Wednesday, April 19, 2023

 

Chuyến hải hành sau cùng của Hải Quân VNCH Tháng 4-1975 – Trần Lý

  • Trần Lý

Trong tập sách nhỏ ‘Tổ Quốc Đại Dương’, viết năm 1999 để tặng một số thân hữu Hải Quân tại Portland, Oregon (Hoa Kỳ), chúng tôi đã dành chương sau cùng để viết về cuộc di tản của Hải Quân VNCH trong những ngày sau cùng của cuộc chiến. Bài viết, khi đó, dựa trên một số tài liệu sưu tầm được (rất hạn hẹp), đa số từ các sách báo Mỹ-Việt ở vào thời điểm chưa có Wikepedia, và Internet chưa phát triển như ngày nay..

Bài viết đã đưa ra một số vấn đề mà các nhà nghiên cứu Hải sử (trong Hội đồng Hải sử, tập Hải sử Tuyển tập chỉ phát hành vào năm 2004) cho là chưa thật chinh sac, nhất là các đoạn viết về vai trò của HQ Đại Tá Đỗ Kiễm., của Ông Richard Armitage trong việc ‘tổ chức di tản’..

Đến nay đã hơn 37 năm, một số tài liệu về cuộc chiến tranh VN đã được giải mật, đồng thời rât nhiều nhân chứng đã sông và đã chứng kiến cuộc di tản viết lại những sự kiện đã xẩy ra.. trên nhiều bài hồi ký phổ biến trên nhiều tạp chi, tập san tại hải ngoại.

Tựa đề bài viêt ‘ Cuộc Hải hành sau cùng’ có lẽ thich hợp hơn là ‘Di tản’ (Riêng Tác giả Điệp Mỹ Linh, trong tập Hải Quân VNCH ra khơi, đã dùng một tựa đề khác, rất chính xác là ‘ Chuyến Ra khơi cuối cùng của Hải Quân VNCH .

Để tránh việc trùng lập, chúng tôi xin chỉ ‘thu gọn’ một số sự kiện đã viết trong ‘Tổ Quốc Đại Dương’.

Đối với Hoa Kỳ, cuộc chiến tranh Việt Nam đã thực sự chấm dứt từ ngày họ ký Hiệp Định Paris (28 tháng Giêng 1973) và số phận VNCH chỉ còn là vân đề thời gian. Những lời hứa hẹn ‘riêng’ của TT Nixon với TT Thiệu về việc sẽ ‘can thiệp’ khi BV vi phạm Hiệp Định Paris chỉ là..hứa cho có, cho xong việc..

Phó Đô đốc (Tướng 3 sao) Chung tấn Cang được chuyển từ chức vụ Tư lệnh Biệt Khu Thủ Đô về làm Tư lệnh Hải Quân, nhậm chức ngày 24 tháng 3 năm 1975, Tướng Cang được xem là người ‘tín cẩn’ của TT Thiệu, và có thể TT Thiệu đã nghĩ dến việc phải di tản Chính phủ về Miền Tây ? (Tâm tư TT Thiệu-Nguyển Tiến Hưng trang 125).

Ngày 29 tháng 3, VNCH rút bỏ Đà Nẵng : Vùng 1 tan rã và sau đó là những cuộc lui binh liên tục..

Tình trạng Việt Nam Cộng Hòa vào những ngày cuối tháng Tư năm 1975 ở vào giai đoạn tuyệt vọng..

– Ngày 21 tháng 4 : Tuyến phòng thủ Xuân Lộc tan rã

Ngày 23 tháng 4, năm 1975 TT Thiệu từ chức và sau đó rời VN ngày 25 tháng 4 cùng với cựu Thủ tướng Trần Thiện Khiêm đi Đài Bắc bằng chiêc phi cơ C-118 (phi cơ riêng của Đại sứ Martin).

Tổng Thống kế nhiệm Trần văn Hương, chỉ được 2 ngày đã phải nhường chức vụ TT cho Ông Dương văn Minh (28 tháng 4 năm 1975)..Đại tướng Cao văn Viên TTM Trưởng QL VNCH từ nhiệm và ra Hạm đội Mỹ từ 27 tháng 4. Trung Tướng Đổng văn Khuyên, Tổng Tham mưu Phó, xử lý thường vụ TTM trưởng di tản vào 29/4..

Chiều 28 tháng 4 Ông Dương văn Minh nhận chức Tổng thống VNCH..

Sáng 29 thàng 4, Ngoại trưởng Vũ văn Mẫu đọc bản văn yếu cầu Hoa Kỳ..rút khỏi VNCH..Kế hoạch di tản hay đúng hơn ..tháo chạy ‘Frequent Wind’ của HK bằng trực thăng bắt đầu.

12 giờ trưa ngày 29 tháng 4: Bộ TTM QL VNCH hoàn toàn tan rã và không còn ai có thẩm quyền quyết định (Phạm Bá Hoa- Đôi dòng ghi nhớ, trang 270)

3 giờ chiều 29/4, Tường Vĩnh Lộc vào nhận chức TTM trưởng.. nhưng chẳng còn..ai.Tường Vĩnh Lộc phong cho bất kỳ sĩ quan nào còn lại những chức vụ cần thiết ..

Ngày 24 tháng 4 năm 1975, theo yêu cầu của Phụ tá Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Erich von Marbod, Richard Armitage đã đáp chuyến bay cuối cùng của PanAm để đến Sàigòn với nhiệm vụ ‘tối mật’ là tìm cách đưa ra khỏi VN các chiến cụ ‘càng nhiều càng tốt’. Von Marbod lo phần Không Quân, và Armitage lo phần Hải Quân. (Armitage vốn là một sĩ quan hải quân HK, đã từng phục vụ tại VN 4 nhiệm kỳ liên tiếp, có nhiều liên lạc mật thiết với các sĩ quan hải quân VNCH cao cấp. Tuy chỉ đóng vai trò sĩ quan liên lạc giữa HQ Mỹ và HQ VN, nhưng trên thực tế, Ông là một giới chức quan trọng tại Bộ Quôc Phòng Mỹ)

Armitage đã tìm gặp HQ Đại Tá Đỗ Kiểm (Tham mưu Phó Hành Quân có trách vụ điều hành và theo dõi các hoạt động của các chiến hạm từng ngày tùy theo kế hoạch hành quân) để hoạch định một kế hoạch di tản tổng quát..Armitage cũng bàn một số công việc với Phó Đô đốc Cang (Counterpart-Đỗ Kiểm trang 198)

Công việc tổ chức ‘di tản’ cần phải giữ ‘bí mật’ tối đa, tránh mọi sự hoảng loạn rất dễ xẩy ra. Để sửa soạn ‘ngầm’, các cuộc tuần phòng của HQ được thu hẹp để các chiến hạm tuần duyên có thể được tập trung nhanh hơn. Các nhu cầu tu bổ đại kỳ được tạm ngưng để tập trung tu sửa cho các chiến hạm có thể ra đi được.

