Tuesday, April 18, 2023

CON GÁI CỦA NGƯỜI TA

image1.png
Con gái của người ta sau 24 giờ sinh ra đã trở thành con gái của tôi, và chỉ sinh sau con gái của tôi có 4 giờ tại Bảo Sinh Viện Quân Đội Thành Phố Nha Trang năm 1972. Mẹ của nó còn trẻ lắm, nhưng có vẻ lanh lợi sành đời. Cô ta sinh xong mạnh khỏe đi đứng bình thường chứ không nằm liệt như bà vợ tôi. Cô ta nói với vợ tôi cô ta là vợ của một Trung Úy Biệt Kích. Anh ta ít khi về nhà và công tác ở đâu không bao giờ nói. Cô ta đi làm sở Mỹ ở Chu Lai, vì sinh kế sao đó nên "Nhảy dù" với Mỹ. Tai nạn có thai ngoài ý muốn nhưng không biết con của chồng cô ta hay của Mỹ nên cứ sinh con xong rồi tính. Con chồng thì để nuôi, còn con Mỹ thì cho.

Nghe vợ nói lại, tôi sang phòng cô ta gõ cửa xin vào xem đứa nhỏ ra sao. Trong bóng đèn mờ của căn phòng, con bé nằm bó mình trong khăn lông, chỉ lòi cái mặt da trắng đỏ và cái miệng nhỏ xíu hai môi như chu ra làm tôi nghĩ "Con bé nầy chắc sau nầy hỗn lắm đây". Tôi không nói gì với cô ta mà về phòng bảo bà vợ tôi: "Mình xin con bé nuôi luôn nhen em?".

Vợ tôi lo lắng: "Làm sau đủ sữa cho 2 đứa? Thiên hạ nói bậy bạ làm sau chịu nổi?". "Cho nó uống sữa bò, anh sẽ mướn thêm người giúp việc nữa cho em.", tôi quả quyết.

"Tùy anh!", vợ tôi đồng ý.

Thế là thủ tục xin con của tôi và đồng ý cho con do cô ta viết được đưa cho cô mụ, nhưng sáng hôm sau thì cô ta đã rời khỏi bệnh viện, bỏ con lại khi thủ tục chưa hoàn tất. May mắn là Ban Xã hội Quân Đội cũng dễ dàng hoàn tất nốt thủ tục nhận con nuôi mà làm khai sinh giống như thủ tục khai sinh của con gái của tôi. Đây có lẽ là trường hợp hy hữu một đứa trẻ "Lai Mỹ" mà khai sinh do hai vợ chồng là người Miền Đông và Tây Nam Việt Nam coi như sinh ra (Tiếc là năm 75 tất cả hình ảnh đều mất hết).

Trong tiệc đầy tháng, 2 đứa bé như cặp song sinh, một Việt một Mỹ đẹp như thiên thần. Chỉ khổ cho thân tôi, vì hai đứa trẻ đứa nào cũng đòi bồng một lúc, hễ đứa này trên lưng thì đứa kia phải bế trên tay.

30/4/1975, tôi bị rã ngũ. Tôi không thể về quê Ngoại như ước muốn sống ở Rừng Dừa năm xưa vì nay B-52 cày nát thành bình địa. Tôi muốn phá hoang trồng lại, nhưng phải trình diện vào tù cải tạo. Một tháng trôi qua, rồi một năm, rồi năm nữa .. Vợ không thấy đi thăm mà con cũng không bao giờ được gặp mặt. Mỗi tháng chỉ có Mẹ tôi được 15 phút thăm nuôi. Hỏi gì Mẹ tôi cũng nói tất cả bình an, vợ và các con ngoan và khỏe mạnh. Tôi lúc nào cũng nhờ Mẹ lưu tâm cho bé Thùy An, tên đứa con "Lai Mỹ". Chắc là nó bị kỳ thị ở trường học và sống với mọi người sẽ rất khó khăn. Nhưng Mẹ tôi nói con khỏi lo, nó sống rất tốt học rất giỏi nên được thầy cô và bạn bè quí mến. Dường như Mẹ tôi lúc nào cũng né tránh khi tôi hỏi đến vợ và con gái của tôi, bé Thanh An. Tôi đoán có lẽ chuyện gì không tốt đã xảy ra nhưng cũng đành bó tay không biết hỏi ai.

