Thursday, August 13, 2020

Rầu thúi ruột

Thế là ông đã được về nhà. Sáu năm, ba tháng và thêm mấy ngày lẻ tù đày kể từ một buổi chiều tháng sáu năm 1975, các sĩ quan quân đội và công chức của chế độ miền Nam phải ‘trình diện học tập’ theo lệnh của Ủy ban Quân quản.

Con ông chở ông và một người bạn là sĩ quan Thủy quân lục chiến đến trường tiểu học Nguyễn Tri Phương. Đến cổng trường, hai chiếc xe gắn máy dừng lại, ông bước xuống rồi tháo chiếc đồng hồ Seiko Five, vốn được ông mua tại phi trường Tokyo trong chuyến tu nghiệp về từ Mỹ mấy năm trước, khỏi cổ tay rồi đưa cho con. Người con trai lẳng lặng đeo vào tay mình. Thế là trên người ông không còn vật gì đáng giá ngoài chiếc nhẫn cưới mỏng mảnh làm bằng vàng 18K và chiếc túi vải khoác vai, trong có vài bộ quần áo, ít thức ăn.

Ông nói với người bạn tháo chiếc đồng hồ để con mình đem về hộ giao lại gia đình bạn. Người bạn gạt phăng: “Học mươi hôm rồi về! Chẳng có gì đâu!” Chỉ 24 giờ sau, chiếc đồng hồ Omega “Người nhái” đã được cán bộ giữ giùm và không bao giờ trở về với người bạn của ông. Phải! Chẳng có gì! Có điều là người bạn của ông phải học đến hơn mười năm chứ chẳng phải mười ngày.

o0o

Cả gia đình mừng rỡ khi thấy ông bước vào. Có tiếng đứa con gái hét lên: “Bố về!” Tiếng hét như một dòng điện truyền nhanh và những bước chân chạy rầm rầm từ trên sàn gác, từ sau bếp ùa ra phòng khách.

Ông có một bầy con đông đúc và chúng chen nhau để ôm và hôn ông. Có tiếng mừng reo vui nghẹn ngào dòng lệ. Ông bồi hồi hôn lên tóc, lên trán hoặc lên má của từng đứa một.

Hai nghìn ba trăm ngày ông chưa được ôm hôn chúng nó. Bóng hình và tình thương của chúng nó đến với ông qua những lọ thức ăn, những viên thuốc của những lần ông được vợ ông mang đến khi có dịp “đi thăm nuôi”. Bà chắt chiu từng hạt nếp, hạt gạo, hạt đậu, miếng thịt, thỏi đường, . . . và làm thành thức ăn khô để khi có dịp đi thăm là mang lên cho ông.

Bà đang đứng dựa vào góc tường và nhìn hạnh phúc nở trên từng khuôn mặt thân yêu và lan tỏa trong căn nhà nhỏ cũ kỹ. Ông lơi tay ôm các con và nhìn về phía bà. Có đứa con gỡ chiếc giỏ đệm đan bằng lát khỏi khủy tay ông. Bà nở nụ cười nhẹ, chớp mắt và đôi mắt đỏ hoe lên. Chiếc áo ngắn tay có nền những cánh hoa màu tím nhạt làm nổi bật làn da trắng xanh xao trên cánh tay của bà. Cánh tay gầy và gương mặt xương xương mà ông nhớ hằng đêm.

Ông bước vội đến gần bà, đưa tay đỡ lấy gương mặt bà, hai bàn tay áp vào má, những ngón tay chạm vào đôi tai và những sợi tóc xám bạc phía sau gáy. Ông kéo nhẹ đầu bà cúi thấp xuống và đặt môi hôn nhẹ lên trán, nơi những nếp nhăn xuất hiện nhiều sau ngần ấy đêm xa ông thao thức.

