Friday, May 24, 2024

Theo Mãi Cùng Thuyền

Từ Phước Lý đến Phước Hải nếu có đường tráng nhựa và xe hơi như ngày nay thì đi chỉ mất hai tiếng đồng hồ nhưng 50 năm trước với cây dầm và chiếc ghe thì người ta phải mất đến hai ngày. Thời gian chèo không lâu lắm nhưng di chuyển trên sông thì phải phụ thuộc vào con nước. Nước lên xuống hai lần trong ngày. Những khi nước ròng cạn quá thì ghe không đi được, phải neo lại bờ chờ nước lớn…

Trên mặt đất còn ẩm ướt sương đêm của ngày hôm đó có hai người đàn ông lặng lẽ chuyển đồ đạc xuống ghe để chuẩn bị cuộc hành trình. Một người là Thiết. Một người là tôi. Cây cầu ván bắc de ra sông oằn xuống và kêu ken két dưới bước chân của hai người. Thiết cúi gầm mặt. Những ngôi sao trên trời vẫn còn le lói. Sóng vỗ vào bờ oàm oạp. Tôi hỏi:” Còn quên gì nữa không?” Thiết lắc đầu. Tôi tháo dây buộc thuyền đẩy cho đò tách bến.
Chèo được một lát thì nắng bắt đầu lên. Nắng lên rất nhanh. Bình minh như ôm choàng cả bầu trời mênh mông, âu yếm vuốt ve mặt sông bằng những tia nắng ban mai mềm mại. Dòng sông vắng lặng và cô đơn khủng khiếp. Tôi chèo lái. Minh Thiết chèo mũi. Trong khoang thuyền là quày chuối xiêm, một bao cà ròn khoai mì, xôi đậu phọng, muối mè và bình nước. Gió lớn và nước cũng lớn. Sóng cứ đập vào mạn thuyền rồi bắn lên tung tóe. Chiếc nón lá tôi đội cứ bật ngược về phía sau.

Đang chèo bỗng tôi nhác thấy trên bờ, dưới những lùm cây và lau sậy um tùm xuất hiện bóng dáng một người phụ nữ chạy theo thuyền. Không hiểu cô ta bắt đầu đi theo chúng tôi từ khi nào mà không ai hay. Cô chạy lúp xúp. Cô có tật ở chân nên dáng đi khập khiễng, người vẹo qua một bên. Thuyền đi chậm thì cô chạy chậm. Thuyền đi nhanh thì cô chạy nhanh. Tôi hết hồn bảo:” Thiết. Huệ nó chạy theo mình.” Thiết dớn dác quay nhìn trên bờ. Anh bắc tay làm loa nói lớn:” Về đi. Đừng đi theo tôi nữa.” Nhưng nói mấy lần cô ấy không nghe, cứ tiếp tục đi theo nên Thiết mặc kệ cô ấy không thèm nói nữa. Anh cắm cúi chèo. Tôi biết là Thiết muốn chèo cho thật nhanh để tới ngã ba sông, thuyền sẽ rẽ hướng khác thì khi đó người phụ nữ kia sẽ không cách nào đi theo chúng tôi được nữa. Thế nhưng Thiết càng chèo nhanh thì tôi càng chèo chậm, thậm chí buông cả chèo, thẫn thờ như không còn muốn nhấc lên hai cánh tay thừa thãi. Người phụ nữ đã lẽo đẽo đi theo chúng tôi cả hai cây số rồi. Tôi nói:

-Thiết. Ngừng lại. Cập vào bờ đi.

Thiết không nghe hay giả vờ không nghe tôi không rõ. Tôi nói lớn:
-Thiết. Cập bờ đi.

Thiết vẫn cắm đầu chèo.

Tôi hét lớn:
-Thiết. Mày có nghe tao nói không?

Thiết quay lại nhìn tôi. Dưới cái quầng tối của chiếc nón lá tôi thấy hai mắt Thiết đầm đìa lệ.

Nét mặt anh ta cứng đờ, hai môi mím lại vì đau khổ. Tôi nói như gằn từng tiếng:

- Đệ cho thuyền cập bờ đi.