4 năm sau tôi được ra tù. Con gái mang 2 dòng máu ôm tôi khóc như mưa, nhưng con gái và vợ tôi thì không thấy đâu nữa. Tôi đoán biết chuyện không hay nên cũng không hỏi Mẹ.

Con bé thỏ thẻ kể cho tôi nghe. Ba đi rồi mấy tháng sau Má dẫn chị Hai đi với Má về thăm Ngoại mà không cho con đi, và từ đó không về nữa. Con hỏi Nội Má con chừng nào về? Nội nói Nội cũng không biết.

Thời chinh chiến, tiền lương của 3 đứa con đưa cho Mẹ, Mẹ tôi xài tiện tặn có dư, hễ đủ 1 chỉ thì mua 1 chỉ vàng y, đủ 10 chỉ thì đổi thành 1 lượng vàng. Con thất thế sa cơ, Mẹ lại bán vàng nuôi con. Mẹ cho con vàng để vượt biên.

Năm 1982, tôi và em gái tôi vượt biên. Con gái của tôi nhứt định Ba đâu con ở đó. "Con không sợ chết, con chỉ sợ phải xa Ba".

Trời không nỡ bỏ 2 Cha con tôi, tôi đã lái tàu vượt biên thành công. Con gái tôi bắt đầu vào Trung Học, có lẽ nhờ cái máu Mỹ của nó hay sao mà chỉ mấy tháng thì nó nói tiếng Mỹ như súng liên thanh. Cứ có dịp là đeo bên tay Cha khi đi chợ hay đi ăn nhà hàng hay có đám tiệc.

Hình ảnh một ông già Việt Nam, có một cô gái hoàn toàn trông giống Mỹ không thấy có chút gì lai đeo theo một bên và nhõng nhẽo thì chắc chưa có ai bằng. Tối ngày gặp mặt gọi Daddy, không thấy mặt thì: " Daddy, Ba đâu rồi". Tôi vui với "Con gái của người ta", và cũng là nguồn an ủi duy nhất cho tôi vui sống.

Tôi làm công nhân cho hãng làm phụ tùng xe hơi, lương cũng dư sức nuôi con lên đại học và mua nhà trả góp. Năm 1995 con gái tôi thành y sĩ nhãn khoa và có việc làm ngay. Ngày làm lễ mãn khóa, cầm mảnh bằng trên tay, con gái ôm tôi khóc như chưa bao giờ khóc như thế.

Tôi hỏi: "Con vui mừng sao lại khóc dữ thế?"

"Cám ơn! Con cám ơn Daddy nhiều lắm. Con nghĩ không biết có bao nhiêu ngàn hay chục ngàn đứa trẻ bị Cha Mẹ bỏ rơi mà có bằng Đại học như con? Con thương Daddy nhiều lắm!", nó nức nở.

"Daddy cũng cám ơn con, nhờ có con mà cuộc sống của Ba mới có ý nghĩa mà vui sống tiếp bấy lâu nay."

Hai Cha con dị chủng ôm nhau cùng khóc.

Bạn bè của con biết thì không có gì lạ về sự khắng khích của 2 Cha con Việt-Mỹ này, nhưng những người xa lạ thì hiếu kỳ nghĩ suy lung tung nhưng không thể nào ra được đáp án. Cha Việt sao con Mỹ mà không có chút gì là dáng vẻ Việt Nam?

Tôi đi làm đem cơm theo ăn nay làm thêm phần cho con gái. Lương của con gái đưa hết cả cho tôi, chỉ lấy 100 bạc để đổ xăng và ăn quà vặt. Khi cần mua sắm gì thì nói xin. Tôi từ chối cách nào cũng không được nên mở một sổ bank riêng bỏ hết tiền của con gái đưa để khi nó cần đưa lại cho nó.

