Thursday, January 14, 2021

Vào Nam

Sao Khuê

Tôi ra đời ở một làng nhỏ, làng Trình Phố thuộc tỉnh Thái Bình. Tôi sinh ra và lớn lên theo chiến tranh giữa Việt Minh và quân Pháp. Dù còn nhỏ nhưng tôi sợ cả hai. Mỗi lần quân Pháp về làng là chúng đốt nhà, bắt gia súc và hãm hiếp đàn bà. Căn nhà nhỏ xíu của ba mẹ tôi ở làng Đồng Xâm bị chúng đốt cháy chỉ vì thích đốt, đốt vô tội vạ như trẻ con đốt một con thuyền gấp bằng giấy. Các cô tôi phải trốn dưới ao, trong chiếc chum lớn ủ mạ lúa, trong đống rơm ngoài chuồng bò khi quân Lê Dương, thường là Maroc, Algérie đi hành quân. 

Còn Việt Minh? Với bộ quần áo nâu, mã tấu sáng loáng, hàm răng vổ, họ về làng ban đêm, bắt người đem đi chặt đầu rồi ghim trên ngực một bản án. Ba tôi may mắn thoát chết chỉ vì tình cờ về thăm ông bà nội tôi vào đêm mà Việt Minh tìm bắt ông Lý trưởng và ba tôi để giết.

Tối đó, tôi đứng khép nép bên mẹ tôi nghe người ta quát tháo:

- Anh ấy đâu, bảo ra trình diện!

- Dạ thưa ba các cháu không có nhà.

- Chị đừng có nói láo - Tụi kia, lục soát!

- Anh ấy trốn đâu?

- Dạ thưa sáng nay, ba…

- Ba cái gì mà ba, bố thì gọi là bố, bầy đặt ba với me, đồ vong bản. Anh ấy đi đâu?

- Dạ, ba…dạ bố các cháu về thăm ông bà nội cháu.

- Bao giờ về?

- Dạ tôi không rõ, ông nội cháu ốm nên không biết bao giờ bố  cháu mới về.

- Khi nào về bảo ra trụ sở trình diện!

- Thưa vâng.

Sau đó họ kéo nhau qua nhà ông Lý trưởng ở kế bên và sáng hôm sau người ta thấy xác ông Lý bị chém, thả trôi trên sông Trà Lý. Họ còn giết nhiều người, có khi chỉ vì ghen ghét cá nhân từ hồi nảo hồi nào bằng cách vu cho người ta là Việt gian rồi chặt đầu, rồi thả xuống sông. Những con tôm rỉa xác người nên sinh nhiều lớn mạnh, con nào cũng to nhưng không ai dám ăn nữa cả.

Mẹ tôi nhắn tin về Trình Phố và từ đó ba tôi đi thẳng ra tỉnh, mẹ tôi cũng bỏ nhà, bỏ ruộng dẫn em gái tôi ra theo. Các cô tôi cũng từ từ trốn ra tỉnh dẫn theo ông tôi. Tôi ở lại làng với bà nội.

Dần dần Việt Minh kiểm soát được nhiều làng, nhiều xã. Dân chúng cũng từ từ rời làng ra tỉnh. Đại gia đình chúng tôi may mắn ra khỏi luỹ tre xanh của làng Trình Phố để ra tỉnh Thái Bình. Tôi và bà nội đi đợt cuối cùng nên khi ra đến nơi, lúc đó tôi được chín tuổi, thì mọi việc đã đâu vào đó. Người lớn có công ăn việc làm, trẻ con đã vào lớp học.

Ông nội tôi ở với cô Tư và hai cô Út, cô Lộc và cô Phúc. Bà nội tôi ở với bác Cả và tám anh chị trong căn phố đối diện, bên kia đường Lý Thừơng Kiệt. Bác tôi mua hay thuê một khỏang đất rộng trong hẻm cạnh nhà cô Tư, cất được ba ngôi nhà nhỏ cho cô Năm, bác Vựng em bác gái, nhà tôi và bác tôi dựng nên một ngôi trường có bốn gian gọi là trường trung học Trần Lãm cho bốn lớp học là đệ thất, đệ lục, đệ ngũ và đệ tứ.

Bác Cả và ba tôi dạy học ở trường Trần Lãm. Trường cũ ở làng Trình Phố cũng do bác tôi dựng lên mang tên trung học Bùi Viện đã đóng cửa. Bác tôi chọn hai tên Bùi Viện và Trần Lãm vì Trình Phố là quê hương của cụ Bùi Viện, cụ làm quan và đã đi sứ sang Mỹ, còn sứ quân Trần Lãm tức Trần Minh Công chiếm Bố Hải Khẩu tức Tiền Hải, thuộc tỉnh Thái Bình, là chủ tướng của Đinh Bộ Lĩnh, người đã thống nhất 12 sứ quân rồi lên làm vua, xưng là Đinh Tiên Hoàng mà nhà tôi thì họ Đinh.

Tiền dạy học không nhiều nên ông bà ngoại tôi gửi tiền bạc hoa xoè giữ được từ xưa ra tiếp tế thêm. Chị lớn của mẹ tôi thường đội một thúng gạo trong có dấu tiền đúc từ Pháp bằng bạc ra cho mẹ tôi bán.

Sau 1954 bác tôi bị đấu tố, bị treo ngược đầu xuống đất để chúng khảo của vì ông ngoại tôi có tiếng giầu có trước kia.

