Sunday, April 7, 2024

Tháng tư – Ám ảnh lý lịch


Thọ Nguyễn
2-4-2024

Từ bé tôi đã mang trên người một bản lý lịch “đẹp”. Ba má tôi tham gia kháng chiến chống Pháp ở Liên khu 5 rồi ra Bắc tập kết. Với bản lý lịch đó, tôi có cuộc đời khá êm đẹp so với nhiều bạn bè. Với năng lực chuyên môn của mình nhẽ ra tôi có thể làm quan to, thậm chí rất to và nếu khôn ngoan có thể hạ cánh an toàn, nhà cao cửa đẹp. Đến giờ tôi vẫn là anh thợ cần cù làm việc là do cá tính của mình chứ hoàn toàn không phải vì lý lịch.

Nếu như với tôi bản lý lịch là đôi cánh cho cuộc đời thì đối với nhiều người Việt khác lý lịch lại là một cái gông, là một nỗi ám ảnh mỗi khi phải nghĩ đến nó. Hồi những năm 1960, ở Hà Nội tôi luôn cảm thông với những đứa trẻ bị thiệt thòi vì lý lịch “xấu”. Ví dụ như thằng Hà con ông Kỷ, nhà số 8 Lê thánh Tông [1], hay thằng Min con ông Cần, ở số 5 Phan Huy Chú [2], hay thằng Hùng Gã Đầu Bạc, con nhà Cự Hương ở 35 Hàng Đào.

30.4.1975 chiến tranh kết thúc. Tôi trở về miền Nam lại chứng kiến một cuộc cách mạng lý lịch mới, vẫn với các phân biệt “Ta – Ngụy”. Bản lý lịch thay đổi toàn bộ cuộc đời của công dân. Kẻ ít học, cơ hội có thể lên làm cán bộ phường, quận. Trí thức đầy đầu có thể mất nhà cửa, đi kinh tế mới. Nhà có của cải thì con cái khó học hành lên cao.

Rồi hàng triệu người Việt bỏ nước ra đi trên những phương tiện thô sơ với vô số cái chết bi thảm trên biển. Thế giới kinh ngạc trước thảm kịch đó và chỉ biết gọi các nạn nhân là “Boat People”. Nạn “Thuyền Nhân” là sản phẩm ra đời từ chủ nghĩa lý lịch Việt Nam. Hàng trăm ngàn người đã bỏ mạng dưới đáy biển vì không nhìn thấy tương lai cho con cái.

Chuyện đã lâu, nhắc lại làm gì nữa. Đúng vậy! Đất nước đã thay đổi. Bản lý lịch đã mất đi ma lực của nó. Ngày nay những người có gốc gác tư sản đều có thể nắm giữ các vị trí tốt trong nền kinh tế đa thành phần. Tôi biết có người là con gái sĩ quan quân lực VNCH được kết nạp vào đảng Cộng sản.

Tôi kết bạn với mấy ông thương binh VNCH giờ bán vé số, được nghe kể về quãng đời cùng cực của họ sau tháng tư 1975. Gần đây họ được cấp giấy chứng nhận tàn tật. Lúc Covid hoành hành, họ cũng được trợ cấp 750.000 VND/tháng, tuy ít nhưng cũng như những người nghèo khác. Khi ra phường họ không còn bị gọi là “Ngụy” như trước. Đôi khi ai lỡ miệng thì chỉ là thói quen xấu, ăn vào đầu lưỡi con người mấy chục năm qua. Tôi mừng cho họ và cho sự cởi mở của xã hội.

Hôm rồi tôi chia vui với một chú em mới được phong chủ nhiệm khoa tại một bệnh viện công ở Sài Gòn. Chú là một bác sĩ giỏi, có tâm nên tôi rất quý chú. Hồi chú sang Đức thực tập, hai anh em hay tâm sự với nhau. Tất nhiên chú không thích làm quan vì sống trong cái chăn đầy rận nên biết quá rõ. Nhưng điều làm cho chú ngại nhất là phải vào Đảng thì mới được làm quan. Bao nhiêu năm nay chú không nhận lời làm chủ nhiệm khoa vì vậy.

Nhưng sức ép cứ tăng dần. Nếu anh không nhận làm phụ trách thì người ta sẽ phải đưa người kém hơn lên và anh phải nuốt bồ hòn bị lãnh đạo bởi người đó. Ra ngoài lập nghiệp thì không phải ai cũng dám.

Có lẽ thế nên chú chặc lưỡi, nhận lời. Mà chặc lưỡi bây giờ cũng dễ vì không ai bị ám sảnh bởi cái lý lịch nữa. Ngay cả con gái thủ tướng còn lấy con trai cựu quan chức tình báo chính quyền Sài Gòn thì còn ai phải lo nữa. Đảng viên chỉ còn là hình thức.

Lý lịch cũng vậy. Chú em kể: “Dù có khai theo mẫu lý lịch 2C-TCTW-98 [3] hay mẫu QD126 [4] thì cũng không ai quan tâm đến việc cha mẹ làm gì trước 1975 nữa anh à“.

Tính tò mò nên tôi tìm hai bản lý lịch kia để xem và rồi giật mình. Cái gì thế này? Tôi không tin vào mắt mình nữa.

Cả hai trang web cập nhật cuối 2023 hoặc đầu 2024 vẫn hướng dẫn người viết lý lịch kê ra xem “cha mẹ mình từng làm gì trước và sau ngày 30.4.1975”, hoặc “có làm việc trong chế độ cũ, ngụy quân, ngụy quyền không”.

Ảnh chụp màn hình mẫu lý lịch cán bộ, đảng viên

Trong bài “Kẻ thù từ trong ta” [5] ngày 24.04.2017, cách đây bảy năm, tôi viết:

“Trong khi nhà nuớc Việt Nam đã bắt tay với các kẻ thù cũ là Mỹ hay Trung Quốc, thì câu hỏi: ‘Cha mẹ làm gì truớc 30.4.75?’ trong bản khai lý lịch chính là kẻ thù từ trong ta“.

Lứa tuổi 25-40 bây giờ là con của những người 50-60 tuổi. Những ông bố bà mẹ đó năm 1975 kẻ thì đang đỏ hỏn trong nôi, người thì còn thò lò mũi xanh. Đã hai thế hệ người Việt không liên quan gì đến chế độ VNCH. Mà cho dù có liên quan đến chế độ đó thì đã sao giữa không khí hừng hực kêu gọi “hòa giải”.

Đã tưởng từ đó đến nay việc khoét sâu thêm nỗi đau này đã biến mất, nào ngờ.

Tháng tư năm sau cả dân tộc sẽ nhớ đến 50 năm kết thúc chiến tranh, mỗi người theo một cách.

Trong khi những người dân như chú em bác sĩ không còn sợ bị cái lý lịch đè nặng lên số phận nữa, thì những người cố duy trì bản lý lịch dường như vẫn bị ám ảnh bởi cái mốc 30.04.1975.

________


[2]Gia đình ông Cần nhà số 5 Phan Huy Chú trong hồi ký Hai Quê Hương https://books.google.de/books?id=L9-0EAAAQBAJ





No comments:

Post a Comment