Hai năm sau, em gái của tôi bán 2 cái nhà cũ để mua cái nhà lớn hơn, tôi bảo con gái vay tiền ngân hàng mua cả 2 cái. Vì không vay được một lúc gần nửa triệu bạc nên tôi dùng cái nhà tôi để thế chấp vay mua 2 cái nhà cho con gái đứng tên và cho mướn.

20 năm trôi qua nhanh. Lưng của tôi bị thoái hóa cột sống nên đau càng ngày càng nhiều. Chân tôi bắt đầu bị tê. Lái xe lúc nào chân cũng phải nhịp nhịp thử coi còn hoạt động được hay không, nhỡ bị tê khi cần thắng mà không xử dụng được thì nguy to. Tinh thần tôi bị hoảng loạn khi nghĩ đến lúc không cử động được, tay chân bởi dây thần kinh bị gai xương sống ép nên không hoạt động được. Mổ xương sống thì xác xuất rủi ro khá cao, nên khi còn gượng đi đừng được tôi không chịu mổ để cắt gai cột sống. Con gái thì đeo theo một bên ít đi chơi ít giao thiệp với bạn bè. Đi làm về là quanh quẩn bên Cha làm tôi thêm lo lắng.

"Sao con không có bạn trai? Con lập gia đình cho Ba yên tâm.", tôi khuyên con.

"Ai bảo Ba con không có bạn trai? Bạn trai của con đang ghi tên học tiếng Việt, bao giờ nói được tiếng Việt con sẽ đem về ra mắt Ba. Anh ta người Đức nhưng sinh trưởng ở đây, và chịu điều kiện của con kiện là phải sống chung với Ba suốt đời. Nhưng con thêm điều kiện phải nói được những câu thông dụng tiếng Việt Nam.

"Ba nói tiếng Anh cũng tạm hiểu được mà con."

Nhưng con muốn con của con sau nầy phải nói được tiếng Việt, nên anh ta ghi tên học một năm tiếng Việt ở Đại học Victoria.

Tuổi 60 cũng đúng lúc tôi được phép về hưu vì là cựu quân nhân nên sớm hơn dân sự 5 năm. Con gái thì hối thúc Ba nghỉ việc đi, tiền hưu Ba đủ sức tiêu dùng, nếu có cần mua gì hay đi đâu con lo cho Ba được.

Tôi xin nghỉ việc về hưu. Sáng nào 5:30AM cũng đi bơi để chữa trị bệnh đau lưng. Con gái cũng đi theo. Sáng nào hai Cha con xe ai nấy lái đến hồ bơi. Con tập gym, Cha thì bơi. Con gái đem quần áo uniform thay đi làm luôn.

Một hôm con gái tôi nói: "Ngày mai con không đi làm; Ba có muốn con chở Ba đi thăm bác Hoàn không? Con nghe con gái của Bác nói là Bác đã bị đưa vào Viện Dưỡng lão tuần rồi."

"Sao con lại dùng chữ “bị”? Chẳng lẽ Bác Hoàn không muốn vào Nursing Home mà bị bắt buộc vào hay sao?"

"Bác Hoàn bị stroke té, xe cấp cứu đem vào nhà thương. Bác ấy bị méo mặt và miệng không nói được nên các con của Bác xin bác sĩ cho vào Viện Dưỡng lão, vì nếu về nhà sau nầy xin vào thì Bộ Y Tế sẽ check sức khỏe và trí nhớ khó khăn lắm mới được chấp nhận nên để nhà Thương quyết định thì khỏi phải check gì hết!"

"Bác chỉ hơn Ba có 2 tuổi và trí nhớ còn tốt lắm mà? Ừ! thì Ba với con đi thăm Bác ấy kẻo tội nghiệp. Hơn nữa mai mốt Ba có vào sẽ có người thăm lại Ba."

"Không bao giờ có chuyện đó Ba đừng mơ! Con không bao giờ gởi Ba vô Viện Dưỡng Lão đâu!", con tôi bĩu môi. "Con tập gym để đủ sức bồng Ba khi Ba cần đến. Con cũng chọn chồng to con để phụ với con. Ba xài Computer và Internet thường xuyên, trí nhớ của Ba sẽ không bị Dementia hay Alzheimer."

