Thursday, March 2, 2017

Xe đò tháng Chạp!

Đoàn xuân thu
Nhà thơ Thanh Nam, người di tản, xa quê, buồn u uất, đã từng viết: “Một năm người có mười hai tháng/ Ta chỉ riêng mình một tháng Tư”
Tháng Tư buồn thiệt! Tháng của những ngày ly biệt, rồi ra đi biền biệt, dẫu quê lòng tha thiết nhớ… nhưng làm sao biết tới ngày nào mà về quê cũ?
Nhưng tui còn buồn hơn nhà thơ Thanh Nam nữa. Ông buồn chỉ tháng Tư; tui còn buồn thêm tháng Chạp, tháng cuối cùng của năm. Con nhớ Má! Má ơi!
Ôi tháng Chạp, năm cùng tháng tận, xa quê, ai cũng muốn về nơi chôn nhau cắt rún để coi cái nhau rún ngày xưa (của tui), Tía vùi trong quê đất, chắc nó cũng lạc mất rồi… Nhưng cái tình quê tha thiết sao vẫn còn mãi trong tui!
Ôi nhớ xưa! Chiều cuối năm đi học xa, Tết gần kề thì đâu còn lòng dạ nào mà học! Chữ nghĩa không có vô vì chỉ trông ngóng ngày về.
Từ Sài Gòn về Mỹ Tho thì phải đi xe đò. Nhưng xe không chạy trên sông sao gọi xe đò? Có nhà từ nguyên học cắt nghĩa như vầy:“Đồng bằng Nam Bộ sông rạch chằng chịt, ngày xưa phương tiện đi lại chủ yếu bằng đò ghe, cho đến thập niên ba mươi, người Pháp thành lập vài hãng xe chở khách đi miền Tây. Thời ấy đường lộ chưa có nhiều, xe đến bến, khách phải đi tiếp bằng đò ghe nên người ta gọi là xe đò cho tiện?!”
Tui nghe nhà từ nguyên học nầy cắt nghĩa như vậy là tui nghe vậy… rồi để đó!
Chớ trong bụng, lại nghĩ rằng: Đúng là Lục tỉnh Nam Kỳ mình sông rạch chằng chịt! Hồi chưa có lộ; có xe, bà con mình phải đi đò. Nào là đò dọc, đò ngang, chở khách từ bến nước nầy xuôi hay ngang qua bến khác, rồi lại quay về bến cũ
Xe đò, chắc cũng thế, đưa người từ bến nầy tới bến kia, thả khách cũ xong, bắt khách mới, quay trở lại bến cũ, như cái thoi đưa, nên ông bà mình gọi đó là xe đò?!
(Sao tui khoái chữ bắt khách và thả khách của giới xe đò giàn trời mây đi?!
Bắt khách, nhốt vô cái thùng bằng sắt tây, trấn lột lấy tiền vé, chạy lắc lắc hồi lâu tới bến; rồi thả khách ra tiếp tục bắt khách khác! )
Nhớ xưa đón xe ở dọc đường, tài xế chưa kịp ngừng hẳn là lơ xe nhảy xuống nắm tay mình kéo lên!“Tới luôn bác tài!” Là xe nó dọt lẹ vì phải ngăn thằng chạy sau qua mặt; kẻo nó hớt hết khách dọc đường!
Tui là đực rựa nên cái vụ nắm tay kéo áo nầy hỏng nhằm nhè gì! Nhưng có em nào coi đã con mắt, đi gần xa gì cũng được, lơ xe nó hốt lên liền! Một là có thêm tiền hay là đụng sơ chút chút cho nó khoái.
Ở đây không dám quơ đũa cả nắm đâu nhe mấy bác tài và lơ xe! Mấy ông lỡ có đọc bài nầy… xin đừng giận lẫy mà xài xể tui! Tội nghiệp!
Vài tay lơ xe quả là dê đạo lộ. Bác tài là bác của lơ xe; dĩ nhiên cái vụ dê nầy là chắc Bác cũng hơn thằng cháu hàng trăm cây số!
Nghe nói bác tài ngoài con vợ dữ như bà chằn ở nhà, bác tài vẫn tỉnh bơ, sơ cua (xe nào mà không có bánh sơ cua chớ?) ít nhứt thêm một vài em đi buôn chuyến đường dài.
Luôn ưu tiên cho người đẹp, giắt bông lài, ngồi sau lưng bác tài. Ghế số một cữ đàn bà con gái ngồi. Không phải trọng nam khinh nữ gì đâu; mà chỉ sợ cho người đẹp ngồi ngang mặt; bác tài cứ “địa” qua hoài; không lo lái là có ngày bay xuống ruộng!
Mới đây, tui có đọc tin một chiếc xe đổ đèo mà thắng lại không ăn. Bà con trên xe kêu cứu, la khóc rùm trời! May nhờ tài xế chiếc khác nhanh trí kêu ông đụng ‘đít’ tui đi! Hai xe bèn dìu nhau xuống đèo, an toàn xa lộ!