Các Khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ 4, Tuần dương hạm Phạm Ngũ Lão HQ 15, Hai Hộ tống hạm Kỳ Hòa HQ 09 và Hà Hòi HQ 3, Ba Dương vận hạm HQ 501, 503 và 504 và Hai Hải vận Hạm Ninh Giang HQ 403, Tiền Giang HQ 405 đang nằm trên ụ tàu để đại tu sẽ phải bỏ lại. Số phận chiếc Lam Giang HQ 402 với một máy đang hỏng..chưa được quyết định..

Duyệt xét sơ khởi cho thấy khoảng trên 30 chiến hạm trong tổng số 45 chiếc cở lớn của HQ VN có thể ra đi được..Và số chiến hạm này được phân bố vừa tại bến Sàigòn, vừa tại vùng biển Vũng Tàu và tại vùng biển Phú Quốc..Việc di tản khó khăn nhất được đặt ra cho những chiến hạm đang đậu tại bến Bạch Đằng, ngay trưốc Bộ Tư lệnh HQ..

– Diễn tiến cuộc Di tản tại Bến Bạch Đằng :

Chiều 26 tháng 4, HQ Đại Tá Nguyễn Xuân Sơn Tư lệnh Hạm đội bị cách chức do tin tức chuẩn bị di tản bị..lộ. Người thay thế là HQ Đại tá Phạm Mạnh Khuê.

5 giờ chiều 28 tháng 4 TT Dương văn Minh họp với Phó Đề đốc Tư lệnh phó HQ Diệp Quang Thùy (đại diện Tương Cang) đồng ý để HQ di tản và gửi theo các Tướng Nguyễn Xuân Hoàng, Mai Hữu Xuân và Đại tá Nguyễn hồng Đài (con rể Ô. Minh). Lệnh di tản HQ được công bố vào khoảng 2 giờ chiều ngày 29 tháng 4.. Thủy thủ được cho phép về nhà sắp xếp và nếu muốn ra đi có thể đem theo gia đình trong khoảng thời gian 2 tiếng đồng hồ..

Tướng Cang quyết định HQ sẽ chính thức ra đi vào lúc 6 giờ chiều ngày 29 tháng 4 và cuộc di tản dự trù sẽ hoàn tất vào lúc 22 giờ..đêm. Điểm hẹn là Côn Sơn.

Nhìn xuống bờ sông : 8 chiến hạm đang nằm chờ :

5 chiếc tại cầu tàu A (không theo thứ tự): HQ 601, HQ 11, HQ 504, 502, 501..

3 chiếc tại cầu tàu B đậu từ trong ra ngoài : HQ 1 (tại vị tri số 1 gần sát đường lộ, mặt tiền Bộ Tư lệnh HQ, bên cạnh là HQ 3 và ngoài cùng là HQ 2.

Xa hơn nữa là cầu tàu C..Các cầu tàu D và E nằm trong HQ c6ng xưởng, cách sân cờ Bộ Tư lệnh khoảng 200m.

Tại cầu tàu E của Hải Quân Công Xưởng có các chiến hạm HQ 400 (đậu trước Câu lạc bộ HQ) và HQ 500

Chiến hạm HQ 402 đậu tại cầu tàu D

Ngoài ra còn một số Chiến hạm thả neo tại Nhà Bè..

Lúc này bên Bạch Đằng đông nghẹt người..đang chờ được di tản.

* Cầu tàu B :

Tuần dương hạm HQ 2 Trần Quang Khải là chiến hạm đầu tiên do HQ Tr/Tá Đinh Mạnh Hùng điều khiển.. tách bến. Trên chiến hạm có Phó Đề đốc Nguyễn Hữu Chí , Phụ tá Hành quân lưu động biển của HQ VNCH. Trên tàu còn có một số tướng lãnh như Lâm Quang Thi, Lâm Quang Thơ, Nguyển Bảo Trị, Nguyển Đức Thắng, Phạm quốc Thuần, Nguyển Đức Khánh (KQ) ( theo Nguyễn Kim : Di tản về Miền Tây..và Hy vọng ; tuy nhiên trong The Twnty-five Year Century, Tương Lâm Quang Thi cho biêt Ông và các Tương trên được HQ Trung Tá Văn Trung Quan đưa lên HQ 1 ?) . Sau khi tập trung tại Côn Sơn, HQ 2 được giao nhiệm vụ vơt một sà lan, nhưng đã từ chối thi hành; sau đó trợ giúp HQ 402 và sau cùng kéo HQ 329..và sau đó tự động tách riêng.. không còn nhận lệnh từ Hạm đội để đi thẳng đến Subic Bay (Hải sử tuyển tập trang 53-536)

Khoảng 7 giờ chiều, Tuần dương hạm Trần Nhật Duật HQ 3 do Hạm trưởng HQ TrTá Nguyễn Kim Triệu điều khiển, rời bờ. Trên chiến hạm có các Phó Đề đốc Đinh Mạnh Hùng và Hoàng Cơ Minh. Tàu chở đầy người ..

Khu trục hạm HQ 1 Trần Hưng Đạo, tuy được dự trù sẽ là soái hạm, kéo cờ Tư lệnh trên kỳ đài, nhưng chưa tách bến vì còn chờ Hạm trưởng HQ Trung tá Nguyển Địch Hùng vắng mặt , do đón gia đình chưa về đến. Trên tàu đã có mặt Đề đốc Lâm Nguơn Tánh (Cựu Tư lệnh HQ), Phó Đề đốc Nguyễn Thanh Châu..Do dân chúng tràn ngập trên bờ nên các Tướng Cang và Thùy..không thể lên tàu.. Cuối cùng Phó Đề đốc Châu ra lệnh..tách bến (khoảng 8 giờ chiều). Trên đường ra biển, HQ 1 , do một máy bị hỏng, đã lủi vào bờ và mắc cạn tại bờ hữu ngạn sông Lòng Tảo, phải nhờ HQ 801 (sau khi nghe lời kêu cứu của Đề đốc Tánh) quay lại và giúp kéo ra..Sau đó chiến hạm do HQ Đ tá Phan Phi Phụng điều khiển đã ra đến điểm hẹn Côn Sơn

Cầu tàu A :