"Cám ơn con! Nhưng con còn công việc và cuộc sống của riêng con".

"Trại Mồ Côi Không Dành Cho Con, Thì Viện Dưỡng Lão Cũng Không Dành Cho Ba!", con gái tôi chắc nịch.

"Con nhớ mua trái cây biếu Bác ấy, nhớ đừng mua bánh ngọt vì Bác ấy cử ăn đường."

Hai Cha con tôi vào Viện Dưỡng Lão Cửu Long vừa sau giờ ăn sáng, nên gặp Bác Hoàn ngay phòng ăn. Mặt và miệng của Bác Hoàn trở lại gần bình thường và giọng nói tuy có biến giọng nhưng vẫn còn nghe rõ lắm. Bác bắt tay tôi coi vẻ mừng và cảm động, nhưng hai mắt lệ ứ tròng.Thăm Bác Hoàn khoảng một tiếng sau hai Cha con xin phép ra về.

Con gái tôi lái xe ghé Chợ và nói: "Con đãi Ba ăn bún bò Huế."

- Ừ! ăn thì ăn.

Con gái mở cửa cho tôi và kéo ghế cho tôi ngồi, gần như ai cũng quay ngó chúng tôi. Cô bé chạy bàn thì quen quá với Cha con tôi vì nhiều lần ăn ở quán nầy.

- 2 tô bún bò Huế phải không Chú?

- Ờ! Cháu cho Chú 2 tô.

Con gái mở cái xách tay của nó ra, mà nó đổi cái xách tay lớn hơn hồi nào tôi không để ý. Nó kéo ra một bịch nylon và kéo rau kinh giới ra. Nó để rau kinh giới tím qua một bên và nói: "Cái nầy của Daddy."

Rồi kéo mớ khác là kinh giới xanh và nói: "Cái nầy của con."

Ông ngồi bàn gần kế bên quay sang: "Cô Mỹ nầy sao nói tiếng Việt rành quá và rành ăn bún bò Huế hơn cả người Việt Nam!"

- Nó là người Việt Nam chứ không phải Mỹ. Nó chê rau kinh giới tím ăn nồng quá mà tôi thì thích kinh giới tím hơn nên nó hái riêng hai loại cho Cha con chúng tôi.

- Cô ta là con dâu của Anh?

- Không. Nó là con gái của tôi.

Hai tô bún bò Huế được bưng ra, cuộc đàm thoại ngưng tại đây và có lẽ ai cũng liếc mắt xem khi cô Mỹ 100% vắt chanh và ngắt từng cọng rau bỏ vào tô cho Cha. Tôi hãnh diện là đã không lầm khi bỏ công bao năm cơ cực nuôi “Con của người ta.”

Về tới nhà chưa kịp thay quần áo thì điện thoại reo. Bạn Hoàn, người tôi vừa đi thăm, phone cho tôi từ Viện Dưỡng Lão.

"Anh mới về tới nhà phải không? Hồi nãy tôi gọi không ai bốc phone. Sau khi Anh về rồi có một Bà trong Viện Dưỡng Lão này hỏi Anh có phải Hải Quân hay không và đứa con gái Mỹ đi theo Anh là con của Anh? Bà ta nói là người quen của Anh ở Nha Trang khi xưa, muốn xin số phone của Anh, nên tôi hỏi Anh trước. Có phải nhân tình cũ ngày xưa hay không? Nếu phải thì vào gặp gấp đi, dễ gì xa xứ gặp cố tri!"

- Ừ! Thì Anh cứ cho có sao đâu. Bốn mươi mấy năm rồi làm sao ai còn nhớ được ai!

Một ý nghĩ thoáng qua trong óc tôi: Không lẽ là Mẹ ruột của con gái của tôi? Chứ nếu Bà ta là người vợ bỏ tôi ngày nào thì chắc chúng tôi phải nhìn nhau, chứ chẳng lẽ tình chồng vợ sống với nhau 5 năm mà nhìn nhau không ra! Nhưng nếu là Mẹ ruột của con gái của tôi, tôi phải làm sao đây, vì dù sao cũng là “Con gái của người ta.”

