Friday, March 8, 2024

NGUYÊN SA: THI CA VỚI TÌNH YÊU VĨNH CỬU

Tôi đã đến với Paris rất nhiều lần. Song lần nào cũng cho tôi cảm giác như lần đầu vậy. Và chưa thu sang, vậy mà hình ảnh Paris với những con đường lá đổ của những Cung Trầm Tưởng, Hoàng Anh Tuấn, Nguyên Sa vẫn chợt hiện về trong tôi. Bởi, có lẽ ba ông thi sĩ cùng năm sinh (1932 tại Hà Nội), du học cùng thời, đều có những bài thơ hay viết về Paris, đánh đúng vào tâm trạng con người chăng?

Có thể nói, Cung Trầm Tưởng, Hoàng Anh Tuấn, Nguyên Sa là những viên gạch đầu đặt nền móng cho Văn học Việt ngay từ thập niên 50 của thế kỷ trước. Và tập thơ mang tên: Hy Vọng của Nguyên Sa ra đời vào năm 1954 tại Paris chứng minh thêm cho nhận định này, khi ta đi sâu vào nghiên cứu Văn học Việt nơi hải ngoại.

Các tác giả thời kỳ này chịu ảnh hưởng sâu sắc thi pháp chủ nghĩa lãng mạn Pháp. Tuy nhiên, sau đó Nguyên Sa đã đảo bút theo chiều hướng khác, nhằm tạo ra con đường mới cho thi ca. Song dường như, Nguyên Sa đã không thành công. Do vậy, ta thấy những bài thơ hay của ông vẫn đều thuộc về chất lãng mạn, hồn vía vần điệu thơ (các cụ) tiền chiến cả. Thơ Nguyên Sa giản dị, dễ hiểu không kén người đọc. Và đặc biệt tài năng đơn giản hóa từ ngữ, hình ảnh ẩn dụ trong biện pháp tu từ so sánh, đi vào tâm lý mọi tầng lớp người đọc một cách tự nhiên, nhất là giới học sinh, sinh viên: 

Không có anh lấy ai đưa em đi học về/ Lấy ai viết thư cho em mang vào lớp học/ Ai lau mắt cho em ngồi khóc/ Ai đưa em đi chơi trong chiều mưa/ (…) Không có anh nhỡ một mai em khóc/ Ánh thu buồn trong mắt sẽ hao đi“ (Cần Thiết)

Tuy đến với thi ca muộn hơn Cung Trầm Tưởng, và Hoàng Anh Tuấn, song cả cuộc đời Nguyên Sa lăn lộn, dành trọn vẹn cho nó. Cho nên đọc Nguyên Sa, ta có thể thấy, tình yêu con người và thi ca, cùng với tư tưởng ban đầu xuyên suốt sự nghiệp sáng tạo của ông. Thật vậy, Nguyên Sa đưa thi ca, tình yêu trở về đúng vị trí trong môi trường, cuộc sống vĩnh cửu này: 

Tôi phải xin thưa: bị lừa gạt đã nhiều/ Nên nguyện suốt đời thật dạ thương yêu/ Nên nguyện suốt đời vĩnh viễn làm thơ/ Cho những người con gái lấy chồng/ Mang theo làm vốn liếng“ (Tâm sự)

Nguyên Sa viết nhiều, hơn hai chục tác phẩm đủ thể loại, từ thi ca, văn xuôi tiểu thuyết, lý luận phê bình, cho tới tâm lý học cùng với cái tên cúng cơm: Trần Bích Lan. Ở thể loại nào, Nguyên Sa Trần Bích Lan cũng thành công, mang lại nhiều cảm xúc sâu sắc cho người học, và đọc. Với tôi, ông không chỉ là nhà giáo, nhà thơ, nhà văn, nhà báo mà còn là một nhà văn hóa.

*Luồng sinh khí mới thổi vào hồn thi ca.
Không chỉ là viên gạch lót đường cho Văn học Việt hải ngoại sau này, Nguyên Sa còn cùng Hoàng Anh Tuấn, Trịnh Viết Thành, Cung Trầm Tưởng, Đỗ Long Vân, Nguyễn Xuân Vinh… đưa một luồng sinh khí mới về với Văn học miền Nam, ngay sau khi đất nước bị chia cắt. Hy vọng là tập thơ đầu, nhưng dường như người đọc biết đến Nguyên Sa, chỉ từ khi Thơ Nguyên Sa tập 1 (1958) được in ấn phát hành. Và có lẽ, đây cũng tập thơ trữ tình hay nhất của ông.

