Wednesday, April 19, 2023

Truyện Nhiều Kỳ - Nguyễn Thanh Lai - Chương 4 

Lai bị bắt !!!

Buổi sáng hôm đó trời còn sớm anh em đang bận rộn khuân vác, thình lình hai xe jeep công an dẫn đầu, theo sau là xe cây (Cảnh Sát Dã Chiến xưa) chở đầy công an và dân phòng xịch lại. Gần chục mạng trang bị gậy gộc nhảy xuống vung túi bụi vào nhóm bốc vác đang la hét quăng đồ đạc bỏ chạy tứ tung... công an giải phóng cộng đám dân phòng hay chơi trò này để hốt những ngưòi không giấy tờ vô gia cư vô nghề nghiệp.

Đàn em Tài Trọc kinh nghiệm đầy mình nên chỉ cần quăng hết mọi thứ lủi vào khu vực chung quanh là thoát. Chỉ có Lai chưa bao giờ trải qua nên lớ ngớ khi nghe la " quăng hết, chạy " mới luống cuống. Thay vi theo đồng bọn Lai phóng về phía thằng Minh định chụp lấy em. Hai dân phòng ngáng chân Lai ngả xuống và tên công an giáng một dùi cui vào lưng Lai nghe cái hự. Lai té xấp mặt xuống đất hai tay ôm lấy đầu che chắn những cú dùi cui, đấm đá liên tục vào người. Hai dân phòng vừa đánh vừa chửi:

- Đ M mầy lai đế quốc Mỹ hả mậy, sao mầy không chạy về Mỹ theo thằng cha mầy còn ở lại chống đối cách mạng hả mậy.

Viên công an ý chừng thấy hành hạ Lai đã đủ, quất thêm hai dùi cui vào lưng rồi hét :

- Còng nó lại giải lên xe!!

Hai dân phòng nắm tay chân Lai quăng vào lòng xe cây. Vài người ngủ bờ ngủ bụi ở bến xe cũng bị hốt nhưng không ai bị đánh đập nặng như Lai. Cách mạng ghét Mỹ Nguỵ mà không bắt được tên Mỹ nào đành dứt đở thằng lai đen này cho bỏ tức.

Lai mắt sưng húp cố ngồi dậy nhìn về phía Minh, đứa nhỏ khóc sướt mướt dang tay về phía chiếc xe; Lai nhìn em một lần cuối trước khi bất tỉnh. May quá trong khoé mắt nó kịp nhìn thấy một người đàn bà chạy ra ôm chầm lấy Minh lôi vào ngỏ hẻm mất dạng ...

***
Lai bị đưa vào phòng giam quận. Thời gian ở đó là cực hình cho Lai. Mỗi bửa ăn nó nuốt cơm chan nước mắt vì ngày nào bọn công an cũng đánh đến nổi mặt sưng vù không thể mở miệng. Bụng bị đấm mổi khi thở quặn đau từng chập như đàn bà sắp đến giờ sinh. Ngày chuyển lên trai giam tỉnh cần hai người tù dìu vào phòng và Lai ngủ li bì đến ngày hôm sau mới mở mắt nổi. Lai không hiểu được tai sao công an ghét mình như vậy? Họ chở nó và vài người không biết tội gì trừ một tay ăn cướp xăm mình. Họ cũng không hỏi cung Lai (gọi là làm việc) coi nó như thành phần tứ cố vô thân gặp xui đúng vào ngày công an đi ruồng. Bắt lầm hơn tha lở biết đâu Mỹ Nguỵ gài nó lại làm gián điệp chống phá? CIA ghê lắm chứ đâu vừa. cho nên trong hồ sơ chuyển tù công an chấp pháp có ghi Lai " Bị tìn ngi CIA gày lạy fá goại" (tay công an chấp pháp vốn đi chăn trâu hồi bảy tuổi theo du kích được dạy biết đọc biết viết rất hài lòng về ghi chú của mình, bất kể thằng Lai khai mới mười bốn tuổi).

Phòng giam tỉnh thời VNCH dành cho tù chính trị xây bằng gạch dài khoảng vài chục thước đủ chứa sáu chục, nay dưới quyền kiểm soát của cách mạng nhét gần hai trăm con người. Bọn tù mới hết hồn khi hơi nóng phả ập vào mặt lúc bước vào phòng. Trưởng phòng là một ông khoảng bốn mươi lăm, nét mặt không giống dân giang hồ cũng không phải đại bàng. Tù cũ cũng không lôi tù mới ra đánh chào phòng hay doạ nạt. (Sau này Lai mới biết đa số tù vốn dân thường, bị bắt về đủ thứ lý do, đặc biệt tội phản động chống phá cách mạng. Ông trưởng phòng thuộc số đó, ông gốc lính Nhảy Dù " Nguỵ" không chịu họp tổ dân phố còn chứa chấp truyền đơn hô hào lật đổ nhà nước. Bây giờ ông ngồi đây không biết chừng nào cách mạng cho về và được chỉ định làm trưởng phòng vì là người ở lâu nhất)

Tù ngoài những người miền Nam thua trận, ngày càng nhiều viên chức cách mạng tham nhũng hối lộ và cả bộ đội. Những anh bộ đội móc ngoặc với dân bán đồ ăn cắp trong kho của Mỹ Nguỵ để lại. Sống chung phòng giam Lai nghe nhiều chuyện lý thú và có khi lẫn cả buồn cười. Chẳng hạn một anh bộ đội khoe mình trong binh chủng đặc công đã từng ăn một trăm hai chục trứng vịt lộn . Anh bị bắt về tội hút xăng nhà nước đem tiêu thụ ngoài chợ đen.

