Tuesday, April 18, 2023

Đừng Mất Trí...

Mất trí nhớ là bệnh đáng sợ nhất trong tất cả các bệnh của con người.

Có 2 loại bệnh mất trí nhớ:

Loại nặng là Alzheimer. Hoàn toàn mất hẳn trí nhớ, như trường hợp Tổng Thống Reagan (kéo dài 10 năm mới chết).

Loại nhẹ gọi là Dementia, lúc nhớ lúc quên, như trường hợp nhà Bác Học Albert Einstein.

Cho tới bây giờ khoa học cũng vẫn chưa tìm ra phương pháp phòng ngừa hay chữa trị. Chỉ biết khi trời kêu ai nấy dạ.

Các bác sĩ thì khuyên bắt đầu óc làm việc chút chút mỗi ngày, cũng là một cách tập thể dục cho cái đầu (não) của mình vậy thôi.

Đọc sách, viết bài, viết thư… cũng là một cách tập thể dục đầu. Tức là bắt cái não của mình không được “nhàn cư vi bất thiện” rảnh quá rồi nghĩ chuyện linh tinh than mây khóc gió.

Hoặc như Mỹ nói “use it or lose it” Ngọc kia chẳng dũa chẳng mài, cũng thành vô dụng, cũng hoài ngọc đi.

Quả thật từ khi có internet, thì mọi thứ tin tức và hình ảnh được lan tràn trên khắp thế giới chỉ sau vài tích tắc. Người dân trên toàn thế giới (ngoại trừ Bắc Hàn và các nước độc tài) có thể theo dõi đủ mọi biến chuyển ngay khi xảy ra.

Ngay cả ở Mỹ, khi có World Cup về đá banh, đâu phải trận banh nào quí vị cũng được coi hết đâu. Nhất là khi Mỹ đã thua rồi, là coi như dẹp bớt, ông chồng tôi (chuyên gia TV 24/7& 20 hour/ day) bảo thế.

Trong khi VN nghèo mà chơi bảnh cho coi líp ba ga, thức đêm thức hôm xem miệt mài suốt gần 2 tháng. Mỗi lần có World Cup là công việc tê liệt, quan thì ngủ bù ở nhà, lính thì vào sở lớt phớt cho có lệ, vì còn ngáp ngắn ngáp dài.

Mặc dù bệnh mất trí nhớ không làm tổn thương tới thân xác bệnh nhân như các bệnh nhiễm trùng, hay bệnh ung thư tàn phá cơ thể rất nhanh.

Không ảnh hưởng tới physical, vì chỉ có não không còn làm việc, chứ tim gan phèo phổi vẫn bình thường. Bệnh nhân vẫn có thể sống rất lâu, nếu không muốn nói là thọ.

Không tổn thương về thể chất (của bệnh nhân), nhưng tổn thương rất nặng về tinh thần cho người chăm sóc.

Biết bao câu chuyện não lòng khi có người thân bị bệnh mất trí. Nhất là khi người ấy lại là ông bà cha mẹ của mình.

Trong các triệu chứng của bệnh mất trí nhớ nhẹ Dementia (lúc khởi đầu) có một triệu chứng đã làm tổn thương tới tình cảm gia đình. Đó là người bệnh lúc nào cũng nghi ngờ bị mất cắp tiền bạc hay nữ trang của mình.

Họ có thể nói (y như thật) người này người kia đã lấy cắp của họ. Nếu chỉ có một người chăm sóc người bệnh (ông bà cha mẹ), thì ráng giữ bình tĩnh bỏ ngoài tai, coi như không chấp. Nhưng khổ nỗi vì cuộc sống khó khăn, rất nhiều người ở VN, sau khi lập gia đình vẫn phải ở chung theo kiểu ngũ đại đồng đường. Cháu dâu con dâu, cháu rể con rể là người không cùng máu mủ hay bị hàm oan.