Thiết gào lên khiến gân cổ lộ ra và giọng anh ta cũng lạc không thành tiếng:
-Anh có muốn em nhảy xuống sông không. Em nhảy xuống liền bây giờ trước mặt anh cho anh coi.

Nói xong câu ấy anh ta buông cây chèo xuống, ôm mặt mà khóc rống lên. Trên bờ người phụ nữ kia cũng đã dừng lại và đứng lặng như pho tượng dưới một thân cây dừa cong vòng. Ông trời ơi, ông tạo ra cảnh này để làm gì.

Tôi phải nói rõ hơn về hai người này.

Tôi và Thiết là sư huynh sư đệ cùng đi tu ở chùa Phước Hải. Tôi lớn hơn Thiết, là đại đệ tử của thầy tôi-hòa thượng Minh Hiển. Tôi tu ở Phước Hải đã lâu còn Minh Thiết mới chuyển đến sau này. Lúc nhỏ Thiết đi tu ở chùa Phước Tịnh, đến vài năm sau này thì thầy bên Phước Tịnh xin cho Thiết về Phước Hải để học thêm kinh kệ với thầy tôi.

Tính Thiết là một người năng động, thích những nơi vui chơi tụ họp. Cha mẹ mất sớm, Thiết vào chùa như cái duyên đưa đẩy chứ đi tu dường như không phải là sự chọn lựa của Thiết. Mỗi khi trong làng trong xóm có đám tang, đám cúng Thiết đều năng nổ xin đi. Mới đầu thầy tôi còn ngại vì Thiết trẻ quá, e đi làm đám người ta không thích nhưng Thiết rất thuộc kinh kệ, nét mặt lại thông minh, sáng ngời nên Thiết được nhiều người quí mến. Những lúc về sau thầy tôi không đi làm đám nữa mà để cho tôi và Thiết đại diện thầy mà đi. Hai anh em tôi vì vậy mà thân nhau. Vả lại trong thâm tâm từ lâu tôi đã coi Thiết như đứa em nhỏ mà tôi hết lòng bảo bọc.

Một ngày kia Thiết đang mạnh khỏe bỗng dưng ngã bệnh. Khắp người Thiết những nốt đỏ nổi lên dày đặc, nổi cả trong miệng, người nóng sốt miên man khiến Thiết không ăn uống được người rạc đi rất nhanh. Chỉ trong vòng ba ngày Thiết chỉ còn như cái xác lờ đờ, hai môi khô dộp lên, sinh lực như bị rút cạn, đi được vài ba bước là quị. Thầy Minh Hiển bảo tôi chèo ghe đưa Thiết về gấp Phước Lý để trị bệnh. Chính trên con sông này tôi đã chèo ghe đưa Thiết đi. Hai cánh tay tôi run rẩy. Vừa chèo tôi vừa niệm Phật, nhìn Thiết nằm thiêm thiếp dưới khoang thuyền. Tới nơi tôi cõng Thiết trên lưng chạy vào nhà ông Mười-ông thầy thuốc Nam giỏi nhất trong vùng lúc ấy. Ông Mười đang ăn cơm, buông đũa chạy ra đỡ Thiết:

“ A Di Đà Phật. Thầy sao ra nông nỗi như vầy?”

Tôi nhìn ông Mười như van lơn:
” Ông Mười ơi, ông cứu dùm em con.”

Thiết phải tá túc lại chùa Phước Lý trong thời gian trị bệnh. Chùa Phước Lý rất nhỏ, chỉ có sư bà Sáu, sư bà Bảy và cô Minh Huệ trú ngụ. Chùa nghèo, cột thì long chân, mái thì ọp ẹp. Những người tu hành sống rất thanh đạm. Họ trồng rau và bán tương chao cho những người trong xóm. Thỉnh thoảng cô Huệ có lên Phước Hải đem tương chao bánh trái sư bà gởi cúng và chúng tôi cũng có nhiều dịp xuống Phước Lý nên quen biết nhau cả. Sư bà Sáu biểu cô Huệ dọn dẹp cái chái sau chùa cho Thiết ở tạm. Ai cũng thất kinh khi nhìn thấy Thiết trong tình trạng như vậy. Ông Mười chẩn mạch và hốt thuốc thật nhanh rồi biểu cô Huệ sắc thuốc liền cho Thiết uống. Trong gian bếp lù mù tranh tối tranh sáng tôi nhìn cái dáng lom khom và bàn tay Huệ run run cho những lá thuốc vào siêu và nhóm lửa bằng những lá dừa khô. Huệ kê miệng vào cái ống tre thổi phù phù. Lửa bừng lên rồi tắt. Huệ bực dọc nói:

