Tuesday, April 16, 2024

VỀ NHỮNG BỘ PHIM VIỆT... KHÔNG CÓ AI XEM

Phim Việt, sau sự bùng nổ và phá hàng loạt kỷ lục của Mai đầu năm là một cuộc chết chùm của những bộ phim Việt phát hành cùng thời điểm và sau đó, từ Trà lỗi thời nhếch nhác của Lê Hoàng kỳ cựu một thời, Sáng đèn - một nỗ lực đáng trân trọng để giữ gìn những giá trị truyền thống nhưng... bị sân khấu hóa, và Quý cô thừa kế 2 mà đạo diễn đã báo lỗ cả chục tỷ sau khi rời khỏi rạp chiếu.

Hôm qua, tôi lại đọc được một bài than thở của đạo diễn, nhà sản xuất, diễn viên Mai Thu Huyền khi cô nói rằng bộ phim mới nhất của mình, dù đoạt tới 9 giải thưởng quốc tế và được quay hoàn toàn tại Mỹ với những tên tuổi hải ngoại - bị chèn ép suất chiếu trên sân nhà. Tôi check box-office và thấy thảm thương thật: suất chiếu không ít lắm, trên 400 suất ngày chủ nhật, nhưng lượng vé bán ra chỉ khoảng hơn 400 vé. Nghĩa là mỗi rạp chỉ có... 1 người xem nếu tính bình quân, còn thực tế thì chắc chắn nhiều suất chiếu của phim này không có ai xem và phải hủy chiếu.

Tôi hiểu và đồng cảm phần nào với nỗi đau của nhà sản xuất, đạo diễn và diễn viên khi bộ phim hao tốn nhiều tiền của và tâm lực mà họ làm ra không ai xem cả. Đó là một sự tổn thương quá lớn đối với nghệ sĩ. Nhưng tôi đồng thời cũng ngạc nhiên là tại sao vẫn có những người cố đấm ăn xôi để làm phim, cái nghề bào tiền bào sức này, khi năng lực của họ không có?

Tôi biết Mai Thu Huyền khi cô còn là một diễn viên trẻ ở Hà Nội và từng đóng trong khá nhiều phim của điện ảnh miền Bắc thời đó, như trong bộ phim Hà Nội mùa đông 1946 (1997) của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Và tôi biết cô có một tình yêu điện ảnh lớn, được minh chứng qua hành trình điện ảnh của cô với những vai diễn và phim truyền hình khá ăn khách. Nhưng cô thực sự không có năng lực đạo diễn và sản xuất - tôi buộc phải đánh giá thẳng thắn như vậy. Trong nỗ lực để tiếp cận điện ảnh thương mại và chinh phục công chúng, cô đã sản xuất, đạo diễn kiêm diễn viên trong những bộ phim mà tôi chỉ biết ngán ngẩm mà thở dài hoặc ớn lạnh, như Lạc giới, Giấc mơ Mỹ hay Kiều. Và không hiểu bằng cách nào, sau hai cú ngã ngựa với 2 phim gần đây nhất, cô vẫn ngồi lên lưng ngựa để rồi ngã ngựa lần ba với bộ phim Đóa hoa mong manh vừa ra mắt.

Tôi đọc bài báo cô than trách bị chèn ép suất chiếu mà không thể đồng cảm được với bất cứ điều gì cô chia sẻ. 9 giải thưởng điện ảnh của các LHP quốc tế mà phim cô thắng giải là liên hoan phim kiểu gì? LHP quốc tế lên đến hàng ngàn, và có những LHP mở ra chỉ để... bán giải thưởng, muốn mua bao nhiêu cũng có. Chỉ cần bạn đóng đủ tiền, cúp và giải thưởng tha hồ mà hốt về trưng trổ. Và tôi ngạc nhiên là đến giờ này, vẫn có vài đạo diễn vẫn chơi cái chiêu vừa mất tiền oan vừa không được gì này. Giải thưởng, đến cả LHP danh giá số 1 như Cannes còn không ăn thua. Bên trong vỏ kén vàng của Phạm Thiên Ân và The Taste of Things của Trần Anh Hùng thắng 2 giải quan trọng ở Cannes, báo chí thế giới và VN ca tụng và viết cả vài trăm bài lớn nhỏ, chiếu rạp tại VN vẫn không ăn thua. Phim trước thu 1,5 tỷ, phim sau thu chưa đến 3 tỷ đồng. Vậy thì gán cả chục cái giải thưởng (ảo) vào phim của mình để làm gì?

