Monday, April 1, 2024

Quan Dương: Tháng Tư Khúc Đoạn Trường

Hằng năm cứ vào tháng tư, mỗi khi những kẻ thắng trận tổ chức lễ hội chào mừng rộn rã thì tôi lại nhớ ngày ra khỏi tù, một mình với bộ đồ vá nhiều mảnh, ngồi trước mộ con nơi góc ruộng rất xa ở làng Đại Chí, xã Bình An, Bình Khê, Bình Định.

Trong tấm hình là cô nữ sinh đang ngồi trong lớp. Cô nữ sinh đó là vợ tôi, chụp vào năm 1974 khi còn đi học. Hình kế bên chụp ba năm sau đó (1977) là vợ tôi đang ôm con đợi tôi về. Đứa bé tên Lục Bình. Mới có ba năm mà vợ tôi từ một cô nữ sinh xinh đẹp đã trở thành một cô thôn nữ nhìn già hẳn đi vì mỗi ngày phải ra ruộng và chiều về ôm con để đợi.

Tháng 5 năm 1975, chung số phận của những người lính đã để đất nước lọt vào tay kẻ địch, tôi bị bắt vào trại lao động khổ sai của bên thắng trận, thì Lục Bình lúc đó mới chỉ là bào thai năm tháng còn đang nằm trong bụng mẹ.

Tháng 9 năm 1975, Lục Bình được sinh ra đời trong lúc tôi mặc áo tù nhân phá rừng làm đường ở trại Đồng Găng thuộc tỉnh Khánh Hoà.

Tháng 4 năm 1976, vợ tôi ẳm con chưa đầy 7 tháng tuổi lặn lội đường xa đi thăm tôi ở Đồng Găng. Đó là lần đầu hai cha con tôi được nhìn thấy nhau. Gọi là nhìn thấy nhau vì đám cán bộ cai tù không cho phép tôi được ôm con mình. Bọn họ nói đó là tội uỷ mị, tàn dư của “nguỵ quyền” Sài Gòn để lại.

Tháng 6 năm 1976, tôi được chuyển từ Đồng Găng ra trại A.30 Tuy Hòa. Mỗi một chiếc GMC là 50 tù binh ngồi chồm hổm chen chúc nhau. Phía trên là hai khẩu AK47 của công an áp giải, chĩa thẳng với tư thế sẳn sàng nhả đạn. Khi đi ngang thị trấn Ninh Hòa là nơi tôi được sinh ra và lớn lên, nhìn qua thành xe tôi thấy lại những con đường mà mới ngày nào tôi còn cắp sách đi trên đó đến trường. Nhưng con đường gần gũi đến thế mà giờ đây chừng như xa vời vợi.

Tháng 12 năm 1977, vợ tôi ẳm Luc Bình thăm tôi lần nữa tại trại A30. Đó là lần duy nhất trong cuộc đời tôi được ôm con trong vòng tay. Nhìn vợ tôi xơ xác, nhìn Lục Bình ốm tong teo vì thiếu dinh dưỡng, lòng tôi đau như cắt, mặc dù hình hài tôi cũng chẳng ra gì sau hai năm bị cưỡng bức lao động khổ sai, bất kể nắng mưa cùng những cơn đói.

Trong trại tù, mỗi đêm trước khi chìm vào giấc ngủ, tôi thường thầm thì là ráng đợi ba về, nhưng con tôi đã không. Đó là ngày mồng 10 tết 1979. Hai năm sau, năm 1981 tôi mới được thả và ra ngồi trước mộ con mình. Cảnh chiều làng quê Đại Chí âm u với vài chiếc lá rụng. Tôi ngồi một mình với chiếc áo tù nhân và tôi khóc.

RA NGỒI TRƯỚC MỘ

Đại Chí chiều nay ba trở lại
Cắm nén nhang này trước mộ con
Cảnh cũ giờ đây sau mòn mỏi
lòng ba đau tựa nhát gươm cùn

chiều lên mờ khói nhạt
hoàng hôn ngậm cỏ sầu
não nùng con dế khóc
chim lạc cánh về đâu

Lá lìa cành run rẩy
Đảo giữa trời co ro
Nghe dường như con gọi
tiếng não nề ba ơi

Ba nhớ làm sao bóng dáng con
Thiếu tình ba thuở lọt lòng son
Hạnh phúc đâu theo người chiến bại
Con chết ba đang bị gông cùm

Ba nhớ làm sao đôi mắt con
Sáng như sao sáng giữa trời đêm
Sáng rọi đường ba hằng mơ ước
Một nhát gươm vung chặt xích xiềng

Ba chẳng hẹn về con vẫn đợi
Bao năm rồi suốt quãng đời thơ
Đâu biết đi là không trở lại
Là xa cách mãi đến nghìn thu

Mẹ nói con thường ra trước sân
Nẻo vắng đường xa dõi mắt trông
Lắng tiếng xe ai ngừng trước ngõ
Có phải ba về với con không

Ngục tối từng đêm ba nguyện cầu
Quì xin thượng đế rất nhiệm mầu
Xiềng xích phá tan ba trở lại
cho đời con trẻ bớt sầu đau

Trở lại thôn xưa chiều nhạt nắng
Đói khổ lan tràn khắp lối đi
Cổng trước cài then nhà sau vắng
Mộ đã xanh màu cỏ biệt ly

Cỏ đã xanh um màu thương nhớ
Bóng hình con trẻ biết tìm đâu
Ba với tình con nay đã lỡ
Đành hẹn tao phùng ở kiếp sau

Con hỡi từ đây đành vĩnh biệt
Thơ làm rướm máu nhói lòng đau
Tháng Tư khúc đoạn trường | Tiếng Dân

No comments:

Post a Comment