CHUYỆN VƯỢT BIỂN CỦA TÔI
Các bạn tôi;
Chuyên vượt biển năm nào nếu kể đầy đủ sẽ quá dài dòng nên tôi chỉ cắt cho gọn lại để hồi đáp thắc mắc mới đây của các bạn. Tôi xin lướt nhanh qua những đặc điểm hãy còn dính chặt trong đầu, nhớ đâu viết đấy mong các bạn hiểu cho!
Tôi bị rớt lại lần đầu đi chung có cả vợ con, rớt lai cũng là lỗi của tôi vì ông anh Trưởng Ty Quan Thuế Tân Châu, Châu Đốc là ân nhân chung của mọi người tham gia chuyến đi. Anh là chỗ quen biết rất thân tình của chúng tôi từ nhiều năm trước. Anh ấy trình diện ở Sài Gòn, chỉ bị đi cải tạo không lâu lắm và từ đó anh không dám đi xa vì sợ có người nhận ra gốc gác Quan Thuế lâu năm của anh. Anh là người rất thân với gia đình người bạn như anh em ruột thịt của tôi là một thổ địa tại Rạch Giá. Anh cựu Trưởng Ty QT và bạn tôi đã có kế hoạch hợp tác vượt biển từ khi tôi còn trong cải tạo. Chuyến đi chỉ đóng khung trong phạm vi thân nhân trong gia đình.
Khi tôi được ra cải tạo, kế hoạch ấy đang ở giai đoạn chót. Anh bạn tôi kèm gia đình tôi vào để tiếp tay cùng anh với sự đồng ý của anh Quan Thuế. Coi như từ đó mọi tính toán đều do bạn tôi và tôi trực tiếp ứng phó tại địa phương và anh QT thỉnh thoảng chỉ nhắn người nhà hỏi thăm mức độ tiến triển thôi. Anh QT nằm ở SG hoàn toàn trông mong vào sự sắp xếp của chúng tôi.
Chỉ mấy ngày trước khi ra đi, gia đình anh QT mới từng người có mặt tại RG. Anh QT được chúng tôi đưa anh đích thân xem xét con tàu và đích thân anh thỏa thuận cách thức "giao, nhận" thanh khoản giữa anh và chủ tàu. Khi chúng tôi lên được tàu sẽ viết vài chữ xác nhận để một người khác sẽ giao thanh khoản ấy cho chủ tàu còn ở lại, chưa tính ra đi.
Anh QT yêu cầu chúng tôi cho anh biết mọi chi tiết cách thức dự trù đưa mọi người từ nhà ra lên tàu như thế nào? Chúng tôi sẽ có 3 vỏ đuôi tôm từ 3 địa điểm khác nhau để đưa mọi người từ điểm tập trung để ra điểm hẹn lên tàu. Tàu sẽ đợi toán khách cuối cùng tại một địa điểm cách bờ 5 km, ngoài khơi cửa con rạch Thứ 9 rưởi, cách Hòn Rùa chừng 10 km.
Bạn tôi và tôi cùng người chủ tàu đi trên vỏ 1, sẽ đón con tàu từ lúc rời Bến Cảng, tàu ghé đồn công an biên phòng trình giấy tờ đi đánh cá như thông lệ. Sau khi tàu trình giấy tờ xong, tàu hướng ra khơi, chúng tôi sẽ chạy bên cạnh con tàu và đến khi thuận tiện chúng tôi sẽ lên tàu và anh chủ tàu sẽ trở về nhà với tờ giấy xác nhận của chúng tôi đã lên tàu an toàn.
Vỏ 2 gồm các phụ nữ và trẻ em, sẽ rời khỏi nhà từ chiều hôm trước, đi dọc sông cán gáo đến cửa rạch Thứ 9 rưởi trong đêm và chờ sáng hôm sau sẽ ra điểm hẹn đón tàu lớn.
Vỏ 3 sẽ khởi hành từ bến đò đi Miệt Thứ, cũng di chuyển theo kinh cán gáo để đến thứ 9 rưởi và sẽ ra điểm hẹn trễ lắm là 5 giờ chiều. Vỏ 3 có anh QT và 4 cháu nhỏ khác ở lứa tuổi học sinh tiểu học. Sở dĩ sắp đặt để anh QT đi vỏ 3 là vì địa điểm xuống vỏ 3 là một bến đò, đông người lên xuống đò, không ai để ý gì nhau cả. Anh QT xuống vỏ từ nơi ấy sẽ rất thuận tiện cho một người xa lạ như anh. Sau khi lược thuật chi tiết ráp nối với tàu anh QT hoàn toàn đống ý.
Khi hành đông, vỏ 2 gồm đàn bà và trẻ con đã ra đi từ buổi chiều ... Tối đó bất ngờ chừng 11 giờ đêm, anh QT đạp xe đến gặp cá nhân tôi và đề nghị tôi để cho anh đi vỏ 1 và tôi đi vỏ 3. Tôi cho anh biết nếu anh đi vỏ 1 rất đề bị công an nghi ngờ và phát hiện vì anh là người lạ mặt. Bởi vì công an giả dạng đủ loại thường dân có mặt dày đặt ở bến cảng và dọc 2 bên lộ trình ra khơi. Rất nhiều người lạ đã bị công an bắt khi vượt biên bằng lối đi bất cẩn đó. Anh QT vẫn nhứt quyết đòi thay thế tôi. Tôi mềm lòng, đồng ý cho anh thay thế là vì tôi nghĩ anh là người trả mọi chi phí cho chuyến đi, coi như anh góp của và tôi cùng bạn tôi chỉ là người góp công ... nên tôi bằng lòng cho anh hoán đổi.
Sáng sớm ngày mai, anh QT đã đi trên vỏ 1 và đã lên tàu y như dự trù không có gì trở ngại cả. Vỏ 2 là an toàn nhứt vì người lái vỏ là người địa phương thứ 9 rưởi nên không thể nào ráp nối sai lạc được.
Riêng vỏ 3 của tôi cùng với 4 em ăn mặc y hệt học sinh địa phương, xuống vỏ, di chuyển không có gì bất bình thường cả. Chúng tôi di chuyển dọc kinh cán gáo đến thứ 9 rưởi. Khi sắp ra tới cửa rạch thì trời đổ mưa to và giông gió thật mạnh. Lúc đó đã hơn 3 giờ chiều, người lái vỏ đề nghị đậu lại ở gần cửa rach, chờ bớt giông sẽ ra điểm hẹn còn kịp. Nhưng chờ cả giờ mà mưa giông chưa thấy giảm bớt. Tôi đành quyết phải liều ra khơi... Sóng to đánh chìm vỏ đuôi tôm 2 lần rất gần bờ, chúng tôi tát hết nước lại leo lên đi ra lại ... chạy được chừng 2km .... bổng nhiên vỏ khựng lại ... máy rú lên thật to mà xuồng bất động. Anh lái vỏ cho biết đã bị sút mất chân vịt (propeller) ... Nên không còn cách gì ra điểm hẹn được nữa... Chúng tôi đành chịu thua, bỏ cuộc.
Sóng gió đưa chiếc vỏ vào bờ, tôi dẫn 2 em đi bộ đón ghe xuồng qua lai đi từng chặn để về lại Rach Sỏi và anh lái vỏ giữ 2 em rồi anh vào xóm anh quen mượn được chưn vịt và hôm sau thì anh chở được 2 em về giao cho thân nhân của các em.
Tôi về tới Rạch Sỏi trong đêm, nhờ người quen đi ngang nhà dò xét xem sao? Thấy nhà tôi bị niêm phong bằng miếng gỗ đóng chéo ngang cửa nên tôi lẩn trốn luôn. Vợ con tôi đi lọt được là vì đi trên vỏ gồm toàn phụ nữ và con nít nên tất cả đã lên tàu êm xuôi.
Tôi trốn tránh và phiêu bạt nhiều nơi, không ở đâu lâu quá 3 ngày. Tôi tiếp tục tìm kiếm các chuyến đi khác. Vì còn một mình nên những chỗ quen biết cũng dễ dãi chấp nhận cho một mình tôi. Tôi đi thêm 2 chuyển nữa, đều thất bại: bị người tổ chức gạt, tìm không thấy điểm hẹn quá xa bờ, quá tối. Nhưng cả 2 lần đều may mắn là không bị phát hiện, tôi phải sống thật xa thành phố để chờ cơ hội khác.
Lần thứ 3 nhờ bên chồng chị tôi tổ chức, tôi phụ trách đưa môt số người và trong số nầy có em ruột tôi may mắn vừa được thả từ trại Kà Tum ở Miền Đông. Em tôi về mới được mấy tuần, tôi lôi nó vượt biên theo tôi, nó lo sợ bị bắt dữ hơn tôi nhiều.
Chuyến đi nầy nguy hiểm hơn cả là khi tôi chèo chiếc xuồng tam bản từ trong Kinh Dài ra cửa sông Cái Lớn, đoạn đường dài chừng 3 km thôi, chúng tôi phải chèo xuồng ra giữa sông vì sợ công an đặt trại kiểm soát ở 2 bên bờ sông gần về phia biển. Chúng tôi biết gần cửa biển có một hàng Đáy ở giữa sông nhưng trời tối quá chúng tôi không thể phát hiện từ xa để né tránh.
Cuối năm 78, cả vùng chung quanh Rạch Giá đang bị lụt lội nặng, đoạn đường RS-RG khoảng cầu quay nước dâng cao cả thước, xe cộ không qua lại được. Trên sông cái lớn nước ào ào đổ ra biển. Chúng tôi chèo xuôi giòng, chiếc xuồng lao nhanh không thua gì vỏ đuôi tôm. Trời tối mịt mù, chiếc xuồng ghim thẳng vào miệng đáy, em tôi ngồi bơi trước mũi la lớn " bị vướng vô miệng đáy rồi!" - Tôi chụp vào lưới đang ngay trên đầu tôi, tất cả lớn nhỏ ai cũng nắm lưới giữ cho xuồng dừng lại và chúng tôi cố kéo ngược xuồng về phía sau để xuồng khỏi bị miệng đáy nuốt trọn vào. Chúng tôi kéo mạnh chiếc xuồng đã giựt lùi và khi hông xuồng chạm vào một cột đáy thì may mắn xuồng đã quay ngang và tuột ra ngoài miệng đáy. Chúng tôi đã thoát chết trong gang tất, bởi vì nếu xuồng bị nuốt vào miệng đáy,nó sẽ bị chìm vào túi của đáy nằm sâu mấy thước dưới nước chỉ có chết thảm thôi, vì lưới đan bằng chỉ to, chắc chắn, sức người không thể xé rách nó để chui ra được.
