Wednesday, July 24, 2024

Những Cô Học Trò Và Đôi Điều Khó Nói

Hoàng Chính

Trước giờ thi, một cô học trò láu táu, “Thầy bao nhiêu tuổi hả thày?” Câu hỏi từ cặp môi đỏ chót và cái nháy mắt từ cặp lông mi lướt thướt làm cả lớp cười ồ. Hồi ấy tôi vừa mới ba mươi, và tôi là ông thầy giáo bị hỏi câu ấy ngay trong lớp học, cái lớp học có quá nửa số học sinh là nữ, và tôi bị hỏi khi đang giúp học trò ôn bài thi cuối khóa.

Quá bất ngờ, ông thầy sựng lại một giây, rồi thong thả trả lời, “Cái này đâu có trong đề thi.”

“Em hỏi là tại vì hồi đêm em nằm chiêm bao thấy thày,” cặp môi cong chậm rãi giải thích. Cả lớp chăm chú lắng nghe. Cô học trò gật gù như chờ cho mọi người theo kịp rồi mới tiếp, “Vì vậy em cần biết tuổi thày để mua số đề.”

Lớp học vỡ toang tiếng cười. Cả lớp xúm vào hùa theo. Những cái miệng lao xao. “Thầy làm gì trong giấc mơ của chị Trang vậy, thày?”, Trang là cô học trò mi cong, môi đỏ ấy. “Đúng rồi, cho số để tụi em mua ké đi thầy.” “Thầy mấy tuổi rồi vậy, thầy?” “Nói thiệt đi thầy, thầy bao nhiêu tuổi…” “Cho số đi, nếu trúng em chia cho thày một nửa.” Học trò đùa giỡn muốn vỡ tung lớp học. Một người còn nhắc lại cái lần xe ông t thầy chết máy, phải nhờ học trò câu bình, và hứa, “Trúng số, em mua cho thầy chiếc xe Lexus, để thày khỏi lo mùa đông xe chết máy.”

Ông thầy lúng túng, cố gỡ rối, “Được rồi, được rồi… Bây giờ lo chuyện thi rồi sẽ tính sau.” Ngay lúc ấy thì nhân viên coi thi vào tới. Cơn đùa giỡn lắng vội xuống như thủy triều rút.

Và ông thầy thoát nạn.

Dạo ấy tôi dạy hai lớp vừa Anh ngữ cho người mới tới định cư, vừa Quốc Tịch. Một lớp đủ các sắc dân, lớp kia toàn người Việt. Hôm ấy là ngày thi của lớp người Việt. Gần ba chục học sinh đủ mọi lứa tuổi hồi hộp chờ nhận đề thi. Để giúp đỡ di dân yếu tiếng Anh, sở Di Trú đổi từ thi vấn đáp sang thi viết. Cuối khóa học, nhân viên di trú đem đề thi đến tận lớp học cho học sinh làm bài và cho biết kết quả ngay tại chỗ. Tôi nghĩ thi quốc tịch ở Canada là thứ thi cử dễ nhất thế giới. Hai mươi câu hỏi. Làm đúng sáu mươi phần trăm là đậu. Nghĩa là không được sai quá bốn câu. Khóa học có sáu buổi. Buổi học đầu, đích thân thày giáo làm hồ sơ và nhận tiền học phí để nộp cho sở Giáo Dục. Lệ phí mỗi khóa học là mười đồng tiền Nữ Hoàng. Công việc đơn giản. Chỉ cần thủ sẵn một ít tiền lẻ để thối lại cho học sinh. Sau sáu buổi của khoá học ấy, thày giáo biết mặt, biết tên tất cả học sinh, nhớ đến cả giọng nói và cách nói chuyện của từng người.

Trừ một người.

