Monday, May 27, 2024

TRANH LUẬN BIDEN-TRUMP

Tuần rồi, tin bất ngờ cho cả nước là hai cụ Biden và Trump bất thình lình, lần đầu tiên tuyệt đối không cãi nhau gì hết, mà lại nhất trí đồng thuận trong một việc mà ít người nghĩ có thể xẩy ra: đồng ý cùng nhau thượng đài lên tranh luận với nhau trực tiếp truyền hình cho cả nước hay cả thế giới xem chơi.

Chuyện kinh ngạc nhất là cụ Biden bất ngờ lại là người dám công khai thách đố ông Trump tranh luận. Để rồi cả thế giới bị kinh ngạc thêm một lần nữa khi ông Trump tỉnh bơ chấp nhận ngay, cho dù biết tranh luận sẽ diễn ra trong không khí, hoàn cảnh và điều kiện không thuận lợi cho ông lắm, nhưng ông bất cần.

Chuyện gì đang xẩy ra dzậy?

Tại sao cụ Biden dám thách thức tranh luận? Tại sao Trump dám nhận quá dễ dàng như vậy? Đây phải là những câu hỏi đáng giá bạc triệu nếu ai trả lời đúng được.

Cả nước biết cụ Biden không có cách nào có cái dẻo lưỡi của Obama, hay cái đẹp trai của Kennedy, hay cái trẻ trung hào hoa của Clinton, hay ngay cả cái xuề xòa vui vẻ của Bush con, càng không có cái khả năng truyền cảm của Reagan. Trái lại, trong ba năm qua, Biden đã biểu diễn cho cả nước thấy cụ thật sự có vấn đề đầu óc và thể xác rất lớn do tuổi tác quá khổ, đi thì chập chững từng bước một, như robot để khỏi té bất tử, phụ tá phải sửa cầu thang, chế ra giầy đặc biệt cho cụ, cấm cụ đi xe đạp, ..., nói chuyện với học sinh tiểu học cũng cần phải có máy nhắc tuồng teleprompter, phỏng vấn với báo chí chỉ có thể làm với những câu hỏi đã nộp trước, câu trả lời đã được phụ tá viết ra đầy đủ trên giấy để cụ đọc (mà vẫn đọc sai!), ngay cả phóng viên được hỏi cũng phải chọn trước, thậm chí vào phòng họp cũng phải mang theo mẫu giấy nhắc phải nói hello, khi nào ngồi, khi nào đứng, cho ai nói, rồi thankiu đàng hoàng, khi nào buổi họp chấm dứt, phải chào mọi người như thế nào,...

Một câu chuyện kinh thiên động địa mới nhất về tài 'hùng biện' của cụ Biden. Tuần trước, Biden đi vận động tranh cử trong khối cử tri da đen, đọc diễn văn trước Đai Hội của tổ chức da đen NAACP. Cụ đọc diễn văn xong thì ít lâu sau, Tòa Bạch Ốc công bố văn bản -transcript- chính thức của bài diễn văn, trong đó các quan chức TBÔ đã sửa bài diễn văn tới 9 điểm vì đó chính là những điểm cụ Biden 'nói hớ' hay 'nói nhầm' hay 'nói không rõ tạo hiểu lầm'. Trong những điểm các phụ tá của Biden chỉnh sửa, có vài điểm đáng ghi nhận:

cụ Biden bốc phét, tuyên bố đại khái "khi đại dịch (nguyên văn của Biden "pandemic") tấn công, Obama đã bảo tôi đi Detroit để giải quyết". Vấn đề là đại dịch COVID tấn công Mỹ năm 2020, 3 năm sau khi Obama hết làm TT và Biden hết làm phó TT! Trong transcript, các phụ tá TBO mở ngoặc sau chữ pandemic, thêm vào chữ 'recession', ý muốn giải thích cụ Biden muốn nói về khủng hoảng kinh tế năm 2009! Tự điển Anh ngữ Oxford giải thích 'pandemic' là một bệnh lớn lây lan ra cả nước hay cả thế giới, nguyên văn "a widespread occurrence of an infectious disease over a whole country ...", không thể nào là khủng hoảng kinh tế.