Cũng có một anh già nằm vùng dê vợ sĩ quan " Nguỵ " đi cải tạo, bị đánh gãy sóng mũi, anh nằm vùng tức quá đem súng bắn vào nhà trả thù, lạc đạn chết đứa con. Hể cứ mây u ám là anh chắt lưởi tiên đoán thời tiết " Hôm nay trời có KHẢ NĂNG mưa !" .

Đặc biệt hàm răng trống trơn mỗi lần trại phát cao lương thì cứ múm múm rồi nuốt trộng vậy mà bao tử vẫn tiêu hoá và vẫn sống nhăn răng. Vui nhất có lần Lai chứng kiến một ông cụt tay hút thuốc lào say quay vòng vòng té chổng vó lên trời. Lai không hút thuốc nên không bị cái ghiền hành hạ như mấy ông đệ tử ống điếu, một người hút, ba bốn mạng xin sái. Cách mạng cấp phần ăn cho mỗi người được chén cơm không đầy nhưng đám con bà phước vẫn dám đổi phần ăn lấy ba bi thuốc lào, nhất là mấy anh lính mìền Bắc.

Lúc đầu Lai căm thù họ đã giết anh Trí, đã đóng cửa Nhà Mồ Côi khiến bọn trẻ tha phương tứ hướng, đã tù đày cha Giu Se và các Ma Sơ, nhưng dần rồi Lai cảm thấy tội nghiệp họ, như anh bộ đội Đặc Công khoe ăn hết một trăm hai mươi hột vịt lộn. Chắc anh ấy đói quá nên tưởng tượng ...

Lai cũng từng chứng kiến thảm kịch do thuốc lào: một thanh niên cao lớn nghe nói từng là cầu thủ đá banh hút điếu thuốc sáng sớm té nằm dài thẳng cẳng, miệng xùi bọt mép mắt đứng tròng tưởng đâu hui nhị tì, vậy mà chừng phút sau thở hổn hển ngồi dậy xin bi nữa.

Một ông già ngườì Bắc tướng tá nhỏ con. tới giờ xếp hàng chờ nổi lửa. Đến phiên, ông đón ống điếu chậm rãi, từ tốn nhồi thuốc mặc kệ những cặp mắt chòng chọc chờ đợi sái nhì sái ba của mấy thằng mồ côi. Rồi ông đưa mồi lửa vào nỏ hút một hơi dài đầy phổi. Ông nén lại, từ từ thở ra từng bụm dày đặc như ống khói tàu hoả . ...

Đột nhiên ông ôm ngực buông cái điếu xuống đất. Mặt ông nhăn nhúm như đang chịu một nổi đau lớn. Cả phòng giam hốt hoảng khi nhìn thấy hai giòng máu chảy ra hai bên mịệng ông già. Ông thở mạnh ra một cái rủ người ngả vật ... tắt thở !!

Đó là lần đầu tiên Lai - và có thể toàn bộ phòng giam - chứng kiến thuốc lào giết người !! Trưởng phòng đánh cây vào song sắt buồng giam, la í ới:

- Báo cáo cán bộ phòng X có người chết...

Dù anh la nhiều lần nhưng phải mất gần tiếng đồng hồ sau y tá của trại và công an mới xuống mở cửa đem người chết ra ngoài để ngay trước chuồng cu ( nơi phát cơm hàng ngày). Tối hôm đó người chết và người sống nằm kề bên, nhìn thấy nhau khiến nhiều người gần song sắt lạnh tóc gáy. Ông gìà bị bắt về tội âm mưu lật đổ chính quyền nay đã nhận lệnh tha trước thời hạn

Trong tù người nào có thăm nuôi thì ít lo lắng vì nhà nước chỉ cấp khoảng chén lưng mỗi bửa bất kể là cơm, mì lát hay mì sợi. Thường nhất tù được chia bo bo - nghe nói dùng nuôi ngựa ở Liên Sô - rất khó tiêu. Lúc đó lương thực gia đình gởi sẽ đóng vai cứu đói. Thành phần hoàng gia thăm nuôi bao tải nặng phải hai nguời khiêng, bao càng bự càng có thần thế và càng được kính nể. Tù nhà giàu sướng như vua, đêm nào cũng có hai ba thằng con bà phước đấm bóp nghe dòn dả rất sướng tai

Tù không ưa Lai vì màu da và mái tóc xoăn nhưng nó chẳng thèm quan tâm. Lai cũng không nịnh nọt hay trộm cắp dù từng bị nghi oan như cái hôm một ông nhà giàu hô hoán mất hai gói mì và mọi người duổi mắt về phía Lai như chính họ chứng kiến nó thò tay vào giỏ. Cuối cùng trưởng phòng tìm ra thủ phạm là anh cán bộ xã vào tù về tội tham nhũng.