” Mưa mấy bữa rày, dột vô đống lá nên lá ướt nhẹp. Khói tùm lum. Trời ơi…Như vầy thì chừng nào mới sắc xong đây trời.”

Rồi Huệ chụp cái quạt lá quạt lửa phành phạch. Tro trong lò bay ra bám đầy đầu Huệ. Sư bà Sáu giục:

” Được không con? Lẹ lẹ lên. Trời ơi, tao sợ nó không qua khỏi.”

Lát sau mùi thuốc đã bốc lên thơm tỏa cả gian nhà. Ông Mười nói:
” Xuyên Khung, Thục Địa, Bạch Truật, Hắc Khương, Đương Qui, Đỗ Trọng… Sẽ qua khỏi thôi. Không sao đâu.”

Huệ rót thuốc ra chén rồi bưng lên cho Thiết. Vì thuốc còn nóng quá nên Huệ phải rót một nửa ra cái chén khác rồi quạt cho mau nguội. Sắc xong nước thứ nhất rồi tiếp đến nước thứ hai, nước thứ ba. Xong thang này tiếp theo thang khác. Huệ thức suốt đêm suốt ngày với Thiết. Vừa sắc thuốc vừa nấu cháo đút cho Thiết ăn rất cực nhọc. Những nốt đỏ trên người Thiết lặn dần. Ông Mười nói:

”Thầy Minh Đạm về trước đi. Để Minh Thiết ở lại đây trị cho hết bịnh rồi hãy về. Khi nào khỏe hẳn tôi báo tin lên Phước Hải cho hay rồi thầy xuống đây đón Minh Thiết về.”

Sáng hôm sau tôi rời Phước Lý. Minh Huệ tiễn tôi ra bờ sông. Tôi nói:
- Nhờ cô giúp cho Minh Thiết. Tôi mang ơn cô.

Huệ nói:
- Huynh yên lòng về đi. Sao huynh lại nói đến chữ ơn. Nghe kỳ quá.

Tôi chèo ghe về. Không hiểu sao trong lòng tôi dậy lên những cảm giác rất bất an. Tôi bất an về sức khỏe của Thiết hay bất an vì những điều còn ghê gớm hơn nữa. Có phải chăng tôi đã linh cảm một điều gì đó không lành sẽ xảy ra giữa Huệ và Minh Thiết.

Huệ có một hoàn cảnh đáng thương. Nhà nghèo, cha mẹ nuôi không nổi nên gởi cho chùa. Huệ trở thành ni cô từ khi 6 tuổi. Ni cô mà thích chơi nhảy dây, chơi cò cò, chơi búng me, đánh đũa. Huê lại bị tật ở chân nên đi khập khiễng, người vẹo qua một bên nhưng cái khuyết đểm ấy không làm lu mờ được một khuôn mặt rất sáng đẹp và đôi mắt trong vời vợi. Tâm hồn của Huệ không cách gì đóng khung trong kinh kệ, giống như nhan sắc của Huệ không thể nào hòa điệu với lớp áo nâu sồng. Huệ lớn lên như một bông hoa ngơ ngác bị người ta đặt nhầm chỗ. Trong kinh Phật bảo:

” Đối với phái nữ, nếu lớn hơn thì coi như mẹ, nếu ngang tuổi thì coi như chị, nếu nhỏ hơn thì coi như em.”