Nguyên văn câu nói của Biden

Chỉnh sửa sau đó của Tòa Bạch Ốc

cụ Biden cũng bốc phét, khoe Obamacare tiết kiệm được cho người dân tới "$800.000 đô một năm". Văn bản phải sửa lại là chỉ có $800 đô thôi. Khác biệt có ba con số zero, chiệng nhỏ!

cụ Biden cũng đọc telepromter khi đọc diễn văn, nhưng 'đọc nhầm' nhiều chữ rắc rối, chẳng hạn như "insurrectionists' bị cụ đọc là "irrectionists".

Thế đấy, mà lại dám hiên ngang thách đố ông thần Trump tranh luận công khai, trực tiếp trên tivi sao? Không có ... teleprompter gì hết! Một cách cực hoành tráng, Biden hiên ngang tuyên bố đại khái chẳng những dám tranh luận với Trump, mà còn ngon lành làm tới hai lần "I'll even do it twice!". Báo mạng thiên tả nặng dnyuz.com chỉnh lại là Biden nói láo vì thật sự, Biden chỉ dám tranh luận có hai lần thôi, nghĩa là Biden đúng ra phải nói "I'll only do it twice!", sau khi Biden từ chối đề nghị tranh luận 3 lần của Ủy Ban Tranh Luận TT -Presidential Debates Commission. Chưa hết. Biden còn hỏi móc "Tôi nghe nói ông [Trump] rảnh ngày thứ tư mỗi tuần mà". Đây là loại câu hỏi mà dân Việt ta gọi là 'xỏ lá' của dân đá cá lăn dưa vì ông Trump hiện bị ông tòa Merchan bắt ra hầu tòa mỗi ngày, ngoại trừ ngày thứ tư là ngày ông Merchan thụ lý một số vụ linh tinh khác.

Còn ông Trump? Dĩ nhiên không kém, ông Trump cũng chẳng phải là Obama hay Kennedy hay Clinton hay Bush con hay Reagan,... Đã vậy, ông này lại có cái khả năng hiếm có là ăn nói ngang ngược bạt mạng, chẳng bao giờ chuẩn bị uốn lưỡi bẩy lần trước khi mở miệng, do đó thường có biệt tài nói lung tung khiến đám truyền thông loa phường không bao giờ bỏ lỡ cơ hội chụp cái mũ 'nói láo' lên đầu. Bây giờ, đầu óc đang quay cuồng trong các vụ truy tố cuội mà một trong các mục đích chính là gây rối loạn tinh thần cho Trump. Mà kinh hoàng hơn cả là ông thần Trump chấp nhận tranh luận trong hoàn vảnh và điều kiện hoàn toàn bất lợi như tranh luận ngay trong ổ các cơ quan truyền thông loa phường như CNN, ABC, với 'điều hợp viên' là đám nhà báo cú vọ cuồng ghét Trump. Hai điều hợp viên cho cuộc tranh luận đầu tiên trên CNN là ông Jake Tapper và bà Diana Bash, cả hai đều là những khuôn mặt quen thuộc trên CNN, suốt ngày ra rả công kích Trump.

Chưa hết. Ông Trump còn đòi tranh luận thêm hai lần nữa, trên các đài NBC và Fox news, tuy cụ Biden biết thân biết phận không thể đi quá trớn, nên đã bác bỏ, không nhận.

Có gì không ổn? Cả hai cụ đều có vấn đề đầu óc không tỉnh táo, làm sảng?

