Wednesday, September 14, 2022

Sài Gòn Mùa Xuân Cuối Cùng.

Nguyễn Đức Thu K16
Sài Gòn Mùa Xuân 1975 chắc hẳn vẫn là nỗi buồn và niềm uất hận không bao giờ chúng ta có thể quên. Lại thêm một mùa Xuân mất Sài Gòn thân yêu lần thứ 47. Ngồi đọc lại bài viết năm vừa qua “Sài Gòn 46 Năm Nhìn Lại”, tôi vô cùng nhớ Sài Gòn, nên vội ghi thêm vài ký ức cho bài viết cũ. Cũng tìm thêm được vài hình ảnh xa xưa trước năm 1975 nên thân gởi đến Huynh Đệ để chúng ta cùng đọc, để cùng nhớ Sài Gòn và tạm quên đi thời gian buồn bã trong lúc phải bất đắc dĩ tu thân tại gia quá lâu.

47 năm trôi qua. Đôi lúc nghĩ lại chúng ta cũng không thể tưởng tượng nổi, cũng không thể hiểu nổi tại vì ai, tại vì sao Miền Nam và Sài Gòn của chúng ta lại đã phải trải qua, đã phải gánh chịu một cuộc chiến tang thương, vỡ nát, một kế hoạch bỏ rơi của đồng minh, những cuộc rút quân thật phi lý, một cuộc lưu đày kinh hoàng và những năm tháng tù ngục đau thương nhất của quân dân Miền Nam, trong lịch sử cận đại thế giới!

TỪ VÙNG BÌNH YÊN KHÁ XA PHỐ PHƯỜNG ĐÔ THỊ, MỖI KHI CHIỀU VỀ, TÔI THƯỜNG LẤY SÔNG NƯỚC LÀM NIỀM VUI CHO QUA TUỔI GIÀ, CỐ QUÊN CHUYỆN THẾ SỰ THĂNG TRẦM. NHƯNG RỒI MỖI KHI MÙA XUÂN ĐẾN THÌ TÔI LẠI NHỚ SÀI GÒN DA DIẾT.

Sài Gòn không phải là nơi sinh trưởng, nhưng hình như tôi bị ràng buộc tự hồi nào, vì tôi đã đến đó rồi đi không biết bao nhiêu lần. Đôi lúc tôi cũng đã khó chịu vì những diêm dúa, a dua, những nồng nặc khói xe, và tự do quá trớn của thành phố này, nhưng tôi chưa bao giờ biết ruồng bỏ nó. Đây là thành phố của chính trị, của quyền lực, của tình yêu, của bạn bè, của chia ly, của đoàn tụ, của một số tầng lớp hầu như không thèm biết đến chiến tranh hoặc muốn sống ở đó để quên đi chiến tranh.

Một thành phố được thế giới biết đến chỉ sau Thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Người ta có thể sống thú vị ở Sài Gòn nếu là một trong hai hạng người, thật nhiều tiền hoặc thật xác xơ. Chỉ cần một ngày được sống trên đó là đủ thấy mãn nguyện, xa đi là ngẩn ngơ luyến tiếc. Chỉ cần một chút tiền nhỏ trong túi là ta có thể tà tà thả dong trên vỉa hè thành phố trong vùng ánh sáng lung linh, đẹp ma quái của trung tâm thủ đô. Chúng ta có thể ngồi dài dài tại Pôle Nord hoặc Brodard ngắm nhìn thiên hạ qua lại, với đầy đủ những phô diễn hoặc nghe thấy được mọi chuyện, mọi tin tức sốt dẻo khắp nơi trên thế giới.

Tôi thích lối diễn tả về Sài Gòn của Người Sài Gòn xưa:

– “…Người ta có thể bị choáng ngợp với một đô thị mang dáng vẻ Tây Phương này, Sài Gòn như một người con gái kiều diễm, kiêu sa, đài các. Nhưng ở một góc nào đó, Sài Gòn lại có cái ủ dột của phố đêm, lầy lội của xóm nghèo, trong nét bình dân của tiếng rao hàng và những con kinh nước đen…”.

‘Người Sài Gòn xưa’ còn yêu Sài Gòn rất lãng mạn như sau:

– “Em Sài Gòn trước 1975 vẫn như một mảnh trầm còn nguyên vẹn hương thơm, như một vết thương trên ngực chưa lành, đang đợi chờ một nụ hôn dịu dàng đặt xuống. Sài Gòn mỗi tháng, mỗi năm tuy dần dần đổi khác, nhưng Sài Gòn vẫn như một người tình đầu đời, để cho ta bất cứ ở tuổi nào, bất cứ đi về đâu, khi ngồi nhớ lại, thấy em Sài Gòn vẫn hiện ra với đôi môi còn đỏ mọng.”.