Nên bác tài cứu khổ cứu nạn nầy được quan lớn tặng thưởng vô lăng (volant) vàng. Cái vô lăng nầy không bằng vàng đâu mà ham! Nó bằng giấy… giấy khen!
Rồi có một bác tài chở chừng 6, 7 chục hành khách; hát xiệc, vừa lái xe vừa ăn mì gói đó. Ngon hông? Hành khách lên ruột, bèn chụp hình bằng mobile phone làm bằng chứng để đi méc, nên bác tài nầy nghe nói sẽ được nghỉ cầm lái dài dài.
“Ê! Cấm phóng nhanh giành đường vượt ẩu; chớ đâu có cấm vừa cầm tay lái vừa ăn mì gói (tại tui đói) sao lại đuổi tui?”
Tui e rằng bác tài nầy xe được các quan tặng cái bằng ‘vô lăng mì gói’! 
*** 
Thưa thời Tây, ông bà mình đi xe ngựa không hè. Giờ thì có quốc lộ, tỉnh lộ trải nhựa và hương lộ trải đá. Rồi xe bên Tây nhập về để chở khách, chở hàng hóa!
Xe của Tây nên tiếng Pháp ăn theo, nhập vào kho tàng từ vựng của tiếng Việt mình. Démareur, ‘đề ma rưa’, cắt bớt đuôi, thành đề, là bộ phận khởi động xe! Manivelle, ‘ma ni quên’, que sắt dùng để quay, khởi động xe,đôi khi được dân đứng bến quơ quơ như cây thiết bảng của Tề Thiên để đe dọa đám xe khác dám cạnh tranh, giành kéo, níu khách của mình.
Còn lơ xe là ‘Contrôleur’ có nghĩa là người soát vé mà ra! Sau nầy, tụi nó gọi là phụ xế!
Nhưng tài xế lại là tiếng Quảng Đông, do hai tiếng “đại xa” đọc theo tiếng Việt thì gần như là “tài sé”.
Tùy theo chạy đường xa hay gần; số hành khách nhiều hay ít nên xe đò có ba loại: nhỏ 10-15 người (tài xế kiêm lơ xe), loại trung (lỡ) chở 2, 3 chục khách (một tài xế, một lơ xe), loại lớn lên đến 50-70 người (gồm một tài xế, một lơ xe, và có thêm thằng nhỏ, theo học việc, chỉ được chủ xe cho ăn cơm, lâu lâu được chủ xe cho tiền cà phê thuốc lá chớ không có trả lương! Lơ nầy gọi là lơ cơm!
Xe đò chạy từ Sài Gòn về tận cùng đất mũi Cà Mau trên kiếng xe có chơi thêm chữ ‘chạy suốt’ cho nó oai! Sau nầy còn thêm chữ ‘tốc hành’ nghĩa là tao chạy lẹ đó nhe!
Lúc Tây còn làm cha thì hãng Renault của Pháp, xe thân dài (như xe của hãng Tân Mỹ chạy Tân An – Mỹ Tho), làm bá chủ!.
Tới thời Việt Nam Cộng Hòa của mình, sau 1954, thì tới phiên xe Mỹ như De Soto, Chevrolet, Ford , GMC… Nhựt Bổn ráng chen vô một tụ, hãng Toyota!
Xe lô (ca xông)! Như của hãng xe lô Minh Chánh ở Mỹ Tho! Nguyên là xe Huê Kỳ, của hãng Ford, đã cũ, ghế ngồi được thay đổi để chở được nhiều, khách phải đợi cho đủ số người sau đó xe sẽ chạy suốt, ít ngừng ở dọc đường. (Còn cuốc bộ thì gọi là đi ‘lô ca chưn!)
Để: ‘Nhỏ đưa anh, mặt mày ủ dột/ Mỹ Tho buồn, rớt hột, lâm râm…
xe lô Minh Chánh, vừa lăn bánh/ Nhỏ lấy mù soa, chấm chéo khăn!’
Những chiếc xe đò chạy đường Sài Gòn Mỹ Tho mang tên như Á Đông, Tân Á, Đông Á của thầy Hài! Thuận Thành của ông Sáu Thuận và những hãng nhỏ hơn chỉ có một hai chiếc như: Ngọc Châu và Chánh Đức!
Xe đò đi miền Tây như: Hiệp Thành chạy Vĩnh Long, Đức Hiệp chạy Cần Thơ, rồi Thuận Thành, Lộc Thành, Nhan Nhựt, Quang Minh, Đại Hưng, Thuận Hiệp, Vĩnh Phát, Thuận Lợi, Liên Hiệp, Nhơn Hòa, Phi Long, Hiệp Hưng, Kim Long, Nam Thành, Hữu Phước, Quang Minh, Hiệp Thành,Tam Hữu chạy tới Bạc Liêu, Cà Mau hay qua Bắc Mỹ Thuận quẹo về tay phải đi Sa Đéc qua Bắc Vàm Cống về Long Xuyên và Rạch Giá.
