Saturday, June 1, 2024

Xi đây!

Hôm 06/05/24, Xi, Đảng trưởng Đảng cộng sản Tàu và Chủ tịch nước, tới Pháp thăm viếng cấp nhà nước 2 ngày. Theo giới ngoại giao thì cuộc gặp gỡ có những « trao đổi rất xây dựng ». Nhưng những nhà chuyên về Á châu và đặc biệt về Tàu, lại cho rằng ông Tổng thống Macron mời Xi qua thăm viếng chỉ là cách « ngoại giao giao hảo » mà thôi.

Nhưng về mặt tiếp đãi khách Nhà nước thì Pháp vẫn có tiếng là nước lịch sự như Tây. Ông Macron và phu nhơn Brigitte mời Đảng trưởng Xi với phu nhơn Peng Lyuan ăn tối tại Điện Élysée: khai vị với trứng cá Osciètre (caviar Osciètre 8000€/kg), rượu chát Château Lafitte Rochild 2007 (1116 €/chai 75 cl) và món chánh là gà Bresse với cải non (gà Bresse, giá 1kg lối 75 €). Cùng dự dạ tiệc, có nhiều nghệ sĩ như kịch sĩ Sophie Marceau (pháp), Gong Li (Tàu) và nhiều doanh nhơn. Cách tiếp tân từ Paris cho tới đèo Tourmalet (Pyrénées) vẫn tuyệt vời.

Qua ngày 07/05, chủ khách cùng xuống căn cứ thể thao La Mongie, vùng Pyrénées ở phía Tây-Nam, nơi Macron và vợ thường tới, trước kia vừa thăm viếng bà ngoại của Macron sanh sống và mất tại xã Bagnères-de-Bigorre, sau này, chỉ chơi ski. Lần gần đây là hồi tháng 3 vừa qua.

Macron mời vợ chồng Xi xuống đây không phải vì muốn tới một nơi xa Paris ồn ào để dễ nói chuyện quan trọng về tình hình thế giới trong một khung cảnh dễ gần gũi thân thiện hơn mà chỉ ngụ ý đáp lễ Xi đã mời Macron tới Canton uống trà nhơn chuyến viếng thăm 3 ngày 5-7 của Macron hồi tháng 04 năm 2023. Xi đưa Macron tới đây để nhắc lại kỷ niệm về cha của Xi đã làm Chủ tịch Quảng Đông từ 1978 tới 1981 và riêng những kỷ niệm thời trai trẻ của Xi.

Về những hồ sơ nóng như tình hình ở Ukraine, ở Gaza, sự căng thẳng kinh tế, vẫn chưa có một bước tiến nào khả quan. Hamas bất ngờ tấn công Do Thái hồi 7 tháng 10/2023, tàn sát thường dân, cả đàn bà, trẻ con vẫn không làm cho Xi phải lên tiếng. Về chiến tranh ở Ukraine, Xi càng làm ngơ như chẳng biết có chuyện gì xảy ra. Còn về xe điện của Tàu nhập vào Âu châu đang bị điều tra cách làm ăn của Tàu thiếu ngay thẳng, thì Xi lên tiếng hăm dọa sẽ có cách trừng phạt Âu châu để trả đũa. Thế mà hai nhà cũng cụng ly đúng nghi lễ. Riêng Xi thì cụng ly với cái ly riêng mang theo sử dụng cá nhơn ở mọi bữa tiệc. Đề phòng bị thuốc độc, thứ mà Tàu từ thời xa xưa vẫn chuyên nghề!

Qua ngày 07/05, hai ngày thăm viếng Pháp để kỷ niệm 60 năm hai nước bang giao kết thúc, Xi ra về để còn tiếp Poutine, người « bạn quí nhứt » và cũng là người « bạn vô giới hạn ». Nay Xi tạm quên mối hận xưa vì hai người cùng theo đuổi mục tiêu chung là dẹp bỏ cái trật tự đang chi phối thế giới, giá trị tiêu chuẩn là tự do dân chủ, để thay thế bằng thứ trật tự của họ là chánh trị độc tài, kinh tế tư bản toàn trị.

Nhận diện Xi

Năm 2014, Xi cùng vợ viếng thăm nước Pháp, kỷ niệm lần đầu tiên 50 năm bang giao với Pháp. Năm 1964, đi trước các nước khác ở Âu châu, Tướng de Gaulle vội bắt tay bang giao với Tàu cộng sản vì de Gaulle muốn xác định vị trí Pháp là một cường quốc độc lập trong tình hình thế giới đang chiến tranh lạnh. Pháp không ngả theo phe Huê Kỳ mà chơi cả với các nước cộng sản. Cũng như hồi tháng 12/1944, chiến tranh vừa kết thúc, de Gaulle vội chạy qua Moscou thăm viếng Staline và ký với Staline một hiệp ước an ninh tuy biết ông có từ Luân Đôn về « giải phóng » Paris là nhờ Đồng minh đánh xong Quốc xã. De Gaulle vẫn mang tâm lý không ưa Huê Kỳ vì xưa nay có mấy ai ưa chủ nợ mặc dầu đó là món nợ tinh thần!