Thoát nạn là vì đó là miệng đáy chót ở phía giữa sông, nếu không phải là miệng đáy chót thì dù chúng tôi đã thoát được miệng 1 thì cũng sẽ chết ở miệng 2 kế tiếp vì chúng tôi đã kiệt sức.
Sau đó chúng tôi chèo ra cửa biển, chợt thấy bó nhang thắp sáng từ một chiếc xiệp đánh cá, chúng tôi chèo thẳng vào chiếc xiệp và đã leo lên được an toàn rất sớm so với các vỏ đưa người lần lượt lên được chiếc xiệp con thoi để ráp nối với tàu đánh cá lớn có đủ sức để vượt biển khơi.
Đợi khá lâu mà còn thiếu 2 chiếc vỏ khác, một trong 2 chiếc đó chở chị tôi và 2 cháu. Chồng chị và 4 cháu nhỏ khác đã lên được chiếc xiệp trung gian. Khi không thể đợi lâu hơn. Chiếc xiệp con thoi đã phải chạy ra điểm hẹn và đã ráp nối với tàu chính cách xa Hòn Rùa ngoài 20 km.
Mọi người phải xuống nằm dưới các hầm tàu. Không ai được ló đầu lên để nhìn thấy đâu cả. Tàu chạy với tiếng máy đều đều ... ai cũng nhanh chóng ngủ ngon vì mệt mỏi và căng thẳng nhiều giờ qua. Khi có người thức giấc mới biết tàu đã chạy được 4, 5 giờ rồi nên cũng mừng thầm và yên tâm hơn. Lâu lâu nắp hầm được hé mở để thoáng khi tràn vào hầm, mọi người được dễ chịu hơn. Nhưng mọi người vẫn không được ló đầu lên để biết bên ngoài ra sao. Tàu tiếp tục chạy đến sáng hôm sau... khi được cho ăn cho uống và thấy ánh sáng chạng vạng tối (chiều hôm sau) .... Tàu cứ tiếp tục chạy .... đến sáng hôm sau nữa, lúc đó các nắp hầm được mở rộng ra và mấy người đàn ông được cho lên boong tàu và khi trở xuống hầm mới biết tin rõ ràng là tàu vừa mới ra hải phận.
Vì hôm qua vợ con tài công tàu đã thất lạc nên tàu chỉ chạy lòng vòng mà không hề chạy ra đại dương, phải đợi một thủy thủ quá giang tàu cá vô đất liền tìm gia đình tài công và may mắn đã tìm gặp và đưa được tất cả lên tàu lúc 9 giờ tối qua. Nếu không đưa được gia đình tài công lên tàu không biết chuyện gì sẽ xảy ra, rất có thể tài công sẽ không chịu ra đi. Mọi người sẽ khó về nhà mà không bị phát hiện.
Rời Rạch Giá 16-10-78, mất 2 ngày 3 đêm tới Pulau Bidong vào ngày 19-10 - 78. Chờ 4 ngày mà Mã Lai không cho lên đảo.
Trên tàu tôi có hai gia đình khá cối cum, gia đình 2 vợ chồng đều là DS là Nguyễn VT và gia đình của người anh rể ông T là BS Trần VH 2 gia đình nầy đều sinh sống ở Sóc Trăng, bạn quen biết với gia đình anh rể tôi cũng ở Sóc Trăng. Hai gia đình nầy đi định cư ở Canada.
Trong 4 ngày nằm trên ghe chờ đợi Mã Lai cho lên trại Pulau Bidong. Bà DS T đã âm thầm giao thiệp sao đó(?) với nhân viên Cao Ủy Tỵ Nạn vào dịp họ đem thức ăn tiếp tế cho tàu tôi mà một mình bà ta được lên trại trên đảo. Đến khi bà được chở trả lại tàu thì bà mô tả trên đảo là một "Địa Ngục Trần Gian" - Người tỵ nạn đông như kiến với con số trên 20 ngàn, có đủ tệ nạn và thiếu thốn đủ mọi mặt. DS T và BS H thuyết phục anh rể tôi để cùng 2 gia đình bà yêu cầu tài công chạy tiếp đến Singapore, sẽ được thoải mái hơn.
Tài công không dám quyết định, hỏi ý kiến tôi? Tôi gạt ngang, giải thích cho anh ta hiểu ý của tôi. Tôi nói với anh chúng ta may mắn được đến đây mà không gặp hiểm nguy hay bất hạnh vì cướp biển gì cả là điều vô cùng toại nguyện, được hưởng phước đức của Ông Bà phù hộ! Tới đây coi như là mình đã được an toàn lọt vô tới cửa thứ nhứt của Tự Do, chịu khó thêm chút nữa rồi tất cả sẽ được đi định cư ở một nước khác. Tôi nói trên đảo dù khó khăn hay khổ cực cách mấy cũng có Cao Ủy Tỵ Nạn, có mặt thường trực tại trại để giúp đỡ mọi người. Nếu đi thêm nhỡ gặp chuyên gì không may sau đó hối hận thì cũng đã muộn, chi bằng đừng mạo hiểm gì hơn. Vì tuy Singapore không xa nhưng mình chạy tàu ra đi thì mọi chuyện xảy ra đều ngoài tầm tay của chúng tôi. Tôi kết luận các anh đi tôi sẽ nhảy xuống biển lội vô bờ!
Tài công chưa đồng ý chạy xuống Singapore, 2 ngày sau có 4 chiếc tàu tỵ nạn mỗi chiếc 3, 4 trăm người tấp vào Pulau Bidong. Tới phiên anh rể tôi, em tôi, các cháu tôi nài nỉ tôi hãy đồng ý để anh tài công chịu nhổ neo đi tiếp xuống Singapore.
Tôi thật khó nghĩ vì gia đình anh rể tôi có 4 con còn nhỏ, em, cháu thêm gần chục mạng mà chị tôi đã bị lọt lại quả là khó khăn cho anh rể tôi nếu không có tôi và em tôi bên cạnh. Chiều tối đó, tôi tới gặp anh tài công, nói cho anh biết là tôi "đồng ý" đi tiếp đến Singapore.
Hơn 9 giờ đêm, chúng tôi nhổ neo chạy ngược về hướng Việt Nam, hơn một giờ chúng tôi đổi hướng đông nam đề hướng đến Singapore. Chừng 15 phút sau thì 2 tàu Hải Quân Mã pha đèn, phóng loa kêu tàu stop và ép sát 2 bên hông tàu tôi. Một sĩ quan và mấy lính thủy nhảy sang tàu tôi, ghìm súng vào chúng tôi, lúc đó mọi người đã tự động chui hết xuống hầm tàu.
ông sĩ quan hỏi có ai nói tiếng anh không?
Tôi trả lời "I can speak some English"-
- Who is the Captain?
- No one Captain sir!
(*Tôi trả lời no captain là vì tôi chỉ hiểu captain là Đại Úy)
- Who is steering the boat?
- This man sir! ( Tôi chỉ anh tài công là người lái tàu)
- So, he is the captain of the boat.
Sau đó ông sĩ quan nói với tôi chỉ có tôi và anh tài công được ở trên boong, còn các thủy thủ phải xuống hầm. Có thêm một sĩ quan khác vừa nhảy qua tàu tôi, anh ta gỡ ngay 2 cái la bàn, lớn và nhỏ của tàu tôi.
SQ1 ra lịnh phải đợi tới 2 giờ sáng mới được chạy theo hướng Bắc. Nếu chạy trước 2 giờ radar sẽ phát hiện và anh ta sẽ bắn chìm tàu.
Tôi nói, Yes sir! -We will do exactly your order!
But without the compass we won't know the direction.
Please give back our compass!
Hai vị SQ nói chuyện với nhau bằng tiếng Mã và anh SQ2 đã trả lại la bàn nhỏ cho tôi. Trước khi ra đi ông SQ1 còn lập lai " 2 am remember that." Yes Sir! Thank you so much!
Tôi yêu cầu không cho ai ngoài thủy thủ lên boong để tôi và anh tài công dễ dàng quyết định hơn.
Đúng 2 giờ sáng, tôi coi la bàn (nhờ chút Thủ Đức huấn luyện) xoay la bàn, kim chỉ hướng Bắc để anh tài công chạy hướng VN. Chạy chừng 1 giờ tôi nói cho anh tài công đổi hướng 120, chạy thêm 1 giờ nữa, tôi lại đổi hướng 180 ghim thẳng vào bờ Mã Lai. Tôi nghĩ chắc còn nằm bên ranh giới Mã Lai nhưng chắc cũng rất gần về phía Singapore. Gần 6 giờ sáng, anh thủy thủ nằm sát xuống mũi tàu báo cho chúng tôi biết đã thấy bờ, bóng đen nhô lên cao dần.
*Kuantan Beach
Đến khi còn cách bờ chừng 1km, tôi nói anh tài công cho mở hết ga, cố ý cho tàu trườn mạnh lên bờ. Khi tàu dừng lại gần nửa thân tàu đã phơi mình trên bãi cát. Tôi nói các thuỷ thủ phá hư mọi máy móc, tháo vòi cho dầu nhớt chảy hết ra khỏi máy. Nếu máy còn chạy được e rằng họ sẽ kéo tàu xuống nước để hộ tống mình ra khỏi hải phận của họ không chừng?
Mọi người với chút hành trang tế nhuyễn, vội nhảy khỏi tàu và tập trung trên bãi cát. Tôi yêu cầu mọi người hãy cùng tụ họp tại nơi nầy, không ai được tự động đi xa. Hãy chờ chánh quyền địa phương đến tiếp nhận chúng ta vì chúng ta đã vào nước họ bất hợp pháp!
Mọi người nằm ngồi la liệt trên bãi cát, nhiều người ngủ say vì quá mệt mỏi. Xa xa có vài cư dân xuất hiện nhưng họ đứng cách xa chúng tôi cả trăm thước. Có vài người trong chúng tôi bước gần về phía họ định gợi chuyện xem sao? Nhưng người địa phương họ sợ, họ lùi xa hơn, tôi vội gọi người mình đừng tới gần họ, sợ gặp rắc rối vì ngôn ngữ bất đồng.
Đợi đến hơn 8 giờ sáng, mới thấy một xe cảnh sát hú còi chạy nhanh, thắng gấp cách nhóm chúng tôi vài thước. Họ nhảy xuống súng dài cầm tay ở tư thế sẵn sàng tác xạ. Họ gồm có một sĩ quan và hơn 10 cảnh sát mặc quân phục rằn ri giống như cảnh sát dã chiến bên mình. Vị sĩ quan đứng giữa nhóm chúng tôi.