Ấy là một cô học trò không bao giờ mở miệng. Liên tiếp sáu tuần lễ, và nếu kể tới hôm ấy thì đã là bảy, chưa bao giờ cô hé môi nói ra một lời. Những móng tay không sơn phết, khuôn mặt không trang điểm hoặc trang điểm rất khéo khiến ông thày không thể nhận ra. Nụ cười buồn và mắt nhìn xa vắng. Chỉ bấy nhiêu thôi. Ngay cả những lúc lớp học xôn xao đùa giỡn, cô cũng vẫn nhìn xa xăm. Tia nhìn xuyên qua ông thày, xuyên qua tấm bảng đen, xuyên qua vách tường trắng, luồn qua những cành phong xanh lá trong sân trường, lượn cùng những đám mây mùa hạ trên cao, và tan biến vào một nơi xa, rất xa, tới nửa vòng trái đất. Chắc đây là một thiếu nữ có tâm sự buồn. Một người xác nơi này nhưng hồn còn lay lắt ở quê nhà. Ông thày đoán vậy và để mặc cho cô học trò xa vắng.

Người ngồi bên cạnh cô học trò xa vắng ấy - tức là cô học trò mi cong, môi đỏ, hay đùa nghịch nhất lớp - khi học về các cấp chính quyền Canada, đã than thở, “Thày, mắc mớ chi mà Canada nhiều đảng quá trời, em nhớ hỏng nổi.”

Ông thầy liếc cô gái thầm lặng một cái rồi nhìn qua người vừa đặt câu hỏi, chậm rãi cái giọng trầm trầm, “Có năm đảng liên bang, ba đảng ở tỉnh bang, đâu có nhiều.”

Cô môi đỏ, mi cong không đồng ý, “Phải như chỉ có một đảng như Việt Nam mình thì khỏe há, thầy?”

Cả lớp rộn tiếng cười. Ông thầy cũng buồn cười và không thể không đồng ý rằng nhiều đảng thì dân chủ thật nhưng khó nhớ tên chủ tịch đảng – vì xứ đa văn hóa nên chẳng những có tên tiếng Anh, tiếng Pháp, mà còn cả tên tiếng Hòa Lan, tiếng Ấn Độ - thêm vào đó là phải nhớ đường lối của từng đảng một. Trước khi quay lại với bảng đen ông thày liếc cô gái thầm lặng thêm một lần. Trên khuôn mặt trái soan ấy, vẫn một nửa nụ cười u uẩn và hai con mắt ngó xa xăm.

Buổi học cuối. Thi Quốc tịch, một thứ thi tốt nghiệp sau khóa học. Không khí nghiêm trọng hẳn lên. Có quốc tịch là yên tâm. Trở thành công dân một xứ sở văn minh và tôn trọng nhân quyền là điều mọi người mơ ước. Nhân viên di trú đến coi thi, chấm bài và trao cho ông thầy bản kết quả thi.

Bà nhân viên nhà nước vừa quay lưng, học trò nhốn nháo ngay lập tức. Bao nhiêu con mắt lo lắng nhìn thày. Nhìn kết quả, ông thầy thở phào và bằng giọng nói thảnh thơi, cho biết cả lớp mình đậu hết. Học trò hét lên và nhào đến mừng rỡ ôm ông thầy. Thầy loay hoay, lúng túng, tay chân rụng rời, thân người mềm nhũn. Những đụng chạm hiếm có giữa những người Việt Nam khác phái đang ập lên người ông thầy. Mùi tóc, mùi mồ hôi, mùi nước hoa, mùi da thịt, mùi dầu gió xanh và cả mùi thuốc lá làm ông thầy choáng cả người. Lúc tìm được một khoảng trống để thở ông thầy bắt gặp bóng dáng cô học trò thầm lặng. Vẫn tóc thả xuôi vai, mắt nhìn xa xăm và nét buồn u uất. Ông thày chợt nhận ra tất cả học trò đều ôm thầy một cái để chung vui, ngoại trừ cô học trò trầm lặng này dù cô cũng thi đậu như mọi người. Lòng thầy giáo chợt nao nao. Trí óc vẽ vời thấp thoáng một chuyện tình đơn phương tội nghiệp. Hôm nay là ngày cuối nếu học trò không nói ra, sẽ chả bao giờ còn cơ hội cho học trò nói nữa đâu. Ông thầy thầm nghĩ.