Đã vậy, chuyện quái dị là hai bên sẽ tranh luận lần đầu tiên vào ngày 27 tháng 6 tới. Tại sao quái dị? Tại vì khi đó, chưa bên nào có đại hội đảng chính thức tuyển chọn đại diện ra tranh cử TT hết. Nghĩa là cả Biden lẫn Trump đều chưa chính thức được hai đảng tuyển chọn ra tranh cử TT. Như vậy câu hỏi lớn là hai người này nhân danh cái gì để ra tranh luận? Tranh luận trong tư cách gì? Biden thì dĩ nhiên vẫn là TT, nhưng Trump chưa là gì hết, chỉ là một công dân bình thường, không kể việc còn đang là một tội phạm bị truy tố tới gần cả trăm tội, sao lại được tranh luận tay đôi với đương kim TT? Một câu hỏi hiển nhiên khác: đã chắc gì hai cụ Biden và Trump sẽ là hai người ra tranh cử TT? Bên DC thì đang tranh cãi trong hậu trường việc thay thế cụ Biden, trong khi bên CH thì cả nước còn đang chờ xem ông Trump có bị nhốt tù hay không. Vậy mà cả nước lại xôn xao bàn chuyện hai cụ này sẽ tranh luận với nhau !!! Đúng là Mỹ là cái xứ thật... oái ăm!

Cuộc bầu cử TT năm nay quái dị chưa từng thấy trong lịch sử như diễn đàn này đã bàn qua. Bây giờ lại thêm chuyện quái dị là câu chuyện tranh luận không giống ai. Mà câu hỏi lớn là tại sao phải tranh luận? Chi dzậy? Câu trả lời: vì ai cũng cần tranh luận.

Biden cần tranh luận
Về cụ Biden, trang mạng thiên tả The Hill có bài nhận định khá đầy đủ và ý nghĩa.

Theo The Hill, Biden đang thua liểng xiểng và một cách thực tế nhất, không có cách nào ngóc đầu lên lại kịp, nhất là không có cách nào phá bỏ được hình ảnh một cụ già lẩm cẩm, nên đành phải lao mình, phiêu lưu vào một cuộc cá cược sinh tử: lên tivi cho cả nước thấy rõ tình trạng đầu óc và tuổi tác của cụ. Nếu chẳng may lờ mờ nói nhầm thì đành chịu, nhưng cả nước vẫn có thể nhún vai, phán "biết rồi, khổ lắm, nói mãi, có gì lạ?", chẳng có hại gì ghê gớm khủng khiếp lắm vì chỉ xác nhận chuyện cả thế giới đã biết từ lâu rồi. Những người ghét vẫn ghét, những người mê vẫn mê, những người mù quáng tôn thờ vẫn mù quáng tôn thờ. Chẳng có gì thay đổi.

Thế nhưng, ngược lại, nếu may mắn cụ không té xỉu trong cuộc tranh luận hay không nói nhầm câu nào thì sẽ được truyền thông loa phường giúp đỡ, tung hô "Biden vẫn hết sức minh mẫn và cường tráng, thắng lớn, hạ đo ván Trump trong cuộc tranh luận" tới đinh tai điếc óc luôn, và sẽ là cách duy nhất cũng như hữu hiệu nhất để đả phá tất cả những tố giác về tuổi già đầu óc lẩm cẩm của cụ. Trong những ngày sắp tới, trước khi có tranh luận, ta có thể thấy truyền thông loa phường nhấn mạnh hơn vấn đề tuổi tác, đầu óc của cụ Biden, chỉ trích cụ quá dại dột điên rồ tranh luận với Trump, bi thảm hóa tối đa, gọi là hạ thấp mọi sự mong đợi từ Biden mà Mỹ gọi là 'lowering expectations', để giúp Biden vượt qua những khó khăn, để truyền thông loa phương sau đó dễ khiêng cụ lên chín tầng mây hơn.

Bà dân biểu DC Nancy Pelosi, cựu chủ tịch hạ viện, ngay sau khi nghe tin Biden thách đố Trump tranh luận, đã làm gương đi trước, phán "Biden đã phạm sai lầm vĩ đại khi muốn tranh luận với Trump".

Tít lớn của The Hill - 18/5/2024


Với cụ Biden, đây là sách lược 'lao đầu vào chỗ chết để tìm sống'.

Danh hài thiên tả nặng, Bill Maher của đài tivi HBO đã nói huỵch tẹt ra sự thật: Biden nhắm mắt uống thuốc đắng tranh luận vì cụ biết là cụ đã thua, và tranh luận là cách duy nhất nhắc nhở cho dân Mỹ biết là cụ còn... đang sống, chưa chết -proof of life!!! Maher cũng nói ngay "chỉ những người thua mới thách đố tranh luận", và khẳng định Biden cần tranh luận hơn Trump nhiều.

