Wednesday, March 13, 2024

Đi thăm Làng Hồ, Làng Đuôi


Các cháu mồ côi người Thượng đi học về, Yá (Sơ) Lach, và chúng tôi.

Tôi xin kể bạn nghe câu chuyện về hai ngôi làng, một của người Bahnar và làng kia của người J’rai trên vùng cao nguyên Trung phần Việt Nam, bây giờ được nhập chung là tỉnh Gia Lai-Kontum. Nói rõ hơn một chút, Làng Hồ, ngôn ngữ Bahnar là Kontum; Làng Đuôi, tiếng J’rai là Pleiku. Kon là ngôi “Làng”, Tum là cái “Hồ”. Kontum nghĩa là Làng Hồ. Plei là ngôi “Làng”, Ku là cái Đuôi. Pleiku nghĩa là Làng Đuôi. Những người sống trong hai ngôi làng này được gọi là dân Làng Hồ và dân Làng Đuôi.

Cuối năm 2022, tôi và vài người bạn có dịp về thăm lại chủng viện Thừa Sai Kontum, nơi chúng tôi trải qua một thời hoa niên êm đềm trong những năm trung học. Một ngôi nhà rộng lớn, hai tầng và một tầng hầm, có tuổi đời gần 100 năm, được xây dựng bằng gỗ và đất bùn trộn rơm, với mái ngói đỏ thắm, lối kiến trúc pha lẫn nét Tây phương và dáng vẻ một ngôi nhà Sàn của đồng bào Thượng Bahnar. Chúng tôi đã sống, đã học hành trong ngôi trường đẹp đẽ thân yêu đó cho đến khi biến cố năm 1975 xảy ra.

Đầu năm 2024, dịp may lại đến khi vợ chồng người bạn, cô NL và anh L có nhã ý muốn góp một ít tiền bạc của anh chị em trong gia đình họ để làm việc từ thiện và anh chị đã chọn Làng Hồ và Làng Đuôi. Chúng tôi nói chuyện với nhau và NL sẽ thay mặt gia đình đi với chúng tôi về hai ngôi làng này để được tận mắt thấy những gì đang xảy ra nơi đây. Chúng tôi đi vào những buôn làng xa xôi, làng phong cùi, và những nơi bị quên lãng, nơi mà ánh sáng văn minh không rọi tới, nơi mà những người bình thường như chúng ta ít khi hoặc chưa bao giờ nghe nói đến.

Trước đây khi còn đi làm, tôi suy nghĩ rất đơn giản về việc làm từ thiện. Mỗi năm cứ gởi một số tiền cho KMF, Kontum Missionary and Friendship (1), một hội đoàn mà tôi tin tưởng, rồi phó mặc cho họ muốn làm gì thì làm. Nhiệm vụ của mình vậy là xong. Luơng tâm yên ổn và bình thản vì mình đã có chút gì đó đóng góp cho xã hội, cho người nghèo, và cho người kém may mắn hơn mình.

Bây giờ, khi đích thân lặn lội đến tận nơi, mắt thấy, tay sờ, tôi mới cảm nhận được sự thay đổi lớn lao trong tâm hồn mình. Chuyến đi này đã chuyển biến tâm hồn tôi từ một người cái gì cũng theo một lối mòn xưa cũ: ai làm gì, mình cũng làm theo cho có với người ta, cho xong bổn phận một người có đạo, một người có tấm lòng.

Chúng tôi được Yá (2) Lach, một Sơ người Thượng phụ trách nhà Mồ Côi Vinh Sơn ở làng Dak Ro Wa, trán đẫm mồ hôi vì đang cho heo ăn, Yá dẫn chúng tôi đi theo một lối mòn nhỏ trong khu rừng cao su của nhà nước. Yá nhìn đồng hồ tay và nói chắc các cháu cũng sắp đi học về. Chỉ vài phút sau, chúng tôi nhìn thấy một đàn trẻ em, hầu hết là bé gái, tuổi từ 7 đến 10, đang tung tăng bước trên con đường đất đầy bụi đỏ. Khi thấy chúng tôi, các cháu khoanh tay lại cúi chào và nói to “Chúng con xin kính chào chú, chào các cô”.