“Thi đậu rồi, uýnh lộn với chồng có sao hông thầy?” Giữa tiếng cười nói lao xao, giọng cô học trò mi cong, môi đỏ lanh lảnh.

“Không nên,” thầy giáo nói vội. “Chưa tuyên thệ quốc tịch, chưa là công dân, nguy hiểm lắm. Tội hình sự, coi chừng bị trục xuất…”

“Lỡ mình hỏng muốn mà thằng chả cứ kiếm chuyện thì phải làm sao, hả thầy?”

Tiếng cười rộn ràng lớp học. Cô – hay bà - học trò này là người son phấn đặm nét nhất lớp học và cũng là người khi học về địa lý, nhìn vào bản đồ đã cằn nhằn với đầy ẩn ý, “Bản đồ phẳng lì thế này làm sao biết chỗ nào là núi đồi, chỗ nào là sông rạch để mà mò chớ!”

Nhưng cũng nhờ những câu nói đùa như thế mà lớp học bớt khô khan.

Vậy là xong một khóa học. Vài tuần nữa sẽ có lễ tuyên thệ. Ông thầy nhìn một lượt những khuôn mặt Việt Nam thân thuộc. Những di dân này sẽ có cho mình một tấm thẻ quốc tịch và những quyền lợi công dân của một đất nước tự do đúng nghĩa. Sau những lời cảm ơn, những cái bắt tay thân tình, những vòng ôm hiếm hoi, mọi người lũ lượt ra về. Cơn vui lắng xuống như thủy triều rút cạn. Cô học trò còn lại đó. Cô nhìn thầy giáo bằng đôi mắt u uẩn, như có điều gì không thể nói ra nhưng cũng không thể giấu mãi trong lòng.

Bước xuống chỗ cô ngồi, thầy giáo ngần ngừ gợi ý, “Thi đậu rồi mừng há?”

Cô học trò nhỏ nhẹ, “Dạ.” Ấy là câu nói đầu tiên thốt ra từ cặp môi mỏng màu hồng. Suốt bảy tuần lễ đây là lần đầu tiên ông thầy nghe được giọng nói của cô học trò.

“Cô có hỏi gì không?” ông thày nhắc nhắc.

Cô học trò lại “Dạ” rồi ngừng một lúc mới nói tiếp, “Thầy, bữa trước lúc mới nhập học đó...” Cô lại ngần ngừ. Cô học trò bối rối. Ông thầy cũng bối rối theo. Trong lòng xốn xang, ông thầy chuẩn bị thật kỹ để nghe một câu tỏ tình. Nhất định phải là câu tỏ tình. Cứ nhìn ánh mắt thì biết. Từ hồi nhận dạy lớp quốc tịch đã hai lần ông thầy được (hay bị) học trò tỏ tình. Một cô học trò từ Iraq chờ mọi người về hết mới lên bảng viết một hàng chữ Ả Rập lẫn một câu tiếng Anh. Thầy giáo chỉ đọc được câu tiếng Anh vì nó đơn giản: “I love you, Teacher.” Lần khác là cô học trò xứ Nam Tư cũ. Cũng I love you, nhưng thay vì ghi “Teacher” thì ghi tên của ông thầy. Lần ấy ông thầy đã hoảng hốt nhắc học trò ra về cho nhanh. Còn lại một mình, đứng ngẩn ngơ nhìn nét phấn trắng ngoằn ngoèo trên nền bảng đen, lòng bâng khuâng như cơn gió lạc vào lớp học, không tìm được lối ra.