Nhưng cái tâm của người ta như mặt nước hồ. Có khi nào hồ không dao động khi bốn bên là gió, không ngừng xô đẩy cái mặt nước vốn yếu đuối và không có gì tự vệ ngoài những lý thuyết xa vời. Tôi biết Thiết thân với Huệ vì mỗi khi có dịp gặp nhau thì cả hai chuyện trò ríu rít cả ngày hoặc ra sau chùa chơi đánh đũa. Nhìn trái banh nẩy lên rớt xuống và hai cái miệng cười tươi không ngớt tôi lo âu bảo:

- Đệ không nên chơi cái đó.

Thiết nói:
- Chơi cái đó đâu có gì phạm giới đâu huynh.

Chẳng hiểu sao tôi vẫn phập phồng. Và chính thầy tôi cũng lờ mờ nhận ra một điều gì đó rất mơ hồ nhưng chứa chấp nhiều sự nguy hiểm nên có vài lần Thiết lấy cớ này cớ nọ để xin xuống Phước Lý thầy tôi đều từ chối. Chuông mõ, kinh kê không biết có làm lắng đọng những xôn xao trong lòng một thầy tu trẻ hay không nhưng tôi thấy rõ là Thiết buồn mỗi khi Huệ có dịp tới Phước Hải rồi hối hả quay về ngay. Thiết cứ đứng chỗ cây cầu nhìn theo xuồng của Huệ khuất đi thật xa rồi mới lặng lẽ trở về chùa.

Thiết quí trái banh chơi đánh đũa lắm, cất kỹ trong tay nải đi đâu cũng mang theo. Có lần tôi bắt gặp Thiết lấy trái banh ra đưa lên môi hôn. Nhác thấy tôi Thiết đỏ bừng mặt dúi trái banh vào túi rồi lùi lũi bỏ đi. Tôi thấy hết. Tôi hiểu hết. Một viễn ảnh đầy bất trắc đã bắt đầu lập lòe như những mẩu than còn e ấp cho tới một lúc thì không còn giữ gìn gì được nữa. Chuyện Thiết bị bệnh phải tá túc ở Phước Lý là ngọn gió oan khiên của định mệnh đã thổi bùng lên những mẩu than ngang trái đó. Một tháng sau có tin nhắn về Phước Hải là Thiết đã bớt nhưng còn yếu, xin ở lại thêm để dưỡng bệnh. Và rồi không lâu sau đó có tin khác nhắn về là Thiết và Huệ đã trốn chùa ra đi.

Tôi nghe tin, dù mọi sự không ra ngoài dự đoán nhưng không khỏi bàng hoàng. Chuyện ấy đã xảy ra như không thể không xảy ra. Nó phải là như vậy thôi. Ngày qua ngày tôi chỉ còn biết ngậm ngùi nhìn ra mặt sông xa thẳm và nhớ tới hai người em của mình với câu nói bật ra trong trí:

” Thôi, nếu hai em có thương nhau thì hãy đi thật xa mà sống với nhau cho trọn đời trọn kiếp.”

Tôi trở về chùa với những công việc thường nhật, tưới rẫy, làm tương, kinh kệ, cúng kiếng và nỗi nhớ không nguôi khi nhìn cái chõng tre không còn cái dáng quen thuộc của Thiết nữa.

Bốn năm trôi qua. Bốn năm bặt vô âm tín cho tới một hôm thì tôi nhận được bức thư của Thiết. Thư được viết trên giấy có kẻ hàng nhưng nét chữ rất xấu và nguệch ngoạc. Thiết viết như thế này:

Phước Lý ngày…tháng…năm

Sư huynh Minh Đạm,
Đầu thư xin cho em được hỏi thăm sức khỏe của huynh. Huynh có được bình an mạnh khỏe không?

Xin huynh tha thứ cho em. Em u mê lầm lạc, có lỗi với huynh, có lỗi với thầy. Dạo đó em với Huệ đã trốn đi vì thương nhau quá, không thể nào sống trong chùa được nữa. Tụi em đã thành vợ thành chồng, ăn ở được hai mặt con nhưng cả hai đứa con sinh ra đều chết cả. Tội lắm huynh ơi. Em biết đó là do cái nhân dữ mà em đã gieo nên phải gặt lấy cái quả báo như vậy. Em đau khổ lắm vì hiểu rằng đó là sự trừng phạt của Trời Phật đối với em. Em không dám tiếp tục sống với Huệ nữa. Hai đứa chúng em đã phạm giới, đã làm những chuyện ô uế thanh danh như thế này. Em dập đầu xin huynh thưa với thầy cho em về chùa tu lại. Em xin làm tất cả những gì có thể làm được để đoái công chuộc tội. Huynh thương em, đừng bỏ em. Ơn của huynh em trọn đời khắc cốt ghi tâm. Em đang ở tạm tại chùa Phước Lý mà chờ thư huynh.

