Sunday, May 5, 2024

ĐIỂM PHIM THE SYMPATHIZER TẬP 1


Viết tiểu thuyết mang tính lịch sử cần thận trọng. Mặc dù nhân vật, câu chuyện và tình tiết có thể là hư cấu nhưng bối cảnh, diễn biến cần theo sát lịch sử, nếu không thì tiểu thuyết sẽ thành bóp méo lịch sử.

Tiểu thuyết Cảm Tình Viên có bối cảnh là Saigon những ngày trước khi thất thủ và California, Hoa Kỳ. Phần xẩy ra ở California là hư cấu, tác giả có quyền viết hươu viết vượn, nó không cần hợp lý hay sát thực. Nhưng phần xẩy ra ở Saigon trước ngày thất thủ vào tay quân đội Cộng Sản thì có tính chất lịch sử, cho nên cần sát thực và hợp lý.

Khi biến tiểu thuyết mang tính lịch sử đó thành phim ảnh lại càng thận trọng hơn, vì hình ảnh bằng ngàn lời nói (a picture is worth a thousand words).

Tôi không đọc The Sympathizer, phần vì lười, phần vì nghĩ rằng đã đọc sách về một điệp viên hai mang thứ thiệt là Phạm Xuân Ẩn thì tại sao lại phải đi đọc sách về một điệp viên hai mang tưởng tượng trong The Sympathizer. Nhưng tôi có xem phim The Sympathizer Tập 1. Tiếc thay, phim Sympathizer Tập 1 quả thật có bóp méo lịch sử.

Xin chỉ đơn cử vài thí dụ.

1- Đồng phục cảnh sát thời Việt Nam Cộng Hòa. Đó là sơ mi trắng, quần xám. Trong phim lại cho lực lượng cảnh sát VNCH mặc đồng phục áo và quần mầu beige. (Ngoài ra, VNCH còn có lực lượng Cảnh Sát Dã Chiến với đồng phục rằn ri giống quân đội).


2- Rất là lố bịch, khôi hài khi cho ông Tướng Cảnh Sát cưỡi xe mô tô phân khối lớn dẫn đầu chiếc xe bus di tản chạy qua đường phố Saigon. Theo phim thì chuyến xe di tản này xẩy ra một ngày trước khi Saigon thất thủ, nghĩa là ngày 29/4/1975. Nhưng ông Tướng nào mà điên rồ làm như vậy. Thứ nhất là lôi kéo sự chú ý của dân chúng. Thứ hai là ngày đó thì đặc công cộng sản nằm vùng đã ra đầy đường Saigon rồi, làm sao ông Tướng dám làm mồi cho súng của đặc công?

3- Cũng trong phim, chiếc xe bus di tản chạy qua đường phố vắng tanh với quần áo của quân nhân VNCH vứt đầy đường. Đây là một bóp méo lịch sử. Phải đến ngày 30/4/1975, khi Đại tướng Dương Văn Minh ra lệnh quân đội VNCH buông súng đầu hàng thì mới có cảnh tượng quân nhân VNCH cởi bỏ quần áo vứt trên đường. Trong khi đó, theo bộ phim, cảnh này xẩy ra ngày 29/4/1975. Như vậy là xuyên tạc lịch sử và bôi nhọ quân lực VNCH với hàm ý là quân nhân VNCH hèn nhát, đã buông súng, bỏ quân phục chạy trốn khi chưa có lệnh đầu hàng của cấp trên.

4- Ngôn ngữ dùng không thích hợp cho viên Đại Úy Cảnh Sát. Bộ phim cho viên Đại Úy nói "Điều xe" và "Từ này". Nhưng vào thời điểm 1975, dân chúng miền Nam không nói "điều xe" mà nói "mang xe" hay "đưa xe" và cũng không nói "từ này" mà nói "chữ này". Điều Xe và Từ là tiếng của miền Bắc, chỉ sau 30/4/1975 thì dân chúng miền Nam mới bị truyền thông chính quyền cộng sản cho thâm nhập vào đầu óc.