Không hiểu linh tính mách bảo trưởng phòng thế nào mà ông chỉ định Lai vào toán chia cơm và niềm tin của ông chính xác vì cả phòng đều hài lòng cách chia rất công bằng của nó. Phần thưởng chỉ vài muổng cơm dư dưới đáy thùng không hơn anh em bao nhiêu nhưng quý báu với bọn con bà phưóc. Lai nhiều lần chứng kiến những cặp mắt chăm bẳm vào chén chia cơm xem có đều tay hay không. Họ tranh nhau vài cục cơm nhỏ rơi xuống đất trên sàn gạch nhớp nháp in dấu hàng bao nhiêu bước chân qua lại của tù

Mấy tuần trước phòng nhập vài tù mới có một thanh niên mình mập như phù thủng đầy ghẻ mủ. Trưởng nhóm chia cơm và Lai vốn qúán xuyến luôn vệ sinh phòng, hè nhau đè nạn nhân ra đánh vảy cá. Anh ghẻ đau quá ngoác miệng la khóc bị tống vào mồm nửa táng đường thẻ, vội ngậm ngay lại mút lấy mút để vị ngọt. Hoá ra anh ghẻ là dân kinh tế mới, trốn về vì đói lại bị lây bệnh "ghẻ bộ đội " đang bùng phát.

Tù giam nên suốt ngày cứ lẩn quẩn trong khung viên bốn vách tường, Buổi sáng đưọc phát nước sôi họ dùng pha bột, mì gói chuẩn bị bửa ăn sáng. Thực ra ngồi không người ta hay đói mà phần nhà nước cấp chưa chắc nuôi đứa con nít ăn no. Xong bửa sáng họ chia nhóm chơi cờ tướng, domino, hay chẳng làm gì cả chỉ vòng vòng, người có đạo thì vừa đi vừa lẩm bẩm đọc kinh. Vài nhóm tụ họp hút thuốc lào, thuốc rê dù nội quy không cho phép. Có nhóm nấu bao ny lông đổ thành những bộ Domino hay cờ tướng rất đẹp. Cán bộ quản giáo chắc cũng biết nhưng ngó lơ.

Vui nhất là ngày thăm nuôi. Nhà giàu được tiếp tế xôi lạp xưởng, bánh chưng bánh tét, cháo gỏi gà. Con bà phước vui vì nhiều người sẽ bỏ cơm chia khẩu phần khiến họ được bửa no. Tù hoàng gia sau đó mời người cùng giai cấp rồi bày biện món ngon vật lạ ngoài đời chén chú chén anh với nhau - tất nhiên không bao giờ có sự tham gia của đám con bà phước -

Những ngày như thế thuốc lào thuốc lá đốt mệt nghĩ. Khi dư thừa người ta rộng rãi hơn, cho hẵn mấy anh bộ đội miền Bắc những bi thuốc lào to, nhiều anh còn đưọc ném một phần ba cục đường tán làm phước. Thăm nuôi trong tù cũng giống như mùng một tết ngoài đời

Nhóm con bà phước của Lai gồm bốn mạng: thằng Ký ốm tong teo cao nhòng mười chín tuổi bị bắt về tội cướp trên xe lửa và ngoài hàm răng vêu như ông thủ tướng Đồng thì không biết nó dùng vũ khí gì để doạ người ta. Thằng Cầu mặt bủng da chì hai mươi hai tuổi là anh ghẻ được chửa lành nhờ phương pháp đánh vảy cá và phân nửa cục đường tán hôm nào. Cầu đi tù về tội xài ma tuý. Thằng Hoa mới đặc biệt: nó đói quá lê lết ngang một tiệm phở thấy anh công an đang thưởng thức liền kè tới gần rồi đột nhiên phun nước miếng vào tô. Khổ chủ còn chưa biết chuyện gì đang xãy ra thì nó vốc tay vào tô đưa sợi phở lên miệng, tội âm mưu cướp tài sản cách mạng. Hoa mới mười bảy tuổi lúc bị bắt.

Tuy nhỏ tuổi nhất nhưng ba thằng lớn đều nể nang và nghe lời Lai. Mỗi bửa ăn tụi nó ngồi chung với nhau chia chút muối ớt xin được.

Có một chuyện mà đến giờ Lai vẫn không hiểu:

Anh Nguyễn Văn T. một thanh niên trên ba mươi tuổi, vào ngày Chúa Nhật tình nguyện nhường cơm trưa cho bốn đứa con bà phước. Lần đầu Lai ngỡ ngàng một mực từ chối vì ai cũng đói làm sao người này lại nhường phần cho người khác vốn không họ hàng bà con trong khi mình chấp nhận chịu đói. Nhưng anh T. khăng khăng, dứt khoát đổ ập phần cơm canh vào tô của Lai. Thời gian mọi người ăn uống anh đứng lên chắp tay sau đít đi vòng vòng miệng lâm râm như đang niệm Phật hay đọc kinh. Thế là buổi trưa cuối tuần nhóm Lai được thêm chén cơm từ thiện, bố thí bởi một ông Thánh hay một anh điên Lai thường tự hỏi ?.

Ngày thăm nuôi nhà chắc nghèo nên quà chỉ gồm một gói nhỏ phần lớn là muối trộn tôm khô và ít bột gạo rang, đường tán, ít mắm ruốc, thêm bọc xôi đậu xanh ăn trong ngày. Anh không quên xẻ môt chén cho Lai; anh ít nói nên Lai không biết gì nhiều về đời tư ngoài tên tuổi cùng tội trạng âm mưu lật đổ chính quyền như đa số thành phần tù thời đó.

