Saturday, March 2, 2024

Chiều Trên Phá Tam Giang…


Minh họa: Ann Phong

Tôi đã gặp nhà thơ Tô Thùy Yên lúc ông còn sinh tiền đôi lần. Lần gặp nhớ nhất là hôm nhà thơ Phan Xuân Sinh ra mắt tập thơ “Bơi trên dòng nước ngược” của anh ở Houston. Đêm đó thâu đêm ở tư gia của nhà thơ Phan Xuân Sinh, toàn những nhà văn, nhà thơ thời chiến tranh mà tôi ngưỡng mộ. Đêm đó có dịp trò chuyện nhiều với cố thi sĩ Tô Thùy Yên. Tôi đã đưa ông xem qua bài viết “Tháng tư đọc lại Ta Về của Tô Thùy Yên” mà tôi đã viết nhân dịp tháng tư lại về nhưng vì sự tôn trọng, tôi muốn ông đọc qua và cho phép được đăng báo. Được ông đồng ý đã là một vinh dự cho hậu bối.

Thời gian còn lại tôi thăm hỏi ông nhiều về bài thơ “Chiều trên phá Tam Giang” vì tôi thích bài thơ đó. Được ông tâm sự ít nhiều và hoàn cảnh sáng tác bài thơ mang giá trị lịch sử với không phải một người là tác giả vì tầm khái quát của bài thơ đã nói lên tâm tư của cả một thế hệ sống giữa chiến tranh. Ông là “người viết sử bằng thơ”, ngồi trò chuyện với ông ngoài sân nhà anh Phan Xuân Sinh, tôi đã có tựa đề bài viết về thi phẩm “Chiều trên phá Tam Giang” là “người viết sử bằng thơ…” sau khi đã thụ nhận cảm xúc bài thơ từ chính tác giả. 

Nhưng viết mấy lần đều không qua khỏi cảm giác lấn cấn của hậu bối, cảm nghĩ không phải người cùng thời thì sao rõ được câu chữ, ẩn ý sâu xa mà tác giả đã gởi gấm trong tác phẩm, thông điệp của tác giả khi viết ra, viết nên cảm xúc của cả thời đại, cả thế hệ những người trẻ lúc bấy giờ. Một hậu sinh có thất kính khi diễn giải một tác phẩm lớn hơn tầm vóc, hiểu biết của bản thân, của tâm thức đời sau. Nên những bài viết về “Chiều trên phá Tam Giang cứ nằm trong máy tới hối tiếc… ông đã qua đời.

Tôi từng nghĩ về người cùng thời với nhà thơ Tô Thùy Yên là nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, nhà thơ này viết, “ôm em trong tay mà đã nhớ em những ngày sắp tới…” 

Là kẻ sinh sau đẻ muộn nên đọc câu thơ thấy rùng mình, nhưng sau đó mới thấy thật gần với người lính có dịp về phép đôi ngày, gặp được người yêu như món quà vô giá của tuổi trẻ; nhưng ngay trong hạnh phúc lứa đôi ngắn ngủi của thời gian đã thấy tương lai mù mịt của ngày mai, bởi chiến tranh không phải hoà bình, người sống hôm nay không biết ngày mai sẽ ra sao, nhất là người lính. Ngày mai anh đi rồi có về không với súng đạn vô tình ngoài chiến trận? Càng ngẫm nghĩ càng thấm thía, cả một thế hệ mất phương hướng. Hôm nay đang ôm em trong tay mà đã nhớ em những ngày sắp đến, hôm nay còn thở thì cấp cứu đồng đội trúng đạn thù, nhưng ngày mai… ai là người ở lại như thiếu tá Nguyễn Đình Bảo đã ở lại Charlie. 

Câu thơ nói lên cả thế hệ mù mịt trong khói súng, tôi cảm nhận về câu thơ linh cảm của thi sĩ Thanh Tâm Tuyền một cách nổi da gà, nhưng sau đó thương thân thế hệ sau ông không còn gì để mất, chúng tôi chỉ còn một cách duy nhất là trốn chạy sự phân biệt đối xử sau khi thế hệ trước đã tan rã. Chúng tôi cũng ôm nhau trong tay mà đã nhớ nhau những ngày sắp tới vì kẻ ở người đi, sông nước vô tình, tương lai mù mịt…Ít nhất, tôi thấy có sự đồng cảm với câu thơ của thi sĩ Thanh Tâm Tuyền về tâm trạng hoang hoải trong bối cảnh lịch sử mình đang sống, tương lai vô định trước mắt, và mất mát không tránh khỏi trong hiện tại ngoài ý muốn…

