Friday, April 12, 2024

Nhà con một

Tôi nằm chèo queo trên giường bệnh vừa buồn chán vừa tủi thân, ngay lúc này tôi cần gì cũng chẳng có ai đỡ đần, gọi y tá không phải tức khắc họ có mặt ngay, mà cứ động một chút lại gọi cũng phiền, y tá bận chăm sóc nhiều bệnh nhân, hết phòng này đến phòng kia chứ có phải một mình tôi đâu.

Tôi nghĩ đến Ngọc Ngà người yêu của Ðan con trai tôi, Ðan đã hai lần vào cuối tuần đưa bạn gái đến bệnh viện thăm mẹ, cô gái hiền dịu có ăn học và công việc làm tốt đã chiếm cảm tình của tôi.

Hai đứa yêu nhau từ lúc nào mà tới bây giờ Ðan mới cho tôi biết.

Tôi bỗng ao ước giá Ngọc Ngà là con dâu thì gia đình tôi có thêm người, tôi không phải cô đơn như lúc này.

Trưa nay một người bạn đã vào thăm tôi, chị Hảo chuyện trò khá lâu an ủi tôi phần nào. Năm ngoái chị Hảo cũng vào nằm bệnh viện này vì mổ ruột thừa, chị nằm mấy ngày mà chồng con rộn rịp ra vào thăm nom, ba đứa con thay phiên nhau ngủ lại để chăm mẹ.

Còn tôi nhà con một, chồng tôi đã qua đời hai năm nay, chuyện lớn chuyện nhỏ gì cũng là Ðan, con tôi làm sao lo cho xuể.

Mỗi chiều đi làm về Ðan hối hả chạy thẳng đến bệnh viện thăm tôi cho kịp giờ thăm rồi mới về nhà nấu cơm. Chiều qua đi làm ra, Ðan căng thẳng mệt mỏi vì việc sở, vì kẹt đường trên highway nên không còn sức vào thăm mẹ, về nhà nghỉ ngơi rồi ngủ thiếp đi.

Thương con tôi tự trách mình vô ý té ngã gãy chân phải vào bệnh viện thành kẻ vô tích sự làm phiền làm khổ lây cho con. Tôi nằm bệnh viện hai tuần Ðan đã sa sút hẳn ra.

Trưa nay tâm sự với người bạn gần là chị Hảo rồi, lát nữa tôi sẽ bấm cell phone cho chị Tuyết người bạn ở xa để tâm sự tiếp cho vơi nỗi buồn.

Ngày xưa tôi luôn tự hào mình đã nghĩ đúng làm đúng khi chủ trương chỉ đẻ một đứa con. Cha mẹ sẽ có thể chăm sóc dạy dỗ con đầy đủ cả tinh thần lẫn vật chất, nhà nghèo một con cũng đỡ vất vả hơn nhà nghèo đông con, nhà giàu một con càng sung sướng cho nó hơn, bao nhiêu tài sản của cha mẹ nó hưởng trọn.

Chị Tuyết là bạn thân cùng xóm với tôi thì ngược lại thích đẻ nhiều con cho vui cửa vui nhà và sau này tha hồ nương tựa con cái. Tuyết cẩn thận… trừ hao, con có đứa ngoan đứa hư, đứa này không hợp mình thì còn đứa kia, đứa nào chẳng may mất sớm thì vẫn còn những đứa khác.

Tôi biết thế và cũng đã từng thấy bác Hưng trong xóm có 2 con, một đứa đi tắm sông chết đuối ở tuổi vị thành niên, thằng còn lại vợ chồng bác cưng quý như vàng ngọc, cho nó ăn học mong mai sau thành ông này ông nọ nhưng nó hư hỏng ăn chơi xì ke ma túy và chết vì ma túy. Tôi tin đó là phần số mỗi gia đình, nhà hai con, nhiều con hay chỉ một con cũng có may rủi, khổ đau và hạnh phúc.