Ở đây, phải nói thêm, anh Maher nhấn mạnh trong các tiểu bang then chốt, xôi đậu lớn, Biden đều thua Trump sát ván, trong khi các ứng cử viên thượng nghị sĩ của đảng DC lại đang thắng thế. Theo Maher, cái đó có nghĩa là dân vẫn ủng hộ đảng DC nhưng không thể chấp nhận Biden thôi, và nếu đảng DC không nhìn nhận sự thật đó, không chịu thay đổi Biden bằng người khác, thì đảng DC sẽ rước họa vào thân khi Trump hạ Biden sát ván trong cuộc bầu cử thật cuối năm nay.

Báo Washington Times nhận định Biden thua khẩm, nhất là tại các tiểu bang xôi đậu lớn, then chốt nhất, nên không có lựa chọn nào khác là phải uống thuốc liều, ra tranh luận chống Trump.

Thế nhưng, cụ Biden không phải hoàn toàn mất trí, làm sảng. Cụ thách đố Trump tranh luận, nhưng tranh luận trong những điều kiện thuận lợi nhất cho cụ. Chẳng những trên những đài tivi với điều hợp viên cụ chọn, mà còn kèm theo cả lô điều kiện chi tiết có lợi cho cụ như 1) không tranh luận trong các hội trường trung lập do Ủy Ban Tranh Luận tổ chức, mà chỉ tranh luận trên các đài tivi thân thiện với các điều hợp viên phe ta mà cụ chọn, 2) không có khán giả ngồi xem vì sợ đám MAGA sẽ tràn ngập hội trường, vỗ tay tán thưởng Trump; trong khi Biden biết rất rõ Trump là vô địch khích động quần chúng, so với Biden là thuốc ngủ hiệu nghiệm nhất, 3) khi cụ nói, Trump không được ngắt quãng nói xen vào, sợ cụ mất 'nguồn cảm hứng', quên mất mình đang nói gì, 4) không tranh luận hơn hai lần, và 5) không có Robert Kennedy hay bất cứ ứng cử viên nào khác tham gia.

Nhân đây, cũng phải nói thêm cho rõ, một trong những lý do Biden không chấp nhận tranh luận do Ủy Ban Tranh Luận tổ chức là vì Ủy Ban có quy định tất cả những ứng cử viên mà thăm dò cho thấy có hơn 15% cử tri hậu thuẫn đều có quyền tham gia tranh luận, trong khi ông Kennedy có tới gần 20% cử tri hậu thuẫn. Mà cụ Biden thì nhất quyết không muốn giúp Kennedy hại cụ dĩ nhiên.

Trump cần tranh luận
Biden thấy thua chắn chắn 'một chăm phần chăm', cần tranh luận như cái phao cứu sống cụ. Trump chắc ăn hơn bắp, vậy sao cần tranh luận làm gì nữa? Báo USA Today nhận định chỉ có người thua mới cần tranh luận.

Thật ra ông Trump cũng rất cần tranh luận. Ít nhất vì ba lý do:

- thứ nhất, hiển nhiên nhất: là nhu cầu lái dư luận ra khỏi các vụ tòa đang rượt bắt. Dù muốn hay không, tên tuổi, uy tín của ông đang bị các công tố và quan tòa phe đảng lôi xuống bùn, khiến không ít người bắt đầu đặt câu hỏi, phân vân,...

- thứ nhì, tranh luận cũng sẽ là dịp ông nhắc lại những thành quả của ông mà truyền thông loa phường đã cố tình khỏa lấp hay tệ hơn nữa, bôi bác từ mấy năm qua;

- thứ ba, ông Trump hy vọng sẽ quật ngã cụ lẩm cẩm Biden trước ống kính tivi, trực tiếp cho cả nước thấy, hữu hiệu hơn cả trăm triệu quảng cáo chính trị trên tv và báo chí.