Trần Thiện Phi Hùng.

o0o

CHA CỦA NGƯỜI TA, LÀ BA CỦA TÔI

Trần Thuỳ An

Ông Ta gặp Tôi sau khi Tôi mở mắt chào đời chỉ mới có một đêm; chỉ nhìn Tôi có một phút đã nghĩ xấu về Tôi là “cái môi chu chu chắc lớn lên sẽ hỗn”. Một Phút mà Ông Ta đã đưa ra quyết định tương lai cho một đời người thì thật đúng là dân nhà binh nhiều năm quân ngũ; dứt khoát nhanh chóng mặc dù không phải là việc đánh nhau trên chiến trường gần kề giữa cái sống và chết trong gang tấc nhưng đây lại là Tình Người cao cả.

Con Bé mới sinh mang cái tội lai Mỹ nên người mang nặng đẻ đau sau 9 tháng 10 ngày đã nhẫn tâm cho người khác và nếu không có được có người có tình người cao cả thì Tôi phải vào Viện Mồ Côi.

Vợ của Ông ta sinh con gái cho Ông ta chỉ trước Tôi có 4 tiếng và Tôi thì bị Mẹ rao “Cho Con”; chỉ nhìn Tôi một phút rồi trở về phòng của Vợ nói lên quyết định xin con nuôi và Vợ không thuận nhưng cũng không phản đối; thế là thủ tục cho Con của mẹ Tôi và xin con của Cha Tôi được thỏa thuận trên giấy trắng mực đen được đưa cho Bà Mụ và cũng là Chủ phòng sinh quân đội Tỉnh Khánh Hòa.

Thủ tục chưa kịp hoàn tất; Mẹ của Tôi đã bỏ Tôi ra đi.

Tôi còn say ngủ Tôi nào có biết gì; đến cả mắt của Tôi còn chưa mở. Tôi được Cô Mụ bồng sang giao cho Bà Mẹ thứ Hai. Khi Tôi mở mắt được để nhìn đời thì nét mặt cương nghị đó đã in sâu vào tâm não Tôi từ ngày đó và có lẽ là mãi mãi không bao giờ phai nhạt trong Tôi. Ba của Tôi.

Tôi và Chị của Tôi sống những ngày êm đềm nhứt ở miền Thùy Dương cát trắng Nha Trang. Ba và Mẹ của Tôi đều đi làm, hai chị Em tôi được giao cho người giúp việc mà người giúp việc lại là Cháu của Mẹ Tôi, nên rất cưng chìu chúng tôi.

Ba Tôi kể lại Tôi rất dễ chẵng mấy khi Tôi khóc. Sáng Mẹ cho Hai đứa bú xong Ba chỡ Mẹ đến sở làm rồi Ba mới từ thành phố lái Honda về gần Chutt là Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân.

Ba Mẹ rời nhà thì Tôi ngủ mãi đến khi Ba Mẹ về nhà ăn Cơm Trưa, thì như đánh hơi được mùi của Mẹ Tôi, nên thức dậy Bú xong, Ba Tôi tắm cho hai Chị Em của Tôi, vì Mẹ sợ tắm chúng Tôi sẽ bị lọt tay rớt xuống đất, nên gần cả năm chúng tôi đều được Ba tắm.

Ba Mẹ cơm xong thì phải đi làm lại tới 5 giờ chiều mới về. Ba Mẹ thường đi tắm Biển đến 6 giờ rưỡi mới về ăn cơm.

Gần nửa năm đầu Chị của Tôi và Tôi đều được Ba đem sang giường ngủ với ba vì báo thời đó có đăng tin một đứa trẻ mới sinh bị Mẹ đè chết mà không hay; nên ba sợ Mẹ đè chúng tôi. Đêm nào Ba cũng phải thức dậy khuấy sữa cho Tôi; vì uống sữa bột guigoz của Pháp quen nên Tôi thích sữa hộp hơn sữa mẹ ; còn Chị của Tôi thì Ba đem cho Mẹ của Tôi cho bú.