Diễn tả Sài Gòn kiểu nầy nghe thật là nhức nhối con tim.
Nhớ lại, hơn một lần trước năm 1962, cứ vào dịp Lễ Quốc khánh, chúng tôi, các SVSQ Khóa 16 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam cùng các khóa đàn em đã theo nhịp quân hành mòn gót giày tập dượt và diễn hành qua những đường phố của thủ đô này. Chúng tôi được chào đón, được dân chúng vỗ tay nồng nhiệt, được thân ái khen tặng là những Sinh Viên Sĩ Quan trong quân phục đẹp nhất và có những bước chân theo nhạc quân hành nhịp nhàng nhất. Tôi đã hãnh diện, đã ưỡn ngực, ngẩng đầu cao, dù là giữa đoàn hùng binh tôi chỉ là kẻ luôn đi hàng sau cùng.
Nhiều lúc tôi ước mong có một ngày đó được tung tăng tự do, được chiêm ngưỡng những kỳ tích văn hóa nghệ thuật và di tích lịch sử Sài Gòn như Tòa Đô Chánh, biểu tượng của Thủ Đô; hay lãng mạn hơn, làm một sĩ quan Hải Quân, đứng trên đài cao chiến hạm trở về bến Bạch Đằng, sau những tháng ngày hải hành sóng gió để được người yêu chào mừng “với lòng nàng anh là hoàng tử”.

Không ngờ những mong ước đó sau này đều đã thành sự thực. Còn hơn thế nữa, tôi cũng rất vinh hạnh được dân chúng Đô Thành Sài Gòn dang rộng vòng tay thân ái đón chào, đã chọn bầu tôi vào Hội Đồng Đô Thành trước ngày Quân Lực 1974, như là một bước khởi đầu của kỳ vọng. Thật đau lòng, thời gian dành cho tôi quá ngắn. Trong mùa Xuân năm 1975, tôi phải nghe, phải thấy Sài Gòn thân yêu của mình bắt đầu biến động hàng ngày, với những tin tức không mấy tốt đẹp từ các chiến trường Miền Trung và Cao Nguyên.

Rồi ngày 30 tháng Tư năm 1975, Sài Gòn bỗng dưng bị đổi tên. Sài Gòn hòn ngọc Viễn Đông, kiêu sa, đẹp như trân châu, từng hằn trong mỗi con tim người Miền Nam, đã bị Cộng Sản Việt Nam tìm mọi cách đổi tên, đưa vào quá khứ. Mỗi khi kỷ niệm trở về, mọi người thấy thật buồn rầu và nuối tiếc. Tôi cũng vậy, tuổi già không hẹn mà cứ đến và thời gian cứ vùn vụt qua nhanh không đợi chờ. Trong nuối tiếc, điều tôi có thể làm được bây giờ là thỉnh thoảng ngồi một mình, xem lại dĩ vãng, để đọc, để nhớ để thương Sài Gòn của một thời thân ái xa xưa.

Nguyên do ta mất Sài Gòn cũng do những ưu tư, vội vã, thiếu kế hoạch dưới trào của Nixon và Kissinger. Để có được hậu thuẩn mạnh của dân chúng Hoa Kỳ sau khi tái đắc cử năm 1972, Nixon bằng mọi giá là phải chấm dứt chiến tranh bằng cách bắt buộc Bắc Việt và Nam Việt Nam phải ngồi vào bàn hội nghị đình chiến để làm hài lòng lưỡng viện Hoa Kỳ.

Trong nội dung cuộc đàm phán với Bắc Việt, Nixon và Kissinger đã đưa ra chủ trương như sau:

– Phải đạt được việc ngưng bắn.

– Phải hoàn tất việc rút quân Hoa Kỳ.

– Phải đem tất cả tù binh Hoa Kỳ tại Hà Nội về Mỹ.

– Chuyện tương lai chính trị tại Miền Nam thì để Bắc & Nam Việt Nam tự lo giải quyết.

– Gián tiếp đồng ý ngay cả việc quân Bắc Việt được phép ở lại Miền Nam, trong khi Hoa Kỳ rút tất cả quân về nước.

– Tiếp tục viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa.