Who is captain?- Bà Dược Sĩ T bước tới trước nhanh nhẩu đáp -"I am!" - Một anh lính cảnh sát nhào tới chỉa mũi súng vào mặt bà, bà ta lùi trở lại đám đông, mặt mày tái nhợt! Tôi đứng cách vị sĩ quan CS không xa mấy, tôi lên tiếng- "She is a pharmacist, not the captain"- (*Nhờ chuyện "captain" ở trên tàu tối qua mà tôi biết chữ captain có nghĩa là NGƯỜI LÁI TÀU là người tài công tàu, nên tôi nói Bà T không phải là tài công.)
Ông sĩ quan CS quay qua tôi hỏi: "Who is the captain of the boat?"- Tôi chỉ anh tài công -"He is the man steering the boat." - Anh cảnh sát chĩa mũi súng vào Bà T hồi nãy giờ quay súng vào bụng anh tài công. ông SQ hỏi anh tài công -"Are you the captain ?" - Tôi nói ông ta hỏi anh có phải tài công không? - Anh tài công gật đầu.
Ông SQ nói tiếng Mã với nhóm lính CS, họ chia phân nửa leo lên tàu và phân nửa ở lại với ông SQ, ông ta rảo bước nhìn từng đàn ông đang đứng thành 1 vòng cung. ông SQ đưa tay gọi tôi bước theo ông ta ... ông nhìn tới ai, tôi liền cho ông ta biết vị thế xã hội của người đó. Mấy anh thủy thủ của tàu thì tôi gọi là "Fisherman"- Tôi giới thiệu BS H là "Army Medical Doctor, Captain", Bà T là "Pharmacist"; ông T là "Army Pharmacist, Lieutenant"; 1 Đại Úy Trần Hoàng L Bộ Binh là Infantry captain; 2 Thiếu Úy là "Army Infantry Sous Lieutenant". Ông SQ chỉ vào tôi ...And You? - I'm Army officer, Sous Lieutenant, also public servant, Graduated Public Administration from National Administration Institute SaiGon.
ông SQ bắt tay tôi - How many years in Re-education camp- 3 and half- You're lucky now!
Ông ta chỉ một ông rất quen biết của tôi, tướng tá cao to, trắng trẻo ... Tôi giới thiệu, "He is the owner of an Ice Cream Factory"- ông sĩ SQ vui miệng hỏi đùa: "Did you bring any ice cream with you?" - Tôi dịch " Anh có mang theo cây cà rem nào không?" - Ông cà rem đỏ mặt cười, lắc đầu lia lịa... khiến cả đám cười rần, lính CS cũng cười, ông SQ cũng cười luôn! Ông SQ chìa tay ra bắt tay ông chủ cà rem và nói "Sorry, I'm just kidding!"- ổng nói xin lỗi, chỉ đùa thôi! - How about the rests? - The rests are only normal people and the most of ladies are Housewives.
Nhờ giới thiệu ông chủ cà rem mà không khí căng thẳng đã nhanh chóng biến mất. Ông SQ cầm máy nói chuyện với đâu đó và chừng 15 phút sau một chiếc xe bus to của cảnh sát chở hết chúng tôi về một căn nhà khá trống trải thuộc một hãng cưa gỗ hiện đã tạm ngưng hoạt động (?) - Cây ván ngổn ngang... Chúng tôi tự quét dọn những tấm ván to, nhỏ ghép lại với nhau làm chỗ nghỉ tạm, không ai than phiền gì cả. Ông SQ cho biết chúng tôi tạm nghỉ ở đây ít hôm, chờ sửa soạn đủ chỗ ở cho chúng tôi trong trại tỵ nạn. Chúng tôi được cảnh sát giữ gìn an ninh phía ngoài, sẽ có thức ăn nấu sẵn mang đến mỗi ngày, có cầu tiêu và các boxes tắm rửa dã chiến. "CẤM KHÔNG ĐƯỢC TIẾP XÚC VỚI DÂN CHÚNG ĐỊA PHƯƠNG."
Ở tạm nới xưởng cưa 3 ngày, sang ngày thứ 4 thì được xe đưa vào Trại Tỵ Nạn có tên là "KUANTAN RÈFUGEES CAMP" nằm trong khuôn viên của Khám Lớn Kuantan. Cách trung tâm thành phố Kuantan chỉ 5,3 phút đi bộ thôi.
Kuantan là tỉnh lỵ của Tỉnh Kuantan, nằm ở phía bờ biển Đông Bắc của Mã Lai, Kuantan là ngã 3 của 3 xa lộ; chạy lên phía Tây là tới Tỉnh Trenganu (Pulau Bidong) hướng biên giới Thái Lan; xuống phía Đông là tới Pulau Tengah, gần Singapore và xuống thẳng hướng Nam, qua một đường hầm dài nhứt của Mã là tới thủ đô Kuala Lumpur. Từ Kuantan tới Kuala Lumpur chừng 60 km thôi!
Cho nên Kuantan Refugees Camp là trại tỵ nạn có thể nói là trại Hoàng Gia của Mã Lai, nó là trại lý tưởng nhứt so với nhiều trại khác của Mã Lai. Một yếu tố quan trọng nhứt mà mọi người tỵ nạn đều mơ ước là "ĐƯỢC CÁC PHÁI ĐOÀN CÁC NƯỚC ĐẾN PHỎNG VẤN NHANH NHẤT!" - Trại Kuantan tự nhiên luôn có sẵn ĐIỀU KIỆN ấy! - Bởi vì tất cả các phái đoàn đều xuất phát từ thủ đô Kuala Lumpur, phải đi qua ngã 3 Kuantan trước khi đi đến bất cứ một trại tỵ nạn nào khác. Cho nên các phái đoàn cứ liên tục đến trại Kuantan trước nhứt, những người vào được trại Kuantan có quyền tin tưởng là mình sẽ được định cư sớm nhứt nếu không vướng trở ngại trong phỏng vấn.
Một tuần sau, phái đoàn Cao Ủy Tỵ Nạn vào trại Kuantan, phỏng vấn, mở hồ sơ chấp nhận (hay bác bỏ) tư cách tỵ nạn. Nếu đã được chấp nhận tư cách tỵ nạn (99% đều được chấp nhận- trừ rất ít trường hợp như tội phạm hình sự quốc tế, tội phạm chiến tranh, bị tố cáo vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, hay khai man, giả mạo v.v..)
Phải mất mấy ngày phái đoàn Cao Ủy mới hoàn tất hồ sơ tỵ nạn của tàu tôi, may mắn là không ai bị từ chối tư cách tỵ nạn cả.
Riêng cá nhân tôi, tôi khai tên vợ tôi, tên 2 con gái tôi đã ra đi khỏi VN từ 6 tháng trước, có điện tín từ người chị bên vợ tôi vắn tắt báo tin vợ con tôi bình yên, đang ở rất gần chỗ chị ấy. Chị ấy có chồng Mỹ đang làm việc cho hãng dầu tại Singapore, nên tôi đoán vợ con tôi đã đến được Mã Lai, không biết đang ở trại nào? (Sau nầy mới biết vợ tôi khi tới Mã lai đã báo tin qua Mỹ và từ Mỹ lại báo tin qua cho chị ấy ở Singapore biết và chị ấy có vào trại Kota Bharu để thăm vợ con tôi.)
Tôi cứ đinh ninh là ít nhứt cũng cả tháng mới có phái đoàn đến phỏng vấn cho đi định cư, đó là trường hợp nhanh nhứt của trại Kuantan, còn các trại khác đừng mong trước 6 tháng hay 1 năm.
Chừng 2 tuần sau khi đến trại Kuantan, phái đoàn đầu tiên là Canada. Tôi là trưởng trại giữ phần xếp đặt thứ tự hồ sơ kêu tên người lên phỏng vấn. Bà DS T. nhờ tôi moi hồ sơ gia đình bà và gia đình BS H. lên trước. Tôi làm theo yêu cầu của bà vì phỏng vấn trước hay sau cũng không có gì khác nhau. Trưởng phái đoàn Canada là một cô chừng 30 tuổi, rất xinh nhưng cô ta nói tiếng Anh có pha tiếng Pháp nên tôi rất khó nghe. Co ta nói với tôi cần một Interpreter biết tiêng Anh, Pháp, Việt, Hoa. Tôi mời một cô giáo sư gốc Hoa dạy học trOng Chợ Lớn đi chung tàu với tôi. Cô ta biết tiếng Anh và tiếng Hoa, không biết tiếng Pháp và không trơn tiếng Việt. Tôi nói Cô phỏng vấn gia đình nầy trước "Maybe you will have a Interpreter good in French and Vietnamese!".
Kuantan- Kuala Lumpur Highway.
Gia đình DS T và gia đình BS H đã được Canada nhận cho đi định cư trong vòng chưa đầy 15 phút. Sau đó Bà DS T được mời ngồi lại giúp thông dịch cho phái đoàn. Đa số đều rớt đi Canada định cư vì phài đoàn quan tâm đến người giỏi tiếng Pháp hơn là chú ý đến người biết tiếng Anh ưu tiên như hầu hết các phái đoàn khác.
Hồ sơ cá nhân tôi là sau cùng, tôi không quan tâm mấy đến Canada. Vì chuyến đi trước có vợ con tôi thì anh bạn thân là người tổ chức nhiều lần nói với tôi nếu mình đến được trại tỵ nạn là tụi mình sẽ đi Úc được vì lúc đó cô cháu con bà chị của bạn tôi đã du học Úc theo chương trình Colombo. Sau 75 đang sống tại Úc đã có gia đình và quốc tịch Úc. Cô cháu sẽ dư sức bảo lãnh gia đình bạn tôi và gia đình tôi sang Úc định cư. Do đó mà tôi tin vợ tôi sẽ được đi Úc nhiều hơn là xin đi các nước khác.
Khi tôi bắt đầu được phỏng vấn; cô Canada hỏi : "Why did you escape from Vietnam? What reason?"- " I did escape because I just be released temporary from the Vietnamese Communist Re-education Camp- The reason I have to escape is the VC reconize me and my family as enemy of them."
Có lẽ phát âm của tôi quá tồi khiến cho Cô Canada lịch sự quay qua hỏi bà DS T -"Can you tell me what he just said?" - Sorry, I don't understand either what he had said!"- Cô Canada quay sang tôi " Can you tell me any French word you have known" - .... Tự nhiên trong đầu tôi trống trơn, không có 1 chữ, 1 câu tiếng pháp nào cả .... Cô Canada vừa đợi, vừa dòm tôi ... chừng hơn 1 phút tay cô từ từ gấp bìa hồ sơ, rồi cô mở nhanh tấm bìa trở lại và cô viết chữ R (Refused), khoanh tròn bên ngoài, ngay trên đầu hồ sơ. Cô bắt tay tôi "Thank you for your help... I'm so sorry and special good luck! Vừa đứng lên, tự nhiên miệng tôi phát ra: Merci beaucoup! Bon voyage! ... Cô Canada há mồm dòm theo tôi ... tôi có cảm tưởng như có ai đi phía sau, đẩy tôi bước nhanh về phía trước!