Mỗi năm Ba và Mẹ của Tôi cùng Chị giúp việc về thăm Nội Ngoại một lần nhưng Mẹ tôi có cái bệnh say xe, say sóng nên say cả đi máy bay chong chóng. Vé Beoing 727 thời đó đắt gấp 3 hay 4 lần vé máy bay chong chóng; nhưng Ba Mẹ của Tôi đều đi làm nên mỗi lần về thăm Nội Ngoại mất hết hơn 2 cây vàng thời đầu thập niên 70.

Ba lúc nào cũng không sợ tốn hao nên về Miền Đông thăm Ngoại cũng như về Miền Tây thăm Nội đều đi xe Lô và Mẹ được mua nguyên băng để nằm.

Thế rồi Đại nạn tháng 4 Đen; may mắn chúng Tôi về Sài Gòn trước mấy tháng, nếu không thì dù Ba có là Hải Quân nhưng trên đường di tản tháo chạy chưa chằc gì Tôi và Chị Tôi còn mạng!

Sau 30 tháng 4 năm 1975 Ba Tôi đem cả gia đình về nhà Bà Nội ở Mỹ Tho, nhưng 2 ngày sau Cô Tôi vẫn còn làm lại ở ngân hàng quận 8 về bảo Ba Tôi phải rời nhà Bà Nội của Tôi chứ không sẽ bị truy tìm bắt lại vì bỏ cây xăng ở Biên hòa.

Ba Tôi đem gia đình về Chợ Gạo Quê của Ông Cố Tôi và mãi đến hơn nửa tháng sau Ba Tôi mới trình diện và 2 tháng sau bị đi tù Cải tạo.

Mẹ của Tôi về thăm Bà Ngoại 2 lần, nhưng chỉ đem Chị của Tôi mà không cho Tôi đi và mùa Xuân đầu tiên ngày Ông Bà Táo về chầu Ngọc Hoàng Thượng Đế cũng là ngày Mẹ của Tôi đem Chị của Tôi về giỗ Ông Ngoại của Tôi và không về nữa!!!

Mùa Xuân đầu tiên ảm đạm nhứt trong đời của Tôi và của biết bao nhiêu người ở Miền Nam chầm chậm qua đi rồi mùa Xuân nữa lại đến Ba của Tôi vẫn chưa về.

Bà Nội vẫn mỗi tháng đi thăm ba tôi được 15 phút; Tôi xin bà Nội đi thăm Ba nhưng Bà Nội nói Con đi thì Bà làm sao trả lời với Ba của Con về Mẹ và Chị của Con. Con chắc còn có ngày gặp lại được Ba của Con.

3 năm sau, Tôi còn nhớ là một buổi chiều Mưa tầm tã, một người vừa ốm lại vừa đen dầm mưa đi vào nhà Tôi; Tôi hết hồn định chạy vào kêu Nội; nhưng có lẽ Phụ Tử tình thâm hay sao mà Tôi rút hết can đảm nhìn người khách lạ và nhận được Ông Ốm Đen gần như là người khác lạ đó là Ba của Tôi. Tôi gần như nhào tới ôm chầm lấy Ba và Ba của Tôi cũng ôm Tôi mà miệng thì nói:

- Ứớt hết Con!

Tôi mặc kệ và miệng thì gọi:
- Nội ơi Ba về; Nội ơi Ba Con về.

Chính Tôi kể cho Ba biết tin Mẹ dẫn Chị bỏ đi đã 3 năm rồi. Ba Tôi buồn hay không Tôi cũng không biết được; mọi việc hình như Ông dửng dưng; có lẽ tận cùng của đau thương làm con người chai đá!

Ba Tôi bị quản chế 1 năm và sau khi ra dân, thì vẫn thế cứ vài ngày thì gọi đi đào Kinh, vác lúa thuế, bít Rạch, bít Kinh, rồi nước động nước thúi cây trái, ruộng lúa úng nước, ngập chết; lại phải đi phá đập. Một năm Ba của Tôi phải đi làm khoảng 3 tháng rưỡi đến 4 tháng không công.

