Thursday, September 22, 2022

TÂY TẠNG - NƠI THỜI GIAN NHƯ NGỪNG LẠI

Vlag Mertin là tác giả của bộ ảnh được thực hiện tại khu tự trị Tây Tạng (Trung Quốc) bộ ảnh được thực hiện cách đây 2 năm nhưng ấn tượng của tác giả về vùng đất này vẫn còn rất sâu đậm. Du lịch Tây Tạng, bạn sẽ được tách khỏi cuộc sống ồn ào, hoà mình vào không khí bình yên, thanh tịnh nơi đất Phật.

TÂY TẠNG LÀ KHU TỰ TRỊ RỘNG LỚN
Tây Tạng là khu tự trị rộng lớn, diện tích hơn 1,2 triệu km2, nằm ở phía Tây Nam (Trung Quốc), nơi đây là cái nôi của nền văn hoá mang đậm bản sắc, luôn luôn là miền đất ẩn chứa nhiều điều huyền bí đầy quyến rũ.

VƯƠNG QUỐC PHẬT GIÁO HUYỀN BÍ
Nằm lọt giữa ba dãy núi lớn, Himalaya ở phía Nam, Korakoram ở phía Tây và dãy Côn Lôn ở phía Bắc, Tây Tạng không phải là điểm dừng chân lý tưởng dàng cho tất cả du khách. Tuy nhiên địa hình hiểm trở, khép kín, cùng những di sản văn hóa nổi tiếng của vương quốc Phật giáo huyền bí này lại có một sức hút mãnh liệt đối với dân mạo hiểm.

RẤT NHIỀU NGƯỜI TÌM ĐẾN MIỀN ĐẤT NÀY
Bạn có thể bắt gặp rất nhiều những nhà sư, người tu hành, các tu sĩ tìm đến miền đất Phật yên bình này.

NGƯỜI DÂN TỘC BẢN ĐỊA
Ở Tây Tạng, dân số chủ yếu vẫn là người dân tộc bản địa, giữ nguyên những phong tục và nếp sống từ hàng trăm năm nay, ít bị ảnh hưởng bởi nhịp sống hối hả thành thị.

NGƯỜI DÂN CHẤT PHÁC, HỒN HẬU
Người dân chất phác, hồn hậu là điều khiến Tây Tạng trở thành nơi được nhiều khách du lịch muốn ghé chân tới nhất ở Trung Quốc. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể ra vào khu tự trị này, điều này lại càng khiến Tây Tạng trở nên huyền bí và đáng được chinh phục.

LÀ ĐỊA ĐIỂM THU HÚT NHIỀU NGƯỜI HÀNH HƯƠNG
Đây là địa điểm thu hút nhiều người hành hương nhất. Có rất nhiều người thực hiện nghi lễ lạy Phật dọc đường ở Tây Tạng. Họ vừa đi vừa tụng kinh, tay chắp cao trên đầu, vái lạy sau đó cúi sát đầu xuống đất đầy thành kính. Có người còn trải những tấm vải sặc sỡ xuống đất rồi quỳ hoặc nằm để vái lạy.

KHÍ HẬU Ở ĐÂY RẤT KHẮC NGHIỆT
Đến với Tây Tạng, cao nguyên cao nhất thế giới, đòi hỏi bạn phải có sức khỏe tốt. Khí hậu ở đây rất khắc nghiệt, mùa hè rất nóng còn mùa đông lại lạnh thấu xương. Đặc biệt, áp suất thấp và không khí loãng làm du khách thường xuyên thấy chóng mặt.

