Sunday, May 5, 2024

Từ Tháng Tư Đen…Đến Mỹ Quốc

Kim Loan trong những lần làm MC Tưởng Niệm Quốc Hận tại Edmonton, Canada

Em là...a...búp măng non, em lớn lên trong mùa cách mạng”

Là bài hát mà lũ trẻ con chúng tôi thường hát mỗi khi đi sinh hoạt Đội, mà cũng rất đúng với tôi, khi “cách mạng” chiếm Miền Nam tôi chỉ gần 9 tuổi, rồi ròng rã “lớn lên trong mùa cách mạng” suốt 14 năm, trước khi lên đường đi vượt biên thành công cuối năm 1989.

Tôi ngây thơ đeo khăn quàng đỏ, cắp sách tới trường dưới mái trường “xã hội chủ nghĩa”, và mùa hè vào đội sinh hoạt hè. Cứ ngỡ chỉ là nhảy múa tưng tưng ca hát vui chơi, ai dè hết phong trào này đến phong trào nọ, chúng tôi mệt bở hơi tai và sợ nhất là... chị Linh.

Chị Linh, cũng như vài anh chị thanh niên khác trong xóm, tình nguyện giúp phường xã quản lý chúng tôi mỗi mùa sinh hoạt hè. Trong khi các anh chị khác chỉ làm qua loa, lấy lệ, vui là chính, thì chị Linh lại hăng say một cách nghiêm túc. Nhớ có lần chào cờ, chị Linh đứng nghiêm, tay phải đặt lên ngực trái, mắt hướng về lá cờ đỏ sao vàng, miệng còn nhẩm hát bài Quốc Ca say mê thắm thiết, làm tôi và thằng Hà bụm miệng cười, báo hại sau đó chị Linh kêu hai đứa đứng dưới cột cờ, phê bình kiểm điểm, không cho tham gia sinh hoạt bữa đó luôn. Về nhà, tụi tôi kể cho chú Bảy, ba của thằng Hà nghe, chú là thương binh thời VNCH bị cụt chân nên không phải đi “học tập cải tạo”. Chú nổi sùng:

- Con Linh là con “cách mạng 30/4” chớ hay ho gì, chỉ giỏi bắt nạt con nít!

- Là sao hở chú?

- Thì gia đình nó có ai theo cách mạng, hay theo nằm vùng gì đâu.

Mà đúng thiệt, nhà chị Linh ngay đầu chợ Thông Tây, má chị có sạp chạp phô, ba chị làm công nhân, chị gái chị là chị Liên Điếc làm thợ may trong xóm, và con Lan em chị học chung trường với tôi, ai cũng bình thường thôi mà, chỉ có chị Linh là hổng giống ai.

Sinh hoạt hè được vài năm, chị Linh được điều lên Quận Đoàn, nghe đâu chị được kết nạp Đoàn, rồi làm việc trên đó, cố gắng phấn đấu tiếp tục vì “lý tưởng”. Sau đó, tôi cũng bước qua tuổi thiếu niên, không còn trong lứa tuổi phải đeo khăn quàng đỏ, mừng hết lớn.

Cái khăn quàng đỏ, từng là nỗi ám ảnh, vì nhóm chúng tôi là “mục tiêu” của bọn Sao Đỏ trong trường. Bởi cái quy định đeo khăn quàng đỏ từ ở nhà trước khi đến lớp, nhưng chúng tôi xấu hổ, thường để trong cặp, khi đến cổng trường mới đeo, và hôm nào xui xẻo gặp bọn Sao Đỏ nhìn thấy, là bị ghi tên, trừ điểm. Tôi cũng thích nghịch phá, nên khăn quàng đỏ thường bị lấm mực, dơ bẩn, chúng nó cũng trừ điểm. Giờ ra chơi, chúng tôi chơi trò “bịt mắt bắt dê”, tháo khăn quàng ra bịt mắt, chúng nó cũng trừ điểm. Thậm chí khăn quàng không giặt không ủi, để nhăn nheo, chúng nó cũng kiếm cớ trừ điểm.

Có thể nói, đám Sao Đỏ thường là những đứa học không giỏi, mà nếu có vài đứa giỏi thì cũng thuộc loại lầm lì, ham thành tích, khoái phấn đấu lập công để tiến xa hơn trên hoạn lộ. Có quyền hành trong tay, chúng nó rình mò các bạn bè, nhìn chúng tôi với những đôi mắt và bản mặt “đằng đằng sát khí”. Sau này, ngoại trừ vài đứa lỡ dại ngây thơ bị dụ vào cái nhóm bị ghét nhất trường và hồi tỉnh, còn lại chúng nó chính là những tên cơ hội, thương đội hạ đạp, bán rẻ anh em bạn bè để vinh thân phù gia dù bản thân chúng cũng biết chúng đang sống trong một chế độ giả dối, báo cáo láo toét, miễn sao chúng vẫn có quyền lợi, nắm quyền sinh sát đám đông.