Năm 1954

Hơn một năm trôi qua. Tôi đã học xong lớp nhì và đang nghỉ hè. Rạng ngày 19 tháng 7 năm 1954, chúng tôi đang say ngủ thì có tiếng súng, tiếng bom đạn ầm ầm. Mẹ tôi giao cho tôi một tay nải có bộ quần áo và cô em nhỏ hơn tôi bốn tuổi. Hai chị em lúp xúp chạy theo bố mẹ và cậu em hơn một tuổi ra bến xe. Nhà bác Cả đã ở đó cùng với bà nội. Ông nội đã theo các cô ra Hà Nội trước đó. Nhà cô Năm cũng đi trước cả tháng vì chú Năm đi theo sở làm. Mọi người trong tỉnh ùn ùn ra bến xe, tìm cách chạy sang Nam Định. Khi chúng tôi tới nơi, chỉ còn lại ba chiếc xe đò. Chúng tôi leo lên chiếc xe có tài xế ngồi nơi tay lái và có cả gia đình ông ấy, chắc mẩm là chạy thoát nhưng than ôi, một ông lính dơ trái lựu đạn ra ép tài xế phải sang lái chiếc xe có gia đình ông ta. Bác Cả và ba tôi chỉ kịp chạy theo chiếc xe đó, bỏ lại vợ con, bám vào tay vịn, đứng một chân trên càng xe mà tới được Nam Định, sau đó ra Hải Phòng, nơi chú Bẩy tôi sinh sống từ năm ngoái, 1953, khi chú thím rời chiến khu vào thành. Trước khi ra Hải Phòng chú thím có ghé chào ông bà nội, chú tôi rất đẹp trai như Tây lai. Cao lớn, trắng trẻo, mày rậm, mắt to, mũi cao, chú đẹp nhất nhà. Các cô chú tôi ai cũng cao lớn lại có vẻ như lai Tây, trừ chú Út .

Trở lại với hai gia đình lúc nào cũng chậm lụt là mẹ tôi với ba con, bác gái với tám anh chị và bà nội, chúng tôi rời xe và chia tay, tìm đường về bên ngoại. Mẹ tôi dẫn chúng tôi về Phụng Thượng. Xe đò chạy ngang một trại lính, chắc vừa giao tranh nên có nhiều người vừa chết, còn đang mặc quần áo tử tế, có lẽ sửa soạn chạy trốn thì bị giết. Có một bé trai chừng 6,7 tuổi trông khôi ngô, nằm chết tình cờ, nằm chết như mơ in vào đầu tôi đến bây giờ. Xe chạy đến bờ sông thì ngừng lại, không có cầu qua sông. Mẹ tôi phải thuê người ta cõng từng đứa lội qua. Ông ngoại tôi vừa mất ngày đưa ông Táo về trời, bà ngoại đã được các cậu dẫn ra Hà Nội và sau đó đưa vào Nam nên không bị đấu tố.

Chúng tôi ở nhà bác được vài ngày thì chính phủ Việt Minh ra lệnh ai về nhà nấy vì nước nhà đã được độc lập. Hiệp định Genève ký  ngày 20 tháng 7 năm 1954 tại Genève Thuỵ Sĩ, một ngày sau khi Việt Cộng đánh và chiếm được tỉnh Thái Bình, đã chia Việt Nam ra làm hai phần bằng vĩ tuyến thứ 17, phía Bắc theo chế độ Cộng Sản do Việt Minh kiểm soát và miền Nam, do quốc trưởng Bảo Đại trách nhiệm

Chúng tôi trở về nhà, may mắn còn nguyên. Bố tôi có nuôi hai chị là chị Nụ và em là chị Bằng. Chị Nụ đã được cho về nhà lấy chồng, chị Bằng trong lúc lộn xộn chạy về quê chị nhưng sau đó trở lại xin ở tiếp.

Từ đó chị Bằng trông coi ba đứa chúng tôi mới 10, 6,và 2 tuổi khi mẹ tôi cùng bác Cả đi buôn. Bác Cả gái và mẹ tôi xin được giấy phép đi lại Thái Bình-Hà Nội để mua vải, thuốc Tây về bán. Bà nội tôi dựng cái sạp bán nón lá ngoài chợ. Hàng mua về thường bán lại ngay cho người bán lẻ nên mẹ tôi ít khi có nhà.

Lũ trẻ chúng tôi được lệnh phải tham gia đội thiếu nhi bác Hồ, tối tối phải tập trung nghe giảng, nắm tay nhau ca hát, nhẩy sol đố mì. Những bài ca thường chỉ là nốt nhạc, không lời mà đến giờ, 65 năm tôi vẫn còn nhớ:

Rề rề sỉ rề son rê sí, sí sí xòn
Sí sí sòn sòn đố mí la, rê sí xòn sí đồ..đồ mi pha son.

Lần đầu phải nắm tay con trai, con bác tuỳ phái của trường Trần Lãm, tôi rất là ngượng ngùng xấu hổ. Các anh chị em tôi chơi với nhau nhưng trai gái cũng không nắm tay nhau. Cái trò trai gái gần nhau, nắm tay múa hát rất được thanh thiếu niên ủng hộ. Hồi nào đến giờ bị cha mẹ cấm đoán nay được bắt buộc chung chạ nên các anh chị sốt sắng đi hội họp. Dân chúng còn truyền nhau có thanh niên nọ mê nhảy mì sol, nên lúc leo trên bờ tường cũng nhảy rồi ngã xuống đất bể đầu và bà mẹ khóc con:

Người ta thì chết vì nước vì non
Con tôi thì chết vì sol đố mì…

Trước khi rút đi, quân Pháp đã thả bom, làm sập cầu Bo, chiếc cầu dẫn vào tỉnh, mục đích cản trở sự tiến quân của quân Việt Minh nhưng công binh của Việt Minh đã nhanh chóng dùng dây kẽm gai chăng từ đầu nọ sang đầu kia của cầu, rồi đặt những tấm ván lên cho người đi bộ qua lại. Cầu Bo biến thành chiếc võng lớn đung đưa theo cơn gió. Để đi lại trên đó nhiều người hoặc phải chạy nhanh hoặc bò. Nghe người lớn kháo nhau, tôi cũng tò mò leo lên cầu; kết quả là ngã lăn cù, lổm ngổm bò dậy, bò thêm một đoạn thì bò về, vì bò vẫn ngã mà còn chóng mặt quay cuồng …

Trường không mở, không có thầy, chẳng có trò nhưng toàn là bộ đội. Chính quyền lấy trường học Trần Lãm cho bộ đội trú quân. Họ nói tiếng gì trọ trẹ rất khó nghe, muốn hiểu tôi phải đoán hay hỏi lại, sau này tôi biết họ người Quảng, được chở thẳng từ chiến trường về đây. Họ không được về thăm nhà nên rất buồn và không biết gì mấy về hiệp định Genève cả. Họ mơ tưởng hòa bình thì được về quê sinh sống với cha mẹ vợ con. Họ thường hỏi tôi mượn cây chủi tức cái chổi quét nhà...

