Saturday, April 20, 2024

Trông Vời Quê Cũ!

Footscray nằm về phía Tây, chỉ cách CBD (Central Business District) của thủ phủ Melbourne, tiểu bang Victoria, Úc Châu khoảng 5 cây số tính theo đường chim bay.

Foots là vùng hạ lưu. Còn Ray là tên một con sông ở London, thủ đô nước Anh. Footscray, nơi tôi bèo giạt hoa trôi theo phần số tấp đại vào đây đã 26 năm, vốn là đất của thổ dân Úc Kulin.

Năm 1859, Footscray chỉ có 70 tòa nhà và chỉ 300 người dân. Hơn 150 năm sau, hơn 16 ngàn người chen chúc trên 5 cây số vuông thuộc thành phố Maribyrnong.

Ngày nay chỉ có 41.1% dân Footscray là sinh ra ở Úc. Còn lại là Anh, Hy Lạp, Ý và Nam Tư đến từ Châu Âu. Việt Nam, Tàu, Ấn Ðộ, Ðông Hồi, Tích Lan, Miến Ðiện từ Châu Á. Còn Sudan, Ethiopia, Somalia… từ Châu Phi. Họ nói tới 135 ngôn ngữ khác nhau.

Chúng ta, dù Pommy (Anh) hoặc Mít (Việt), dẫu lạc mất quê mình, nhưng ai cũng đem theo một cái tên, một cái hồn cố thổ.

Phố Footscray có siêu thị ‘Little Saigon’ (nhỏ chút éc nhưng chơi nổ lấy tên Sài gòn nhỏ để nhớ Sài gòn), mở cửa vào năm 1992, đông đúc, ì ì tối ngày. (Nhưng tiếc thay một đám cháy lớn vào ngày 13, tháng 12, năm 2016 làm thiệt hại hơn 12 triệu đô la Úc. Tới giờ, gần 8 năm sau, mới bắt đầu cất lại )

Cái lạ và lý thú là vùng đất Footscray nầy nhỏ như lỗ mũi nhưng người Tân Ðịnh, quận Nhứt Sài Gòn cũng kha khá là đông, chừng vài chục mạng!

Ông bác sĩ gia đình của tui cũng là người Tân Ðịnh. Có lần đi khám bịnh, người ta ngồi ở ngoài chờ thiếu điều râu dài tới rún; ổng vẫn nhẩn nha kể chuyện khi xưa ta bé ta ngu vì gặp được tui, người cùng quê năm cũ.

Ổng “khai” rằng ổng học cấp hai trường Thiên Phước, số 295, đường Hai Bà Trưng.

Tui chen vô:

“Ờ hồi xưa tui có để ý một em học Ðệ tứ trường nầy đó. Em chuyên mặc váy màu hồng thay vì mặc váy màu xanh nước biển đậm như các trường đạo khác (Couvent des Oiseaux, Régina Pacis và Régina Mundi…).

“Ủa bác sĩ là con trai sao lại học trường dành riêng cho con gái?”

Sợ tui nghi ổng cao hứng nói dóc nên ổng phùng mang cãi lại:

“Sau 75, trường đạo nầy bị sung công, bị đổi tên. Tên mới là Trường Trung học Cơ sở Hai Bà Trưng. Nó dạy cả trai lẫn gái. Lên cấp ba, tui học ở trường Marie Curie! (cũng vốn là trường dành cho con gái ”)

Rồi có lần thằng bạn mời đến nhà nhậu và nói dóc, tui hân hạnh gặp anh ruột của thằng chả là một ‘cua rơ’ (coureur) nổi tiếng thời Việt Nam Cộng Hòa.

Ảnh nói: “Ðường Hai Bà Trưng từ Cầu Kiệu về phía Sài Gòn, phía tay phải có tiệm Ðoàn Văn Thẩm chuyên bán xe đạp và phụ tùng nhập cảng từ Pháp và Ý cho các cua rơ lừng danh như ‘Phượng hoàng Lê Thành Cát’. Rồi Trương Kim Hùng, năm 1969, lúc mới 17 tuổi, đã đoạt huy chương vàng Ðông Nam Á Vận Hội kỳ 5 tại thủ đô Rangoon của Miến Ðiện.

“Và anh của chú mầy đây là cua rơ Nguyễn Văn Ngàn. Dân Xóm Chùa Tân Ðịnh.”

Hỏi anh có đoạt được huy chương vàng nào hông?

Ảnh cười he he trả lời là:

“Hông! Tao chỉ chuyên về nhì, về ba không hè!”

Nhắc tới dân Xóm Chùa, tui còn giận xanh râu tới giờ. Chẳng qua một chiều lang thang, tui đến Viện Nhu Ðạo Quang Trung đường Phạm Ðăng Hưng coi tập võ. Thì có một nhóm khoảng 5 thằng nhóc tì cỡ tui cà khịa đến xô đẩy, thừa cơ giựt mất cây viết Pilot 57, màu cà phê sữa, tui giắt trên túi áo, mà Ba tui mới mua cho hồi sáng tốn hết 150 đồng.

Ðám nhóc phá làng phá Xóm Chùa còn đi trấn lột một thằng khác.

Xui thay anh thằng đó là một đại ca du đãng Hẻm Vạn Chài, gần rạp Văn Hoa, đường Trần Quang Khải. Kết quả đám du đãng nhí Xóm Chùa bị du đãng thứ thiệt xóm Vạn Chài rượt chạy sút quần, tóe khói.

