Thursday, June 6, 2024

Người Sống Sợ Người Chết



Bạn thân mến,

Ngày 30/4/2024 đang tới, đã 49 năm trôi qua thế nhưng bao nhiêu u uất và bao nhiêu nhớ nhung đang bắt đầu trở về trong ký ức của chúng ta.

Có những câu chuyện đã được nghe một đôi lần nhưng khi tháng 4 đen quay trở lại hàng năm, câu chuyện đó khi được đọc lại vẫn tưởng như một câu chuyện mới của ngày hôm qua bởi nó vẫn xót xa, vẫn uất hận và vẫn đắng cay.

Bây giờ, không phải chỉ còn là câu chuyện mất quê hương mà là những mẩu chuyện của chiến tranh, của máu đổ, của thịt rơi, của chết chóc, của bom đạn, của tử thủ, của chiến hữu, của hy sinh, của tự sát, của can trường, của tan hàng, của tứ tán, của di tản, của lạc nhau, của phân ly, của mồ hôi, của nước mắt, của bị lừa, của phản bội, của hứa hẹn, của đe dọa và của trả thù.

Với tất cả bao nhiêu thứ “của” đó đã được tạo ra để được gọi tên chung là ngày mất quê hương, ngày 30/4, tháng tư đen.

Nạn nhân không phải là anh, là em, là vợ, là chồng, là con, là cháu, là tướng, là tá hay là binh nhì, binh nhất mà cả có cả triệu người phải bỏ nước ra đi bằng thuyền bè và đường bộ, cả có cả trăm ngàn người bị đánh lừa để thản nhiên tin tưởng đi vào tù cải tạo, có cả hàng ngàn gia đình tan tác, phân ly, đổ vỡ, mất nhà mất cửa, có cả một đất nước tự do của gần 20 triệu người đã bị xóa tên trên bản đồ thế giới và cả một dân tộc bị thay đổi hoàn toàn.

Trong chuyện xóa tên và thay đổi đó, nó đã được kể lại với nước mắt, mồ hôi và máu đổ, với kiệt sức và cầu nguyện, với tin tưởng và thất vọng, với chia ly và đợi chờ, với uất hận và cay đắng, với hy sinh và câm nín, với hứa hẹn và dối trá, với đói khát và sợ hãi, với hăm dọa và trả thù,

Cuối cùng, với hàng trăm câu hỏi ” Với” như thế mà có ai tìm được ra câu trả lời vào lúc đó không?.

Rồi đến một lúc nào đó, các câu hỏi sẽ lần lượt được kể lại và viết ra, không phải bởi các phóng viên, nhà báo, các nhà văn hay người làm truyền thông mà bởi những người đã là chứng nhân của ngày tháng đau đớn “Của” này.

Chứng nhân có thể là những vị tướng tá chỉ huy quân sự, những đơn vị trưởng của sư đoàn, tiểu đoàn, đại đội, tiểu đội, những sĩ quan của Nhẩy dù, Biệt Động Quân, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt kích dù, Lôi hổ, Thiết giáp, Pháo binh, không quân, hải quân, cảnh sát, địa phương quân…..

Bên cạnh cấp chỉ huy quân sự, còn các binh sĩ cấp dưới trung sĩ, hạ sĩ hay bất cứ người dân bình thường nào cũng đều là chứng nhân trực tiếp của lịch sử.

Chứng nhân cũng có thể là những nhà sư, linh mục, những Phật tử, Giáo dân, những tuyên úy tôn giáo, có thể là những công chức của chính quyền, những nhà trí thức cao thâm và học giả có tiếng, cả đến giới văn nghệ sĩ làm báo, viết sách, làm thơ hay biên khảo ngay cả đến giới ca nhạc sĩ kịch nghệ tân nhạc và cải lương.

Nghĩa là tất cả những người hoặc là đã cầm súng hay không cầm súng, đã chỉ huy hay ngồi văn phòng, những người không cầm súng nhưng cầm bút viết, không cần biết viết cái gì, những người không cầm súng, không cầm viết nhưng cầm microphone làm nghệ thuật để phục vụ cho con người hay cho chính quyền, không cần biết.