Viết bằng cảm xúc bất chợt, do đó Nguyên Sa không câu nệ, hoặc bỏ qua niêm luật, vần điệu để giữ nguyên cảm xúc ban đầu ấy. Do vậy, không cứ lần đầu, hay những lần sau… từ ngữ, hình ảnh lạ và độc đáo của Nguyên Sa luôn cho tôi cảm xúc khác nhau. Tiễn Biệt được Nguyên Sa viết vào khoảng năm 1953 (1954?) là một bài thơ như vậy. Mỗi câu thơ như một câu hỏi tu từ (không lời giải đáp) bâng khuâng, mềm mại, song xoáy sâu vào nỗi buồn trống vắng trong lòng người. Và với lời thơ tự sự ấy, Tiễn Biệt đã được Song Ngọc phổ thành ca khúc Tiễn Đưa làm rung động bao thế hệ qua: 

Người về đêm nay hay đêm mai/ Người sắp đi chưa hay đi rồi/ Muôn vị hành tinh rung nhè nhẹ/ Hay ly rượu tàn run trên môi/… Sao người không là một cung đàn/ Cho lòng tôi mềm trong tiếng than/ Khi trăng chảy lạnh từng chân tóc/ Khi gió se trùng muôn không gian”.

Về nơi quê nhà, mà dường như hồn vía Nguyên Sa vẫn để ở đâu đó Paris. Và: “Paris có gì lạ không em?“ câu hỏi chỉ là cái cớ để thi nhân giãi bày tâm trạng của mình mà thôi. Có thể nói, Paris có gì lạ không em, là một bài thơ có từ ngữ, với hình ảnh rất đẹp. Và nó là một trong những bài thơ điển hình về tài năng nghệ thuật sử dụng hình ảnh so sánh mới lạ, độc đáo (mong manh dễ vỡ) của Nguyên Sa: 

Paris có gì lạ không em?/ Mai anh về giữa bến sông Seine/ Anh về giữa một dòng sông trắng/ Là áo sương mù hay áo em?/ Anh sẽ thở trong hơi sương khuya/ Mỗi lần tan một chút suơng sa/ Bao giờ sáng một trời sao sáng/ Là mắt em nhìn trong gió đưa“. 

Hỏi, song thực ra đã là câu trả lời đối với thi nhân. Mắt hay em, một hình ảnh hoán dụ cho nhau, gợi lên niềm tin ấy trong lòng người thi sĩ: 

Paris có gì lạ không em?/ Mai anh về mắt vẫn lánh đen“. 

Có thể nói, nghệ thuật hoán dụ cũng là một trong những đặc điểm làm cho lời thơ Nguyên Sa đậm nét gợi hình, gợi cảm đến gần hơn với âm nhạc. Ở đây, nhà thơ đã mượn hình ảnh hương cốm (được bọc bởi) lá sen để bộc lộ tâm trạng của mình. Một khổ kết, mang mang hồn vía ca dao như trộn vào những câu thơ thất ngôn thật hay của Nguyên Sa vậy: 

Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm/ Chả biết tay ai làm lá sen?”.

Do vậy, ta có thể thấy, Mùa thu Paris của Cung Trầm Tưởng, Paris có gì lạ không em của Nguyên Sa đã được Phạm Duy, và Ngô Thụy Miên phổ nhạc, là hai ca khúc trữ tình, cùng điệu Valse hay nhất về Paris của âm nhạc Việt.

Ở nơi đất Việt, nhớ Paris hay nhớ đến em đã cho Nguyên Sa cảm hứng viết: Tôi sẽ sang thăm em. Một bài thơ viết bằng cảm xúc tự nhiên, với những câu thơ dài ngắn. Đây là bài thơ tiêu biểu về sự “bất qui tắc“ nhẹ niêm luật, với bố cục lỏng lẻo, cùng những hình ảnh, câu từ mới lạ của Nguyên Sa. Và nếu bóc tách ra, đây chỉ là những câu khẩu ngữ thường nhật, có phần so le, lởm khởm, phi logic. Vậy mà ghép tổng thể, bài thơ (và con người) chợt bùng cháy lên cái khao khát mãnh liệt của tình yêu: 

Tôi sẽ sang thăm em/ Để những mớ tóc mầu củi chưa đun/ Mầu gỗ chưa ai ghép làm thuyền/ Lùa vào nhau nhóm lửa/ Tôi sẽ sang thăm em/ Để tình yêu đừng chua cay/ Để tình yêu là sóng/ Một dòng sông gặp gỡ dòng sông“.