Không biết nhờ trưởng phòng đề cử hay trại giam xem xét hồ sơ, ba tháng sau Lai được chọn vào toán nấu cơm cho toàn trại. Buổi sáng quản giáo mở cửa phòng đưa Lai nhập bọn với chục tù lấy ra từ các phòng xuống nhà bếp tới tối mới trở lại phòng giam. Nhờ vậy Lai được ăn uống no hơn, hưởng không khí trong lành nhiều hơn. Điều tốt nhất là Lai xin được cơm thừa canh cặn về bồi dưỡng cho ba thằng con bà phước đang hóng mỏ chờ đợi trong phòng.

Mùa Hè thời tiết nóng như lửa. Hơn trăm người tù nhun nhúc trong căn phòng có sức chứa tối đa sáu chục. Tuy chưa chết đày xuống Hoả Ngục nhưng họ đã trãi qua sức nóng đày đoạ ở đó như thế nào. Những người lớn bị rôm sảy nổi đầy như con nít, liên tục nhúng khăn vào nước lau mặt, lưng ngực. Mồ hôi chảy ra không ngừng, họ cố chen nhau trước khung cửa sổ để thở. Vài ông già xỉu lăn quay vì chịu không nổi khiến trưởng phòng kêu cứu liên tục nhưng quản giáo còn nhiều việc để lo toan nên mặc kệ, ăn nhằm gì tù xỉu vì nóng, chừng nào chết hẵn hay !!

Nhờ làm công tác nấu ăn Lai tránh được sự hành hạ sức nóng mùa Hè và trước khi trở về phòng giam còn được tắm tha hồ từ bể nước mưa của trại và thường lăn quay ra ngủ ngon lành khi đặt lưng lên chiếc chiếu. Nhưng nhiều đêm Lai cùng với tòàn bộ tù thuộc mười phòng trong trại thao thức trước sức nóng kinh hồn cho tới thiếp đi vì mệt lả.

Cuộc sống cứ thế mà trôi, Lai tính ra mình cũng chịu gần ba năm mà không có ai cho biết mình bị bắt về tội gì. Lai như bị tách khỏi cuộc sống, chẳng biết tin tức bên ngoài trại giam. Thỉnh thoảng Lai nghe thằng Ký rấm rứt trong giấc ngủ khiến nó cũng mủi lòng sụt sịt theo. Hôm sau hỏi lại Ký không nhớ mình nằm mơ về chuyện gì nhưng Lai đoán Ký thấy bà mẹ già bị mù ở quê nhà. Nó muốn có chút tiền chăm sóc mẹ nên bằng lòng tham gia cướp xe lửa đầu tiên trong đời. Chẳng những không cướp được gì mà giờ nằm đây bỏ mặc bà cụ một mình không ai lo lắng

***
Bởi vì đa số dân NGỤY bị đi tù nên họ giữ được nhiều truyền thống ngày xưa, nhất là những ngày lễ lớn như Tết, Giáng Sinh Phục Sinh. Trước Giáng Sinh không khí đột nhiên nhộn nhịp lên. Tù người Công Giáo chuẩn bị sẵn bánh kẹo ngóng chờ đêm Thiên Chúa sinh ra đời trong hang đá ở Bê Lem. Không khí làm Lai nhớ những tháng ngày sống dưới mái Nhà Mồ Côi với cha Giu Se các Ma Sơ - nhất là Ma Sơ Tê Rê Sa - anh Trí chị Hồng và anh em. Tim Lai chợt nhói lên khi nghĩ đến thằng Minh. Không ai hiểu tại sao Lai quan tâm một cách đặc biệt về thằng nhỏ, chỉ mình nó biết: ngày Ngọc Yến chị của Minh qua đời Lai đứng trước quan tài của Yến trịnh trọng thầm hứa trong lòng là nó sẽ thay mặt Yến chăm sóc Minh như chính em ruột của mình.

Lai không đoán được Minh giờ ra sao, gần ba năm rồi còn gì nhưng điều an ủi là có người ôm Minh tẩu thoát ngày Lai bị bắt. Nghĩa là ai đó sẽ chăm sóc Minh khiến nó yên tâm phần nào. Lỡ có chuyện gì tới với Minh Lai đâu còn mặt mũi đối diện Yến.

Lai ít nói và tuy còn nhỏ nhưng hành xử hiểu biết như người lớn nên dần người ta bớt thành kiến với nó. Người Việt hễ cứ thấy con lai là ghét kể cả lai Tây hồi xưa hay lai Mỹ sau này. Họ chắc mẫm chúng nó một phần bị cha mẹ bỏ lơ hoặc xuất thân trại mồ côi không được dạy dổ uốn nắn lễ phép, đạo đức. Họ ghét mà không biết lý do, cứ lai là ghét nhưng đặc biệt đầy ác cảm với lai Đen hơn Trắng. Lai đen là tận cùng của xả hội, thường bị ném bỏ vào mấy trại mồ côi, hay sống đầu đường xó chợ hoang dả như những hạt giống của trời.