Có một điều không hiểu nổi, đó là họ có thể không nhận được tất cả mọi người. Nhưng bà mẹ chồng vẫn biết đây là thằng con yêu quí của mình. Bà đợi con đi làm về, để than thở bị bỏ đói cả ngày. Còn ai ở nhà cả ngày với bà, ngoài người vợ của mình, tức là con dâu của bà. Oan Thị Kính làm sao giải bày, nuốt bồ hòn làm ngọt. Nếu gặp người chồng vũ phu không có từ tâm hiểu biết, thì chuyện gì sẽ xảy ra?

Từ đó xảy ra biết bao thảm cảnh gia đình, từ xô xát cãi vã, có khi đưa đến chia tay.

Ngoại trừ đổ thừa bị mất đồ, không nhớ đã ăn cơm hay chưa. Những người bị Alzheimer, dù không còn minh mẫn, nhưng họ vẫn có thể nhận ra những người vô cùng đặc biệt với họ. Bà Nancy bảo rằng ông Tổng Thống Reagan quên hết tất cả mọi người, chỉ còn nhớ duy nhất một mình bà. Ít ra cũng còn có một người để cho ông nghe lời.

Căn bệnh mất trí còn nguy hiểm hơn cả bệnh điên. Vì bệnh điên tuy vậy vẫn có thuốc chữa hay chế ngự. Khi người điên nổi cơn người ta cho uống thuốc, cơn điên sẽ bị chế ngự. Sau đó người ta cho chạy điện vô não. Sau một thời gian thì não của người bệnh trở lại bình thường. Đó là do não bị xáo trộn vì một nguyên nhân gì đó, chứ không có hư hại. Trái lại ở bệnh Alzheimer và bệnh Dementia não đã bị thoái hóa, bị hư hại. Đó là lý do tại sao chưa có cách phòng ngừa và chữa trị.

Chăm sóc cho người bệnh lãng trí là một điều vô cùng khó khăn.

Một con vật bình thường như con chó con mèo, dù không nói được, nhưng chúng vẫn nhận ra và nghe lời người nuôi dưỡng nó. Bởi vì chúng vẫn còn bộ não. Trong khi người bị lãng trí, chúng ta sẽ cảm thấy đau lòng khi một cụ già bị nhốt trong chuồng, hay bị xích tay xích chân.

Những hình ảnh đó không thể dùng cho con người. Nhưng chúng ta phải làm sao, khi người bị lãng trí gây ra đủ thứ vấn nạn, làm đảo lộn cuộc sống của những người trong nhà. Giữa đạo đức và hạnh phúc, chúng ta sẽ chọn bên nào.

Chỉ có thánh hay bồ tát mới giữ cho mình khỏi nổi cơn điên khi bị buộc tội oan ức. Cũng chỉ có thánh mới giữ cho mình được bình tĩnh, khi mỗi ngày thấy đủ thứ xáo trộn xảy ra trong căn nhà của mình.

Ông bà cha mẹ là những người ta phải tương kính theo đạo làm con.

Nhưng khi làm sao giữ được vẹn toàn, khi ông bà cha mẹ bị mất trí. Một bệnh nhân trong thân xác của người trưởng thượng. Có nhiều cô con dâu đã phải gào lên nói dối như cuội, khi nói về bà mẹ chồng. Hoặc khi không còn bình tĩnh họ có thể buộc tội điên điên khùng khùng. Thật tình họ không muốn mang tiếng hỗn láo, chẳng qua cơn giun xéo mãi cũng quằn! Khó có ai giữ cho mình sống trọn đạo làm con.

Bản thân tôi có cha mẹ bị Dementia, nghĩa là những gì các cụ nói cần phải xét lại, thế mà cũng vẫn bị lừa đều đều. Lần nào cũng vì sốt ruột khi nghe bố gọi với giọng thều thào “có gì ăn không, bố đói quá”. Lúc ông đang ở trong rehab gần nhà, cổ tay luôn luôn đeo một cái vòng có ghi số điện thoại của tôi, để bất kỳ có chuyện gì xảy ra, ai cũng có thể gọi ngay cho con cháu.