Kể ra như thế không biết là đã đủ chưa hay với bao nhiêu chứng nhân đó đã có thể gọi là hoàn tất tập lịch sử của đất nước được không?

Theo như tin tức tìm thấy trên mạng về 2 chữ HO thì câu chuyện chương trình HO bắt đầu từ năm 1990, theo đài RFA năm 2014 ghi lại những diễn biến như sau:

– Ngày 30/4/1975, có cả triệu binh sĩ VNCH buông súng theo lệnh của tổng thống giờ thứ 25 Dương Văn Minh.

– Rồi sau đó, có khoảng hơn 200,000 sĩ quan từ cấp Thiếu úy trở lên thuộc quân lực QG hay địa phương quân, nghĩa quân theo lời kêu gọi nhẹ nhàng của CS

– cộng với hàng ngàn viên chức chính quyền VNCH
– hàng trăm người không cầm súng nhưng cầm bút, cầm microphone và làm nghệ thuật hay hoạt động tôn giáo.

Tất cả đã được đưa vào 80 trại tù cải tạo từ Nam ra Bắc suốt từ mũi Cà Mau cho tới biên giới Việt Trung cộng với một lời dặn dò dễ nghe:
– càng mau giác ngộ càng mau trở về nhưng theo lịch của bắc bộ phủ dán trong nhà tù:

– 1 ngày ở hạ giới bằng 10 năm ở cải tạo nghĩa là mang 10 ngày lương thực sẽ sống được 10 năm ở tù cải tạo.

Sau đó, ít nhất từ 5,7,10 năm sau, đã có một số ít người tù cải tạo được bắt đầu thả ra.

***
Trước 30/4/1975, một người đàn bà tên Khúc Minh Thơ đang làm ở tòa đại sứ VN bên Phi Luật Tân. Sau ngày mất nước, bà xin về VN để lo cho chồng con đang kẹt lại ở đây nhưng bị từ chối.

Cho mãi 2 năm sau, ngay 29 tháng 1, 1977, bà phải sang Honolulu USA để định cư. Chồng bà là sĩ quan trong quân đội VNCH đã mất sau khi được thả ra từ tủ cải tạo trước chương trình HO.

Bà là người ấp ủ một hoài bão lo lắng cho các người tù cải tạo sau khi họ được thả ra và ngay cả những người tù đang sống trong trại tù cải tạo.

Bắt đầu với ý nghĩ đó, bà đi tìm con đường vận động để chăm sóc họ. Nương tựa vào những tin tức về luật lệ qua lại giữa VN và Hoa Kỳ đã có sau 30/4/75, bà đã làm quen với ông Shepard Lawman, một người Mỹ có vợ Việt tên Hiệp và đã là chuyên viên làm ở tòa Đại sứ Mỹ trước năm 1975.

Qua sự trao đổi suy nghĩ và với sự hiểu biết về Việt Nam của ông Shepard, ông ta gợi ý là nên lập một hội mang tên “Gia đình tù nhân chính trị Việt Nam” để tập hợp những vợ con của các tù nhân chính trị nhằm tạo một tiếng nói chung và lớn mạnh để gây tiếng vang trong việc vận động trên đất Mỹ.

Vào lúc đó, ông Shepard đang làm việc cho bộ Ngoại Giao Mỹ. Ông đã được sự giúp đỡ của ông Robert Funseth, phụ tá ngoại giao đặc trách chương trình tỵ nạn của bộ Ngoại giao.

Mối quan hệ giây mơ đó đã giúp cho tiếng nói của hội ‘GDTNCTVN” vang tới quốc hội và lọt vào tai ông TNS John McCain, TNS Robert Kennedy và nhất là TNS John Warner. chồng thứ 6 của minh tinh Elizabeth Taylor.

Hầu như những nhân vật trong quốc hội Mỹ quan tâm tới Việt Nam và quan tâm tới người tù cải tạo đều ít nhiều là cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh VN. Cho nên, họ rất hiểu chuyện này và đã giúp bà KM Thơ mạnh dạn tiếp tục con đường vận động cứu nạn cho các tù nhân của tù cải tạo CS.