Thiếu gì nhà con một mà thành con đàn cháu đống vinh hoa phú quý.

Tuyết vẫn là đề tài cho tôi phê phán mỗi khi thấy bạn vất vả nuôi con.

Sau 1975 chồng đi tù “cải tạo” về, vợ chồng chị Tuyết lếch thếch với đàn con 5 đứa đi kinh tế mới Long Khánh. Hôm tiễn Tuyết tôi vừa tội nghiệp vừa mỉa mai trách bạn:

– Giá ngày ấy mày nghe lời tao đẻ một con thì vẫn ở thành phố cầm cự được. Thôi, hai vợ chồng cố cuốc đất trồng khoai nuôi đàn con nhé.

Còn tôi, cũng chồng đi “tù cải tạo” về, vợ chồng tôi bươn chải đủ sống nuôi con chẳng phải bán nhà đi kinh tế mới với đàn con nheo nhóc như Tuyết.

Vài năm sau vợ chồng Tuyết lên thành phố làm giấy tờ đi xuất cảnh diện HO tôi gặp lại toàn bộ gia đình họ. Hai vợ chồng vẻ khắc khổ lam lũ với 5 đứa con và đứa nhỏ nhất còn bế trên tay, vậy là về vùng kinh tế mới vợ chồng Tuyết vẫn… chưa chừa, đẻ thêm đứa nữa tổng số là 6 đứa con, chúng vừa quê mùa vừa nhút nhát lại làm tôi mủi lòng tội nghiệp lần nữa.

Gia đình tôi sang Mỹ diện HO sống tại tiểu bang Kansas cùng với thân nhân, cuộc sống hai vợ chồng với 1 đứa con bao giờ cũng nhẹ gánh lo và thanh thản. Con trai tôi ngoan ngoãn học giỏi tốt nghiệp kỹ sư làm hãng Boeing vợ chồng tôi thật vui mừng mãn nguyện.

Tôi từng khuyên Ðan sau này lập gia đình đẻ một con thôi, sẽ có thì giờ và tiền bạc chăm lo cho con nên người.

Gia đình Tuyết ở Ohio theo người bảo trợ. Thỉnh thoảng chúng tôi liên lạc nhau qua điện thoại, thư từ.

Ngày nay nhìn cảnh gia đình Tuyết tôi… phát thèm. Vợ chồng Tuyết có một đàn con, đâu vào đấy cả.

Vợ chồng thằng con trai lớn không được đi Mỹ cùng cha mẹ, nay làm ăn thành đạt nhờ cha mẹ gởi tiền về giúp vốn, làm chủ một tiệm sửa xe và bán xe gắn máy ở Long Khánh.

Ở Mỹ 3 đứa con học hành xong và đi làm, còn 2 cô con gái lớn đều khá giả nhờ nghề nails, một đứa làm nails ở Texas, một đứa chủ tiệm nails ở Florida.

Thỉnh thoảng vợ chồng Tuyết về Việt Nam chơi và thăm con trai lớn, nàng hãnh diện sung sướng không ngờ có ngày thằng con mình nghèo khổ từ trong ruộng rẫy Long Khánh tiến ra mặt phố làm ông chủ tiệm bán buôn lớn. Con dâu biết điều, biết công ơn cha mẹ chồng, khi cha mẹ từ Mỹ về, Tuyết thích gì, thèm ăn gì con dâu đều chiều chuộng hết lòng hết dạ..

Ở Mỹ vợ chồng Tuyết khi thì đi thăm con trai khi đi thăm con gái, mỗi nơi chốn con sinh sống là mỗi chuyến du lịch tuyệt vời. Tới mùa cây trái con gái ở Florida gởi thùng nọ thùng kia trái cây vườn nhà nhãn, mãng cầu tươi ngon biếu cha mẹ.