Một phần vì ông Trump cũng cần tranh luận, nhưng phần lớn là từ tính ngang tàng, tự tin bất cần đời hay vì khinh thường Biden, ông Trump đã nhận ngay tất cả các điều kiện của Biden, không thèm cò cưa tranh cãi, trả giá hay điều đình gì hết.

Đi xa hơn cá nhân hai ứng cử viên, tranh luận trên tivi là một nhu cầu thật cần thiết cho cả nước, và nhất là cho truyền thông.

Cử tri cần thấy tranh luận
Giá trị của các cuộc tranh luận hiện rất rõ qua các cuộc tranh luận mới đây trong đảng CH. Ông Trump không thèm tham dự một lần nào, vậy mà vẫn đại thắng trong tất cả các cuộc bầu sơ bộ trong đảng CH, hạ tất cả hơn một tá chính khách CH thi đua nhau công kích Trump trong các cuộc tranh luận của họ.

Dù vậy, các cuộc tranh luận cũng được đại đa số cử tri coi là cần thiết, cần phải có.

Cần thiết cho cả nước vì tranh luận là việc có thể giúp thiên hạ... tỉnh ngủ, không ngồi ngáp dài ngáp ngắn theo dõi cuộc vận động tranh cử TT năm nay. Thật thế, lịch sử tranh cử TT ở Mỹ ít khi có những chuyện kinh thiên động địa kích thích tính tò mò của thiên hạ, vì thời điểm tranh cử thường là lúc các chính trị gia nhát tay, ít dám làm chuyện gì lớn lao gây xáo trộn chính trường khiến các bài toán chính trị của họ bị đảo lộn hay rối bù. Do đó, thiên hạ thường muốn có tranh luận, để may ra có dịp chứng kiến một vụ nói nhầm, nói hớ hay một vụ bắt bẻ hấp dẫn, nổi đình nổi đám. Cho tỉnh ngủ...

Cho tỉnh ngủ vì ai cũng thấy trong cuộc vận động tranh cử năm nay, một bên là cụ Biden, để tránh nói nhầm, nói sai, nói sảng, cụ trốn rất kỹ, đi vận động tối thiểu, mà lại chỉ vận động bằng cách đọc diễn văn đã được ai đó soạn sẵn, cụ chỉ cần có máy teleprompter tốt để đọc như robot, trong những vùng an toàn tuyệt đối, bầu cho cụ trong mọi trường hợp, kể cả khi cụ đã bị nhốt vào nhà thương điên Biên Hòa; bên kia là ông Trump bị quan tòa Merchan trói chân, bịt miệng, không cho đi vận động. Tranh luận may ra sẽ thay đổi không khí, khiến cử tri chú tâm hơn vào cuộc tranh cử và bầu cử.

Phải nói trong lịch sử vận động tranh cử TT Mỹ, đã có ít nhất 3 lần, có chuyện xẩy ra trong các cuộc tranh luận chứng minh tranh luận có khi rất quan trọng, có hậu quả rất lớn.

Lần đầu tiên có tranh luận, trực tiếp trên tivi năm 1960 cũng là lúc dân Mỹ thấy Kennedy đẹp trai, có tướng TT hơn xa đương kim phó TT Nixon trông bơ phờ hốc hác (chẳng may cho Nixon là ngay khi đó, bị lên cơn sốt nóng lạnh, người toát mồ hôi đầm đìa, Nixon phải liên tục dùng khăn tay hỉ mũi hay lau mồ hôi, khiến dân Mỹ không thấy gì hấp dẫn);

Lần thứ nhì, tranh luận với thống đốc Carter, TT Ford khẳng định Liên Xô không hề thống trị Đông Âu, khiến cả triệu dân tị nạn CS gốc Đông Âu bực tức nhất loạt bỏ phiếu cho Carter;

Lần thứ ba, khi Reagan tranh luận với Walter Mondale, tìm cách hóa giải những chỉ trích về tuổi tác qua cao của Reagan, bằng cách vừa mỉm cười vừa nói "tôi cam kết sẽ không khai thác việc Mondale quá nhỏ tuổi, thiếu kinh nghiệm". Cách nói của Reagan khiến ngay cả Mondale cũng phải phì cười và sau cuộc bầu cử, đã nhìn nhận ông thua vì đúng một câu nói đó.