Các anh chị học trò không được đi học và cũng bị tụ tập như lũ trẻ chúng tôi. Có một lần các anh chị kéo đến nhà tôi với cái xe ba bánh, chất nhiều sách:

- Thầy cô có nhà không ?

- Dạ không ạ, mẹ em đi buôn rồi, chỉ có ba đứa em ở nhà thôi chị ạ.

Các anh chị biết rõ nhà tôi vì nhà tôi sát trường, nên bỏ đi. Tôi lật chiếu giường lấy ra quyển truyện thiếu nhi mượn được của bạn để đọc tiếp. Chị Diệm quay phứt lại, giằng lấy quyển truyện:

- Không được đọc sách Nguỵ. Tất cả đều là sách vở đồi truỵ phải đem nộp và đem đốt.

Tôi ngớ người, tiếc và lo không viết làm sao trả sách cho bạn tôi.

- Chị ơi, quyển này em mượn của bạn em, chị cho em xin lại để trả bạn em.

- Không được, tất cả đều phải đốt hết. Em cứ nói với bạn em như thế.

Tôi ghét chị thậm tệ, chị ra sau cùng mà còn ngoái lại, giựt quyển sách khỏi tay tôi. Đúng là cướp giựt...

Chúng tôi đang ăn cơm, mẹ tôi chia cho hai chị em tôi một quả trứng luộc. Chú bộ đội ngoài hiên, mẹ tôi vội vàng ấn hai nửa trứng xuống dưới bát cơm

- Nhà đang ăn cơm hả, ăn gì vậy?

Tôi nhanh trí dơ chén cơm không ra:

- Dạ, với muối ạ

- Ăn gạo trắng cơ à, nhà ta còn tiền mua gạo trắng hả, bóc lột ghê nhỉ.

- Dạ, không phải, hôm nay giỗ ông ngoại các cháu nên nhà mới cúng cơm trắng, mọi ngày ăn gạo hẩm với khoai …

Họ rình mò thế đấy, đến và đi bất chợt nên mình phải luôn luôn đề phòng. Tôi khôn hẳn ra nhưng là khôn vặt để đối phó với những rình mò chung quanh.

Theo tinh thần hiệp định Genève thì dân chúng, cán bộ, sinh viên…tức tất cả mọi người trong nước, dù miền Nam hay miền Bắc có 300 ngày để chọn lựa đi đâu, ở đâu, Nam hay Bắc của vĩ tuyến 17 tức hai bên dòng sông Bến Hải. Uỷ hội quốc tế kiểm soát đình chiến có đại biểu của ba nước Ấn Độ, Ba Lan, Canada sẽ nhận đơn, giải quyết, giúp đỡ cho việc dời chỗ ở. Dân từ Bắc vào Nam gọi là đi di cư, và ngược lại từ Nam ra Bắc là đi tập kết, với cái hẹn hai năm sau sẽ có tổng tuyển cử, lấy ý toàn dân để đi đến thống nhất nước bất kể ý kiến của Việt Nam Cộng Hòa. Uỷ hội quốc tế đến Thái Bình. Có nhiều con đường bị rào dây kẽm gai, không cho dân vào, đó chính là nơi có bàn giấy thu đơn của Ủy Hội quốc tế kiểm soát đình chiến. Họ rào và cấm dân tiếp xúc với Ủy Hội và chỉ dân đến địa điểm không có Ủy Hội nhưng ít người dám đến vì sợ bị điểm mặt ghi tên. Những người muốn di cư vào Nam phải tìm cách trốn ra Hà Nội hay Hải Phòng, từ
đó sẽ có phương tiện như máy bay, tầu thuỷ do nhiều nước tự do trên thế giới như Hoa Kỳ, Pháp giúp đỡ để vào Nam, hoàn thành một cuộc di cư vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, hơn một triệu người đã bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, bỏ mồ mả tổ tiên, bỏ của cải ruộng vườn, bỏ cả cha mẹ anh chị em hay cả chồng vợ, con cái để về miền Nam tự do. Đó là một cái tát đau điếng cho chính quyền Việt Minh dù trước đó Việt Minh đã cho người đến nhiều nhà có máu mặt, nhiều gia sản ở Hà Nội hay Hải Phòng để khuyên can, hứa hẹn ưu đãi. Nhiều nhà mắc lừa đã ở lại vì tiếc của, nhưng đa số đã bán tống bán tháo để chạy, phải chạy Cộng Sản thôi.

Tôi có được đọc một hồi ký của chị N, chị là bạn thân của AK, bạn của tôi. Theo tôi, hồi ký vượt tuyến này rất có giá trị, tiếc là không được in ra phổ biến rộng rãi. Chị N kể rằng, gia đình chị sinh sống tại Hà Nội. Khi còn là học sinh chị đã từng tham gia biểu tình, hội kín của Việt Minh để chống Pháp. Gia đình chị giàu có, có máu mặt nên khi hiệp định Genève ký xong, Việt Minh cho người tiếp xúc với gia đình chị, kêu gọi ở lại xây dựng đất nước. Bỏ ngoài tai lời khuyến cáo, gia đình chị vô Nam; riêng chị, chị cương quyết ở lại với căn nhà  lớn và chiếc xe hơi. Chỉ sau thời gian ngắn, chị N nhìn ra bộ mặt thật, độc tài đảng trị, lừa dối, gian xảo của Vẹm nên chị âm thầm tìm cách vượt tuyến. Bán nhà, bán xe làm vốn chị nhờ người dẫn sang Lào, xuống Miên để tới hòn ngọc Viễn đông. Trải qua bao gian khổ hiểm nguy, có khi tưởng chết, có lúc như bị bắt lại, cuối cùng chị N cũng thoát cái ách độc tài vừa quàng lên cổ.

