Friday, July 26, 2024

Nhớ giọng hát trầm ấm của quái kiệt Trần Văn Trạch

Nhắc tới Trần Văn Trạch (1924-1994), người được coi như là nghệ sĩ khai phá đầu tiên thế loại stand-up comedy ở Việt Nam, ai cũng nghĩ đến những kiểu gây cười duyên dáng của ông, nhưng ít người nhớ đến ông xuất thân là một ca sĩ, có giọng ca trầm và đẹp, được nhạc sĩ Lê Thương yêu chuộng và viết riêng cho những bài hát thể hiện giọng ca của ông, và cả các kiểu giả thanh độc đáo lưu danh trong lịch sử sân khấu Việt Nam.

Dưới đây là một bản ghi âm cũ giọng ca của ông, trình bày một bản nhạc Pháp (nhạc gốc của Hungary), soạn lời Việt bởi Phạm Duy. Nếu nghe qua, nhiều người cũng phải ngẩn ngơ nghĩ rằng ông ắt không gặp thời. Bởi giọng ca của ông trầm ấm tựa như Sĩ Phú, và diễn cảm không kém Anh Ngọc. Đặc biệt là ông có lối hát giọng Bắc hơi Nam, tức không hoàn toàn âm Bắc mà ít nhiều pha chất Nam Bộ vào lối nhả chữ.


Điều này rất thú vị, vì dù là người Mỹ Tho, miền Nam, nhưng Trần Văn Trạch sớm nhận ra và học cách trình bày các bản tân nhạc cần lối phát âm Bắc, do từ năm 1954, các nghệ sĩ và trí thức miền Bắc phổ biến trong Nam và tạo dấu ấn riêng, khác với các lối hát bằng giọng Nam bộ trong tuồng, bài.

Nhiều khán giả vẫn yêu quý tiếng hát của Trần Văn Trạch qua bài Chiều Mưa Biên Giới của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Cách hát mềm mại và lối phát âm đặc biệt của ông, khiến bài hát có một sắc thái không hề lẫn với bất kỳ ca sĩ nào khác.

Trần Văn Trạch phải tự mình sáng tác riêng những tác phẩm để phục vụ cho thể loại trình diễn độc đáo của ông, và nghiễm nhiên biến ông thành một nhạc sĩ đầy sáng tạo, với những bài hát như Chuyến xe lửa mùng 5, Cái téléphone, Anh chàng thất nghiệp, Cây viết máy, Cái đồng hồ tay, Ðừng có lo…


Trong dòng họ của quái kiệt Trần Văn Trạch, chỉ duy có giáo sư Trần Văn Khê là thành công với việc nghiên cứu học thuật, ngoài ra từ ông cố, cha, em, cô… đều là những nghệ sĩ thiên về biểu diễn. Thậm chí ông có người cô, là bà Trần Ngọc Viện (1884-1944), là người đầu tiên lập gánh hát Đồng Nữ Ban (1927), với mọi diễn viên đều là nữ, là hiện tượng đặc biệt của lịch sử cải lương ban đầu của miền Nam. Tuồng diễn lừng danh suốt một thời của Đồng Nữ Ban, có tên “Giọt lệ chung tình”, về sau trở thành câu nói dân dã quen miệng khán giả miền Nam.

Người miền Nam gốc, không ai là không nhớ Trần Văn Trạch với bài hát Xổ số Kiến thiết Quốc gia do ông sáng tác, được phát thường xuyên trên đài phát thanh Sài Gòn vào chiều thứ 3 hàng tuần suốt từ năm 1952 cho đến tháng 4 năm 1975.

Triệu phú đến nơi, năm, mười đồng thôi mua lấy xe nhà giàu sang mấy hồi.
Xổ số quốc gia, giúp đồng bào ta đó là thiên chức của người Việt Nam”.

Danh từ “đại nhạc hội”, theo ký giả Trần Văn Chi, được cho là do nghệ sĩ Trần Văn Trạch tạo ra, để mô tả cho những buổi biểu diễn tổng hợp Ca-Vũ-Nhạc-Kịch-Xiếc-Ảo thuật… vào những ngày vui đầu năm mới. Nếu xét lại, Trần Văn Trạch cũng được coi là người tạo ra truyền thống biểu diễn phục vụ cho những ngày Tết, mà sau này giới nghệ sĩ hay gọi tắt là “show Tết”.

Trần Văn Trạch cũng được coi là người đầu tiên của Việt Nam hát với nhạc playback – tức nhạc nền thu âm trước, phát trên cassette – do nhu cầu biểu diễn những bài riêng mà ông chỉ có thể tự mình chuẩn bị, cùng với những đoạn nhạc biểu diễn giả thanh do ông tự nghĩ ra.

Nghệ sĩ Trần Văn Trạch được mời thu âm nhiều, nhưng do hệ thống lưu trữ thất lạc sau chiến tranh, và một phần là bị hủy diệt bới chính sách văn hóa mới. Tuy nhiên những bản ghi âm còn sót lại, người ta còn tìm thấy được bài Nghìn Năm Vẫn Đợi Chờ của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, do chính ông đàn piano. Bài hát này trở nên hiếm hoi vì ghi âm chỉ có một lần, lưu lạc, mà chính nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cũng thú nhận ông cũng không còn giữ được.


Trong dòng dõi nghệ sĩ của gia đình, Trần Văn Trạch được coi là nghệ sĩ “giang hồ” nhất, làm nhiều nghề, lang thang nhiều nơi để tìm cơ hội. Ông có lúc rất nổi tiếng, nhưng có lúc cũng rất vất vả. Đời ông như một cuốn phim thăng trầm đầy chuyển động, tiếc là chưa có ở nhà sản xuất điện ảnh nào nghĩ đến chuyện làm một bộ phim về ông một cách trân trọng và đúng đắn.

Thẩm Thúy Hằng, Trần Văn Trạch và Thanh Nga

Một trong những biến cố của đời ông, là sau 1945, khi người Pháp rời khỏi Việt Nam, phong trào “xét lại” vội vã và cực đoan của Việt Minh đã dẫn đến nhiều thảm nạn như Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Trác… lúc đó vì ông Trần Văn Trạch có người vợ Pháp nên cũng bị kết tội là ‘Việt gian’. May nhờ người anh là Trần Văn Khê quen biết với Lưu Hữu Phước và cũng tham gia kháng chiến chống Pháp, đứng ra bảo lãnh mới thoát nạn. Bù lại Trần Văn Trạch phải chứng minh mình là không là Việt gian bằng cách phải tham gia hoạt động văn nghệ tuyên truyền của Việt Minh. Nhưng vốn bản tính là một người tự do, đến gần cuối năm 1946, ông bỏ về Sài Gòn, mở một quán ca nhạc cùng người em gái của mình.

Năm 1977, nghệ sĩ Trần Văn Trạch sang Pháp định cư, loay hoay với nhiều nghề, thậm chí là phụ tá cho văn phòng luật sư, và rồi qua đời lặng lẽ ở Paris, hưởng thọ 70 tuổi.

 

No comments:

Post a Comment