Nhưng với Tô Thùy Yên thì thơ ông tự đã chia đôi thành hai thời kỳ rõ rệt. Bài thơ “Chiều trên phá Tam Giang” nổi bật trong thời kỳ thứ nhất, thời chiến tranh ngày càng leo thang, ngày càng khốc liệt. Có lẽ không cần nói nhiều về thơ từ và nghệ thuật dùng từ trong thơ của một bậc thầy như Tô Thùy Yên khi bài thơ giàu thơ từ miên man tâm trạng của cả một thế hệ thanh niên thiếu nữ còn ngồi ghế nhà trường hay đang ngoài chiến trận trong tuổi yêu đương. Bài trường thi hơn 150 câu của Tô Thùy Yên đã viết năm 1972. Mô tả nhiều góc cạnh của cuộc sống thời chiến, suy tưởng của người lính đi giữa chiến tranh, đóng quân ngoài miền Trung khô cằn sỏi đá nhớ về Sài gòn, nơi có người yêu với những sinh hoạt thường nhật nơi thị thành trong không khí chiến tranh đã lan về phố thị, “giờ này thành phố chợt bùng lên/ để rồi tắt nghỉ sớm/ ôi Sài gòn Sài gòn giờ giới nghiêm…” 

Cứ nhắm mắt hình dung ra Sài gòn có giờ giới nghiêm thì người dân hoang mang tột độ, cuộc sống xáo trộn mọi tầng lớp, mọi sinh hoạt bình thường bỗng không còn bình thường nữa. Và đó là nơi người trai ra đi vì chiến tranh lan rộng, ngày càng khốc liệt, nhưng làm sao quên người yêu và chốn cũ… 

giờ này có thể trời đang nắng/ em rời thư viện đi rong chơi/ hàng cây viền ngọc thạch len trôi/ nghĩ tới ngày thi tương lai thúc hối/ căn phòng nhỏ cao ốc vô danh/ rồi nghĩ tới anh, nghĩ tới anh…” 

Người lính Cộng hoà ngoài mặt trận, nhưng dường như không có tẩm can khát máu. Người dân thị thành văn minh bậc nhất Đông Nam Á bấy giờ vẫn hiền hoà trong tâm tưởng một chàng thư sinh nên chỉ nghĩ tới mùa hè về với Sài gòn mưa rồi chợt nắng, cũng là mùa thi tương lai thúc hối… nhưng hơn hết vẫn là nỗi nhớ người yêu da diết nơi thị thành, qua kỷ niệm ẩn hiện rất đỗi đời thường nhưng in đậm ký ức người đi, “căn phòng nhỏ cao ốc vô danh/ rồi nghĩ đến anh, nghĩ đến anh…” 

Thơ từ nhẹ nhàng, tinh tế, sâu lắng. Không tuốt gươm bẩn với người xưa bằng ca từ hạ tiện, “mưa bên chồng có làm em khóc/ có làm em nhớ những khi mình mặn nồng…” Thơ là người người là thơ, nhạc là tâm hồn nhạc sĩ. Tôi đã gặp cả nhà thơ và nhạc sĩ vang danh một thời, nhưng tôi mãi thích sự bình dị trong thơ từ, ca từ bao hàm độ lượng, vị tha không thể thiếu trong sáng tạo nghệ thuật. Về tâm thức vị tha cho người cũng là vị tha cho mình, cho dù xám hối, “con đường em đi đúng đấy em ơi…” thì vết thương xưa vẫn rỉ máu một người.