Thẳng thắn mà nói, các tranh luận sau này đều được chuẩn bị, mà chuẩn bị quá kỹ lưỡng, khiến những chuyện bất ngờ như trên không còn xẩy ra nữa. Các tranh luận thật sự đã trở thành khá nhàm chán, chẳng đi đến đâu, tuy sau mỗi cuộc tranh luận là cả hai bên đều đấm ngực khoe chiến thắng vĩ đại. Truyền thông loa phường thì gần như lúc nào cũng ồn ào ca tụng ứng cử viên của đảng DC đã đại thắng. Nhàm chán thật, nhưng thiên hạ vẫn háo hức muốn theo dõi để hy vọng khỏi hụt coi những 'tai nạn' bất ngờ có thể xẩy ra. Ít nhất thì cũng hào hứng hơn... không có tranh luận gì hết.

Nói chuyện nghiêm chỉnh hơn, các cuộc tranh luận chính là dịp những người ít có hứng thú hay thời giờ theo dõi tin thời sự mỗi ngày, có thể thấy rõ chính sách của hai ứng cử viên chính qua một hai tiếng đồng hồ theo dõi tranh luận, xem và nghe bằng mắt tai chính mình. Do đó, cũng hết sức quan trọng nếu không muốn nói là biến cố chính với rất nhiều người.

Đúng ra, cuộc bầu cử năm nay có yếu tố thật đặc biệt chưa từng thấy trong lịch sử chính trị Mỹ: đó là việc một ứng cử viên đảng đối lập bị chính quyền đương nhiệm truy tố tới gần một trăm tội. Đặc biệt thật, nhưng lạ lùng thay, không thu hút được đầy đủ sự chú tâm của dân Mỹ. Chỉ vì phần lớn dân Mỹ đã nhìn thấy rõ ràng và nhận định những truy tố này cũng chỉ là đòn phép chính trị nằm trong chiến thuật vận động tranh cử thôi.

Mà lạ lùng thay, việc này cũng đã được phát ngôn viên chính thức của Tòa Bạch Ốc xác nhận. Dân biểu Mike Johnson, chủ tịch hạ viện, đến tham dự một phiên tòa xử ông Trump. Xem xong, ông chán nản cho biết tất cả chỉ là một tấn tuồng mà mục đích là chặn không cho Trump đi vận động tranh cử TT, không có gì khác. Trong một cuộc họp báo, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, bà Karine Jean-Pierre được hỏi về nhận định của ông Johnson. Bà trả lời "Tôi không muốn trả lời vì câu chuyện này liên quan đến cuộc bầu cử TT". Nôm na ra, bà Jean-Pierre đã công khai nhìn nhận các phiên tòa "liên quan" trực tiếp đến cuộc bầu cử TT, chỉ là công cụ đàn áp đối lập tranh cử của chính quyền Biden không hơn không kém.

Chẳng những không chú tâm, mà những người chú tâm lại không coi trọng, vì chẳng ai coi ông Trump như thật sự có tội. Gần 2/3 cử tri cho rằng các cuộc truy tố đều là những đòn chính trị, được kích động bởi nhu cầu chính trị -politically motivated-, không hơn không kém, và sẽ không có hậu quả quan trọng gì trên cuộc bầu cử. Trái lại, tỷ lệ hậu thuẫn của ông Trump vẫn vững chắc hơn bao giờ hết nếu không muốn nói đang tăng mạnh, bất chấp việc ông Trump bị chụp cả trăm tội lên đầu trong 5 vụ án lớn.

Một điều chắc chắn khó tránh được là trong các cuộc tranh luận tới, thế nào cụ Biden cũng tìm cách khều chân ông Trump, mỉa mai lôi chuyện vô tiền khoáng hậu là một cựu TT và ứng cử viên TT đang bị truy tố tới cả trăm tội. Và cũng chắc chắn sẽ ép ông Trump phải nói về chuyện này, tố là truy tố cuội, là biến Tư Pháp thành vũ khí chính trị phe đảng,... Những chuyện này, truyền thông loa phường và các trang mạng xã hội, các hệ thống emails đã tràn làn tin đủ loại, đủ khuynh hướng, ai nghe cũng phát ớn. Thế nhưng cử tri vẫn muốn nghe chính cụ Biden và chính ông Trump nói gì.