Trước phái đoàn Canada mấy hôm, Trưởng Trại đã lên đường đến trại chuyển tiếp đi Mỹ định cư, ông trưởng trại cũ trước khi rời trại đã âm thầm giới thiệu tên tôi với ông Thiếu Tá Mã Lai coi trại Kuantan. Chiều tối hôm sau đó, ông Thiếu Tá vào trại tổ chức bầu cử Trưởng Trại tỵ nạn mới. Ông kêu vài người làm việc với ông Trưởng Trại cũ đi thu thập tên những ai muốn ứng cử chức Trưởng Trại. Danh sách đầu tiên đưa lên chỉ có vài tên người cũ. ông TT nói đi lấy thêm tên có người mới tới nữa. Danh sách 2, ông TT nói còn thiếu tên 1 người.
Các anh đi tìm thêm, có người đi tìm tôi nằm ngủ dưới hầm nhà sàn và yêu cầu tôi đồng ý ghi tên ứng cử để tiến hành bầu cử. Tôi đồng ý vì tôi nghĩ tôi là người của tàu mới chỉ 50, 60 chục mạng so với người cũ hơn 200 làm gì có chuyện tôi đắc cử, cho nên tôi cứ để họ ghi tên cho vui. Danh sách 3 đưa lên ông TT nói OK! Đọc tên từng người ứng cử và phân phát giấy cho mọi người lớn, nhỏ gì cũng một lá phiếu.
Kết quả tôi được hơn 100 phiếu và các người khác chỉ được vài chục thôi, đa số là người tàu nào, bầu cho người của tàu đó.
ông TT cho tập họp lính gác trại, ông giới thiệu tôi là Tân Trưởng Trại, dặn họ phải hợp tác với tôi trong công việc giữ gìn an ninh trật tự và vệ sinh trại. Ông trao cho tôi một Bản Nội Quy trại và yêu cầu tôi tuyệt đối tôn trọng và thi hành. Ông ra dấu yếu cầu tôi đưa tay phải lên hứa thi hành NQ- "I promise to respect and carry out the regulation of the camp"
Một tuần sau, lúc hơn 10 giờ đêm, có người tìm tôi nói anh lên văn phòng. Gọi là VP, nó chỉ là một cái bàn làm việc đặt gần cửa ra vào, được gọi là văn phòng mà không bao giờ thấy ông TT ngồi trong đó. Khi tôi lên thì thấy ông mặc sắc phục, tướng tá rất đạo mạo ngồi đó. Ông đưa tờ giấy nhỏ hỏi có phải tên tôi không? - Thưa phải! Giấy đó từ Cao Ủy trên Kuala Lumpur nhắn tôi phải đích thân cầm tay đưa cho anh, tôi không biết chuyện gì cả. - ông TT biểu tôi đọc xem có biết chuyện gì không?
Nội dung tờ giấy "You have to wait the Australian Refugee delegate" -ký tên- Pierre- Vắn tắt chỉ có thế thôi. ông TT hỏi tôi, anh có biết chuyện gì không? -Thưa tôi hiện không biết nhưng tôi nghĩ phái đoàn Úc sẽ nói cho tôi hay chuyện gì đó. Tôi hy vọng phái đoàn Úc sẽ nói với tôi tin tức về vợ, 2 con tôi đã vượt biển 6 tháng trước. - Chúc anh có tin vui! Cám ơn ông TT về mẫu tin ngắn đặc biệt nầy!
Mấy ngày sau, mọi người đã ăn xong cơm chiều, trại đã lên đèn; ông TT Trưởng Trại đã bất ngờ cùng phái đoàn Úc vào trại phỏng vấn mà không hề báo trước như mọi khi. ông TT giới thiệu tôi là trưởng trại mới với phái đoàn. Chúng tôi nhanh chóng sửa soạn ghép 2 bàn ăn thành chỗ làm việc cho phái đoàn. Phái đoàn sắp sửa làm việc thì ông TT đến bắt tay từ giả phái đoàn vì ông bận đi họp. Tôi tiễn ông TT ra xe, ông ta trước khi lên xe, quay lại nói với tôi "Remember to ask him about the small piece of paper before! - Thank yes sir! I will!
Khi ngồi vào bên cạnh ông trưởng đoàn Úc, vì chỉ còn hơn 10 hồ sơ của tàu tôi (Mỗi gia đình 1 hồ sơ, các hồ sơ được Canada chấp thuận họ đã mang đi). Tôi nói xin ông cho phỏng vấn hồ sơ nầy trước để cô nầy có thể phụ thông dịch tiếng Hoa. ông Úc đồng ý, tôi tìm hồ sơ cô giáo sư Anh Văn Chợ Lớn và tôi mời cô ngồi vào ghế đối diện với ông Úc trưởng đoàn. Ông Úc chỉ hỏi vài câu thông thường và cô đã lưu loát trả lời. Hồ sơ của cô đã nhanh chóng được ghi chữ "A" (Accepted) gồm cô và một em trai. Cô được ông Úc mời ngồi giúp Thông Dich.
Tôi cố ý lật nhanh từng hồ sơ để tìm hồ sơ của tôi mà tìm hoài không thấy trong số hơn 10 hồ sơ còn lại, sau khi Canada đã lấy đi một số hồ sơ họ nhận cho định cư ở Canada. Ông Úc nầy nhanh chóng chấp nhận hay bác hồ sơ không hỏi nhiều câu như những phái đoàn khác. Tôi thấy ông ta hay hỏi: Có muốn đi Úc không? Có biết Úc ở đâu không? Có biết lính Úc từng chiến đấu ở VN không? Có thấy con Kangaroo chưa? Câu số 1 cần "YES" và cần "YES" thêm một câu sau nữa là được đi Úc!
Cuối chót hơn 10 hồ sơ ấy, Úc nhận 4 hồ sơ gồm gia đình cô thông dịch, gia đình ông Đ/U Bộ Binh, Một Thiếu/U độc thân gốc thông dịch cho lính Úc, Một gia đình cán bộ XDNT. Tôi đang sốt ruột thì ông Úc moi trong cặp lấy ra 2 hồ sơ, đưa cho tôi kêu một người đọc thân đến trại đã 5, 6 tháng trước, anh ta xin đi Úc bị Mỹ xếp hồ sơ.
Tôi đi vào trại tìm anh ta, anh ta mừng quá, anh đang mặc áo thun và quần short ... anh nói quần tây của anh giặt chưa khô. Anh ra gặp phái đoàn trong bộ dạng không phải cách, tôi nói với ông Úc "Sorry, his pant still wet- Never mind!"- ông Úc chỉ hỏi tên anh và chấp thuận cho đi Úc. (Sau nầy anh cho biết anh có người anh vượt biên, đang tu linh mục ở Úc.)
Sau hết ông Úc đưa hồ sơ cuối cùng, nhờ tôi đi tìm người nầy ra phỏng vấn! Tôi cầm hồ sơ mà trong đầu tôi như đang bị đông lạnh! Tôi nói nhỏ là hồ sơ nầy của tôi! Ông Úc đứng bật dậy! -That You? - Yes Me! ông ta ngồi xuống hỏi tôi còn giữ tấm giấy của ông "Pierre" Đặc Ủy Trưởng LHQ về Tỵ Nạn? Tô nói còn giữ, tôi vội chạy vào chỗ ngủ, lấy mảnh giấy nhỏ hôm trước đưa ra cho ông Úc xem. ông nói sở dĩ ông ghé trại bất chợt chỉ vì tấm giấy nầy và hồ sơ của anh hồi nãy. Sau khi xác nhận tên tôi và ngày tàu tôi tới Kuantan. ông Úc không nói gì thêm, ông đưa cho tôi ký tên vào form đi Úc. Tôi ký xong ... Can I write some words in here? - Yes! do it! - ông chồm lên, lật phía sau tấm form, chỉ vào chỗ nhỏ còn trống ở cuối form - Tôi viết "Later, If I know my wife and 2 kids live in where, please let me to go there!" - Ông Úc đọc câu tôi viết ...Ông mỉm cười ...OK! Ông rời trại không nói gì thêm!
Hôm sau ông TT trở vào trại, sau khi đi quan sát trại một vòng, ông dừng lại hỏi tôi, ông Úc có nói gì về "small piece of paper"? - No! But he accepted me to go to Australia"- May be that's the answer of the short note! Good luck to you!
Vài ngày kế, ông TT cho biết tuần sau Phái Đoàn Mỹ sẽ trở lại trại. Tôi thông báo cho trại biết tin đó. Mọi người lại vui mừng chuẩn bị cho phỏng vấn và tàu tôi vui hơn cả vì chưa bao lâu mà được gặp phái đoàn Mỹ. theo thông lệ phái đoàn Mỹ dễ dãi hơn các phái đoàn khác.
Nhưng hơn 60 người thuôc con tàu Cần Thơ đã bị phái đoàn Mỹ "trù ẻo" gần cả năm lại sắp phải đối diện MỘT THỬ THÁCH MỚI... Chưa biết số phận lần nầy sẽ sao đây?
Ông Chủ Tàu Cần Thơ và một vài người khác thuộc tàu ấy đã gặp riêng tôi. Nhờ tôi giúp ý kiến để gỡ BẾ TẮC giữa con Tàu Cần Thơ và Phái Đoàn Mỹ!
Sau khi đã nghe câu chuyện VẠ MIỆNG của tàu Cần Thơ nhiều lần, nghe những người trong cuộc kể lại từng chi tiết. Tôi không cần tìm hiểu gì thêm với ông chủ tàu. Tôi hứa sẽ suy nghĩ để tìm cách tạo thông cảm giữa phái đoàn Mỹ và những người thuộc con tàu Cần Thơ. Nhưng tôi cũng nói trước sẽ rất khó mong có kết quả như ý, nhưng tất cả quý bà con tàu Cần Thơ phải thành khẩn biết rõ thân phận chung của người Việt mình trong chiến tranh và nhứt là hoàn cảnh khốn khổ, bất lực hiện tại của cả dân tộc mình. Không phải là lúc để mình tự hào văn hiến của mình với Mỹ hay bất cứ một dân tộc nào khác.
Hôm sau, tôi soạn ra một THỈNH THƯ để sẽ được đọc trước Phái Đoàn Mỹ với nội dung tha thiết xin lỗi phái đoàn Mỹ nhứt là ông trường đoàn Mỹ và khẩn thiết cầu xin ông trưởng đoàn và phái đoàn Mỹ ban cho con tàu Cần Thơ một ân huệ để cho họ được đi ĐỊNH CƯ Ở BẤT CỨ MỘT QUỐC GIA NÀO họ cũng sẽ rất vui mừng và luôn tri ơn phái đoàn Mỹ, là ân nhân cứu giúp họ đạt được ước mơ SÔNG VỚI TỰ DO DÂN CHỦ mà Người Mỹ, Nước Mỹ đã, đang và sẽ luôn THẮP SÁNG, GIƯƠNG CAO NGỌN ĐUỐC "NỮ THẦN TỰ DO".
