵn có dịp và thời giờ. Nhưng thực tình ngồi không nổi với bàn cà phê sau lưng tôi vì tôi ngồi nhìn ra đường Bolsa ở bàn đã sát làn đường đi bộ. Bàn cà phê chiều sau lưng tôi với độ bốn, năm người đàn ông đồng hương. Họ ở tuổi đi làm nhưng có vẻ không ai có việc nên toàn nói chuyện làm tiền bảo hiểm mà ai cũng tự cho cách, kế của mình là tinh vi nhất! Và cũng vì thế mà họ chửi thề inh ỏi như tiếng kèn xe ngoài đường Bolsa. Có lẽ tôi ở nhà quê bên Texas nên hiếm hoi lắm mới được nghe một chiếc xe hơi bóp kèn để đuổi con bò, con ngựa, con dê… không biết luật giao thông nên cứ nhởn nhơ hay tắc trách ngoài lộ.
Rồi bạn tôi đến khi phố đã lên đèn, những lọn gió ngoài biển lẻn về phố Bolsa không đủ nguội cơn thịnh nộ của những người đồng hương ở bàn cà phê sau lưng tôi đã chửi thề với nhau từ chiều tới tối chưa ngã ngũ.
Chúng tôi đi. Niềm vui hội ngộ không đủ xua tan bóng đêm về trong suy nghĩ một người Việt ở xa về phố Bolsa. Tôi nghĩ một người vừa rời khỏi Sài gòn, rồi đáp máy bay xuống Bolsa thì không có gì lạ, không có gì buồn vì Bolsa y như Sài gòn thượng vàng hạ cám. Và một người nhà quê trên nước Mỹ như tôi, đặt chân lên phố Bolsa từ chiều đến tối, tôi có cảm tưởng mình đã về tới Sài gòn.
Nhưng đâu đã hết!
Sáng hôm sau tôi đi quán cà phê sớm với anh bạn lớn tuổi nên có lẽ anh đã chọn một quán cà phê không xập xình âm nhạc với âm thanh lớn. Nhìn qua không gian quán thoáng đãng, tươm tất, vệ sinh… Tôi thích. Mấy cháu gái nhìn qua cũng biết là du sinh, các cháu lịch sự, vui vẻ. Quan trọng nhất vẫn là ly cà phê ngon. Tôi hài lòng với cái ly cà phê không có mùi phở bò hay hủ tíu các loại. Ít nhất cũng không uổng công ngồi máy bay ba tiếng để về Calif.
Nhưng hạnh phúc trọn vẹn chỉ có trên thiên đàng nên mới sáng sớm dưới thế quận Cam đã chửi thề bạt mạng. Một người đàn ông chừng sáu mươi tuổi, ăn mặc không tệ, ông lái chiếc xe Lexus RX 350 mới lắm. Ông quẹo vào ô đậu xe trước mặt tôi (vì chúng tôi chọn ngồi bàn ngoài quán cho mát). Tiếp theo là chiếc xe Mercedes cũng quẹo vào quán cà phê, đậu kế xe ông. Bước xuống xe là người thanh niên béo phì, quần cộc, dép kẹp, chừng ngoài ba mươi tuổi.
Tôi cứ tưởng họ đi uống cà phê với nhau. Ai dè hai người đàn ông cùng quẹo vô quán, đậu xe kế nhau để chửi nhau cho tiện. Họ chửi tầm xa khi còn cách nhau một thân xe nghe không sướng lỗ tai nên xích lại tầm gần, thiếu điều môi mắt chạm nhau mà gào lên những câu tục tĩu nhất thế gian. Chắc hai người này là dân chửi chuyên nghiệp nên họ chửi trơn tru như Thành Được hát cải lương, Văn Vĩ đờn cò. Thậm chí có những câu chửi tục mà tôi mới được nghe lần đầu nên bái phục cái nôi văn hoá của người tỵ nạn.
Và dân quê ra phố nên tôi mới thấy mình nhà quê là sợ họ đánh nhau, sợ mất mặt người Việt ở xứ người. Tôi dân Texas nên không sợ chuyện thường ngày ở xứ bò là rút súng giải quyết nhanh. Nhưng hoá ra quận Cam đúng câu ngạn ngữ “chó sủa chó không cắn”, chỉ ồn thôi! Nên tôi chỉ còn lạ lẫm với người quận Cam là chẳng ai quan tâm đến cuộc khẩu chiến sáng sớm mà đôi bên mặt mày đã đỏ phừng phừng như uống rượu mạnh ban trưa ở Nevada. Từng người đến quán dửng dưng như đó chỉ là chuyện thường ngày ở quận Cam, không ai bố thí cho họ một lời can thiệp hay thậm chí là xúi giục họ thanh toán nhau đi cho bớt ồn như dân cao bồi ở Texas cho xong.
Rồi cũng có người lớn tiếng nói, “Thôi đi mấy ông ơi!”
Tôi nghĩ. Phải thế chứ! Đồng hương với nhau mà như chó với mèo, như chó tha tã với nhau thật khó coi ở xứ người. Nhưng nhìn lại con người vô văn hoá và khiếm nhã nhất Calif mà tôi vừa gặp chính là người nói câu nghe được! Nhìn lại. Anh ta bụng ỏng đít teo, quần áo bèo nhèo, đi dép kẹp dưới chân, trên đầu không chải tóc… Nói hai người đang chửi nhau thôi đi… để anh ta nói điện thoại chứ không phải can ngăn gì hai người kia. Và anh cũng là một tay chửi thề không nhất cũng nhì ở quận Cam vì qua điện thoại oang oang nơi công cộng cũng chẳng nghe anh nói lớn tiếng mà hiểu được chuyện gì ngoài những câu chửi thề leo lẻo, liên tục nhả vô điện thoại. Thật tội nghiệp cho ai đã bị anh gọi điện thoại sáng sớm.
Tôi rời quận Cam sau họp mặt hàng năm với bạn bè. Ba giờ bay không nhiều cũng chẳng ít, nhưng đủ cho tôi thầm cảm tạ Ơn trên đã sắp đặt cho mình định cư ở nơi đất rộng người thưa nên cũng vắng tiếng chửi thề. Không phải là không có vì ở đâu chả có người này kẻ khác, nhưng có lẽ mật độ dân số ở quận Cam quá cao nên dễ đụng chạm như hai người đàn ông chỉ tranh làn xe chạy ngoài đường mà phải ghé quán chửi nhau cả buồi sáng để chứng minh tư cách cá nhân, trình độ văn hoá và sức khoẻ bản thân…
Cảm ơn và xin lỗi tất cả đồng hương, độc giả ở quận Cam. Có lẽ năm nay ảnh hưởng biến đổi khí hậu toàn cầu nên quận Cam không còn là nơi cho bạn hữu đến hẹn lại về thủ phủ tỵ nạn để họp mặt, chia chung vui buồn tỵ nạn của người Việt hải ngoại rải rác trên địa cầu.
Phan

No comments:

Blog Archive