CỜ CẦU NGUYỆN LUNGTA – MỘT TRONG NHỮNG NÉT VĂN HÓA TÂY TẠNG
Tây Tạng được ví như một vùng đất mang nhiều bí ẩn. Thiên nhiên và tôn giáo ở đây hài hòa với nhau tạo nên những khung cảnh đầy ấn tượng. Du khách ngay lập tức sẽ mê mẫn trước những không cảnh núi đồi phủ đầy tuyết, xen lẫn những thảo nguyên xanh mát, như thể chúng ta lạc vào một thế giới mơ hồ và đầy quyến rũ. Bên cạnh đó, Tây Tạng còn có những thành phố du lịch nổi tiếng như Lhasa, Shigatse hay Tsedang với nhiều công trình kiến trúc Phật giáo được điêu khắc tỉ mỉ, chỉnh chu và được công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Lang thang các con đường ở cao nguyên Tây Tạng, du khách dễ dàng bắt gặp và bị hấp dẫn bởi hình ảnh những lá cờ rực rỡ sắc màu bay phấp phới trên nền trời xanh thẳm. Cờ cầu nguyện Lungta – một trong những nét văn hóa Tạng. Một mảnh trời được thêm thắt những đám mây hùng vĩ, dưới đó là những mảnh cờ viết những mong ước và hy vọng của con người. Như một lời thì thầm nhờ gió đưa gửi. Mong một cuộc sống tốt lành và hạnh phúc.
Trên mặt lá cờ được trang trí bởi các hình ảnh, thần thú và những lời cầu nguyện. Nằm ở chính giữa vị trí trung tâm lá cờ Lungta, biểu tượng chính là ngựa gió, đại diện cho Tam Bảo của Phật Giáo. Ở bốn góc của lá cờ là những linh thú: Garuda (một loài chim thần) tượng trưng cho trí tuệ, rồng tượng trưng cho quyền năng, hổ tượng trưng cho lòng tin và sư tử tuyết đại diện vô úy (dũng cảm).
Một trong những điều cần biết khi đi du lịch Tây Tạng là bạn nên tôn trọng những lá cờ này, dù có thấy chúng vô tình bị rơi xuống đất cũng không nên dẫm lên, nếu được thì lượm treo lên hoặc để lên một chỗ cao gần đó. Tốt nhất là đến một nhà dân trong khu vực và gửi cho họ. Mỗi lá cờ đều ẩn chứa những tâm tình và hy vọng của một người nào đó. Những hy vọng vào sự giúp đỡ của thần linh, hãy tôn trọng và bảo vệ nó nhé!

Người Tây Tạng tin rằng, cờ Lungta được treo bên trong hoặc xung quanh ngôi nhà sẽ mang những thiện ý, sự từ bi lan tỏa khắp không gian cũng như đem lại giàu có và trường thọ cho gia chủ. Sự hiện diện của cờ Lungta có thể xua tan các ý nghĩ tiêu cực và kích hoạt năng lượng tích cực. Vì vậy, cờ Lungta được tin là đem lại lợi lộc cho tất cả muôn loài.
Khi treo cờ Lungta ở trên cao, những lời cầu nguyện trên lá cờ sẽ mang đến những ân phước, điều tốt lành đến với tất cả chúng sinh. Những cơn gió lướt trên về mặt của những lá cờ vốn rất nhảy cảm với sự chuyển động của không khí, không gia sẽ được các lời minh chú tịnh hóa và trở nên đầy phúc lành. Treo cờ Lungta cũng trở thành một nghi thức tâm linh. Tuy nhiên, nếu cờ được treo sai ngày, chúng sẽ chỉ đem lại những điều không lành. Và càng được treo lâu bao nhiêu, thì chướng ngại được sinh ra sẽ lớn hơn. Thường niên cứ vào Tết của người Tây Tạng, cờ cũ sẽ được thay bởi những lá cờ mới.

Cờ Lungta mang lại tài bảo cho những người sở hữu. Từ thời xa xưa ở vùng núi Himalaya, Lungta được coi là tài sản rất có giá trị. Khi một người con trai kết hôn và đi ở rể, gia đình sẽ cho anh ta một chiếc cờ Lungta để làm của hồi môn. Chính vì thế từ thời đó, cờ Lungta Phodrang đã có giá trị cao hơn các tài sản vật chất khác.
Thử một lần viết những lời cầu nguyện trên lá cờ Lungta, treo cao trong gió ở đất trời Tây Tạng. Hãy để những chú ngựa gió mang lời nguyện ước của bạn đến khắp thế gian, gửi đi những ân phước tốt lành của chư Phật. Hãy một lần để bản thân mình được thư thoải, viết ra những muộn phiền cũng như mong muốn tốt đẹp cho bản thân và người thân xung quanh mình. Hãy để những cơn gió ở Tây Tạng cuốn đi những u sầu và những điều không tốt đẹp.