Tôi thảo xong, nhờ vài vị thông thạo viết lách bằng Anh Ngữ sửa chửa, thêm bớt và sau đó tôi nhờ người đọc bản dịch bằng Tiếng Việt cho ông chủ tàu và các vị tàu Cần Thơ cùng nghe qua. Ông chủ và các vị trong tàu Cần thơ đều rất vui, rất đồng lòng với nội dung bản văn. Sau cùng tôi nhờ ông TT cho tôi được sử dụng bàn máy đánh chữ của Văn Phòng để hoàn tất bản THỈNH THƯ.
Chúng tôi thực tập cách thức Diễn Trình THỈNH THƯ trước Phái Đoàn Mỹ. Ông Chủ Tàu đứng trước- 3 Ông phụ lực đứng sau- Cách sau 2m, tất cả mọi người thuộc tàu Cần Thơ ngồi 3 hàng ngay ngắn. Nhờ Cô Thông Dịch Chợ Lớn đọc Thỉnh Thư (copy) bằng Tiếng Anh.
Tôi là người sẽ xin phép ông Trưởng Đoàn Mỹ cho phép Đại Diện con Tàu Cần Thơ trao Thỉnh Thư cho Phái Đoàn. Khi ông trưởng đoàn đồng ý tiếp nhận Thỉnh Thư tôi sẽ hướng dẫn ông chủ tàu bước lên trao Thỉnh Thư cho phái đoàn. Sau khi trao Thỉnh Thư lùi về vị trí cũ để chờ nghe phát biểu của ông Trưởng Đoàn Mỹ.
Hôm đó, sau khi phỏng vấn xong hồ sơ tàu tôi chỉ trong vòng hơn nửa giờ, hầu hết đều được phái đoàn Mỹ nhận: Các cựu Quân Nhân VNCH chỉ xác nhận tên là Mỹ nhận cả. Chỉ chừa lại có gia đình Anh Rể tôi cả thảy hơn 10 người đã được Tòa Đại Sứ Tây Đức can thiệp chờ đi định cư ở Đức vì có người em du học ở Đức xin bảo lãnh qua Đức.
Khi kết thúc phỏng vấn, tôi đứng lên xin ông Trưởng Đoàn Mỹ cho phép Đại Diện Tàu Cần Thơ kính trình THỈNH THƯ bày tỏ hối hận, thành khẩn xin lỗi ông Trưởng Phái Đoàn Mỹ về những lỗi lầm của họ trước kia.
Tôi dứt lời thì ông Trưởng Đoàn Mỹ nói "OK! Let me see it!"-
Tôi hướng dẫn ông Chủ Tàu lên trao Thỉnh Thư - ông trưởng đoàn đứng lên tiếp nhận Thỉnh Thư- Tôi đưa ông chủ tàu về chỗ cũ- ông Trưởng Đoàn mở thỉnh thư ra xem. Trong khi đó Cô Thông Dịch đọc Thỉnh Thư với giọng đọc khá điêu luyện không thua gì một xướng ngôn viên nhuần nhuyễn Tiếng Anh. Khi Cô Thông Dịch chấm dứt.
Ông Mỹ đứng lên vỗ tay -"Thank you- it's very professional!" - Ông ta đột ngột nói bằng Tiếng Việt Giọng Bắc;
-Quý vị cùng đứng lên đi!
- Quý vị ăn năn rồi phải không?
- Bây giờ quý vị muốn đi nước nào?
- Tất cả đều hô to-"Muốn đi Mỹ! Muốn đi Mỹ, Muốn đi Mỹ!"
- Quý vị không nên đi Mỹ -vì đi Mỹ quý vị sẽ thất vọng lắm!- Mỹ mới có 200 năm lập quốc! Quý vị có tới 4 ngàn năm lận!
- Tất cả Quý vị sẽ đi AUSTRALIA chịu không?
- Mọi người bắt tay nhau, ôm nhau ... hô to "HOAN HÔ ÔNG MỸ!" - Mọi người vỗ tay không nghỉ.
- Ông Mỹ giơ cao tay ra dấu nghe ông nói đây!
- Quý vị sẽ được Phái Đoàn Úc lập hồ sơ đi Úc vào Tháng Giêng năm mới! (1979)
- Ông Giơ tay vẫy chào -Good Luck Everyone! All the best....
Phái Đoàn nhanh chóng rời trại- Tôi và mọi người đứng đầy ở cổng để tiễn chào phái đoàn rời trại.
Mọi người vui mừng la hét, họ đến ôm tôi, vuốt ve tôi, cám ơn tôi bằng mọi lời thiết tha nhứt- Ai cũng nói sẽ nhớ tôi dài lâu!!!!
Câu chuyện của Con Tàu Cần Thơ.
Tàu Cần thơ được đích thân ông Chủ Tàu đại diện, vì chính ông là người tổ chức cho hơn 60 người quen gốc gác Cần Thơ cùng một chuyến vượt biên vào cuối năm 1977. Khi may mắn vào được thị trấn Kuantan, một trại tỵ nạn gần với Thủ Đô Kuala Lumpur nhứt so với các trại khác. Ông chủ tàu căn dặn mọi người đừng xin đi đâu cả, hãy cùng nhau xin đi Úc. Hầu hết những người chung tàu Cần Thơ đều không biết gì về Úc Châu, thậm chí còn không biết nước Úc ở đâu nữa. Ông chủ tàu cho họ biết Úc, Australia đất rộng mênh mông, dân thưa chưa đông bằng VNCH của mình nữa. Úc là một nước thần tiên, rất dễ làm ăn sinh sống, thất nghiệp cũng nhận được tiền do chánh phủ cấp phát cho không. Không muốn đi làm, nằm phè tại nhà cũng không bao giờ đói khát...
Có người còn phịa thêm, thanh niên, phụ nữ độc thân nếu chịu lấy vợ, lấy chồng thổ dân sẽ được cấp nhà, phát đất không tốn đồng xu nào cả!
Một vài tuần sau, phái đoàn Mỹ đầu tiên đến trại Kuantan phỏng vấn tỵ nạn. Nói chung tâm lý người Việt tỵ nạn da số đều có mặc cảm với Mỹ vì vụ 30-4-75. Cho đến những người được nhận đi Mỹ, trong bụng cũng không thích Mỹ mấy.
Nghe kể, hôm Mỹ phỏng vấn tàu Cần Thơ- Ông chủ tàu nói Tiếng Việt oang oang, có kèm đ.m. nhè nhẹ kiểu Hậu Giang nữa chứ!
"Đi Mỹ làm gì?- Nó muốn nhào vô VN, nó nói VN là tiền đồn chống cộng sản, mất VN là mất cả Đông Nam Á- Nó bắt mình cầm súng chiến đấu đạn dược đủ thứ, máy bay, tàu bè thứ gì cũng có, có bom CBU nữa đó! - Vậy mà khi nó muốn rút quân nó ép Ông Thiệu phải ký kết hiệp đinh Paris để tụi nó ung dung lên máy bay- Nó hứa cung cấp vũ khí đầy đủ nếu VC không tôn trọng hiệp định.... Thế rồi, mọi người chưa thấy sao, nó ngưng cấp vũ khí, cắt viện trợ nên mới có ngày 30-4!-Chưa hết ngu sao còn muốn đi Mỹ?!"
Ông chủ tàu tiếp tục phát thanh cho hả giận! Phái đoàn Mỹ tiếp tục làm việc. Đến khi xong con tàu Cần Thơ chỉ có vài gia đình đi Mỹ vì khai có thân nhân đã đi Mỹ lúc di tản.
Cuối cùng ông Trưởng Đoàn Mỹ phát biểu bằng Tiếng Việt rõ ràng hơn cả dân Hậu Giang, Long Xuyên, Rach Giá của mình nữa. Khi Ông Mỹ nói Tiếng Việt thiên hạ mới hết hồn, nhưng trễ quá rồi!!!
"Tôi là người đã từng Cố Vấn cho Quân Khu 4 nhiều năm- Tôi nghe và hiểu hết những gì ông ấy vừa nói. Ông ấy không hoàn toàn sai việc trước kia. Nhưng hôm nay quý vị đến đây với tư cách là người tỵ nạn! Quý vị mong muốn được đi định cư sớm. Nhưng quý vị từ chối đi Mỹ, tôi e rằng các phái đoàn khác cũng không dám nhận quý vị đâu!
Quả thật gần 1 năm qua chẳng có phái đoàn nước nào ghé mắt vào hồ sơ Con Tàu Cần Thơ cả.
Sau khi tôi được nhận đi Úc, tôi cứ tưởng ít nhứt cũng nửa năm mới được rời trại như thông lệ của những người đi trước. Phải chờ khá lâu là vì các phái đoàn nhận người ở các trại tỵ nạn khác nhau, mỗi danh sách được nhận cho đi định cư đều có ghi ngày tháng phỏng vấn. Các danh sách được nhận đều được tập trung về Tòa Đại Sứ của từng phái đoàn và được xếp theo thứ tự thời gian và dựa vào thứ tự nầy các người được nhận sẽ được rời trại lên tập trung ở Thủ Đô Kuala Lump để được thứ tự sắp xếp các chuyến bay. Tùy theo số lượng được giải tỏa bằng các chuyến bay mà những người nằm chờ được ra đi nhanh hay chậm, Chuyện được đi sớm hay muộn không ai có thể biết trước được!
Đang yên tâm nằm chờ không thắc mắc gì cả. Tôi đang cùng mọi người dọn dẹp, vệ sinh doanh trại để chuẩn bị đón Giáng Sinh theo lịnh của ông Thiếu Tá (TT) Mã Lai phụ trách an ninh trại Kuantan. Trại vừa mới nhận được danh sách bất ngờ có tên tôi cùng một số ít người khác được xe bịnh viện đến đón đi khám tổng quát và chích ngừa để chuẩn bị rời trại. Hai hôm sau chúng tôi được một xe bus đi gom hết số người đi Úc ở từng trại để lên trại Chuyển Tiếp ở Kuala Lumpur.
Chúng tôi tới trại Chuyển Tiếp tối ngày 18/12/78. Trại Chuyển Tiếp nầy có tên là “Belfield Transit Camp” nằm trên một ngọn đồi, thấp thoáng bên dưới là Trung Tâm Phố xá Thủ Đô Kuala Lumpur. Trại Belfield là Head Quarter của Hội Lưỡi Liềm Đỏ của Mã Lai (Hội Hồng Thập Tự) được điều hành phối hợp của Úc và Mã Lai.