Hôm đó bố tôi ra dấu cho có người giúp. Đầu tiên một giọng nữ gọi, bảo ông muốn nói chuyện với cô. Nghe bố nói muốn ăn cháo (kiểu VN), dạ dạ thưa thưa, cuống quýt đi hâm cháo. Chưa được 10 phút, lại nghe điện thoại gọi, lần này là giọng nam, lại dạ dạ thưa thưa con mang vào ngay. Chạy hộc tốc tới (rehab chỉ cách nhà có 10), tôi chưng hửng, vì bố tôi đang ngồi trước mặt mâm cơm của nhà thương, còn y nguyên.

Không hiểu tại sao người bị lãng trí, lại “thông minh” đến thế. Không biết tiếng Anh, nhưng bố tôi biết ngoắc một cô y tá nhờ gọi dùm. Sau đó lại nhờ một người y tá khác (đàn ông) gọi tiếp. Nói chuyện bằng tiếng Việt nên họ không hiểu mình nói gì. Từ đó có kinh nghiệm, tôi không quýnh quáng, mà hỏi lại caregiver. Tuy vậy cũng vẫn chạy vào thăm, nếu không ông cụ sẽ giận hờn bỏ ăn. Người ta nói khi già, người ta sẽ trở thành con nít (chướng). Họ sẽ bướng bỉnh khó chiều, nếu thành con nít ngoan thì đâu có chuyện gì xảy ra.

Một triệu chứng kinh khủng cho người chăm sóc người bị mất trí, đó là họ không còn phân biệt được đúng sai, họ có thể ăn ngay phân của họ, nghĩa là chúng ta không thể rời mắt khỏi họ. Điều này đã làm đau lòng con cái vô cùng.

Có nhiều gia đình khi đi làm, họ phải khoá cầu dao điện, nếu nấu bằng bếp điện. Vì các cụ già khi muốn ăn bánh mì, họ đút luôn cả ổ bánh vào lò nướng, vẫn còn giấy gói và dây thun cột. Có người còn tinh nghịch đốt cả thảm lót nhà.

Nói chung là khi trong nhà có người bị bệnh mất trí, thì ngay cả người chăm sóc cũng mệt nhoài, vì mắt phải luôn luôn ngó chừng. Đôi khi ngay cả người lành cũng không ngờ được những phản ứng bất thường của bệnh nhân.

Bà Nancy vợ của Tổng Thống Reagan chăm sóc ông bị bệnh Alzheimer (nặng) suốt 10 năm trời. Không thể dùng một chữ nào khác hơn chữ “ độc ác” để diễn tả bệnh này. Thông minh hóm hỉnh, tài giỏi, ăn mặc luôn luôn lịch sự. Tất cả không còn nữa, bà Nancy chẳng còn cho ai nhìn thấy ông trong bộ dạng thê thảm thiểu não, quần áo xộc xệch, bộ mặt ngây ngô, không còn ra hình dáng của một chính khách được ngưỡng mộ ngày nào. Thôi thì hãy để mọi người coi như ông đã chết.

Biết bao câu chuyện đau lòng của người thân, khi có ông bà cha mẹ bị bệnh mất trí nhớ. Dù cho bạn có thông minh như nhà Bác Học Albert Einstein cũng vẫn mắc bệnh như thường. Dù cho bạn có học cao hay giàu có đến đâu, bạn cũng vẫn nghẹn ngào khi thấy người thân yêu của mình tàn tạ hay có những hành động làm đau nhói con tim. Điều này có thể hiểu được tại sao có nhiều người bình thường đã đem nhốt người bệnh vào những cái cũi như cũi chó. Họ quá nghèo khổ, phải lo bươn chải cho miếng cơm manh áo. Họ phải làm liều, dù thật sự trong lòng họ không muốn. Gặp thời thế thế thời phải thế. Cái khó bó cái khôn. Ở trong chăn mới biết chăn có rận.

Một cô gái thượng (ở VN) bị xích trong rừng vì mất trí cả mấy năm trời, cho tới khi được một Linh Mục giải cứu mang về nhà thờ.