Và rồi Nguyên Sa cũng quay trở lại Paris để cùng người yêu nhóm lên ngọn lửa tình vĩnh cửu đó. Bài thơ Nga ra đời trong hoàn cảnh tâm trạng như vậy của Nguyên Sa vào khoảng năm 1954. Khi đọc Nga, có một số nhà văn, nhà phê bình cho rằng, Nguyên Sa đã thay đổi quan niệm về cái đẹp, với giá trị thẩm mỹ hoàn toàn khác: 

Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm/ Như con mèo ngái ngủ trên tay anh/ Ðôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình/ Ðể anh giận sao chả là nước biển!“. 

Vâng, có lẽ tôi không nghĩ như vậy. Bởi, bài thơ Nga được viết khi Nguyên Sa và Nga (người yêu) đang sống ngay tại Paris. Mà ở đó, chó mèo còn được âu yếm, quí mến hơn cả con người. Cái văn hóa này đã nhập vào Nguyên Sa và Nga rất sâu đậm. Do vậy, sự so sánh này của Nguyên Sa ở trời Âu là điều rất bình thường. Với tôi, đây chỉ là sự ví von ngộ nghĩnh, trong một bài thơ kể lể, với những từ ngữ, hình ảnh được lặp lại quá nhiều lần nhàm nhạt, chứ không có sự thay đổi quan niệm về cái đẹp, với giá trị thẩm mỹ, thẩm mẽo gì ở đây. Nói dại (vui), vào năm 1954 ở Việt Nam, thời các bà còn mặc quần cẳng què (chân quẻ) bác nào làm thơ ví vợ, hay người tình như con chó ốm, mèo hen (mà chó ốm nào mắt đầy gỉ nhé) bảo đảm, kiểu gì cũng bị guốc của các bà ghè cho không sứt đầu cũng mẻ trán…

Và một lần nữa, Nguyên Sa trở về đất Việt. Nắng Saigon làm cho ông nhớ đến cái dịu dàng đất Bắc. Nơi ông đã sinh ra và lớn lên. Từ cảm xúc bất chợt ấy, để Nguyên Sa viết nên Áo Lụa Hà Đông. Một bài thơ được nhiều người biết và yêu thích, có sức sống lâu dài. Có thể nói, Áo Lụa Hà Đông có hình ảnh so sánh, cùng sự liên tưởng rất mới lạ, độc đáo: 

Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/ Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông/ Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng/ Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng/ Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn/ Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh/ Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung/ Bày vội vã vào trong hồn mở cửa”. 

Với tôi, Áo Lụa Hà Đông hay, song không thuộc nhóm những bài thơ hay nhất của Nguyên Sa. Tuy nhiên, Áo Lụa Hà Đông giàu nhạc tính, và hình ảnh lời thơ đẹp, đã trở thành ca khúc hàng đầu của âm nhạc Việt, dưới bàn tay tài hoa của Ngô Thụy Miên.

Thời kỳ này, say mê với nghề gõ đầu trẻ, do vậy thơ Nguyên Sa đi sâu vào giới học sinh, sinh viên. Màu áo sân trường với những từ ngữ, câu thơ giản dị, nhí nhảnh và sinh động, Nguyên Sa đánh đúng vào (tâm lý) lứa tuổi đang thay đổi tình cảm, tâm sinh lý. Và Tuổi Mười Ba là bài thơ tiêu biểu về giai đoạn này của Nguyên Sa. Đây cũng chưa hẳn là bài thơ hay nhất của Nguyên Sa, song nó đã được Ngô Thụy Miên phổ thành ca khúc cùng tên thật tuyệt vời: 

Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc/ Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường/ Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương/ Tôi thay mực cho vừa màu áo tím“.

Cho nên, đọc Nguyên Sa cho tôi thấy một điều: một bài thơ không hay, vẫn có thể trở thành ca khúc rất tuyệt vời. Và bài thơ rất hay, nhưng chưa chắc sẽ trở thành một nhạc phẩm hay.