Để áp lực Bắc Việt nhanh chóng ngồi vào bàn hội nghị, Nixon đã ra lệnh tiếp tục oanh tạc miền Bắc trong dịp Lễ Giáng Sinh 1972. Điều này đã làm cho Quốc Hội Hoa Kỳ phản đối mãnh liệt. Ngoài ra ông cũng đã làm cho Tổng Thống Thiệu tức giận khi đe dọa là dù Miền Nam không chịu ký vào hiệp định thì Hoa Kỳ sẽ ký đơn phương và sau này Miền Nam có thể bị cắt viện trợ dầu cho TT Thiệu có đổi ý. Nhưng một mặt khác thì lại thuyết phục Tổng Thống VNCH ký Hiệp Định Paris bằng nhiều lần cam kết trong các mật thư rằng là Hoa Kỳ sẽ trả đũa nếu Bắc Việt vi phạm hiệp định: “…we will respond with full force should the settlement be violated by North Vietnam…”.

(“…chúng tôi sẽ đáp trả với toàn bộ sức mạnh nếu Bắc Việt Nam vi phạm cuộc hòa đàm…”).

Còn Kissinger thì lại nói theo kiểu chính trị úp úp mở mở khiến TT Thiệu rất nghi ngờ. Thật vậy:

“Asked at a news conference in early 1973 if the U.S. “would ever again send troops into Vietnam” if the accord was violated, he responded:

– ”I don’t want to comment on a hypothetical situation that we don’t expect to arise.””

(“ Khi được hỏi tại một cuộc họp báo vào đầu năm 1973 là liệu Hoa Kỳ có sẽ gửi quân trở lại Việt Nam hay không, nếu hiệp định Paris bị vi phạm, Kissinger đã trả lời như sau:

– “Tôi không muốn bình luận về một hoàn cảnh giả định mà chúng tôi không nghĩ là sẽ xảy ra.””).

Tuy nhiên, một số đông dân biểu và thượng nghị sĩ Hoa Thịnh Đốn thấy rất rõ ý định của chính phủ Nixon rằng Hoa Kỳ sẽ trả đũa ngay các vi phạm Hiệp Định Paris của phe Cộng Sản bằng cách tái oanh tạc Bắc Việt; và từ đó, có thể làm cho Chiến Tranh Việt Nam tái phát. Vì thế, Quốc Hội Hoa Kỳ đã tìm cách ngăn chận trước bằng cách cắt giảm ngân sách viện trợ cho VNCH.

Để có thể thực hiện được điều này, các dân biểu và nghị sĩ Dân Chủ tin rằng họ cần phải tạo ra một đạo luật để giới hạn quyền mang quân ra nước ngoài của Tổng Thống. Đó là lý do ra đời của đạo luật War Powers Act do Dân Biểu Clement J. Zablocki (Dân Chủ – Tiểu Bang Wisconsin) đệ trình tại Hạ Viện ngày 3-5-1973. Đạo luật War Powers Act đòi hỏi Tổng Thống phải thông báo cho Quốc Hội trong vòng 48 giờ việc gửi quân ra nước ngoài và cấm không cho sử dụng quân lực hơn 60 ngày nếu không có được Quốc Hội cho phép, trừ phi Quốc Hội Hoa Kỳ đã có quyết định tuyên chiến.

Miền Nam Việt Nam càng xui xẻo hơn khi vụ Watergate bùng nổ bất thần. Các tờ báo lớn của Hoa Kỳ như Time, New York Times và đặc biệt là tờ Washington Post, với hai kỳ giả Bob Woodward và Carl Bernstein, bắt đầu phanh phui nội vụ, cho thấy vụ đột nhập vào văn phòng của Ủy Ban Bầu Cử của Đảng Dân Chủ tại tòa nhà Watergate, và sau đó là Nixon tìm cách che đậy vụ việc có dính líu đến các giới chức cao cấp của Bộ Tư Pháp, các cơ quan an ninh như CIA, FBI, và cả Tòa Bạch Ốc. Uy tín của Tổng Thống Nixon bắt đầu tuột dốc một cách thê thảm.

Thế là tương lai của Miền Nam coi như xong. Nixon bắt đầu bị bó tay. Watergate đã thật sự thay đổi nhanh chóng vận mệnh Đất Nước của chúng ta

(“…that Watergate had derailed the president’s plan to pulverize Hanoi and Haiphong…”).(“…rằng vụ Watergate đã làm sai lệch kế hoạch của tổng thống nhằm nghiền nát Hà Nội và Hải Phòng…”).

Ngay sau Tết Ất Mão 1975, tình hình quân sự và chính trị tại Thủ Đô Sài Gòn bắt đầu bất ổn. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người lạc quan tin tưởng vào giải pháp chính trị hoà giải, theo tinh thần của Hiệp Định Paris đã được các bên ký kết hai năm trước.