Lungta trong tiếng Tây Tạng có nghĩa là "ngựa gió". Người Tây Tạng tin rằng, biểu tượng của ngựa gió tiêu biểu cho sự chuyển hóa của cái ác thành cái thiện, những điều không may thành cát tường, thịnh vượng, chướng ngại trở thành cơ hội may mắn. Cờ Lungta được làm bằng vải hình vuông hoặc hình chữ nhật màu trắng, xanh dương, vàng, xanh lá và đỏ.

Cũng có nhiều giả thuyết đưa ra về nguồn gốc, xuất xứ của những lá cờ Lungta này. Lungta xưa kia thuộc về đạo Bon. Đạo Bon chịu ảnh hưởng của Ấn Độ, coi thế giới gồm năm nguyên lý: Đất – Nước – Lửa – Khí – Không và họ lấy 5 màu cơ bản để làm cờ đại diện.

Khi Phật giáo hội nhập, thì 5 nguyên lý tương ứng với 5 vị Phật, 5 Trí tuệ của Phật. Rồi lại còn tương ứng với 5 vị Độ mẫu chuyên cứu độ loài người. Có loại Lungta in hình Phật, có loại in hình các linh thú chuyên chở kinh Phật, và trên nền luôn là các bài kinh hoặc chú Mật tông:

+ Màu Xanh lam: tượng trưng cho Nước – Bảo Sinh Phật – Độ Mẫu Mamaki – phương Nam – Sư tử tuyết

+ Màu Trắng: tượng trưng cho Khí và Gió – Đại Nhật Phật – Độ Mẫu Bạch Đala (White Tara) – Ngựa gió

+ Màu xanh đậm: tượng trưng cho Không Gian và Trời – Bất Không Thành Tựu Phật – Độ Mẫu Thanh Đala – phương Bắc – Con Rồng

+ Màu đỏ: tượng trưng cho Lửa – Di Đà Phật – phương Tây – Độ Mẫu Pandaravasini – Chim Garuda

+ Màu vàng: tượng trưng cho Đất – A Súc Bệ Phật – Độ Mẫu Lochana – Phương Đông – Con Hổ
Đến với Tây Tạng chúng ta dường như có thể nhìn lại mọi sự việc theo một cách rất khác. Theo một hướng mà cuộc sống này luôn xinh đẹp.

NHỮNG ĐIỂM ĐẾN KHÔNG THỂ BỎ QUA KHI DU LỊCH TÂY TẠNG
Với tên gọi “Nóc nhà của thế giới”, Tây Tạng xứng đáng là điểm đến hùng vĩ bậc nhất. Muốn đến được vùng đất của chư thiên luôn cần có đủ nhân duyên. Vì thế không phải ai cũng có thể đặt chân đến đây. Du lịch Tây Tạng bạn sẽ cảm nhận được những giá trị tuyệt mỹ từ vùng đất huyền bí này.

Lhasa – Thủ đô Tây Tạng
Lhasa là thành phố mà bất ky` du khách nàu nào khi du lịch Tây Tạng đều phải ghé qua. Thành phố vẫn còn bảo tồn rất tốt các giá trị văn hóa. Người dân địa phương vẫn thường xuyên tham gia vào hành động truyền thống của kora, đi bộ theo chiều kim đồng hồ xung quanh một địa điểm thiêng liêng. Đây cũng là vị trí của Cung điện Potala, ngôi nhà của Đức Đạt Lai Lạt Ma là một trong những nơi mang tính biểu tượng nhất của Tây Tạng. Bạn cũng có thể khám phá các ngôi đền và tu viện trong vùng lân cận. Trên phố Barkhor bày bán rất nhiều đồ thủ công của Tây Tạng, bạn sẽ dễ dàng tìm mua được những món đồ lưu niệm.