Không thể nào kể siết về những hoàn cảnh thương tâm của những người bị căn bệnh độc ác này. Hành hạ bệnh nhân thì ít (vì họ không còn nhận thức), nhưng hành hạ gia đình người bệnh thì nhiều.

Cách đây 20 năm, có một thanh niên ở phía Đông Bắc Mỹ, đã bỏ cha già bị bệnh mất trí vào lò sưởi đốt. Vì anh ta là con một, lương không trả nổi cho nursing home (hạng bét 200dollar/ ngày).

Người không mất trí chăm sóc cho người bệnh, cũng mất trí luôn, đó là trường hợp của anh này. Những khó khăn đã dồn họ đến chân tường tuyệt vọng.

Chúng tôi đã nhiều lần dặn dò con cháu, nếu bố mẹ bị bệnh lãng trí, cứ mạnh dạn đưa vào nursing home, đừng lo phiền áy náy. Vì lúc này bố mẹ chỉ còn kéo dài cuộc sống trong vô thức. Không còn biểu lộ được tình cảm với con cháu. Trái lại khi cho ở chung, những biểu hiện của căn bệnh sẽ làm mất cả tình thân. Chẳng thà để bố mẹ hành hạ quấy phá người dưng. Khi bố mẹ còn tỉnh táo dặn dò con cháu, đó là ý nguyện của bố mẹ, các con không có lỗi gì cả. Tất cả mọi người trong gia đình bố mẹ đều yêu quý vô vàn. Hãy có từ tâm đừng nghĩ xấu nghĩ ác, rồi nguyền rủa người khác. Bởi vì tục ngữ có câu chẳng ai nắm tay được từ sáng đến tối. Một ngày nào đó rồi chúng ta cũng sẽ già, như lời Phật dạy. Sinh trụ hoại diệt, hoàng hôn tàn để nhường chỗ cho bình minh ló dạng.

Các con tôi cũng rưng rưng nước mắt. Cũng như ngày xưa chúng tôi cũng đau xé lòng khi thấy cha mẹ mình lú lẫn, bỏ cả đồ dơ vào miệng. Hay ngơ ngác đi lạc ngoài đường.

Người ta không sợ chết, mà chỉ sợ bệnh. Quan niệm bên Phật giáo, cho rằng bệnh tật là cái nghiệp của chúng sinh. Không tôn giáo nào cho phép tự tử. Phật bảo rằng khi tự tử có nghĩa là chưa trả hết nghiệp. Đời sau cũng phải trả tiếp. Luật pháp cũng không cho phép người ta xin chấm dứt sự sống. Bạn thấy điều này có đúng không? Kéo dài cuộc sống trong vô thức, không còn tận hưởng được mọi vui thú của cuộc đời, thì có còn ích lợi gì cho xã hội và cho chính người bị bệnh.

Nếu bạn cổ vũ cho ý tưởng đó, bạn sẽ bị lên án. Vì xã hội không chấp nhận mạng con người như một món đồ vật, để có thể vứt bỏ dễ dàng.

Bạn có biết con số bệnh viện dành cho người mental behavior nhiều gấp mấy con số bệnh viện chữa những bệnh khác. Và người ta đã tránh dùng những chữ điên crazy, hạ giá nhân phẩm. Chỉ dùng chữ những chung chung mental behavior.

Ngoài bệnh Alzheimer và Dementia xảy ra cho người già. Trẻ em cũng bị một bệnh về não rất phổ biến đó là bệnh Autism, người Việt gọi là bệnh tự kỷ. Khi bị bệnh này, trẻ em không có khả năng giao tiếp, không đọc được chữ. Có 2 loại bệnh tự kỷ: một loại trầm và một loại kích động.

Loại trầm ít có, đứa trẻ rất im lìm, thụ động.

Loại kích động rất phá phách. Chứng kiến một đứa trẻ Autism kích động, bạn sẽ chóng mặt không thể tưởng tượng. Nếu là đứa trẻ bình thường thì không thể nào có thể làm được như vậy.