Cho nên họ bất ngờ khi gặp một thằng lai đen ăn nói chửng chạc, chia chác mọi thứ sòng phẳng công bằng và chưa từng nghe nó chửi thề bao giờ như người ta thường đinh ninh về tụi con lai. Nó tốt bụng nhường thức ăn xin nhà bếp về chia bạn kể cả mấy tù bộ đội không thăm nuôi. Nó chẳng tỏ vẻ ghét bỏ ai trừ cán bộ cách mạng ở tù. Nó được như vậy nhờ những tấm gương học ở Nhà Mồ Côi từ cha Giu Se, các Ma Sơ, anh Trí chị Hồng; kể cả Ngọc Yến những ngày con bé còn sống. Mỗi tối trước khi đi ngủ Lai dành vài phút nhớ hết về mọi người và kín đáo đọc một kinh Lạy Cha ba kinh Kính Mừng một kinh Sáng Danh Ma Sơ Tê Rê Sa vẫn thường dạy để xin Thiên Chúa chúc phúc và gìn giữ mọi người trong bình an. Lai tin rằng sẽ có lúc nó được gặp lại tất cả…

Vài tù nhà giàu thăm nuôi vẫy nó lại cho cái bánh ú. Dịp Giáng Sinh tù có đạo hùn nhau bột đường làm bánh Nô En như hồi ở ngoài đời. chờ nửa đêm tụ họp lại với nhau cắt cho mỗi người, vừa ăn vừa uống nước trà vừa ...khóc. Họ nhớ những tháng ngày tự do đi dự lễ nửa đêm với gia đình vợ con. Tù mồ côi, cả các anh bộ đội cũng được chia phần. Giờ phút thiêng liêng không ai ghét ai nữa.

Nhưng họ phải cẩn thận sợ tụi ăng ten báo cáo lên quản giáo, đó là đám cán bộ VC làm bậy bị tù nhưng vẫn xun xoe nịnh bợ hòng lấy điểm được thả sớm. Vài người không nén được xúc động cất tiếng hát nho nhỏ những bài Giáng Sinh xưa. Vài phòng giam có Linh Mục họ còn được xưng tội và rước lễ (Bánh và Rượu trước khi truyền phép được mấy ông trùm họ nhà thờ chuyển lậu vào phòng giam mà không bị phát giác). Có chứng kiến mới cảm nhận tù đón Thiên Chúa Giáng Sinh xem ra trang trọng sốt sắng hơn ngoài đời rất nhiều.

Dù sao tụi ăng ten cũng kiêng dè vì sống giữa phản động không khôn khéo bị phát giác người ta trùm mền đánh cho bò lê bò càng, quản giáo ở xa không thể can thiệp.

Lai không nhớ chính xác ngày mình bị bắt nhưng nhẩm tính cũng đã sắp tròn ba năm. Nó giật mình vì thời gian trôi qua nhanh quá, hôm nào sống dưới mái nhà mồ côi vẫn cón mới tinh trong đầu. Ở đó nó được yêu thương không ai ghét bỏ hành hạ thù hằn. Thỉnh thoảng nó đưa tay lên cổ để nhắc nhở chuổi Mân Côi Sơ Tê Rê Sa tự tay đeo cho đã không còn. Nó nhớ trận đòn thù của công an khi bị giam ở quận, nhớ họ giật đứt tràng chuổi ném xuống đất đạp chân lên mà bất lực không thể làm gì được vì kiệt sức. Nó bậm môi nghĩ về người nữ tu nó luôn coi như mẹ ruột. Nó không thể bảo vệ nổi quà tặng sơ đã giao, nhưng ít nhất cố gắng hết sức sống tốt như sơ căn dặn trừ vài lần nói láo vì mạng sống.

Không giống như những người tù còn lại mong ngóng được tha về ngày lễ lớn như Tết, ngày " quốc khánh " " sinh nhật bác Hồ " ngày khai sinh đảng " Lai sống bình thản như cánh hoa cọng cỏ ngoài đường. Chừng nào được tha thì về nhưng cũng có lúc nó tự hỏi đến ngày đó mình sẽ về đâu? Mái ấm duy nhất là Nhà Mồ Côi và bà con thân nhân là những người kề cận bao năm giờ không biết đang phương nào và còn sống hay đã chết.

Sắp tròn mười bảy tuổi Lai vạm vỡ cứng cáp và thành một thanh niên đẹp trai. Nhờ cha hay mẹ nhưng Lai có sống mũi cao, cặp mắt to, da cũng không đến nổi đen cháy. Ba má nó chắc thuộc hạng thanh mai trúc mã hay ngưu lang chức nữ cổ tích Việt Nam mà Sơ Tê Rê sa hay kể cho tụi nhóc.

****
" Cách mạng " sinh ra từ bóng tối nên thích làm chuyện trong bóng tối. Chấp pháp cách mạng cứ chờ hai ba giờ khuya mới kêu tù đi " làm việc " (hỏi cung). Đó là đòn tâm lý trấn áp hay chấp pháp lợi dụng đêm khuya khiến bị cáo mất khả năng cảnh giác che dấu tội lổi. Có khi sáng vừa làm việc ba giờ khuya lại bị lôi đầu đi lần nữa, nhất là những hồ sơ chưa hoàn tất.

Chuyện đó vừa xãy ra. Từ hồi bị bắt tới giờ công an chấp pháp hình như quên thằng tù tên NguyễnThanh Lai đang chèo queo. Hai giờ sáng thứ Sáu tuần trước đột nhiên chấp pháp cho quản giáo xuống phòng gọi nó đi làm việc. Họ đọc lại tên tuổi, nơi cư ngụ rồi ra lệnh nó điểm chỉ vào tờ đơn. Trưởng phòng sáng hôm sau nghe kể chuyện gật gù :

- Dậy là mầy hên dồi, Hồ sơ mầy kết thúc chắc mầy sẽ được cứu xét tha dề đó...