Bà đón nhận nụ hôn rồi nắm hai bàn tay đen đúa, chai sạn và sần sùi của ông trong hai bàn tay gầy và nổi những sợi gân xanh của bà. Bà nói: “Quang! con lên thỉnh chuông để bố con thắp nhang trình báo ông bà. Đứa nào chuẩn bị nước cho bố tắm rồi dọn cơm”.

Trông bà vẫn trầm tĩnh, nhẫn nại và có vẻ thản nhiên nhưng ông biết, có bóng dáng ông trong nhà, nhịp đập trong trái tim bà đã thôi vội vã, sẽ đập nhẹ nhàng và hiền hòa lại như đã trở về trong sự nương tựa bên ông từ bao nhiêu năm nay.

o0o

Những buổi tiếp bà con lối xóm đến thăm hỏi đã qua. Ông sống rất chân tình nên mọi người trong xóm cũng yêu mến ông. Họ dành cho ông sự quý trọng đúng mực vì khi còn là người sĩ quan cấp tá trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), ông luôn tươi cười, chào hỏi thân ái đến mọi người và cả những người đàn ông láng giềng mà cấp bậc chỉ là hạ sĩ quan.

Dường như không phải ông là người lính ác ôn bị chế độ mới gọi một cách miệt thị là “ngụy”. Dường như không phải ông bị đi học tập cải tạo ngần ấy thời gian. Ông chỉ vừa đi xa khỏi xóm ít ngày và nay trở về. Những ngày bảo con chở đi thăm bạn hữu, họ hàng thân thuộc đã qua. Đa phần bạn trong quân ngũ tương đương cấp bậc với ông thì vẫn còn bị lưu đày trong các trại tù suốt từ Nam ra Bắc, bạn ngoài dân sự thì sự đổi đời cũng đã khiến cuộc đời họ thay đổi. Người thì co lại và cố sống lặng lẽ với số tài sản còn giữ được. Người thì thích nghi nhanh với đời sống mới và vẫn ‘làm ăn’ được. Ông không gặp được một số người. Nghe nói có người đã về vùng kinh tế mới; có người đã mang gia đình vượt biên. Và bây giờ, trước mắt ông là những ngày khó khăn chờ đợi.

Chẳng mấy người sống thanh liêm như ông. Thời chiến tranh, bom đạn khắp nơi. Ai cũng sợ chết và ai cũng cố kiếm lợi khi có chút quyền hành. Chiếc ghế ông ngồi tại một cơ quan trực thuộc Bộ Quốc Phòng đã khiến bao kẻ thèm thuồng vì là chiếc ghế gắn đầy những quyền lợi.

Nhưng chỉ ngồi và kiếm chác mà không làm được việc thì cũng sẽ ra chiến trường hay chí ít thì cũng về các tỉnh. Ông đã từng rời bỏ chiếc ghế đó vì bị ganh ghét và nhận một công việc nhàn hạ hơn mà rồi cũng phải quay về nhận lại chỉ sau ba tháng khi người thay ông với nhóm nhân viên tăng cường đông nhiều lần hơn vẫn không thể hoàn thành công việc.

Ngồi trên chiếc ghế được ví như nạm vàng hoặc cẩn kim cương đó, ông lại giúp người khác nhiều hơn và không cần đòi hỏi tiền bạc hoặc đổi chác gì cả. Ông giúp vì hoàn cảnh của họ đáng được giúp. Có lẽ sự hay giúp người đã tạo phúc cho ông. Ông chỉ học tập ở phía Nam, trong các trại “cải tạo” ở miền Đông: Suối Máu, Bù Gia Mập, Minh Hưng . . .

Ít nhất đã ba lần, vào lúc nửa đêm, ông đột ngột bị gọi tên và chuẩn bị hành lý để chuyển trại để rồi khi những người khác lần lượt bước lên xe làm chuyến đi trong đêm vô định, còn ông lại sót tên ngồi một mình giữa sân và lại quay về lán trong sự mừng rỡ của các bạn. Bạn bè đưa lại cho ông những thứ mà ông khi chuẩn bị đi đã đưa cho họ và thì thầm: “Ông may mắn đấy! Nghe nói chuyến đó ra Bắc.”

