Thursday, February 5, 2015

CÂY NGỌT SANH TRÁI ĐẮNG
                                                                                                 Phùng Nhân
Nhà văn Võ Phiến tên ngoài đời là Đoàn Thế Nhơn. Quê quán ở ngoài Bồng Sơn Quảng Ngải. Ông có một người con trai tên là Đoàn Thế Phúc, khi viết văn ký bút hiệu là Thu Tứ. Cũng trên trang báo Việt Luận phát hành ngày thứ sáu 3/10/2014 có 2 bài viết. Bài thứ nhứt của bà T.Vấn viết với tưạ “Nhân Trường Hợp Võ Phiến bàn về Trường Hợp Thu Tứ”. Bài thứ hai của tác giả Nam Dao với tựa: Hoàn Cảnh Thu Tứ.
alt
Hai bài viết tôi vừa nêu trên, đang xoay quanh hoàn cảnh của nhà văn Võ Phiến. Một nhà văn, một nhà văn hoá, đã từng là chủ bút chủ báo một thời, ngày hôm nay đang mắc một chứng bịnh nan y không nhớ bất cứ chuyện gì, ngoài cây gậy chống đi, để tìm sự lãng quên trong thầm lặng. Nhưng trong mấy ngày qua ông Võ Phiến được ông con chiếu tướng rất tận tình, bằng một bài báo cho đăng trên tờ Văn Học Thành Phố HCM số 320 phát hành khắp nước Việt Nam đã làm cho nhiều người bàng hoàng tỉnh giấc, là vì khi biết chắc ông Đoàn Thế Phúc, bút hiệu (Thu Tứ). Một đứa con được gia đình ông Võ Phiến, và cả chánh phủ miền Nam dưới thời ông Nguyễn Văn Thiệu làm tổng thống, cho đi du học ở bên Mỹ quốc, nay đã thành tài mới tập tành viết văn để mong nối nghiệp của ông. Nhưng sự nối nghiệp đó là một vết chàm, nó đã đổ xuống làm ô quế cái tên Võ Phiến hiện nay, mà ở trong nước cũng như hải ngoại hiện giờ người ta đang phẫn nộ. Người ta phẫn nộ, không phải bài viết dở, nhận định không được khách quan, mà người ta phẫn nộ vì bài viết trái với luân thường đạo lý.
Cũng trong bài viết Nam Dao viết thêm “bà Võ Phiến chỉ khóc thật tội nghiệp”, khi nghe nhà văn Lê Tất Điều điện thoại tới hỏi thăm, coi trong trường hợp nào mà Đoàn Thế Phúc (Thu Tứ) lại viết xuống nặng tay, khi người cha của mình đã bỏ hết một đời người ra để bồi đắp cho sự nghiệp văn chương. Nếu không đồng ý với chánh kiến đó thì phải làm thinh, chớ có lý đâu mà lại viết một bài y như là cuộc đấu tố văn chương, mà trong tinh thần đạo lý gia đình của người Á Đông không bao giờ cho phép. Còn ông Võ Phiến thì vẫn vô tư. Bởi vì ông đang mắc chứng bịnh lẫn (Alzheimer) mấy năm nay, nên ông đâu có biết chuyện gì đã xảy ra trong nhà, hay ngoài xã hội. Ông đâu còn nhớ tới chánh quyền cộng sản, hay người cộng sản nó ra làm sao, mà ông chỉ biết có cây gậy cầm tay, rồi ngồi nhìn bóng câu qua cửa sổ. Một người già cả như vậy, nó cũng gần giống như cái cảnh sắp gần đất xa trời rồi. Nếu là con người chúng ta không động lòng thương xót thì thôi, chớ nỡ lòng nào mà lấy cớ phê bình sự nghiệp văn chương ra hạch sách.
Hơn nữa gần hết một đời người, cả miền Nam nầy ai cũng biết. Nhà văn Võ Phiến là một người đã đóng góp tích cực vào dòng văn học miền Nam, khi đất nước bị chia đôi từ năm 1954. Nhờ cây viết của ông, mà cả miền Nam mới khơi dậy được nền văn chương nam bộ. Cũng bắt đầu từ đó, những từ ngữ mới, văn nói, văn viết được phát triển mỗi ngày. Nhờ vậy mà truyện ngắn, truyện dài được chuyển hướng, vươn mình để trở thành những áng văn tuyệt tác cho tới ngày nay.