Nhắc tới xe đò thì mình phải nhớ tới xe thơ chớ!
Đầu thập niên 20, Pháp đã thiết lập hệ thống nhà dây thép ở các tỉnh miền Nam.
Sau nầy gọi là Ty Bưu Điện. Mới đầu chỉ là bưu chính nghĩa là thơ tín cộng thêm đánh “morse” để chuyển điện tín cho nó nhanh.
Chuyến xe thơ chở thơ tín (được bỏ trong bao bố có niêm dấu khằn) cho Bưu Điện, thường chạy sớm khoảng 4 hay 5 giờ sáng, có quyền ưu tiên qua cầu Bến Lức, cầu Tân An hay Bắc Mỹ Thuận, Bắc Cần Thơ hoặc Bắc Vàm Cống!
Chủ xe không nhận tiền công mà được hưởng quyền ưu tiên qua cầu phà trước; không cần xếp hàng nối đuôi. Do đó, nhiều hãng xe các tỉnh tình nguyện nhận làm chùa! Đôi khi còn giành nhau khiến Ty Bưu Điện phải cho bắt thăm hàng năm; coi đứa nào được! Cũng là một cách các hãng xe cạnh tranh, phục vụ hành khách rất là chánh đáng!
Chủ xe chỉ cần treo tấm bảng “xe thơ” chữ màu đỏ phía trước. Nhiều hành khách thích đi xe thơ vì xe ưu tiên, nhanh chóng về quê mà không phải mất thời gian chờ đợi qua phà lâu lắc. 
***
Hồi nhỏ, mỗi lần được Tía má cho về quê Nội hoặc Ngoại ăn Tết là tối đêm trước khi đi, chu choa, ngủ không được! Vì sắp thoát khỏi cái đất Sài Gòn khói bụi và tù túng! Mà còn vì tui, giống như mấy thằng nhóc khác cùng tuổi, rất thích được đi xe đò, thích ngồi hàng ghế đầu, sát cửa sổ, phè phè ngắm phố phường chầm chậm lướt qua…
Ra khỏi thành phố là tha hồ ngắm cánh đồng cuối năm chỉ còn trơ gốc rạ. Những đống rơm to đùng! Khói nhà ai bốc lên trong sương sớm?! Xa xa, những vườn cây, dòng sông lóng lánh như dải bạc! Xe đò ngày cũ quả là những ký ức tuổi thơ êm đềm!
Lại nhớ năm 1961, Tía tui từ Bưu Điện Rạch Gá đổi về Sài Gòn! Cả nhà đông quá nên bao nguyên một cái băng 7 chỗ, trên chiếc xe đò Liên Trung thuở đó.
Tới Lấp Vò là phải xuống xe lội bộ vì tối qua Việt cộng mò ra đắp mô, đào đường phá hoại!
Tới bến xe Petrus Ký của Sài Gòn hoa lệ, cả nhà tíu tít làm sao mà để quên con chó cưng! Ôi con Mực của tui thời thơ ấu, giờ chú em phiêu bạt tới tiệm cầy tơ bảy món phương nào?!
Đêm nay, đêm tháng Chạp cuối năm, tui thả hồn về quê cũ!
Lại nhớ Giáng Thu, người ca sĩ gốc Ấn Độ, với bài hát của nhạc sĩ Hoài Linh: “Chuyến xe đầu đưa người từ lòng nôi/ Vào nhân thế chơi vơi/ Tay không hành lý ngóng nhìn về tương lai/ Ngỡ ngàng lên tiếng khóc cười/ Thay cho lời đầu tiên người nói!
Tháng năm dài vui buồn tuổi chồng thêm/ Ngọt cay cũng mau quen/ Xe loan nhiều chuyến cát bụi mòn chân đen/ Sang giàu may mắn phút đầu/Hay những đổ gẫy đôi ba cầu/
Xe hoa đưa người êm ấm tình nồng/ Em, anh nên nghĩa đôi vợ chồng/ Se tơ hồng một duyên hai bóng/
Duyên ưa có người chỉ một xe đầu/ Có người vài lần thương đau/ Có người chẳng bao giờ đâu.
Sáng trưa chiều khi tuổi đời nặng gieo/ Vòng tay cũng xuôi theo/ Công danh ngày ấy giấc mộng tình hôm nay/ Cũng về như chiếc lá gầy /Xe đơn lạnh tiễn ai trong nầy?”
Vâng đúng vậy! Đời ta như lên những chuyến xe “đò” và cuối cùng ai cũng lên một chuyến xe “đòn” hết ráo.
Nên tháng Chạp cuối năm về; xin bà con và tui cứ vui lên đi khi mình còn được lên xe đò, nghĩa là vẫn còn lắc lư sống theo nhịp xe rung trong cuộc đời quá khổ đau nầy. Ha ha!
Đoàn xuân thu
Melbourne

No comments:

Blog Archive