5- Hoa Xuande, người đóng vai viên Đại Úy cảnh sát, điệp viên hai mang, nhìn khá trẻ, khá thư sinh cho chức vụ Đại Úy và nói tiếng Việt lơ lớ. Tôi tin là diễn viên Lê Thái Hòa của Canada thích hợp với vai này hơn Hoa Xuande của Úc.

Những nhà đạo diễn tại Việt Nam khi làm phim có tính chất lịch sử thì khá thận trọng. Lấy thí dụ, khi làm phim về miền Nam trong thời kỳ Pháp Thuộc thì họ có mời nhà văn lão thành Sơn Nam làm Cố vấn Văn hóa, để bảo đảm những hình ảnh về nhà cửa, xe cộ, quần áo, ngôn ngữ v.v. được trung thành với sự thật lịch sử.

Nhà văn Nguyễn Việt Thành khi Saigon xụp đổ ông chỉ là cậu bé 4 tuổi, ông hoàn toàn không có khái niệm gì về miền Nam cùng biến cố lịch sử 30/4/1975. Nhưng sơ xuất của ông khi viết phần Saigon những ngày trước khi thất thủ là ông không chịu hỏi ý kiến bố mẹ ông, hỏi những bậc cha chú của ông ở California khi dựng nên những tình tiết ấy thì có hợp lý không, có sát thực không. Người đáng trách hơn là đạo diễn phim Park Chan-wook. Ông không chịu xem hàng ngàn ảnh và phim tài liệu về miền Nam trước ngày 30/4/1975. Ông cũng không dùng một Cố vấn Văn hóa người Việt trong số mấy trăm nghìn người trung niên/lớn tuổi đang sống ở Mỹ.

Tôi cũng xin phép được phê bình chị Kiều Chinh tí xíu. Tôi biết chị không có mặt ở Việt Nam ngày Saigon xụp đổ nên chị không thể có ý kiến về chuyện ông Tướng lái mô tô hay chuyện áo quần quân đội VNCH vứt đầy đường ngày 29/4/1975. Nhưng ít ra thì chị cũng phải nhớ bộ đồng phục của lực lượng Cảnh sát VNCH để nhắc nhở đạo diễn. Chị sống ở miền Nam suốt 21 năm trời.

Thay vì để cho người Nam Hàn Park Chan-wook, nếu nhà sản xuất dùng đạo diễn Trần Anh Hùng quay phim The Sympathizer thì phim đã không có nhiều "sạn" như vậy, vì tôi biết đạo diễn Trần Anh Hùng là người cực kỳ cẩn thận, chi tiết, tỉ mỉ.

Truyện The Sympathizer phải là hay thì nó mới đoạt giải Pulitzer. Nhưng đó là hay theo tiêu chuẩn của người Mỹ, chứ chưa hẳn hay theo cảm quan, vị giác của người Việt. Dù sao thì sự kiện một người Việt Nam đoạt giải Pulitzer cũng là niềm hãnh diện cho toàn thể dân tộc Việt Nam, nên toàn bộ báo chí Việt ngữ ở Mỹ (BBC, VOA, Người Việt, Việt Báo v.v.) đều viết về phim The Sympathizer một cách tích cực, khen ngợi. Hình như họ đi theo cái logic là "Truyện The Sympthizer phải hay thì mới đoạt giải Pulitzer và nếu truyện hay thì phim cũng phải hay". Nên chúng ta không tìm thấy một bài điểm phim nào có tính khách quan, trung thực trong các báo chí Việt ngữ tại Mỹ. Toàn khen tất.

Nhưng tôi, với tư cách một chứng nhân lịch sử ở Saigon trước và sau 30/4/1975, có thể nói Tập 1 của phim bộ The Sympathizer nhiều sạn quá, làm cho tôi nản lòng không muốn xem tiếp 6 tập còn lại. Còn chuyện thay đổi lịch sử, dựng chuyện quân đội VNCH đào ngũ buông súng ở Saigon trước khi có lệnh đầu hàng của Đại tướng Dương Văn Minh là hành động vô tình hay cố ý của nhà văn Nguyễn Việt Thành thì tôi không thể kết luận.

Hoàng Hải Hồ
Vancouver 30/4/2024.

No comments:

Post a Comment