Sunday, March 17, 2024

Nha Trang mưa trắng đất trời

Đã mấy chục năm tôi mới về lại nơi chôn nhau cắt rún. Tôi về, thành phố đón tôi với buổi sáng mây mù ảm đạm, buổi chiều mưa bay bay nhè nhẹ, rồi hai ngày liền mưa xối xả. Mưa, rồi ngưng, rồi mưa. Mưa mạnh và gió giật liên hồi.

Tôi về, lai láng mưa tuôn
Nha Trang ướt sũng, Lương Sơn u sầu
Tháp Bà, cây đứng rụt đầu
Tiếng xe đạp cũ, từ đâu vọng về

Xe đưa chúng tôi từ phi trường Cam Ranh vào thành phố. Đi ngang qua bãi biển ngày xưa, bao lần đạp mòn bánh xe, cái thuở Nha Trang hơn 95% người dân lấy xe đạp làm phương tiện di chuyển chính. Đó cũng là cái thuở hàng quán không nhiều, mở chỉ hai buổi sáng, chiều. Chúng tôi vào ngồi ở quán Bốn Mùa. Những hàng dương giờ lạ quá. Những hàng dừa cũng không còn thân quen. Nhìn ra biển, mây giăng xám xịt. Xong ly cà phê cho đỡ nhớ quê hương, chúng tôi chạy ngang qua những phố phường, trước khi về nhà. Xe qua ngã sáu, qua ty thông tin, qua lầu 7, khu building cao nhất Nha trang thuở ấy. Tôi vẫn nhận ra, dù lầu 7 bây giờ đã “lùn” theo năm tháng. Quán chè của tuổi mới lớn của tôi ở ngang Phương Câu không còn nữa. Con đường Sinh Trung như nhỏ hẳn đi. Khu Mã Vòng xe cộ tấp nập. Cầu Hà Ra vẫn như ngày cũ, cầu Xóm Bóng nghe nói mới mở lại mấy tuần trước sau một thời gian dài xây dựng. Khu Chợ Đầm vẫn cái mùi khai ngấy. Những sạp hàng ngày xưa không còn nữa, nhất là những sạp bán các phụ tùng xe đạp, xe gắn máy. Cái chợ Tròn ngày càng xuống cấp dần theo năm tháng.

Chợ Đầm lạ hoắc lạ huơ
Bên kia cầu Bóng, có chờ ai qua?
Xuống Cửa Bé, tiếng rao xa
Nghe mưa gõ xuống Hà Ra, Mã Vòng.

Xe chúng tôi đi ngang khu vực Hòn Chồng. Trái núi này bị xẻ ngang, để làm con đường chạy từ thành phố ra khu bãi Dương, rồi tới tận Lương Sơn. Hòn Chồng đã khác hẳn cái thời trung học của tôi. Cái thời leo từng hòn đá, nhảy ra tới Hòn đá chồng cao và tít tắp ngoài xa. Bây giờ, người ta tận dụng từng vuông đất mở quán cà phê, làm du lịch để kiếm tiền. Bãi Dương không còn là môt bãi biển chạy dài, hoang sơ và thơ mộng như ngày xưa. Con đường biển đã làm bãi cát tắm như hẹp lại. Những hàng dương xanh đã bị đốn, thay vào đó là bê tông, nhà hàng, khách sạn, quán ăn lớn nhỏ san sát nhau. Thành phố phát triển, nhưng bạn bè tôi bảo rằng chỉ có những ông chủ từ Sài Gòn ra, hoặc từ Hà Nội vào, vác từng bao bố tiền mua những miếng đất ấy, làm chủ những nhà hàng, những khách sạn ven biển. Những ngày sau, tiếp xúc với bạn bè từng sanh ra và lớn lên ở đây, bao đứa vẫn vất vả còng lưng kiếm cơm mỗi ngày. Ai giàu, mặc. Tụi nó có đứa vẫn phải chạy Grab, taxi kiếm sống.