Chúng tôi cũng chào lại và xoa đầu các cháu, chúng ôm lấy chúng tôi, tôi cảm nhận được vòng tay nhỏ bé đang khao khát một tình thương gia đình êm ấm; tôi ôm lấy đôi vai gầy guộc, ngón tay chạm được bờ vai xương xẩu của các cháu. Trái tim tôi nhói lên. Tôi bỗng thấy nao nao và ray rức cõi lòng. Tôi cố nuốt giọt lệ sắp chực chờ tuôn rơi.

Khi phát quà cho các cháu gái là những con búp bê đủ màu sắc, nhìn ánh mắt các cháu sáng lên niềm vui hạnh phúc và đôi bàn tay nhỏ bé của các cháu ôm lấy búp bê vào lòng mà chúng tôi không dằn được cảm xúc. Cô bạn NL tiến đến gần một em bé và hỏi sao con không mở gói quà, lấy búp bê ra chơi? Cháu rụt rè thưa: "Con sợ nó sẽ bị cũ đi".

Các cháu gái vui mừng lần đầu tiên, tuổi thần tiên các cháu có được búp bê. Các cháu trai có đồ chơi xe hơi. Đa số các cháu mặc quần áo “si đa”, có cháu mang dép quá khổ, có cháu chân không dép.

Đôi mắt các cháu, những đôi mắt đen trong trẻo chưa vương bụi đời, những đôi mắt thánh thiện chan hòa nắng ấm, những đôi mắt có cả màu xanh của rừng núi đại ngàn, thanh khiết mênh mông, mà sao lại như ẩn khuất một nỗi buồn mênh mang. Tôi nhận ra đó là nỗi buồn của những đứa trẻ không cha không mẹ, nỗi buồn thiếu vắng một mái ấm gia đình.

Rau do các Yá và các cháu lớn tự trồng để cải thiện bữa ăn.

Xe cải tiến để các cháu lớn chuyên chở lúa, rau, khoai tự trồng.

Các cháu lớn đi kiếm củi về.

Sau này tôi mới tìm hiểu tại sao các cháu mồ côi đa số là con gái mà lại ít con trai. Người Thượng theo chế độ Mẫu Hệ nên con gái được chú ý và được ưu tiên hơn con trai. Họ lại có hủ tục kỳ lạ như nếu người mẹ mới sinh con nhỏ, chẳng may mẹ bệnh chết, đứa con sẽ bị chôn theo người mẹ. Hội KMF là một tổ chức từ thiện của giáo hội Công Giáo thuộc địa phận Kontum. Các thiện nguyện viên của hội thường xuyên đi vào làng Thượng và hợp tác chặt chẽ với các linh mục coi xứ để giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần. Khi hay tin có trẻ phải bị chôn theo người mẹ, họ can thiệp và xin những đứa trẻ này về cho các Yá ở nhà Mồ Côi nuôi dưỡng.

Năm 2022, tôi về lần đầu và đã vào làng Thượng thăm người bạn cùng lớp làm linh mục đang coi một giáo xứ Thượng rất nghèo. Tôi chứng kiến người Thượng đang bị đẩy lùi sâu vào rừng, không còn đất canh tác, không còn lúa bắp đủ ăn. Năm nay tôi quyết định dành thêm thời gian đi vào sâu hơn trong rừng và đi nhiều nơi hơn, tôi mới thấy được họ sống cơ cực đến mức nào.

Yá Lach kể một câu chuyện pha chút hài hước và bi thương. Không có đất trồng trọt lại thêm thiếu hiểu biết, gia đình kia có đến 18 đứa con, họ cứ “ăn rồi đẻ cho đến hết trứng thì thôi”. Đẻ xong, không nuôi nổi, họ đem cho các Yá đem về nuôi dùm. Cứ như vậy, các nhà mồ côi vừa nhận các cháu không cha mẹ và nhận cả các cháu mồ côi “tỵ nạn kinh tế”.

Trong kinh 14 Mối đạo Công Giáo, có 7 Mối dạy về thương người mà trong đó có 3 Mối rất thực tế: thứ nhất cho kẻ đói ăn, thứ 2 cho kẻ khát uống, thứ 3 cho kẻ đói rách ăn mặc. Con người khi đói, cho họ ngắm nhà thờ xây cao to để làm chi? Chi bằng ta cho họ cái ăn, cái mặc, cái áo ấm khi mùa đông cao nguyên tràn về. Đó là những cử chỉ thiết thực nhất của một người biết san sẻ yêu thương.