Có nhiều đồ chơi cho những đứa bé bị kích động. Một cái võng hình bát giác, mỗi góc có một lò xo (rất lớn & rất chắc). Đứa trẻ dùng cái võng này để tung mình lên cao, rồi tự rơi xuống cái võng hàng giờ, mà chẳng hề biết mệt.

Đây là nguyên nhân gây đau lòng cho cha mẹ và làm tổn thương tới hạnh phúc gia đình.

Có một câu chuyện về một cậu bé bị bệnh tự kỷ làm tê tái lòng các bà mẹ. Khi chúng ta có một đứa con, không biết đó là ân sủng hay nghiệp chướng của cuộc đời.

Từ khi biết đứa con thứ nhì, thằng Tommy, bị bệnh tự kỷ, thì cô Anna không còn mặc áo tay ngắn và váy ngắn nữa. Cánh tay và bắp vế của cô lúc nào cũng đầy những vết bầm và những vết cào xước do thằng Tommy ngắt véo.

Cô cũng nghỉ làm để ở nhà nuôi nó. Nhưng hôm nay cô nhận được thiệp mời dự đám cưới của một người bạn rất thân.

Vì không thể từ chối, nên cô nhờ đứa con gái lớn trông Tommy dùm cô. Con bé vui vẻ nhận lời, bảo rằng mẹ hãy yên tâm, nó sẽ cố gắng trông em thật tốt.

Cô Anna trang điểm sơ sài, dặn dò cô chỉ vắng mặt hai tiếng đồng hồ thôi. Cô con gái vừa mới 13 tuổi, đủ tuổi qui định của luật pháp, được quyền babysitter em mình, cô rất vui khi thấy mẹ được đi ra ngoài, thay vì phải quanh quẩn trong nhà suốt ngày để trông em. Cô bé vô cùng ái ngại cho mẹ, nay có cơ hội giúp mẹ, trong lòng cô vui lắm.

Cô cứ tưởng chuyện trông em có hai tiếng đồng hồ sẽ trôi qua cái vèo. Nhưng khi xe bố mẹ vừa rời khỏi garage, thằng Tommy đã bắc ghế leo lên lấy lọ đường rắc khắp nhà. Sau đó nó vô phòng tắm đổ chai xà bông tắm đem rắc khắp mọi nơi, rồi hứng nước đổ lênh láng từ phòng khách cho tới nhà bếp. Mặc cho chị cứ luôn miệng năn nỉ đừng em.

Chưa tới một tiếng đồng hồ mà căn nhà như một bãi rác. Rất may các cửa nẻo phải có mã số mới mở được. Không thì thằng Tommy sẽ phóng ra ngoài đi mất.

Có một điều không ngờ, Tommy đã lục được một cái kéo, mẹ nó để quên chỗ nào, dù rằng mọi thứ nguy hiểm như dao kéo luôn luôn phải giấu kín. Việc đầu tiên là nó cắt nát giấy báo reo rắc khắp nhà. Con chị cũng đã mệt nhoài, nên cũng bỏ mặc cho thằng em quậy phá. Cho tới lúc chuyện không may xảy ra cho con bé. Thằng em đã vô được phòng ngủ của chị, nó cắt nát cái áo đầm đẹp nhất của con bé.

Không thể nào diễn tả được nỗi sững sờ của cô chị, khi thấy cái áo yêu quí của mình bị cắt thành từng mảnh vụn.

Bây giờ thì đứa con gái không thèm để ý tới thằng em phá phách nữa. Nó cũng không thể khóc nổi, cơn giận đã chận luôn cả nỗi tiếc nuối cái áo yêu thích. Nó miên man nghĩ cách trả thù sao cho hả dạ. Mắng chửi cũng vô ích, thằng em có hiểu gì đâu. Nó cứ miên man nghĩ, cho tới khi nghe tiếng xe của bố mẹ đậu trong garage, thì trong đầu loé lên một tia sáng. Bằng cách này nó mới thoát được kẻ phá hoại.