Xin hãy nghe lại, “giờ này thương xá sắp đóng cửa/ người lao công quét dọn hành lang…” Sao lại nhớ giờ này thương xá sắp đóng cửa giữa nơi làn ranh sự sống và cái chết rất mong manh? Có lẽ người lính và người yêu từng đã đi thương xá với nhau nhiều lần, có nhiều kỷ niệm đã đi vào ký ức không thể nào quên. Thi sĩ đã nhớ cái bình thường làm cho nỗi nhớ mênh mang, lắng đọng hơn những nỗi nhớ của sự tưởng tượng làm người ta sa sút hơn khi tỉnh táo nhận thức… chỉ là mộng thôi. Nhớ người lao công quét dọn hành lang trong hoàn cảnh sự sống và cái chết cách nhau một làn đạn, là tâm thức của người đi giữa chiến tranh sao? Hẳn là người lính đang đối mặt với sự sống chết ngoài chiến trận nhưng vẫn không quên sự hiện diện nhỏ nhoi của người quét dọn hành lang trong đời sống đã bị chiến tranh cướp mất, tình yêu đôi lứa đã bị ngăn cách bởi sự vô lý của chiến tranh. Những ẩn khuất trong tâm tư người lính không phải ai cũng hiểu nên càng ít ai nói ra được, mà nói hay như Tô Thùy Yên lại càng hiếm trong bối cảnh dầu sôi lửa bỏng, chiến tranh lan rộng, quê hương ngập tràn khói lửa thì người quét dọn hành lang vẫn hiện diện, bất biến trong tâm thái bình tĩnh nhưng không khiếp sợ chiến tranh mới nhìn đời độ lượng bằng tâm hồn tha nhân, mới lấy bình dị làm chân chứ không chọn hào nhoáng làm đầu. Có phải đọc câu thơ này của Tô Thùy Yên thì người đọc dễ liên tưởng tới một cây cổ thụ khác cùng thời là nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, “xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em…” Nếu người yêu thuộc loại người thích vàng lá hơn thì đã không đến thăm nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn vào đêm trừ tịch… 

(Một chuyện vui nho nhỏ, tôi nói nguyên văn với ông Nguyễn Đình Toàn ở Dallas, “nếu em thích vàng lá hơn lá vàng thì em đã vào Chợ lớn thăm ông xì thẩu đêm ba mươi rồi phải không nhạc sĩ?” Ông chỉ cười thôi, “thế mà cũng nghĩ ra được…”)

Trở lại với nhà thơ Tô Thùy Yên, ông từng kể: Sau mười năm tù cải tạo ông được thả, tưởng đã hết nợ oán thù nên ông tiếp tục làm thơ. Một bài thơ không ghi tên họ, nhờ người quen đem ra nước ngoài cho bạn bè của ông đọc chơi. Không ngờ bài thơ được công khai trên những trang phê bình văn học tại hải ngoại. Ông đang còn trong nước nên bị giam tù thêm ba năm. Ông bình thản kể với ngữ điệu không oán hờn, không căm thù ai hết. Dường như với ông, cuộc sống vốn vậy; con người vốn thế… lịch sử chỉ như con người thay trang phục. Ông kể mua vui cho anh em sum vầy, khi ông làm sĩ quan chiến tranh chính trị đã thẩm vấn những cán bộ cộng sản bị giam trong một nhà tù gần sông Sài Gòn. Sau tháng 04 năm 1975, cũng trong nhà giam đó, những cán bộ cộng sản trở thành người thẩm vấn ông. “Lịch sử chỉ là những con người thay đổi lớp áo - Tô Thùy Yên.”

Thơ Tô Thùy Yên nhiều thơ từ mới lạ, thể thơ được ông dùng nhiều là thơ năm chữ, bảy chữ hay chín chữ. Đặc biệt những bài thơ của ông khá dài, không giống thơ cổ nhưng hoài cổ, hư và thực đan xen làm khó mà cũng là làm hay bài thơ vì khó đọc một lèo một lượt, người thưởng ngoạn chỉ đọc được một khổ thơ, đôi câu thơ lại phải dừng để suy nghiệm…Ai đọc đến câu “cảm ơn hoa đã vì ta nở/ thế giới vui từ nỗi lẻ loi…” mà không dừng lại như vừa hớp được hớp trà ngon, ai nuốt ực bao giờ? 

ta về cúi mái đầu sương điểm/ nghe nặng từ tâm lượng đất trời/ cảm ơn hoa đã vì ta nở/ thế giới vui từ nỗi lẻ loi…” 

Ông đã vượt lên trên những người làm thơ cùng thời, nhưng ngoài đời ông luôn thua xa họ ở khoản khoe mẽ, ta đây. Tôi gặp ông khi ông đã già, nhưng cây sao già vẫn không lẫn được với cây me, cây ổi.