Trong cái họa lại có cái phúc. Ông Võ Phiến nhờ bịnh lẫn, cho nên ông đâu có biết gì tới bài viết của “ông con”, đã châm chích đã kích mình quá sức nặng nề. Ông vẫn vô tư hằng ngày sống trong trạng thái phủi sạnh nợ trần ai, ung dung bước tới bước lui để chờ ngày vãng sanh cực lạc. Mặc dầu trong thế giới văn chương hiện nay. Có người hồi trước đã quen biết với ông, có người chưa hề gặp mặt. Nhưng họ đã lên tiếng, không phải là để bênh vực cho cá nhân, mà là để gióng lên một tiếng nói của lương tâm, để mong cảnh tỉnh đến ông Thu Tứ. Rằng bài viết đó là lỗi đạo với bổn phận làm con, lỗi đạo với bổn phận làm người. Chớ không phải là một bài báo theo cách nghĩ thông thường của những người cầm viết với nhau, viết phê bình để bổ khuyết cho nhau, mỗi khi đọc cuốn sách, hay một bài báo mà tác giả trình bày có phần giả tạo. Nhưng ở đây sự nghiệp văn chương của ông Võ Phiến, đã xây dựng vững chắc, trên một nền tảng văn học sáng tác tự do, không có “bề trên” chỉ đạo đã mấy chục năm nay rồi chớ đâu phải ít. Chính cái bề dày giá trị về mặt văn học đó, đã bảo đảm cho tên tuổi của Võ Phiến từ lúc mới xuất hiện cho tới lúc cuối đời, nên bài báo của ông Thu Tứ cho dầu tờ Văn Học có gióng trống khua chiêng, có chưng diện tới cỡ nào, thì nó cũng vẫn là một bài báo theo kiểu đấu tố ăn theo. Chớ nó không phải là một tiếng nói có trọng lượng trong nền văn học.
Như vậy thì việc đánh giá về sự nghiệp văn chương của ông Võ Phiến, phải là một người khác, có kiến thức thâm sâu, đã từng trải trên văn đàn mà mọi người ai cũng biết. Còn ông Thu Tứ là ai? Ở hải ngoại, cũng như ở trong nước hiện giờ. Có được bao nhiêu người biết đến với cái tên Thu Tứ nầy, nếu có biết thì họ biết là ông Võ Phiến có một “ông”con tên là Đoàn Thế Phúc. Ông nầy cũng có viết văn, rồi ký tên Thu Tứ. Với một bút danh lãng đãng mơ hồ như vậy, kiến thức được bao nhiêu, mà hạ bút viết xuống gần như thiêu sống ông cha đang mắc bịnh lẫn của mình. Một người có học, một người trí thức có thể hành động vậy sao, hay đó là những phút “hôn mê” do cái bả vinh hoa đang sai khiến. Tại sao một người con, lại dám viết về quan điểm chánh trị của cha mình, đã thể hiện cung cách sống khi còn phục vụ trong chế độ miền Nam, cho tới khi di tản qua nước Mỹ. Ngày hôm nay ông Võ Phiến không còn đủ sinh lực để đọc được bài báo của ông Thu Tứ viết về ông. Phải chi bài báo nầy được viết khi ông còn minh mẫn. Vì ít ra nó cũng được công bằng, khi ông Võ Phiến tiếp nhận bài viết của con ông, cho dù nó có cay đắng tới cỡ nào. Ông cũng ráng gồng mình lên mà chấp nhận. Đằng nầy ông đang mắc chứng bịnh lẫn, đâu có biết thế sự hiện nay như thế nào, như vậy thì bài viết về ông kể như không có.
Theo như trong bài viết Nam Dao đã dẫn, thì sự nhiệp văn chương của Võ Phiến. Ở trong nước được họ tuyển in 2 tác phẩm. Đó là Quê Hương Tôi & Tạp Văn do nhà xuất bản Nhã Nam phát hành, nhưng đã bị cắt sửa những chỗ không phù hợp với chế độ hiện giờ. Mặc dầu hiện nay đã có rất nhiều nhà văn hải ngoại, họ đã có tác phẩm được tái bản ở trong nước. Họ cũng có những bài viết phê bình, để nhằm hướng dẫn đọc giả nắm bắt được chiều sâu của cốt truyện.
Trong lịch sử văn học Việt Nam nói riêng, nói chung cho toàn cõi Á Châu, thì từ trước tới giờ chưa có việc người con lấy sách của người cha ra mổ xẻ. Có lẽ đây là một lần đầu tiên đã xảy ra cho nền văn học Việt Nam. Đó là ông Thu Tứ, con của nhà văn Võ Phiến, đã viết một bài với tựa “TRƯỜNG HỢP VÕ PHIẾN”. Với cái tựa đề như vậy, làm cho đọc giả cảm thấy lợn cợn lấn cấn một điều gì. Tại sao cái tựa rất mong lung, không tóm tắt hoặc thể hiện được nội dung của bài viết. Hay là chính ông Thu Tứ đã tiên liệu trước rồi, nên đặt cái tựa chẳng có ăn nhập gì với sự nghiệp văn chương của ông Võ Phiến, mà chỉ nêu lên trường hợp chống cộng của riêng ông, cũng như phần đông người dân miền Nam trước năm 1975 đang chiến đấu.