Lai không tha thiết lắm với việc sắp được trả tự do như ông trưởng phòng qua kinh nghiệm tính toán. Nó không biết tương lai sẽ đi về đâu khi bước chân ra ngoài. Trong này còn được chén bo bo....

Với " cách mạng " không ai đoán trúng ngày về. Quản giáo khuyên tù cố gắng cải tạo cho thật tốt, càng tốt càng mau về nhưng tốt thế nào chẳng ai rành. Nhiều người đột nhiên được kêu tên mà không thấy tiến bộ như anh bộ đội đặc công ăn một trăm hai chục vịt lộn - cứ nằm ườn thân ra, chẳng chịu học tập chính sách gì cả -

Đã có vài đợt thả tù như thế, phòng của Lai được gần một chục. Người về bỏ lại hết cho anh em thiếu thốn đủ thứ, chỉ đi mình không. Cùng cách thức thả tù là vài đợt đưa đi lao động cải tạo. Ngày nào tù không được mở cửa ra tắm nắng, phòng khóa tới giữa trưa; hôm đó hoặc sẽ có đợt cho về hoặc chuyển ra trại khổ sai.

Sau khi kết cung lệnh chấp pháp không cho Lai ra khỏi phòng giam nữa nên nó bị thất nghiệp. Nó không kịp biết tin nhà bếp được lệnh trích thêm gạo nấu ăn cho nhóm tù sẽ chuyển trại.

Buổi trưa quản giáo và hai tù đi tới từng phòng gọi tên, ai nghe đúng tên thì thu dọn đồ đạc ra khỏi phòng. Nhiều người mừng húm la hoảng tưởng mình được tha, nhất là những người đã ở quá ba năm. Ông trưởng phòng và Lai cũng có tên. Nét mặt ông rạng rở nháy mắt với Lai " Mầy thấy tao nói hay không " và tính bỏ lại quần áo chăn chiếu, thức ăn cho tới khi quản giáo gằn giọng " Đem hết đồ đạc theo " .

Xe chở tù xếp hàng ngoài sân xa hẵn khu vực giam giữ nên trong này không thấy được. Khoảng trên dưới hai trăm con người xanh xao bệnh hoạn lần lượt xếp hàng lên xe. Ông trưởng phòng mặt mếu máo nghĩ tới không biết phải chịu bao lâu nữa mới được về với vợ con và hình như toàn bộ đều cùng một suy nghĩ như ông. Lai là người duy nhất không biểu lộ bất cứ cảm xúc nào vì với nó ở đâu cũng vậy thôi.

***
Xe chạy khoảng ba tiếng đồng hồ thì tới nơi. Nhìn từ ngoài không lớn nhưng khi vào trong mới thấy nó mênh mông những dãy nhà mái ngói xiêu vẹo giống như trại gia binh hồi xưa.

Chào đón đám tù mới là hai hàng người trần trùng trục ngồi dọc đối diện với bệ đá trước mặt đang đập nát những cục lớn thành từng đống những viên đá nhỏ. Người nào người nấy nhể nhại mồ hôi chảy dài theo bụi bặm bám trên người. Chân họ mang cùm xỏ qua một thanh sắt dài y như những gì được mô tả ngoài Côn Đảo thời Pháp Thuộc. Tù mới có người bật khóc khi nhìn thấy viễn tượng của đời mình.

Một người trong hàng cùm đứng dậy ra dấu cho bạn:

- Chuyển tao thùng đạn coi .....

Thùng đạn được chuyển tới và người tù thản nhiên vạch quần ngồi phệch lên đi cầu. Những người còn lại không thể di chuyển vì một chân trong cùm vẫn tiếp tục phần việc coi như chuyện thường tình chẳng có gì phải ầm ỉ.

Tù mới được chia ra thành nhóm về những phòng trống trơn được chỉ định cho mình. Mỗi người nhận hai bộ đồ tù rồi leo lên giường tập thể - là những tấm ván kê xập xệ miếng cao miếng thấp - xỏ cả hai chân vào cùm hình chử u có thanh sắt xuyên ngang không thể cục cựa gì được. Họ chịu trận cho tới chiều khi toán lao động trở về mới được chia cho chén rưỡi cơm và giới thiệu trưởng, phó phòng vốn là cán bộ Xây Dựng Nông Thôn từ hồi bảy mươi lăm còn sót lại. Chưa kịp hoàn hồn tù mới phải đối diện với kẻ thù độc địa không thấy bóng dáng: rệp.

Rệp sống dưới kẻ hở ván cây đánh hơi da thịt thơm tho mập mạp, xông ra tấn công quyết liệt. Trại giam sàn bằng xi măng không có rệp nên bây giờ tù đành cong người lên gãi. Tối hôm đó tù còn phải gân cổ học nội quy cho tới chín giờ đêm rồi mệt quá vùi đầu ngủ, thí mạng cho số phận và cho rệp ...

Sáu giờ sáng kẻng đánh thức vang lên. Cả trưởng và phó phòng đồng loạt vừa la vừa rung cây sắt. Mười mấy mạng quen ngủ nướng ở trại giam vùng dậy ú ớ không nhận ra chổ ở mới của mình cũng chẳng biết chuyện gì đang xãy ra. Họ đựơc chia cho nước để rửa sơ mặt và súc miệng. Rồi họ ngồi tại chổ cho tới khi trưởng phòng dẫn ra đập đá như họ chứng kiến hôm trước ...