Ghé qua hang động Hòn Chồng
Núi non xưa, giờ bê tông tứ bề
Trắng trời, gió giật mịt mù
Hotel cao ngất, lưng gù … bạn tôi

Những ngày sau, tôi đi lên Thành. Cái phố này … kỳ cục. Cái tên chỉ có một chữ duy nhất: THÀNH. Tuy vậy, Thành lại chứa đựng dấu tích của một thời. Thành Diên Khánh chứng kiến bao trận thư hùng nảy lửa của quân lính hai bên: Gia Long và Quang Trung. Bây giờ, chứng tích còn lại là hai cửa thành Đông, Tây (đã trùng tu) mà tôi đi qua trong một ngày mưa gió. Đứng chụp tấm hình, mưa xiên xiên cổng thành, làm cho dấu hiệu xanh đỏ của đèn đường cũng bị nhòe đi. Cửa thành hẹp lép, chỉ một chiếc xe qua. Xa xa phía đông, về hướng Nha Trang là cây Dầu Đôi nổi tiếng. Cây cổ thụ này đã chứng kiến bao cảnh nổi trôi của vận nước, không xa nơi này là miếu thờ Trịnh Phong, một trong ba vị anh hùng tam kiệt của đất Khánh Hòa trong thời cần Vương kháng Pháp. Tôi đã viết một truyện ngắn về cây dầu đôi này – “Bí mật nơi cây dầu đôi”, nếu bạn thích, có thể tìm đọc. Ngoài ra, Diên Khánh còn có một địa danh nổi tiếng khác, nơi nhà yêu nước Trần Quý Cáp đã bị chém ngang lưng. Ngày nay, hỏi thử các em tiểu học và ngay cả trung học, chẳng mấy em biết ông là ai. Buồn!

Run giữa mưa, cây Dầu đôi
Bờ thành Diên Khánh một thời liệt oanh
Cầu Ông Cạn nối tử sinh
Đâu Trần Quý Cáp quên mình vì dân?

Hạnh phúc là trong những ngày ở Nha Trang tôi đã gặp được những người bạn học cũ, có người đã hơn 40 năm chưa gặp lại. Hẹn gặp cả lớp tại một quán cà phê cũng của một người bạn học từ năm lớp sáu. Đứa nào cũng bạc đầu, tóc tai bay đi đâu mất. Có đứa tôi không nhận ra, cả nam lẫn nữ. Đứa rụng răng mấy cái, đứa bị stroke đi lạng quạng, có cô bạn đi lên cầu thang không nổi, ông chồng phải dìu từng bước, từng bước đi lên cầu thang. Thời gian không chừa một ai. Có đứa bảo: nếu gặp tôi lang thang ngoài đường chắc cũng không nhận ra. Vậy mà, vài phút sau cười vang rạng rỡ, rồi: tao – mày thân tình, kể lại chuyện hơn 40 năm trước.

Hạnh phúc là được đi cùng bạn bè gặp lại các thầy chủ nhiệm cũ nhân ngày nhà giáo 20 tháng 11. Các Thầy còn nhớ đứa học trò cưng năm xưa. Tóc thầy đã bạc, đã rụng nhưng nụ cười và tấm lòng vẫn như thuở ấy, cái thuở Thầy không chỉ dạy kiến thức phổ thông mà còn dạy cách cư xử làm người. Vâng, làm một người tử tế trong xã hội.

Hạnh phúc nhất là gặp lại những người thân trong gia đình, những đứa em, đứa cháu. Đứa nào cũng muốn dành sự chăm sóc đặc biệt cho mình. Trái cây cứ mua ê hề: mãng cầu dai, vú sữa, bắp luộc, nhãn, sa-pô-chê, v.v. Những món ăn hải sản các cháu đãi, cứ ăn hoài cũng ngán. Bún cá, nem Ninh Hòa, bánh xèo, bánh căn, gỏi cá, v.v. cứ thay đổi mỗi ngày. Hạnh phúc là ở những tấm lòng như thế. Hạnh phúc là thấy thế hệ kế tiếp đứa cháu nào cũng học giỏi, và quan trọng hơn là biết thương yêu nhau. Có mấy ngày bên nhau, lúc đi quyến luyến.

