Thursday, September 22, 2022

Chuyên gia: Lý do 10.000 triệu phú Trung Quốc muốn di cư mang theo 48 tỷ USD

Bình Minh

Một công ty tư vấn nhập cư đầu tư ước tính, hàng chục ngàn triệu phú Trung Quốc sẽ di cư sang các nước khác trong năm nay. Các chuyên gia cho rằng cuộc di cư của người dân và sự thất thoát tiền bạc sẽ đẩy nhanh cuộc khủng hoảng xã hội của Trung Quốc.

Các nhà chức trách của ĐCSTQ đã thực hiện chính sách phòng chống dịch nghiêm ngặt zero COVID, dẫn đến một làn sóng di cư. (Ảnh minh họa: B.Zhou/ Shutterstock))

Công ty tư vấn di trú đầu tư Henley & Partners dự đoán vào năm 2022, khoảng 10.000 triệu phú Trung Quốc có giá trị ròng cao (tài sản trên 1 triệu USD) sẽ di cư khỏi Trung Quốc. Trung bình mỗi người sẽ mang theo khoảng 4,8 triệu USD, tổng cộng khoảng 48 tỷ USD sẽ bị rút khỏi Trung Quốc, đứng thứ 2 thế giới về tổn thất nhân sự sau Nga.

Cơ quan này cho biết, năm 2022 Hồng Kông dự kiến ​​sẽ mất khoảng 3.000 triệu phú. Cuộc di cư này có thể liên quan đến tình trạng bất ổn xã hội gần đây ở Hồng Kông, nơi các cuộc biểu tình vẫn đang diễn ra, phá hỏng sức hấp dẫn lâu dài của thành phố này.

Thể chế của ĐCSTQ là nguyên nhân gốc rễ
Ông Đường Tịnh Viễn, chuyên gia về Trung Quốc tại Hoa Kỳ, nói với Epoch Times rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hiện đang nhấn mạnh vào việc làm cho các doanh nghiệp nhà nước trở nên lớn hơn và mạnh hơn, khiến quốc tiến dân thoái, coi các doanh nghiệp tư nhân là mối đe dọa đối với nền kinh tế công hữu của ĐCSTQ, và cuối cùng họ đã quyết định sử dụng bạo lực để đàn áp những người giàu có. Đây là một trong những nguyên nhân chính.

“Để tăng cường an ninh cho chế độ, ĐCSTQ bắt đầu thực hiện một cơn bão giám sát kiểu cướp đoạt đối với những ‘gã khổng lồ’ tư nhân, như Alibaba và Didi (Taxi). Kỳ thực, họ đã phá hủy hoàn toàn đường đua của nền kinh tế thị trường.”

Ông nhấn mạnh “chính sách ngoại giao chiến binh sói” của ĐCSTQ đã khiến đất nước ngày càng bị cô lập. Về mặt chính trị, Trung Quốc ngày càng bị Triều Tiên hóa (bế quan tỏa cảng). Về mặt kinh tế, nước này ngày càng quay trở lại mô hình kinh tế kế hoạch, khiến nhóm người giàu cảm thấy họ ngày càng mất nhiều không gian hơn tiếp tục xây dựng sự nghiệp tại Trung Quốc.

“ĐCSTQ còn thúc đẩy sự thịnh vượng chung, tức là sử dụng luật pháp, thuế và các phương pháp khác để “thu hoạch” tiền của người giàu, gồm cả tầng lớp trung lưu. Điều này khiến toàn bộ tầng lớp giàu có và trung lưu cảm thấy hoảng sợ chưa từng có, nghĩa là họ cảm thấy sự an toàn và tài sản của mình không còn được đảm bảo.”

Kể từ khi ông Tập Cận Bình đưa ra khẩu hiệu “thịnh vượng chung” vào năm ngoái, đã làm dấy lên một trận khủng hoảng nhỏ ở Trung Quốc. Người ta đồn đại rằng động thái này của chính quyền là ám thị “giết người giàu để giúp người nghèo”, lấy người giàu ra “khai đao”, điều này cũng khiến nhiều doanh nhân Trung Quốc cảm thấy bất an.

Theo báo cáo của “China News Service”, ông Lưu Thế Cẩm (Liu Shijin), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân toàn quốc Trung Quốc, đã chỉ ra rằng “giết người giàu” thì sẽ ảnh hưởng đến tinh thần của nhóm người tự khởi nghiệp vươn lên làm giàu; mặt khác việc “giết người giàu” đối với tầng lớp có thu nhập thấp mà nói thì trong thời gian dài cũng không thể giàu lên được, và kết cục cuối cùng chỉ có thể là “nghèo chung”.