So với trại giam, cưởng bức lao động khủng khiếp như địa ngục. Những người tù ốm yếu vì ăn không đủ nhưng phải lao động cật lực. Tù không thăm nuôi tướng rề rề rất dể nhận ra bị gọi là âm binh vì đi đứng vất vơ vất vưởng như những hồn ma. Ông trưởng phòng ở trại giam tháng đầu tiên người nhà chưa biết tin nên thành âm binh cùng hạng với đám con bà phước. Những tháng ngày vật vờ, Lai bị điều đi vác đá tảng và hưởng phần ăn như nuôi con nít. Nó từng cắn răng nhìn đi chổ khác không thò tay vào túi thăm nuôi của người ta để ăn cắp cục đường hay sốc tay vào thúng cơm tập thể vốc bỏ vào miệng. Nó rớt nước mắt nhớ lời căn dặn của Sơ Tê Rê Sa.

Nhưng bản năng sinh tồn con người vực nó dậy không cho phép nó chịu thua số phận. Mười bảy tuổi Lai không muốn mình gục ngả vì đói khi đời còn quá trẻ. Nó gắng chịu đựng hết sức mình, tính kiên trì của nó nhiều người nhìn thấy và họ cảm động. Ngày thăm nuôi có người cho nửa lon gạo, nửa ký khoai khô và nhờ đó nó khôi phục lại phần nào sức khoẻ. Nó rùng mình nhớ những ngày ráng nhai hai trái bắp cứng hơn đá từ sáng cho tới hết giờ, mà vẫn phải oằn mình khiêng những tảng đá bự.

Trong số quản giáo có một công an người miền Nam rất ghét Lai \. Gặp dịp là hắn đày cho tới bến, nhưng rồi thái độ nhẫn nhục chịu đựng làm hắn chưng hửng không theo hành Lai nữa. Nghe đâu sau này bị đổi đi nơi khác vì hay đánh đập tù tàn nhẫn không lý do.

Thời gian đó Lai sụt ký thật mau nhưng nhờ tuổi trẻ và tinh thần phấn đấu nó cố gắng trụ vững không chịu thua. Một lần thấy anh em bị trượt chân khi khiêng khúc cây to Lai nhảy vào ghé vai chịu và lúc đưa được khúc cây lên mức an toàn Lai té xỉu. Ai đó báo cáo chuyện lên ban quản giáo, đề nghị cho Lai vào toán công tác nặng và đưọc chấp thuận. Nhờ vậy Lai hưởng chút tự do như đi một mình từ phòng giam tới nhà bếp không cần người đi kèm, ngủ giường riêng và nấu nướng rau rác ếch nhái thu lượm trên đường đi công tác. Đổi lại phải khiêng vác nặng như cưa xẻ gổ, gánh gồng hàng chục cây số.

Nhờ ra ngoài đôi khi tiếp xúc với dân địa phương người ta tội nghiệp có lúc họ cho cả toán trái mít, ký khoai ăn tại chổ. Thỉnh thoảng đi rừng đốn cây (đem về làm giường ghế cho cán bộ) , họ bẫy dính con kỳ đà, thỏ, gà rừng nấu tại chổ chia nhau ăn bồi dưỡng .

Lai ngày càng lấy lại phong độ thân thể vạm vỡ cao lớn. Nhưng vận xui không chịu rời xa Lai. Trại vừa mới nhận được vài công an miền Bắc đa số mới ra trường còn rất trẻ. Bọn này cực kỳ ghét tù " Nguỵ", coi họ là những thành phần đáng bị bắn bỏ.

Một trong số đó có tên Nhị người gốc Thanh Hóa chỉ định làm quản giáo đi theo đội. Nhị cấm tiệt những đặc ân trước đây như quan hệ với dân địa phương và nhất là không cho phép nhận quà cáp người ta thương tình đem tặng. Nhị đặc biệt ghét Lai, quả quyết những thành phần như Lai chính là hậu quả của sự chạy theo Mỹ chống lại nhân dân và cách mạng thế giới.

Một lần trở về sau chuyến công tác đi rừng Nhị đột nhiên ra lệnh khám xét bao bì chứa đựng đồ cá nhân của toán. Tới Lai hắn phát giác mấy chân nấm dại, hai con ếch đã lột da bèn vất đi và bắt Lai nằm xuống đánh thẳng tay ba gậy lớn vào lưng. Sau đó Nhị tống Lai vào biệt giam hai tuần về tội bất tuân thượng lệnh, và trở về lao động trong trại không được đi ra ngoài nữa.

Hàng ngày Nhị đi ngang conex chổ biệt giam của Lai hỏi vọng vào :

- Mày sợ tao chưa thằng con hoang?

Và chờ đợi :

- Dạ thưa cán bộ em sợ rồi...

Lúc đó Nhị mới cười khoái trá bỏ đi. Đôi khi bị chậm trả lời, Nhị hét lớn :

- À thằng này láo nhỉ, mầy muốn chết đói hả . Được chiều nay tao sẽ báo nhà bếp cắt phần mầy.

Rồi Nhị quay ngoắc mặc kệ lời van nài khốn khổ của thằng tù.

Một hôm Lai ra ngoài lao động, được sắp xếp theo toán làm việc nhẹ đi trồng đậu xanh. Đang chăm chú gieo hạt Lai ngả chúi phía trước, điếng hồn vì đau đến sao xẹt trong đầu. Lai ngước lên bắt gặp gương mặt hùng hổ của Nhị tay còn lăm lăm khúc cây. Nhị sấn sổ:

- Địt mẹ thằng con lai, ai dạy mày gieo hạt như thế hả, mầy định phá hoại tài sản của trại à?