Ngày 30/4/1989, bà được bộ NG và QH Mỹ ủng hộ và sắp xếp giúp bà tới gặp Trịnh Xuân Lãng, đại sứ của CSVN ở New York để yêu câu họ thả các tù nhân chính trị và cho đi Mỹ tái định cư.

Trong 3 tháng sau đó, ngày 30/7/1989, căn cứ vào những thỏa thuận trước kia, một thỏa ước được ký kết giữa chính phủ VN và Hoa Kỳ để cho tù nhân chính trị được ra đi tái định cư ở Mỹ.

Chương trình được gọi tên là HO (Humanitarian Operation program).

Theo bà KMT thì bộ ngoại giao Mỹ nói chữ HO là tên gọi của phía Việt Nam.
Còn phía Mỹ, bộ NG gọi đúng ra là chương trình :

– Special Release Reeducation Center Detainee Resettlement Program.
Chương trình Tái định cư cho Tù nhân Cải tạo được Phóng thích Đặc biệt.

Ngày 5 tháng 1, 1990, đợt HO1 đầu tiên đã đặt chân tới đất Mỹ.

Tuy nhiên, chương trình HO này chỉ kéo dài được có 5 năm, tới 1996 thì bị ngưng lại vì QH Mỹ chỉ cho tiền và thời hạn là 5 năm nhưng bà KMT đã không chịu ngồi yên được vì không thể để cho những người tù cải tạo được thả ra sau này bị bỏ rơi.

Tuy nhiên, theo thông lệ của sinh hoạt chính trị ở Mỹ lúc đó, những ủng hộ viên người Mỹ như ông Shepard và ông Robert đã nói với bà là nếu ban đầu mà xin ngân khoản cho một chương trình dài HO tới 10, 15 năm thì chắc chắn sẽ thất bại, không thể có được.

Cho nên, họ đã khuyên bà chỉ nên xin ngắn hạn là 5 năm thì dễ thành công hơn. Khi tình hình biến chuyển tốt thì sau đó, sẽ xin thêm 5, 10 năm nữa, có nhiều hy vọng sẽ được chấp thuận.

Bà KM Thơ nghe lời khuyên này và căn cứ vào sự thành công của bước đầu 5 năm, bà đã tiếp tục con đường đấu tranh xin tiền đợt hai cứu trợ.

Phải mất tới 10 năm sau nghĩa là tới năm 2005, QH Mỹ mới chấp thuận cho một ngân khoản thứ hai để cho chương trình HO được tiếp tục.

Trong đợt 2 vận động cứu trợ đợt này, TNS J McCain đã có một công rất lớn là được TV Mỹ chấp thuận một dự luật cho phép con cái đã trưởng thành được đi theo gia đình qua Mỹ, dự luật gọi là McCain Amendment.

Cuối cùng, chương trình HO được tiếp tục lại từ năm 2005 tới 2008 mới chấm dứt cho tới danh sách HO47.

Khi chương trình HO với 47 danh sách chấm dứt, có khoảng 200,000 người gồm người tù cải tạo cùng vợ và con đã được tái định cư trên toàn đất Mỹ.

Trên mạng, không có tin tức về tổng cộng riêng cá nhân số người tù cải tạo kể từ danh sách HO1 tới HO47 được cho tái định cư là bao nhiêu?

Chắc chắn là có nhưng không được phổ biến vì không có lợi cho phía CS.

Chỉ biết rằng sau 30/4/75, có khoảng 200,000 sĩ quan bị đưa đi tù cải tạo. Qua 5,10,15,17 năm tù khổ sở, đói khát, đầy đọa, làm việc khổ sai và bệnh hoạn, có lẽ chỉ còn 2/3 người sống sót nghĩa là trên dưới 100,000 người.


Câu chuyện HO và 200,000 người gồm gia đình con cái này đã tới được vùng đất hứa tự do chắc chắn đã mang theo một kho hành lý to lớn về những câu hỏi ”Với” như đã kể trên.

Câu chuyện bắt đầu từ ngày 30/4/1975, ngày mà những người tỵ nạn CS mang nó theo khi tha phương biệt xứ trong suốt 49 năm qua, họ đều muốn đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi “Với” ngày xưa.