Ông đã có thơ đăng trên những tập san trước khi ông hai mươi tuổi. Ông cùng Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền là những người tiên phong của thơ ca miền nam thập niên 1970. Thơ ông có thể nói từ khi bắt đầu tới cột mốc 30 tháng 04 năm 1975 là lịch sử viết bằng thơ về thời kỳ chiến tranh ở quê nhà. Đất nước, xã hội, con người, tình yêu, tuổi trẻ… đều trở thành tư liệu qúy giá cho người tham khảo đời sau. Và trong thời kỳ đầu của thơ ông, mảng kiến tạo nên tên tuổi ông là bài thơ “Chiều trên phá Tam Giang”. Bài thơ như bức tranh tổng thể về miền nam thời nội chiến quốc-cộng, chỉ có tình yêu là vượt thoát bối cảnh lịch sử, trong hoàn cảnh nào, diễn biến lịch sử ra sao thì tình yêu vẫn tồn tại và mãnh liệt.

Thời kỳ thứ hai trong thơ Tô Thùy Yên, mảng thơ thứ nhì trong sự nghiệp thơ ca của ông là sau biến cố lịch sử, sau mười năm ông chết dấp trong tù cải tạo là bản trường thi “Ta về” với 126 câu, bài thơ ghi lại lịch sử quê nhà khốn cùng sau chiến tranh, 

 “ta về một bóng trên đường lớn/ thơ chẳng ai đề vạt áo phai/ sao bỗng nghe đau mềm phế phủ/ mười năm đá cũng ngậm ngùi thay/ vĩnh biệt ta-mười-năm chết dấp/ chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu/ mười năm mặt sạm soi khe nước/ ta hóa thân thành vượn cổ sơ…/ ta về như lá rơi về cội/ bếp lửa nhân quần ấm tối nay/chút rượu hồng đây xin rưới xuống/ giải oan cho cuộc bể dâu này…”

Lời thơ như đã thoát ra khỏi khung trời hoa mộng một thời tuổi trẻ. Ngậm ngùi thay thơ từ trong “Ta về” từng câu chữ thâm trầm nhìn đời, tâm buông bỏ xuống đời hư không không không sắc sắc, không oán hận những oan khiên đã đổ xuống, không mơ tưởng thăng hoa… khi một người đã nghĩ và gởi lại hậu thế tấm lòng hoà giải, 

“ta về như lá rơi về cội/ bếp lửa nhân quần ấm tối nay/chút rượu hồng đây xin rưới xuống/ giải oan cho cuộc bể dâu này…”

Không riêng gì đời sau của ông mà những đời sau sau nữa khi đọc những câu thơ này đều gấp sách để thấy mình nhỏ nhoi, vì ông đã đem đi sự lẻ loi. Sự lẻ loi thần thánh vì chưa từng có ai “cảm ơn hoa đã vì ta nở (cho) thế giới vui từ nỗi lẻ loi. Sự lẻ loi đến tận cùng trong nội ngã mới thốt ra được lời cảm ơn đẹp nhất trong thơ ca miền nam, và mãi mãi.

Ông viết bài thơ “Ta về” năm 1985 sau khi ra tù cải tạo. Chốn xưa, đất nước sau hoà bình trong thi phẩm Ta về như bức tranh khắc hoạ lại quê hương sau chiến tranh. Thời kỳ thứ hai trong thơ ca Tô Thùy Yên vẫn bình thản như đi giữa chiến tranh trong “Chiều trên phá Tam Giang” ông đã viết vào tháng 06 năm 1972, khi cuộc chiến bước vào giai đoạn khốc liệt nhất thì “Ta về” là hoang tàn, đổ nát nhất sau hoà bình. Toàn cảnh đất nước, quê hương sau hoà bình trong Ta về là tư liệu lịch sử, ngoài giá trị áng thơ hay bất chấp thời gian.

Hai thi phẩm đã khắc hoạ quê hương trong hai giai đoạn của cuộc đời ông, là di sản cho đời sau nhìn lại, suy tưởng về chiến tranh và hoà bình trên đất nước Việt Nam.

Tôi biết ơn thi sĩ Tô Thùy Yên với câu thơ “cảm ơn hoa đã vì ta nở/ thế giới vui từ nỗi lẻ loi…” vì như mọi khúc mắc trong lòng đều thông thoáng hơn khi bớt tự cao tự đại. Khi người ta không còn nghi ngờ sự nhỏ nhoi của bản thân thì ai cũng khiêm tốn, khiêm nhường hơn, cuộc sống bỗng thênh thang hơn chen chân trên đường danh vọng hẹp hòi… Người độ lượng đến đâu thì có thể cảm ơn hoa vô điều kiện?