Truyền thông cần tranh luận
Truyền thông sống nhờ tin, nhất là những tin khác thường, giựt gân. Thế nhưng cuộc vận động tranh cử năm nay nhàm chán hơn xa các vận động tranh cử của những năm trước. Cả năm trời trước ngày bầu sơ bộ đầu tiên, cả nước đã biết trước ai sẽ đại diện cho hai chính đảng. Đã vậy, cả hai ứng cử viên đều chẳng có gì mới lạ, cả nước đã biết tất cả chi tiết về hai ông này, từ các chính sách, quan điểm chính trị, tới những chi tiết đời tư đời riêng, thói hư tật xấu, ăn chả ăn nem, bệnh suyễn bệnh xương chân,...

Những chuyện Biden té lên ngã xuống, nói nhầm nói lộn, đọc mãi phát chán. Trong khi các tin từ tòa án đang xử Trump cũng chẳng mấy ai thèm đọc. Một con vẹt con hăng tiết vịt, tự phong làm phóng viên tòa án, báo cáo chi tiết các phiên xử từng ngày thật oai, nhưng viết được 3 bài khi tòa mới bắt đầu xử thì cạn hứng, 'âm thầm đóng cửa tiệm', biến mất luôn. Những chuyện sex của bà nhân chứng Stormy chỉ giúp bà này thu thêm tiền bán phim sex của bà đóng cách đây cả chục năm khi còn trong thời vàng son.

Bởi vậy, các tranh luận sẽ là những cái phao cứu các đài tivi nói riêng và cả hệ thống truyền thông nói chung, có đề tài loan tin cũng như bình luận cả tuần liền là ít.

Trong mùa vận động tranh cử hiện nay, cho tới nay, các đài tivi đã gần như vỡ nợ vì không có tranh luận gì đáng kể trong mùa bầu sơ bộ. Về phiá DC thì chẳng có một cuộc tranh luận nào vì ngoài Biden ra, chẳng có ứng cử viên nào được cử tri liếc ngó tới. Về phía CH, có cả tá ứng cử viên tranh luận trong nửa tá cuộc tranh luận, nhưng chẳng ai thèm coi, chỉ vì vắng mặt ông vai chính Trump. Tất cả các ứng cử viên còn lại chỉ là tranh luận để hy vọng chiếm được ghế... phó, đứng sau lưng, tung hô Trump thôi. Trò xiếc tranh luận vô nghĩa và vớ vẩn tới độ toàn thể ban lãnh đạo Ủy Ban Quốc Gia của đảng CH, là ủy ban đứng ra tổ chức các cuộc tranh luận, đã mất job hết, ngay sau khi các tranh luận chấm dứt. Ủy ban tốn cả mấy chục triệu đô lãng xẹc.

Những vấn đề trong hậu trường
Cụ Biden đề nghị ngày tranh luận đầu tiên là ngày 27 tháng 6, sớm nhất trong lịch sử tranh luận TT Mỹ. Vì nhiều lý do.

Thứ nhất, theo cụ nghĩ, ngày đó, vụ xử 'bịt miệng' cô Stormy đã xong rồi, Trump có thể rảnh rang ra tranh luận. Trên nguyên tắc, cụ nói đúng, nhưng trên thực tế, chỉ là chuyện mánh mung gian trá. Tại sao không chọn tháng 7 hay 8? Vì cụ đoán biết cuối tháng Sáu, sẽ có phán quyết và với công tố, quan tòa và bồi thẩm đoàn, tất cả đều không thiện cảm với Trump, tòa sẽ có phán quyết bất lợi cho Trump, nếu không bắt tù Trump ngay thì cũng khiến đầu óc Trump rối trí, sẽ bị chi phối, bớt tỉnh táo khi tranh luận.