Họ đã kể ra cho gia đình con cháu được nghe, họ đã kể ra cho bạn bè được biết và họ kể ra để chia sẻ với tất cả mọi người khác được hiểu, không phân biệt là bạn hay thù, người Việt Nam hay người ngoại quốc, người Việt ở hải ngoại hay đang còn ở trong nước.

Họ kể ra bất kể lúc nào họ muốn, không cần phải chờ đến ngày tưởng niệm 30/4, họ viết thư kể chuyện cho nhau, viết bài gửi tới truyền thông báo chí và gửi tới các mạng xã hội, viết sách truyện in ra, lập chương trình ca hát tưởng niệm, dựng phim tả lại cuộc đời và mẫu chuyện, làm thơ kể chuyện, làm nhạc kể chuyện, hội thảo, hội ngộ, hội hè, xum họp để kỷ niệm và chia sẻ đau thương của quá khứ, xuống đường biểu tình để ủng hộ và gin giữ tình yêu quê hương xưa chống lại chủ nghĩa Cộng sản.

Cả trăm ngàn câu chuyện đó đã trở thành một kho chuyện khổng lồ không biết kể tới chừng nào mới hết qua từ hàng ngàn con người đã sống sót, ngoi lên từ cõi chết và nỗi tuyệt vọng.

Không cần phải là những câu chuyện dài mà có thể là những mẩu chuyện ngắn.
Câu chuyện hay mẩu chuyên ngắn không cần phải có liên hệ với nhau bởi mỗi người có thể đã phải sinh tồn hay sống sót trong mỗi hoàn cảnh và điều kiện khác nhau, đôi khi cùng hoàn cảnh nhưng điều kiện thì khác nhau, có khi rất tàn nhẫn, bi thảm hay chỉ lướt qua, có khi không thể tưởng tượng được nhưng đã thực sự xẩy ra, có khi vết thương đã lành nhưng vẫn còn để thẹo và đau nhức.

Nhưng tất cả đều giống nhau ở một chủ đề và có một chương duy nhất.

Đó là chủ đề về câu chuyện mất nước.

Mỗi người sẽ có một câu chuyện riêng của mình nhưng nếu ghép tất cả những câu chuyên đó lại với nhau thì mọi người chắc chắn sẽ nhìn thấy và nhận ra một tấm hình chung của lịch sử và của đất nước, của người Việt QG và người CS, khác nhau ở chữ người Việt.

Đó là lịch sử của chúng ta. Lịch sử của người QG tỵ nạn cộng sản.

Lịch sử mất nước đã trải dài được 49 năm, một quãng thời gian có thể sinh ra đươc hai thế hệ con người trong gia đình nhưng không phải là chương chót hay kết thúc cho quyển sách về lịch sử của người Việt tỵ nạn.

Lịch sử của con người bao giờ cũng có bắt đầu từ lúc sinh ra khóc oe oe và chấm dứt vào lúc nhắm mắt ngưng hơi thở, nhưng lịch sử của quốc gia VNCH dù có chương mở đầu nhưng không bao giờ có chương kết thúc.

Nước Việt Nam Cộng Hòa đã bị xóa tên trên bản đồ thế giới nhưng ngọn cờ vàng vẫn còn phất phới bay mỗi khi 30/4 trở về không những ở trên đất Hoa Kỳ mà còn ở khắp nơi trên thế giới, mà người cầm cờ vẫn luôn luôn có một nụ cười hãnh diện và hạnh phúc trên môi thay vì giọt nước mắt rơi.

Vậy lịch sử nước VNCH kể từ năm 1954-1975 đã được 21 năm và qua ngày mất nước 1975-2024, được 49 năm, cộng chung đã được 70 năm dài.

Một khi cờ vàng vẫn còn được bay phất phới, một khi câu hỏi ”Với ” vẫn được tiếp tục đi tìm câu trả lời từ khắp nơi trên thế giới, một khi người sống mà vẫn sợ người chết thì làm sao bảo rằng lịch sử VNCH đã bị chấm dứt?


NNP

Nguồn: VACA


No comments:

Post a Comment