Tại các khuôn viên trường đại học, một số các sinh viên tụ họp, đàn ca những Ca Khúc Da Vàng với niềm mơ quê hương hết chiến tranh của Trịnh Công Sơn, hay những bài hát ước mơ hòa bình của Phạm Duy. Nhưng tình hình quân sự trở nên căng thẳng sau khi Phước Long bị Cộng Sản chiếm, rồi đến Ban Mê Thuột thất thủ. Nhiều tin đồn được loan truyền sẽ có đảo chánh, sẽ có một Mậu Thân thứ hai, hoặc quân ta sẽ được Mỹ hỗ trợ để đổ bộ ra Bắc. Mặt khác, nhiều người hoang mang vì lo ngại sẽ có tổng động viên, thanh niên có Tú Tài đều phải vào quân đội và những ‘tin vịt’, rằng là những sinh viên có bằng Cử Nhân cũng phải lên đường tòng quân.

Đầu tháng Tư, tình hình quân sự trở nên nghiêm trọng hơn. Nhiều người dân lánh nạn Cộng Sản từ những tỉnh miền Trung đã về tới Vũng Tàu và Sài Gòn, trong khi Dinh Độc Lập bị ném bom vào lúc 8 giờ 30 phút sáng ngày 8 tháng 4 năm 1975. Một máy bay F5E của Không Quân VNCH cất cánh từ phi trường Phan Rang, thay vì tham gia một phi vụ ném bom vùng do Việt Cộng chiếm đóng lại tách khỏi phi đội để bay ngược về Sài Gòn và ném 4 quả bom xuống Dinh Độc Lập, làm hư hại góc trái của dinh. Phi công là Trung Úy Nguyễn Thành Trung, một tên Cộng Sản “nằm vùng”. Lại thêm tin đồn Sài Gòn sắp có đảo chánh!

Tuy nhiên, tình hình Miền Nam không đến nỗi bi đát để Nước mất Nhà tan nhanh như vậy. Cuộc ‘tổng tiến công’ và nổi dậy của Bắc quân mùa Xuân 1975 cũng không thể bắt đầu nếu không có lệnh rút quân bất thần tại Cao Nguyên và Huế -Đà Nẵng, tháng 3 năm 1975.

Sau cuộc triệt thoái thất bại, đầy thống khổ, đầy đau thương này, Sài Gòn đã “ngửi” thấy mùi chiến tranh. Từ văn phòng trên Lầu 2 của Tòa Đô Chánh nhìn thẳng ra trung tâm Sài Gòn, tôi bất đắc dĩ đã trở thành một nhân chứng. Tôi đã phải chứng kiến Thủ Đô thân yêu của mình không còn bình yên; dù dân Sài Gòn thì vẫn cứ tỉnh bơ, hầu như phó mặc cho số phận. Nhìn rõ sự thật, ký giả Pháp Jean Larteguy ghi nhận rằng:

– “… người dân miền Nam rất sợ những “người hỏa tinh” Bắc Việt, sợ những ‘đoàn quân nhỏ bé màu xanh’ mà họ coi như thuộc về một thế giới khác. Những người này khắc khổ, cứng rắn, dù cũng biết tươi cười nhưng thiển cận, một chủng tộc mới. Hơn nữa, người Miền Nam vẫn luôn luôn thích đời sống dễ dàng và không muốn bị tống vào các tu viện để trở thành các tu sĩ và các dì phước đỏ.”.

(Người hỏa tinh tưởng tượng, được phim ảnh phác họa, như là một giống người nhỏ bé, da màu xanh, không biết cười, từ Hỏa Tinh xuống xâm lăng trái đất).

Jean Larteguy cũng có trái tim rất Sài Gòn, nhưng ông cũng đành phải bỏ thành phố này sáng ngày 28 tháng Tư, khi nghe tin có những đại quân mà ông gọi là ‘đoàn quân từ hỏa tinh miền Bắc’ đang bao vây Thủ Đô!

Tưởng cũng nên hồi tưởng lại tại sao Miền Nam của chúng ta đã phải tan nát dễ dàng như vậy? Phải thành thật mà nói, cuộc đảo chánh 1 tháng 11 năm 1963 giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm thật là một thảm họa, đã kéo theo trên 10 cuộc đảo chánh khác, đã đưa tới sự phân hóa trong QLVNCH. Hai năm sau, người Mỹ hình như không còn nhẫn nại để tin tưởng vào khả năng của các vị lãnh đạo Miền Nam.