Trong trại, ăn uống cực khổ và thiếu thốn như thế, làm việc nặng nhọc, bị sỉ nhục tinh thần, thương nhớ người thân và tinh thần bị giằng xé bởi những quyết định trong những ngày cuối của cuộc chiến, ông vẫn không bị bệnh tật đe dọa. Nhờ quen ăn uống đạm bạc và điều độ nên ông chịu đựng được những cơn đói triền miên hành hạ. Những cơn đói hoa mắt váng đầu khiến con người ta nếu không đủ nghị lực dễ đánh mất danh dự.

Có lần ông còn thoát chết khỏi tai nạn lao động. Những cây to trong rừng phải đốn chặt chỉ bằng sức người và dao rựa và không có sự bảo vệ nào. Những cái chết thảm đến với các sĩ quan VNCH trong thời gian đi cải tạo như là sự phó mặc cho tự nhiên. Cái tàn ác của Cộng sản chính là sự phó mặc mang vẻ tự nhiên đã được sắp đặt. Chết vì buồn phiền, chết vì lao lực, chết vì đói, chết vì bệnh tật không có thuốc trị, chết vì thú dữ, vì lao động không được bảo hộ, . . . Lần ấy cả thân cây to đổ ập xuống về phía ông đứng, mọi người hét lên, ông bỏ chạy. Nhưng lúc ấy vì quá sợ ông lại chạy trong chiều cây đang đổ xuống. Đột nhiên, ông nhớ lại, dường như có một sức mạnh vô hình kéo ông ngã văng sang một bên.

o0o

Ông cố tìm sự tĩnh lặng trong đời sống bằng mỗi buổi sáng cùng vợ đi dạo công viên. Trong làn gió sớm ông nhớ lại quãng thời gian hơn ba mươi năm làm lính. Từ Bắc vào Nam, từ một người lính khinh binh trẻ tuổi đến vị trí người sĩ quan nhiều lần tham dự các cuộc họp liên quan đến vận nước, đời binh nghiệp của ông kết thúc trong cái khóa tay uất hận và cùng bao đồng đội ngồi đếm niềm đau thân phận từng đêm giữa núi rừng rét lạnh. Vợ ông sức ngày càng yếu. Bà như một người đã cố kéo căng hết sức mình để vượt qua những trở ngại và kiệt lực khi hoàn tất. Ông khuyến khích bà đi bộ mỗi sáng cho khỏe và dấu sự lo lắng về cuộc sống vào sự tập trung chăm sóc bà.

Ông cố đi tìm việc để đỡ đần cho con cái. Cuối cùng, một người bạn nhường một phần công việc kế toán cho các tổ hợp gia công trong Chợ Lớn cho ông. Ông phấn khởi đi làm dù thu nhập không nhiều. Ông nhủ thầm: “Thế là tốt lắm rồi.” Công việc giúp ông thoát được cảm giác vô dụng và những giờ ưu tư đè nặng tâm hồn. Cái ý nghĩ là trụ cột cho gia đình luôn thúc dục ông phải bước tới dù con ông nhiều đứa đã trưởng thành. Mười năm qua chúng đã chẳng làm rất tốt đấy sao?

Một buổi sáng như thường lệ, ông và bà đi bộ về. Các con pha trà và gọi quà sáng cho ông ăn. Bát phở vào dạ dày chưa được bao lâu, một cơn đau bụng khủng khiếp đột nhiên bùng phát. Ông bổ nhào người khỏi chiếc ghế salon đang ngồi, xuống nền gạch bông và quằn quại. Các con hoảng hốt chạy đến đỡ ông dậy rồi vội vã đưa ông vào bệnh viện Nguyễn Văn Học. Các bác sĩ đến khám nhưng không biết ông bị bệnh gì và ông lại tiếp tục chịu đựng những cơn đau xé người. Ông chợt nghĩ đến cái chết. Phải chăng sau ngần ấy năm bị đày đọa ông phải nhận kết quả sau cùng cho cuộc đời mình trong đớn đau như thế này? Hốt nhiên ông lại nghĩ đến bà và tiếc nuối.