Nhiều người giàu đã mang theo vốn liếng của mình di cư ra nước ngoài, như ông Lý Hiểu Minh giàu nhất Vân Nam – người kiểm soát thực tế của Tập đoàn Yunnan Energy New (Ân Tiệp) và người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc, bà Trương Nhân (Yan Cheung) – nhà sáng lập Nine Dragons Paper (Cửu Long) … đều đã nhập cư ra nước ngoài.

Ông Đường Tịnh Viễn cho rằng cuộc “đại đào thoát” này (làn sóng di cư quy mô lớn) là do yếu tố thể chế. “Trừ khi toàn bộ thể chế của xã hội thay đổi đáng kể, nếu không, rất nhiều việc về căn bản là không thể giải quyết.”

Chính sách phòng dịch zero COVID cực đoan kích hoạt làn sóng di cư quy mô lớn
Ông Đường Tịnh Viễn tin rằng chính sách phong tỏa thành phố và zero COVID của ĐCSTQ có thể được coi là ngòi nổ quan trọng, kích hoạt cuộc “đại đào thoát”.

Ông nói rằng trong quá trình thực hiện chính sách phong tỏa thành phố, ĐCSTQ đã thực hiện một cách dã man mệnh lệnh chính trị chỉ có lợi cho giới lãnh đạo cấp cao, tùy tiện tước bỏ các quyền cơ bản của con người một cách phi pháp. Điều này khiến nhiều người cảm thấy tài sản và sự an toàn cá nhân của họ không được đảm bảo, khiến nhóm người giàu vô cùng bất an, và không tin tưởng vào sự điều hành của ĐCSTQ trong tương lai. Để có được môi trường sống có tôn nghiêm hơn và đảm bảo pháp quyền cho bản thân và con cháu, họ quyết định di cư ra nước ngoài.

Giáo sư Tạ Điền từ Trường Kinh doanh Aiken, thuộc Đại học Nam Carolina, nói với The Epoch Times rằng cư dân mạng ở Trung Quốc Đại Lục ước tính, ít nhất 3.000 – 5.000 người đã bỏ trốn khỏi Thượng Hải. “Ngay sau khi chính sách zero COVID tại Thượng Hải kết thúc, sân bay đã chật kín người chạy trốn khỏi Thượng Hải.”

“Bởi vì họ nhận ra rằng tài sản của họ mong manh như thế nào khi đối mặt với quyền lực. ĐCSTQ có thể tước bỏ quyền tự do cá nhân, sinh kế cơ bản và quyền con người của họ, chỉ đơn giản bằng một chính sách phòng chống dịch. Nhiều người sẽ thực sự chạy trốn khỏi Trung Quốc vì chính sách zero COVID.”

Ông nói rằng chính sách zero COVID đã khiến nhiều công ty phải đóng cửa, các đơn hàng nước ngoài và dây chuyền công nghiệp chuyển sang các nước khác. “Các công ty phát hiện ra, sau khi họ có thể bắt đầu sản xuất trở lại, các đơn hàng đã biến mất. Một số người đã rời khỏi Trung Quốc vì điều này.”

Ông Đường Tịnh Viễn cho biết, ngay từ năm 2019, lượng người di cư khỏi Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục, làn sóng trốn khỏi nước này lần đầu tiên lên đến đỉnh điểm. Khi đó ít nhất 15.000 người giàu đã chọn di cư ra nước ngoài. So với con số thống kê khoảng 10.000 người của năm 2016, mức trên đã tăng lên 30%.

Trong năm 2014, Hurun Global Rich List (Bảng xếp hạng giàu có của Rupert Hoogewerf) ở Đại Lục đã thực hiện một cuộc khảo sát xã hội về những người giàu di cư. Cuộc khảo sát cho thấy chất lượng giáo dục, ô nhiễm môi trường và an toàn thực phẩm là 3 động lực chính thúc đẩy di cư.

Tuy nhiên, sau khi đại dịch bùng phát, kể từ cuối năm 2019, nền kinh tế Đại Lục bị thiệt hại nặng nề. Đồng thời, ĐCSTQ lại đề xuất theo đuổi con đường “thịnh vượng chung”, điều này đã làm dấy lên mối quan tâm lớn trong giới giàu có, về sự quay trở lại của mô hình công tư hợp doanh.