Bok Binh, người bạn linh mục đang coi xứ Kon Mahar tâm sự: bị chính phủ quên lãng, nếu muốn giúp họ, phải có kế hoạch lâu dài là cố gắng giúp người dân nâng cao nhận thức và thay đổi cách sống bằng cách giúp con em họ đi học, mà đi học phải có nơi ăn ở, phải có thuốc men và rất nhiều nhu cầu khác; nếu ở nhà, cha mẹ vui thì cho đi học, buồn thì ở nhà ẵm em, đi rẫy, hay đi lấy nước. Sau này, có kiến thức, các cháu sẽ trở về và phục vụ cho chính bản làng của mình, chứ chúng ta không thể nào cứ cho họ con cá mãi được, phải giúp họ cái cần câu.

LÀNG HỒ, KONTUM

Theo truyền thuyết về Làng Hồ thì ngày xa xưa lắm, con sông Dakbla là con sông chính chảy giữa, chia đôi hai ngôi làng Bahnar và làng J’rai, làng bahnar ở đầu nguồn và làng J’rai ở cuối nguồn. Một chàng trai J’rai đem lòng yêu thương một cô gái Bahnar đầu nguồn, bên kia bờ. Thời gian này, hai làng đang có chiến tranh với nhau, hận thù ngút trời. Hai người yêu nhau say đắm như mối tình Romeo và Juliet cách đây vài thế kỷ ở phương Tây.

Khi núi rừng khoác lên mình lớp áo mùa Thu vàng rực rỡ, khi mùa màng đã gặt hái xong, ánh trăng trải một màu vàng nhạt trên huyền ảo trên núi đồi, chàng trai bơi qua sông tìm đến với người mình yêu, cả hai cùng tận hưởng vị ngọt ngào và cả vị đắng của tình yêu, họ trao cho nhau biết bao lời thề hứa dưới sự chứng giám của Yàng và sự bao la, bàng bạc của hồn thiêng sông núi.

Khi quá tuyệt vọng vì biết mối tình của họ chắc chắn sẽ chẳng được buôn làng chấp nhận, họ lại hẹn nhau vào một đêm trăng sáng sẽ ra sông, nàng bên bờ này, chàng bên bờ kia, đúng vào lúc mây che mờ vầng trăng, sẽ cùng nhau tự sát bằng dao và cùng nhảy xuống sông để cùng được chết bên nhau, hy vọng sẽ hóa giải được mối thù hận giữa hai buôn làng.

Dòng máu chàng trai J’rai ngược dòng nước, chảy về phía thượng nguồn tìm về nơi cô gái Bahnar ở. Dòng máu của nàng chảy xuôi dòng về phía ngôi làng của chàng trai. Đến giữa sông thì hai dòng máu gặp nhau, máu chàng quyện vào máu nàng rồi chảy ngược dòng về phía thượng nguồn. Máu của hai người yêu nhau nhuộm đỏ nước sông Dakbla. Lạ thay, hai bên bờ sông trước đây thẳng tắp, nay bỗng biến thành quanh co, uốn khúc như minh chứng cho mối tình đau thương và trắc trở của cặp tình nhân .

Ngày hôm sau, khi dân làng ra sông lấy nước, họ thấy nước sông đỏ ngầu mà nước lại chảy ngược giòng. Khi các trưởng làng hai bên bàn bạc với nhau và biết được uẩn khúc tình yêu của đôi trai gái, họ ngồi xuống bên ghè rượu Cần, cùng uống và cùng khóc với nhau, quyết định gạt bỏ quá khứ hận thù, kết nghĩa anh em. Từ đó hai làng sống hòa thuận yêu thương trong hòa bình cho đến bây giờ, nhưng dòng sông không bao giờ đổi dòng được nữa.

Ngày nay, du khách có dịp đến Kontum, xe chạy đến cầu sông Dakbla, trước khi vào thành phố, xin hãy ngừng xe, đứng bên thành cầu nhìn xuống giòng sông đỏ phù sa chảy ngược dòng, dành một phút để lòng tưởng nhớ và tìm về mối tình Romeo và Juliet của Làng Hồ và Làng Đuôi.

– Nguyễn Văn Tới

Tham khảo:


Chú thích:

Yá trong ngôn ngữ Bahnar nghĩa là Ma soeur. Bok nghĩa là Cha.

No comments:

Post a Comment