Tháng 8 năm 1965, khi thấy Tướng Nguyễn Cao Kỳ có khả năng Anh ngữ vì ông được huấn luyện ở Hoa Kỳ, hơn nữa ông là một phi công khá can đảm, được dân chúng yêu thích, nên họ đã ủng hộ ông lên nắm quyền Thủ Tướng (Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương), dù họ thừa biết rằng ông chẳng có kinh nghiệm gì về chính trường. Hai năm sau, họ lại còn ủng hộ ông làm phó cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu 1967-1971, dù họ cũng biết rất rõ hai vị này chẳng ưa gì nhau. Kiểu chính trị của Hoa Thịnh Đốn đối với các nước chậm phát triển là như thế. Thật là đơn giản như thế!!!

Sài Gòn tự nhiên trở thành một thủ đô buông xuôi, các quán Bar mở đầy đường để Việt Cộng lợi dụng, tha hồ xâm nhập. Rồi sau cuộc tổng tấn công đẫm máu của Bắc quân Tết Mậu Thân 1968, cũng theo ký giả Larteguy:

Hình ảnh Sài Gòn bắt đầu trông thật là thê lương. Từng đàn trẻ em đi lang thang, từng nhóm người què cụt đi hành khất không nhà cửa và phạm pháp đủ loại. Dân số Sài Gòn lên tới trên bốn triệu, trong khi Thủ Đô chỉ được dự trù để chứa chừng một triệu người. Sài Gòn đã qua một thời kỳ say sưa, khi người Mỹ ồ ạt đổ bộ 543,000 quân, chưa kể số quân nhân Hải Quân của Đệ Thất Hạm Đội, những người lính Mỹ đầu tiên đã được choàng vòng hoa trên bãi biển. Bây giờ, không còn chuyện ấy nữa.”.

Khi Nixon lên ngôi năm 1969, những trò chơi áp lực, đi đêm với Trung Cộng của Nixon -Kissinger đã khiến cho các cấp chỉ huy quân lực VNCH càng ngày càng mất niềm tin vào Mỹ và cấp lãnh đạo. Tháng 2 năm 1971, thủy triều bắt đầu xuống. Chỉ còn 335,000 quân nhân Mỹ. Đến tháng 5 thì chỉ còn 284,000 người. Quốc Hội Mỹ tìm cách bỏ rơi Miền Nam Việt Nam.

Thay vì cùng hợp nhau cứu nước, thì các nhà lãnh đạo và một số các chính trị gia Miền Nam lại càng chia rẽ, càng thêm phân hóa. Từ đó, Kissinger không thấy những con bài đảo chánh, thay quyền đổi ngôi này còn một chút giá trị nào nữa tại Việt Nam; so với ván bài mới với Trung Cộng. Miền Nam bắt đầu bằng “rỉ máu” vì bị cắt đứt viện trợ và quân dụng.

Trở lại cuối Tháng 3 năm 1975, tại Hội Đồng Đô thành Sài Gòn, với tư cách Chủ Tịch Liên Ủy Ban, tôi rất ưu tư về tương lai của Thủ Đô sau những cuộc triệt thoái đẫm máu, đầy kinh hoàng từ Cao Nguyên và từ vùng hỏa tuyến. Hàng vạn người đã chết, hàng trăm ngàn quân nhân và dân chúng tìm đủ mọi cách để trốn thoát Miền Trung, đang dưới tay tử thần. Một số may mắn thoát được, một số được các chiến hạm Hải Quân VNCH cứu thoát, cập bến Vũng Tàu đầu tháng Tư. Họ hầu hết mong muốn được tái định cư ở Thủ Đô Sài Gòn. Chúng tôi đã chuẩn bị đón tiếp họ, nhưng thật đau lòng khi cảm thấy thủ đô cũng sẽ phải đối diện với những ngày tang thương, có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Đài BBC Luân Đôn, ngay tối 29 tháng 3 năm 1975 đã loan báo Đà Nẵng thất thủ với 100 ngàn quân???, bị bắt làm tù binh. Dù tin đúng hay sai cũng đủ tạo nên những đợt sóng thần tâm lý cuồn cuộn tràn đến. Mọi người tìm cách tháo chạy.

Khoảng 10 giờ sáng ngày 29, Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Đoàn I và Đại Tá Nguyễn Thành Trí, Tư Lệnh Phó TQLC không còn một lựa chọn nào khác hơn là cùng quân sĩ khoác áo phao, bơi ra chiến hạm HQ 404 đậu ngoài khơi. Nhiều người đã bị chết chìm!

Tại Sài Gòn, Chủ Nhật 30 Tháng Ba, một phát ngôn viên của Chính Phủ cho biết là các liên lạc vô tuyến giữa Sài Gòn và Đà Nẵng đã bị gián đoạn. Đây là dấu hiệu cho thấy Đà Nẵng đã thất thủ (Malcolm Brown, The NewYork Times, March 30,1975)!