Nguyên Sa có rất ít bài thơ dở, hoặc quá dở. Song thật đáng tiếc, đôi khi những bài thơ, hoặc khổ thơ rất hay, lạc vào đó một câu thơ dở. “Nói chuyện với Phạm Công Thiện” là một bài thơ như vậy. Hình ảnh, với tính triết lý sâu sắc, nhưng được kết bằng một câu thơ mang tính khẩu ngữ: “Có cũng xong, mà không cũng xong.” đã làm hỏng cả một đoạn thơ. Để ta tiếc cho cả một bài thơ thơ hay. Đành rằng, thơ đôi khi phải có những câu nói, tuy nhiên, không phải câu khẩu ngữ nào cũng có thể đưa vào trong thơ: 

Ta muốn cùng người một tối nay/ Đầu sông uống rượu cuối sông say/ Người trên sườn núi, ta từ biển/ Từ giấc mơ nào đã tới đây? (…) Thơ như hữu thể mà vô thể/ Có cũng xong, mà không cũng xong.”

Và Tháng Sáu Trời Mưa cũng vậy. Một bài thơ trữ tình, giàu nhạc tính rất quen thuộc với người đọc của Nguyên Sa. Do đó, nó đã được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, và Hoàng Thanh Tâm phổ thành những bản nhạc cùng tên. Bài thơ có những câu rất nhẹ nhàng và gợi cảm: 

Hãy biến cuộc đời thành những tối tân hôn/ Nếu em sợ thời gian dài vô tận/ Da em trắng anh chẳng cần ánh sáng/ Tóc em mềm anh chẳng thiết mùa xuân/ Trên cuộc đời sẽ chẳng có giai nhân”. 

Tuy nhiên, câu kết của khổ thơ hơi bị phô, và sến: 

Vì anh gọi tên em là nhan sắc”. 

Bởi thơ hay dứt khoát phải tinh tế, đằm thắm, dù đó là những lời ngợi ca. Rất đáng tiếc, khi phổ nhạc các nhạc sĩ vẫn giữ nguyên câu thơ (dở) đó của Nguyên Sa.

Và có một điều đặc biệt khác, khi đi sâu vào đọc Nguyên Sa, ta thấy câu kết thường (là câu thơ) tóm gọn hồn vía của cả bài thơ. Và Năm Ngón Tay một trong những bài thơ mang đặc điểm điển hình này của Nguyên Sa. Thật vậy, cả bài chỉ là những câu khẩu ngữ, mang tính liệt kê, chẳng dính tí tẹo gì đến thơ ca thi phú cả. Ấy vậy, Nguyên Sa chỉ khái quát bằng câu kết, một câu hỏi tu từ làm cho bài thơ bật ra điều thú vị một cách chân thực, gây bất ngờ cho người đọc: Bởi, em còn ngón tay nào, để giữ lấy bàn tay anh đang đi quá giới hạn cho phép. (nói vui, cái món này, khi yêu có lẽ gã đàn ông nào cũng đã mò mẫm, và trải qua): 

“Năm ngón tay/ Trên bàn tay năm ngón/ Có ngón dài ngón ngắn/ Có ngón chỉ đường đi/ Có ngón tay đeo nhẫn/ Ngón tay tô môi/ Ngón tay đánh phấn (…) Em còn ngón nào/ Để giữ lấy tay anh?”. 

Tuy nhiên, có cách cảm nhận khác: em còn tay nào giữ chặt, để anh không thể lìa xa (em). Vâng, theo cách hiểu này, thì bài thơ trở nên quá thường, mất đi hình ảnh, tính ẩn dụ của nó.

Không chỉ có những điều thú vị, mà Nguyên Sa còn cho người đọc tự mường tượng và liên tưởng tới những điều táo bạo khác ở sau câu thơ, từ ngữ đẹp, với đường nét dù kín đáo, song rất gợi cảm trước “bức tranh Sen và Đào”. Với tôi, Hoa Sen Và Hoa Đào là một trong những bài thơ hay nhất ở thể lục bát của Nguyên Sa: 

Em vào tắm dưới hoa sen/ Những khe nước chẩy những miền hải lưu/ Những thuyền lạc dưới trời sao/ Hỏi em hay hỏi hoa đào của anh/ Chỗ đào có lá sen xanh/ Bờ xa thấp nghiêng mình dáng sông/ Tuyệt vời giữa một dòng trong/ Đầu sông tóc ướt, lưng vòng biển khơi.”