Em, Thiết.

Tôi đem thư trình lên cho thầy xem. Thầy chậm rãi nói:
- Con chèo ghe xuống Phước Lý đón Thiết về đây đi.

Ngọn đèn dầu trên bàn hắt lên đôi mắt già nua của thầy tôi. Tôi nhìn thấy trong đó một tấm lòng đại lượng bao la như trời biển.

Thế là chúng tôi đã gặp lại nhau trong cái gian bếp lù mù mà ngày xưa Huệ đã sắc thuốc cho Thiết. Trên bàn vẫn còn cái bình trà bị mẻ chỗ vòi rót nước. Thiết quì xuống ôm chân tôi mà khóc. Tôi đỡ Thiết dậy. Thiết nói:

- Huynh. Tội em làm em chịu. Nay em cương quyết trở về chùa. Em xin đi theo huynh mãi mãi.

Tôi hỏi:
- Huệ đâu?

Thiết nhìn ra sau. Tự nãy giờ Huệ vẫn đứng sau tấm vách của gian bếp mà tôi không thấy. Trong cái nhá nhem tối tôi nhìn thấy một phụ nữ với mái tóc dài ngang lưng được kẹp lại, đứng thập thò mà không dám bước hẳn ra ngoài. Tôi nói:

- Huệ. Huệ ra đây đi. Sao phải lấp ló như vậy?

Huệ khập khiễng bước tới. Hai vai gầy guộc run run trong chiếc áo bà ba có nhiều mảnh vá. Hai mắt Huệ đầy nước.




Những sợi tóc lấm lem quệt ngang mặt. Huệ ngước nhìn tôi, tiều tụy và hốc hác. Tư nhiên tôi quay mặt đi. Tôi không dám nhìn vào cái hố bi thương sâu hun hút trong đôi mắt của Huệ. Huệ hỏi:

-Thầy khỏe không huynh?

Tôi không đáp mà lại hỏi:
- Mấy năm nay hai em ở đâu?

Huệ nói:
- Tụi em về nhà người bà con bên ngoại làm rẫy. Ngày mai khi chồng em đi rồi thì em cũng quay về đó làm rẫy tiếp. Tối nay em ở tạm đây để mai đưa ảnh đi.

Thiết nhìn Huệ có vẻ gay gắt:
- Mình về đi. Không cần đưa tiễn gì nữa. Tôi đã nói nhiều lần rồi. Đừng bịn rịn, đừng gì nữa hết. Mình về liền bây giờ đi.

Huệ đứng lên đi ra cửa rồi bước hẳn ra bóng tối bên ngoài.

Thiết nói:
- Huynh. Huynh đi ngủ đi. Mai mình đi sớm.

Tôi ngã người xuống võng, suốt đêm không tài nào chợp mắt được.

Bây giờ thì tôi đang ở đây, trên chiếc ghe này, trên dòng sông này với tất cả những hồi ức đang sống lại mãnh liệt trong lòng. Những tiếng thổn thức của Thiết hình như cũng đã dịu lại.

Tôi nói:
- Thiết. Nếu đệ nói đệ có tội với Phật thì tội đó đệ cũng đã đền trả bằng hai đứa con của đệ rồi. Bây giờ nếu đệ bỏ vợ thì lại thêm một tội khác.

Thiết quay nhìn tôi với đôi mắt đỏ ngầu:
- Huynh đừng nói gì nữa.