Tình trạng hỗn loạn và căng thẳng diển ra trên bờ. Trong khi đó dưới sông, ba chiến hạm còn chờ : Dương vận hạm Qui Nhơn HQ 504 đậu ngoài cùng trống trơn vì Hạm trưởng (HQ Tr/ tá Nguyễn như Phú) không chịu ra đi, và cũng không tách rời để 2 chiến hạm phia trong có thể tách bến..Nhờ uy tín cá nhân Đại Tá Đỗ Kiểm đã giúp giải quyết tình trạng bế tắc kể cả việc dùng tiền VNCH thu góp của người di tản để mua chuộc các thủy thủ của HQ 504 chịu tháo giây, dời tàu để các chiến hạm phía trong có thể ra đi..Hệ thống chỉ huy của HQ cũng rối loạn : Nhiều Đại Tá như Trịnh Xuân Phong ‘tự phong’ thành Tư lệnh Hạm đội để ra lệnh cho các tàu..phải ở lại..Đ Tá Trần Bình Phú (TM Phó Nhân viên) , cũng trở thành Tư lệnh Hành Quân để bắt các tàu giữ nguyên vị tri chờ lệnh. Đ Tá Nguyễn văn Tân (Trưởng Khối An Ninh).. Tư lệnh HQ sau cùng (do Tướng Vĩnh Lộc, Tổng Tham Mu trưởng sau cùng của QL VNCH , phong)..cũng xuất hiện để cấm..di tản .(?)..(Tình trạng hỗn loạn tại Bến Bạch Đằng cũng như các sự việc xẩy ra được kể lại trong các tác phẩm Counterpart của ĐTá Đỗ Kiểm, Hải Quân VNCH ra khơi của Điệp Mỹ Linh và Bút ký ‘Di tản về miền Tây’ của Phạm Kim)

Các Tướng HQ Cang và Thùy sau khi không lên được HQ 1 đã lên Tuần duyên hạm Tiên mới HQ 601. HQ 601 do Hạm trưởng HQ Đại Úy Trần Minh Chánh (Con Đề đốc Trần văn Chơn, cựu Tư lệnh HQ ) điều khiển, tuy đã quyết định sẽ không di tản, ở lại cùng gia đình gồm cả Tương Chơn, vẫn điều hành chiến hạm và đưa các Tường Cang và Thùy (trên tàu còn có ĐTá HQ Nguyễn xuân Sơn, cựu Tư lệnh Hạm đội) ra Vũng Tàu. Sau khi chuyển đoàn tư lệnh HQ lên HQ 3. Hạm trưởng Chánh đã đưa tàu trở lại Bến Bạch Đằng (Trần Minh Chánh-Chuyến hải hành cuối cùng của Chiê hạm PGM HQ 601- Đặc san Lướt sóng số 51) (Tuần duyên hạm=PGM là loại tàu nhỏ nhất để được gọi là..chiến hạm.)

Sau khi HQ 504 chịu tháo dây : Tuần duyên hạm Chi Linh II HQ 11 cũng ra đi vào khoảng 11 gìờ đêm, do hạm trưởng HQ Thiếu tá Phạm Đình San điều khiển, mang theo Đại Tá Đỗ Kiểm. Trên đoạn đường từ Sài gòn ra biển , Ông đã tạm dùng hệ thống vô tuyến của chiến hạm để chỉ huy việc di chuyển của đoàn tàu..(Theo Counterpart, chiến hạm neo bên ngoải HQ 11 là chiếc HQ 503, trong khi đó theo’ Hải quân VNCH ra khơi’ thì là chiếc HQ 504 ).

Dương vận hạm Thị Nại HQ 502, sau những điều đình với thủy thủ của HQ 501 , cột giây bên ngoài nhưng không chịu ra đi..và sau cùng HQ 502 do HQ Tr tá Nguyễn văn Tánh làm hạm trưởng cũng rời bến vào khoảng 1 gìờ đêm 29, rạng sáng 30 tháng 4. Sau một số trục trặc về may móc, tàu được sự trợ giúp của một tàu giòng của Ty Quân Cảng đã ra được giữa dòng sông để theo ra cửa biển..Trên đường đi, vớt được Đ Tá Trịnh Quang Xuân (Tư lệnh vùng 3 Sông ngòi) từ một PBR, Phó Đề đốc Nghiêm xuân Phú..Sau cùng với tình trạng hỏng máy, HQ 502 được HQ 17 kéo đi Subic Bay.(Phan Lạc Tiếp -‘Giã từ Saigon’ trên KBC số 19)

Hải Quân Công Xưởng :

Các chiến hạm HQ 400 và HQ 500 rời bến khoảng 2 giờ sáng ngày 30 tháng 4.

Hải vận hạm Lam Giang HQ 402 đang trong giai đoạn tu sửa, đã được một số sĩ quan và thủy thủ sửa chữa gấp rút và sau cùng đã tách bến được vào lúc 3 giờ chiều ngày 30 tháng 4 (sau khi DV Minh đã ra lệnh đầu hàng. HQ Trung Úy Cao thế Hùng đã điều khiển chiến hạm ì ạch ra đi, chở theo trên 1000 người. 5 giờ chiều ngày 30 tháng 4, tàu còn đón được HQ Đ tá Lê Hữu Dõng từ một LCM 8 và sau đó Phó Đề đôc Nghiêm văn Phú..Sau cùng sáng 1 tháng 5, HQ 402 cũng ra được biển Vũng Tàu.. Sau khi liên lạc được với Hạm đội VN và Hạm đội Hoa Kỳ, những người trên HQ 402 đã được chuyển sang HQ 2 và HQ 402 đã được đánh chìm vào lúc 3 giờ chiều ngày 2 tháng 5 ngoải khơi Côn sơn (Những bài về HQ 402 : ‘Hải vận hạm Lam Giang HQ 402, một huyền thoại-Điệp Mỹ Linh; ‘ Chuyến Hải hành cuôi cùng’-Đỗ Kim Bảng-KBC số 60).

Các Tướng Vĩnh Lộc, Trần văn Trung đến Bến Bạch Đằng vào sáng 30 tháng 4 và dùng một LCM của giang cảnh để tìm đường ra biển. LCM được Tuần duyên hạm Tây Sa HQ 615 vớt vào tối 30/4. Nhưng đến sáng 1/5 HQ 615 bị hết dầu khi còn đang ở trong hải phận Vũng Tàu. Sau cùng được HQ 17 chịu quay lại cứu. HQ 17 vớt được tr6n 300 người từ HQ 615 và 200 người từ HQ 470.. Sau đó cả 2 chiếc 65 và 470 đều bị đánh chìm.. 