Vừa mở cửa bước vào nhà thì cô Anna đã thấy căn nhà như một bãi rác, mọi thứ ngổn ngang, nước xà phòng trơn trượt. Thằng Tommy đang nằm khoèo há hốc miệng ngáy trên ghế sofa. Nhìn khuôn mặt trẻ thơ khi ngủ sao bình an vô tội, lòng cô Anna dâng lên một niềm thương cảm vô bờ.

Vừa lúc cô con gái lớn chạy ra, nó nói một mạch: “Mẹ ơi, mai kia lớn lên, con không nuôi thằng Tommy. Con cũng không cho nó tới nhà của con. Vì nó tới chỉ phá phách thôi ”.

Nói xong nó xua tay khắp nhà, ý nói như tai hoạ khôn lường.

Trái tim cô Anna như có ai bóp chặt. Đó là nỗi ám ảnh của cô, từ khi biết con trai mình bị bệnh tự kỷ. Ngày nào cô còn sống thì nó còn có người chăm sóc.

Cá chuối chết đuối vì con. Mai kia cô chết rồi, con mình sẽ ở với ai. Dù là chị gái thì cũng còn có anh rể. Mà nếu em trai thì cũng có em dâu.

Ôi cuộc đời này là một chuỗi giây kết chặt duyên nợ của cuộc đời. Cô mắc nợ nên bây giờ cô phải trả, nhưng đứa con bệnh hoạn của cô cũng phải trả cho hết cái nghiệp làm người của nó. Làm người nhưng nó không biết vui buồn, cứ sống như cây cỏ. Đã vậy còn bị người đời xa lánh, hay ghét bỏ vì những hành động không có chủ ý.

Cô Anna nhớ lại nỗi vui mừng khi thằng bé ra đời. Cô thầm cám ơn Thượng Đế đã ban cho cô một món quà, nhưng trớ trêu thay đó là món quà buồn.

Một điều mỉa mai chua xót cho những bà mẹ có con bị bệnh tự kỷ. Đa số là con trai, ít khi xảy ra cho con gái. Những đứa trẻ tự kỷ vô cùng đẹp trai, đẹp từ vóc dáng tới khuôn mặt.

Phim Rain man do Dustin Hoffman và Tom Cruise nói về một trường hợp của Autism đặc biệt ít thấy. Người bệnh có những năng khiếu khác người thường, đoán được ván bài của đối phương khi chơi bài ở casino.

Điều này rất ít khi xảy ra.

Tuy nhiên người Mỹ họ rất nhân đạo, vẫn có công việc cho những người bị tự kỷ. Họ vẫn có thể làm một số công việc đơn giản như lau chùi dọn dẹp ở công sở, và được đối xử như một người bình thường, không hề bị kêu ca phiền trách. Đó là nét đẹp của xã hội Mỹ.

Trẻ em nếu có dấu hiệu thiểu năng, như chậm nói hay không có khả năng giao tiếp, sẽ được chăm sóc đặc biệt. Đi học từ lúc 3 tuổi, rồi cứ tiếp tục cho tới khi học xong trung học như những đứa trẻ bình thường.

Trẻ tự kỷ vẫn được học cùng trường với những học sinh bình thường.

Đó là sự khác biệt của Đông & Tây, và là kinh nghiệm nhớ đời của người viết.

Trước khi qua đây, tôi đã đi dạy ở một trường trung học 15 năm ở VN.

Sau 75, đám cán bộ CS cũng mang cả gia đình con cái vào. Lúc trước họ ở trong bưng, học hành lớt phớt.

Hệ thống giáo dục của VN sau 75, chỉ có một kỳ thi chuyển tiếp từ cấp 2 lên cấp 3, gọi nôm na là kỳ thi tuyển vào lớp 10. Có nghĩa là trẻ con sẽ học một lèo tới lớp 9, tức là khi chúng 15 tuổi.

Cán bộ CS thì toàn giữ những chức vụ béo bở: trưởng phòng trưởng ban nhà đất, chủ tịch phường… toàn là những chức vụ hét ra lửa, có đủ quyền sinh quyền sát.

Hệ thống giáo dục thì quái đản, hầu như học sinh đều lên lớp 100%. Khi xét điểm lên lớp chỉ tính 2 môn: văn & toán.