Thứ hai, thất bại này lần thứ 3 liên tiếp rồi và đều rất nặng nề rồi, tại sao cô không dám đối diện với chính mình để nhận ra rằng mình không có năng lực sáng tạo? Tại sao cứ phải cố đấm ăn xôi để rồi phải chịu những nỗi cay đắng mà tôi nghĩ không dễ dàng gì để vượt qua này? Và tại sao cứ phải đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan mà nhiều đạo diễn và nhà sản xuất xài hoài mỗi khi phim họ không có ai xem?

Tôi biết tình yêu điện ảnh ở nhiều nghệ sĩ rất lớn. Và cơn nghiện điện ảnh đôi khi khó bỏ hơn cả nghiện... mai thúy nữa. Trong rất nhiều cuộc gặp gỡ đối thoại với nghệ sĩ điện ảnh của cả ba dòng, điện ảnh nhà nước, điện ảnh tư nhân và điện ảnh độc lập sau này, tôi đã nghe và thậm chí chứng kiến quá nhiều nỗi niềm trauma, vật vã và đau khổ của giới làm nghề trong nỗ lực để tồn tại và được công nhận. Trauma lớn nhất của họ, mà tôi quan sát được trong suốt hơn 25 năm làm nghề và lùi ngược về quá khứ để gặp nhiều tên tuổi nữa, là không dám buông bỏ, là vật vã leo lên lưng ngựa đi tiếp mặc dù đã ngã ngựa bao phen.

Tôi tự hỏi, với tình yêu điện ảnh đó, tại sao các bạn không chọn một con đường khác, để vừa được tiếp tục làm nghề, vừa được có tên trong credit ở những vai trò quan trọng chẳng kém: nhà đầu tư, nhà bảo trợ, mệnh thường quân.

Nhiều tài năng điện ảnh trẻ với thẩm mỹ và tư duy sắc bén đang khao khát được đầu tư để hoàn thiện tác phẩm đầu tay của họ. Chưa bao giờ tôi thấy một không khí điện ảnh độc lập mạnh mẽ như bây giờ trong các bạn young filmmakers. Sự xuất hiện liên tục của họ tại các LHP quốc tế hàng đầu thế giới gần đây là một minh chứng.

Tối qua trong sự kiện tọa đàm của Ồ Ạt Oh Art, tôi đã xem được một phim ngắn của một đạo diễn trẻ rất chất lượng và thấy được những tiềm năng lớn ở bạn. Nhưng bạn đạo diễn trẻ ấy và nhiều đạo diễn trẻ khác nữa mà tôi gặp tối qua, lại vật vã để tìm kiếm các nguồn đầu tư cho bộ phim dài đầu tay của mình.

Tối qua, bạn Nguyên Lê hỏi làm sao để thu hút, mang tiền về cho những giá trị tốt trong điện ảnh hiện giờ, tôi có trả lời rằng tôi chưa nhìn thấy điều đó ở VN, hoặc có, cũng rất ít. Nếu Mai Thu Huyền và Lý Nhã Kỳ - những doanh nhân điện ảnh nếu đầu tư kinh phí của họ vào những bộ phim của các đạo diễn trẻ có tiềm năng, thì có phải lợi được đôi đường không? Nếu các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế lớn nhìn thấy được tiềm năng và sức mạnh của điện ảnh để đồng hành với những đạo diễn tài năng, chúng ta sẽ có một nền điện ảnh lớn mạnh và tạo ra một làn sóng mới. Bằng không, điện ảnh của chúng ta lại tiếp tục chật vật khó khăn để đi lên, có thể được dăm ba hiện tượng nổi lên rồi lại âm thầm tắt ngúm vì thiếu củi lửa để đun tiếp.

Sự khủng hoảng của điện ảnh VN trong nhiều thập niên qua và đến hiện nay, dù sáng sủa hơn, vẫn phải đối mặt là nguồn nhân lực, vật lực bị sử dụng sai gây nên những lãng phí quá lớn. Và để thay đổi, không còn cách nào khác, quý vị phải "collab" và đi cùng nhau trên cùng một tầm nhìn và thẩm mỹ điện ảnh đương đại có tính mở đường.

Vài lời tâm huyết hoàn toàn có ý xây dựng chứ không đả kích ai. Còn nếu những lời thẳng thắn này có gây tổn thương cho ai đó, tôi đành phải xin lỗi vậy vì không thể nói khác đi.

Ảnh: Các diễn giả và host trong buổi thảo luận "Thị trường nghệ thuật: Ai tạo giá trị, ai trả tiền" của Ồ Ạt Oh Art do Mzung khởi xướng.


No comments:

Post a Comment