Đỉnh Everest - Nóc nhà của thể giới
Là điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch Tây Tạng, Everest thu hút những trái tim mạo hiểm đến đây chinh phục. Không cần bạn phải lên đến độ cao hơn 8000 mét, việc chạm đến chân núi cũng đủ để bạn thõa mãn. Để ngắm được toàn bộ đỉnh núi vĩ đại này từ trên cao mà không cần leo núi bạn có thể mua vé máy bay. Sẽ có chuyến bay khám phá Himalaya và đỉnh Everest xuất phát từ thành phố Kathmandu, thủ đô của Nepal.
Thập Vạn Phật tháp
Tham gia tour du lịch Tây Tạng, du khách còn được chiêm ngưỡng Thập Vạn Phật Tháp (Gyantse Kumbum). Đây cũng là tháp Stupa (Chorten) lớn nhất và độc đáo nhất trên cao nguyên Thanh Tạng. Nếu đem chiếu xuống mặt phẳng thì dễ dàng nhận ra tính đối xứng tuyệt vời của tranh Mandala.
Không chỉ đặc sắc bởi vẻ ngoài, Gyantse Kumbum còn độc đáo bởi quy mô của nó. Xây dựng năm 1427, tháp cao 32.4m. Trên đỉnh là mái vàng, chia làm 9 tầng, 108 cửa, 77 khám thờ nhỏ. Tháp có đến 100,000 bức tranh tường (mural), mandala, và tượng Phật bên trong. Vì thế nơi đây còn có tên gọi là Thập Vạn Phật Tự.
Các Stupa vốn được coi là nơi gìn giữ linh hồn tương phản với các pho tượng là mô phỏng của thể xác. Ở tháp Kumbum người ta thấy được các pho tượng được lưu giữ trong Stupa lớn. Rồi Stupa lớn chứa nhiều Stupa nhỏ, trong mandala lớn chứa nhiều mandala nhỏ. Kết cấu mỗi tầng là trời tròn đất vuông liên kết bằng những vòng kora. Như thế, linh tháp Kumbum thực sự là hiện thân tinh hoa văn hoá Phật giáo Tây Tạng vô cùng thâm diệu.

Hồ Namsto
và là điểm hành hương thiêng liêng trong chuyến du lịch Tây Tạng. Namsto nằm trên dãy núi Nyenchen Tanglha (có đỉnh cao hơn 7.000 m) tuyết phủ. Đây là hồ nước mặn tự nhiên lớn nhất Tây Tạng và ở độ cao nhất thế giới. Hồ dài khoảng 70 km, rộng 30 km và có chiều sâu khoảng 35 m.
Con đường đến hồ Namsto tuyệt đẹp với nhiều cảnh sắc khác nhau. Có khi là cánh đồng lúa mạch chín vàng mát mắt, khi là những núi xám với đám mây lơ lửng. Khi là lưng chừng núi với những con đường mà đằng sau là những vạt mây trắng rất gần… Cũng có lúc đó là một con đường hoang vắng, ít bóng nhà, bóng người. Con đường hơn 100 km từ Lhasa khơi dậy đủ các cung bậc cảm xúc trong bạn.

Xigatse
Với 50.000 cư dân, Xigatse (hay Shigatse) là thành phố lớn thứ hai của Tây Tạng. Khách du lịch Tây Tạng ghé thăm vào giữa tháng 7 sẽ được chứng kiến Lễ hội Linka. Được tổ chức ngày 15 tháng 5 theo lịch Tây Tạng, Linka là lễ hội quan trọng của người dân nơi đây. Người Tây Tạng sẽ mặc trang phục truyền thống, uống rượu lúa mạch, trà bơ và các món ngon khác. Đây là lúc họ được thư giãn và vui chơi cùng bạn bè, gia đình.
Xigatse là một thành phố thích hợp để bạn tản bộ và chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc. Tu viện Tashilhunpo, Pháo đài Xigatse hay chợ ở Old Town đều là điểm đến hấp dẫn trong chuyến du lịch Tây Tạng.