Lần tới Pháp đầu tiên, Xi được TT. Hollande đón tiếp và hướng dẫn viếng Điện Versailles thể theo yêu cầu chánh thức của Bộ Văn hóa Bắc kinh. Mao lên ngôi ở Bắc kinh năm 1949 nhưng chưa qua Âu châu vì sợ đi máy bay. Năm 1950, lần đầu tiên ra khỏi xứ vì phải đi chầu Sịt ở Moscou, Mao đi-về bằng xe lửa. Nay Xi thăm viếng Pháp và đòi tới Điện Versailles, với tư cách quốc khách của Pháp và được Tổng thống Pháp đón tiếp và hướng dẫn, không chỉ muốn trả lễ giùm Mao mà còn có ý rửa hận cho Tàu hồi năm 1919. Thật vậy, ở Điện Versailles, tại Phòng Khánh tiết bốn bên lót gương, năm 1919, các cường quốc đã ký Hiệp ước Versailles giải quyết tình hình nước Tàu trong đó có điều khoản trao Tỉnh Shandong của Đức chiếm cho Nhựt. Sự kiện này đã làm nổi dậy phong trào thanh niên Tàu hô hào canh tân đất nước. Hai năm sau, 1921, một số trong đám này đứng ra thành lập đảng cộng sản Tàu. Phần còn lại theo chủ nghĩa dân tộc và ngày nay đang chết sống cố giữ Đài Loan. Phải chi đã sớm giũ bỏ ảo tưởng về lục địa giải phóng quê hương mà tuyên bố Đài Loan một Quốc gia độc lập thì ngày nay đã yên thân! Người Việt Quôc gia chúng ta rất dễ chia sẻ tâm trạng này của người bạn Quốc dân đảng ở Đài Loan.

Theo truyền thống, Tàu xếp những lãnh tụ cộng sản theo thế hệ. Mao, người lập đảng thuộc thế hệ thứ nhứt. Có thành tích giết hết 80 triệu dân Tàu vì những sai lầm liên tiếp trong cai trị theo chủ thuyết « cách mạng thường xuyên », lấy « giai cấp đấu tranh » làm nòng cốt. Tới Xi là người thuộc thế hệ lãnh tụ cộng sản thứ năm. Nhưng Xi đang nuôi tham vọng vượt qua tầm vóc của Mao. Xi tập trung quyền hành trọn trong tay để lãnh đạo đảng: cho thiết lập các bộ phận do người thân tín nắm giữ và liên hệ trực tiếp với Xi như Ủy ban Đài Loan và Ngoại vụ, Ủy ban Cải cách Kinh tế, Ủy ban An ninh Quốc gia, Ủy ban An ninh Điện tử Viễn thông, Ủy ban Quốc phòng và Cải cách Quân đội.

Những bộ phận này giúp Xi nắm chặt đảng, lần lượt loại những thành phần không tuyệt đối trung thành với Xi.

Ngoài ra về thân thế, Xi còn là lãnh tụ thuộc thế hệ thứ hai vì Xi là con trai của đảng viên cùng thời với Mao. Lúc Xi vừa lên ngôi, đảng cộng sản trong tình trạng khá dao động. Đổi mới hay bảo thủ? Mà đổi mới thì đổi tới đâu? Bảo thủ thì sao?

Wang Qishan, một Ủy viên Trung ương, bèn đưa ra quyển « L'Ancien Régime et la Révolution » của Alexis de Tocqueville (của Pháp) và cho phổ biến. Lập tức, hàng triệu bản được tung ra trên khắp nước Tàu. Nhưng không biết Xi có đọc hay không. Xi có tiếng là người viết nhiều. Hiện nay, có một quyển của Xi được dịch ra Pháp văn « La Gouvernance de la Chine » (Cai trị nước Tàu), tập hợp những bài diễn văn của Xi đã đọc chỗ này chỗ kia, nhưng lược bỏ những bài công kích Tây phương, hình Xi in đậm và lớn trên bìa sách giống như sách đỏ (Hồng thư) của Mao.