Bởi vậy, hồi đó chúng tôi thường tránh xa đám Sao Đỏ như tránh hủi, và gọi chúng là bọn “dở hơi cám lợn”. Bây giờ nhớ lại thời “khăn quàng đỏ” và chị Linh mà vẫn thấy ... ớn da gà.

Lên cấp 3, tự do được hai năm, đến năm lớp 12 ông thầy Ngọc, dạy Văn kiêm bí thư Đoàn trường biểu tôi vào Đoàn vì tôi có đủ... năng lực (năng lực gì, tôi hổng biết). Thầy đưa tôi tờ Đơn Xin Vào Đoàn rồi nói tôi đem về Phường xác minh nhân thân. Đến ngày nhận lại giấy từ công an Phường, mấy hàng nơi cuối tờ đơn có đóng mộc đỏ chót đập vào mắt tôi:

“Gia đình có ba là Cảnh Sát chế độ ngụy quyền, anh rể là sĩ quan VNCH, gia đình không chấp hành chính sách đi Kinh Tế Mới của Đảng và Nhà Nước, hai anh ruột đã vượt biên đang ở Mỹ, trong đó có một anh đào ngũ khi đang thi hành Nghĩa Vụ Quân Sự- Đề nghị: không cho đương sự Kim Loan vào Đoàn!”.

Tôi hớn hở đem tờ lý lịch “phản động rực rỡ” nộp cho Thầy Ngọc, ổng nhìn qua rồi chẳng nói gì. Tưởng được thoát nạn, ai dè tuần sau tôi đang ăn chè trong căn-tin trường với lũ bạn, Thầy kêu tôi ra:

- Nè, em chuẩn bị dự Lễ vào Đoàn tuần tới nhé.

- Ủa, cái tờ giấy xác minh lý lịch, Thầy đọc chưa?

- Dĩ nhiên là rồi, nhưng Thầy không quan tâm.

- Ủa, là sao?

- Em bớt “ủa” đi được không, tờ giấy đó chỉ là thủ tục nộp cho Bí Thư là Thầy, nên Thầy đọc xong xé đi rồi.

- Nhưng ...

- Không nhưng không ủa gì nữa. Tóm lại là, Thầy năn nỉ em đó, em ráng giúp Thầy, chịu vào Đoàn để thầy đạt được “chỉ tiêu” ở trển giao xuống, hiểu chưa!

Thầy Ngọc, dưới mắt con nhà "ngụy quân ngụy quyền" của tôi, có rất nhiều “điểm trừ”: là dân miền ngoài gốc Nghệ An, là bộ đội vượt Trường Sơn và cái tội bự tổ chảng là “giải phóng” Miền Nam. Nhưng Thầy có một “điểm cộng” rất lớn, là có tâm hồn Văn Thơ, tâm hồn nghệ sĩ. Đôi lần ngồi nói chuyện với đám nữ sinh chúng tôi, thầy tâm sự thầy thích đọc sách văn chương của các tác giả Miền Nam trước năm 1975, và thầy cũng rất mê nhạc tình lãng mạn của Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Lam Phương... Tôi nhớ mãi hình ảnh Thầy lim dim đôi mắt hí, như đang phê thuốc lào, gật gù bình luận một bài hát:

- Ôi, bài thơ Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan đã hay, nhưng chính nhờ Phạm Duy phổ nhạc, thành một bài hát tuyệt vời, không có chỗ nào chê được, nghe Thái Thanh ca tới đâu sung sướng tới đấy!

Vì điểm cộng này, tôi vui lòng nhận lời vào Đoàn, giúp Thầy hoàn thành “chỉ tiêu”.

Khi tôi ra trường, một thời gian sau nghe nói Thầy lên chức Hiệu Phó, đường công danh bắt đầu rộng mở, chắc cũng có chút ... công lao của tôi, vì đã gật đầu vào Đoàn giúp Thầy.