Phía sau dòng tài sản chảy ra nước ngoài
Với cuộc di cư của người dân, một lượng lớn người giàu đã chuyển tài sản của họ ra hải ngoại thông qua đầu tư, mua tài sản hoặc ủy thác ra nước ngoài.

Theo báo cáo hàng năm của Hiệp hội Bất động sản Quốc gia Hoa Kỳ, khách hàng Trung Quốc giữ vị trí số 1 trong số khách hàng nước ngoài về doanh số bán nhà ở tại Mỹ, với 6,1 tỷ USD, xu hướng này vẫn tiếp tục kể từ năm 2013.

Gần 60% khách hàng Trung Quốc (58%) đã mua nhà hoàn toàn bằng tiền mặt. Giá mua trung bình của người mua Trung Quốc chỉ hơn 1 triệu USD, trong đó gần 1/3 khách hàng (31%) mua bất động sản ở California.

Giáo sư Tạ Điền nói rằng trên thực tế, không chỉ ở California, mà còn ở miền đông Hoa Kỳ, ở New Jersey, New York, Connecticut và những nơi khác, cũng như ở Vancouver, Canada, v.v., rất nhiều người Trung Quốc đều mua nhà bằng tiền mặt.

Ông cho biết, trong số tiền này không thiếu các khoản thu nhập đen của các quan chức tham nhũng, kiếm được nhờ quyền chức, hoặc tham ô. Sự biến mất của các khoản tiền gửi tại các ngân hàng tại các làng và thị trấn Hà Nam, thực chất là một âm mưu của các nhà quản lý cấp cao và chính quyền địa phương, lợi dụng việc giám sát ngân hàng yếu kém, để cướp đoạt tiền của người dân và bỏ trốn.

Ông biết được thông tin nội bộ rằng một ngân hàng thôn trấn có số tiền gửi lên tới 40 tỷ nhân dân tệ (NDT, khoảng 5,87USD) đã sử dụng 20 tỷ NDT để hối lộ các quan chức cấp cao của ĐCSTQ, tất cả đều là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, hoặc người nhà của họ.

Ngoài ra, còn có hơn 10 tỷ NDT (khoảng 1,5 tỷ USD) đã được dùng để hối lộ các quan chức chính quyền địa phương, cuối cùng chỉ còn lại vài chục tỷ NDT, và hoàn toàn không thể trả lại 40 tỷ NDT tiền gửi ngân hàng. Sau khi những quan chức tham nhũng này lấy được tiền, hầu hết chúng sẽ được chuyển ra nước ngoài.

Ông nói: “Một ví dụ khác là việc Ngân hàng Thâm Quyến rút tiền hàng loạt. Chúng tôi nhận thấy rằng hiện tượng ngân hàng này rút tiền hàng loạt cũng là do tiền gửi của họ bị đánh cắp, hoặc bị biến thành các sản phẩm quản lý tài sản.

Người gửi tiền trong các doanh nghiệp trung ương hiện không thể rút tiền. Phía sau những khoản tiền khổng lồ này, tôi tin rằng rằng chúng đã không còn ở Trung Quốc. Nhiều khoản đầu tư giả mạo thông qua các ngân hàng ngầm và các phương thức khác đã được chuyển ra nước ngoài.”

TQ: Video biểu tình lớn ở Hà Nam vì nhiều ngân hàng ngừng dịch vụ cả tháng

Giáo sư Tạ Điền tin rằng nhiều công ty bất động sản là “găng tay trắng” rửa tiền của các quan chức cấp cao của ĐCSTQ.

“Chủ nhà đã trả tiền thế chấp nhà, ngân hàng đã lấy tiền, nhưng chủ đầu tư lại không có tiền hoàn thiện nhà, thì tiền đã đi đâu? Trên thực tế, chủ đầu tư, ngân hàng và chính quyền địa phương đã âm mưu cướp đoạt chúng. Ví dụ, Evergrande chỉ có tài sản vài trăm tỷ nhân dân tệ, nhưng nợ mà họ phải trả cao tới 2.000 tỷ NDT. Số tiền này đã đi đâu?”

Ngành bất động sản Trung Quốc đối mặt với làn sóng vỡ nợ
Một nguồn tin từ Open Magazine của Hồng Kông chỉ ra, vào tháng 12/2002, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) tại Thụy Sĩ đã phát hiện một quỹ vô thừa nhận trị giá hơn 2 tỷ USD.