Nhà Bè :

– Dương vận Hạm Mỹ Tho (HQ 800) , do dự định sẹ được dùng làm Bộ Chỉ huy HQ khi cần, nên được trang bị đầy đủ cùng nhân viên cơ hữu. Hạm trưởng HQ Trung Tá Dương Hồng Võ mới được bổ nhiệm ngày 26 tháng 4, thay vị tiền nhiệm vì đưa gia đình lên chiến hạm trước (ngày 25 tháng 4). HQ 800 nhận lệnh trực tiếp từ Tư lệnh HQ..và cũng lặng lẽ ra đi..

Vùng biển Vũng Tàu :

Tại vùng biển Vũng tàu, những chiến hạm hiện diện gồm HQ 5, HQ 802, HQ 16, HQ 7, HQ 12, HQ 505, HQ 400.Các tàu chở dầu HQ 470, 471 .Tất cả đều thả neo ngoài khơi..

Cuộc di tản tại Vũng Tàu tuy không gặp những hỗn loạn như tại Bến Bạch Đằng SàiGòn , vì chiến hạm đậu ngoài khơi : dân chúng di tản phải dùng các ghe đánh cá để chạy ra tàu..Tuy nhiên sự ra đi của các chiến hạm..tùy thuộc vào từng Hạm trưởng. Tư lệnh Vùng 3 Duyên Hải, Phó Đề đốc Vũ Đình Đào không có những quyết định chính thức nào về vấn đề di tản. Sáng sớm ngày 29 tháng 4, Ông đã cùng bộ tham mưu lên chiến hạm HQ 802.

Ngày 29 tháng 4 , hai Tuần dương hạm Ngô Quyền HQ 17 và HQ 14 , về đến Vũng Tàu, sau khi được lệnh bỏ dở chuyến tuần tiễu Trường Sa. Trưa 29 được lệnh từ Hải đội 3..cho tự do vận chuyển..toàn quyền tự quyết định, không cần thông báo.. (một hình thức..rã ngũ ?) HQ 17 do Hạm trưởng HQ TrTá Trương Hữu Quýnh đành quay đầu về hướng Côn Sơn..Tại đây tàu tiếp nhận khoảng 3000 người tỵ nạn..một số thủy thủ xin rời tàu trở về vơi gia đình.. HQ 17 theo đoàn tàu HQ VNCH di chuyển đi Phillipines , và trong khi di chuyển còn trở lại vùng biển Vũng Tàu để tiếp cứu chiếc PGM hết dầu chết máy đang trôi dạt.. Đây là chiếc PGM HQ 615 có chở trên 300 người trong đó có các Tướng Vĩnh Lộc, Trần văn Trung..

This image has an empty alt attribute; its file name is duong-van-ham-nha-trang-hq505-di-tan-den-subic-bay-1975...jpg

Dương vận hạm Nha Trang HQ 505 (Hạm trưởng HQ Tr Tá Nguyễn văn Nhượng) thả neo bên ngoài Cửa Vũng Tàu..chờ đợi. Từ sáng 28, ghe của dân chạy ra rất nhiều và xin lên chiến hạm. Trưa 29, xe tăng tại bãi biển Vũng Táu bắn ra nên HQ 505 lui ra xa hơn..Trực thăng KQVN cũng đáp xuống. Ngày 29, HQ 505 rời vùng biển Vũng Tàu theo lệnh’ Vận chuyển tự do’.của Vùng 3 Duyên hải..di chuyển về Phú Quốc. Tại vùng biển này HQ 505 vớt thêm được một số người.. và quyết định trở lại Côn sơn sau khi đã dàn xếp chuyển những người muốn trở về qua các tàu thuyền đánh cá. HQ 505 về đến Côn Sơn trưa ngày 2 tháng 5, lúc này đoàn tàu HQ VNCH đã đi về hướng Philippines. Sau cùng HQ 505 đã liên lạc được với một chiến hạm của HQ Hoa Kỳ và được hộ tống đi Subic Bay (Nguyễn Nhật Cường- ‘Tháng Tư, Cả một đời người trước’ Biển Khơi Số tháng 4/2009). HQ 505 di chuyển về Phú Quốc để đón Tr/Tá Hậu Chỉ huy trưởng căn cứ An Thới đang bị kẹt lại trên đảo. HQ 505 đã đón được nhóm này chạy ra biển bằng một LCM 8, lúc 5 giờ 30 sáng ngày 1 tháng 5, miễn cưỡng phải nhận thêm những người cùng chạy theo Tr/tá Hậu. Hạm trưởng HQ 505 dự trù đi Pháp nên không muốn vớt thêm người..tuy nhiên sau đó quyết định đi Phi và những thủy thủ, đoàn viên muốn trở về đã dùng chiêc LCM8 để vào bờ..(Lê văn Mạnh-‘Cuộc trùng phùng kỳ diệu’. Tac giả ghi nhầm số hiệu của chiến hạm đã vơt LCM8..504 thay vì 505 , chiếc 504 ở lại Saigon không di tản).

Tại Căn cứ Hải Quân Cát Lở (nơi trú đóng của Bộ Tư lệnh HQ Vùng 3 Duyên hải) : Phó Đề đốc Hồ văn Kỳ Thoại đã dùng PCF rời căn cứ để ra Cơ Xưởng hạm Vĩnh Long (HQ 802) neo sẵn ngoài khơi vào đêm 29 tháng 4, cùng đi có Tướng Trần văn Nhựt. Trên tàu đã có Tương Nguyễn duy Hinh và còn thêm 2 Tương Hoàng Xuân Lãm, Phan hòa Hiệp được Tướng Nguyễn văn Toàn..gửi theo (Hồ văn Kỳ Thoại trong Can trường trong chiên bại) . Tư lệnh vùng 3 Duyên hãi cũng di tản trên chiến hạm này. HQ 802 rời Vũng Tàu và đi thẳng đến Subic Bay, không đến điểm hẹn Côn Sơn (Giờ thứ 25 của Người linh biển-Nguyễn Hữu Chí trong Hải sử Tuyển tập)

Hải vận hạm Hát giang HQ 400, nhổ neo lúc 3 giờ chiều ngày 24 để..lui ra xa..Tàu chở đầy đạn và người. Hạm trưỡng xin lệnh vứt đạn xuống biển, nhưng không giới chức nào..cho lệnh ..Tàu tự di chuyển đi đến điểm hẹn Côn Sơn..

HQ 7 : Khi có lệnh ‘tự do vận chuyển’ Hạm trưởng quyết định ra đi, nhưng gặp sự chống đối của một số nhân viên nên đã dùng phương thức trao hết tiền trong quỹ dự trữ của chiến hạm đồng thời thả tàu nhỏ (wizard) cho những người muốn trở về vào lại bờ..