Chú Vy, chồng của cô tôi cũng sống tại Hà Nội, cũng ở lại và sau cùng cũng trốn đi, đi bộ có, đi xe có, cũng con đường qua Lào, qua Miên để đến Sài Gòn. Chú Vy mê sách nên có một nhà sách. Chú dấu được và bán tất cả, mua từng sợi dây chuyền vàng, đeo vào cánh tay, thuê người dẫn đường, ăn bờ ngủ bụi để vào tới Sài gòn tìm gặp lại cô tôi, người con gái mỹ miều chú chỉ mới gặp một lần khi chạy tản cư. Cảm động mối tình si chung thuỷ nên cô tôi nhận lời lấy chú…

Chúng tôi cũng thế, chúng tôi phải lần lượt trốn đi vài tháng sau hiệp định thay vì theo đúng tinh thần hiệp định chúng tôi có quyền đi công khai tới Hải Phòng mà vào Nam. Nếu được đi công khai theo đúng tinh thần hiệp định, tôi nghĩ không phải 1 triệu mà có lẽ nửa số dân miền Bắc và nhất là những người đã từng sống thôn quê hay tỉnh thành, những vùng đã bị Việt Minh chiếm đóng, sẽ vào Nam.

Cuối năm trời se lạnh. Một sáng tinh mơ, mẹ đánh thức tôi dậy, đưa bộ quần áo và dẫn tôi đến nhà bà Tham. Tôi theo bà Tham và chú Đức đi bộ, rồi đi xe đò, rồi đi bộ, rồi đi thuyền qua sông rồi đi bộ... Bà Tham dẫn tôi trốn ra Hải Phòng. Chúng tôi phải đi vòng vo từ làng nọ sang làng kia để không tiết lộ mục tiêu cuối cùng: Hải Phòng, nên giữa trưa nắng chang chang, cổ khô, chân rũ rượi, chúng tôi vẫn phải nỗ lực đi tới, đi tới trong đói khát nhất là mỏi chân. Chúng tôi đến cảng Hải Phòng lúc đã tối mịt, nhiều nhà đã tắt đèn đi ngủ. Hỏi thăm mãi chú Đức cũng tìm ra đường Cát Dài và ngõ Hải Hồng, có điều không biết là nhà nào mà vào nên vừa đi chú Đức vừa gọi to tên chú Bẩy

- Anh Bẩy ơi, anh Bẩy ơi….

Trong nhà chú Bẩy nghe tiếng gọi chạy vội ra. Bà Tham và chú Đức giao tôi cho chú Bẩy rồi vội bỏ đi tìm nhà bà con vì màn đêm đang buông xuống.

Một tháng sau, mẹ tôi nối gót ra Phòng với em trai. Họ không biết là tôi đã trốn đi và em gái tôi cùng bà nội còn ở lại nhà nên ủy ban ký giấy cho mẹ tôi đưa em trai đi thăm bố. Nhà cô Năm đối diện với nhà tôi được mẹ tôi nhường cho chị họ là bác Thái ở và bác Thái đã trông nhà khi mẹ tôi dẫn em gái đi.

Gia đình bác Cả tôi bằng cách nào không rõ cũng đã ra được cả Hải Phòng. Ở lại Thái Bình chỉ còn hai bà cháu ngày nào cũng ra chợ bán nón. Hà Nội lúc đó còn cho đi lại tự do dù đã giao cho chính quyền Việt Minh. Hà Nội đang rầm rộ tổ chức Liên hoan ăn mừng độc lập.

Cô Út xin phép về Thái Bình rồi xin phép đưa bà và em tôi ra Hà Nội để xem liên hoan. Giao em tôi cho bố mẹ xong thì các cô và ông bà lên máy bay vào Nam.

Ở Hải Phòng, ba tôi thuê căn phòng nhỏ, gần nhà chú tôi. Nhà ở giữa, bên trái không xa hồ nước và bên phải gần đường rầy xe lửa Hà Nội-Hải Phòng. Hồ nước rất rộng và mẹ tôi thường sai tôi ra hồ giặt chiếu. Giặt chiếu trên hồ rất dễ, tôi ngồi kẹp hai chân trên ván cầu cho khỏi lăn tòm xuống nước, nằm rạp người sát mặt ván cầu, trải cả cái chiếu xuống nước, dùng bàn chải chà từng khúc, gấp lại, cứ thế mà tiếp tục đến khi hết cái chiếu, nhúng xuống nước rồi vác về phơi. Quần áo ướt nhẹp thì về nhà thay.

Chiều mát tôi thường theo anh họ ra đường rầy xe lửa xem các cô thôn nữ khăn mỏ quạ, áo nâu nhẩy tầu. Họ không phải là thôn nữ mà là những giao liên Việt Minh. Họ mang chỉ thị đến cho những người hoạt động nội thành như chú Bẩy. Trước khi vào ga chót, để tránh khám xét, họ quăng cái thúng chứa tài liệu xuống trước rồi nhẩy vèo xuống sau. Khi chân chạm đất, họ chạy theo hướng tầu một khúc để lấy lại thăng bằng, sau đó vội vàng biến mất với cái thúng tài liệu…và tối đó chú tôi tiếp chuyện với những người khách khác thường này để nhận công tác nội thành. Gia đình chú ở lại. Gia đình bác Cả và gia đình tôi ghi danh vào Nam. 

Sau lần chia tay, hai mươi năm sau tôi mới gặp lại ông chú cao lớn đã từng đẹp trai như Tây lai mà bây giờ hom hem, xanh xao, quần áo cũn cỡn. Tôi không thể giữ lại trong đầu ý nghĩ chán chường này nên buột miệng nói ra:

- Chú ạ, đáng lẽ cháu không nên gặp chú thì cháu còn giữ mãi được hình ảnh ông chú cao lớn như Tây ngày xưa...