Hiện nay vợ chồng Tuyết ở chung với thằng út kỹ sư còn độc thân. Tôi đã nhận ra ngày xưa Tuyết suy nghĩ đơn giản và thực tế khi đẻ nhiều con thế mà hay và chí lý ít ra cho chính gia đình Tuyết. Thuở con tôi lên ba lên bốn bé Ðan đã từng vòi vĩnh:

– Mẹ đẻ em bé đi, con muốn có em để chơi với nó.

Tôi chỉ đống đồ chơi và khoe:
– Mẹ mua cho con cả đống đồ chơi xịn nè. Mai mốt mẹ mua thêm nữa.

Con lắc đầu phụng phịu:
– Ðồ chơi không biết nghe và không biết nói. Con muốn nói chuyện với em cơ.

Tôi phải đe dọa:
– Có em, nó sẽ giành đồ chơi, giành đồ ăn của con, nó sẽ cãi nhau với con, nó sẽ đánh nhau với con…

Bây giờ nghĩ lại thằng con tôi mới đáng tội nghiệp chứ không phải lũ con đông nhếch nhác của Tuyết, chúng có anh chị em vui vầy với nhau, còn con tôi, cả thời tuổi thơ thui thủi một mình với đống đồ chơi không cảm giác, không biết nói cười và nỗi cô độc ấy theo nó tới khi lớn lên, mọi thứ bổn phận trách nhiệm với cha mẹ lúc bình an cũng như khi hoạn nạn cũng chỉ một mình con tôi.

Có anh chị em khi sa cơ hay lúc hạnh phúc vơi đầy chúng sẽ bênh vực nhau, nhờ cậy, giúp đỡ nhau, chia sẻ buồn vui cho nhau chứ người dưng nào sánh bằng.

-oOo-

Chiều nay đi làm về Ðan vào thăm tôi, nó chưa kịp hỏi han mẹ thì tôi đã hỏi con trước:

– Con và người yêu định khi nào kết hôn?

Ðan ngạc nhiên:
– Mẹ đang nằm bệnh viện mà hỏi chuyện hôn nhân của con làm gì?

– Mẹ muốn sau khi mẹ khỏi bệnh chúng con kết hôn. Nhé?

Và tôi dệt ước mơ những điều lại rất thực tế:
– Con lấy vợ và đẻ nhiều con, cho mẹ thật nhiều cháu nội nhé?

Ðan vui vẻ kể:
– Ngọc Ngà có mấy anh chị em, vui lắm mẹ. Mỗi lần đến nhà nàng con cảm thấy ấm áp tình thân từ họ, những điều mà trong đời con chưa từng có. Cô ấy và con cũng muốn sau này sẽ có vài đứa con. Nhưng mẹ từng dặn dò con là lấy vợ chỉ đẻ một đứa thôi mà.

– Mẹ sai rồi, càng ngày mẹ càng biết mình sai nhất là mấy tuần nằm bệnh viện làm con bận rộn trăm bề. Mẹ để gia tài cho con bao nhiêu cũng chẳng đáng giá bằng cho con tình thân ruột thịt anh chị em.

Ðan khoe:
– Cuối tuần này Ngọc Ngà lại muốn vào thăm mẹ nữa đó.

Tôi mỉm cười vui mừng:
– Mẹ ấm lòng quá, mẹ đang tưởng tượng nhà mình có 2 người sẽ thành 3 và tương lai thêm một đàn cháu nội. Nhất định mẹ sẽ khỏi bệnh sớm để lo đám cưới cho con và cũng nhất định mẹ sẽ khỏe mạnh sống lâu để vui hưởng hạnh phúc bên con cháu..

Nguyễn Thị Thanh Dương ( Tác giả )

Đính kèm là Lady Nguyễn Thị Thanh Dương hiện ở thành phố Dallas ,Texas, USA bay qua Utah thăm con, chụp hình trong vườn hoa: Red Butte Garden Utah: May 25, 2023



No comments:

Post a Comment