Cô giáo chủ nhiệm chưa kịp cho văn phòng con số những em ở lại, đã có lời gửi gấm. Từ hiệu trưởng cho tới đồng nghiệp. Bằng bất kỳ cách nào (sửa điểm), miễn là con của cán bộ phải lên lớp.

Cô giáo nào kiên quyết không chịu, thì sẽ bị săm soi, cô dạy có vấn đề.

Trong khi mọi thứ đều khoa trương về hình thức, bạn không thể bơi ngược dòng sông. Chỗ nào cũng đạt thành tích, chỗ nào cũng giỏi. Giỏi nhất là làm cho xã hội thụt lùi về phía sau.

Con cán bộ học dốt, quậy phá làm phiền thầy cô. Chẳng hề gì, khi lớn lên chúng vẫn ăn trên ngồi trốc. Vì vậy chẳng thầy cô nào muốn mang vạ vào thân. Ngoại trừ tôi, một cô giáo cứng đầu, luôn luôn giơ tay phát biểu những tư tưởng phản động. Cơ quan ta đã xoá 100% nạn mù chữ, sao còn sót mấy bà lao công không biết đọc.

Những suy nghĩ theo kiểu Á Đông của tôi, mang qua sống bên Mỹ, làm tôi suýt bị đánh rớt khi đi học.

Những người lớn tuổi khi qua Mỹ, muốn học đại học (4 năm), thì phải thi TOEFL (test of English as a Foreign language). Nếu không phải đi vòng qua trường college (2 năm), sau đó mới học thêm 2 năm nữa trên đại học.

Tôi chọn trường college (dễ hơn). Trong bài thi cuối khóa, chúng tôi phải làm một bài luận. Trước khi làm, cả lớp được xem một cuốn phim ngắn về một học sinh tên là Peter bị thiểu năng, não chậm phát triển.

Peter là đứa trẻ kích động, khi xếp hàng vào lớp xô đẩy các bạn té nhào, trong lớp (một) thì nằm lăn trước bục giảng gây phiền hà cho cả lớp…

Sau khi xem xong, bạn cho biết “sẽ đối xử như thế nào với Peter?”.

Dĩ nhiên một cô giáo đã biết thế nào là những trouble maker, gây đủ thứ rắc rối cho cả lớp. Bản thân tôi đã đuổi thẳng cánh một học sinh quậy phá, dù bố nó là trưởng phòng nhà đất của quận. Mọi người đưa nhau nịnh nọt để xin xỏ bố học sinh này cấp nhà. Tôi còn độc thân không có tiêu chuẩn đó. Vả lại tôi không chịu được cảnh trái tại gai mắt.

Dĩ nhiên là tôi không muốn Peter học chung với học sinh bình thường, chỉ làm khổ thầy cô và học sinh.

Tới tuần sau phát bài, tôi thường được điểm cao về môn essay. Sao lần này không thấy cô nhắc tên.

Khi thắc mắc thì nghe cô bảo chờ, sau khi xem cuộn phim kế tiếp về Peter.

Peter vẫn học chung với các bạn bình thường, nhưng qua tới năm lớp hai, thì đã có dấu hiệu tiến bộ, bớt phá phách. Biết ngồi bên dưới cùng các bạn, chứ không leo lên phía bục giảng nằm lê la nữa.

Mọi người trong lớp bình thản ngồi xem (vì họ là dân phương Tây mà). Sau cùng cô đưa trả bài của hai con nhỏ Á Đông trong lớp, là tôi Việtnamese và một cô Hồng Kông, với lời phê: độc ác.

Theo học ngành Y Tá, chọn Psychology, mà tâm địa độc ác là điều không thể chấp nhận.

Chúng tôi, hai người Á Đông suy nghĩ khác hẳn người phương Tây. Sẵn sàng cho những đứa trẻ chậm phát triển sống trong tập thể của chúng. Đó là một quan niệm sai lầm, bởi vì chúng ta không có tính kiên nhẫn và tấm lòng nhân ái bao dung.