Không biết chú Bẩy có động viên bác hay cha tôi ở lại miền Bắc hay không, nhưng mẹ tôi kể đã nhìn thấy chú Sáu trong đoàn quân về tiếp thu Thái Bình. Chú Sáu đã rời hàng quân gặp mẹ tôi và nói nhỏ

“Chị bảo mọi người thu xếp vào Nam hết đi kẻo bị đấu tố”. Tôi thương chú vô cùng và chưa biết mặt chú, chú tử trận trên đường Trường Sơn…

Vào Nam, chỉ những người đã trốn ra tỉnh được mới tìm cách trốn tiếp ra Hà Nội hay Hải Phòng mà vào Nam. Các em của ông tôi, tiếc của, nấn ná ở lại quê, đều bị đấu tố dã man. Dì ruột tôi, nhà chồng giầu có, vườn ruộng mênh mông nên cả nhà sau khi bị đấu tố, tịch thu nhà cửa ruộng vườn rồi bị đuổi đi vùng kinh tế mới ở Thanh Hoá. Con trai dì, bị bắt đi bộ đội vào Nam, chả hiểu bằng cách nào mà vài tháng sau ngày 30 tháng tư khi cũng tìm đến thăm bố mẹ tôi.

- Chúng cháu trồng ngô, hái măng, hái nấm mà sống. Trên giường lăn xuống đất chỉ thấy ngô, bao nhiêu năm không biết hột cơm là gì, chỉ ngô, sắn, măng với rau rừng…

Tuy vất vả nhưng các em gái đều đẹp, trắng nõn nà và biết đọc biết viết cả…

1955. Vào Nam

Một tuần trước Tết, hai gia đình Rùa tức nhà bác Cả và nhà tôi là những người sau cùng kẹt lại trong họ, ra bến tàu từ tờ mờ sáng. Chú Bẩy tiễn chúng tôi.

Anh Cả ơi, em tiễn chân anh ra tận bến tàu…

Mọi người nôn nóng, ngóng ra biển. Ba con tầu sắt lần lượt tiến vào. Gần bờ, con tầu mở rồi hạ nắp xuống cho người ta đi qua mà vào khoang tàu. Khi tàu đầy người, tấm sắt to lớn từ từ được kéo lên, nhốt đám người trong khoang, tách bến ra khơi. Chiếc tàu thứ hai tiến vào, mở ra, giống như cái mồm của con cá sắt nên người ta gọi nó là tàu há mồm. Chúng tôi vào được chiếc tầu thứ hai. Tôi vừa bế em trai hai tuổi vừa ôm bịch áo quần. Mẹ tôi giao thêm em gái rồi cùng ba tôi chuyển thêm đồ đạc vào. Tầu hú còi và từ từ kéo tấm sắt đóng tầu lại

- Mẹ đâu ?

Không thấy mẹ tôi đâu dù ba tôi và tôi gào lên rồi lấn cả các người trên tàu mà tìm. Thôi rồi! mẹ tôi kẹt lại rồi. Ba tôi bồn chồn lo lắng, em gái, em trai khóc hu hu.

…Tàu há mồm lừ đừ ra khơi, tuy chậm như rùa nhưng …kia rồi, tầu lớn kia rồi. Ôi, con tầu mới to làm sao. To như một dãy phố cao tầng. Ngoài thân tầu chìm sâu trong nước, từ boong tầu lên còn ba bốn tầng lầu.

Có người gọi tên tôi từ tầng cao chót vót. Tôi nhìn lên. Mẹ tôi đang đứng đó hoa tay và kêu ầm ĩ tên tôi, chả là tên tôi rất dễ gọi. Ba tôi vừa mừng vừa giận, mừng thấy lại vợ, giận vì mẹ tôi đi tay không trong khi chúng tôi lễ mễ, lỉnh kỉnh đồ đạc với hai em nhỏ và mẹ tôi còn làm mọi người lo sợ. Mẹ tôi lên chuyến tàu chót, ít người nên tới trước.

Từ tầu lớn người ta thả xuống cái thang nối liền với tầu há mồm. Tôi bế em trai và mang theo bịch quần áo trên thân hình ốm o của đứa trẻ 10 tuổi. Người lính Mỹ trắng bóc, to, cao đỡ bịch áo quần và bế em tôi. Tôi leo lên chiếc thang đung đưa. Tôi nhìn xuống, phía dưới là biển cả xanh thẳm, hẹp bằng khoảng cách của hai con tầu. Chiếc thang đung đưa, nhưng có ngã xuống biển cũng chẳng sao, chỗ này hẹp chắc không sâu, cái ý nghĩ trẻ con ấy bây giờ khiến tôi buồn cười. Tôi cũng leo lên tới sàn tầu lớn. Mẹ tôi đã xuống, bế em trai và đón em gái. Những đồ đạc cồng kềnh được đưa lên sau, nhà nào nhà nấy nhận. Đây là tầu của Hải quân Hoa Kỳ giúp chở người di cư và Nam.

Chúng tôi dắt díu nhau xuống hầm tầu. Hầm cũng có nhiều tầng, có lẽ ba tầng, chúng tôi ở tầng giữa, mỗi người nhận một chiếc giường sắt trên dẫy giường ba tầng. Tôi leo lên trên. Mệt nhoài sau một ngày phơi mình ngoài nắng trong tầu há mồm nên tôi lăn ra ngủ lúc nào không biết. ..

Bác tôi và ba tôi đã lãnh được cơm chiều. Họ phát cho mỗi gia đình một cái thùng sô lớn để lấy thức ăn và lấy cơm. Ngày đầu không có cơm mà chỉ có một sô đầy thịt gà hầm thơm phức, mềm nhưng lờ lợ, không mặn mà như mọi lần. Chúng tôi ăn no nê. Tôi rủ chị họ, chị Minh, kém tôi một tuổi lên boong tầu xem mặt trời lặn. Sách tôi đọc thường tả cảnh mặt trời lặn đẹp vô cùng. Ông mặt trời to lớn đỏ ối, từ từ rơi xuống biển, tuyệt đẹp.Tầu đang đi qua vịnh Hạ Long, những đồi nuí chập chùng trên nước. Ơ kìa, một bãi cát vàng tươi, cứ như là những hạt vàng lấp lánh trong nắng chiều. Đẹp quá, quá đẹp. Tôi tự nhủ lòng, khi nào lớn lên sẽ trở lại đây thăm, nhìn cho rõ phong cảnh tuyệt đẹp này, nhưng đến nay, gần dất xa trời, tôi chưa hề, và sẽ không bao giờ thấy lại ở kiếp này: chẳng bao giờ tôi thăm lại quê hương nếu còn Cộng Sản….

