Wednesday, August 21, 2024

“NGỦ VỚI KẺ THÙ” 

Sáng 18 tháng 8 năm 2024, Tô Lâm, Tổng Bí Thư (TBT) kiêm Chủ tịch nước Việt Nam cùng đoàn tùy tùng đã tới Quảng Đông, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước đến Trung Cộng. Đây là điểm đến đầu tiên của Tô Lâm sau khi được bầu làm TBT vào ngày 03 tháng 08. Như vậy chỉ sau hai tuần đoạt được ghế TBT, Tô Lâm đã vội vã “triều kiến” Bắc Kinh, trái với thông lệ của các vị tiền nhiệm là phải chuẩn bị ít nhất cũng vài tháng.

Chọn đến Bắc Kinh đầu tiên khi vừa nhậm chức TBT của ông Tô Lâm có vẻ hơi trái truyền thống, khi các người tiền nhiệm lại thường chọn Lào hoặc Campuchia.

Cũng có thể tháng 9 này, Tô Lâm dự định sẽ tham dự phiên họp của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, nghĩa là sẽ đến Mỹ và cũng có dự định gặp Tổng Thống Biden nên phải vội vã đến Bắc Kinh trước để tỏ sự tôn trọng của Hà Nội theo truyền thống lâu nay trong chính sách đối ngoại của VN là luôn ưu tiên Bắc Kinh trong hệ thống cấp bậc ngoại giao dù có nâng cấp lên Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ và nhất là để trấn an Trung Cộng trong khi vẫn thúc đẩy đường lối ngoại giao “cây tre” mà ông NPT đã đề ra để tìm sự giúp đỡ của Mỹ.

Cuộc “triều kiến” Bắc Kinh lần này diễn ra trong bối cảnh:

- Vấn đề vị trí lãnh đạo
Lần này, lãnh đạo hai nước Việt-Trung gặp gỡ trong trường hợp, cả hai là “đồng cấp” toàn diện, nghĩa là cùng là Chủ Tịch nước, cùng là TBT Đảng.


- Vấn đề Biển Đông
Giữa hai nước vốn đã đầy mâu thuẫn, bất đồng sâu sắc về Biển Đông. Vào lúc Việt Nam chuẩn bị có cuộc diễn tập chung trên biển với Philippines vào ngày 9 tháng 8 thì trong một tuần, máy bay không người lái (UAV) của Trung Cộng đã bay dọc và gần bờ biển Việt Nam, lần lượt vào ngày 2 tháng 8 và ngày 7 tháng 8. Đây là hành động của TC nhằm thực hiện “chiến thuật vùng xám” để củng cố yêu sách "đường lưỡi bò" của mình. Trung Cộng lâu nay vẫn tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông và điều này không chỉ thách thức Việt Nam mà còn cả Philippines, Malaysia và Brunei.

Tháng 11/2002, Trung Quốc đã ký tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đồng thuận những điều khác, bao gồm "thực hiện tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định, giữa các nước… và xử lý những khác biệt của họ một cách xây dựng". Nhưng trên thực tế, trong nhiều năm qua, Trung Cộng liên tục đưa tàu thuyền các loại đi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam và rồi vào tháng 11 năm 2022, sau hai mươi năm, Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng có tuyên bố chung là "xử lý thỏa đáng các vấn đề trên biển… thúc đẩy thực hiện đầy đủ và hiệu quả (DOC)… và kiểm soát tốt các bất đồng trên biển, không hành động làm phức tạp thêm tình hình và mở rộng tranh chấp…”.

Mặc dầu đến Bắc Kinh triều kiến lần này để bày tỏ sự tôn trọng Thiên Triều, tuy nhiên Tô Lâm khó thuyết phục Trung Cộng tôn trọng và thực hiện quy ước DOC và nhiều phần chắc là bổn cũ soạn lại, nghĩa là Trung cộng vẫn tiếp tục xâm phạm lãnh hải còn Việt Nam vẫn lặp đi lặp lại lời phản đối, gọi đó là hành vi xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông nhưng chẳng có hành động nào và Trung cộng thừ cứ lờ đi.

- Vấn đề thương mại
Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Cộng trong khối ASEAN. Nhưng Trung Cộng đang trong thời kỳ suy thoái, tăng trưởng chậm, thất nghiệp cao, thị trường địa ốc sụp đổ…lại bị Mỹ, Châu Âu lập nhiều rào cản kinh tế, siết chặt thuế quan, gia tăng căng thẳng thương mại. Liệu quan hệ thương mại giữa hai nước Việt Trung có suông sẻ, có gia tăng không khi những mâu thuẫn chính trị, cụ thể là “tranh chấp biển Đông” vẫn tồn tại. Việt Nam sẽ phải làm gì khi Trung Cộng xem mở cửa cho hàng nông sản VN nhập khẩu là vũ khí chính trị để đạt được những yêu sách về lãnh hải.

- Vấn đề nội tình chính trị
Trong khi Việt Nam ngày càng có vẻ ổn định chính trị, Tô Lâm ngày càng thâu tóm toàn bộ quyền lực, bộ máy công an ngày càng lớn càng mạnh, tất cả mọi đòi hỏi nhân quyền dân quyền, tự do dân chủ đều bị đàn áp bị bóp chết trong trứng nước, hình thành một xã hội Công An trị thì ngược lại ở Trung Cộng, các “tin đồn” về sự mất quyền lực của Tập Cận Bình ngày càng nhiều, càng lan rộng mà ở các nước Cộng Sản, các “tin đồn” vẫn thường là những lời báo trước cho các sự kiện sẽ xảy ra. Có nhiều dấu hiệu để thấy Trung Cộng có thể xảy ra khủng hoảng chính trị trong thời gian sắp tới.

Sau gần nửa thế kỷ, nếu gọi là kẻ thù thì chắc chỉ có Trung Cộng là mối lo duy nhất của Việt Nam. Đối phó với kẻ thù này, chả lẽ dựa vào Nga, cái gọi là đồng minh truyền thống?. Nga lại đang sa lầy ở Ukraine, nên ngày càng trở thành chư hầu của Trung Cộng. Còn chỗ dựa nào tốt bằng Mỹ bây giờ. Kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều Việt - Mỹ là 132 tỉ đô la một năm, với chiều xuất sang Mỹ là hơn 100 tỉ đô, nhập về chưa đến 32 tỉ đô. Chênh lệch đến gần 70 tỉ đô một năm, thặng dư thương mại quá lớn, Mỹ ưu ái Việt Nam nhiều nhất và duy nhất trên thế giới. Vì vậy, chính sách “ngoại giao Cây Tre” chắc chắn vẫn còn được Việt Nam phát huy. Đây là lựa chọn tốt nhất.

Xem thế, sự đon đả, ôm hôn thắm thiết kiểu “BỐN TỐT - MƯỜI SÁU CHỮ VÀNG” của Hà Nội với Bắc Kinh cũng chỉ là “SLEEPING WITH THE ENEMY”.

Nhất Hùng

No comments:

Post a Comment