Đợt nhập trại của tôi là đợt chót cuối năm 78. Lúc đó các chuyến bay sang Úc đã ngưng vì nghỉ Lễ Giáng Sinh và New Year. Số người trong trại Belfield ở thời điểm đó là 750 người, hầu hết đều chờ đi Úc. Chỉ có một số it đi nước khác như Hòa Lan, Anh, Pháp, Bỉ.... là những nước không có Trại Riêng như Mỹ và Úc.
Tại Belfield tôi cũng không nôn nóng mong rời trại sớm vì tôi đã là nhóm cuối cùng của 750 người. Khi tôi từ trại Kuantan lên Belfield ông TT trại Kuantan tin cậy giao cho tôi ôm hồ sơ chung của chúng tôi để giao cho trại Belfield. Có lẽ vì được tin cậy từ Kuantan mà tôi lại được Ông Thiếu Tá Siva (Coi trại Belfield) chỉ định làm việc trong Ban Điều Hành Trai (Phía Tỵ Nạn) –
Anh Đại Diện Belfield lúc đó là một Kỹ Sư người Viêt Gốc Hoa, anh ấy là người làm việc cho hãng SHELL ở Cần Thơ. Thấy tôi có chút xíu Tiếng Anh và Tiếng Việt 5 câu rưởi (không dám 6 câu) nên anh ta giao cho tôi giữ phần hành INFORMATIONS (Thông Tin)-
Anh nầy thông thạo Anh, Pháp, Hoa nữa. Anh ta điều hành trại hết xảy! Vì anh ta quá giỏi mà bị một Bà Trùm Điều Hành Trại Belfield gốc Hoa với biệt danh là “LÀO SỦI CHẺ” (Dịch ra là CHỊ, HỌ LÀO) đã âm thầm cầm chân anh lại, không cho anh đi Úc sớm.
Bà nầy chuyên trị Anh, Hoa ngữ nên Bà ta rất ăn khớp với Anh Đại Diện, do đó Bà Lào Sủi Chẻ đã lén lút yêu cầu Bà Đại Diện Tòa Đại Sứ Úc, người phụ trách sắp đặt các chuyến bay, giữ "ANH ĐẠI DIỆN Ở LẠI TIẾP TỤC ĐIỀU HÀNH TRẠI”-
Anh đại diện nầy không biết gì về chuyện anh missed nhiều chuyến bay, đáng lý anh đã được đi Úc từ mấy tháng trước mà chuyến nào cũng không có tên anh ta. Cuối cùng tôi xúi anh ta thử hỏi Bà Úc xem sao? Anh hỏi Bà Úc thì Bà Úc cho anh biết Bà Sủi Chẻ đã yêu cầu giữ anh lại để giúp điều hành trại thêm một thời gian, chờ tìm người có khả năng ít nhứt cùng tương đói như anh ta. Bà Sủi Chẻ nói với Bà Úc là anh Đại Diện rất vui vẻ đồng ý ở lại lâu hơn. Bà Úc không hề biết chuyện anh ta không có thỏa thuận gì với Bà Sủi Chẻ về chuyện ở lại cả.
Bà Úc nói sẽ cho hai vợ chồng anh ta đi chuyến kế tiếp để đến bất cứ thành phố nào của Úc và sau đó anh muốn đi bất cứ đâu sẽ được địa phương giúp đỡ. Bà Úc yêu cầu anh Đại Diện giữ kín chuyện nầy để khỏi có chuyện bất hòa với Bà Lào Sủi Chẻ.
Tàu Hai Hong - 3000 người tỵ nạn
Trong khi chờ đợi lịch trình bay lại sau Xmas và New year, tôi phụ trách mỗi ngày tùy theo yêu cầu của Hội HTT Mã Lai, tôi chọn một số thanh niên ra ngoài làm việc giúp Hội HTT, công việc thường trực nhứt là KHUÂN VÁC, xếp đặt các tặng phẩm cứu trợ trong và ngoài Mã Lai gởi vào kho. Nhiều thanh niên tranh nhau đi làm việc với tôi vì mỗi ngày tùy theo công việc nặng nhẹ, được trả thù lao 7, 8 đồng Mã. Ham hơn hết là có vài tài xế rất điệu nghệ với chúng tôi, sau khi xong việc họ không chở thằng về trại mà ghé đâu đó thuận tiện để chúng tôi xài số tiền thù lao hôm trước. Khi cà phê, bánh trái, nho, bom ... Tranh nhau đi để được ra ngoài thấy phố xá cho vui! Nặng nhọc chỉ là chuyên con thỏ.
Ngay thời gian đó có chiếc tàu TỴ NẠN KHỔNG LỒ tên là HẢI HỒNG đậu ngoài khơi Cảng Port Kelang. Ba ngàn người trên tàu không được lên đát liền Mã Lai, chờ các nước nhận người trên tàu nầy thì Mã Lai mới cho họ lên bờ tạm trú. Tôi và mấy chục anh em tạp dịch phụ trách tiếp tế thức ăn và nước uống cho Tàu Hải Hồng suốt thời gian Xmas 78. Mỗi sáng chúng tôi vào phi trường lấy thức ăn đựng sẵn từng hộp cho mỗi phần ăn. Nơi cung cấp nằm trong phi trường là hãng thầu thức ăn cho các hành khách của các hãng máy bay.
Lấy xong chúng tôi đưa đến bến cảng, tàu sẽ đưa ra tàu Hải Hồng đậu bên ngoài bến cảng. Khi cặp bên dưới tàu Hải Hồng sẽ có cần câu của tàu câu thức ăn lên tàu. Trong lúc móc thức ăn lên tàu. Từ dươi dòm lên boong cao mấy chục thước, người đông như kiến, họ liệng thơ xuống nhờ chúng tôi gởi đi giùm... thơ bay như truyền đơn bươm bướm ... Mã lai không cho chúng tôi vớt một thư nào cả.
(Sau nầy chuyện tàu Hải Hồng được giải quyết theo thỏa thuận của nhiều nước, Canada nhận số người đó nhiều hơn cả, phần lớn là người gốc Hoa nghe nói có đông người Hồng Kông giả dạng dân Chợ Lớn tham gia, chơi mánh. Vì đa số thơ của họ nhìn thấy viết toàn Tiếng Hoa.)
Đêm Xmas Carols- Belfield 78 suốt đời không quên!
Hội Hồng Thập Tự Mã Lai phối hợp với Tòa Đại Sứ Úc tổ chức đêm Giáng Sinh trong trại Belfield vô cùng ngoạn muc. Chiều ngày 24-4-78, thực phẩm, nước uống đủ loại (Trừ Rượu Mã Lai cấm) ồ ạt từ bên ngoài chở vào trại. Nhà bếp rộn ràng sửa soạn, cho vào từng khai, từng đĩa lớn nhỏ khác nhau. Bày trên các bàn ăn, mấy chục bàn, mấy trăm ghế cũng được tăng cương từ bên ngoài, đủ chỗ cho hơn 750 người tham dự. Gà quay, bánh Noel Pudding Cake dư thừa không sót ai cả. Bắt đầu nhập cuộc từ 5 giờ, sau một vài phút phát biểu vắn tắt của Hội HTT và Tòa ĐS chúc mừng Xmas. Thiên hạ mạnh ai nấy ăn uống linh đình, hầu hết thức ăn, nước uống đều từ Úc mang sang. Tôi chưa từng được tham dự một bữa tiệc nào, thức ăn ê hề như vậy từ nhỏ cho đến nay tuổi 36, một bữa tiệc dáng nhớ suốt đời cho bất cứ ai đã tham dự hôm ấy!
Đến khoảng 7 giờ tối, một đoàn xe đưa BAN NHẠC TÝ HON vào trình diễn "Christmas Carols" hát những bài thánh ca truyền thống Mừng Giáng Sinh. Giàn nhạc cụ rất xôm tụ, rườm rà đủ thứ, có cả các nhạc cụ đặc thù của Mà Lai. Các em là học sinh trung cấp của Trường Âm Nhạc Thủ Đô Kuala Lumpur. Các em mặc y phục Giáng Sinh hai màu trắng, đỏ nổi bật trên sân khấu dã chiến trước sân trại.
Khán giả toàn là người Việt Tỵ Nạn "Chuẩn Kangaroo", chỉ có một số ít ở nhờ trại Belfield để chờ chuyến bay đi định cư ở các nước khác. Không riêng cá nhân tôi, mà có lẽ mọi người cũng đều vô cùng cảm động, xúc động tận tâm tư sau mấy năm te tua, đói khổ trong thiên đường VC, lần đầu được sống lai dưới trời Tự Do, được nghe, được tận mặt nhìn thấy một Ban nhạc tuy TÝ HON nhưng tất cả mọi trình diễn đều điêu luyện, đều tuyệt vời. Tôi từng nghe các bài Thánh Ca ấy trên truyền thanh, truyền hình mà hầu như tôi chưa từng nghe thấy bất cứ một ban nhạc hay một màn trình diễn độc đáo nào có thể so sánh với Ban Nhạc Tý Hon nầy!
Bằng những giọng ca trong trẻo, trẻ trung, dáng điệu đầy nghệ thuật, thành thạo, tự nhiên... khiến cả hội trường luôn sôi động với những tràng pháo tay kéo dài bất tận sau mỗi bài ca, mỗi màn trình diễn...
Sau cùng, Christmas Carols, Belfield 78 đã kết thúc bằng Bản Nhạc Silent Night ...Tôi tưởng chỉ có một mình tôi khóc hồi nào không hay. Dòm quanh tôi, ai cũng khóc, dòm xa hơn thiên hạ đang lau nước mắt không cần giấu giếm, ngại ngùng gì cả! Những giọt nước mắt nóng sau chiến tranh và hòa bình không trở lại.
Ban nhạc đứng im ở tư thế sau cùng. Một em 15, 16 tuổi bước tới phía trước, em là trưởng ban nhạc phát biểu-
Kính chào Quý Quan Khách,
Kình chào Quý Khán Giả Đặc Biệt của chúng tôi đêm nay;
Có thể nói đây là lần đầu tiên và duy nhứt mà chúng tôi được danh dự và hân hạnh trình diện trước một số đông khán giả ưu tú mà chúng tôi vô cùng kính trọng và ngưỡng mộ. Bởi vì quý khách vượt biển sang đây toàn là những người CAN ĐẢM NHỨT dám đem mạng sống của mình để đánh đổi với TỰ DO (Freedom)- Quý vị đã là những tấm gương sáng cho đồng bào chúng tôi và cả thế giới thấy được giá trị thiêng liêng của hai chữ "TỰ DO".