Tôi lại tiếp tục “lớn lên trong mùa Cách Mạng” khi trở thành cô giáo Tiểu Học, đem ước mơ truyền dạy kiến thức cho lũ học trò bé bỏng dễ thương. Cô Hiệu Trưởng, tên Lâm, là dân theo chồng đi tập kết, rồi chồng chết trong bưng biền chiến khu. Giọng nói của cô nửa Nam nửa Bắc, tính tình khó đăm đăm, nhiều thầy cô trẻ trong trường không thích lại gần, nhưng cô Lâm lại rất vui vẻ dễ chịu với tôi. Nói nào ngay, một phần là do tôi tốt nghiệp Sư Phạm thủ khoa, được chính Thầy chủ nhiệm khoa dẫn về Phòng Giáo Dục giới thiệu, nên được cưng, nhưng phần khác, quan trọng hơn, là hễ gia đình tôi có giấy báo đi lãnh đồ Mỹ là tôi xin nghỉ một buổi dạy để đi lãnh đồ với bà chị, rồi hôm sau trở lại trường tôi luôn biếu tặng cô Lâm chút quà “lấy thảo”, có khi là hộp chocolate, chai dầu xanh, cái áo thun. Mà tôi luôn đưa quà một cách khéo léo, bọc trong giấy báo, thừa lúc văn phòng vắng người, và cô Lâm cũng mau mắn nhét gói quà vào trong giỏ xách chớp nhoáng, không ai có thể biết được mối “quan hệ” ngầm của chúng tôi.

Có lần, tôi có chuyến vượt biên cấp tốc, chỉ có một buổi chiều để quyết định và chuẩn bị lên đường sáng sớm hôm sau. Gia đình bèn giúp tôi gửi đơn đến trường xin vắng mặt hai tuần với lý do thật khôi hài: ra ngoài Bắc thăm họ hàng ốm nặng. Nhưng chuyến đi thất bại, tuần sau tôi trở lại trường, tỉnh bơ cười nói với mọi người, rồi cuối buổi lại dúi vào giỏ cô Lâm cục xà bông Coast và chai dầu xanh. Cô ghé vào tai tôi thì thầm:

- Cả tuần qua, em đi đâu, ai cũng biết hết á! Thôi, lần sau có đi thì ráng chờ mùa hè, tha hồ mà đi.

Thời gian tôi đi dạy học, vào cuối tuần hoặc buổi chiều tối, tôi thường ra quán nước giải khát của gia đình phụ bà chị bán hàng. Quán nằm đối diện khu nhà máy Z.751, mà trước năm 1975 là trại Quân Cụ Đoàn Dư Khương của chính quyền VNCH, nay chính quyền mới vẫn giữ làm nhà máy cho quân đội. Trong những người khách quen của quán, có anh Khánh, lớn hơn tôi 7 tuổi, cấp bậc sĩ quan, là kỹ sư quản đốc một phân xưởng trong nhà máy. Ba của anh là một trong những vị Phó Giám Đốc quyền lực của nhà máy, anh từng được đi du học Đông Đức, khi trở về nước anh vào quân đội. Gia đình anh có mấy căn nhà gần khu sân bay Tân Sơn Nhất.

Chỉ một thời gian gặp gỡ, tôi biết Khánh có cảm tình với tôi. Anh thường ngồi ở quán thật lâu, nói chuyện với tôi về các cuốn sách anh tặng để chúng tôi cùng đọc. Vì biết hai gia đình là hai khung trời khác biệt về quan điểm chính trị, là đối thủ giữa hai bên “thắng cuộc” và “thua cuộc”, nên tôi không để mình yếu lòng, không muốn cho anh cơ hội tiến xa hơn, dù tôi cũng bâng khuâng vì những lời tỏ tình của anh. Anh cao ráo, trắng trẻo, giọng nói nhẹ nhàng từ tốn, nếu không có bộ quân phục sĩ quan quân đội Cộng Sản Việt Nam trên người, có lẽ tôi cũng đã nhận lời yêu anh. Tình yêu không có tội, nhưng tôi và anh chắc chắn sẽ không có cái kết tốt đẹp, trừ khi một ngày nào đó anh chịu... cuốn gói trốn gia đình đi vượt biên cùng tôi, chớ tôi thì không bao giờ từ bỏ nguồn gốc VNCH của mình.

****
Rồi thời gian trôi qua, tôi theo dòng đời xuống tàu vượt biên, để lại sau lưng một khung trời nhiều kỷ niệm vui buồn của một quãng đời “lớn lên trong mùa cách mạng”.

Khoảng đầu thập niên 2000s, khi yahoo mail chat bắt đầu thịnh hành, tôi được nhỏ bạn cùng xóm báo tin:

- Ê, bà Linh ngày xưa chỉ huy sinh hoạt đội với tụi mình, mới đi Mỹ rồi nghen.