Nói xong Thiết cầm cái chèo và chèo đi. Người phụ nữ trên bờ lại lẽo đẽo đi theo. Với thân người bị vẹo và cái chân khập khiễng dưới cái nắng chang chang trông cô ấy thảm thương hơn bao giờ hết. Tôi kêu lên:

-Thiết. Đây là những lời cuối cùng tao nói với mày. Nhìn vợ mày lẽo đẽo đi theo tao chịu không nổi. Mày cho thuyền cập bờ đi.

Sóng dồn dập đập vào thuyền. Những khúc củi mục rải rác trôi theo dòng nước, bình thản trước sự căm phẫn trong lòng tôi lúc đó. Mà tôi căm phẫn ai mới được chứ. Một cái gì rất uất ức tự dưng trào ra làm tôi không dằn được buột miệng nói trống không:

” Đồ khốn.”

Thiết quay lại ngơ ngác nhìn tôi:
”Huynh chửi em à?”

Tôi gầm mặt không trả lời. Nắng đã lên tới đỉnh đầu. Lúc ấy là giữa trưa. Giờ ngọ.

Khi tôi về tới Phước Hải thì đã thấy thầy tôi đang đứng chờ ở bờ sông. Đó là buổi chiều của ngày hôm sau. Hoàng hôn chập choạng trên giòng nước đã bắt đầu thẫm lại với những cánh chim sải dài trên nền mây le lói đỏ. 

Thầy ngạc nhiên hỏi:
- Ủa. Thiết đâu? Sao con về có một mình?

Tôi cúi xuống bên thầy:
- Thưa thầy. Thiết nó muốn về nhưng chính con đã khuyên nó ở lại. Nhìn vợ nó lẽo đẽo đi theo con chịu không nổi. Con biểu nó ở lại với vợ nó. Nếu con có tội thì con xin chịu.

Thầy tôi im lặng không nói gì. Hai thầy trò khiêng quày chuối, bao cà ròn khoai mì và các thứ lỉnh kỉnh trên ghe lên bờ rồi từ bờ đem vào chùa. Thầy vẫn im lặng không nói gì hết. Tôi cảm thấy rất bồn chồn. Tôi hỏi thầy lần nữa:

- Thưa thầy. Con làm như vậy đúng hay sai?

Thầy đáp:
- Con lên hỏi Phật đi.

Tôi tắm rửa thật sạch, thay quần áo rồi lên chánh điện thắp nhang đảnh lễ. Hình như trong nhiều năm ở chùa tôi chưa bao giờ hồi hộp như lúc ấy. Vẫn là gian phòng ấy, những đồ vật quen thuộc ấy nhưng tôi cảm thấy mọi thứ dường như uy nghi hẳn lên từ cây đèn dầu cho tới bình hoa, lư hương, tranh ảnh và rồi trần nhà dường như cũng rộng ra và cao lên rất nhiều. Trong mùi trầm lan tỏa tôi quì xuống gõ mõ, đánh chuông, đọc một thời kinh rồi trì chú. Tự nhiên tôi rùng mình, run lên vì sợ hãi. Tôi có cảm tưởng như tượng Phật trước mặt mình bỗng dưng to ra một cách khác thường đến nỗi chiếm hết không gian trong chánh điện và rồi từ từ những bức tường nứt toác ra, mọi thứ xung quanh biến mất, cả bệ thờ, cả ngôi chùa, chỉ còn lại một mình tôi bé nhỏ như hạt cát đang quì dưới chân Phật mà thôi. Tôi rì rầm khấn nguyện, thuật lại câu chuyện từ những bước khởi thủy cho đến những diễn biến sau cùng dẫn đến cái quyết định mà chính tôi cũng bất ngờ. 

Ngước nhìn lên đôi mắt bao dung của Ngài tôi hỏi:
- Thưa Đức Phật con làm như vậy là đúng hay sai?

Trong cái im lặng gần như tuyệt đối bên cạnh Ngài tôi không nghe được gì ngoài tiếng nói của chính lòng mình và tôi yên lòng với tiếng nói đó.

Cao Thanh Phương Nghi 1/2020

Nhà văn Cao thanh Phương Nghi là con của nhà giáo Cao thanh Tùng phụ trách chương trình "đố vui để học" của trung tâm học liệu bộ giáo dục VNCH ngày trước.


No comments:

Post a Comment