Nhưng khi ca nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh qua đời, nhiều báo đài đã đánh giá bài hát “Chiều trên phá Tam Giang” là một trong những bài hát hay nhất của cố ca nhạc sĩ. Tôi đồng ý hai tay, nhưng cảm thấy bất ổn vì đó là thơ Tô Thùy Yên, Nhật Trường phổ nhạc. Một tác phẩm thơ-ca đi vào lòng người, mang giá trị văn học nghệ thuật, giá trị lịch sử thì cần được rõ ràng là thơ phổ nhạc chứ không thể thiếu cẩn thận gây hiểu lầm cho đời sau. Cứ nói trên đài, viết trên báo mỗi Nhật Trường với ca khúc bất hủ “Chiều trên phá Tam Giang” như một tưởng niệm ông, vinh danh ông… Không sai, không sai, ca nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh rất xứng đáng được tưởng niệm, được vinh danh. Nhưng riêng về ca khúc “Chiều trên phá Tam Giang” cần nói rõ trên đài, ghi rõ trên báo là “Thơ Tô Thùy Yên, Nhật Trường phổ nhạc”.

Nhưng ca nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh đã đi rồi. Một người lính cũ được đồng đội và người dân miền nam yêu mến cũng như tôi . Tôi yêu mến ông vì tôi chưa từng thấy ai hát bài “Biển mặn” hay hơn Nhật Trường vì ai cũng thua ông cái điệu rất đàn ông làm mê hoặc chị em phụ nữ trong bài hát ấy. 

(Thêm một chuyện vui nho nhỏ. Ở Dallas có cha Minh, cha xứ của giáo xứ Thánh Phê rô Garland hát bài Biển mặn là lúc hội trường im lặng nhất vì cha hát quá hay, nhưng cha không điệu được như Nhật Trường nên cha hạng hai. Thầy trụ trì chùa Đạo Quang là thầy Tịnh Đức cất tiếng hát bài “Rừng lá thấp” là sự im lặng bao trùm tất cả, nhưng thầy cũng hạng hai vì hạng nhất ca nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh đã đem đi rồi. Ông không phải là người thích ngộ nhận, nhưng chính những người mến mộ ông đã ngộ nhận thì đúng hơn! Anh chị em làm truyền thông ở Dallas như đồng thuận với nhau vậy.) 

Thầy Tịnh Đức cũng đã lên chức Cố Hoà Thượng vì bạo bệnh. Lịch sử tham lam đã bốn ngàn năm đưa vào lịch sử những nhân tài, nhưng vẫn thâu phục những người đáng kính để cõi trọc ngày càng trọc hơn…
Nhà thơ Tô Thùy Yên với “Ta về”, “Chiều trên phá Tam Giang”, “Trường Sa hành”, “Hề, ta trở lại gian nhà cỏ” và nhiều bài thơ khác có sức sống mãi trong lòng người đọc yêu văn chương miền nam. Nhưng rồi ông cũng qua đời ngày 21 tháng 05 năm 2019 ở Houston, Texas hưởng thọ 81 tuổi.

Tôi tin ông sẽ lên trời vì trái tim ông đẹp quá và độ lượng khó sánh. Nhật Trường Trần Thiện Thanh vì bạo bệnh mất sớm, nhưng sống lâu không bằng để lại được cho đời những gì sau khi qua đời thì người ca nhạc sĩ tài hoa này cũng được mãn nguyện nơi suối vàng.

Những người lính cũ đã yên nghỉ, một giai đoạn lịch sử đã đi vào lịch sử. Phá Tam Giang là một địa danh ở Quảng trị được nhiều người biết đến qua câu ca dao, “Thương em anh cũng muốn vô/ sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang…” Truông nhà Hồ và Phá Tam Giang bây chừ teo hẹp lại do người dân khai hoang. Dù “Phá Tam Giang ngày rày đã cạn/ truông nhà Hồ nội tán cấm nghiêm…” Nhưng cho dù truông nhà Hồ với Phá Tam Giang không còn trên thực địa thì phá Tam Giang đã bất tử qua bài thơ “Chiều trên phá Tam Giang” của Tô Thùy Yên, cộng hưởng phổ nhạc của Nhật Trường cũng rất hay nên hai ông đều có công lớn với văn học nghệ thuật nước nhà. Không cần lo hậu sự như Tố Như tiên sinh lo xa sau khi viết truyện Kiều, “Thế nhân tam bách dư niên hậu/ thiên hạ hà nhân khấp Tố Như…” Bài thơ, bản nhạc “Chiều trên phá Tam Giang” tự thân mang giá trị lịch sử trung thực trong tuần hoàn vũ trụ chỉ có lịch sử trung thực tồn tại. Hành tinh này vỡ tung do con người hay thiên nhiên thì lịch sử trái đất vẫn còn đó trong thiên hà, trong vũ trụ vì sự bất hoại của trung thực.