Tôi đã học lên lớp 5. Ở Xóm, ở Làng, ở Trường, Tôi không giống bất cứ ai. Dang nắng lao động ở Trường; Da Tôi không rám đen mà lại trắng hồng rồi Trắng đỏ ra, nhiều khi bị phồng lột da rồi trắng vẫn hoàn trắng. Tôi dẻo dai, gan lì giống Ba Tôi.

Tôi không bị kỳ thị vì Tôi học giỏi; đó là nhờ công của bà Nội đã dạy Tôi biết đọc biết viết và thuộc làu cửu chương cũng như làm được 4 phép tính trước khi đến trường.

Các Cô gần như đều thương và hay cho thức ăn, trái cây cho Tôi.

Bà Nội Tôi nói: “Con nhờ Cha Con mà hưởng lợi vì Cha của Con coi như độc thân” ngày đó Tôi chẳng biết ý nghĩa là gì?

Lệnh mới ban ra: “Con của Ngụy không được lên lớp 10”. có nghĩa là Tôi chỉ học đến lớp 9 mà thôi. Lý do chắc là vì Con Ngụy có di truyền của Ông Cha nên học giỏi hơn con của cán bộ.

Cô của Tôi từ Sài Gòn về thăm Bà Nội của Tôi thường hơn và Tôi nghe được Cô bàn tính rủ Ba Tôi vượt biên. Tôi ôm Ba tôi và vừa khóc vừa nói:

- Ba đừng bỏ Con nhen ba!

Ba tôi mắt rướm lệ nói.
- Nguy hiểm lắm Con.

- Con không sợ; Con chỉ sợ Ba bỏ Con mà thôi!

- Ừ! Ba chết thì Con mới chết.

Ba của Tôi lái tàu đưa Tôi và Cô của Tôi với 26 người đến bến bờ Tự Do. Đảo Kuku, Indonesia; sau đó được đưa sang Trại Tỵ nạn Galang; 10 tháng sau sang Singapore 2 tuần khám sức khỏe trước khi đi định cư.

Ba Tôi đi làm. Tôi đi học. Hai năm sau ba Tôi mua nhà nhưng phải mất 5 năm mới trả hết nợ nhà thì Tôi vào Đại học. 4 năm sau Tôi trong Bộ đồng phục Tốt nghiệp và cái ống màu đỏ đựng cấp bằng cấp tốt nghiệp; Tôi ôm ba Tôi và khóc:

- Con cám ơn Daddy.

- Daddy cũng cám ơn Con; nhờ có Con mà Daddy vui sống bấy lâu.

Lần đầu tiên Tôi thấy Ba của Tôi thật sự rơi nước mắt; có lẽ bao năm rồi xứ Tự Do tình cảm của Ba Tôi đã phục hồi lại được trở lại sau bao năm dài sống trong chinh chiến khổ đau rồi tan thương làm kẻ chiến bại nhọc nhằn cơ cực tuyệt vọng làm chai đá tình cảm mà chỉ có an bình ấm no biết mình sẽ làm gì và sẽ có kết quả ra sau nên Ba của Tôi biết khóc.

Tôi đi làm được 2 năm, tiền lương đưa hết cho Ba; nhưng lương của Ba cũng xài đủ cho 2 Cha Con nên Ba của Tôi mở sổ Bank riêng cho Tôi và bỏ hềt tiền của Tôi vào đó.

Cô của Tôi bán 2 cái nhà để mua 1 cái lớn hơn ở vùng sát thành phố, Ba của Tôi bảo tôi mua cả hai; Lương của Tôi không thể mượn gần nửa triệu bạc nên ba của Tôi dùng cái nhà của ba để thế chấp cho Tôi vay mua 2 cái nhà cho mướn.

Bảy năm sau Tôi trả gần hết thì Ba của Tôi lại xúi Tôi mua thêm cái khác. Ba nói Con cần có 3 cái nhà cho mướn và nhà của ba thì để ở thì sau nầy Con không đi làm vẫn có cuộc sống an toàn tự do không lệ thuộc vào tiền thất nghiệp hay tiền già.