Vùng biển Phú Quốc :

Tình hình Phú Quốc bắt đầu suy sụp khi có tin nhân viên Đài Việt Nam được đưa ra đảo bằng phi cơ. Phú Quốc đã phải tiếp nhận gần 40 ngàn dân tỵ nạn từ Miền Trung..

Chiều tối (19 giờ 31) Chiến hạm Dubuque của HQ HK đến vùng biển Phú Quốc, để nhận một nhiệm vụ đặc biệt : yểm trợ, tiếp tế xăng dầu cho các trực thăng của KQ VNCH cần bay sang Thái Lan, đồng thời dùng làm Đài Không lưu hướng dẫn cho các phi cơ VNCH di tản sang Thái..

Ngày 29 tháng 4 , nhân viên Đài Mẹ VN được đưa ra Thương thuyền American Challenger đậu ngoài khơi. Trong vùng biển Phú Quốc còn có các thương thuyền và tàu vận tải của Mỹ khác như Greenville Victory, Sergeant Miller, Pionneer Contender. Trên đảo đã trở thành rối loạn hơn..Và sau đó trưa 30/4 khi TT Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng thì Hải Quân Vùng 4 Duyên hải cũng tự động..tan hàng và tự tìm đường thóát thân , chỉ những người thân tín với HQ Đại Tá Nguyễn văn Thiện, Tư lệnh.. mới có phương tiện di tản..mang theo cả những hành lý ‘cồng kềnh’ . Đa số nhân viên HQ..chạy thoát bằng ghe đánh cá, tiểu đỉnh..sang Thái Lan (Nguyễn Tấn Hưng-Trong cảnh sống còn) (Nguyễn tân Hưng còn cho biết Tướng Đỗ Mậu và gia đình cũng ở tại trại tạm cư Thái, nhưng không cho biết đến Thái bằng phương tiện nào?)

Trong những ngày cuối cùng của VNCH, lực lượng Hải Quân tại Phú Quốc gồm 4 chiến hạm :

Trợ Chiến hạm Nguyễn Ngọc Long HQ 230 Hạm trưởng HQ Th tá Nguyễn Nguyên

Giang pháo hạm Tầm sét HQ 331 (Th tá Phan Tấn Triệu)

Giang pháo hạm Lôi công HQ 330 (Th tá Nguyễn văn Anh)

Tuần duyên hạm Minh Hoa HQ 602 (Đại Úy Ngô Minh Dương).

Bộ Tư lệnh Vùng 4 Duyên Hải có 2 cầu tầu lơn : HQ 330 đậu tại cầu phía Nam và HQ 230, cầu phía Bắc..Các chiến hạm rời bến ngay khi..HQ tan hàng. Đ Tá Thiện và gia đình lên HQ 230..

Sau khi tách bến HQ 330 chạy vòng quanh phia Nam Phú Quốc để về điểm hẹn ngoài khơi Hòn Khoai. HQ 331 bị cháy cả 2 máy, trên tàu có khoảng 200 người, nên được HQ 330 kéo theo. Sau khi mât liên lạc với nhóm tàu dự trù đến Côn sơn, đoàn tàu 4 chiếc do HQ 330 dẫn đầu kéo theo 331, tiếp đó là HQ 230 và sau cùng HQ 602 quyết định đi Singapore..

Đoàn tàu thả neo tại Singapore để xin tỵ nạn, tại đây HQ 330 tiếp nhận thêm một số người từ 2 LCM của Quân vận VNCH (rời Tân Cảng Sài gòn ngày 30 tháng 4) cũng vừa đến đây. Tư lệnh phó Vùng 4 DH cũng từ HQ 230 chuyển sang HQ 330.

Sau 5 ngày chờ đợi, Singapore từ chối yêu cầu tỵ nạn, cung câp thêm nước và yêu cầu đoàn tầu rởi Singapore. Đoàn tàu quyết định đi Úc. Trên hải trình đi Úc, thủy thủ của HQ 602 đã nổi loạn, giết hạm trưởng, vứt xác xuống biển và lái tàu trở về..Khi được tin Úc công nhận MT GPMN, đoàn tàu còn lại 3 chiếc đảng đi về hướng Philippines .. Sau 17 ngày lênh đênh..đến được Subic Bay (Nguyễn Hữu Duyệt-‘Vùng 4 Duyên hải, những ngày cuối’ Lươt sóng Số 51)

Hạm đội 21 tại Cần thơ :

Hạm đội đặc nhiệm 21 Vùng 4 Sông ngòi được đặt dưới quyền chỉ huy của Phó Đề đốc Đặng Cao Thăng. Bộ Tư lệnh đặt tại Bến Ninh Kiều trong Căn cứ HQ Cần Thơ.

Trưa 29 tháng 4, Tòa Lãnh sự Mỹ tại Cần Thơ đã dùng 2 LCM để chở nhân viên di tản ra ngoài khơi. 2 LCM bị chặn lại nhưng sau đó qua sự can thiệp trực tiếp của Tổng Lãnh sự Terry Mc Namara

Tướng Thăng đã đồng ý để 2 chiếc LCM này tiếp tục ra đi..(theo Marc Leepson trong ‘Escape to the Sea’, VietNam Veterans of America Publications thì khi đoàn LCM bị HQ VNCH chặn xét theo lệnh Tương Nguyẽn KhoaNam, Lãnh sự MacNamara có mặt trên 1 trong 2 LCM đã từ chối không cho HQ lên lục soát và yêu cầu gặp Phó Đđ Thăng để giải quyêt. (MacNamara đã giúp di tản gia đình Tương Thăng từ nhiều ngày trước) 2 LCM này chở khoảng 300 người Việt, 16 người Mỹ và 6 người Phi. Các LCM này sau đó cặp vào được Thương thuyền Pionneer Contender..đây là chiêc tàu Mỹ duy nhất có mặt trong vùng..)

6 giờ chiều 29/4 Trợ Chiến hạm Đoàn Ngọc Tảng HQ 228 do Hạm trưởng HQ Th Tá Nguyễn Hoàng Be điểu khiển được điều động về Bộ Tư lệnh.

10 giờ đêm : Liên lạc với Bộ Tư lệnh HQ tại Sài Gòn, tin trực tiếp cho biết.. Hải Quân VNCH.. rã ngũ..

11 giờ đêm 29/4 Phó Đề đốc Đặng Cao Thăng tập họp nhân viên trong phạm vi Bộ Tư lệnh Hạm đội 21 và công bố ..tan hàng, tùy nghi quyết định ra đi hay ở lại

0 giờ 20 sáng 30 tháng 4..Những người di tản cùng gia đình xuống HQ 228..và HQ 228 đi ra biển.