Trong suốt bài viết, ông Thu Tứ không hề đề cập đến sự nghiệp văn chương của cha mình. Tức là nhà văn Võ Phiến, mà ông Thu Tứ cứ xoay quanh quan điểm chánh trị, như tinh thần chống cộng, tinh thần không hợp tác với chủ thuyết cộng sản, hay vấn đề thống nhứt đất nước, vấn đề độc lập của một dân tộc phải như thế nào. Chớ không thể cất binh từ miền Bắc vào đánh chiếm hết miền Nam, rồi bắt tất cả sĩ quan, công chức cao cấp đem đi học tập cải tạo. Nếu ông Võ Phiến có chống lại điều đó, là chống lại cái ác, chống lại cái dã man của một số người cuồng tín. Chớ ông không chống lại cái sự độc lập tự do của con người. Vậy mà ông Thu Tứ lại nỡ lòng nào lên án cha mình là “chống cộng cực đoan hơn là những người Cộng Sản Việt Nam ứng dụng chủ nghĩa cộng sản”. Một câu nói đó nó rất nhẹ nhàng, nhưng hàm chứa cả một khối xăng khô, để đốt cháy cả một sự nghiệp văn chương, mà ông Võ Phiến đã đem hết tâm huyết của một đời người ra xây dựng.Về phía cộng sản Việt Nam. Nhứt là tờ báo Văn Học thành phố HCM, họ đã chọn đăng đúng vào thời điểm. Vì không ai tố cáo ông Võ Phiến chính xác hơn là Thu Tứ. Bởi đó là một người con, vạch tội chống cộng của cha mình. Nhưng sự “vạch tội” đó đúng hay sai, thì đang chờ công luận. Riêng về phần ông Võ Phiến lúc nầy, thì vẫn hồn nhiên đứng ngoài vòng cương toả. Ông đâu cần biết tới “ông Thu Tứ” viết cái gì, phê bình ông ra sao. Vì những thứ đó đang thuộc về lịch sử phán xét.
Trong bài của bà T.Vấn viết đi sâu vào vấn đề hơn. Bà đã dẫn chứng thêm của những bài viết khác. Chẳng hạn như bài của nhà văn Phùng Nguyễn, đã cho đăng trên tạp chí mạng Da Màu “xin dành lời cuối cho những ai quan tâm đến Văn Học Miền Nam 54-75. Hãy cùng nhau tạo điều kiện cho bạn đọc trong nước có cơ hội tiếp cận với diện mạo chân chính của nền văn học đã, đang, và tiếp tục bị trù dập nầy. Với cái “tổ chức phi chánh quyền”,những lời chúc tốt đẹp và ước mong. Vì một nền văn nghệ đích thực, xin hãy đứng vững. (Phùng Nguyễn - Trường Hợp Võ Phiến hay cậu chuyện tái ông thất mã).
Cũng trong bài biết, bà T.Vấn có trích một đoạn văn của Kiều Phong, tức là nhà văn Lê Tất Điều, một người có mối quan hệ cá nhân khá mật thiết với gia đình nhà văn Võ Phiến, thì ông Đoàn Thế Phúc là “con trai thứ nhà văn Võ Phiến. Anh được cha mẹ và chánh phủ Việt Nam Cộng Hoà cho đi du học từ nhỏ, trở thành một khoa học gia ở Mỹ. Anh là nhà văn có tài”.
Rải rác trong toàn bài viết, tác giả Thu Tứ đã nêu ra một số sai lầm của nhà văn Võ Phiến. Chẳng hạn như một đoạn: “nhà văn Võ Phiến có một lập trường chánh trị hoàn toàn bất ổn, về giải phóng dân tộc, nhà văn Võ Phiến khẳng định không có nhu cầu!, về thống nhứt đất nước nhà văn Võ Phiến đặt việc chống cộng lên trên việc thống nhứt đất nước”. Về chọn lựa ý thức hệ, nhà văn Võ Phiến tuyệt đối bác bỏ chọn lựa chủ nghĩa cộng sản”.
Sau đó ông Thu Tứ còn nện thêm mấy quả đấm nốc ao mới hả cơn giận với cha mình. Như đoạn văn dưới đây:“đối với hai đại sự là giải phóng dân tộc và thống nhứt đất nước, chủ nghĩa cộng sản rõ ràng là chọn lựa đúng. Nhờ đông đảo nhân dân đoàn kết chặt chẽ với tinh thần hy sinh cao độ và nhờ có ngoại viện cần thiết, mà cả hai đại sự thành công tốt đẹp”.