Tôi thì nghĩ khác Ba của Tôi. Tôi cần có 3 cái nhà cho mướn để khi Ba của Tôi cần đến người chăm sóc Tôi sẽ nghĩ việc để lo cho Ba của Tôi.

Tôi cũng chuẩn bị và học lấy bằng thông dịch tiếng Việt cấp 1 và học luôn cả cấp 2 và bằng cấp 3 thì Tôi tự nghĩ là không sau lấy được mặc dù rời Vn Tôi học lớp 5 và mỗi tuần dù mỏi mệt cần nghỉ ngơi Ba của Tôi cũng chở Tôi vượt 25km để học tiếng Việt cuối tuần.

Nếu vạn bất đắc dĩ Ba tôi phải vào Viện Dượng lão thì Tôi cũng sẽ xin vào làm thiện nguyện cũng được để chăm sóc cho ba; nhưng chắc không có đâu, Tôi đi tập Gym mỗi ngày để đủ sức nâng đỡ cho Ba của Tôi khi cần. Chồng của Tôi sắp cưới là người Đức nhưng sinh tại đây. Anh ta phải học hết chương trình 1 năm tiếng Việt thì chúng Tôi mới làm đám cưới.

Tôi cao 1 mét 70 nhưng Anh ta cao gần 1 mét 80 và Anh ta đồng ý khi Ba của Tôi già phải chấp nhận chăm sóc cho Ba của Tôi. Anh Ta cũng biết thà bỏ Chồng chứ không bao giờ Tôi bỏ Ba của Tôi.

Tôi cố gằng để viết đáp lại bài “Con Gái của người ta” của ba Tôi muốn đánh động lương tâm của Người và Người phải có Tình Người như Tình Người của Ba Tôi. Nếu Ba của Tôi không có tình người thì có lẽ Tôi nằm trong số gần 4 ngàn trẻ mồ côi trong chiến dịch “Operation Babylift” của Mỹ trong tháng 4 năm 1975. Số trẻ mồ côi nầy phải dùng chữ “Rải” ra khắp thế giới mà nhiều nhứt ở Mỹ rồi đến Canada Pháp Úc…. nhưng biết đâu Tôi không có cái may mắn còn sống vì gần 80 đứa bị tai nạn máy bay tan xác.

4 ngàn trẻ là gần 8000 Cha và Mẹ VN sở dĩ tôi nói gần là vì có những trẻ như Tôi thì Cha không phải là người Việt mà lại là một người Mỹ.

Gần trăm trẻ tan xác gần 4 ngàn trẻ rải ra trên nhiều nước. Có Cha Mẹ nào nhỏ 1 giọt lệ xót thương; có người Việt Nam nào trào nước mắt khóc cho những trẻ bạc phần?

Bản nhạc Lòng mẹ của Y Vân làm biết bao người nghe rung cảm nhớ tới Mẹ cũng như bao nhiêu bản nhạc bài thơ ca tụng về Mẹ. Tôi gần như Vô Cảm chẵng những vô cảm mà còn không muốn nghe và những bài ca ca tụng về tình Cha Tôi cũng không muốn nghe mà Tôi chỉ thích nghe Ba Tôi nói hay rầy la Tôi, Tôi còn thích nghe hơn Thơ nhạc Tình Phụ Mẫu Tử Vn; trong khi thời bình cũng như thời chiến có hàng triệu hay mấy triệu trẻ Mồ Côi; Chùa nuôi, Nhà Thờ nuôi, Tư nhân cũng mở trung tâm nuôi trẻ mồ côi; Trẻ mồ côi nhiều như thế thì có phải Tình Phụ Tử Mẫu tử Thiên liêng nay đã cạn kiệt? Tình người đã cạn thì Dân Tộc làm sau tồn tại!!!!

Cha Tôi đã viết:
“Con Gái của người ta”

thì Tôi xin đáp lại:
“Cha của Người ta, là Ba của Tôi”. I love you Forever. Daddy


No comments:

Post a Comment