Tuy cố gắng vùng vẫy thoát ra khỏi khuôn khổ cái cũ, hay hồn vía thơ tiền chiến, song những bài thơ hay của Nguyên Sa dường như đa phần thuộc thể thơ thất ngôn. Thật vậy, đọc: Tương Tư, hay Em gầy như liễu trong thơ cổ…những bài thất ngôn này, ta thấy hồn vía cổ thi cứ như bám riết lấy Nguyên Sa vậy. Với tôi, Em gầy như liễu trong thơ cổ là bài thơ hay. Một bức tranh toàn bích nhất của Nguyên Sa. Bài thơ đã chứng minh thêm cho tài năng thiên về sử dụng phép so sánh, hoán dụ của Nguyên Sa. Và hai câu thơ, tôi nghĩ là tuyệt bút của ông: 

Em gầy như liễu trong thơ cổ/ Anh bỏ trường thi lúc thịnh Đường“. 

Vâng, với vẻ đẹp (mong manh) như tơ, như liễu trong thi ca cổ, anh chẳng phải làm bài trường thi (thơ dài, trường thiên) họa lại dáng hình em chăng? Thành thật mà nói, đọc xong những câu thơ này của Nguyên Sa, tôi lặng đi giây lát, có một cảm giác như trước đây đọc Hoàng Hạc Lâu do Vũ Hoàng Chương dịch vậy. (Tuy nhiên, tôi nghĩ câu thơ này còn nhiều nghĩa, và cách cảm nhận khác nhau nữa): 

Anh nhớ em ngồi áo trắng thon/ Ngàn năm còn mãi lúc gần quen/ Em gầy như liễu trong thơ cổ/ Anh bỏ trường thi lúc thịnh Đường/ Anh nhớ sông có nguyệt lạ lùng/ Có trời lau lách chỗ hư không/ Em tìm âu yếm trong đôi mắt/ Thấy cả vô cùng dưới đáy sông“.

Có ai đó viết: Đương thời, Nguyên Sa được xem là một hậu duệ Xuân Diệu của thơ tình miền Nam. Với nhận định này, tôi nghĩ người viết đọc thơ Nguyên Sa hơi bị hời hợt. Bởi, cái tôi bao trùm, xuyên suốt thi ca Nguyên Sa, rất khác (trái ngược) thơ Xuân Diệu của những khái quát, cùng định nghĩa bản chất của tình yêu, dành đọc nơi hội trường đông người. Do vậy, có thể nói, cái tôi trữ tình trong thơ Nguyên Sa, như là con đường độc đạo vậy.

*Tư tưởng với những vần thơ thế sự, xã hội
Chiến tranh, sự đảo điên của xã hội, con người, cho nên xung quanh Nguyên Sa rặt một phường: 

Mười phương vẫn một bọn hề/ Những thằng bưng điếu vác cờ chạy quanh” (Thư cho bạn). 

Từ đó ông nhận ra thân phận con người trước cái thực hư, trắng đen lẫn lộn của cuộc sống: 

Ở trong âm bản em buồn/ Thì ra dương thế vẫn còn cõi âm“ (Chụp hình tết).

Vì vậy, với Nguyên Sa sự cuồng vọng, chiến tranh, thắng thua đều vô nghĩa: 

Ta ngồi so kiếm một mình/ Kẻ thua người thắng cuối cùng vẫn thua“ (So kiếm). 

Với tư tưởng như vậy, nhà thơ đứng ra khỏi cuộc chiến để viết. Sự trực diện, và công bình đó cho ta thấy được cái chân thực, và nóng hổi tính thời sự trong thơ Nguyên Sa. Và Cắt tóc ăn Tết là một bài thơ như vậy. Nó viết theo mạch cảm xúc, tâm trạng bị cắt nát của thi nhân, trước nỗi đau và u uất của con người, và xã hội. Và cái sói mòn đạo đức, hủy hoại lương tâm ấy, không chỉ của những kẻ đầu nậu, cầm cờ chạy quanh, mà còn có sự hèn nhát của cả chính tác giả nữa: 

Cắt cho ta…/ Sợi xích chiến xa,sợi dây thòng lọng/ Sợi hưu chiến mỏng manh, sợi hận thù buộc chặt/ Sợi sát vào nhau đánh sáp lá cà/ Sợi cắt non sông thành Bắc Nam, thành khu chiến/ Sợi lên thẳng trực thăng/ Sợi xuống ngầm địa hạ/ Sợi đặt chông/ Sợi gài mìn…/ Cắt cho ta/Cho cả những thằng sa đích phê bình văn nghệ rẻ tiền/ Cho cả những thằng xẻo thịt non song/ Cho cả những thằng băm vằm tổ quốc/ Cho chính bản thân ta bơi trong tội lỗi“.