- Trời, chuyện khó tin à nha. Tao vẫn nghĩ bà ấy đang là “Đảng Viên Ưu Tú” cơ đấy.

- Còn khuya, tưởng dễ lắm sao. Bả lên làm Quận Đoàn thì bị trù dập, ganh ghét, kèn cựa, trầy da tróc vẩy mới lên đưọc “Cảm Tình Đảng”, rồi bị bè phái đấu tố là gia đình tiểu tư sản, bán chạp phô, hổng phải vô sản thực sự, bả chán nản bỏ Quận Đoàn, nôm na là “từ quan” về làm dân thường như mọi người trong xóm.

- Mà ai cho bả đi Mỹ chớ?

- Bà Linh về nhà ở ẩn, cũng ngại gặp xóm giềng, rồi gặp lại người bạn cũ, hai người lấy nhau, gia đình ông kia có giấy tờ bảo lãnh nên bả cũng hiên ngang bước lên máy bay qua Mỹ ngon lành.

Ôi, chuyện đời có ai ngờ. Rồi cũng khoảng thời gian đó, một cô đồng nghiệp cũ, báo cho tôi một tin không thể... động trời hơn:

- Khi bà đi qua trại Thailand được gần một năm là mùa hè năm sau cô Lâm và đứa con gái đi vượt biên luôn đó.

- Ui là trời, sao y như trong phim hình sự vậy cà!

- Chớ còn gì nữa! Cổ đi bí mật vào mùa hè nên chẳng ai hay biết, bên Phòng Giáo Dục dấu kỹ lắm, chỉ thông báo là cổ chuyển công tác về Miền Tây. Một thời gian sau tin tức rò rỉ, cô ấy đã đến trại Galang, Indonesia và sau này đi định cư tại Florida.

Chưa hết, mới vài năm trước, đứa bạn học cấp 3 chuyển cho tôi một tấm hình qua messenger trên Facebook:

- Loan, đây là facebook của Thầy Ngọc dạy Văn, bà vào liên lạc với Thầy nhe, Thầy ở tiểu bang New Jersey đó. Con gái ổng đi du học rồi có thẻ xanh, vợ chồng ổng được bảo lãnh qua đầy đủ cả gia đình luôn rồi.

Ủa, Ủa, tôi đang mơ hay đang thực hả Trời, khi mà các “tường thành vững chắc” của “Cách Mạng” mà tôi đã gặp trên con đường “lớn lên trong mùa cách mạng” lần lượt kéo nhau qua xứ Tư Bản Mỹ Quốc “rãy chết” sinh sống lập nghiệp, là sao ?

Nhỏ bạn tôi rành đời:
- Đó là chuyện bình thường ở Việt Nam ngày nay, cán bộ đảng viên nào cũng đưa con cháu qua Mỹ du học, mua nhà, mà có thấy đứa nào qua các nước đồng chí Nga hay Trung Quốc đâu. Dân thường cũng vậy, có chút tiền là nghĩ ngay đến chuyện đi Mỹ. Sứ Quán Mỹ tại Sài Gòn ngày nào cũng có một hàng dài người xếp hàng chờ xin Visa, bất kể ngày nắng hay ngày mưa bão, nên dân ta có truyền nhau câu nhái thơ Nguyễn Bính: “Trời còn có bữa sao quên mọc- Lãnh sự Mỹ chẳng ngày nào thiếu... người xếp hàng”.

Đã xấp xỉ 50 năm, một nửa thế kỷ kể từ ngày Miền Nam rơi vào tay Cộng Sản, nhưng giấc mơ Mỹ Quốc vẫn chưa hề nguôi ngoai trong lòng người Việt, mà ngày nay, kể cả người Miền Bắc cũng mê Mỹ hơn bao giờ hết.

Có thể nói, chúng ta “thua” về mặt địa lý, mất Miền Nam, mất Sài Gòn, nhưng chúng ta thật sự mới là “người thắng cuộc” về mặt tư tưởng, tinh thần, và lòng dân thức tỉnh. Này nhé, nhạc Vàng bolero VNCH vang lên từ thành thị đến thôn quê Việt Nam, có mặt trên các cuộc thi ca hát của Đài Truyền Hình, mùa Giáng Sinh Xuân về Tết đến, hầu hết các ca sĩ đều “vô tư” trình bày các bài hát trước 1975 của VNCH, nếu nhắm mắt mà nghe cứ ngỡ là chương trình bên hải ngoại. Ngay cả cái tên Sài Gòn dù bị chính quyền Cộng Sản đổi tên, nhưng vẫn sống mãi, người dân khắp nước đều gọi Sài Gòn yêu dấu chớ chẳng ai thèm xài cái tên mới, chỉ xài trên giấy tờ.