Một đứa cháu biết tin chạy vào bệnh viện. Ông đã nằm trong đau đớn hơn 5 giờ đồng hồ. Bác sĩ vẫn không có sự chữa trị nào. Đứa cháu nói với con ông:” Phải đưa bác xuống bệnh viện Sàigòn ngay. Để ở đây như thế này thế nào bác cũng chết. Bác sĩ dưới đó toàn là dân ‘quân y’ hồi trước.” Con ông lo ngại “Bác sĩ không cho mang đi.” Thằng cháu quả quyết:” Không cho mình cũng mang. Người nhà của mình mình lo.” Chúng tranh cãi với bác sĩ, y tá rồi mang ông xuống bệnh viện Sàigòn nơi một số bác sĩ của “chế độ trước” còn được lưu dụng vì tài năng.

Ông được cứu sống sau khi mấy ông ‘quân y’ cắt bỏ đoạn ruột bị hoại tử dài 8 tấc. Bác sĩ nói đến chậm một chút là cứu không kịp, nhưng cái bụng của ông sẽ mang vết mổ rất xấu vì không có đủ chỉ khâu. Trong đêm nằm tại phòng hồi sức, phía ngoài hành lang mờ tối các con ông thức trắng và cầu nguyện cho cha được bình an.

Ông được ra khỏi bệnh viện và về nhà. Ông cần ăn uống kiêng cữ một thời gian. Con ông nói: “Bố đừng lo nghĩ nữa. Lần này đúng là ‘rầu thúi ruột’.” Vết thương đang lành nhưng do không có đủ chỉ khâu, chỗ mổ dần dần bị căng ra và lồi lõm. Đoạn phía dưới rốn lồi ra thành một cục to tướng khiến ông mặc quần khó khăn. Ông tặc lưỡi: “Đành chịu xấu vậy thôi”.

o0o

Ông mang bầy con sang Hoa Kỳ định cư theo diện H.O. dành cho các sĩ quan bị “cải tạo”. Khi đi khám sức khỏe các bác sĩ đã hốt hoảng khi nhìn thấy vết mổ. Họ năn nỉ ông cho họ khâu lại vì toàn bộ phần nội tạng chỉ còn có lớp da mỏng che chở và họ không biết lúc nào thì vết khâu sẽ rách bung ra và toàn bộ ruột gan của ông sẽ đổ hết ra ngoài. Trong tuần kế tiếp ông đã đến bệnh viện để bác sĩ khâu lại bằng dao laser. Không một giọt máu chảy, vết mổ mảnh như một sợi chỉ vắt trên da và sau khi nằm nghỉ một tiếng ông thư thái ra về.

Vết thương đời đã kết thành sẹo vô hình trong tâm hồn hay gồ ghề xấu xí trên thân thể đã là bằng chứng của cuộc đời ông gắn liền với các biến cố của đất nước. Thỉnh thoảng, nhìn vết sẹo dài còn lưu trước bụng, ông thầm nhớ những buổi sáng đi bộ cùng vợ. Ông vẫn giữ thói quen ấy mỗi sáng. Một mình. Chỉ một mình lặng lẽ bước trên những con đường vắng và rợp mát. Bà đã không còn để cùng ông dạo sáng nữa, vì một căn bệnh nan y, đã vĩnh viễn yên nghỉ lại với quê hương, trước ngày ông mang con ra đi, đã như niềm đau chôn chặt vào tim khôn nguôi. Dù thời gian có thu nhỏ nó lại mảnh mai như sợi tơ đi nữa, vẫn tồn tại nơi ông đến cuối đời.

Lê Khánh Long

No comments:

Post a Comment