Tôi qua bên Hòn Hèo. Nơi này giờ đây cũng toàn những khu nghỉ dưỡng, bê tông cốt sắt đã lấn đất rừng nguyên sinh, dù những khu nghỉ dưỡng này đã cố gắng tối đa để giảm thiểu sự xâm lấn ấy.

Nói chung, chỗ nào có đất có thể làm du lịch là chỗ đó đã bê tông hóa. Chỗ nào có đất là dân địa phương dường như phải bán lại cho các đại gia đâu đó bên ngoài Nha Trang. Họ phải dọn đến những nơi khác. Sân bay Nha Trang cũ đã phân lô từ lâu, những building cao ngất đang xây dựng (có cái đã xây gần xong nhưng bị dừng lại). Tôi nghe phong thanh rằng: đất sân bay cũ ấy người dân không được hưởng lợi một centimet nào. Đất nước phát triển ở bề mặt, tuy vậy những người dân địa phương, mà điển hình hơn 90% trong số bạn học từ thời cấp 2, cấp 3 mà tôi hân hạnh được gặp lại, còn nặng gánh âu lo với cuộc sống, theo vòng qua cơm áo gạo tiền. Đứa nào cũng mơ có ngày được làm 1 chuyến đi du lịch nước ngoài, nhưng quả là khó. Tuy vậy, cũng có vài đứa bạn “lớn dậy” từ bất động sản, và vài đứa sống khỏe bằng con đường quan chức ….

Mấy ngày ở Nha trang, đi đâu cũng nghe nói hiện tại chính quyền đánh “tham nhũng” ghê lắm. Các vị Vinh-Quang-Chiến-Thắng gì đấy, những vị cựu lãnh đạo của Khánh Hòa đang đi vào tù, có kẻ tới 18 năm. Từ những tin tức đó, với những gì tôi thấy rằng: phát triển: tốt. Nhà cửa ở mặt ngoài khang trang hơn: tốt. Nhưng quả là “rằng hay thì thật là hay / nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào”. Tại sao? Bất cứ quốc gia nào cũng vậy: trong chiến lược phát triển, sự bảo tồn là yếu tố quan trọng. Bảo tồn được rừng, bảo vệ được nguồn nước, giữ sạch sông ngòi, làm chủ và xử lý được vấn đề xả thải hóa chất ra sông, ra biển, đặt quyền lợi của người dân lên hàng đầu, v.v. là những điểm trọng tâm, và cần làm để những thế hệ sau còn đường mà tiếp bước. Tôi không/chưa thấy được điều ấy. Những người kể lại cho tôi biết, dù họ sống ở đây nhiều chục năm rồi, cũng không nhìn thấy những gì cụ thể, rõ ràng. Đi một vòng thành phố: ngọn núi này bị xẻ ngang xẻ dọc; con sông kia bị lấn chiếm không thương tiếc, những miếng đất công lần lượt vào tay các nhà tài phiệt. Khi các cựu quan chức hàng đầu tỉnh Khánh Hòa (Vinh-Quang-Chiến-Thắng) đang lần lượt ra tòa rồi vào tù, vì chỉ nghĩ đến túi tiền không đáy của mình, lãnh những bản án 10 tới 20 năm, thì ai là người vác trên vai trách nhiệm bảo tồn những di tích, bảo vệ môi trường, bảo đảm chất thải độc hại không xả thẳng xuống sông xuống biển, bảo đảm đất đai (là sở hữu toàn dân) không rơi vào hoặc không tiếp tay cho những kẻ bất lương?

Tôi rời cố quận giữa mưa
Hồn tôi giấy trắng, bây giờ lấm lem.

11/2023
Đoàn Nhã Văn


No comments:

Post a Comment