Vừa nói nó vừa dứ khúc cây vào đầu Lai. Lai hoảng hồn quỳ xuống chắp tay:

- Em xin lổi cán bộ, em xin lổi cán bộ !!!

Lai không biết mình sai chổ nào vì đã từng học gieo hạt do cha Giu Se dạy hồi còn trong Nhà Mồ Côi nhưng đoán Nhị muốn hành nên cố đẻ chuyện. Trong một chốc Lai nhoáng ý tưởng nhảy lên bóp cổ thằng công an vốn chỉ đứng tới cổ mình. Nhị sẽ không kịp rút khẩu K54 bên hông và sẽ lìa đời ngay lập tức nếu Lai dùng hết sức. Lai cắn răng đến bật máu cố hình dung gương mặt và nụ cười của cha Giu Se đang nhìn nó nhè nhẹ lắc đầu.....

***
Buổi sáng ngày hôm đó như thường lệ tù tập hợp điểm danh chờ phân công đi lao động. Quản giáo cắt ba người ở lại phụ với tổ Mộc. Thỉnh thoảng chuyện đó xãy ra khi có tù nào qua đời trong đêm và tổ Mộc cần người đóng quan tài, khâm liệm khiêng đi chôn. Lai đã chứng kiến gần chục mạng ra nằm xếp hàng trên khoảng đất trống phía sau trại như thế, đa số chết vì kiệt sức và đói. Duy nhất có một tù trốn trại bị rượt theo bắn trọng thương rồi để cho chảy hết máu làm gương răn đe. Tù còn sống không biết chừng nào tới phiên mình nên tỏ vẽ dững dưng bên ngoài, nhưng bên trong che dấu nổi thương xót người xấu số.

Kỳ này không biết "khách đăng kí" là ai trừ hai ông già trốn trình diện học tâp cải tạo bị bắt, bị đánh và nằm trong conex gần ba tháng nay. Hai ông được chuyển lên nằm trạm xá gần tuần lễ rồi vì liệt không cử động được chỉ còn thở hoi hóp

Lai và thằng bạn âm binh oằn mình cố gắng nâng bằng cáng tảng đá nặng gần trăm ký và hai thằng bước chầm chậm khiêng tới chổ cần, đột nhiên một quản giáo xuất hiện gọi lớn :

- Nguyễn Thanh Lai

Lai điếng người. Nghe kêu tên chỉ có hai chuyện: vào biệt giam nằm, hay chuẩn bị chuyển tới trại mới khủng khiếp hơn (dành cho trọng phạm mà trong ba năm ở đây xãy ra một lần duy nhất ). Quản giáo nhấn mạnh :

- Bỏ hết mọi thứ lại...

- Thưa cán bộ kể cả cơm trưa ?...

- Kể cả cơm trưa !!!

Vậy chắc chắn nằm conex và ăn khẩu phần ba mươi phần trăm dành cho tù biệt giam rồi !! vận đen sao cứ đeo bám mãi ..., Lai nhắm mắt thầm thỉ " Mẹ ơi con phó thác cho Mẹ, xin cứu con "

Cùng với Lai có khoảng thêm gần chục tù cũng được đọc tên. Lạ nhỉ sao đi biệt giam nhiều thế !!!

Toàn bộ tập trung ở hội trường chờ đợi vài người lao động xa chưa về tới. Tù nhìn nhau lo lắng không ai nói với ai lời nào, đa số thở dài nghĩ tới phải bắt đầu mọi thứ ở chổ sẽ được chuyển đến.

Quản giáo cầm một xấp giấy, trịnh trọng đọc tên từng người ;cuối cùng tuyên bố :

- Những anh vừa đọc tên sẽ nhận lệnh tha về với gia đình ngày hôm nay.

Có người xanh mặt, có người ôm ngực không tin những gì tai mình vừa nghe . Một người ngồi kế bên Lai lẩm bẩm:

- Tự do, tự do....

Thế là thế nào? sáu năm trời trãi qua bao nhiêu gian khổ nước mắt nay kết thúc đơn giản như thế này sao? Tất cả chỉ vì màu da và mái tóc xoắn của nó sao? thằng con nít mười bốn tuổi đầu không biết mình làm gì tội lổi với " cách mạng " mà họ trả thù khủng khiếp đến như vậy. Rồi đây có dịp nó sẽ kể cho con cái cuộc đời mình với sáu năm hoang phí trong tù mà không hiểu tại sao....

Lai ngước mắt lên Trời thầm thì lời cám ơn, nó thực sự muốn quỳ xuống, trang trọng làm dấu Thánh Giá một cách cung kính nhất; nhưng không dám vì có thể bị giữ lại thêm ba năm nữa về tội " chọc quê cách mạng ". Bước vào trại giam vẫn chưa có râu mép mà nay đã trở thành một thanh niên chính chắn từng trãi hai mươi tuổi đầu. Tuy khác xa về thân xác nhưng vẫn là Nguyễn Thanh Lai đôn hậu, rộng lưọng, hiền lành với trái tim hay xúc động khi nhìn thấy sự đau khổ của người khác.

Nguoiviettudo

Mời đọc tiếp chương 5

No comments:

Post a Comment