Anh biết em đi chẳng trở về. Dặm ngàn liễu khuất với sương che. Tất cả không làm em chùn bước. Cờ đỏ còn kia, em chẳng về...

Những ngày sau đó, say sóng, chúng tôi ngủ li bì, không biết lúc nào là ngày, lúc nào là đêm, quên cả xem mặt trời mọc hay lặn. Thay vì vào cảng Saigon như những chuyến tầu khác, con tầu đậu ngoài khơi Cap St -Jacques tức Vũng Tầu đúng ngày mồng một Tết. Chúng tôi phải chờ tầu nhỏ ra chở vào. Sau nhiều ngày li bì, chúng tôi tỉnh dậy, đói và khát. Than ôi, ngày hôm đó trên tầu không phát thức ăn vì họ ngỡ sẽ đưa chúng tôi vào được đầt liền. Họ chỉ phát cam và bánh kẹo. Những trái cam vàng tươi mới hấp dẫn làm sao. Tôi kéo bà chị tôi đi xếp hàng lãnh cam. Một vị linh mục đi đến, kéo chúng tôi ra khỏi hàng:

- Mấy đứa này lãnh rồi, bây giờ lại xếp hàng nữa, gian lận, đi chỗ khác.

Tức tưởi, thấp cổ bé họng, oan ức, chúng tôi rời hàng. Mười lăm người mà không ai lãnh được trái cam quả táo nào. Mẹ tôi bấm bụng mua một quả cam, chúng tôi chia nhau ăn cả vỏ, chả bù ngày đầu lên tầu, gà cả con ăn thừa mứa. Đói quá, mẹ tôi lục hành trang, lôi ra cái bếp cồn (bếp đun bằng dầu hôi) và ít gạo nhúm lửa nấu cơm. Cơm chưa kịp chín thì ông Mỹ cao lớn đến la hét om sòm, bắt tắt ngay lập tức, hoá ra họ sợ lửa lan gây hoả hoạn làm cháy tầu. Thế là mọi người chịu đói đến lúc họ gọi tên và cho gia đình chúng tôi xuống tầu nhỏ vào bãi.

Trên bãi cát kế khu rừng thưa có nhiều mái tăng được dựng lên làm chỗ tạm trú cho dân di cư. Những người đến trước mang xôi và trứng vịt luộc ra bán. Tôi được hẳn một cái trứng vịt luộc. Đây là cái trứng luộc ngon nhất trên đời. Mẹ tôi nấu cơm nên chúng tôi không phải ôm bụng đói đi ngủ. Tính thích phiêu lưu nên tôi rủ anh họ vào rừng, nhưng chỉ đến ven rừng thì anh cản, sợ trong rừng có rắn và hổ. Vài ngày sau bác tôi điều đình được theo một xe vận tải cùng vài gia đình khác về Saigon.

Về đến Saigon thì trời đã tối. Xe qua đường Công Lý, quẹo vào phía sau của chợ Phú Nhuận. Bác và ba tôi lại đi vào từng hẻm mà gọi to tên chú tôi

- Trung ơi, chú Trung ơi.

Cuối cùng thì chú tôi nghe được, ra đưa 15 người vào căn nhà nhỏ đã có sẵn hai cô chú và năm em, tổng cộng hai mươi hai người trong khỏang không gian ba mươi mét vuông.

Sáng hôm sau cô tôi cho hai đứa, tôi và con gái cô, bằng tuổi tôi, một đồng để ăn quà. Thuý dẫn tôi ra chợ, em xé một đồng ra làm hai.

- Chết chửa, sao em lại xé tiền, lấy gì mà mua bây giờ.

- Em chia cho chị năm cắc, chị muốn mua gì thì mua.

- Năm cắc là gì?

Em dúi vào tay tôi nửa đồng tiền giấy vừa xé

- Đây này.

- À một nửa này là năm cắc tức năm hào hả?

- Ừ, chị thích ăn gì thì mua, nhưng chỉ có năm cắc thôi nhe.

Từ đó về sau tôi còn thấy nhiều người thản nhiên xé tiền để mua hay thối tiền. Tiền mà thối, lúc đâu tôi không hiểu, nhưng sau cũng suy ra thối có nghĩa là giả lại. Đồng tiền xé hai, khi thì ngay ngắn, khi thì nửa to nửa nhỏ, nhưng không sao, họ nhận tất cả.

Khoảng tuần sau thì chị họ của mẹ tôi đưa gia đình tôi đến trú tại nhà hát lớn. Nhà hát lớn sau này là trụ sở quốc hội được trưng dụng cho người di cư tạm trú. Gia đình tôi được khoảng nhỏ, từ một gia đình khác mới dọn đi. Đây là một trong những balcon của nhà hát, nhìn xuống đường Catinat, rộng đủ để trải một chiếc chiếu và để vài dụng cụ lặt vặt một ấm, một nồi vừa nấu canh vừa xào rau, vài cái chén đũa và một lu nhỏ chứa nước nấu ăn.

Nước là vấn để nghiêm trọng cho toàn thể vì chỉ có mỗi một cái vòi nước, nằm bên hông nhà hát lớn cho toàn bộ cư dân của nhà hát và vài nhà lân cận. Thông thường thì  mọi người nhường nhịn nhau, xếp  hàng chờ đến phiên mình, nhưng mọi người đều phải nhường cho một bà chằng lửa, bà này dân Nam kỳ quốc chính hiệu nên không được vào ở trong nhà hát. Bà dựng một tấm bạt làm nhà dựa vào tường nhà hát. Bà ta giành giật và ong óng chửi rủa người di cư hết lời.

- Tại sao nước nhà hoà bình độc lập rồi, tụi bay không ở ngoải, chung dô đây làm rầy tụi tao, tranh việc làm của tụi tao.