1 giờ 15 phút sáng 30 tháng 4 : Trên đài chỉ huy của HQ 228, qua máy khuếch đại âm tần của máy PRC 46, tướng Nguyễn Khoa Nam phát ra lệnh ‘kêu gọi cácTư lệnh Quân, Binh chủng, quân nhân các cấpkhông được tự ý rời nhiệm sở..sẽ bị kết tội ‘đào ngũ trong thời chiến..Tất cả đều im lặng vô tuyến..Trên HQ 228 còn có Chuẩn tướng Chương Dzềnh Quay, Tham mưu trưởng Quân đoàn 4..(Nguyễn Tạ Quang’Hạm đội 21, những ngày cuối cùng. Lướt sóng Số 51)

HQ 231 :

Trợ chiến hạm Nguyễn đưc Bổng HQ 231 do HQ Đ/úy Nguyễn Văn Phước điều khiển, 10 giờ đêm ngày 29 tháng 4 có lệnh di chuyền từ Cần Thơ về Căn cứ Đồng Tâm. Mỹ Tho. Khi DV Minh tuyên bố đầu hàng, Hạm trưởng quyết định rời vùng Mỹ Tho, ra đi và ra biển theo đường Cửa Tiểu.. Nhân viên và thủy thủ không muốn ra đi đều được đưa vào bờ để tùy nghi di tản..

HQ 229 :

Trợ chiên hạm Lưu Phú Thọ HQ 229 cũng rời vùng trách nhiệm ra đi sau lệnh buông súng của DV Minh, tàu đi ngang Căn cứ Đồng Tâm, hương dẫn một số PCF chạy theo sau và cũng theo Cửa Tiểu để đến điển hẹn ngoài khơi Côn Sơn.

Từ Côn Sơn đi Philippines :

Các chiến hạm VNCH tập trung tại Côn Sơn và hoàn toàn chưa có chương trình..kế tiếp cho đến khi liên lạc với Hạm đội Hoa Kỳ (ngoại trừ HQ 802..đã lên đường đi thẳng sang Subic Bay).

Ngày 2 tháng 5, Hạm đội HQVNCH gồm 26 chiếc, đặt duới quyền chỉ huy của Tướng Cang, chia thành 3 hải đội :

Một do Tướng Cang chỉ huy

Một do Tướng Lâm nguơn Tánh (trên HQ 1) chỉ huy

Một do Tướng Hoàng cơ Minh (trên HQ 3)

Chạy theo đoàn tàu còn có thêm 2 tàu đánh cá tư nhân.

Hải Quân Hoa Kỳ đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm : Hạm đội Destroyer’s Squadron 23 do Đề đốc Donald Roane, đặt bộ chỉ huy trên Chiến hạm Kirk (DE-1097) để yểm trợ cho Hạm đội VN Các chiếc hạm trong lực lượng này ngoài USS Kirk ( DE-1087), còn có USS Tuscaloosa (LST 1187), USS Cook, USS Deliver (ARS-23), USS Abnaki (ATF-96), USNS Lipan (T-ATF-85). Một số chiến hạm khác tuy không thuộc lực lượng đặc nhiệm này nhưng cũng góp phần vào công tác y tế và tiếp liệu cho đoàn tàu VN : USS Mobile (LKA-115), USS Balbour County (LST-1195) USS Vega (AF-59) và USS Denver (LPD-9).

(USS Kirk đã trực tiếp yểm trợ cho HQ 3, HQ 402 trươc khi bị đanh chìm và thương thuyền Tân Nam Việt..USS Vega tiêp tế cho cac tàu YFU-69, HQ 3 , HQ 800, HQ 801..

Chuyến hải hành từ Côn Sơn đi Phi dự trù sẽ kéo dài trong 5 ngày. Ngay trong ngày đầu, các phi cơ phóng pháo Liên sô đã bay trên đoàn tàu, tuy nhiên không có những hành vi thù nghịch.

Bộ Quốc phòng HK, tuy đã sắp xếp trước để yêu cầu Chinh phủ Phi trợ giúp trong việc nhận khoảng 50 ngàn người tỵ nạn Việt và Campuchia tạm trú và sau đó sẽ được chuyển từ Phi sang Guam, nhưng lại không xin phép Chinh phủ Phi để đưa một đoàn chiên hạm đến Subic Bay. Tổng Thống Phi Ferdinand Marcos và Ngoại trưởng Carlos Romulo đều không muốn ‘đụng chạm’ với Chế độ ‘mới’ tại Nam VN.

Trong khi hạm đội VNCH đang từ từ di chuyển về hướng Phi, Chinh Phủ HK đã tìm được giải pháp : viện dẫn một điều khoản ghi trong các văn kiện chuyển giao chiến hạm từ HK sang cho VNCH là ‘chủ quyền của chiến hạm sẽ được giao hoàn lại cho HK khi VNCH không còn dùng chung trong các hoạt động quân sự nữa..Và theo tinh thần này thì đoàn tàu HQ VNCH nay thuộc HK và có quyền đến Căn cư Subic Bay..Tuy nhiên CS Nam VN cũng chính thức lên tiếng đòi chủ quyền trên các chiến hạm đang di tản..Trong khi các cuộc thương thuyết ngoại giao đang tiến hành, HQ HK đã nghĩ đến việc đưa cả đoàn tàu đi Guam, nhưng vơi số lượng người khoảng gần 30 ngàn và tình trạng thiêu an toàn về kỹ thuật của một sô chiến hạm VNCH, kế hoạch này khó thực hiện được.

Ngày 7 tháng 5, khi đoàn tàu gần đến hải phận Phi, cuộc tranh chấp vể chủ quyền giữa HK và CS Nam VN vẫn chưa được giải quyết. Ngoại trưởng Phi dọa sẽ ‘bắt giữ’ đoàn chiến hạm nhưng khi Đại sứ HK tại Phi bàn đến số phận của gần 30 ngàn người tỵ nạn trên các tàu sẽ là một’gánh nặng’ mà Phi chưa bao giờ ..nghĩ tới và cũng chưa sửa soạn để đối phó thì Ngoại trưởng Romulo đành chấp nhận giải pháp chuyển các chiến hạm VN thành chiến hạm HK và theo đó trườc khi vào lãnh hải Phi, đoàn tàu sẽ phài vưt bỏ đạn dược, xóa bỏ tên và số hiệu của từng chiến hạm , thay thế cờ VNCH bằng cờ HK..