Vì thời gian giới hạn chúng tôi phải dừng lại ở đây. Kính xin được thứ lỗi và KÍNH CHÚC MỌI NGƯỜI SẼ CÓ MỘT TƯƠNG LAI RỰC RỠ Ở AUSTRALIA.
Kính chào tạm biệt !!!
Bản nhạc chia tay quen thuôc vang lên, rất đông chúng tôi vẫn chưa quên thói quen hát nhái theo nhạc điệu... "Ò e Robe đánh đu, Tarzan nhảy dù, Zoro bắn súng...."
Không ai bảo ai, tự động chen chân đứng dọc từ trong ra tới cổng để tiễn đưa Ban Nhạc Tý Hon rời trại ... vỗ tay, vỗ tay .... đoàn xe ra khỏi cổng mà tiếng vỗ tay vẫn chưa dừng lại.
Sau Giáng Sinh 2 ngày, tôi lại cùng một số anh em ra làm việc bên ngoài thường khi chỉ 3,4 giờ, không đi cả ngày như trước vì TĐS yêu cầu Mã Lai không được xử dụng người tỵ nạn như vây. Công việc chánh vẫn là tiếp tế thức ăn cho tàu Hải Hồng mà thôi. Mấy lần sau khi đưa thức ăn lên tàu, số lượng thơ quăng xuống ít hơn nhưng họ lại cẩn thận bỏ thơ vào bao nylon nên khi thơ rơi xuống nước nó vẫn không chìm, không ướt. Tàu chở thức ăn là tàu của Quan Thuế nhưng trên tàu cùng có vài Cảnh Sát Bến Cảng đi theo. Cảnh sát thấy các bao nylon nổi chung quanh tàu, họ vớt lên thấy có cả tiền Hồng Kông kèm theo thơ và đia chỉ người nhận đa số là ở Hồng Kông. Họ gom hết các bao thơ ấy vào một túi để về trình với thượng cấp.
Công việc đưa thức ăn ở Bến Cảng thường chỉ chừng 2 giờ là xong, anh tài xế hay ghé nơi nầy, nơi kia như để mua vui cho chúng tôi. Một bữa nọ, anh ta ghé qua trại chuyển tiếp của những người chờ đi Mỹ. Anh cho chúng tôi xuống đó và căn dặn chúng tôi chừng 1 giờ sau phải có mặt tại cổng để về trại. Chúng tôi không được vào bên trong, chỉ ở phòng chờ đợi có an ninh gác cửa nhưng nếu có người quen thì viên an ninh cũng dễ dãi cho khách cùng đi vào. Tôi gặp được một em quen biết lâu năm, em vốn là một bịnh nhân nằm ở trại của Nhà Tôi (Cán Sự). Em bị Cá Ngát đâm vào chân khi đi lưới cá. Ai đã từng bị cá ngát đâm mới biết “đau đớn” kinh hoàng đến độ nào!- Em ấy được chở vào nhà thương cấp cứu nhằm ca trực của Nhà Tôi, em được cho thuốc an thần và giảm đau gì đó mà sau vài giờ ngủ say khi em thức dậy thì cơn đau, sốt đã giảm dần. Sau nầy em ấy thỉnh thoảng lưới được nhiều tôm, cá hay đem chút ít cho Nhà Tôi để chia cho BS và Y Tá trong trại, nên tôi quen, nhớ mặt em là như vậy.
Gặp em ở trại Mỹ, em đưa tôi vào trong chỗ ở của em, tôi lại gặp thêm vài người quen biết cùng quê. Chúng tôi không kịp hỏi thăm mỗi người 1 chút... thì trên loa kêu tên tôi phải ra cổng để về trại Úc. Vì loa đọc tên tôi nên có cả hơn chục người chạy ra cổng tìm tôi, tôi leo lên xe mà họ cứ bu kín... đưa tay tìm bắt tay tôi ... cả chục người mạnh ai nấy nói ... có em còn nhét vào tay tôi 5,3 đồng tiền Mã dặn tôi mua đôi giày để mang đi Úc.
Mấy hôm sau đó, chiều 7/1 thì phải? Ông Thiếu Tá Siva, Trưởng Trại dặn tôi tối nay phải kêu vài người tin cậy lên gác văn phòng cùng tôi. Phải canh chừng nghiêm nhặt, không được mở cửa cho ai vào Văn Phòng cả kể cả lính gác. Ông nói nhỏ với tôi là ông ta có một Dancing Party, ông sẽ về rất khuya độ 2, 3 giờ sáng. Ông ta đưa tôi mấy lon Coca để tôi sẽ chia nhau canh gác văn phòng.
Trong đầu tôi nảy sinh ra một kế hoach đi tìm hồ sơ xem vợ, con tôi đã có đi qua Úc không? Sở dĩ tôi có ý nghĩ nầy là vì tôi là người hay đọc DANH SÁCH CÁC CHUYẾN BAY QUA ÚC TRƯỚC ĐÂY- Một ngày trước khi ra phi trường, nhiệm vụ của tôi là kêu tên từng người lên văn phòng nhận mấy viên thuốc XỔ và một tách nước, bắt họ phải uống thuốc trước mặt tôi. Bà Úc phụ trách các chuyến bay dặn vậy vì sợ họ không uống mấy viên thuốc xổ có mùi hơi khó ưa ấy.
Sau khi cho uống thuốc xong, tôi đưa danh sách đó cho TT Siva và ông ta gài hồ sơ lưu chung với các danh sách trước. Danh sách ấy do TĐS lập có cái tựa hình như là “FLIGHT MANIFEST có ghi chi tiết ngày tháng và chuyến bay đến thành phố nào của Úc.
*Hình nầy chỉ chứng minh chữ MANIFEST thôi.
Tôi nghĩ tôi dò vào danh sach LƯU GIỮ ấy rất có thể là tôi sẽ thấy tên vợ, con tôi nếu đã bay qua Úc. Suy nghĩ của tôi chỉ cầu may thôi !
Tôi chia anh em gác trước gác sau, các cửa ra vào đều có chúng tôi canh gác cả, tôi chia mỗi người một lon Coca; coi như một trả công không nhỏ ở trại tỵ nạn.
Tôi ngồi trong Văn Phòng của TT Siva, kéo hết các màn chắn cửa sổ xuống, tôi nôn nóng lôi mấy tập hồ sơ LƯU CÁC CHUYẾN BAY. Tôi dò từ cái gần nhứt, lui dần về các chuyến xa hơn. Tôi chăm chú từng tên, không bỏ sót một tên nào. Mỗi danh sách trôi qua từng chuyến khiến tôi âu lo nhiều hơn. Mỗi tháng chỉ có 1, 2 chuyến, mỗi chuyến chừng tối đa 2 trăm thôi nên cũng không đến độ mỏi mắt lắm.
Tôi chầm chậm lui dần đến tháng 10/78... Tôi thấy TÊN VỢ CON TÔI có đầy đủ chi tiết ngày sinh, năm sinh và nơi đến của danh sách đó là ALTONA MELBOURNE, TIỂU BANG VICTORIA.
Tôi đọc đi, đọc lai cả chục lần, tôi xếp hồ sơ vào chỗ cũ y như vị trí của nó. Tôi bước ra ngoài như đang đi trên không trung, chân tôi không có cảm giác chạm vào đâu cả. Đi vài bước tôi lại quay vào lôi hồ sơ đọc lại thêm vài lần cho chắc ăn. Sau cùng tôi bình tỉnh chép ra vài chi tiết cần ghi nhớ như ngày tháng chuyến bay, số thứ tự tên vợ, con tôi trên danh sách.
Trước khi ra khỏi phòng, tôi dòm thật kỹ, vị trí hồ sơ phải thật y nguyên như lúc ban đầu.
Hơn 3 giờ sáng Siva về trại bằng Taxi, ông ta ngủ ngồi ngay trên ghế làm việc của ông ta! Chúng tôi về lại chỗ ngủ, riêng tôi .... nằm chờ trời sáng, không làm sao nhắm mắt một giây, một phút nào cả.
Sáng mai tôi lên văn phòng thật sớm, TT Siva vẫn còn lè nhè trong bộ đồ party nhảy đầm của ông ta- ông hỏi đêm qua có gì không- Thưa không có gì cả! Ông nói coi chừng giùm một chút để ông về nhà thay đồ và sẽ trở lại ngay... Ông trở lại lúc sau 9 giờ, tôi thấy ông tỉnh táo hơn. Tôi đang nghĩ trong đầu làm sao để cho ông Siva biết rõ là vợ con tôi đã qua Úc từ tháng 10/78. Tới gần chiều tối thấy ông Siva khá vui hơn mọi khi, tôi nói đêm qua chắc ông vui lắm! ông ta nói rất (very, very!) vì lâu lắm ông mới gặp lại bạn cũ từ hồi mãn khóa sĩ quan. Tôi nói hôm trước tôi ghé qua trại Mỹ gặp một người quen nói có một người đã đi Mỹ, anh ấy có nhắc tôi và nói có người bà con bên Úc viết thơ nói có thấy một người giống vợ tôi lắm ở trại tiếp cư Altona, Melbourne. Ông có thể tìm xem các chuyến bay trước có tên vơ, con tôi không? Vợ, con tôi đã đi trước tôi 6 tháng mà tới nay tôi vẫn không biết ở đâu, ra sao?
Ông Siva sốt sắng biểu tôi viết tên vợ, con tôi, ông ta dặn viết bằng chữ CAPITAL để ông dễ tìm. Tôi viết tên vợ con tôi bằng chữ in, to và rõ ràng có kèm ngày sinh. Ông ta lôi hồ sơ các danh sách các chuyến bay trước, ông dò tìm một chập, chắc là tên Việt hơi khó khăn cho ông ta nên ông ta gọi tôi vào biểu tôi ngồi vào ghế ở một góc bàn, tự dò tìm các danh sách. Tôi giả bộ từ từ dò tìm, giả bộ lật tới lật lui câu giờ ... chừng 7, 8 phút sau tôi đứng lên ... la HERE! HERE!... tôi đưa danh sách với ngón tay không rời vị trí thứ tự tên vợ, con tôi. Ông Siva quay qua chăm chú dán mắt vào các tên tôi chỉ, Are you sure?- I am very sure! Ông ta nhặt tờ giấy tôi ghi tên vợ, con tôi khi nãy, đưa kề sát tên trên danh sách để so sánh. Sau khi thấy y hệt, đúng cả ngày sinh, năm sinh. Ông Siva bắt tay tôi , chúc mừng tôi đã tìm thấy vợ, con tôi đã qua Úc... ông ta cứ nắm tay tôi thật lâu và ông nói để ông gặp Bà Úc sẽ nói chuyện của tôi để tôi có thể đi Úc sớm hơn.