Hậu bối cớ chi phải bận lòng về tác giả tác phẩm “Chiều trên phá Tam Giang” khi bỗng minh tỏ được qua một việc nhỏ từ nghiềm ngẫm câu thơ “cảm ơn hoa đã vì ta nở…”

Tôi thường đi câu cá những lúc rảnh, bỗng thấy bên bụi cây dại ven hồ có cây hoa khẳng khiêu vươn lên đón nắng mặt trời, một bông hoa lạ nhưng rất đẹp, ngửi mùi cũng đê mê vì khó tả nên mượn lời nhà thơ Nguyễn Bính để diễn tả cho đúng được phần nào là “hương đồng cỏ nội” bởi bông hoa đơn sơ mộc mạc nhưng hương hoa quyến rũ trong tiết xuân về… Rồi mùa thu đến, hoa đã tàn bên đời hiu quạnh, bên hồ cô lẻ. Mùa đông lạnh không em thì em ở nhà có máy điều hoà còn lạnh teo nói gì hoa ngoài hồ một mình với tiếu đông phong. Nghĩ thế từ mùa thu năm ngoái nên tôi tuốt mớ hột đen trên cánh hoa tàn, đem rải dọc đường mòn băng qua bãi cỏ từ bãi câu ra chỗ đậu xe. 

Năm nay xuân đã về, sáng nay được một ngày nắng và trời không lạnh lắm. Tôi trở lại bãi câu vì thèm ăn cá mà ngoài chợ cá lên giá còn hơn con gái, cá tripper bass hôm nay ngoài chợ bán mười đồng một pound thì cắt cổ quá đi nên tôi đi câu. Nhưng niềm vui hơn được cá là hoa năm ngoái đã mọc trên lối đi quen… khà khà, hoa đào năm ngoái đây rồi. Rồi hoa sẽ ra nụ chừng tháng ba ấm trời, tháng tư mưa nhiều hoa trổ mã vươn cao, tháng năm hoa nở, tháng sáu kiêu sa, tháng bảy mặn mà, tháng tám ong bướm, tháng chín bói hạt, tháng mười sương sa… mùa lạnh lại về, đông tàn một đời hoa... Thôi thì vui đi khi hoa đã nẩy mần lên cây, xanh như mạ non. Hãy vui từng tháng thấy hoa trưởng thành tới lạnh hãy hay. Đừng suy nghĩ nhiều nên chợt hiểu đạo lý của cuộc sống: Hoa tên gì đâu quan trọng, ai tuốt hạt khô đem rải trên đường mòn cũng không cần biết tên. Điều quan trọng là từ một bông hoa dại ven hồ nhưng hữu sắc thiên hương nay đã thành loài hoa lác đác ven đường mòn, sang năm nữa, năm nữa… bãi câu có đường hoa khiêm tốn như hoa đồng nội nhưng đặc biệt là ở những nơi khác không có. Thơ-nhạc cùng vậy thôi, là cái đẹp trên đời cần tồn tại và phát triển, ai là tác giả, ai là người phổ biến đều không quan trọng; quan trọng là cái đẹp trong đời sống không mất đi mà phát huy… Tôi thầm mang ơn cố thi sĩ Tô Thùy Yên đã viết, “Cảm ơn hoa đã vì ta nở” Bông hoa dại còn không so đo người cảm ơn có đáng mặt không thì lòng người tự biết mình nhỏ mọn dường nào!