Vì vậy hôm nay ông thầy đoán được câu cô học trò sắp nói. Chắc cô sẽ nói bằng tiếng Việt. Lâu lắm không nghe được câu tỏ tình bằng tiếng Việt. Nhưng vì là thiếu nữ Việt Nam chắc cô sẽ không nói thẳng ra điều cô đang ôm ấp trong lòng. Có thể cô sẽ xa xôi, bóng gió, nói xa nói gần, nói bằng ánh mắt, nói bằng nụ cười, nói bằng cái mím môi, nói bằng đôi mi rung rất nhẹ… để làm lòng ông thầy mềm xuống như sợi bún (bún tươi ở Việt Nam chứ không phải bún khô cứng như kẽm gai, nhập cảng từ Thái Lan hay Hồng Kông bán đầy rẫy ở phố Tàu Toronto!) Học trò tỏ tình thế nào thày giáo cũng chịu hết. Bao nhiêu năm lận đận xứ người, tình yêu hiếm hoi, còn lòng nào mà bắt bẻ những chuyện nhỏ nhen. Em có quyền cải lương. Cỡ nào thày cũng chịu. Miễn sao câu nói ấy diễn tả trọn vẹn những điều em gói ghém trong lòng suốt bảy tuần lễ nay là được.

Nghĩ vậy nhưng ông thầy vẫn cố nhớ xem mình có giảng sai chỗ nào không, chẳng hạn nhớ lầm tên ông chủ tịch đảng cầm quyền thành bà chủ tịch đảng đối lập, nhưng ông thày biết chắc là mình không sai chỗ nào hết. Thế nên ông thầy khuyến khích cô học trò, “Có gì muốn hỏi phải không? Thi đậu rồi, thành công dân Canada rồi vui há. Bây giờ khỏi lo quên tên dòng sông dài nhất Canada hoặc tên ông chủ tịch đảng cầm quyền nữa nhỉ.”

“Thày mau quên quá hà!” cô học trò trách móc với nụ cười. Rồi cả hai cùng im lặng. Mãi cô mới nói được một câu, thật nhỏ, như một lời thì thầm phát ra từ một góc kẹt nào đó của trái tim đang lỡ nhịp, “Bữa hôm nhập học...”

“Nhập học... làm sao?” ông thầy nôn nóng.

Cô học trò chớp mắt, nhìn xuống nền nhà, rên rỉ, “Ui da, sao khó nói quá hà!”

“Thì cứ nói, thầy y không la đâu,” ông thày giáo khuyến khích.

“Bữa hôm mới nhập học đó, lúc đóng tiền học phí đó, em đưa thầy tờ hai chục...”

“Rồi sao nữa?”

Cô gái thở hắt ra, “Thầy quên thối lại em mười đồng.”

Ông thầy giật bắn người. Chuyện ấy có hay không, lâu rồi làm sao mà ông thày nhớ được. Nhưng cô học trò nhớ lâu vậy chắc là đúng. Khổ một điều là hôm ấy thầy giáo không đem theo tiền nên không có mười đồng để trả cho cô học trò.

Lớp học ấy và bao nhiêu lớp học khác đã qua. Ấy là một thời tôi đã đong đếm được vô số kỷ niệm đẹp. Những lớp học ở xứ người đầy ắp học trò Việt Nam đủ mọi lứa tuổi nhưng vẫn giữ tình thày trò thắm thiết, và dẫu chỉ là lớp học ESL và Quốc Tịch nhưng cũng đã cho tôi sống lại một thời ca dao xưa, rất xưa (dẫu đã ít nhiều lạc điệu) rằng “muốn con hay chữ thì yêu lấy thày”. Chỉ tiếc là cho tới bây giờ tôi vẫn thiếu nợ cô học trò trầm lặng mười đồng tiền Canada. Dù những khóa học sau đó tôi luôn thủ mười đồng trong túi chờ cô ghé qua để nhận lại, nhưng cô biến đi như cánh chim lao vào cơn bão.

Và thỉnh thoảng tôi lại băn khoăn không biết mình đã làm chuyện gì trong giấc chiêm bao của cô học trò mi cong, môi đỏ, người đã đòi tôi khai tuổi và than phiền rằng bản đồ Canada phẳng lì, nhìn không biết đâu là núi non, sông rạch để mò cho chính xác.



No comments:

Post a Comment