Thứ nhì, tranh luận sát cận ngày tòa vừa chấm dứt sẽ không cho Trump thời giờ chuẩn bị, coi lại hồ sơ, coi lại các thành tích của mình hay những sai lầm của Biden để có thể tranh luận hữu hiệu.

Thứ ba, ngày đó còn cách rất xa ngày bầu cử, do đó, nêu lỡ cụ Biden nói nhầm, nói lộn, làm chuyện hớ nào đó, thì cụ vẫn còn thời giờ để sửa sai, phân trần, giảng giải, tìm hậu thuẫn lại.

Thứ tư, một lý do khổng lồ không kém trong việc Biden chọn ngày 27/6 là ý cụ muốn đóng băng việc cụ là đại diện cho đảng DC ra tranh cử trước ngày Đại Hội Đảng DC tại Chicago, đặt Đại Hội Đảng trước việc đã rồi, không cho đại hội có thể thay đổi người, bỏ cụ để chọn người khác ra đại diện cho đảng DC.

Vấn đề của các đài truyền hình CNN và ABC là phải cố gắng thay đổi hình ảnh của chính họ để bảo vệ uy tín của đài. Đây là những đài tivi lớn của cái mà kẻ này gọi là hệ thống truyền thông loa phường, suốt ngày bênh Biden, sỉ vả Trump. Chưa chi thì ông Trump đã lớn tiếng công kích Jack Tapper là phe đảng, đang chờ ngày thanh toán Trump. Họ biết họ mang tiếng như vậy nhưng vì nhu cầu câu khách cũng như vì thành kiến phe đảng, vẫn giữ chủ trương thiên vị này. Tuy nhiên, tranh luận là những biến cố lớn, sẽ có cả chục triệu người theo dõi, và dù muốn hay không, họ cũng sẽ bị soi mói rất kỹ, nên cũng sẽ phải cố chứng minh mình không thiên vị hay ít ra, thiên vị nhưng không quá thô bạo. Sẽ phải cố gắng tỏ ra không giúp Biden hay hại Trump quá lố bịch trong cuộc tranh luận, tuy sau đó, các đài CNN và ABC bảo đảm sẽ tiếp tục ca tụng Biden lên chín tầng mây nếu cụ không té xiủ khi đang nói.

Dù vậy, không ai có thể coi thường khả năng bóp méo cuộc tranh luận sao cho có lợi cho một ứng cử viên. Nếu anh Tapper hay chị Bash muốn giúp Biden, cũng chẳng ai cản được họ, để rồi sau đó, dù bị công kích thì họ cũng đã thực hiện được ý định giúp Biden, hại Trump rồi.

Việc Trump mau mắn chấp nhận tất cả các điều kiện của Biden, một lần nữa chỉ phản ảnh tính bốc đồng, tự tin và khinh thường Biden quá đáng của ông Trump. Rất có thể sẽ là con dao hai lưỡi, hại Trump luôn không chừng.

Câu hỏi lớn nhất: nếu như Trump bị ông tòa cuồng ghét Trump Juan Merchan kết án tù, bị bắt nhốt ngay, thì chuyện gì sẽ xẩy ra với tranh luận? Còn tranh luận nữa không?

-------------------

Nếu có thể tóm lược câu chuyện tranh luận một cách ngắn gọn nhất, thì có thể nói đó là canh bạc nhất chín nhì bù của Biden, tố xả láng, đi vào chỗ chết để tìm đường sống. Cụ sẽ sống hay chết? Ta chờ xem.

Tin không vui cho đám vẹt tị nạn cuồng mê cụ: theo đại đa số chuyên gia bói toán, thì sác xuất cụ chết cao hơn xa sác xuất cụ sống. Mà cụ chết thì đám vẹt cũng 'lên đường' theo thôi.

Vũ Linh

ĐỌC THÊM:

Canh bạc lớn của Biden - Prospect.org:

Tranh luận trong tuyệt vọng - Newt Gingrich:

Tranh Luận Có Ý Nghĩa Gì? - Free Bacon:

Cuối Cùng, Cũng Sẽ Có Tranh Luận - Washington Examiner:


No comments:

Post a Comment