Sau đó năm 2005, cựu chủ tịch của Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) chi nhánh Hồng Kông là ông Lưu Kim Bảo (Liu Jinbao, bị kết án tử hình nhưng hoãn thi hành) tiết lộ trong tù rằng số tiền này được ông Giang Trạch Dân chuyển đi vào thời điểm trước thềm Đại hội 16 ĐCSTQ để chuẩn bị trước đường lui cho mình. Đây chỉ là một phần nhỏ của nguồn tài sản tham nhũng khổng lồ mà gia đình Giang Trạch Dân vơ vét được.

Thông tin cũng chỉ ra không chỉ gia đình họ Giang, nhiều quan chức cấp cao của ĐCSTQ như Mạnh Kiến Trụ – cựu Bí thư Ban Chính pháp Trung ương, hay Hàn Chính – Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị hiện nay… đều có nguồn tài sản khổng lồ ở nước ngoài.

Cháu trai Giang Trạch Dân “im lặng phát đại tài” như thế nào?
Nhà kinh tế Ngô Gia Long (Wu Jialong) của Đài Loan gần đây đã đăng trên Facebook của mình rằng vì Mỹ và châu Âu điều tra rửa tiền và trốn thuế nên gây áp lực lên các ngân hàng Thụy Sĩ, hệ quả buộc Thụy Sĩ ký hiệp ước chia sẻ thông tin ngân hàng. Điều này lại trở thành nguy cơ đối với nguồn tài sản phi pháp của giới quyền quý quan to ĐCSTQ có thể bại lộ hoặc thậm chí bị đóng băng.

Ông Đường Tịnh Viễn phân tích rằng những người trong thể chế có sự hiểu biết sâu sắc và kỹ lưỡng hơn về việc “ĐCSTQ đã không có lối thoát.” Do đó, một lượng lớn các quan chức có vợ hoặc chồng và con cái đều đã định cư ở nước ngoài hoặc có quốc tịch nước ngoài, đã xuất hiện.

Trước tiên họ gửi vợ con ra nước ngoài, và sau khi lo liệu mọi chuyện êm xuôi họ sẽ rút lui. Hễ xảy ra sự cố gì, họ có thể ngay lập tức ra nước ngoài chỉ với một tấm vé và rời khỏi “con tàu đang chìm” của ĐCSTQ.

“Cách thức vận hành sự giàu có của họ có thể khác nhau, nhưng xuất phát điểm và động lực đều giống nhau. Họ đều biết rằng chế độ ĐCSTQ là một con tàu đang chìm. Họ đều không có lòng tin, nhưng đều muốn lợi dụng quyền lực hoặc lợi thế tài nguyên của mình kiếm thêm chút tiền”

Làn sóng di cư sẽ đẩy nhanh cuộc khủng hoảng xã hội của Trung Quốc
Ông Đường Tịnh Viễn phân tích rằng trong ngắn hạn, việc di cư tập thể của các nhóm người giàu sẽ lấy đi rất nhiều của cải trong một khoảng thời gian rất ngắn. Việc chuyển giao nhanh chóng các tài sản ngoại hối rất nhanh sẽ tác động trực tiếp đến hệ thống ngoại hối của ĐCSTQ, thậm chí gây nguy hiểm cho an ninh ngoại hối của ĐCSTQ và làm lung lay nền tảng ngoại hối.

Xét về trung hạn, nếu tình trạng“thất thoát tài nguyên” xảy ra trên quy mô lớn, cơ sở của cải xã hội mà người dân Đại Lục có thể chia sẻ sẽ giảm xuống. Với sự dịch chuyển tài sản ồ ạt, cơ hội đầu tư và việc làm cho các doanh nghiệp Đại Lục cũng sẽ giảm nhanh chóng. Kết quả tất yếu là khoảng cách giàu nghèo ở Đại Lục sẽ tăng lên.

Về lâu dài, tình trạng chảy máu chất xám của các nhóm chủ chốt sẽ dẫn đến sự thiếu hụt nguồn lực đổi mới và trí tuệ trong toàn xã hội, sự phát triển của xã hội sẽ bị hạn chế đáng kể, thậm chí là suy giảm.

“Nếu của cải và nhóm tri thức tinh hoa của một xã hội mất đi, cũng đồng nghĩa với xã hội đó sẽ khủng hoảng trầm trọng. … Sự ra đi của lực lượng trụ cột trong xã hội, ngược lại góp phần đẩy nhanh cuộc khủng hoảng xã hội này, nên sẽ hình thành một vòng luẩn quẩn như vậy, mà theo tôi là tác động lớn nhất,” ông Đường Tịnh Viễn nói.

Bình Minh (t/h)
nguồn trithucvn.org.

No comments:

Post a Comment