Xi có đặc điểm khá đáng chú ý là khi tới Pháp, trong diễn văn, Xi trích dẫn những nhà văn, nhà thơ, triết gia kim cổ địa phương như George Sand, Flaubert, Balzac, Rousseau, Voltaire, La Fontaine, Molière, Pascal,... Sartre, Beauvoir, Aron,… Tới Đức nói chuyện thì Xi kể Goethe, Schiller, Heine, Leibniz, Kant, Hegel, Fêurbach, Heidegger, Marcuse... Xi đã không ngần ngại cho biết là đã đọc 114 nhà văn, họa sĩ, triết gia, kịch gia... Tàu và ngoại quốc. Cả thần thoại Ấn Độ và kinh điển Vệ đà.

Về chuyện đọc sách của Xi, nhà văn ly khai Murong Xuecun vừa cười và nói Xi quả thật là người đọc sách nhiều nhứt kể từ thời Tàu lập quốc. Nhưng thử hỏi có ai tin hay không? Hay Xi nói xạo như cộng sản mà Xi là lãnh tụ?

Nhưng Xi có đọc mấy cuốn sách cũng không quan trọng bằng việc Xi nắm giữ chánh quyền nước Tàu theo cộng sản, từ 30 năm qua, nhờ mở cửa, theo kinh tế thị trường, biến nước Tàu thành cái xưởng, với nhơn công rẻ mạt, sản xuất cho tư bản thế giới nhưng nay thì kinh tế của Tàu đang đà suy thoái nghiêm trọng. Xã hội Tàu cực kỳ phân hóa giàu nghèo vì cộng sản vẫn chưa đem lại được một xã hội bình đẳng.

Thế mà Xi vẫn cố lợi dụng sự yếu kém tạm thời về kinh tế và ý hệ của những nước dân chủ Tây phương mà nhảy lên muốn chiếm thế lãnh đạo thế giới, thực hiện « giấc mộng Tàu » vào năm 2030!

Xi giữ chế độ cộng sản và kết hợp văn hóa truyền thống Tàu từ Khổng tử, Mặc tử, Hàn Phi tử... Nhưng Xi chọn Hàn Phi tử vì học thuyết pháp gia giúp Xi giữ và củng cố chế độ độc tài.

Pháp gia hay Realpolitik

Xi thường khoe là người thừa hưởng nền văn minh lâu đời và sáng chói của Tàu. Nhưng nếu có nói ảnh hưởng Khổng tử thì đó là bề ngoài của cách cai trị vì thực chất, Xi học cách cai trị ở Hàn Phi, lấy pháp luật làm nề nếp cai trị. Xi thành lập một Nhà nước mạnh đặt trên một hệ thống luật pháp mạnh. Nhà nước phục vụ một lãnh tụ mạnh và đất nước mạnh. Luật pháp mạnh là phương tiện phục vụ chánh quyền chớ không phải để bảo vệ quyền lợi của dân chúng. Ở Tàu hay ở các nước độc tài khác, như Việt Nam, luật pháp sẽ ban thưởng cho ai tuân hành và xử phạt kẻ vi phạm để giữ xã hội yên ổn cho đảng.

Từ lúc lên ngôi, Xi áp dụng học thuyết Hàn Phi, tăng cường quyền lực lên đảng, cho những người có ý tranh chấp với Xi đứng xếp hàng ngay ngắn, trù giập chết bỏ những kẻ chống đối hay có ý phê phán đường lối cai trị của Xi. Đặc tính quan trọng của học thuyết Hàn Phi là áp dụng sự sợ hãi, quyền lực và kiểm soát chặt chẽ dân chúng để phục vụ chánh quyền. Quyền lực là trên hết. Bảo vệ quyền lực không cần phải giải thích hay xin lỗi. Học thuyết Hàn Phi là linh hồn của chế độ Bắc Kinh hiện nay.

Năm 2004, sử gia Qin Hui nhận xét Nhà nước Tàu có vẻ như theo học thuyết Khổng tử, nhưng thực chất thì đó là một Nhà nước của đàn áp và của sợ hãi để bảo vệ sự cai trị độc tài tuyệt đối của đảng cộng sản. Nhiều người vẫn bảo Nhà nước Tàu cai trị theo luật pháp nhưng luật pháp ở đây phải được hiểu theo nghĩa học thuyết Hàn Phi, tức hoàn toàn không phải là thứ « Nhà nước Pháp trị » (État de droit) của Tây phương bị Xi cực lực bài trừ. Ở Tàu chỉ có « Nhà nước bởi luật pháp » vì Nhà nước này dùng luật pháp đàn áp xã hội, không bao giờ biết tôn trọng quyền lợi hay « quyền làm một con người » của dân chúng.

-- Nguyễn thị Cỏ May

* Hàn Phi Tử có nhiều bản dịch Việt ngữ. Riêng Nguyễn Hiến Lê cho rằng bản dịch (2 quyển) của Nguyễn Ngọc Huy, Lửa Thiêng, Sài gòn, 1974, là hay hơn hết.


No comments:

Post a Comment