Thị trấn Gyantse
Trong hành trình du lịch Tây Tạng du khách sẽ đến với thị trấn Gyantse xinh đẹp. Nằm ở độ cao 4000m, Gyantse tuy nhỏ nhưng đã từng đóng vai trò huyết mạch toàn vùng.
Vào năm 1904, khi người Anh đưa quân vào xâm chiếm Tây Tạng, thị trấn này đã trải qua nhiều cơn binh đao. Vết tích còn lại là những đoạn tường phòng thủ chạy quanh toàn trấn. Đặc biệt là pháo đài Gyantse Dzong, nơi có thể nhìn thấy bao quát toàn trấn.

KHÁM PHÁ ẨM THỰC TẠI "NÓC NHÀ CỦA THẾ GIỚI"

Mì Thukpa
Mì Thukpa là món ăn không kém phần phổ biến, đây là món ăn đặc trưng của vùng phía đông Tây Tạng. Thành phần chính của món ăn này là mì sợi nhỏ bhatsa dai dai, ăn kèm với thịt cừu hoặc thịt bò cùng nước dùng cay cay đậm đà nóng sốt.

Nếu bạn muốn ăn chay thì người ta cũng sẵn sàng phục vụ. Thukpa nổi tiếng trứ danh không chỉ ở nội địa, mà còn nổi tiếng ở các nước như Nepan, Bhutan, Bắc Ấn Độ. Ở Tây Tạng, Thukpa là món ăn truyền thống trong dịp đầu năm mới, các nhà hàng ở Tây Tạng thường có món thukpa trong thực đơn.

Bánh bao Momo
Bánh bao Momo có hình thù khá giống với bánh bao Trung Quốc hay Nhật Bản, nhưng có phần to và nặng hơn nhiều. Vỏ bánh được làm từ bột mì còn nhân bánh làm từ thịt xay và các loại rau như cải bắp, cải bó xôi hay hành tươi, được mang đi hấp hoặc chiên, sau đó được ăn theo kiểu súp gồm rau cải xanh, củ cải trắng, thịt, mì sợi.

Thường được ăn kèm với mì Thukpa, bánh Momo rất phổ biến trong các bữa ăn của người Tây Tạng, Nepal.
Bánh Tsamba
Món ăn đặc sản của Tây Tạng này sẽ để lại ấn tượng về một nền văn hóa lúa mạch tiêu biểu của đất nước cao nguyên này. Lúa mạch hoặc đậu Hà Lan sau khi được xoay nhuyễn, xào chín với trà bơ hoặc với trà mặn, sữa chua hoặc rượu lúa mạch, sau đó vo thành viên, tạo hình.

Món bánh nhỏ gọn, dễ mang đi cũng như dễ bảo quản này thường có trong các bữa ăn của người Tây Tạng. Vị ngọt ngọt bùi bùi, giòn miệng, Tsamba cung cấp chất dinh dưỡng cao thường được thưởng thức kèm với với trà bơ.
Trà bơ
Chắn chắc một điều là bạn phải thử món trà bơ – loại trà “quốc hồn quốc túy” của Tây Tạng thì mới gọi là đã đặt chân đến du nơi đây. Đây là loại trà vô cùng đặc biệt, giúp làm ấm và tăng cường năng lượng cho cơ thể đồng thời bổ sung chất dinh dưỡng.

Vì thế, nếu có thể bạn nên uống càng nhiều loại trà này càng tốt nhé. Trà bơ được chế biến từ trà đen, bơ Yak, muối và sữa bò. Khi nếm ngụm đầu tiên, vị mặn của muối, ngọt của sữa bò có thể làm bạn chưa quen và cảm thấy khá kỳ cục, nhưng dần dần ngụm thứ hai, thứ ba trở lên hương vị béo béo của bơ quyện cùng vị ngọt, đắng sẽ làm bạn bắt đầu thấy “ghiền” và một tách trà sẽ không bao giờ là đủ.
Người Tây Tạng rất thân thiện, hiếu khách, họ không ngần ngại mời bạn món trà bơ này. Dĩ nhiên bạn cũng không nên từ chối nếu không muốn bị cho là thất lễ, hơn nữa một món trà độc đáo như vậy rất đáng để thưởng thức.

Du lịch Rồng Á Châu

No comments:

Post a Comment