Ngày 11-1-79 Bà Úc phụ trách Tỵ Nạn của Tòa Đại Sứ Úc ở Kuala Lumpur đem đến Trại Belfield Danh Sách chuyến bay đầu tiên sau dịp nghỉ Lễ Noel và New Year để Trại thông báo và chuẩn bị cho chuyến bay chiều ngày 12/1/79. Chuyến bay nầy sẽ đến Trại Tạm Cư có tên là “Midway Hostel”, ngoại ô Thành Phố Melbourne, thuộc Tiểu Bang Victoria.
Từ 9 sáng tôi đã đọc tên thông báo và tuần tự kêu tên từng cá nhân lên Văn Phòng Trại để nhận 7 viên thuốc xổ và uống ngay tại chỗ. Trong lúc tiến hành cho uống thuốc xổ thì Thiếu Tá Siva đã trình cho Bà Úc biết về tình trạng cá nhân tôi vừa tìm thấy Vợ và 2 con tôi đã qua Úc trên chuyến bay ngày 26 Tháng 10- 78. Theo lời kể của ông Siva thì Bà Úc đã được Siva cho thấy danh sách chuyến bay có tên Vợ, Con tôi hiện ở Altona Hostel, Melbourne. Bà Úc hứa sẽ về TĐS xem lại trường hợp tôi và sẽ cho biết sau.
Chiều hôm đó lúc sắp sửa lên đèn, Bà Úc từ TĐS gọi cho Siva biết, Bà đã thấy hồ sơ của Vợ, Con tôi và của tôi nữa nên Bà đang cố gắng giúp gia đình tôi sum họp càng sớm càng tốt. Bà nói chuyến bay ngày mai tới Melbourne, nếu tôi không đi được thì phải mất thêm vài tháng nữa mới có chuyến bay khác trở lại Melbourne. Bà nói Siva kêu tôi phải uống thuốc xổ ngay, sáng mai Bà sẽ can thiệp cho tôi có chỗ trên chuyến bay ngày mai để đến Melbourne gặp lại Vợ, Con. Bà nói nếu không đi được ngày mai thì se phải đợi lâu hơn vì các chuyến kế tiếp sẽ đi các nơi khác.
Sáng sớm 12/1, Bà Úc gọi cho Siva biết tôi đã có chỗ. Ông Siva cho tôi biết và nói tôi thông báo cho những người có tên trên danh sách chiều nay nếu cần có quần áo lành lặn hơn, có thể vào kho cứu trợ lựa cho mình một bộ quần áo và một đôi giày.
Riêng cá nhân tôi lựa được một sơ mi cụt tay trắng, có cầu vai, đồng phục phế thải của Hãng Hàng Không Singapore. Còn chiếc quần tây, tôi mặc thử rất vừa vặn, tuy đáy quần hơi thùng thình một chút, màu Cà Phê Sữa khiến tôi thích nhứt, không thể chọn chiếc quần tây nào khác hơn.
(Suốt lộ trình từ Kuala Lumpur đến Melbourne tôi mặc bộ đồ tươm tất ấy... mãi tới sau khi gặp lại Vợ, Con ... Vợ tôi mới báo cho tôi biết ANH MẶC QUẦN ĐÀN BÀ!...2 Fermeture nằm 2 bên hông, kín mít phía trước mà anh không nhận ra sao?! Tôi mắc cở tím người ... Tại sao mình đã vô ý đến độ khủng khiếp như vậy?!... Mấy năm cải tạo đã biến tôi lơ tơ mơ đến thế sao?!!!)
Hơn 3 giờ chiều, chúng tôi đã sẵn sàng ra phi trường Kuala Lumpur để lên chuyến bay của Hãng Hàng Không Malaysia. Riêng cá nhân tôi vì không có tên trên danh dách chuyến bay chung của trại. Nêm Bà Úc cho tôi đi chung xe của Bà ra phi trường, mọi người lên máy bay hết và người sau cùng là tôi cầm Boarding Pass và XÁCH MỘT SAMSONITE bảnh chọe! Chúng tôi được xếp đầy các hàng ghế phía sau đuôi. (* Chiếc Samsonite ấy đựng tất cả hồ tỵ nạn của chuyến bay mà Bà Úc biểu tôi giao cho nhan viên di trú ở Midway Hostel).
Khi mọi người tỵ nạn đã yên chỗ thì hành khách bình thường mới lên máy bay và ngồi từ mũi đến hàng ghế trước chúng tôi. Máy bay cất cánh lúc hơn 7 giờ tối.
Bay suốt đêm, mọi người ngủ say sau buổi ăn tối, đến khi thấy ánh sàng ban mai từ từ ló dạng, xuyên qua các cửa sổ máy bay, mọi người được cho ăn sáng, uống trà, cà phê và không đầy nửa giờ sau máy bay đáp xuống Sydney. Hành khách xuống Sydney trước hết và kế tiếp mới đến chúng tôi. Chúng tôi được ngồi ở một chỗ dành riêng không lẫn lộn với hành khách. Chúng tôi được căn dặn từ trại Belfielf, khi tới Sydney chỉ là trạm dừng chân tạm, TRANSIT (Chuyển tiếp) nghỉ ở Sydney 1 giờ rồi chuyển qua lên máy bay QANTAS của Úc để bay tiếp xuống Melbourne.
Từ Sydney xuống Melbourne chúng tôi cũng được ngồi riêng sau hành khách và đường xa chỉ hơn 1 giờ bay, mà cũng có một bữa ăn sáng. Máy bay đáp xuống phi trường Tullamarine gần 9 giờ. Hành khách ra cửa phía trước, đi theo lối đi thông thường của hành khách. Riêng chúng tôi xuống máy bay chờ mươi phút mới đi vào lối riêng để Quan Thuế dòm qua loa và đi thẳng ra 2 xe bus đậu đợi ngoài cổng phi trường.
Chuyến bay tới Melbourne sáng 13-1-79 của chúng tôi có hơn 200 tỵ nạn lớn, nhỏ. Xe bus chạy từ phi trường Tullamarine về Midway Hostel, ai cũng có cảm tưởng ngạc nhiên vì dọc đường không thấy một tòa nhà trọc trời nào mà từ trước trong đầu chúng tôi, các thành phố ngoại quốc đều là những building cao ngất ngưởng .... mà ở đây chưa thấy 1 cái nào cả.
Xe dừng lại ở một bãi đậu xe bên ngoài Midway Hostel, mọi người dòm quanh thấy vắng hoe, ai cũng có cảm tưởng y như phố xá các tỉnh lẻ VN mình vào chiều 30-4-75.
Lovell Chen
Tôi bước xuống xe bus, dòm xa thấy có một số người lố nhố hướng về chúng tôi ... gần thêm một chút thấy CÓ AI DÁNG DẤP GIỐNG VỢ VÀ CON TÔI. Tôi dừng 1 bước để dụi mắt, bước thêm vài bước chăm chú hơn ... CHÍNH LÀ VỢ tôi và MỘT CHÁU NHỎ. Phải thêm vài thước nữa Vợ tôi mới nhìn ra tôi. Chúng tôi ôm nhau trong ngỡ ngàng ... như trên trời rớt xuống! ... Vuốt ve nhau, khóc...khóc ... cháu nhỏ khóc.... mà hình như chưa hình dung ra tôi ... sau nhiều ngày xa cách, đầy gian lao khổ nhọc đã khiến hình hài ai cũng thay đổi nặng nề ..... Sau nầy vợ tôi cho biết, sáng 13-1-79 ông Manager của Altona đến phòng kêu vợ con tôi chuẩn bị để ông chở qua Midway Hostel mà không cho biết đến đó để làm gì?
Nào ngở để đón tôi, con tôi đứa lớn nó đang sổ mũi nên vợ tôi chỉ đem theo đứa nhỏ là vậy!
Vợ, Con tôi ở một Hostel khác có tên là ALTONA HOSTEL, cách Midway Hostel của tôi trong vòng 10 km.
Altona Homestead
***Ghi Chú:
1/- Tất cả những gì từ khi đến được Malaysia của cả Vợ, Con tôi và Tôi đều không có tin tức của nhau. Nhưng về phía CAO ỦY TỴ NẠN và TÒA ĐẠI SỨ ÚC Ở MÃ LAI ĐỀU RÀNH RẼ MỌI CHI TIẾT CỦA GIA ĐÌNH CHÚNG TÔI. Chắc chắn CAO ỦY TỴ NẠN và ÚC ĐÃ ÂM THẦM GIÚP ĐỠ CHO CHÚNG TÔI SUM HỌP TRONG MỘT “SURPRISE” tột cùng, với nguyên vẹn ý nghĩa của từ ngữ nầy!!!
Cả cuộc sống còn lại gia đình chúng tôi không bao giờ QUÊN ƠN LÒNG NHÂN ĐẠO VÔ BIÊN của Tổ Chúc Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ, của Chính Phủ Úc, của Tòa Đại Sứ Úc ở Malaysia và Đặc Biêt các Cá Nhân Cao Quý như Thiếu Tá Mã Lai Trại Kuantan, Thiếu Tá Siva Trại Belfield, hơn hết là Chành Phủ Malaysia. Đặc biệt hơn cả là Bà Úc (Xin lỗi tôi vô tình không học thuộc tên Bà) phụ trách Tỵ Nạn Đai Diện cho Tòa Đại Sứ Úc, Bộ Di Trú Úc và Chánh Phủ ÚC ĐẠI LỢI mà Thủ Tướng Malcolm Fraser là người mở rộng vòng tay tiếp đón Tỵ Nạn Từ Việt Nam sau 1975.
Malcolm Fraser
Former Prime Minister of Australia
* Hành Trình của 2 con tàu.
A/- TÀU VỢ và HAI CON GÁI TÔI.
- Dương Thị Liên Nhụy – Cán Sự Điều Dưỡng Khóa 7 Chợ Rẫy. (Qua đời 2018)
- Lâm Quế Hương – Sau nầy là Kiến Trúc Sư – RMIT -Melbourne.
- Lâm Quế Thanh – Sau nầy là Medical Doctor- Monash Uni. Melbourne.
-Khởi hành từ Rạch Giá – Giữa 3/78
- Tới Trại Pulau Besa- Cuối 3/78
-Trại Belfield 24-4-78
-Melbourne 27/10/78.
B/- TÀU TÔI.
-Lâm Hữu Xưa – ĐS /QGHC – Khóa 14/ 1969
- Khởi hành Rạch Giá 18/10/78.
- Trại Kuantan – 24/10/78.
-Trại Belfield 18/12/78
-Melbourne 13-1-79.
______________________________
LHXung- Cuối Tháng 10/ 2024
No comments:
Post a Comment