Ký giả Brown cho biết thêm:

– “Một nguồn tin đáng tin cậy ở cấp cao hơn cho biết vẫn còn có liên lạc vô tuyến giữa Trung Ương vả những quan sát viên VN từ một chiến hạm ngoài khơi Đà Nẵng. Tuy nhiên, đây rõ rệt là dấu hiệu Chính Phủ Sài Gòn đã mất Đà Nẵng.”.

Sau khi Đà Nẵng thất thủ, bi kịch của hàng triệu người miền Nam Việt Nam thật sự bắt đầu.

Ngày 9/4/1975, tại mặt trận cuối cùng Xuân Lộc, mức độ tấn công của quân Bắc quân đã thực sự trở nên ác liệt, trước khi Sài Gòn thất thủ đúng 3 tuần lễ. Để uy hiếp và trấn áp tinh thần của Sư Đoàn 18 Bộ Binh VNCH, quân Bắc Việt đã dùng loại pháo 130 ly liên tục pháo kích vào những cứ điểm đóng quân của sư đoàn này và hầu hết những địa điểm trong ngoài thành phố Xuân Lộc.

Sau khi chịu đựng những đợt pháo kích liên tục của Bắc quân, lực lượng phòng thủ Sư Đoàn 18 Bộ Binh do Chuẩn Tướng Lê Minh Đảo làm tư lệnh, với tương quan lực lượng kém hẳn địch thủ là 1 đối 3, bắt đầu tổ chức những đợt phản công đánh trả lại một cách hữu hiệu. Thật đáng kinh ngạc, những binh sĩ Sư Đoàn 18 đẩy lui không biết bao nhiêu đợt tấn công của CS Bắc Việt vào Xuân Lộc, dưới quyền chỉ huy của 2 Tướng Cộng Sản Hoàng Cầm và Hoàng Thế Thiện.

(Chuẩn Tướng VNCH Lê Minh Đảo sau đó được thăng cấp Thiếu Tướng tại mặt trận).

Tại thành phố Sài Gòn, không khí trở nên náo nức và nhộn nhịp trong nỗi hân hoan chào mừng chiến thắng Xuân Lộc của dân chúng, một sự chiến thắng không ngờ. Với thắng lợi này, đa số dân chúng thủ đô đều nghĩ rằng quân Bắc Việt sẽ mỏi mệt và cần một thời gian khá dài để dưỡng sức. Nhất là nếu có tướng Lê Minh Đảo thì Sài Gòn sẽ bình yên. Cho đến này 13/4/1975 thì sinh hoạt tại Xuân Lộc đã tương đối trở lại bình thường với đường phố tấp nập xe cộ, người qua lại đông đúc. Cảnh mua bán rộn rịp, tưng bừng hẳn lên. Nhưng hầu như người ta không hề biết rằng cách đó mấy chục cây số, quân Bắc Việt vẫn đóng chốt và chuẩn bị cho những cuộc tấn công kinh hoàng khác chỉ trong vài ngày sau đó.

Thật vậy, sau cuộc tái tấn công của Bắc quân lần này, và sau những ngày cầm cự đẫm máu, da thịt và sức lực con người hầu như không chịu đựng nổi trước chiến thuật biển người và các trận mưa pháo biển lửa, áp đảo bởi các sư đòan địch đến tăng cường, Sư đoàn 18 Bộ Binh đành phải triệt thoái khỏi thành phố Xuân Lộc vào ngày 20/4/1975 để cố rút về bảo vệ Thủ Đô. Nhưng tất cả đều quá muộn, Sài Gòn đang đi vào những ngày cuối!

Tại Dinh Độc Lập, ngày 21 tháng Tư, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức, và trao quyền lại cho Phó Tổng Thống Trần Văn Hương. Ngày 23 tháng Tư, Chuẩn Tướng Đô Trưởng Đỗ Kiến Nhiễu bàn giao chức đô trưởng cho Đại Tá Quách Huỳnh Hà tại phòng Khánh Tiết Tòa Đô Chánh.

Ngày 24 tháng Tư, tôi thấy Sài Gòn vẫn sinh hoạt như bình thường, cũng vẫn có những làn sóng xe gắn máy chạy ngang dọc không màng đèn xanh đèn đỏ. Những chiếc xe Peugoet cũ hôi xăng vẫn bấm còi inh oỉ, chen lấn với những xe jeep bóng loáng và xe quân vận chở những thùng vật liệu chẳng có gì liên quan đến chiến tranh. Những cảnh sát thì tỉnh bơ để mặc cho xe cộ, khách bộ hành mạnh ai nấy đi. Các nhà hàng và quán rượu trên đường Tự Do vẫn mở cửa, tiệm bánh mì Hương Lan trước cửa Bưu Điện, các quán kem trên đường Lê Lợi vẫn đông thực khách. Đó là hình ảnh rất ‘hòa bình’ của Thủ Đô, đúng một tuần trước ngày mất nước.