Tôi hiểu hơn về lời thơ phổ nhạc trong Chiều trên phá Tam Giang, “nhớ, ôi niềm nhớ đến bật tận…” như tôi đã nhớ một thời… thành nhớ một đời bất chấp thời gian vì nhớ đã sẵn trong gặp như Thanh Thâm Tuyền nhớ, “ôm em trong tay đã nhớ em những ngày sắp tới…” Nên tôi thích “Chiều trên phá Tam Giang”, thích lời thơ phổ nhạc, ‘Nhớ, ôi niềm nhớ đến bất tận…” nhớ như người lao công quét dọn hành lang nhớ thương xá đã đóng cửa… Tôi sẽ nhớ mãi thơ-nhạc làm cho cuộc sống thăng hoa, không quan trọng chuyện tác giả tác phẩm. Tôi như viên kẹo nhỏ/ lóc cóc trong miệng em. Em như cây nến đỏ/ thắp sáng linh hồn tôi… là thơ ai không quan trọng vì kẹo tan, nến tàn trong đời người ngắn ngủi. Thậm chí chưa nhắm mắt xuôi tay mà kẹo đã không còn dư hương, nến đã tắt đêm trường tăm tối. Chút hư danh trên đời có nghĩa gì đâu để phải rõ ràng danh phận. Làm đẹp cho đời quan trọng hơn ai là tác giả, cảm ơn hoa vì hoa cũng không biết xuất xứ của mình nhưng làm đẹp cho đời vô điều kiện nên hoa được người hiểu hoa nói lời cảm ơn từ trái tim độ lượng, lòng vị tha, nhân cách lớn…

Phan

(*Viết chưa xong bài viết hàng tuần đã nhận tin nhà thơ Phan Xuân Sinh vừa qua đời ở Houston do bệnh tim mạch ngày 28 tháng 02 năm 2024. Thêm một người anh xứ Quảng ra đi. Cha sanh mẹ đẻ anh nguyên vẹn, nhưng chiến tranh đã lấy mất của anh một bên chân khi anh làm sĩ quan Thám báo bên bờ sông Thạch Hãn năm 1972. Anh không oán hận gì vì từ trong khói súng mịt mù của mùa hè đỏ lửa anh đã từng viết cho người lính Bắc phương, “Nếu có thể ta gầy thêm cuộc nhậu/ bày làm chi trò chơi xương máu/ để đôi bên thêm mầm mống hận thù/ ta chán lắm rồi ba chuyện ruồi bu/ chỉ có bạn, có ta là người thua cuộc…

Bây chừ thì anh đã có thể đi uống rượu thoải mái với những người anh em bên kia chiến tuyến cho thoả lòng anh không thích hận thù, tâm anh chỉ thấy anh em một nhà chém giết lẫn nhau làm đau lòng cha ông dựng nước…

Chúc anh lên đường khoẻ nhẹ tâm linh sau cuộc đời nhiều uẩn khúc, thiệt thòi với chiến tranh và hoà bình trên quê hương chúng ta. Cảm ơn anh đã để lại cho đời, cho những thế hệ sau trái tim nhân hậu, lòng vị tha và ước nguyện hoà bình của một người con xứ Quảng, một nhà thơ đi giữa chiến tranh không hận thù…

Kính bái nhà thơ xứ Quảng, người lính Cộng Hoà Phan Xuân Sinh

Tiểu đệ
Phan

***************************
Bài thơ, “Uống rượu với người lính Bắc phương” của Phan Xuân Sinh.

hãy rót cho ta thêm cốc nữa đi
ngồi với bạn hôm nay làm ta hứng chí
chuyện ngày mai có chi đáng kể
dẹp nó đi cho khỏi bận tâm
thằng lính nào mà không rét lúc ra quân
khi xung trận mà không té đái
ta cũng có người yêu nhỏ dại
mỏi mắt trông chờ song cửa quê nhà
chuyện sống chết căn bệnh trầm kha
đâu dễ gì thoát vòng sinh mệnh
những thằng lính thời nay không mang thù hận
bạn hay thù chẳng một lằn ranh
thôi hãy uống. Mọi chuyện bỏ lại sau
nếu có thể ta gầy thêm cuộc nhậu
bày làm chi trò chơi xương máu
để đôi bên nuôi mầm mống hận thù
ta chán lắm rồi ba chuyện ruồi bu
chỉ có bạn, có ta là thua cuộc
người yêu của bạn ở ngoài phương Bắc
giờ này đang hối hả tránh bom
hay thẩn thờ dõi mắt vào Nam
để chờ người yêu mình trở thành liệt sĩ
rồi cũng sẽ quên, như bao điều suy nghĩ
tình yêu như một thứ điểm trang?
che đi chút dối lòng

uống với bạn đêm nay ta phải uống thật say
để không phải còn nhìn nhau hận thù ngun ngút

(những ngày đầu xuân 1972)

No comments:

Post a Comment