Qua phần hai; bài viết của Thu Tứ có phần nặng nề hơn. Chẳng hạn như :” Về chánh trị ấy là cái bi kịch của một người Việt Nam sống giữa thời kỳ lịch sử dân tộc cực kỳ khó khăn mà trước không tha thiết với độc lập, sau không tha thiết với thống nhứt, khăng khăng đặt chuyện chống chủ nghĩa cộng sản lên trên tất cả. Rút cuộc nhà văn Võ Phiến đã chống cộng cực đoan hơn là những người cộng sản Việt Nam ứng dụng chủ nghĩa cộng sản”.
Phải nói đọc qua một đoạn văn nêu trên, chúng ta thấy rất đau lòng. Nếu bài viết đó là của một người nào khác, cho dầu họ đứng ở đâu, trong hàng ngũ nào. Chúng ta cũng có thể chấp nhận được. Vì đó là một sự phê bình văn chương, hoặc phê bình “theo nhu cầu của ông nhà nước”. Nhưng ở đây chúng ta muốn nói, đó là một ông con vừa nứt mắt ra đã hạ bút đả kích cha mình. Không biết có phải vì danh lợi, hày vì cái gì đó mà chúng ta chưa biết được.
Ông con Thu Tứ dường như không hiểu nhiều về cộng sản. Cũng như gia phả của gia đình. Ông Võ Phiến (Đoàn Thế Nhơn) quê quán ở miền “ngoài”. Đã một thời đi theo kháng chiến từ thời Việt Minh mới cướp chánh quyền. Sau đó đã thấy được sự dã man tàn ác của một tập đoàn kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của ông Hồ Chí Minh mới trốn về thành. Dưới thời đệ nhứt Cộng Hoà, do chánh phủ Ngô Đình Diệm biết trọng dụng nhân tài. Nhờ đó mà nền văn hoá miền Nam mới có dịp nở rộ, cùng với một số đội ngũ nhà văn, nhà báo, văn hoá do gần một triệu người miền Bắc di cư vào miền Nam trong những năm 1954 cho tới sau nầy.
Tuy nhiên một nhà văn, ngoài sự chứng minh tài năng qua tác phẩm, mà tác giả còn phải thể hiện tư cách của mình qua cách đối nhân xử hằng ngày. Về phần nầy thì nhà văn Võ Phiến tuyệt nhiên không có một dấu vết tỳ ố nào. Có lúc ông đã ngồi trên cao của chiếc ghế quyền lực về văn chương chữ nghĩa. Nhưng cho đến nay, thì trong chúng ta chưa ai nghe thấy lời ong tiếng ve nào, hay một sự cư xử nào thiếu văn hoá do ông Võ Phiến gây ra. Như vậy thì bài viết của ông Thu Tứ, nếu đứng về quan điểm của phê bình văn học thì không có giá trị. Nhưng nếu xét về khiá cạnh chánh trị trong lúc nầy, thì chính nó là một trái bom xăng, đã đốt cháy ông Võ Phiến một cách nhẫn tâm không thương xót.
Thôi thì mọi việc rồi cũng êm xuôi, cũng như giòng sông thì lúc nào cũng trôi ra biển cả. Ông Thu Tứ có làm gì, có viết bao nhiêu bài báo, bao nhiêu cuốn sách. Nếu được chế độ cộng sản ở trong nước, họ trọng vọng chào đón tới cỡ nào, thì việc đó của riêng ông chớ không phải là của ông Võ Phiến. Tôi hy vọng qua bài viết ngắn nầy, từ nay trở đi đừng có cái cảnh con tố cáo cha. Nếu còn có cái cảnh đó nữa, thì quả thật rất tội cho văn chương chữ nghĩa. Rất tiếc trong bài viết nầy, tôi không có được số liệu về sách vở của nhà văn Võ Phiến đã xuất bản để trưng ra. Nhưng tôi tin rằng, với cái tên Võ Phiến là một bóng cây đại thụ thì mọi người ai cũng biết. Cuối cùng tôi cũng cầu mong với bịnh lẫn mà ông đang mang, sẽ làm cho ông quên trí nhớ đừng đọc được bài viết của con ông, cũng như những bài viết khác, kể cả bài viết của tôi trong lúc nầy. Vì người già họ rất khổ đau, khi giá trị nhân phẩm lúc sắp cuối đời bị người ta xúc phạm./-
                                                                                                       Phùng Nhân

No comments:

Blog Archive