Trong lúc đó, tại Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ, ông Đại Sứ Graham Martin vẫn tin tưởng rằng cho dù Bắc Việt với thế lực đại quân số có tấn công trực tiếp vào Sài Gòn đi nữa thì miền Nam cũng chưa đến nỗi mất hết hy vọng. Ông vẫn vận động những cuộc thương thuyết để giải quyết vấn đề, và cho đến phút cuối, vẫn chống lại những mệnh lệnh triệt thoái toàn diện từ Hoa Thịnh Đốn, dù ông thừa biết rằng tại cơ quan DAO Tân Sơn Nhất, những chiếc xe bus đã chạy lui tới liên tục, nhất là ban đêm để di tản hàng ngàn nhân viên và gia đình Việt Nam có liên quan đến người Mỹ lên những vận tải cơ khổng lồ bay thoát ra khỏi Sài Gòn mà không cần bất cứ sự khai báo nào với quan thuế hoặc cảnh sát!

Sáng ngày 26 tháng Tư, tôi ngồi uống cà phê tại một ‘bàn vỉa hè’ của khách sạn Continental Palace để cố tìm gặp một số ký giả quen, trong đó có vài ký giả ngoại quốc. Những ký giả Mỹ quen thuộc thì không thấy, duy chỉ có những ông người Pháp, một số biết nói tiếng ‘Ăng-Lê’ thì ngồi đầy kín. Họ cho biết rằng Tổng thống Pháp Giscard D’Estaing đã thảo luận với Đại Sứ Pháp và Ngoại Trưởng Jean Souvagnargues là một giải pháp chính trị vẫn còn là hy vọng có thể. Ngay trưa hôm đó, đề nghị ngưng bắn của Tổng Thống Trần Văn Hương được cái gọi là ‘Mặt trận GP Miền Nam’ xác nhận với điều kiện, đại khái là:

– Sài Gòn lập một chính phủ mới, không có người của ông Thiệu.

– Chính phủ mới phải chủ trương một chính phủ hòa hợp quốc gia.

– Tất cả quân nhân và dân sự Mỹ phải ra khỏi Việt Nam ngay lập tức.

– Phải trả hết tất cả tù nhân chính trị.

Ngay chiều hôm đó, ông Kỳ lại nhảy ngay vào cuộc, tuyên bố hoàn toàn ủng hộ cựu tướng Minh làm thủ tướng để lập chính phủ mới. Đệ Nhất Phó Thủ Tướng là Tướng Trần Văn Đôn kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng sẽ cương quyết thi hành luật pháp tối đa cho những kẻ nào “dám bỏ nước ra đi”!

Trong lúc đó, cựu Tướng Minh hứa sẽ thương lượng, kể cả với quân Bắc Việt đang bao quanh Sài Gòn. Nhưng có lẽ ông không hiểu rằng Cộng Sản Bắc Việt sẽ được lợi gì khi phải thương lượng với ông và liệu chúng có tin vào sự bảo đảm của chính phủ Pháp chăng, những người mà chúng đã từng không đội trời chung, đã từng tốn bao xương máu vì mối thù mà chúng gọi là ‘một trăm năm đô hộ giặc Tây’? Thật sự là chúng đang chuẩn bị một cuộc đại xung phong lần chót.

Cho đến lúc này, tại Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ, Đại Sứ Graham Martin vẫn tin tưởng ngồi chờ đợi kết quả của những cuộc thương thuyết. Nhưng ông có ngờ đâu, tình thế đã quá muộn màng vì quân Bắc Việt sau khi gỡ được nút chận Xuân Lộc, các mũi dùi Nam tiến của của Cộng Sản Hà Nội đang tiến quân ào ạt về Sài Gòn.

Đã có rất nhiều lần Sài Gòn được cứu nguy bằng những phép lạ. Nhưng có lẽ lần này, người ta không còn nhìn thấy cách nào để có phép lạ nữa vì bốn sư đoàn VNCH, các lữ đoàn Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động quân, 81 Biệt Cách Dù… đang cố gắng bảo vệ Thủ Đô cũng đang từ từ rã từng mảnh, từng mảnh vì thiếu đạn dược và quân vận.

Cùng ngày, Tổng Thống Trần Văn Hương sau khi nắm chức Tổng Thống chỉ trong bảy ngày đã trao quyền lãnh đạo cho cựu Tướng Dương Văn Minh để tìm cách điều đình với lực lượng Cộng Sản đang trên đường đến Sài Gòn. Ông được xem là vị tổng thống chính danh cuối cùng của nền Đệ Nhị Cộng Hòa. Ngày tàn của Thủ Đô đang đến.