Có bà con mình khi thương trái ấu cũng tròn nên ‘tưng’ Tân Ðịnh quê mình lên, là một trung tâm của Sài Gòn “Hòn ngọc Viễn Ðông”.

Tui thì cũng yêu và nhớ thương đất Tân Ðịnh chắc không thua gì thằng chả, nhưng thấy ‘ca’ như vậy là trật lất, rớt nhịp song lang rồi

Trung tâm của Sài Gòn là Bến Nghé, qua bài ‘Chạy Giặc của nhà thơ Nguyễn Ðình Chiểu.

Bến Nghé của tiền tan bọt nước.
Ðồng Nai tranh ngói nhuộm mầu mây”.

Tân Ðịnh là cái rìa của Quận Nhứt, giáp với Phú Nhuận về hướng Bắc nên chánh quyền thực dân Pháp mới có đất rộng để làm cái nghĩa trang để chôn ông Tây, chôn bà Đầm xí lắt léo đó chớ.

Năm 1954 Tây rút, mình kêu nó đem mấy cái tên Tây nầy về Pháp luôn đi.

Vậy là đường ‘Mayer’ phân Tân Ðịnh với Ða Kao thành đường Hiền Vương.

Ðường ‘Blanchy’ thành đường Hai Bà Trưng.

Ðường Hai Bà Trưng từ tượng Ðức Trần Hưng Ðạo bến Bạch Ðằng, sông Sài Gòn chạy một hơi tới chân Cầu Kiệu dài chỉ hơn 6 km một chút. Còn khúc Hai Bà Trưng, tính từ ngã tư đường Hiền Vương, (giờ là Võ Thị Sáu) tới chân Cầu Kiệu chỉ hơn 2km.

Cũng như các thành phố trong cả nước thời thuộc địa, Tây xây dựng thành phố Sài Gòn theo bài bản là: Ðường ‘Blanchy’ chia công sở một bên, khu thương mãi, ăn chơi một bên. Còn Tây chết thì đem ra rìa thành phố, đất còn rộng, để chôn trên đất Thánh Tây, là Nghĩa trang Mạc Ðĩnh Chi thời Ðệ nhứt Việt Nam Cộng Hòa. Sau 1975, mồ mả bị giải tỏa để làm công viên Lê Văn Tám.

Chợ Bến Thành cất năm 1914. Mãi tới năm 1926, Tây mới cất Chợ Tân Ðịnh. Chợ Tân Ðịnh, mặt tiền đường Hai Bà Trưng, có những sạp trái cây bán vú sữa màu tím, sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, xoài, bòn bon, dâu, bưởi, ổi xá lị, mận sọc từ Miệt vườn Lái Thiêu theo quốc lộ 13 bà con mình chở xuống.

Phía sau chợ là đường Mã Lộ (xưa là Bến xe ngựa).

Bên hông phải của chợ là đường Trần Văn Thạch người thuộc nhóm Đệ Tứ Quốc tế theo Chủ nghĩa Trotsky nay là đường Nguyễn Hữu Cầu.) cho tới đường Mã Lộ, đêm về bà con mình bán la ve, rượu đế tôm khô củ kiệu, khô mực, khô cá đuối, cóc ổi, hột vịt lộn, ốc gạo, ốc hương, ốc len xào dừa cho dân lao động nhậu. Ăn chơi chơi thì có cháo hột vịt muối, nem nướng, bánh ướt, thì bắp nướng mỡ hành, sâm bổ lượng. Cả một khúc đường ồn ào, náo nhiệt cho đến nửa đêm về sáng..

Còn dân công chức kha khá hơn thì dắt vợ con đi ăn cơm gà Hải Nam (hoặc Hải Nàm) xéo xéo chợ phía bên kia đường Hai Bà Trưng. Hoặc đi ăn bánh xèo, chả cá Lã Vọng trên đường Ðinh Công Tráng gần hẻm của (danh hài) Tùng Lâm.

Sáng bửng có quán cà phê Hải Nàm của cắc chú trên đường Trần Văn Thạch. Dân chạy xích lô, xe ba bánh, xe ngựa phì phèo thuốc rê Gò Vấp, điếu Bastos xanh, Ruby Queen, Cotab bên ly xây chừng đen ngòm như thuốc Bắc, rôm rả bàn chuyện trên trời, dưới đất.

Tháng Tư lại về trên quê người viễn xứ tui nhớ nhà tui số 9, lầu 2 Cư xá Bưu Ðiện, hẻm 230, đường Hai Bà Trưng, sát bên hông Bưu Ðiện Tân Ðịnh.

Năm 1970, tui sắp thi Tú tài 2. Ðậu rớt gì tui cũng vào lính vì đã quá tuổi để được hoãn dịch vì lý do học vấn.

Tui học đòi làm người lớn, hút thuốc Bastos xanh. Khói thuốc đôi khi làm tui ho sặc sụa. Em thu ngân, đẹp nghiêng thùng đổ nước, ái ngại nhìn tui:

“Anh uống sữa tươi cho bớt ho nhe!”

Tui biết em ‘xỏ’ ngọt tui, chê tui còn con nít mà bày đặt làm người lớn. Tui bèn nháy nháy đôi mắt hí, chơi xỏ lại:

“Uống! Mà em có sữa tươi hông mà kêu anh uống?”

Chuyện tình thiệt là lâm ly bi đát! Bi đát đời tui thiệt; vì em thu ngân ngày cũ giờ là con ‘Sư tử Hà Ðông’ đang nằm ngáy ro ro trong phòng của tui kìa cha nội!”

Đoàn Xuân Thu.
Melbourne.

No comments:

Post a Comment