12 giờ trưa 7 tháng 5, những buổi lễ ‘hạ kỳ’ đã được tổ chức trong trang nghiêm và buồn thảm trên từng chiến hạm VNCH. Mỗi chiến hạm có sự hiện diện của 2 nhân viên HQ HK để nhận bàn giao. Cờ Mỹ được kéo lên, và các tàu nhỏ của HQ HK tiến hành việc xóa số hiệu..Các quân nhân HQ VN tử thay bỏ quân phục..HQ VNCH không còn nữa.

Và nếu theo công pháp quốc tế : ‘chiến hạm là lãnh thổ quốc gia’ thì VNCH tồn tại cho đến trưa ngày 7 tháng 5 năm 1975.

Vai trò của Richard Armitage và Hoa Kỳ trong cuộc di tản của HQ VNCH

Theo ‘Hải sử tuyển tập’ (trang 511-515) trong bài ‘Phỏng vấn Phó Đô đốc Chung tấn Cang : Một đời quân ngũ và cuộc lui binh vẹn toàn’ một số sự kiện đã được đưa ra :

‘Đoàn tàu VN rời Sài gon, đem theo hầu như tât cả chiên hạm khiển dụng vơi hơn 27 ngàn quân nhân và đồng bảo. Ra đi đúng lúc, không sớm, trước khi quá muộn. Đó là cuộc lui binh đẹp đẽ, đầy kỷ luật’ (trên thực tê, chỉ có khoảng trên 10 chiến hạm, ra đi từ Sàigòn, số còn lại từ Vũng Tàu, Phú Quốc…Cuộc di tản cũng gặp những trường hợp..vô kỷ luật như đạ mô tả trong phần trên..; trong Counterpart trang 208 có kể lại khi Tướng Cang, không lên được HQ 1, dự trù làm soái hạm, Đ tá Kiểm phải thay đổi kế hoạch đưa Tướng Cang và gia đình lên HQ 601. Nhưng HQ 601 lại do Hạm trưởng Chánh, con Đề đốc Chơn cựu TL HQ lảm hạm trưởng.. lúc đầu Đ úy Chánh từ chối nhưng sau đó chịu sự thuyêt phục yêu cầu giúp để đưa Tương Cang ra đi.. Ngoài ra một câu hỏi được nêu là trong khi Tường Cang đang ở trên Chiến hạm trên đường di tản..co nhiều Đại Tá đã lên hệ thống liên lạc vô tuyến tự phong là Tư lệnh HQ ra lệnh cho các chiến hạm phải ở lại hay trở vể bến..nhưng không thấy Tướng Cang, tuy là Tư lệnh chính thức..ban hành lệnh nào cả ?)

Về kế hoạch di tản, bài viết: ‘Khi đất nước đã đến lúc phải tính chuyện đi hay ở, người giúp tôi soạn thảo kế hoạch là ông Chí, ông Sơn, ông Kiểm, ông Luân và ông Khuê.. (Trong ‘Counterpart, từ trang 195 đến 199, Đ tá Đỗ Kiểm đã ghi lại kha nhiều chi tiết về kế hoạch di tản, kể cả buổi họp riêng giữa Ông và Tương Cang..Riêng Ông Sơn (Đ tá Tư lệnh Hạm đội, người có ‘tần số liên lạc với Hạm đội HK’ đã bị cách chức ngày 28/4). Kê hoạch di tản đã được bàn thảo..khá nhiều, rong bí mật giữa Ông Kiểm và Richard Armitage, kể cả điểm hẹn ngoài khơi Côn Sơn.)

Về vai trò của ông Richard Armitage : Tương Chơn cho biết : ‘Mưi đây có người nói là Ông Richard Armitage lo cho đoàn tàu. Sai. Ông ta chỉ là một sĩ quan liên lạc giữa HQ Mỹ và đoàn tàu HQ VN không hơn, không kém. Tướng Chơn cho biêt thêm : ‘..Khi đoàn tàu vào hải phận Phi, Chah phủ Phi không cho vào..Chinh tôi đã đề nghị trả lại tàu chiến cho Mỹ..’ . Trong ‘Hải Quân VN ra khơi’ của Điệp Mỹ Linh, trang 276-277 có bài phỏng vấn ông Richard Armitage (có tên VN là Trần văn Phú) về cuộc di tản của HQ VNCH , sau khi xác nhận là ông tháp tùng Phụ tá Tổng trưởng Quốc phòng HK Erich von Marbod đến VN để lo di chuyển quân cụ Những đoạn đáng chú ý như :’..kế hoạch giúp HK giúp HQ di tản rất hạn hẹp. HK chỉ chuẩn bị một cách tổng quát cho một cuộc di tản với nhân số phỏng định chứ không có kế hoạch tỉ mỉ. Chương trình giúp HQ VN được phác hoạ vào giờ phút chót..’ ‘Lúc đó vì Chinh phủ HK chưa dự trù một phương kế nào cho HQ VN cả nên tôi chỉ thông báo với HQ VN là : nếu tình thế bắt buộc, hãy cố gắng đến Côn Sơn, tôi sẽ gặp tất cả ở đó’ (ghi chú của người viêt: Armitage có cho một số sĩ quan cao cấp HQVN, biết tần số liên lạc vơi Hạm đội 7 của HK). Armitage cũng cho biết thêm ‘Mọi quyết định liên quan đến Hạm đội VN từ Côn Sơn cho đến Phi đều do những biến chuyển tình hình lúc đó tạo nên chứ không hề có một sự chuẩn bị nào cả..’. Bài viết ‘Frequent Wind ‘ của USS Kirk (Chiến hạm chính đã trợ giúp và hộ tống đoàn tàu VNCH) Association có một số chi tiết về vai trò của Armitage.. Richard Armitage rời Sàigon chiều 29/4 bằng trực thăng và đáp xuống chiến hạm USS Blue Ridge, soái hạm của Hạm đội 7. Tuy không có giấy tờ tùy thân, ông vẫn yêu cầu gặp Đô đốc Donald Whitmire, Tư lệnh Hạm đội 7 tại Thái Bình dương, và xin liên lạc với Ngũ giác đài, xác nhận lý lịch đồng thời xin phép trợ giúp HQVN..Sau khi được phép của Ngũ giác đài, Richard Armitage đã được chuyển từ Blue Ridge sang USS Kirk vào nửa đêm ngày 30 rạng 1/5. Tuy chỉ là một nhân viên dân sự, nhưng Armitage vẫn có thẩm quyển đề yêu cầu hạm trưởng USS Kirk, một tướng 2 sao.. quay tàu trở lại Côn Sơn, nơi tập trung của đoàn tàu VN.. và sau đó Armitage sang HQ 3 để giúp di tản đoàn tàu VN đi Philippines.. ..(Richard Armitage sau đó trở thành Phụ tá cho Bộ trưởng Quốc Phòng HK Colin Powell, thời TT Bush)

Tổng kết :

Theo các bài viết của Tác giả Phan Lạc Tiếp thì đoàn tàu VN gồm 27 chiếc đã từ vùng tập trung tại Côn Đảo để cùng dự chuyến hải hành cuối cùng đi Phillipines. Cùng đi theo trong đoàn còn có thêm 2 tàu đánh cá. Báo cáo của Khu trục hạm Cook về cho TF 76 ngày 2 tháng 5 ghi nhận :’ Đoàn tàu di tản của HQVN gồm 26 chiến hạm và một Khinh tốc đỉnh. Vị trí đoàn tàu tại Vĩ độ 09* 35’N và kinh độ 108* 55’E..