Cắt mãi, song ung nhọt vẫn còn đó, và Nguyên Sa đành bất lực. Buộc ông phải ủ nỗi buồn ưu tư đó vào trong thơ. Và nếu Cắt tóc ăn Tết là lời hùng hồn tuyên án, thì đến với Bây giờ lời thơ Nguyên Sa mang đậm nỗi chán chường, buồn than của cả thế hệ sinh nhầm thế kỷ. Và trước địa ngục đó, lời thơ thế sự Nguyên Sa cương nhu theo cảm xúc, tâm trạng của mình, nhưng tất cả đều nặng như những lời luận tội vậy. Đọc những trang thơ này, ta không chỉ thấy tài năng, mà còn thấy được chí khí, lòng can đảm của nhà thơ nữa: 

Thế kỷ chúng tôi chót buồn trong mắt/ Dăm bảy nụ cười không đủ xóa ưu tư/ Tay quờ quạng cầm tay vài tiếng hát/ Lúc xòe ra chẳng có một âm thừa/ Cửa địa ngục ở hai bên lồng ngực/ Phải vác theo trăm tuổi đường dài“.

Tôi đã đọc khá nhiều người viết về thân phận những cô gái bán hoa phong trần. Nhưng có lẽ, không tác phẩm nào cho tôi thực sự cảm động như: Đợi Khách của Nguyên Sa. Đây là bài thơ không chỉ sâu sắc về nội dung, mà còn có lời thơ rất đẹp. Và trên hết lòng nhân đạo, với cái nhìn cảm thông của nhà thơ. Và vẫn thể thơ bát ngôn, Đợi Khách một lần nữa chứng minh: những bài thơ hay của Nguyên Sa đều thuộc về hồn thơ cũ. Dù ông cố phá bỏ những ràng buộc ấy: 

Em đứng lẫn bên góc hè phố vắng/ Như loài hoa hoang dại trong rừng sâu/ Màu da tơ bóng tối ngã u sầu/ Đôi mắt đẹp từng cánh sao tắt lịm/ Em đứng đợi một người không hẹn đến/ Bán cho người tất cả những niềm vui/ Chút tình hoa còn lại thoáng hương phai/ Em dâng cả làn môi khô nước ngọt/ Trong đêm mỏi hàng mi mờ khẽ ướt“

Tự trách, và sám hối, quả thực đó là tấm lòng cao cả của người thày Nguyên Sa, dù trách nhiệm đó không thuộc về ông. Do vậy, đọc Xin lỗi sự lầm lẫn quá khứ, tuy được Nguyên Sa viết từ những năm 1967 ta càng thấy được sự hèn nhát, bỉ ổi của những kẻ chức quyền, bán mua chiến tranh. Và nhân cách, trách nhiệm của một con người, một nhà thơ sống mãi, dù (trên) sáu mươi năm cuộc đời của Nguyên Sa đã khép lại: 

ta mới biết rằng trong cuộc đời dạy học ta là thằng dốt nát/ trong mười mấy năm ta làm bao nhiêu tội lỗi/ trong mười mấy năm ta không nói cho học trò ta biết…/để anh em tìm thấy toạ độ trong rừng gìa/ để anh em tìm thấy điểm đứng trong ruộng đồng bát ngát/ để đạn đừng xuyên qua tim/ hãy tha thứ cho ta“

Có thể nói, cả cuộc đời Nguyên Sa là cuộc hành trình đi tìm tình yêu và cái đẹp. Thơ ông như một chân lý, khát vọng. Khát vọng đó luôn có sự chuyển đổi trong tư tưởng và thi ca Nguyên Sa. Chính vì vậy, nó cho ông lòng can đảm đến với nỗi khổ đau của con người trong cái bi kịch mù lòa, và bất hạnh của dân tộc. Sự nghiệp, và con người Nguyên Sa để lại cho hậu thế chúng ta nhiều bài học và những kinh nghiệm sâu sắc. Và tôi xin mượn Sợi Tóc, một bài thơ tóm gọn hồn khí, tâm nguyện của Nguyên Sa đã được khắc trên mộ bia ông, để kết thúc bài viết này, như tưởng nhớ đến một nhà thơ tài hoa, lãng mạn, và cũng đầy chí khí vậy: 

Nằm chơi ở góc rừng này/ Chưa thiên thu cũng đã đầy cỏ hoang/ Xin em một sợi tóc vàng/ Làm hoa sự cho ngàn kiếp sau/ Biết đâu thảo mộc bớt đau/ Biết đâu có bản kinh cầu dâng lên?”

Leipzig ngày 26-9-2023
Đỗ Trường

No comments:

Post a Comment