Hôm rồi chị tôi ở Texas đi gởi tiền cho bạn thân ở Việt Nam, đứng trước chị là một chàng trẻ tuổi cất giọng lên nói với anh nhân viên cửa hàng gởi tiền, giọng Bắc hai nút (1975) không lẫn vào đâu được:

- Anh cho em gởi thùng thuốc tây về Bắc Ninh.

Anh nhân viên (cũng nói giọng Bắc hai nút), ra mở thùng thuốc kiểm hàng. 

Chàng Bắc Ninh hỏi thăm:
- Cửa hàng có nhận chuyển máy xoa bóp về Việt Nam không?

- Có chứ, nhưng máy này ở Mỹ dòng điện khác dòng điện ở Việt Nam đấy nhé. Sao không mua ở Việt Nam cho tiện?

- Khổ quá, em cũng bảo mẹ em thế, vả lại mua máy ở Việt Nam còn được bảo hành nhưng mẹ em quyết mua máy bên Mỹ cơ. Lạ thật đấy, mẹ em ở quê xa tít, cả đời chưa bước chân ra khỏi cổng làng, mà hễ kêu em mua gì gửi về là cứ ra lệnh phải mua ở Costco, cứ làm như bên Mỹ chỉ có mỗi chợ Costco. Mẹ bảo chỉ tín nhiệm các món hàng Costco của Mỹ, xài thuốc Tây của Mỹ, bánh kẹo của Mỹ và máy móc của Mỹ quen rồi, thích rồi, nên không muốn thử loại khác.

Và mới đây thôi, hồi giữa tháng 3/2024, người ta truyền nhau vài clips trên facebook, cảnh một số người Việt Nam đang trèo qua bức tường biên giới Mexico để vào Mỹ bất hợp pháp, nghe cả giọng nói miền ngoài ấy, giọng Nghệ An Hà Tĩnh sung sướng réo nhau khi vượt rào thành công: “Giấc mơ Mỹ anh em ơi!”.

Ôi, câu hát của nhạc sĩ Lam Phương sao mà thấm thía xót xa: Bao năm “giải phóng” như thế này, phải không anh?!

Viết tới đây, tôi chợt nhớ tới anh Khánh, người cuối cùng của “thành trì cách mạng” mà tôi đã gặp gỡ quen biết. Giờ này, anh Khánh đang ở đâu? Tôi vẫn luôn tin rằng, anh Khánh là người có tri thức, hiểu biết, hẳn anh cũng đã “sáng mắt” từ lâu.

Với phong trào người dân Việt Nam ai cũng muốn tránh xa “thiên đường Cộng Sản”, rủ nhau “tung cánh chim tìm về tổ... Mỹ”, biết đâu sẽ có ngày tôi dạo chơi ngắm phố xá Bolsa bỗng được tái ngộ “cây si” thuở xưa? Lúc ấy, anh Khánh không còn bộ quân phục sĩ quan CSVN trên người (đương nhiên rồi, xứ Mỹ mà), và tư tưởng của anh cũng đã thay đổi, (nên anh mới đưa gia đình qua đây), tôi sẽ bắt tay anh như một người bạn cũ, và sẽ giúp anh tiếp tục “sáng mắt” nhiều hơn khi sống giữa lòng đất Mỹ tự do.

Cuối cùng, tôi xin kết thúc bài viết này bằng một câu chuyện mới sưu tầm được: Ý NGHĨ CỦA TRẺ CON

Cô giáo hỏi:
- Tí, trong các ngày lễ lớn em thích nhất ngày nào?

Tí trả lời:
- Thưa cô em thích nhất ngày giải phóng 30 tháng 4 ạ!

- Sao em lại thích ngày giải phóng?

- Thưa cô vì ngày xưa nhà em rất nghèo, từ ngày bố em vào giải phóng miền Nam, nhà em giàu có hẳn lên. Nhà có xe máy, tivi, tiền vàng rủng rỉnh. Cơ quan còn cho bố mẹ vào Nam công tác và phân cho bố mẹ em biệt thự to do gia đình ngụy đi kinh tế mới để lại ạ!

- Thế mơ ước của em bây giờ là gì?

- Thưa cô mơ ước lớn nhất của em là mình làm sao phải giải phóng nốt nước Mỹ cô ạ!!

Edmonton, Tháng 4 Đen 2024,
KIM LOAN

No comments:

Post a Comment