Trưa ngày 29/4/1975, người ta có thể nhìn thấy từ xa những cảnh di tản hỗn loạn, ồn ào trên các đường phố Sài Gòn. Trên bầu trời vang dội những âm thanh rộn ràng của các loại trực thăng AH-1G Cobra bay khắp nơi trong thành phố. Người ta có thể trông thấy quang cảnh chính diện trên sân thượng của Trung Tâm Văn Hóa Pháp, có nhiều người Việt Nam cả nam lẫn nữ đang đứng xếp hàng nối đuôi nhau như một đàn kiến và từng người một leo lên chiếc thang của những chiếc trực thăng Hoa Kỳ bay đến rồi đáp xuống tại đây.

Hàng trăm ngàn người đổ xô xuống Bến Bạch Đằng như nước lũ, như sóng triều, tìm đưòng di tản. Nhưng không phải mọi người đều được may mắn, chỉ là một số, một số rất ít, rất ít đã thoát ra được một nhà tù khổng lồ đang từ từ ụp xuống. Sài Gòn sắp đổi tên!

Tại bến Bạch Đằng, Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang, Tư Lệnh Hải Quân quyết định Hạm Đội Hải Quân sẽ chính thức ra đi vào lúc 6 giờ chiều ngày 29 tháng 4. Cuộc di tản dự trù sẽ hoàn tất vào lúc 22 giờ đêm. “Điểm hẹn là đảo Côn Sơn.”.

Vào lúc 10 giờ 24 sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, Dương Văn Minh đã đọc nhật lệnh trên Đài Phát Thanh Sài Gòn ra lệnh cho tất cả mọi Quân Nhân thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa phải buông súng đầu hàng. Các sư đoàn đang cố gắng bảo vệ vòng đai Thủ Đô cũng đành phải giã từ vũ khí. Tư Lệnh Sư Đoàn 5, Tướng Lê Nguyên Vỹ đã tự kết liễu vận mạng bằng cái chết thật hiên ngang.

Tại Củ Chi cách Sài Gòn khoảng 30km về hướng Tây Bắc, Sư Đoàn 25 của VNCH cũng phải buông súng. Tư Lệnh sư đoàn là Tướng Lý Tòng Bá bị bắt làm tù binh.

Tại vùng Tân An nằm ở hướng Tây Nam Sài Gòn do Sư Đoàn 22 VNCH trấn thủ cũng không còn sự lựa chọn nào khác.

Trong lúc đó, sau cuộc tấn công lần thứ hai của trên ba quân đoàn Cộng Sản Bắc Việt do Tướng Cộng Sản Trần Văn Trà chỉ huy, (thay thế Tướng CS Hoàng Cầm bị thất bại trong đợt tấn công lần thứ nhất tại Xuân Lộc), lực lượng còn lại của Sư Đoàn 18 phải rút lui về để bảo vệ Thủ Đô. Thiếu Tướng Lê Minh Đảo tiếp tục chỉ huy Sư Đoàn 18 (-) tại phía Đông Sài Gòn, cố cầm cự cho đến giờ phút chót, nhưng một lần nữa đã bị toàn bộ Quân Đoàn 2 CS Bắc Việt tấn công. Danh tướng Lê Minh Đảo dù ‘chí tuy còn mong tiến bước, nhưng sức không kham nổi đoạn trường’, đành buông tay.

Thế là xong, Sài Gòn yêu dấu của quân dân Miền Nam thất thủ ngày 30 và Mùa Xuân cuối cùng của Sài Gòn năm 1975 cũng tàn theo vận nước…

Rồi những mùa Xuân trên Đất Nước tạm dung lại tiếp tục đến tiếp tục đi. Kiếp lưu vong thì dài tưởng như vô cùng tận. Thời gian thì cứ vùn vụt qua nhanh và tuổi già không đợi không chờ thì lại đến.
Biết đến bao giờ chúng ta mới có thể tìm thấy lại được những mùa Xuân an bình ngày trước của miền Nam yêu dấu? Biết đến bao giờ chúng ta mới có thể lấy lại được cái tên gọi kiêu sa của một Đô Thành yêu quý của chúng ta, cái tên của một Thủ Đô mà không một ai trên thế giới không uớc mơ được đặt chân đến, dù chỉ một lần: “Thủ Đô Sài Gòn”?

Hoa Thịnh Đốn, Xuân 2022
Nguyễn Đức Thu

No comments:

Blog Archive