Chửi rủa chưa đủ, bà ta gầy đen như con mắm, còn xô, còn đá thùng hứng nước của người ta ra, rồi thoải mái hứng hết thùng nọ đến thùng kia cho mình hay đem bán. Người đâu mà dữ dằn quá đỗi. Mẹ tôi giao tôi coi em và xách nước.Tôi thường thức khuya, chờ mọi nguời đi ngủ mới mang chiếc sô nhôm ra hứng, khi đó nước rỉ rả nhỉ giọt. Tôi ôm gối ngủ gục chờ cho sô nước đầy thì khệ nệ lê lên lầu. Bố tôi thì thỉnh thỏang mới xẹt qua mà mẹ tôi sau khi nấu cơm xong thì cũng đi ra ngoài để tìm việc hay chạy giấy tờ lãnh trợ cấp, khoảng 700 đồng mỗi đầu người.

Trước cửa nhà hát lớn là hồ nước có vòi nước phun rất mát, may mà cảnh sát cấm múc nước hay tắm rửa. Tối đến Saigon lên đèn, đẹp ơi là đẹp. Đúng là hòn ngọc Viễn Đông. Tôi thường theo mấy chị lớn đi dọc theo con đường Catinat, dán mũi vào những cửa hàng sáng choang lộng lẫy nhìn cho đã con mắt những hàng hóa lấp lánh đẹp vô cùng nhưng quả thật tôi không chút thèm thuồng vì chúng thuộc về thế giới khác, về người khác... nhưng cái con búp bê nằm trong tủ kia, trông như em bé thật ấy, chao ôi sao nó lại có thể đẹp đến thế.

Bác tôi tìm được một căn nhà trên đường Công Lý, không xa nhà cô Tư là bao. Nhà gần đầu con hẻm chằng chịt gọi là xóm Lách. Chúng tôi gĩa từ nhà hát lớn, ít ngày trước khi nhà hát giải tán dân di cư, dọn về ở chung với bác Cả.

Gia đình tôi năm người ở ngoài hiên, kê đủ cái giường, hàng đêm tôi nằm dưới chân giường, co ro cúm rúm, ráng thu nhỏ để khỏi đụng vào bố mẹ hay hai em. Phòng khách kê được cái phản gỗ và cái giường. Giường là chỗ ngủ của ông bà, phản giành cho hai bác và cũng là phản ăn cơm của cả nhà bác tôi. Tất cả các anh chị ngủ trên gác xép. Tổng cộng 17 người sống trong căn nhà bằng một phần nhỏ căn bếp của ông bà nội ở quê, nhưng tôi rất vui vì được sống chung trong đại gia đình. 

Tắm là vấn đề lớn được giải quyết dễ dàng. Cả lũ kéo nhau sang cư xá bên kia đường, trong này có hẳn một dẫy nhà tắm hàng chục căn, nước máy trong, mát, có hoa sen chảy rất mạnh, tắm và dỡn đã đời luôn. Nhà có nhà vệ sinh, giành cho ông bà và tiểu tiện. Lũ chúng tôi thì đi nuôi cá ở cầu cá cũng nằm dọc theo đường Công Lý bên kia cầu Bạc Má Hồng (Mac Mahon), sau này gọi là cầu Công Lý.

Cầu cá được làm bằng những tấm gỗ có mái tôn che mưa nắng. Đi qua khúc cầu ngắn, rẽ hai bên là hai dẫy nam riêng nữ riêng, mỗi dẫy chừng chục ngăn. Tan học về chúng tôi rủ nhau:

Rủ nhau đi cầu
Tay cầm mảnh báo thật to
Bâng khuâng không biết bước vô cầu nào...

Chúng tôi mang theo mảnh báo, vo tròn cho mềm, ngồi gần nhau vừa làm công việc vệ sinh vừa nói chuyện. Hai tấm gỗ dầy đủ để ngồi mà không lọt xuống sông, chúng tôi góp phần nuôi cá. Tõm tõm là cá đã nhẩy lên đớp mồi nên sông nước vẫn sạch trong.

Chúng tôi xin được vào học ở trường tiểu học trên đường Võ di Nguy, Phú Nhuận. Từ xóm Lách theo đường Công Lý, qua cầu, rẽ phải vào phía sau chợ Phú Nhuận, đi hết con đường băng qua chợ là ra đường Võ di Nguy, quẹo trái một khúc là đến trường. Trường nằm trong hẻm. 

Đầu hẻm là lò heo. Nơi đây người ta giết heo, bò. Heo được trói bốn vó chổng lên trời: một người đè một người dùng giao nhọn chọc vào cổ, huyết heo chảy vào cái chậu phía dưới nên suốt ngày chúng tôi nghe heo kêu oang oác vì bị giết. Giết bò dã man hơn. Con bò bị đập bể đầu bằng cái vồ bự trước khi thọc huyết. Bò khôn hơn heo, chúng biết sắp bị giết nên khi đưa vào lò sát sinh, chúng chảy nước mắt rất đáng thương. Tội nghiệp cho loài vật biết bao.

Đường Công Lý là con đường chính từ phi trường về thành phố nên chúng tôi thường phải dừng bước, quay mặt vào lề để đón tổng thống Ngô Đình Diệm đi kinh lý. Công Lý cũng là con đường đến nghĩa trang Bắc Việt nên khi có đám ma chúng tôi bảo nhau dừng bước, bỏ nón chào người qua cố. Gặp khi cảnh sát lập biên bản một vụ gì đó, chúng tôi xin phép xem, nói dối là để tả lại trong bài luận văn!

Sau đó mẹ tôi thuê được một phòng trong con hẻm số 230 đường Ngô tùng Châu thuộc Gia Định mà mọi người gọi là ngã tư Cây Quéo. Tôi thắc mắc mãi về cái tên kỳ cục này.