Hải sử Tuyển tập, trang 553 : Danh sách các chiến hạm di tản vào tháng 4 năm 1975 liệt kê 43 chiến hạm trong đó có các chiếc trở về như HQ 602, H 609 và những chiếc hư hỏng phải đánh chìm gồm HQ 402, 406, 604, 474 và 702..

Tập Dự án Hải Sử ghi lại trong đoạn Từ Hạm đội/HQ VNCH sang Hạm đội HQ Phi số hiệu và tên của 30 chiến hạm VN.

Đối chiếu với các tài liệu ngoại quốc như Jane’s Fighting Ships.

Danh sách các Chiến hạm chạy khỏi VN (bao gồm những Chiến hạm đi theo đoàn từ Côn sơn, hoặc tự đến Subic Bay (như HQ 802), hoặc tự tách khỏi đoàn (HQ 2) , hoặc đến trễ hơn như nhom tàu từ Phú Quốc..) gồm:

1 Khu trục hạm Trần Hưng Đạo HQ 1 (chuyển thành BRP Rajah Lankandula-PS-4)

5 Tuần dương hạm (WHEC):

– Trần Quang Khải HQ 2 (thành BRP Diego Silang PS-9)
– Trần Nhật Duật HQ 3 (tuy được chuyển giao cho HQ Phi nhưng bị phế thải để lấy các cơ phận thay thế dùng sữa chữa cho các chiến hạm khác của HQ Phi)
– Trần Bình Trọng HQ 5 (thành BRP Francisco Dagohoy PF-10)
– Trần Quốc Toản HQ 6 (cùng số phận như HQ 3)
– Lý thường Kiệt HQ 16 (thành BRP Andres Bonifacio, PF-7)
– Ngô Quyền HQ 17 (thành BRP Gregorio del Pilar PF-8)

5 Hộ tống hạm (PCE) :

– Đống Đa II HQ 07(thành BRP Sultan Kudarat PS-22)
– Chi Lăng II HQ 08 (thành BRP Magat Salamat PS-20)
– Chí Linh HQ 11 (thành BRP Datu Tupas PS-18)
– Ngọc Hồi HQ 12 (thành BRP Miguel Malvar PS-19)
– Vạn Kiếp HQ 14 (thành BRP Datu Marikudo PS-23)

5 Dương vận hạm (LST) :

– Cam Ranh HQ 500 (thành BRP Zamboanga Del Sur LT-86)
– Thị Nại HQ 502 (thành BRP Cotabato Del Sur LT-87)
– Nha Trang HQ 505 (thành BRP Agusan Del Sur LT-54)
– Mỹ Tho HQ 800 ( thành BRP Sierra Madre LT-57)
– Cần Thơ HQ 801 (thành BRP Kalinga Apayao LT-516)

1 Cơ Xưởng hạm (ARL)

– Vĩnh Long HQ 802 (thành BRP Yakal AR-617)

3 Hải vận hạm (LSM) :

– Hát giang HQ 400 (thành BRP Western Samar LP-66)
– Hàn giang HQ 401 (dùng lấy cơ phận)
– Hương giang HQ 404 (thành BRP Batanes LP-65)

3 Trợ chiến hạm (LSSL) :

– Đoàn Ngọc Tảng HQ 228 (thành BRP La Union LF-50)
– Lưu Phú Thọ HQ 229 (HQ Phi dùng để lấy cơ phận thay thế sử dụng cho các chiến hạm khác)
– Nguyễn Đức Bổng HQ 231 (thành BRP Camarines Sur LF-48)

3 Giang pháo hạm (LSIL) :

– Thiên kích HQ 329
– Lưi công HQ 330
– Tầm sét HQ 331

(Hai chiếc 329 và 330 có trong danh sách của HQ Phi, chiếc 331 được ghi là..không rõ số phận)

2 Hỏa vận hạm (YOG)= sà lan tự hành để chở dầu :

– HQ 470 và HQ 471

1 Tuần duyên hạm (PGM) :

– Hòn trọc HQ 618 (thành BRP Basilan PG-60)

Ghi chú :

Trong danh sách Chiến hạm HQ Phi tiếp nhận vào tháng 5-1975, có một Chiến hạm của HQ Kmer : Chiếc PC Submarine Chaser , số hiệu E-312. Sau đó đổi thành Negros Oriental PS-26. Không thấy có tài liệu nào viết về chiến hạm này khi chạy sang Phi ?

Trợ chiến hạm Nguyễn Ngọc Long HQ 230 không ghi trong danh sách trên, nhưng được ghi trong Hải sử Tuyển tập trang 564 là do HQ Tr tá Nguyễn Nguyên làm hạm trưởng, không thuộc đoàn tàu di tản của Bộ Chỉ Huy HQ . Chiến hạm được chuyển thành BRP Sulu LF-49)

Trong danh sách Hỏa vận hạm YOG HQ Phi tiếp nhận có ghi thêm HQ 474

WPB Chiến đỉnh Huỳnh văn Đức HQ 702 đến được Philippines và phế thải tại Subic Bay ngày 19 tháng 5 năm 1975.

‘Dự án Hải sử’ không ghi về các PGM 600, 604 và 605, tuy nhiên ‘Hải sử tuyển tập’ ghi các chiến hạm này có mặt trong đoàn tàu của Bộ chỉ huy HQ (?) : Phú Dự (HQ 600), Keo Ngựa (HQ 604), và Kim Quy (605) không có tên trong danh sách các chiến hạm HQ Phi tiếp nhận?

Trần Lý (3/2012)

Nguồn: https://vietbao.com/a187078/chuyen-hai-hanh-sau-cung-cua-hai-quan-vnch-thang-4-1975

No comments:

Post a Comment