Ở Mỹ trẻ em chậm phát triển vẫn đi học cùng lớp với các trẻ em bình thường (mỗi lớp vài em).

Trong một lần đi dự một buổi học của con trai (lớp 7), tôi mới nhận ra cô con gái của bà hàng xóm, cũng cùng học một lớp với con tôi. Nhưng cô chỉ ngồi đó (cho hết ngày), đang vẽ bậy bạ trên một tờ giấy, cô không theo dõi được bài giảng. Không hề gì, cô vẫn tiếp tục được lên lớp, cũng tốt nghiệp trung học (tới 18 tuổi). Vì đó là quyền lợi của một trẻ em ở xứ Mỹ, được đi học, dù đó là một em bất hợp pháp. Bạn có thấy đó là điểm nhỏ nhất khác với bên VN không? Con nít có em cả đời không được đến trường, vì không có giấy khai sinh!

Peter hàng ngày tiếp xúc với trẻ em bình thường, sẽ từ từ nhận ra (dù rất chậm) sự khác biệt, và sẽ tốt hơn. Nếu cho ở chung với những em cùng bệnh, càng ngày tình trạng càng xấu đi. Đó là lý do tại sao trường nào cũng có học sinh special. Họ tránh dùng những tiếng khờ ngu hay điên dại.

Tôi và cô bạn Hồng Kông, bỗng như bừng tỉnh. Quả là cách đối xử do sự suy nghĩ của người Á Đông bị nói là độc ác, cũng không sai.

Đông & Tây khó mà hoà hợp.

Đa phần trẻ bị bệnh tự kỷ thường kích động, nếu không ngó chừng, chúng sẽ phóng ra đường chạy bất kể phương hướng. Chúng cũng không phân biệt được sự nguy hiểm cận kề. Về sau người ta đã huấn luyện được những con chó trông chừng cho những đứa trẻ bị tự kỷ loại kích động. Đứa bé được xích vào con chó, khi đi ngoài đường nếu thấy nguy hiểm, con chó sẽ ghì chặt (rất mạnh) để tránh cho đứa bé gặp nguy.

Chi phí cho một con chó như vậy khoảng 50 ngàn Mỹ Kim. Dĩ nhiên do đời sống ngắn ngủi, sau 10 năm thì con chó cũng sẽ già, không còn nhạy bén nữa, phải thay con khác thôi.

Khi đã bị mất trí, dù là người già hay trẻ nhỏ, cũng là vấn nạn cho xã hội.

Do đời sống quá căng thẳng người ta bị Stress hay trầm cảm, nhưng chỉ có giai đoạn. Còn khi bị Dementia, Alzheimer hay Autism thì coi như mãn tính.

Chỉ có những người có trái tim nhân ái, mới tận tuỵ hết lòng cho những con người bất hạnh. Còn trái tim nhân ái nào hơn trái tim của những người mẹ có con bị bệnh.

Hãy mở lòng để cảm thông cho những con người bất hạnh. Cứ mỗi mùa Xuân về, có những người già trong nhà dưỡng lão lại trông ngóng người thân. Những đứa trẻ mồ côi trong cô nhi viện dõi mắt trông tới phương trời nào, có ai nghĩ đến chúng không?

Hãy nghe lời Phật dạy, ai cũng có cái nghiệp của mình, đó là món nợ phải trả của nhiều kiếp trước.

Hãy xử sự bằng tấm lòng nhân ái cho tất cả những người kém may mắn hơn mình. Đó cũng là cách tạo phước.

Ai cũng muốn mọi điều tốt đẹp cho mình, nhưng đâu phải cứ muốn là được.

Đối xử (hay suy nghĩ) độc ác với người mất trí, đó chính là người mất trí. Dù dưới mắt tha nhân bạn là người bình thường, nhưng lương tâm bạn vẫn nhắc nhở: "đừng mất trí".

Đó là lòng nhân ái vị tha của mỗi con người.

Cầu xin cho tất cả mọi người mau trả cho hết nghiệp thế gian.

Lại thị Mơ
(ViệtBáo)

No comments:

Post a Comment