Này nhé, từ đường Võ Di Nguy đi xuống là ngã tư Phú Nhuận, tiếp tục đi thẳng là đi Gò Vấp, quẹp phải là đường Chi Lăng. Dọc theo đường Chi Lăng, qua ngã ba Chu Mạnh Trinh, ngã ba Tô hiến Thành, ngã ba Cầu Cống là đến ngã ba Đốc Công. Đó, đường Ngô tùng Châu đó, có thấy ngã tư nào đâu. À không, đi tiếp đường Ngô tùng Châu, qua khỏi dẫy nhà mười căn mà tôi ở sẽ tới ngã tư cắt với đường Hoàng Hoa Thám, đường này lại nối ra đường Chi Lăng để đến chợ Bà Chiểu. Ngay ngã tư bên trái là chợ Cây Quéo, mới đầu là những gian sạp có mái lá, nằm gọn trong một góc, sau dân di cư vào, bày bán, cất sạp, xây đại cả ngay trên đường đi, nối dài thêm ra mãi. Tận cùng là nhà thờ. Nhưng đi mãi, nhìn mãi cũng chẳng thấy cây nào quéo hết trơn cũng như tôi không nhìn thấy cây thị ở ngã ba Cây Thị, hoặc giả những cây này đã bị đốn cả rồi.

Dần dần, bố mẹ tôi mua lại căn nhà này. Khởi đâu là nhà vách ván có dán dấy, có hàng hiên chạy dài rồi hàng hiên được ngăn lại, làm rào, sau đó nhà được xây gạch, làm gác xép cho đủ chỗ ngủ cho hai chị em tôi. Chúng tôi ngụ tại đây 10 năm mới dọn đi chỗ khác.

Thuở thanh bình không phải ba trăm năm cũ mà là đây, là lúc đó. Sau khi dẹp xong Bình Xuyên, Hoà Hảo, miền Nam thực hiện tổng tuyển cử. Hoàng đế Bảo Đại không có mặt bên dân lúc dầu sôi lửa bỏng nên dân bầu thủ tướng Ngô Đình Diệm lên làm tổng thống, khai sinh nền đệ nhất cộng hoà, quốc hiệu Việt Nam Cộng Hoà, khác với miền Bắc là Việt Nam dân chủ cộng hòa với chủ tịch là Hồ Chí Minh. Miền Nam vẫn dùng lá cờ vàng ba sọc đỏ và miền Bắc là cờ đỏ sao vàng. Miền Nam theo chế độ dân chủ còn miền Bắc theo chế độ cộng sản, ngăn cách nhau bằng vĩ tuyến 17 tức con sông Bến Hải.

Kìa dòng Bến Hải đâu xa, mà nay cách trở sơn hà nước Nam ….

Những ngày đó chiếc ra dô (radio) suốt ngày ca hát khúc ca ngày mùa, từ tân nhạc đến cải lương, vọng cổ đến nỗi tôi thuộc lòng vài khúc ca:

Em ơi vào ngủ với anh, sáng mai thức dậy nấu cơm đi cày
Em còn bận dziệc dzá may, hừng đông có áo đi cài (y) với anh...

Hay khi... Tôi đây tên Tôn Các... tìm đường đi thi đành cam lạc lối giữa trời là trời sương rơi. Ôi rừng đau đớn chua xót dùm tôi... (vở Bạch Viên Tôn Các)

Ôi! Ngày xưa thân ái ...

Phụ đề tài liệu trên mạng

**Điều 14 phần (d) của Hiệp định cho phép người dân ở mỗi phía di cư đến phía kia và yêu cầu phía quản lý tạo điều kiện cho họ di cư trong vòng 300 ngày sau thoả hiệp đình chiến 

(Điều 2), tức chấm dứt vào ngày 19 tháng 5, 1955. Dân Hà Nội có 80 ngày, Hải Dương có 100 ngày, còn Hải Phòng, điểm cuối cùng tập trung để di cư có 300 ngày.

**Vì không có đủ phương tiện cho những người di cư vào Nam nên chính quyền Pháp và Bảo Đại phải kêu gọi các nước khác giúp chuyên chở và định cư. Các chính phủ Anh, Ba Lan, Tây Đức, Nam Hàn, Hoa Kỳ, Nhật, Philippines, New Zealand, Trung Hoa Dân quốc, Úc và Ý hưởng ứng cùng các tổ chức UNICEF, Hồng Thập Tự, Catholic Relief Services (CRS), Church World Services (CWS), Mennonite Central Committee(MCC), International Rescue Committee (IRC), CARE và Thanh thương Hội Quốc tế.

**Ngày 9 tháng 8 năm 1954, chính phủ Quốc gia Việt Nam của tân Thủ tướng Ngô Đình Diệm lập Phủ Tổng ủy Di cư Tỵ nạn..

** Ngày 4 tháng 8 năm 1954 cầu hàng không nối phi trường Tân Sơn Nhứt, Sài Gòn trong Nam với các sân bay Gia Lâm, Bạch Mai, Hà Nội và Cát Bi, Hải Phòng ngoài Bắc được thiết lập. Nỗ lực đó được coi là cầu không vận dài nhất thế giới lúc bấy giờ(khoảng 1.200 km đường chim bay). Phi cảng Tân Sơn Nhứt trở nên đông nghẹt; tính trung bình mỗi 6 phút một là một máy bay hạ cánh và mỗi ngày có từ 2000 đến 4200 người di cư tới. Tổng kết là 4280 lượt hạ cánh, đưa vào 213.635 người.

Ngoài ra, một hình ảnh quen thuộc với người dân tỵ nạn là "tàu há mồm" (tiếng Anh: landing ship, tank viết tắt là LST) đón người ở gần bờ rồi chuyển ra tàu lớn neo ngoài hải phận miền Bắc. Các tàu thủy vừa hạ xuống, hàng trăm người đã giành lên. Các tàu của Việt Nam, Pháp, Anh, Hoa Kỳ, Trung Hoa, Ba Lan... giúp được 555.037 người "vô Nam" "Nam" được hiểu là cả dải duyên hải miền Nam Việt Nam, từ Đà Nẵng tới Vũng Tàu. Vì số người di cư quá đông Cao uỷ Pháp đã xin gia hạn thêm ba tháng và phía Hà Nội đã thoả thuận nên ngày cuối cùng thay vì là ngày 19 tháng 5 được đổi thành ngày 19 tháng 8. Trong thời gian gia hạn thêm 3.945 người đã vượt tuyến vào Nam. Chuyến tàu thuỷ cuối cùng của cuộc di cư cập bến Sài Gòn vào ngày 16 tháng 8.

No comments:

Blog Archive